Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

 

Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, y tế, và an ninh. Đây là những nhu cầu cần thiết của Con Người trong cuộc sống để nâng đỡ lẫn nhau làm thăng hoa xã hội với mục đích giúp mọi người cùng tiến.

Nhu cầu vật chất ăn – mặc – cư trú

Lịch sử của loài người đã chứng minh -- Con Người ngồi lại với nhau, tương tác giữa một cá nhân với một cá nhân, cá nhân với xã hội, xã hội với cá nhân nhằm giải quyết cái căn bản nhu yếu của Con Người. Cái căn bản nhu yếu này dần dần gia tăng do sự nhận thức của Tri Thức Con Người và từ đó -- Con Người cũng như Xã Hội phải điều chỉnh nhu cầu nhu yếu theo từng thời đại của lịch sử.

Nhu cầu đầu tiên của Con Người là cái ăn, cái mặc. Thời nguyên thủy loài người, để giải quyết vấn đề này, những Con Người hợp tác với nhau để săn đuổi một con thú hầu cung cấp thức ăn và cung cấp da thú để bảo vệ thân vào mùa đông. Dĩ nhiên một cá nhân khó mà có thể săn một con thú lớn và mạnh hơn chính mình. Cho nên vì nhu cầu ăn – mặc, Con Người thời nguyên thủy đã hợp tác với nhau để tạo ra cái ăn -- không phải cho chính riêng mình mà cho những người đã hợp tác với chính mình. Đây là nhu cầu hữu tương, tự tính (tự động do nhu cầu sống còn của Con Người).

Đây là nhu cầu căn bản của Con Người từ thời nguyên thủy cho đến hôm nay. Từ cái thời chọn lối sống săn bắn đi hết chỗ này đến chỗ nọ; đến chọn định cư ở một địa phương để dựa vào sự cải cách đất đai -- trồng trọt những thức ăn để nuôi dưỡng Con Người và toàn thể cá nhân trong xã hội đó; hoặc chăn nuôi để tạo ra thịt-cá, cộng với ngũ cốc trồng trọt nhằm nâng cao cuộc sống vật chất, bảo đảm vật chất luôn luôn có đủ -- thay vì đi săn thì hôm có thú, hôm không có thú.

Cái nhu cầu vật chất này đã tạo cho loài người hiểu rằng, tất cả mọi người cần phải có ăn để sống, để đóng góp công sức vào công việc hằng ngày của xã hội. Trẻ nhỏ làm công việc của trẻ nhỏ, tuy không sản xuất ra sản phẩm nhưng vẫn được nuôi dưỡng với đầy đủ nhu cầu thức ăn cho cơ thể -- nhằm mục đích học tập từ người lớn để chuẩn bị tinh thần khi trưởng thành -- vào đời sống xã hội phải biết làm gì, đóng vị trí thích hợp trong xã hội nhằm mục đích giúp đỡ những cá nhân khác đạt được nhu cầu vật chất căn bản này.

Người già không còn nằm trong lực lượng sản xuất nhưng không có nghĩa là người già không có nhu cầu ăn-mặc. Người già hoàn thành vai trò trong xã hội của chính bản thân mình lúc sức khỏe cho phép.  Cho nên khi về già, xã hội phải có nhiệm vụ lo cái ăn cho người già chứ không phải bỏ bê như món đồ phế thải.

Những người bị bệnh lúc bẩm sinh hay bị tàn tật ở bất cứ thời điểm nào đó của cuộc đời, xã hội có trách nhiệm bảo đảm nhu cầu căn bản ăn-mặc của những cá nhân này. Đây không phải là gánh nặng xã hội mà là sự quan tâm của xã hội đối với những thành viên trong xã hội đã không may mắn trong cuộc sống bình thường của một Con Người.

Quan hệ giữa cá nhân và xã hội được tương tác lẫn nhau để mọi người trong xã hội có được nhu cầu đủ ăn và mặc. Cá nhân tương tác với xã hội và xã hội tương tác với cá nhân để cả hai (cá nhân và tổ chức xã hội) có thể cùng nhau thăng tiến cho nhu cầu vật chất này. Trong sự tác động này thì xã hội không thể nào có những người đứng ngoài đường ăn xin cho nhu cầu ăn-mặc của bản thân.

Lịch sử loài người chứng minh là cũng vì cái ăn mà dân tộc này đi đánh phá dân tộc khác để giành miếng ăn cho chính dân tộc mình. Đây là lối hành xử đi ngược lại căn bản của Con Người hay còn gọi là Nhân Bản Cương Thường (Lý Đông A gọi là Duy Nhân Cương Thường). Bởi mỗi Con Người trên thế giới này, không cần biết thuộc giống dân nào, có học hay vô học, tất cả những Con Người này đều có nhu cầu ăn-mặc. Khi một đất nước không có đủ thực phẩm để ăn thì chính những người dân trong xã hội đó phải tìm cách để giải quyết cái ăn trong chính xã hội mình đang sống. Nếu vẫn không giải quyết được thì cần kêu gọi sự giúp đỡ của các dân tộc khác trên thế giới chứ không thể nào đem quân đội để giành cái ăn-mặc của dân tộc khác. Hoặc dùng phương tiện kỹ thuật hiện đại như súng đạn để hăm dọa một dân tộc khác, bắt dân tộc khác cung cấp những thứ sản phẩm mà mình muốn, hoặc cướp giựt sản phẩm của một dân tộc khác.

