Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Địa Vị Xã Hội

Một nước Việt tương lai cần có những con người thay đổi cái nhìn về địa vị xã hội.

Thông thường chúng ta đánh giá con người qua địa vị xã hội và đây là một sai lầm trong cuộc sống. Địa vị của cá nhân trong xã hội, hoặc quá khứ của cá nhân đó hoàn toàn không nói lên được con người hiện tại của cá nhân đó ra sao.

Địa vị xã hội thường hay dễ thấy qua chức vụ nghề nghiệp hay qua sự giàu có của cá nhân đó. Một người giữ chức vụ bộ trưởng hay một người giàu có nổi tiếng, nếu cả hai đều tận lực góp sức giúp xã hội cùng tiến lên thì sẽ được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Nhưng một người khác, bác nông dân chẳng hạn, cũng tận lực góp sức trong việc xây dựng xã hội và thành quả không thua gì anh bộ trưởng hay người giàu có thì có mấy ai biết đến.

Cũng với thí dụ bên trên, nếu anh bộ trưởng lợi dụng vị thế cầm quyền của mình, ngoài việc giúp xã hội anh ta tìm cách thủ lợi về tài chính bằng cách những hợp đồng của chính phủ cho đề án nào đó, anh ta tìm cách đưa cho người thân trong gia đình mình lấy những hợp đồng đó hầu tạo quyền lợi tài chính cho bản thân và gia đình. Nếu anh giàu có, bóc lột (hoặc lợi dụng) những người tiêu thụ để tạo ra sự giàu có cho mình và anh ta bỏ một số tiền to lớn để giúp xã hội như xây dựng một cơ sở trường học để tạo tiếng tốt cho mình. Hành động của hai người trên có hai kết quả khác nhau (vừa làm tốt nhưng vừa làm xấu để giàu có) cần phải đánh giá ra sao nếu chỉ nhìn qua mặt bề ngoài của địa vị xã hội?

Thói thường của con người, không cần biết thuộc giống dân nào, đều đánh giá con người qua địa vị xã hội. Rất ít người nhìn con người vào việc làm, lời nói, cách ứng xử với người khác trong xã hội và cái kết quả của ứng xử đó ra sao.

Hãy nhìn qua quan niệm ứng xử của nhân viên hãng máy bay Southwest. Chủ nhân hãng máy bay Southwest, ông Herbert Kelleher, nói “chức vụ và chức danh không mang ý nghĩa gì. Những thứ đó chỉ là đồ trang điểm. Nó không nói lên được bản chất của bất cứ cá nhân nào. Tất cả mọi người, tất cả mọi công việc đều có giá trị như bất cứ người nào hay công việc nào”. Nhân viên lo việc sắp xếp người vào máy bay nói “dù bạn có bằng đại học hay chỉ là chứng chỉ trung học chẳng có gì khác biệt. Công ty Southwest không xem địa vị quan trọng mà là bạn làm việc có hiệu quả và tích cực hay không. Không ai xem công việc của người khác là điều hiển nhiên. Người lấy hành lý của khách hàng đưa vào máy bay cũng quan trọng như người phi công”.

Những câu nói trên cho thấy hãng máy bay Southwest, từ người chủ nhân cho đến nhân viên, đánh giá con người qua việc làm chứ không qua chức vụ, địa vị trong xã hội. Điều này ít xảy ra ở những công ty khác mà họ luôn xem trọng những người có địa vị, chức vụ cao và xem thường những người không có chức vụ trong công ty.

Trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng như trong nước, những người sinh hoạt trong cộng đồng, những người đã từng là tù nhân lương tâm thường hay được đánh giá qua quá khứ, chức vụ trong cộng đồng, hoặc những việc làm mang tính chất bất vụ lợi nhưng ít ai thắc mắc về hiệu quả của những công việc đó ra sao hoặc nhân cách ứng xử của những người đó ra sao.

Có một ít cựu tù nhân lương tâm, trong quá khứ họ đấu tranh dân chủ cho Việt Nam để bị đi tù. Đây là hình ảnh đẹp của quá khứ. Nhưng hình ảnh này không nói lên được bản chất hiện tại của họ ra sao khi chính những người này sẵn sàng tung tin giả, nói những điều không có thật thì cái quá khứ đó sẽ không có giá trị gì ở hiện tại khi chính bản thân họ tung tin giả cho rằng bầu cử năm 2020 tại Mỹ là có gian lận mà không cần biết có chứng cớ hay không chứng cớ. Đây là lối ứng xử chụp mũ (nói những điều không có, không đúng sự thật) như lối ứng xử của người cộng sản. Đấu tranh chống cộng sản mà dùng phương pháp giống cộng sản thì phải chăng cần phải đánh giá lại về những con người đấu tranh trên?

Cái lối suy nghĩ để đánh giá về một Con Người của người Việt từ lâu thường hay dựa vào địa vị xã hội, sự giàu có, bằng cấp, hay quá khứ đấu tranh cần phải thay đổi và loại bỏ lối suy nghĩ cũ, hoàn toàn sai lầm. Tất cả những thứ trên hoàn toàn không nói lên được nhân cách, tư cách con người hiện tại của cá nhân đó.

Sự khác biệt giữa hai cá nhân A và B không phải ở cái địa vị xã hội hay quá khứ làm việc mà là ở nhân cách và tư cách hiện tại của chính bản thân của mỗi người. Đấy chính là thước đo để đánh giá mỗi con người trong đời sống xã hội trong cái thời điểm hiện tại.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/02/24/tu-duong-thang-nhan-dia-vi-xa-hoi/

 

Kiến Thiết Dưới Góc Nhìn Của Lý Đông A (P1)

Trong Chu Tri Lục 5 cụ Lý nói về sự Kiến Thiết và được chia ra làm 9 phần: Nhu Yếu Của Kiến Thiết, Bối Cảnh Của Kiến Thiết, Nền Tảng Của Kiến Thiết, Phương Châm Của Kiến Thiết, Triển Khai Của Kiến Thiết, Nguyên Tắc Của Kiến Thiết, Biện Chứng Của Kiến Thiết, Đấu Tranh Của Kiến Thiết, và Đạo Đức Của Kiến Thiết. (*)

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về từng phần một mà cụ Lý nhắc đến để đem so sách với lịch sử và rút ra bài học cho tương lai.

