Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Trách Nhiệm

Trong cuộc sống của chúng ta sự tương tác giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội, giữa cá nhân với thiên nhiên luôn luôn xảy ra không ngừng nghỉ.

Trách nhiệm của mỗi cá nhân cho từng hành động, lời nói, việc làm cần phải quan tâm để mỗi cá nhân suy nghĩ kỹ hơn trước khi nói, làm hay có hành động ứng xử trước một sự kiện nào đó.

Trách nhiệm thường hay có hai vế. Trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, người thân quyến. Đó là về mặt bản thân đối với những người trong gia đình, họ hàng. Ngoài ra cá nhân phải có trách nhiệm đối với xã hội và thiên nhiên.

Nếu đối với bản thân mà tự chính mình không quan tâm về trách nhiệm trong cuộc sống để rồi sống theo dục vọng, tham vọng quyền lực thì cuối cùng cá nhân có thể trở thành người nguy hiểm cho bản thân và xã hội. Hãy lấy thí dụ về dục vọng của sự ham muốn làm giàu để rồi có thể vì sự ham muốn đó -- đưa đến hành động lừa gạt người khác, hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường sống để thực hiện dục vọng làm giàu.

Trách nhiệm đối với bản thân bằng lời nói phải đi kèm theo hành động. Nếu chỉ nói mà không làm, không sống thực với điều mình nói, suy nghĩ thì giá trị của lời nói là một con số không to lớn. Chưa kể lời nói và việc làm hoàn toàn khác nhau thì cho thấy cá nhân thiếu trách nhiệm -- từ đó dẫn đến tư cách và nhân cách của cá nhân đó có vấn đề.  

Khi một cá nhân quan tâm đến trách nhiệm đối với bản thân thì đó là nền tảng rất quan trọng để dựa vào đó hầu có lối ứng xử trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh đối với người trong gia đình, họ hàng và gồm cả xã hội lẫn thiên nhiên. Nền tảng đó phải tự phát từ chính trong tâm thức của cá nhân và luôn luôn được nuôi dưỡng để nền tảng đó càng ngày càng vững chắc. Khi một nền tảng trách nhiệm vững chắc ở cá nhân thì hành động ứng xử luôn luôn đem lại điều tốt đẹp cho mọi người, cho xã hội và môi trường thiên nhiên.

Thực tế cuộc sống của loài người thì đa số hiểu rằng nói thì dễ làm thì khó. Đúng vậy! Nhưng người Việt có câu “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Điều này cho thấy nếu lòng của chúng ta thẳng (thật lòng), quyết tâm thì chúng ta có thể xây dựng nền tảng trách nhiệm ở chính bản thân của mỗi người.

Để xây dựng nền tảng trách nhiệm ở chính bản thân, mỗi khi chúng ta viết hay phát biểu một ý tưởng nào đó thì cần phải hỏi với chính bản thân là mình có thực sự sống với ý tưởng đó hay không? Và cái sống thực với ý tưởng đó ra sao để có thể đủ kinh nghiệm bản thân hầu chia sẻ ý tưởng hay lời nói đến người khác.

Ngay cả khi đưa thông tin, người có trách nhiệm luôn luôn kiểm chứng dữ kiện để đưa thông tin theo đúng bản chất của sự thật chứ không phải thông tin với mục đích thỏa mãn dục vọng của bản thân, hoặc để tuyên truyền sự giả dối nhằm hướng dẫn dư luận quần chúng. Dĩ nhiên có những trường hợp thông tin đã được kiểm chứng từ nhiều nguồn nhưng rồi cuối cùng các nguồn được kiểm chứng cũng sai lầm; và khi phát hiện ra sự sai lầm, người có trách nhiệm sẽ lên tiếng điều chỉnh lại những sai lầm trước đó để phản ảnh đúng sự thật của sự thật.

Trên lãnh vực đưa thông tin thời đại của mạng xã hội, nhiều người chỉ làm chuyện chuyển tin từ người khác mà không hề tự đặt câu hỏi với chính mình là tin đó thật hay giả; hoặc tự bản thân kiểm chứng nguồn tin trước khi chuyển đạt tin đó trên trang mạng xã hội của chính mình. Cho nên đặt trách nhiệm ở chính bản thân để mỗi cá nhân cẩn thận hơn trong việc dùng mạng xã hội, đặc biệt chuyển tải một tin tức nào đó trên mạng xã hội của chính mình.