Cần nên nhớ rằng, bất cứ cá nhân nào, bất cứ dân tộc nào dùng sức mạnh để cướp lấy tài sản, thức ăn của bất cứ Con Người nào trên thế giới này tức là đã vi phạm cái Nhân Bản Cương Thường, đi ngược lại xã hội tự tính bởi Con Người. Con Người ngồi lại với nhau để giải quyết nhu cầu vật chất qua sự hợp tác chứ không phải để cướp giựt vật chất của người khác, của dân tộc khác.

Dân tộc mình cần ăn để sống và dân tộc khác cũng thế. Không thể vì cái ăn của mình để rồi tiêu diệt một dân tộc khác; một hành động giống như loài thú, thì lối ứng xử này không phải là lối ứng xử của Con Người và lối ứng xử này đã đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường của lịch sử loài người để rồi chiến tranh tiếp tục xảy ra.

Khi nói về cái ăn thì không thể quên được cái ăn của hôm nay phải là những thức ăn không làm ảnh hưởng đến đời sống của Con Người. Ăn để rồi mắc phải bệnh ung thư, chết sớm thì đó là cái ăn độc hại, cần phải ngăn ngừa, cần phải tìm cách để những thức ăn độc hại không đưa vào xã hội tiêu thụ. Chính những cá nhân trong xã hội và chính cái cơ chế xã hội đó phải có trách nhiệm để không cho những thức ăn có hại đến sức khỏe lưu trữ trong xã hội hoặc đem bán ra ở một quốc gia khác. Không thể vì thức ăn đó có hại cho dân tộc mình nhưng nếu bán cho dân tộc khác thì không sao. Làm điều này đã đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường của Con Người. Mình không dám ăn bởi thức ăn đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình thì tại sao mình lại đem bán cho người khác, cho dân tộc khác? Người khác, dân tộc khác cũng là Con Người, đều có nhu cầu ăn để sống chứ không phải ăn để chết. Mình xem mạng sống của mình quý trọng còn mạng sống của người khác rẻ hơn hay chăng? Nếu người khác, dân tộc khác làm điều đó với chính bản thân mình, với chính dân tộc mình thì mình nghĩ sao về hành động trên?

Cái ăn-mặc không phải đơn giản chỉ là giải quyết cái ăn mà không cần biết hệ quả của cách giải quyết đó ra sao, có hại đến môi trường ra sao, có hại đến quốc gia khác ra sao.  Đây cũng chính là những vấn đề cần phải suy tư khi nghĩ đến cái nhu cầu căn bản ăn-mặc của Con Người.

Ngay cả chuyện mặc cũng cần phải quan tâm để không phung phí tài nguyên thiên nhiên. Ở những quốc gia giàu có, người ta thấy một người có cả mấy chục đôi giày, mấy trăm bộ áo. Hình ảnh này cho thấy từ nhu cầu nhu yếu đã trở thành phí phạm những nhu yếu. Dĩ nhiên không ai ngăn cấm chuyện mua sắm của mỗi người nhưng một người quan tâm đến xã hội, môi trường sẽ cảm thấy khó chịu khi nhìn hình ảnh phí phạm khi trên thế giới nhiều người không có giày để mang, không có đủ áo để mặc.

Ngoài nhu cầu ăn mặc Con Người cần có một chỗ cư trú để tránh mưa nắng, để nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả. Thường mỗi cá nhân trong xã hội cố gắng tạo cho mình một nơi cư trú nhưng không hẳn là ai cũng có thể đạt được chuyện này. Cho nên những ai không có nơi cư trú thì xã hội phải có trách nhiệm để giải quyết chuyện này. Một xã hội nhân bản không thể nào để cho những người vô gia cư sống lây lất trên đường phố, vỉa hè, hay dưới gầm cầu.

Bất cứ chính quyền nào làm áp lực với chủ nhà để đuổi những người mướn nhà chỉ bởi vì cá nhân đó lên tiếng đấu tranh cho công bằng, lẽ phải, tự do dân chủ thì chính quyền vi phạm nhân bản cương thường mà nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến là thí dụ điển hình.

Nhu cầu có chỗ cư trú của hôm nay bao gồm những điều kiện căn bản trong việc cư trú là điện, nước, và gas trong việc sưởi ấm vào mùa đông. Cho nên bất cứ ai, bất cứ chính quyền hay quốc gia nào, phá hủy hệ thống điện, nước, gas -- làm ảnh hưởng đến chỗ cư trú của người dân tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường. Hình ảnh quân đội Nga bắn phá vào nhà dân, vào hệ thống điện và nước trong mùa đông của đất nước Ukraine tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường. Hình ảnh chính quyền Do Thái cúp điện nước trong khu vực Gaza tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.