Nhu Cầu Của Kiến Thiết

Tất cả những thảm thương mà quốc dân ta đang phải chịu đựng, xui nên bởi những cái bất hợp lý của thống trị thực dân với những cái đồi bại của văn hóa cũ, sản sinh nên tất yếu cuộc cách mạng Duy Dân tiêu diệt xâm lược, phá đổ chế độ áp bức trong với ngoài để thành lập một đời sống quốc dân mới, trên một nền tảng văn minh mới. Cho nên kiến thiết là mục đích tích cực của cách mạng. Kiến thiết thành công là chân chính cách mạng thành công. Mà kiến thiết thành công là văn hóa thành công, Thái Bình thành công. Cách mạng ở đó chỉ là giai đoạn quá độ của kiến thiết, cũng như phá hoại chỉ là công cụ lâm thời của kiến thiết. Có cách mạng và phá hoại mới có y cứ mà kiến thiết được. Nhưng mà kiến thiết thất bại còn quan hệ hơn là cách mạng thất bại: nó là lịch sử thất bại, Thái Bình thất bại. 

Sách lược cách mạng của chúng ta cho chúng ta hay rằng: 

Lực lượng chúng ta đem vào cách mạng thuần túy và tuyệt đối phá hoại chỉ phải nhu yếu có chừng, mà lực lượng chúng ta dành vào kiến thiết mới là vô hạn. Chúng ta phải bả ác thực tế cho được thành công tất nhiên. 

Cái lo lắng lớn của chúng ta ở đó, cho nên cả những công việc làm để hoàn thành cái trục chuyển dời sang kiến thiết, đáng được chúng ta gắng sức vào, cũng như công việc chuẩn bị cho từ tĩnh viên vào động viên, công việc chuẩn bị để xúc tiến và hạn định được cái cực hạn tuyến của phá hoại, kiến thiết bả ác một điều kiện thành công ở đó” (LĐA)

Thời điểm của cụ Lý, đất nước ta đang bị sự đô hộ của thực dân Pháp. Thời điểm hôm nay chúng ta đang bị đô hộ bởi Trung Quốc mà các thái thú thời đại là đãng csvn. Sự tàn bạo của đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) csvn đối với dân tộc đến hôm nay ai cũng nhìn rõ ngoại trừ chính những người trong đãng csvn (họ cũng nhìn thấy như họ dùng biện luận cho sự tàn bạo này). Ngay cả đối với thế giới, đãng csvn không tuân thủ theo luật lệ và vẫn xử dụng luật rừng để bắt Trịnh Xuân Thanh ngay trên lãnh thổ của Đức, xem thường luật lệ của quốc gia mà nhà cầm quyền VN chỉ là khách.

Đãng csvn “thành công” trong cách mạng nhưng đã thất bại trên mặt kiến thiết. Đừng đem cái thời điểm 1975, 1980 để so sánh với thời điểm hôm nay và cho rằng là đãng csvn thành công trong vấn đề tạo ra cái ăn, cái mặc cho người dân. Cái ăn, cái mặc đó chỉ là bề ngoài trong khi thực tế VN nợ thế giới rất nhiều và những món nợ này sẽ do chính người Việt phải trả, cho dù sau này có sáp nhập vào Tàu.

Tuy nhiên chuyện sáp nhập vào Tàu này có thể xảy ra hoặc có thể không xảy ra nếu toàn dân tộc Việt nhìn được vấn đề là các thái thú thời đại của Tàu đang hành hạ dân tộc Việt. Nếu nhìn ra được vấn đề này, thời gian sẽ chuyển sức mạnh của dân tộc thành một Hội Nghị Diên Hồng để đánh đuổi các thái thú thời đại về Tàu trong thế kỷ 21 này.

Nếu cho rằng cuộc Cách Mạng cứu nòi giống Việt hôm nay rất là khó khăn thì công việc Kiến Thiết nước Việt sau khi thoát Cộng và thoát Tàu khó trăm ngàn lần cuộc Cách Mạng cứu nòi giống. Nếu cuộc cách mạng thành công nhưng cuộc kiến thiết thất bại thì chính cuộc cách mạng đã thất bại.

Cần phải nhận định rõ là Cách Mạng chỉ là giai đoạn quá độ của Kiến Thiết. Tức là trong cách mạng (phá bỏ cái cũ) tức là đã Kiến Thiết. Tuy nhiên cái phá hoại này chỉ là công cụ tạm thời mà sau khi cách mạng thành công, công việc phá hoại phải được nhìn lại (cái gì cần bỏ, cái gì cần giữ lại) để thực hiện kiến thiết. Lịch sử chứng minh sau khi csvn đánh chiếm miền Nam, thay vì ngưng ngay sự phá hoại thì họ tiếp tục phá hoại nền kinh tế, nền văn hóa vốn có của miền Nam, mà những cái này hoàn toàn tiến bộ gấp mấy lần miền Bắc vào thời điểm đó. Thay vì giữ nền kinh tế miền Nam, văn hóa miền Nam thì người cộng sản phá toàn bộ, để kéo nền kinh tế và văn hóa miền Nam xuống bằng nền kinh tế và văn hóa miền Bắc lúc bấy giờ.

Người cộng sản chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kiến thiết đất nước bởi họ áp dụng toàn bộ chủ trương, đường lối của Nga và Tàu mà không cần biết rằng đường lối đó đúng hay sai với bản thể Con Người. Chính vì thế mà xã hội VN hôm nay, đạo đức xuống cấp, thành phần lãnh đạo không có đủ chất xám để đưa đất nước thoát khỏi cơn khủng hoảng hôm nay; trái lại thành phần lãnh đạo tình nguyện làm thái thú thời đại của Tàu, đặt quyền lợi của đãng lên trên quyền lợi của dân tộc.

Hơn lúc nào hết, nhu cầu kiến thiết của hôm nay cần phải bàn thảo để tìm ra giải pháp để khi dân tộc thức tỉnh như cha ông đã thức tỉnh để đánh thái thú Tàu ra khỏi VN, chúng ta đã có sự chuẩn bị cho chuyện kiến thiết, sẵn sàng để dựa vào đó xây dựng một nước VN tương lai. Công cuộc xây dựng này không phải dễ khi mà chính toàn bộ đạo đức, văn hóa, lịch sử của Việt Nam đã bị tận diệt thành một con số trừ to lớn.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có một bộ phận dồn sức vào việc nghiên cứu một thể chế chính trị, một cơ chế kinh tế, một nền giáo dục tương lai của Việt Nam trên những đổ nát hiện giờ. Sự khác biệt về trình độ nhận thức của thế giới giữa người Việt trong và ngoài nước cũng là một trở ngại rất lớn trong việc kiến thiết VN tương lai. Sự hiểu biết dân chủ của người Việt trong và ngoài nước cũng là những trở ngại to lớn trong việc xây dựng một nền dân chủ từ dưới đi lên ở tương lai. Đa đảng mà không nắm rõ dân chủ ra sao để rồi cuối cùng trở thành đảng tranh như dân chủ của Hoa Kỳ hiện giờ thì VN tương lai có thể trở thành Liên Xô của hôm nay, một nền dân chủ giả hiệu với đảng tranh.

Đây là thời điểm để có một bộ phận biệt lập nhìn vào vấn đề kiến thiết, nhìn vào thực tế của đất nước để tìm ra một giải pháp thích hợp trong việc kiến thiết VN ở tương lai khi chế độ độc tài bị sụp đổ. Đây chính là thời điểm để dễ làm việc với nhau bởi chưa ai (hay đảng phái nào) nắm quyền thì sự đồng thuận trong vấn đề kiến thiết VN dễ xảy ra. Còn khi mà các đảng phái đã nắm quyền, với trình độ hiểu biết dân chủ của người Việt, không khéo đất nước ta lại bị các quốc tế lợi dụng cho quyền lợi chính trị và kinh tế của họ trên giá trả của dân tộc Việt.

Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng chưa có trâu mà đã xây chuồng. Xin thưa là công việc kiến thiết là chuyện làm lâu dài, cần sự chuẩn bị chứ không phải chờ đợi biến cố lịch sử xảy ra rồi lúc đó mới nói đến chuyện kiến thiết. Khi mà biến cố lịch sử xảy ra thì có nhiều vấn đề mà nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ -- thì lúc đó chúng ta lây quay không biết phải làm gì.

Việt Nam muốn sống còn phải thay đổi. Phải đổi không phải về hình thức mà thay đổi về nội dung. Cơ chế hiện giờ là một cơ chế xây dựng trên quyền lợi đảng phái thay vì quyền lợi của Con Người Việt, dân tộc Việt. Cho nên muốn thay đổi toàn diện VN thì phải thay đổi cơ chế, đó là điều khẳng định. Nếu đã khẳng định chuyện này sẽ xảy ra thì đã đến lúc chúng ta cần phải thảo luận về chuyện kiến thiết VN và lực lượng dành vào chuyện kiến thiết này, lúc khởi đầu là nhỏ, nhưng khi đi vào thực tế thì rất lớn, vô hạn.  Chính vì thế mà chúng ta cần phải có sự chuẩn bị. 

Các bạn vẫn quan tâm đến một VN tương lai, các bạn muốn kiến thiết một VN tương lai, bắt buộc các bạn phải lựa chọn: Nghiên Cứu Một Cơ Chế để kiến thiết VN hay tham gia cách mạng (phá) để thay đổi cơ chế. Các bạn chỉ chọn một trong hai chứ không thể nào cùng lúc làm hai việc này. Nếu các bạn chọn về suy tư Kiến Thiết cho một VN tương lai thì hãy bắt tay vào để cùng nhau suy tư; cùng nhau thảo luận từng vấn đề trong việc xây dựng một VN tương lai hòa bình vĩnh cửu; dân chủ trong nhân bản, nhân tính, nhân chủ.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 3 năm 2018

Dallas, TX

(*)https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2017/01/chutriluc-version-layouted-nov2016.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2018/04/01/kien-thiet-duoi-goc-nhin-cua-ly-dong-a-p1/

 

 

Kiến Thiết Dưới Góc Nhìn Của Lý Đông A (P2)

Bối Cảnh Của Kiến Thiết

Dưới một trạng thái cực tàn hoại của văn hóa, một tình cảnh cực hỗn loạn của xã hội, gây ra bởi bao nhiêu cuộc chiến tranh trên giải đất nước, chúng ta phải xây đắp một kiến trúc đồ sộ, bằng sự chưa hết tiêu diệt của tuyệt đối địch nhân, với sự luôn luôn ngấp nghé phản động của tương đối địch nhân, chúng ta phải bắt đầu một công cuộc khó nhọc. Trên cuộc quốc dân sinh hoạt rất thiếu thốn, trên đời quốc tế sinh hoạt chưa vững chắc, chúng ta phải xúc tiến một sự nghiệp gian nan. Đem tất cả những năng lực còn thấp kém của dân tộc văn hóa ra, chúng ta phải suy động một công trình cao siêu. Đối phó với tất cả những thử thách trên, chúng ta bằng cứ vào cái thể nghiệm phi thường, sâu sắc của quốc dân, giác ngộ vì lam lũ và cheo leo, lớn lao lên qua những thử thách vàng đá, thành thục lại trong cuộc phản tỉnh thâm uyên, gắng sức lên, cần cù thêm lên sau cơn táp lốc. Chúng ta còn nhờ được những hoàn cảnh trong và ngoài vì chưa ổn định mà có lợi cho ta. 