Tóm lại nhu cầu ăn-mặc-cư trú là nhu cầu của Con Người hay còn gọi là Nhân Bản Cương Thường. Những nhu cầu này cá nhân có thể tự lo nếu cơ chế tạo ra điều kiện (sẽ nói ở phần sau) và nếu cá nhân nào không có đủ khả năng để tự túc thực hiện nhu cầu này thì sẽ được các tổ chức xã hội dân sự cố gắng giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu nhiều cá nhân cần sự giúp đỡ đi ra ngoài khả năng của các tổ chức xã hội dân sự thì chính quyền phải có trách nhiệm và bổn phận lo cho những thành phần kém may mắn này.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/02/01/nhan-ban-cuong-thuong-nhu-cau-vat-chat/

 

 

Nhân Bản Cương Thường: Tinh Thần & Giáo Dục

 

Nhu Cầu Tinh Thần

Trong cuộc sống của mỗi người ngoài nhu cầu ăn-mặc, cư trú còn một nhu cầu khác thuộc về mặt tinh thần. Tinh thần phải được hiểu một nghĩa rộng lớn chứ không đơn thuần là mặt tâm linh.

Khi nói đến tâm linh là nói đến tôn giáo, tín ngưỡng. Tôn giáo, tín ngưỡng phải tách rời ra khỏi hệ thống cầm quyền. Có nghĩa là chính quyền hoàn toàn không tham dự vào các đoàn thể tôn giáo, các sinh hoạt trên lãnh vực tâm linh. Nhiệm vụ của chính quyền là để điều hợp các sinh hoạt của xã hội cho nhịp nhàng chứ không phải điều hòa tâm linh của mỗi cá nhân trong xã hội. Chuyện tâm linh là một lãnh vực hoàn toàn khác mà chính quyền không nên tham dự vào. Chính quyền nào xâm nhập vào tôn giáo để đưa ra chính sách kiểm soát tâm linh tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường. Chính quyền nào ngăn cản sự sinh hoạt của tín ngưỡng, của tôn giáo tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường. Chính quyền nào dựa vào niềm tin tôn giáo để đưa ra chính sách tức là đã vi phạm nhân bản cương thường mà chuyện phá thai (sẽ phân tích chi tiếc trong quyền thân thể của con người), hoặc chuyện bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quân đội mà ông thượng nghĩ sĩ, Tommy Tuberville, đã ngăn cản vì chủ trương của quân đội giúp đỡ những ai muốn phá thai là thí dụ điển hình.

Tôn giáo phải phục vụ Con Người cho nên bất cứ tín ngưỡng nào kêu gọi sự giết hại người khác, hoặc làm thiệt hại về mặt tài chính, tinh thần của những cá nhân khác tức là đã đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường. Bất cứ cá nhân nào dựa vào tín ngưỡng của mình để xem những tín ngưỡng khác là “kẻ thù” thì đã đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường. Bất cứ cá nhân nào dựa vào tôn giáo để lạm dụng tiền bạc, tình dục với các tín đồ tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.

Tinh thần được hiểu sau khi đã đạt được cái ăn-mặc, cư trú thì con người còn có nhu cầu phục vụ tinh thần qua văn hóa, liên hệ bạn bè, hoặc thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên. Tinh thần và vật chất là hỗ tương nguyên nhân được Lý Đông A coi như một trong những quy luật nền tảng về nhân bản. Bất cứ cá nhân, đảng phái, công ty, hoặc cơ cấu chính quyền nào ngăn cản liên hệ bạn bè, văn hóa, hoặc phá hoại thiên nhiên tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.

Nhu cầu giáo dục

Con Người khác con vật ở sự giáo dục. Giáo dục được hiểu ở một nghĩa rộng gồm cả tự bản thân giáo dục, gia đình giáo dục, xã hội giáo dục, và trường học giáo dục. Sự học hỏi của Con Người bắt đầu từ khi lọt lòng mẹ và tiếp tục học hỏi cho đến khi nằm xuống lòng đất thì mới chấm dứt sự học hỏi. Ai cho rằng sự học hỏi chấm dứt thì cá nhân đó đã không hiểu rõ học hỏi là gì.

Con Người sinh ra đều có những khả năng riêng biệt cho chính mỗi người. Những khả năng riêng biệt này ở nhiều trình độ khác nhau. Những khả năng này chỉ được phát triển khi có cơ hội được giáo dục nhằm mục đích phát hiện, bồi dưỡng khả năng đã có sẵn trong mỗi người. Đây là điều rất quan trọng bởi nếu sự giáo dục sai, không phát hiện đúng khả năng của cá nhân để cá nhân làm một công việc không phù hợp với khả năng của chính mình tức là hệ thống giáo dục đã giết hại đi những thiên tính (khả năng có sẵn) mà mỗi cá nhân đã có trong chính bản thân mình.

Gia đình giáo dục là trách nhiệm của cha mẹ. Tuy nhiên không hẳn cha mẹ nào cũng có trình độ giáo dục cho nên cần phải có một nơi để các cha mẹ học hỏi sự giáo dục con cái mình từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trẻ trưởng thành. Cần phải có một tổ chức sinh hoạt trong việc chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm gia đình giáo dục của các bậc cha mẹ với các cha mẹ khác. Chỉ khi nào cha mẹ hiểu được cái gì gọi là cương thường của con người (nhân loại) thì lúc đó sự ảnh hưởng của giáo dục gia đình mới có thể giúp đỡ đứa bé lớn lên hiểu rõ trách nhiệm của chính mình trong vị trí của cá nhân đối với gia đình, họ hàng, làng xóm, xã hội và quốc gia.

Cũng cùng thời gian đó, một hệ thống giáo dục từ nhà trường cần phải giúp đỡ các trẻ từ lớp mẫu giáo cho đến hết đại học. Cần phải có chính sách giáo dục miễn phí từ lớp mẫu giáo cho đến hết bậc đại học mà bậc đại học chỉ là sự lựa chọn chứ không phải là bắt buộc. Với kỷ nguyên mới, với những kỹ thuật mới của thế giới, một cá nhân trong xã hội phải học xong chương trình đại học và bộ máy nhà nước phải chú tâm vào việc giúp đỡ tất cả thành viên trong xã hội từ 5 tuổi đến 22 tuổi (hoặc người lớn chưa có bằng đại học) hoàn thành chương trình học miễn phí. Đây chẳng phải là điều mới, trái lại, một số nước ở Âu Châu (Na Uy, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Phần Lan) đã thực hiện chuyện này. Giáo dục là đào tạo Con Người có khả năng sáng tạo -- mà khả năng đó chỉ có dưới một nền giáo dục tự do để cá nhân đem sáng tạo áp dụng vào thực tế xã hội, giúp đỡ xã hội. Giáo dục là đào tạo Con Người để con người đó được trang bị tri thức nghề nghiệp hầu tạo cuộc sống cho bản thân và đóng góp cho xã hội ở tương lai.

Vậy thì giáo dục không phải là những giáo điều do nhà cầm quyền đưa ra như hệ thống giáo dục của VN hiện giờ.  Nền giáo dục để mỗi cá nhân thấy được bổn phận, trách nhiệm của chính mình trong tương quan giữa cá nhân với xã hội và xã hội với cá nhân. Nền giáo dục đó không phải là mục đích để làm giàu cho cá nhân sau này mà là để phục vụ gia đình, làng xóm, xã hội và quốc gia. Giáo dục nhà trường không thể nào đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường.

Khi đứa trẻ trưởng thành để hòa nhập vào xã hội thì xã hội giáo dục là hình thức của sự bồi dưỡng những gì đã được dạy dỗ từ gia đình và trường học. Xã hội giáo dục là bước học hỏi để đưa những gì đã học ở trường, ở nhà vào thực tế của đời sống xã hội. Xã hội giáo dục xảy ra ở các công sở, công ty, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức chuyên ngành v.v…. Khi cá nhân đã được đào tạo trên căn bản của Nhân Bản Cương Thường thì khi vào cuộc sống xã hội -- sẽ biến xã hội là một xã hội nhân bản hơn, quan tâm về Con Người nhiều hơn; sẽ tạo ra một cuộc sống thái bình trong xã hội mình đang sống và có thể lan tỏa ra ở những quốc gia khác trong cách ứng xử với nhau dựa vào Nhân Bản Cương Thường để hành động.

Nhu cầu giáo dục quan trọng không thua gì nhu cầu ăn-mặc bởi Lý Đông A đã nói “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị” mà “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Để có thể biết cách thiết kế cũng như chấp hành nhân sinh, Con Người cần phải được giáo dục dựa trên căn bản Nhân Bản Cương Thường.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/02/01/nhan-ban-cuong-thuong-tinh-than-giao-duc/

 

 

Nhân Bản Cương Thường: An Ninh & Y Tế

Nhu cầu an ninh

Con Người luôn luôn mong muốn bình an cho chính mình và gia đình mình. An ninh là một nhu cầu cần thiết. Nhu cầu an ninh để bảo đảm tính mạng, tài sản không bị cướp giựt. Con Người thời nguyên thủy đã tự động ngồi lại với nhau để bảo vệ lẫn nhau trên lãnh vực an ninh cho bản thân lẫn những vật chất đã tạo ra trong cuộc sống. Sự hình thành những bộ lạc hoặc xã hội ở phương diện rộng lớn là tạo được sự an ninh cho mỗi thành phần sống trong xã hội đó.

Nhu cầu an ninh này đi kèm theo là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội, trách nhiệm của xã hội đối với mỗi cá nhân sống trong xã hội đó. Cả hai bên phải tương tác, tuy có đối lập về quyền lợi nhưng trong cái đối lập này sẽ tạo ra một sự thống nhất để cả hai bên cùng có lợi. Khi cá nhân có sự an ninh thì cá nhân sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình trong xã hội để tạo một xã hội an ninh, không bị xáo trộn. Cá nhân tác động vào xã hội và ngược lại xã hội tác động vào cá nhân để thực hiện nhu cầu an ninh thành thực tiễn trong cuộc sống của mỗi người, trong cuộc sống của xã hội.

Không thể nào có một xã hội an ninh khi mà chính cá nhân trong xã hội đó không có sự an ninh. Từ sự mất an ninh của cá nhân sẽ dẫn đến sự mất an ninh của xã hội mà tình trạng VN là một thí dụ điển hình. Sự mất an ninh này được hiểu ở một nghĩa rộng lớn. Tình trạng tham nhũng, hối lộ, và sự đàn áp quyền tự do của con người đã tạo xã hội VN mất an ninh và từ đó -- tham vọng của Tàu cộng càng ngày càng hiện rõ hơn trên lãnh thổ VN mà nhà cầm quyền VN không giải quyết được bởi xã hội hoàn toàn không có an ninh.