Chúng ta tự trong mình nắm giữ được cái quyết tâm thiên vạn cổ đó, bằng cái bối cảnh vẽ phác vậy, chúng ta thu sức lực lại mà đi lên” (LĐA)

Trong bối cảnh của đất nước hiện giờ, tuy rằng chiến tranh theo nghĩa thường tình đã chấm dứt từ năm 1975, nhưng chúng ta đang đối diện với một thứ “chiến tranh” không tiếng súng.  Đó là chiến tranh “Bắc-Nam”, “VNCH – CS”, “người Việt trong nước – người Việt ngoài nước”, “hận thù – dân tộc”, “dân chủ -- độc tài”. Cuộc chiến tranh này đã tạo ra hiệu quả là dân tộc không đoàn kết lại để chống cái ác, phát triển cái thiện; để chống tuyệt đối địch nhân (Tàu) và chống tương đối địch nhân (đãng csvn) hầu cứu giống nòi ra khỏi sự đô hộ kiểu mới của Trung Quốc.  Trong bối cảnh này, cộng với năng lực yếu kém của người Việt trong nước (dĩ nhiên chúng ta có thành phần giỏi nhưng thành phần giỏi này so với thế giới vẫn thấp và lại không nằm trong vị thế lãnh đạo) thì công cuộc kiến thiết sẽ gặp nhiều trở ngại ở tương lai.

Cho dù chúng ta có chuẩn bị cho sự kiến thiết khi cơ hội lịch sử đến, chúng ta vẫn phải đối diện với tuyệt đối địch nhân (Tàu) và tương đối địch nhân (những người vẫn tin vào đãng csvn). Tuy nhiên, với tinh thần chịu khó của người dân, cộng với sự phản tỉnh để cứu nòi giống Việt, dân tộc ta sẽ vượt qua được những khó khăn để trực diện với sự dòm ngó của Tàu, cũng như sự phá hoại tranh giành ảnh hưởng của các đảng phái mà trong đó gồm có đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) csvn trong công cuộc kiến thiết.

Chúng ta có được lợi thế là Tàu vẫn gặp khó khăn riêng của họ trong đất nước Tàu. Chúng ta có lợi thế là chúng ta có khối người Việt tại hải ngoại, sẵn sàng về trong khoảng thời gian nhất định để cùng với người trong nước đóng góp công sức, đồng thời vận động quốc gia sở tại giúp đỡ VN trong một tinh thần tương kính. Chúng ta có lợi thế là quốc tế cũng như các quốc gia Đông Nam Á thấy được dã tâm bành trướng của Trung Quốc và sẵn sàng giúp đỡ quốc gia nào có đủ cản đảm đứng lên chống lại sự bành trướng này.

Chúng ta cần đánh giá rõ bối cảnh khó khăn đó để kiên trì, tìm ra một giải pháp kiến thiết để giải quyết những khó khăn mà chúng ta gặp phải; đồng thời phù hợp với thực tế để đẩy tiến trình kiến thiết thành một hệ thống phát triển cho kịp với đà tiến bộ của thế giới. Chúng ta phải có giải pháp thực tế, sử dụng tất cả các nhân sự, các tài lực đã có sẵn và cần thiết trong công cuộc kiến thiết. Có những cái cần phải loại bỏ hẳn thì chúng ta phải dứt khoát để loại bỏ. Có những cái cần phải điều chỉnh thì chúng ta dựa vào cái đã có để điều chỉnh cho tốt hơn, vừa đỡ tốn thời gian và nhân lực trong công việc kiến thiết khi mà chúng ta đã có cái cần, chỉ cần sửa đổi cho hoàn chỉnh.

Nền Tảng Của Kiến Thiết

Nền tảng kiến thiết ấy là nền tảng của quốc gia. Đất đai, dân chúng, tư nguyên, trí lực, kiện khang lực, đều là nền tảng của kiến thiết. Duy Dân chủ nghĩa với tất cả những chuẩn vị lớn lao và khoa học của Đảng đều là nền tảng của kiến thiết. Đất đai làm sao cho hoạt động lên, dân chúng làm sao cho sinh động lên, tư nguyên làm sao cho đầy đủ lên, trí lực và sức lực làm sao cho cường kiện lên, chủ nghĩa làm sao cho xác thực lên. Nền tảng không phải tĩnh trị và cơ trệ. Phải cho nền tảng có vận động mà vận động lên theo phương hướng duy nhất của hướng tâm và hướng thượng, vận động lên bằng những yêu cầu của chúng ta vào kiến thiết, vận động lên bởi chúng ta giác ngộ được triết học của kiến thiết, chúng ta chinh phục được bối cảnh, chúng ta hoạt dụng được nền tảng. Cũng như vũ lực của cách mạng phải phối hợp với dân chúng mới lãnh đạo suốt mặt được dân chúng. Cũng như hành động của cách mạng phải y cứ vào chủ nghĩa, kiến thiết của cách mạng cũng không vi bội được chủ nghĩa. 

Đó là những điểm tất yếu cho thành công” (LĐA)

Kiến thiết phải có nền tảng. Thế nền tảng của kiến thiết là gì? Trí lực, nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên tư, Duy Dân Chủ Nghĩa chính là những nền tảng của kiến thiết. Phải tạo mọi điều kiện, cơ hội để xử dụng đất đai hợp lý; để tầng lớp quần chúng sinh động tham gia vào công cuộc kiến thiết và từ đó sẽ tạo tài sản cá nhân gia tăng để đưa đến kết quả là phát triển trí lực, sức lực hầu có thể áp dụng Duy Dân Chủ Nghĩa vào cuộc sống thực tế của Con Người.  Sự phát triển phải theo phương hướng của hướng tâm (trung tâm, trục thu hút, để mọi người có thế hướng về đó để cùng nhau dồn mọi nỗ lực cho kiến thiết) và hướng thượng (tiến lên chứ không phải thục lùi) chứ không phải phát triển theo phương hướng cá nhân chủ nghĩa, vật chất chủ nghĩa như các nước tư bản trên thế giới, để rồi tạo ra một xã hội 1% cực giàu chiếm đa số tổng sản lượng quốc gia trong khi đó 99% còn lại chỉ có một phần nhỏ của tổng sản lượng quốc gia.