Nhà cầm quyền VN bỏ công sức để đàn áp người dân thay vì cùng người dân bảo vệ an ninh, lãnh thổ của dân tộc. Khi chính người dân không có sự an ninh cho bản thân thì sự an ninh cho dân tộc cũng chẳng tốt hơn bởi quan hệ giữa cá nhân và xã hội là quan hệ hữu tương. Khi những con người sống trong xã hội đó không có quyền tham dự vào việc bảo vệ an ninh cho chính mình, khi người lãnh đạo trong xã hội tiếp tục đàn áp tinh thần lẫn thể xác của người dân thì làm sao có chuyện người dân thực hiện an ninh cho xã hội và dân tộc khi giặc ngoại xâm âm thầm thôn tính đất nước bằng hình thức kinh tế, hiệp ước an ninh -- bảo vệ lãnh thổ mà Trung Cộng đang cùng đãng (cố ý viết sai dấu) csvn tiến hành từng bước một.

Vậy thì bất cứ quốc gia nào, bất cứ dân tộc nào, bất cứ nhà lãnh đạo nào làm ảnh hưởng đến nền an ninh của một quốc gia, của một dân tộc, hoặc của một cá nhân trong xã hội tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường. An ninh không những về mặt thể xác mà cả tinh thần, kinh tế, lãnh thổ, tài nguyên, môi sinh.

Có an ninh thì mới có hòa bình. Tự do là ngôn ngữ dễ gây hiểu lầm về khả năng hành động của cá nhân trong xã hội. Chỉ khi nào giáo dục đem lại sự tự chủ nơi con người để sống thích hợp với xã hội và thiên nhiên mới đem lại an ninh, hòa bình cho nhân loại.

Nhu cầu y tế

Nhu cầu y tế của hôm nay quan trọng hơn bao giờ hết bởi Con Người của hôm nay đang đối diện với một xã hội tân tiến nhưng đồng thời cũng đối diện với những cơn bệnh do sự tân tiến của xã hội tạo ra. Những phương tiện vật chất của thế kỷ hôm nay được sản xuất không ít thì nhiều đều có hóa chất và những hóa chất này đã làm sản sinh ra những căn bệnh mà mấy trăm năm trước không có. Chính vì thế nhu cầu y tế được xếp vào nhu yếu.

Tất cả mọi người đều phải được lo lắng về sức khỏe khi bệnh hoạn mà không cần biết là cá nhân đó có tiền hay không có tiền. Cơ quan nhà nước phải trợ giúp tài chính cho những công ty sáng chế ra những thuốc mới để giúp cho người bệnh tốt hơn. Các công ty nhận tiền của nhà nước hay không nhận tiền của nhà nước, khi sáng chế ra một loại thuốc nào đó, mục đích là để phục vụ xã hội chứ không phải để làm giàu như giới tư bản công ty thuốc ở tại Mỹ. Tất cả các công ty, các cơ quan có tầm ảnh hưởng đến ngành y tế đều phải được sự giúp đỡ của nhà nước, đồng thời phải chịu sự giám sát giá cả của nhà nước để thành phần dân chúng sống trong xã hội có khả năng trả tiền những loại thuốc cần thiết cho bản thân.

Làm giàu trên sức khỏe của con người là một hình thức làm giàu không có lương tâm bởi người xưa thường nói “lương y như từ mẫu”. Câu nói này không còn phù hợp với thời đại của hôm nay; trái lại, phần đông những công ty, những cá nhân làm trong ngành y khoa đều là để làm giàu thay vì là để giúp xã hội. Ngành y khoa của Việt Nam hiện giờ còn khủng khiếp hơn nữa bởi nhân viên làm việc tại các bệnh viện VN xem bệnh nhân như là một con vật chứ không đối xử như một Con Người đối với Con Người.

Bất cứ nhà lãnh đạo nào mà không lo được y tế cho tất cả những người sinh sống trong xã hội, trong quốc gia đó tức là lãnh đạo đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.

Tuy rằng y tế là nhu yếu nhưng không phải ai cũng có thể tự chữa bệnh cho mình, cho nên tất cả mọi người đều phải mua bảo hiểm y tế cho chính những cá nhân trong gia đình của mình với giá cả tùy theo khả năng tài chính của mỗi cá nhân. Bảo hiểm y tế thuộc dạng nào (đóng thuế, hay bỏ tiền ra mua) là do quyết định của những người chuyên môn trên lãnh vực tài chính để đưa ra một giải pháp khả thi nhằm bảo đảm mọi người có bảo hiểm y tế -- để khi cần thì không phải bán hết cả tài sản dành dụm suốt cuộc đời đi làm như tình trạng y tế của Mỹ hiện giờ.

Mỗi cá nhân sống trong xã hội có nhu cầu y tế và phải được xã hội tìm cách giải quyết nhu cầu đó. Tuy nhiên, mỗi cá nhân sống trong xã hội cần phải có tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình, nghĩa là không làm những chuyện có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình để bắt toàn xã hội gánh cái hành động vô trách nhiệm đó. Thí dụ: một cá nhân không có ý thức trách nhiệm, dùng loại chất kích thích tố vào người để rồi phải bất tỉnh, đưa vào nhà thương cứu cấp. Hình ảnh những người Mỹ nghiện thuốc opioid để rồi bất tỉnh là những người vô trách nhiệm với bản thân. Đây là hành động vô trách nhiệm của cá nhân để làm thiệt hại đến ngành y tế, đến toàn xã hội. Cần phải có biện pháp để tránh những cá nhân không có tinh thần trách nhiệm với bản thân mình, làm hại đến hệ thống y tế hiện có dành cho mọi người.

Cần phải giáo dục các cá nhân sống trong xã hội hiểu được tinh thần hiến tặng thân thể nếu chẳng may mình phải qua đời thì có thể cung cấp những bộ phận trong cơ thể cho những người bệnh cần thay thế những bộ phận trong con người. Đây chính là lối sống và ứng xử có trách nhiệm, nhân bản với xã hội -- cho dù mình nằm xuống, vẫn có thể đóng góp phần cuối cùng của thân thể cho người khác trước khi thân thể mình được thiêu táng hay chôn cất. Cần phải nhấn mạnh đây là sự hiến tặng, giúp đỡ và người hiến tặng, giúp đỡ hoàn toàn không nhận một phần thưởng tài chính nào. Đây là điểm chính để tránh tình trạng mua bán bộ phận thân thể của con người. Bất cứ sự mua bán bộ phận của con người tức là đã đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường.

Y tế chỉ là yếu tố giúp đời sống con người khả quan hơn nhưng chỉ khi nào con người được giáo dục để nắm vững sinh mệnh bản thân mà không xâm phạm đời sống của cá nhân khác để tồn tại.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/02/15/nhan-ban-cuong-thuong-an-ninh-y-te/

 

 

Nhân Bản Cương Thường: Nòi Giống & Hợp Tác

Nhu cầu phát triển nòi giống

Khi đã có đủ ăn, đủ mặc, chỗ ở để khỏi bị lạnh thì Con Người có một nhu cầu khác là phát triển giống nòi. Từ một cá nhân hợp tác với những cá nhân khác để giải quyết cái ăn, cái mặc, chỗ ở thì nhu cầu kế đến là một cá nhân Nữ hợp tác với một cá nhân Nam để giữ nòi giống không bị diệt chủng. Đây cũng chính là sự tự tính (thiên tính) nhằm mục đích phát triển nòi giống. Gia đình được hình thành bởi do nhu cầu phát triển giống nòi.

Trong tiến trình phát triển nòi giống này, chữ Trinh trong cuộc sống gia đình được nhà tư tưởng Lý Đông A nhắc đến. Trinh ở đây phải hiểu là một vợ, một chồng. Trinh ở đây là chuyện phát triển nòi giống không phải bạ đâu phát triển đó mà là sự phối hợp duy nhất giữa một người Nam với một người Nữ để sinh con đẻ cái; chỉ làm chuyện phát triển giống nòi với người vợ, người chồng của mình thôi chứ không phải làm chuyện này với tất cả mọi người.  Trinh ở đây được hiểu là có cùng huyết thống thì không thể làm chuyện phát triển giống nòi như anh lấy em, cha lấy con, mẹ lấy con, hoặc họ hàng có quan hệ huyết thống lấy với nhau.

Con Người khác loài thú là ở chỗ Trinh này. Loài thú thì đực-cái cứ mặc sức làm chuyện truyền giống mà không cần biết sự quan hệ máu mũ ra sao, hoặc làm chuyện truyền giống với bất cứ con vật đồng loại khác phái bởi loài thú không có tri thức để hiểu chuyện truyền giống này cần phải có tính Trinh.

Sự phức tạp của xã hội hiện đại đã làm cho Con Người không đặt nặng nhu yếu phát triển giống nòi để cuối cùng tạo ra sự lão hóa mà các xã hội tân tiến như Nhật, Âu Châu đang gặp phải. Lực lượng lao động tại Nhật không có đủ người để cung cấp cho nhu cầu việc làm của các cơ sở thương mại. Theo số thống kê của năm 2021, số người trên 65 tuổi ở Nhật là 36.21 triệu (29.8% tổng số dân) và số người dưới 14 tuổi là 14.78 triệu (11.8% tổng số dân).  Cho nên nhu cầu này cần có sự tác động của người lãnh đạo trong việc giới hạn giờ lao động để mỗi Con Người ở tuổi trưởng thành có thời gian dành cho chính bản thân và gia đình -- hầu tạo điều kiện phát triển giống nòi không bị lão hóa như ở các nước tân tiến hiện nay. Cần phải có chính sách cho vấn đề phát triển giống nòi để dân số không đi quá đà và đồng thời cân bằng lực lượng lao động với lực lượng không còn sức lao động để tránh tình trạng lão hóa như các nước tân tiến đang đối diện.

Gia đình là nền tảng của xã hội cho nên sinh hoạt của gia đình cần phải được nghiên cứu để có chính sách ưu đãi hầu tạo điều kiện cho mọi người -- ngoài chuyện làm kinh tế để sống thì có thời gian để tạo ra nền tảng gia đình cho chính bản thân, hầu đóng góp trong tiến trình tránh lão hóa ở những quốc gia phát triển kinh tế quá cao. Chuyện này có thể thực hiện được nếu có hệ thống giáo dục nhân bản, mục đích để đào tạo ra Con Người thay vì đào tạo ra nhân tài nhưng thiếu nhân bản, nhân tính, nhân sinh, nhân cách, nhân chủ.

Những gì đi ngược lại tự nhiên cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng đặc biệt trong hệ thống gia đình. Chuyện dùng khoa học kỹ thuật để tạo ra đứa bé trong phòng thí nghiệm là chuyện đi ngược lại sự tự nhiên của Con Người cho nên cần phải ngăn cấm. Ngay cả dùng khoa học kỹ thuật để tạo ra bào thai trong bụng phụ nữ cũng cần phải có luật pháp quy định rõ ràng về tuổi tác của người phụ nữ bởi không thể nào thực hiện chuyện này với người phụ nữ trên 60 tuổi, cái tuổi mà hệ thống kinh nguyệt đã hết và nhu cầu sinh đẻ không còn phù hợp ở lứa tuổi này.