Trong phần này cụ Lý có nhắc đến Đảng. Đó là cái thời kỳ đảng Duy Dân còn hiện hữu. Giờ không còn đảng Duy Dân mà chỉ có thuyết Duy Dân, triết học Thắng Nghĩa.  Và nền tảng của Kiến Thiết phải dựa vào thuyết Duy Dân để làm phương hướng bởi đó chính là hướng tiến tất yếu của Con Người, đó là tổng hợp lịch sử của Con Người, đó là điểm chung của Con Người. Thuyết Duy Dân dựa vào lịch sử, khoa học, và triết học của thế giới để đưa ra một chủ thuyết thực tế phục vụ đời sống của Con Người mà không cần biết Con Người đó thuộc sắc tộc nào, nòi giống nào. Thuyết Duy Dân không những là nền tảng của cách mạng mà cũng là nền tảng của Kiến Thiết, nền tảng của Chính Trị, nền tảng của Dân Chủ, nền tảng của quốc gia sinh hoạt, nền tảng của xã hội sinh hoạt. Cho nên phải nắm được những điểm chính của thuyết Duy Dân để không bị lạc hướng trong vấn đề kiến thiết.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 3 năm 2018

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/04/15/kien-thiet-duoi-goc-nhin-cua-ly-dong-a-p2/

 

Kiến Thiết Dưới Góc Nhìn Của Lý Đông A (P3)

Phương Châm Của Kiến Thiết

Chủ nghĩa Duy Dân vì nhu yếu thực sự của thời đại mà sản sinh. Tất cả những chủ trương của Duy Dân tức là thực tiễn kiến thiết nên nền văn minh, nó bảo chướng cho quốc gia củng cố mãi, nòi giống sống còn mãi, hạnh phúc tồn tại mãi, tiến hóa kinh thường mãi.

Cái phương châm duy nhất trong kiến thiết của chúng ta là chủ nghĩa Duy Dân, Thái Bình tiêu chuẩn của Duy Dân; đó là những quy định thực tiễn chủ nghĩa, thành lập cuộc Duy Dân dân chủ trên kiến trúc nhân chủ, là nền tảng của Thái Bình được thực hiện cho toàn dân” (LĐA)

Nếu cụ Lý cho rằng Chủ Nghĩa Duy Dân ra đời bởi đó là nhu cầu của thực tế thời đại đã sản sinh ra Chủ Nghĩa Duy Dân thì hôm nay, với thực tế của đất nước VN thì phương châm kiến thiết một VN tương lai phải dựa vào chủ nghĩa Duy Dân để xây dựng một nền dân chủ đúng nghĩa, phù hợp với cuộc sống của Con Người.

Nền dân chủ của thế giới đang khủng hoảng (xem bài Khủng Hoảng Dân Chủ https://nganlau.com/2017/09/15/khung-hoang-dan-chu/). Đây là thực tế bởi nền dân chủ của thế giới, tuy so với các nước độc tài rất là tiến bộ nhưng nền chủ đó đã trở thành nền dân chủ của đảng tranh chứ không phải là nền dân chủ thực sự để phục vụ đời sống của Con Người. Một cơ chế tam quyền phân biệt để tránh cơ hội đưa đến độc tài -- nhưng chính cơ chế này lại tạo ra đảng tranh và để rồi cuộc sống thực tế của Con Người đã trở thành trò chơi chính trị của đảng tranh, nhằm mục đích mua lá phiếu của người dân để thực hiện chính sách của đảng hơn là thực hiện chính sách có lợi cho xã hội.

Chúng ta không thể nào xây dựng VN dựa vào nền dân chủ của thế giới hiện giờ bởi chúng ta không thể nào loại bỏ một kiến trúc cs để rồi nhận lấy một kiến trúc dân chủ khác, tuy khá hơn cs nhưng vẫn không phải là một kiến trúc hoàn hảo để phục vụ đời sống của Con Người. Vậy thì, như đã nói ở phần 2, chúng ta bắt buộc phải dựa vào chủ nghĩa Duy Dân để làm phương châm trong công việc kiến thiết đất nước sau này. Chúng ta bắt buộc phải dựa vào chủ nghĩa Duy Dân để làm phương châm trong công cuộc kiến thiết đất nước bởi chủ nghĩa Duy Dân luôn luôn dựa vào thực tế của xã hội, Con Người, văn hóa, lịch sử để có thể thực hiện kiến thiết trong một tinh thần Duy Dân (lấy con người làm chủ thể trong tất cả các công cuộc kiến thiết và lấy con người để đánh giá kiến thiết thích hợp với cuộc sống xã hội hiện tại hay không, mục đính đánh giá lại phương cách kiến thiết và điều chỉnh phương cách đó cho phù hợp với thực tế, phù hợp với Con Người trong xã hội hiện tại).

Triển Khai Của Kiến Thiết

Sự cải tạo lại thiên nhiên bằng thác thực quốc sách và tán dục kỹ thuật là bản lĩnh bao gồm rất sáng suốt những tác dụng phá hoại và kiến thiết ở trong, nó giúp ích cho ta tiến thêm một tầng lên chinh phục thiên nhiên và dè dặt cho ta rất lớn những cuộc phá hoại lấy xã hội làm mục đích thuần túy. Ta phải tránh bớt cho loài người những khổ nạn đè xéo lẫn nhau. Ta phải lợi dụng cái kinh nghiệm loài người sống bằng cải tạo tự nhiên mà ứng dụng vào kiến thiết của cách mạng gọi là Kiến Chế. Nhưng mà trung tâm của kiến thiết vẫn phải lấy xã hội quốc dân làm đối tượng. Cải tạo cho xã hội vẫn phải lấy xã hội làm xuất phát và căn cứ của Duy Dân cơ năng và quốc dân đoàn, giúp cho quốc dân từ nay sống có tổ chức, có quy luật, có đoàn thể, và có nhỡn quang siêu việt trong kiến trúc Dân Chủ và Nhân Chủ. Chỉ có Nhân Chủ nâng cao được và giải phóng được loài người trên hai nền tảng kia mà triển khai ra các bộ môn kiến thiết, chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự, xã hội, sinh hoạt, nhân chủng... Tất cả đều lấy các căn bản quốc sách làm y quy, thực hành trên các bộ sậu, các giai tầng, các tiết thứ có kế hoạch, ở một quy mô kiến thiết, trên đủ các yêu cầu quốc phòng, nhân sinh và nhân cách. 

Ở các quy mô đó, bằng sự ma luyện thực tiễn mà nên nền văn minh tối cao cả của loài người” (LĐA)

Kiến thiết phải được triển khai bằng quốc sách để cải tạo tự nhiên phục vụ Con Người, phục vụ xã hội người sống trong đó. Dĩ nhiên phải hiểu kiến thiết luôn luôn đi đôi với phá hoại. Nghĩa là có lúc chúng ta phải phá cái cũ hoàn toàn để xây dựng cái mới chứ không thể nào dựa vào cái cũ. Tuy nhiên, bất cứ sự phá hoại nào cũng cần phải cân nhắc xem dự phá hoại đó cần thiết như thế nào và sự ảnh hưởng của phá hoại đó ra sao đối với đời sống của quốc dân trong xã hội.

Kiến thiết phải dựa trên nền tảng, đối tượng là Con Người sống trong xã hội đó. Bất cứ sự cải tạo xã hội phải lấy xã hội, lấy Con Người sống trong xã hội đó làm điểm xuất phát; dựa vào Duy Nhân Cương Thương (xin xem bài viết triển khai về Duy Nhân Cương Thường dưới cái nhìn của cụ Lý) để tạo mọi điều kiện, cơ hội cho những Con Người sống trong xã hội tham gia vào công cuộc kiến thiết với những sinh hoạt đoàn thể dưới dạng xã hội dân sự hầu có thể đem tài năng đóng góp công sức trong công việc kiến thiết xã hội trên mọi lãnh vực. Đây chính là sinh hoạt trong kiến trúc Dân Chủ và Nhân Chủ để từ đó có thể kiến tạo chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự, xã hội, lịch sử cho phù hợp với đời sống của Con Người.

Không một nhà nước nào có thể thực hiện kiến thiết mà không có sự đóng góp công sức của tất cả những thành phần sống trong xã hội đó. Trách nhiệm của nhà nước là đều hướng xã hội để triển khai kiến thiết đi vào thực tế và điều chỉnh nếu sự kiến thiết không phù hợp với thực tế. Nhà nước không thể nào áp đặt sự kiến thiết trên những Con Người sống trong xã hội mà nhiệm vụ duy nhất của nhà nước là phối hợp, điều hành công việc kiến thiết của đất nước cho đồng nhịp gồm cả quốc phòng, nhân sinh và nhân cách.

Nguyên Tắc Của Kiến Thiết

Quốc gia là của nhân dân, quốc gia thành lập bằng nhân dân. Nguyên tắc kiến thiết của chúng ta chính là nguyên tắc Duy Dân của quốc gia hoạt động, của quốc dân kiến thiết, do ở nhân dân kiến thiết cũng như hạnh phúc thuộc về nhân dân, quốc gia đứng vào địa vị trí tuệ chỉ huy, mà các tầng quốc dân cứ tiết thứ kế hoạch, tiết thứ hành động mà lên được quốc gia của quốc dân. Đảng chỉ là phụ đạo và giám sát: Đảng quốc dân hóa” (LĐA)

Phải hiểu rõ sự hình thành Quốc Gia từ đâu mà có. Quốc gia không bao giờ hình thành nếu không có những cá nhân sống trong xã hội đó ngồi lại với nhau, trên một căn bản đồng thuận về văn hóa, đời sống để hình thành một bộ lạc, hay một quốc gia. Vậy thì nguyên tắc của kiến thiết là nguyên tắc của Duy Dân. Nghĩa là người dân sẽ trực tiếp thực hiện kiến thiết, đưa ra những kế hoạch và thực hiện kế hoạch đã đưa ra cho phù hợp với thực tế.  Chính phủ (quốc gia) chỉ đứng vào vị trí trí tuệ chỉ huy, có nghĩa là đưa ra những kế hoạch, chủ trương từ những thành phần chuyên nghiệp và đưa cho quốc dân quyết định, thực hiện công việc mà quốc dân (các nhà chuyên môn) trong xã hội đề bạt và hành động theo sự đề bạt đó. Chính phủ hay đảng chỉ là phụ đạo, giám sát và đều hướng các hoạt động của quốc dân để không bị chồng chéo lên nhau, để tránh sự tốn hao tài lực, nhân lực cho cùng một vấn đề mà đã có địa phương khác thực hiện.

Biện Chứng Của Kiến Thiết

Để mà dẫn đạo cho sự nghiệp lớn lao và khó nhọc nên thành công, chúng ta phải hiểu thấu được biện chứng vận động của kiến thiết. Cũng như phá hoại thời gian, cái thời cơ chuẩn bị quá độ và quyết định của kiến thiết không thể vượt bực được. Để mà nắm giữ được và vận dụng được cái biện chứng đó, sự phân chia công việc theo tính chất diễn tiến thực tế của thời đại theo yêu cầu và phương châm của Duy Dân là tất yếu mà khôn ngoan. Sự phân chia giai đoạn kia không phải là máy móc và khía khớp, nó phải bằng sự phối hợp rất tinh vi mà thuế hóa, rất khoa học chỉ đạo, rất tự động mà rất nhân vi mà làm. 

Nó không phải là quân chính, huấn chính hay hiến chính của Tam Dân chủ nghĩa. Nó không phải là quá độ Cộng Sản chủ nghĩa, với Cộng Sản chủ nghĩa của Nga Sô. Gọi là chuẩn bị, gọi là quá độ và gọi là quyết định là theo tình trạng vận động của nội tại với ngoại tại sẽ phát sinh nên những yêu cầu gì? Đối phó với những yêu cầu đó là bằng những thi hành tiết thứ, những trình tự gì để đạt tới những hiệu suất dự tưởng gì? Nó là khách quan mà không chủ quan. Nó chỉ là giả trạng trình tự thống nhất của thời không vận động đương biến, nói cho đúng ra. Cho nên chuẩn bị thời cơ của kiến thiết ở ngay trong quyết định thời cơ của cách mạng mà thành cái trục chuyển dời. Quyết định thời cơ của kiến thiết ở ngay chấm dứt quá độ thời cơ mà thành cái trục biện chứng. Nắm giữ được hai cái trục đó là nắm giữ được thành công tất nhiên của kiến thiết và muôn đời vận mệnh Duy Dân, tức nhiên thực tế có bả ác hẳn hoi” (LĐA) 

Tất cả công việc kiến thiết nào cũng đều cần có sự chuẩn bị, thực hiện thí điểm, và sau đó đi đến quyết định áp dụng cho toàn quốc.  Cần phải quan tâm đến chuyện phân chia công việc cho từng thời điểm nhưng không quá máy móc mà phải dựa vào thực tế để đưa ra những kế hoạch phù hợp, khả thi, hiệu quả cho xã hội để cùng nhau đẩy mạnh công việc kiến thiết. Bất cứ công việc kiến thiết nào cần phải nhìn vào sức lực nội tại của chính dân tộc và sức lực ngoại tại từ bên ngoài để áp dụng kế hoạch vào công việc kiến thiết.  Phải biết phối hợp giữa hai thế lực nội tại và ngoại tại để đạt được nhu cầu và mục đích của kiến thiết. Đừng dựa vào thế lực ngoại tại để rồi lại đưa đất nước vào sự lệ thuộc của những quốc gia giúp chúng ta trong kiến thiết nhưng bị lệ thuộc ở tương lai.