Sự phát triển nhân số của loài người phải phù hợp với thiên nhiên và xã hội. Bất cứ quốc gia, văn hóa, tôn giáo nào chủ trương phát triển qua sự đàn áp, tiêu diệt dân tộc khác hay chiếm hữu tài nguyên để hủy diệt dân tộc khác là đi ngược lại tinh thần Nhân Bản Cương Thường.

Nhu Cầu Hợp Tác Xã Hội

Phần cuối cùng của nhu yếu là nhu cầu hợp tác xã hội. Đây là nhu cầu cần thiết của những cá nhân sống trong xã hội đó. Tương quan (hỗ tương) giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội là tương quan cần thiết để tạo cho cá nhân được thăng tiến trong cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Tương quan này sẽ tạo ra những tổ chức xã hội dân sự tự giúp đỡ những thành phần trong xã hội (có những điểm tương đồng giống nhau) hầu giúp chính cá nhân và chính tổ chức xã hội lớn mạnh để tạo ra một xã hội nhân bản hơn, kiện toàn hơn, an ninh hơn.

Các tổ chức xã hội dân sự ngoài việc giúp đỡ các thành phần cần sự giúp đỡ, các tổ chức xã hội dân sự đóng góp một công sức rất lớn vào việc xây dựng một cơ chế quản trị chính trị không đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường. Với nhiều tổ chức xã hội dân sự với những nghề nghiệp khác nhau, kinh nghiệm khác nhau sẽ nâng đỡ lẫn nhau trong hệ thống sinh hoạt của toàn xã hội trên toàn quốc nhằm mục đích tạo sự thống nhất, đồng nhất.

Sự sinh hoạt các tổ chức xã hội dân sự tạo căn bản cho sự học hỏi trong xã hội giáo dục. Cách làm việc của các tổ chức xã hội dân sự với ý thức trách nhiệm cao, với tinh thần phục vụ xã hội, với mục đích để nâng đỡ thành viên và các thành phần khác trong xã hội cùng nhau thăng tiến sẽ tạo ra một xã hội nhân bản, nhân tính, và nhân chủ.

Nếu gia đình đóng yếu tố chính trong việc hình thành xã hội tốt hay xấu thì các tổ chức xã hội dân sự là yếu tố thứ hai trong tiến trình xây dựng một xã hội mà mọi người cùng tiến, cùng nhận lãnh trách nhiệm trong hệ thống chính trị được hiểu theo nghĩa là “thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Không ai hiểu rõ đời sống của người dân bằng các tổ chức xã hội dân sự, được hình thành từ những cá nhân quan tâm về con người và xã hội, bám sát vào đời sống thực tế của người dân. Các tổ chức xã hội dân sự sẽ làm giảm gánh nặng của cơ cấu chính quyền trong việc điều hành sự sinh hoạt của quốc gia, đặc biệt dính dáng đến đời sống của người dân.

Cho nên sự hợp tác xã hội qua hình thức của các tổ chức xã hội là nhu cầu nhu yếu của xã hội mà một chính quyền nhân bản cần phải tạo đủ mọi điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự hình thành, hoạt động hữu hiệu với luật pháp bảo đảm hầu tránh tình trạng những tổ chức xã hội dân sự giả mà đãng (cố ý viết sai dấu) cộng sản Việt Nam hình thành để đánh đồng giữa các tổ chức xã hội dân sự độc lập và tổ chức xã hội dân sự do đãng chỉ đạo.

Nhu cầu nhu yếu của Con Người được trình bày bên trên có thể thay đổi theo thời gian bởi ở mỗi thời điểm của lịch sử, nhu yếu của Con Người luôn luôn thay đổi. Trong tinh thần của tư tưởng Duy Dân, chúng ta phải biết thay đổi theo nhu cầu của thực tế chứ không thể cứng nhắc trong những nhu yếu của Con Người. 

Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), an ninh, tinh thần, giáo dục, y tế, hợp tác xã hội (tương quan giữa cá nhân với xã hội và ngược lại) để làm cho cuộc sống của Con Người thăng tiến hơn trong chiều hướng hướng thượng.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/02/15/nhan-ban-cuong-thuong-noi-giong-hop-tac/

 

 

Con Người và Xã Hội

 

Bạn đấu tranh cho người dân oan tại Việt Nam. Hành động này đã làm cho gia đình bạn bị sách nhiễu về tinh thần, tài chính, công ăn việc làm. Vì quan tâm đến xã hội (người dân) bạn đã không sợ hãi những sách nhiễu từ giới công an tại Việt Nam. Đây là hành động rất ít ai can đảm làm tại Việt Nam như bạn đã làm.

Sự quan tâm đến xã hội của bạn đưa đến câu hỏi, bạn có quan tâm về Con Người hay không?

Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng đã quan tâm đến xã hội tức là quan tâm về Con Người. Điều này không đúng lắm. Bởi có những người tù lương tâm đấu tranh cho lẽ phải, công bằng, tự do -- tức là họ quan tâm đến xã hội nhưng họ lại không quan tâm về Con Người -- từ đó họ sẵn sàng ủng hộ những cá nhân thiếu nhân cách, tư cách và nói dối không biết ngượng.