Công việc kiến thiết phải được suy tư ngay từ lúc này, dựa vào thực tế băng hoại từ kinh tế, giáo dục, văn hóa để đưa ra những dự án có thể khả thi trên từng lãnh vực để khi thời cơ lịch sử đến, ít nhất chúng ta đã có những chương trình kiến thiết sẵn có, hầu đem vào thực tiễn.  Những ai quan tâm đến công việc kiến thiết trên từng lãnh vực, những ai có khả năng trên lãnh vực nghề nghiệp của mình cần phải để tâm vào việc chuẩn bị, đưa ra những kế hoạch phù hợp với thực tế để khi cơ chế này sụp đổ, chúng ta có thể áp dụng ngay và nếu cần điều chỉnh thì không cần phải mất thời gian.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2018

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/05/01/kien-thiet-duoi-goc-nhin-cua-ly-dong-a-p3/

 

Kiến Thiết Dưới Góc Nhìn Của Lý Đông A (P4)

Đấu Tranh Của Kiến Thiết

Cách mạng bằng phương thức huyết chiến, ấy là tuyệt đối phá hoại; tuyệt đối phá hoại là nhằm vào sự tiêu diệt tuyệt đối địch nhân. Đừng tưởng lầm rằng tuyệt đối phá hoại là phá hoại vô định, phá hoại cùng tận. Nếu tất cả cây cỏ và nhân dân là địch nhân, cách mạng sẽ chỉ còn kiến thiết bằng gạch ngói điêu tàn. Cũng đừng lầm tưởng rằng, sau cuộc tuyệt đối phá hoại là liễu sự, như thế cách mạng sẽ chỉ là phong kiến thống trị. Cách mạng là cứu dân, cách mạng là xây dựng bằng dân, cho dân một đời mới. Cũng vì thế, sau cuộc tuyệt đối phá hoại, còn tương đối phá hoại, sau cuộc huyết chiến còn cuộc đấu tranh. Đi cùng với tuyệt đối địch nhân còn có tương đối địch nhân. 

Thời cơ tuyệt đối phá hoại là lúc mà ta phải buông tha tương đối địch nhân cho thành bè bạn; nhưng mà các tương đối địch nhân ấy phải làm sao cho tiêu diệt. Phá hoại tự trong bản thân, cũng như kiến thiết có luật đối hợp, trong phá hoại có kiến thiết, trong kiến thiết là phá hoại tất nhiên. Chúng ta phải được mà dự định cho công cuộc kiến thiết ta và phá hoại ta toàn diện, triệt để và hướng thượng, nghĩa là thuần túy chân thật và tuyệt đối kiến thiết Duy Dân. Trong thời cơ quyết định các tương đối địch nhân và tuyệt đối địch nhân ấy, các đồng chí hãy xem trong cương lĩnh địch nhân và đối trị lệnh” (LĐA)

Trong kiến thiết cần phải có đấu tranh để phá hoại những cái cần phá hoại trước khi áp dụng chương trình kiến thiết vào thực tế.  Cần phải nắm rõ phá hoại không phải là phá hoại tận cùng bởi phá hoại tận cùng thì lấy gì để xây dựng kiến thiết? Rút kinh nghiệm của đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) csvn sau khi thống nhất đất nước, họ đã phá hoại triệt toàn bộ kinh tế, văn hóa, giáo dục của miền Nam để rồi họ phải chập chững xây dựng lại những cái đã có từ đó. Đến giờ phút này, hơn 40 năm thống nhất đất nước, họ vẫn chưa xây dựng một nền kinh tế, giáo dục, văn hóa so với miền Nam trước đây.

Cần phải nhìn rõ ai là địch nhân của dân tộc. Tuyệt đối địch nhân luôn luôn là thành phần thuộc quốc gia khác mà tuyệt đối địch nhân của VN hiện giờ và cả tương lai là Trung Cộng.  Chắc chắn họ luôn luôn mong muốn sự kiến thiết của chúng ta thất bại. Còn tương đối địch nhân chính là đãng csvn hiện giờ. Cần phải phân biệt giữa đãng csvn và người cs. Bất cứ ai đã từng trong đãng csvn, sau khi cơ chế thay đổi, những người đó có quyền tham dự vào công việc kiến thiết nếu họ loại bỏ tư tưởng cộng sản độc tài đảng trị; nếu họ chấp nhận làm việc trong một tinh thần trách nhiệm dưới một cơ chế lấy Duy Dân làm chủ đạo thì những người này sẽ là lực lượng cần thiết trong công việc kiến thiết đất nước.

Đừng bao giờ theo bước chân của đãng csvn đã tiêu diệt tất cả thành phần trí thức của miền Nam để rồi VN thiếu đi chất xám trong công việc xây dựng đất nước. Công việc xây dựng đất nước là công việc của toàn dân, của mọi thành phần dân tộc chứ không phải thuộc một đảng phái nào, một tổ chức nào. Xây dựng đất nước không phải một ngày, một buổi mà là một thời gian có thể 20 năm, 30 năm hoặc lâu hơn thế. Cho nên phải biết sử dụng tất cả mọi thành phần trong xã hội để cùng nhau xây dựng lại đất nước trước sự xuống cấp về đạo đức, giáo dục, văn hóa, kinh tế, và quân sự.

Kiến thiết đất nước là để xây dựng lại cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn chứ không phải là một cuộc trả thù với những người đã từng đưa đất nước đến thảm cảnh hôm nay. Tương đối địch nhân sẽ trở thành những người bạn trong công việc kiến thiết dưới một cơ chế dân chủ, có trách nhiệm, với thuyết Duy Dân là chủ đạo trong tiến trình kiến thiết.

Đừng lầm lẫn giữa sự kiến thiết và phá hoại. Có những kiến thiết mà chúng ta cần phá hoại triệt để thì mới có thể thực hiện dự án kiến thiết. Thí dụ điển hình là chúng ta sẽ không thể nào kiến thiết đất nước dưới chế cộng sản hôm nay cho nên cơ chế này phải tuyệt đối phá hoại hoàn toàn, triệt để trước khi chúng ta áp dụng những dự án kiến thiết vào thực tế. Còn đối với con người tin vào chủ nghĩa cộng sản, đối với những con người đã góp phần tạo ra thảm cảnh của đất nước hiện nay, nếu họ chịu phá hoại cái suy nghĩ cũ của chính họ để chấp nhận một tư cách làm việc mới, theo đúng luật pháp, theo đúng khả năng thì họ sẽ cùng mọi người tham dự vào kiến thiết. Họ vừa phá hoại với chính mình (loại bỏ tư tưởng độc tài, lối làm việc vô trách nhiệm) và vừa kiến thiết với chính mình (tư tưởng mới, lối làm việc trách nhiệm) và từ đó cùng các thành phần khác trong dân tộc cùng nhau phá những cái cần phá và xây dựng những cái tốt hơn, lành mạnh hơn, thực tế hơn và đồng thời để phục vụ cho mọi Con Người sống trên đất nước Việt của chúng ta. Trong kiến thiết luôn luôn có đấu tranh để phá và xây dựng. Cả hai phải song song tiến hành và đó là lý do tại sao cụ Lý đặt quan niệm kiến thiết ngay trong thời kỳ cách mạng chưa thành công.  Nói đơn giản là chế độ csvn đang ở vào thời kỳ thoái hóa. Dân tộc đã nhìn ra bản chất thật của chế độ csvn là một đảng mafia Việt, tàn bạo hơn mafia của Ý. Vấn đề là thời gian, khi nào dân tộc thực sự thức tỉnh thì lúc đó chế độ csvn cũng sẽ chấm dứt trước sự thức tỉnh của dân tộc. Thời gian đó là bao lâu chúng ta không biết được nhưng chúng ta không thể nào chờ đợi đãng csvn sụp rồi lúc đó mới nghĩ đến chuyện kiến thiết. Trái lại chúng ta phải suy tư đến chuyện kiến thiết ngay từ thời điểm này. Đây là thời điểm không sớm nhưng cũng không muộn để chuẩn bị cho công việc kiến thiết hậu cộng sản xảy ra tốt đẹp nếu chúng ta có sự chuẩn bị trước khi sự sụp đổ xảy ra.

Đạo Đức Của Kiến Thiết

Quốc dân là mục đích của kiến thiết. Kiến thiết là mục đích của phá hoại. Chủ nghĩa, tổ đảng và cách mạng hy sinh thuần túy vì mục đích đó. Mục đích đó hoàn toàn đạo đức. Phải chăng sự thực đạo đức đó mới đạt trọn được mục đích đạo đức. Chúng ta hãy cùng nhau, mau có được tinh thần tiêu chuẩn dân tộc của đạo đức kiến thiết: nâu, lam, tre, sậy mà nhất tề làm và làm nữa, đổ mồ hôi và máu nữa. Sự lý hành đạo đức không phải bằng không ngôn, chỉ có bằng thực tiễn, mà thực tiễn quý nhất là tiên phong và vô danh, quý nhất là sự tự thắng được mình, ấy là thắng được địch nhân. Biện chứng tính là thắng hết vậy” (LĐA)

Tại sao chúng ta phải kiến thiết? Tại vì chúng ta muốn cuộc sống của quốc dân, những người Việt mang dòng máu Hoa, Miên, Lào; dân tộc thiểu số và gồm cả dân tộc Việt có một cuộc sống mang đúng nghĩa là sống thực, sống như một Con Người trong một xã hội nhân bản, nhân tính, và nhân chủ.

Đây chính là đạo đức của kiến thiết. Nghĩa là kiến thiết để phải phục vụ người dân. Bất cứ công việc kiến thiết nào không phải phục vụ cho người dân mà phục vụ cho quyền lợi của một tổ chức, một đảng phái thì sự kiến thiết đó thiếu đạo đức, không phải là kiến thiết trái lại là ngụy kiến thiết.  Cho nên kiến thiết là việc làm không phải vì để có danh tiếng mà là việc làm tự nguyện, tiên phong làm việc hết mình, không cần ai biết đến và sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của xã hội. Đây chính là tinh thần và đạo đức của kiến thiết. Nhưng để làm chuyện này, chính cá nhân của mỗi người cần phải tự thắng chính mình. Phải tự biết mình, đánh giá được chính mình và lắng nghe đánh giá của người khác để tự chính mình soi gương với chính mình, hầu sửa sai những cái cần sửa sai và trang bị cho chính mình một hành trang mới, phù hợp hiện tại trước khi đóng góp công sức vào công việc kiến thiết.

Mong các bạn có tấm lòng cho đất nước, những ai quan tâm đến chuyện kiến thiết, hãy cùng nhau bắt tay vào việc thảo luận một phương án cho phù hợp với thực tế, với văn hóa, với trình độ của dân tộc Việt hôm nay nếu cơ chế cộng sản sụp đổ trong 5, 10 năm tới. Đã đến lúc phải cần thảo luận về vấn đề này trong thời điểm này thì hy vọng chúng ta mới có sự đồng thuận. Hãy bắt đầu từ những tổ chức nhỏ, với những đề án nhỏ rồi như vết dầu loang -- sẽ đưa đến những dự án lớn, hợp tác với nhiều người để tạo ra những dự án mang tính quốc gia.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2018

Houston, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/05/15/kien-thiet-duoi-goc-nhin-cua-ly-dong-a-p4/

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...