Bài học Hồ Chí Minh, một người nói dối, tự mình viết sách ca ngợi mình, sẵn sàng đóng vai giả khóc để dùng tâm lý xoa dịu nỗi đau của người dân trong vụ Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc sau khi đất nước chia đôi; sẵn sàng để đàn em thanh toán người tình của mình. Đó là bài học của một cá nhân thiếu nhân cách, nhân phẩm, nhân tính. Đó là bài học của kẻ gian dối mà người Việt đã sớm quên đi.

Con Người đóng vị trí rất quan trọng để xây dựng hoặc làm ảnh hưởng đến xã hội. Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam là thí dụ điển hình khởi đầu bằng những con người như Hồ Chí Minh. Một thí dụ khác đó là lịch sử của Hitler, dùng tài hùng biện để tạo sự tin tưởng từ thường dân Đức, sẵn sàng ủng hộ Nazi để thực hiện mộng bá chủ và diệt chủng tộc Do Thái. Cả hai cá nhân, Hồ Chí Minh và Hitler, gian hùng, xảo trá, không có nhân phẩm, nhân cách của một con người; đã làm ảnh hưởng đến xã hội và thế giới.

Người dân Đức dưới sự lãnh đạo của Hitler và người dân Việt dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, rất nhiều người Việt và Đức ủng hộ hai nhân vật trên để tạo ra hậu quả khủng khiếp cho dân tộc mình và những dân tộc khác. Đơn giản là người thường dân đã không nhìn ra được mặt trái, sự khủng khiếp của sự gian ác, độc tài của hai cá nhân lịch sử bên trên.

Bạn là người có sự hiểu biết và chính sự hiểu biết đó bạn đã đứng lên giúp người dân oan thưa kiện giới cầm quyền. Nhưng khi đánh giá về một nhân vật đang mang nhiều tai tiếng trong giới chính trị Mỹ, ông Trump, thì bạn cho rằng ông Trump được nhiều người ủng hộ tại Mỹ và cả thế giới. Bạn hoàn toàn không nhìn những lời nói dối của Trump, không nhìn những hành động sách động bạo lực của Trump, không nhìn lối ứng xử của Trump đối với những người đã từng phục vụ cho mình nhưng giờ phải lên tiếng nói lên cái sai trái hay sự độc tài của Trump. Trump sử dụng người như cộng sản, trung thành thì nâng, quý trọng nhưng không trung thành thì xem như rác.

Bạn có biết chăng, bà Clinton với con số người bỏ phiếu cho bà trong năm 2016 là 65 triệu phiếu trong khi đó Trump chỉ có 62 triệu phiếu? Nếu nhìn vào lá phiếu của người dân thì không thể nào cho rằng Trump được nhiều người Mỹ ủng hộ. Trump thắng cử năm 2016 bởi do hệ thống đại cử tri đoàn của Mỹ chứ không phải dựa vào tổng số phiếu của người dân trên toàn đất Mỹ. Bởi nếu dựa vào số phiếu của người dân trên toàn đất Mỹ thì Trump thua bà Clinton 3 triệu phiếu. Thành ra câu nói của bạn là Trump được nhiều người ủng hộ không đúng lắm mà bạn chỉ nhìn vào bề ngoài thay vì nhìn vào sự thật của những con số, của những người thầm lặng xem Trump là người muốn trở thành độc tài của hệ thống chính trị Mỹ.

Bạn có biết Trump đã từng nói dối trên 30 ngàn lần trong lúc làm tổng thống hay không? Hồ Chí Minh, Hitler đã từng nói dối với dân tộc mình để kết quả ra sao thì bạn đã từng biết. Cho nên bạn chỉ nhìn bên ngoài mà không nhìn sự thật của sự thật, không quan tâm về Con Người của những người lãnh đạo thì sự lập lại của lịch sử sẽ tiếp tục diễn ra.

Dĩ nhiên không phải bạn là người duy nhất nhìn bề ngoài của Trump mà gồm cả những người Việt đã từng sống tại Mỹ trên 40 năm, họ vẫn chưa rút ra được bài học lịch sử của người Việt đối với Hồ Chí Minh, cộng sản và họ chỉ nhìn bề ngoài, lời nói chống Tàu của Trump (áp đặt thuế xuất nhập khẩu không phải là chống Tàu như người Việt nghĩ). Đã có người Việt thú nhận là ủng hộ Trump đơn giản là những lời Trump nói làm cho sướng tai chứ không quan tâm về nhân phẩm, nhân cách của Trump. Sự không quan tâm đó đã tạo ra Hồ Chí Minh, Hitler và những nhà độc tài khác.

Biết đến bao giờ người Việt nhìn về mặt Con Người đối với những nhà lãnh đạo? Lãnh đạo nào nói dối thì là người thiếu nhân phẩm, nhân cách và sẽ tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội mà Hồ Chí Minh, Hitler là bài học của lịch sử vẫn còn đó. Hôm nay xuất hiện Trump thì liệu người Việt đã tỉnh giấc sau cơn mê Trump và đánh giá con người Trump giống như con người Hồ Chí Minh và Hitler?

Trần Thị Lan Anh

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/02/24/con-nguoi-va-xa-hoi-4/

 

 

 

 

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...