Đừng nghĩ rằng những thông tin đưa trên mạng xã hội của chính mình không làm thiệt hại đến người khác. Tin giả có thể làm ảnh hưởng đến bản thân, công ty, hay cơ cấu đoàn thể nào đó; và cũng có thể làm ảnh hưởng đến nền dân chủ chúng ta đang sống mà hiện tượng tin giả đã tạo ra ngày bạo động 6 tháng 1 năm 2021 tại căn nhà Quốc Hội của Hoa Kỳ.

Tinh thần trách nhiệm phải luôn luôn được cân nhắc trong mọi ứng xử của cuộc sống ở bản thân và từ đó tác động vào xã hội. Cái gốc vẫn là từ chính bản thân và nếu nhiều người đều đặt nặng tinh thần trách nhiệm thì xã hội sẽ tốt hơn, cái xấu ít xảy ra.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 2 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/06/24/tu-duong-thang-nhan-trach-nhiem/

 

 

 

Bàn Về Dân Chủ (P1)

 

I. Dân chủ là gì?

Các tổ chức đấu tranh cho Việt Nam (VN) đều kêu gọi Dân Chủ, Nhân Quyền, Nhân Bản...nhưng có bao giờ chúng ta ngồi xuống thảo luận "nó" là cái gì? Có bao giờ các "lãnh tụ" giải thích cho cán bộ hay những thành viên tham dự về mục tiêu và đường lối thực hiện mục tiêu đó ra sao hay "bí mật"?

Hiện nay các tổ chức đều có mặt trên các mạng điện tử (website) nhưng có gì để đọc và tìm hiểu? Nếu quần chúng không hiểu các tổ chức hoạt động ra sao, thực hiện mục tiêu như thế nào thì làm sao họ ủng hộ? Chẳng lẽ cứ mang tên tuổi của tiền nhân ra quảng cáo cho hoạt động hôm nay hay sao?

Quần chúng không phải chỉ nhìn vào lãnh tụ mà còn nhìn vào cán bộ. Vậy "cán bộ" ăn nói ra sao? Cán bộ sẽ nói chuyện với dân về công tác đang thực hiện để tiến tới mục tiêu tổ chức đề ra. Nói như thế nào để thuyết phục quần chúng là do huấn luyện.

Người dân sẽ quan sát, tiếp xúc với nhiều tổ chức để tìm hiểu đường lối. Giá trị của người cán bộ quan trọng hơn những gì "lãnh tụ" nói. Vậy cấp trên sẽ huấn luyện cán bộ như thế nào để thu hút quần chúng?

Dân chủ là người dân tham dự sinh hoạt chính trị. Không phải người dân nào cũng có kiến thức về chính trị vì bận sinh kế. Tổ chức chính trị có nhiệm vụ giúp người dân "tiêu hóa" những vấn đề chính trị liên quan đến đời sống, quyền lợi của người dân. Dân chủ không phải soạn hiến pháp rồi bắt dân chấp nhận.

Muốn có Dân Chủ thì phải có Nhân Chủ trước. Mọi cá nhân có làm chủ được bản thân (tự chủ, tự giác) thì sự đóng góp của họ vào sinh hoạt chính trị mới có giá trị. Giáo dục học đường không đủ để giúp người dân hiểu những vấn đề rắc rối trong sinh hoạt chính trị. Vài trò của cán bộ là giúp người dân theo dõi các diễn biến trong đời sống.

Vận động quần chúng không có nghĩa là lôi kéo họ theo đường lối tổ chức vạch ra. Xây dựng nền tảng căn bản chung giữa cán bộ, lãnh tụ và người dân cho thấy sự bình đẳng trong sinh hoạt chính trị để đem lại lợi ích cho mọi người, xã hội. Tổ chức tạo sinh hoạt mà không có quần chúng tham dự là thất bại. Không cần phải nắm chính quyền nhưng thực hiện được chính sách xây dựng, phát triển đất nước thì đó là thành công. Muốn vậy quan hệ giữa cán bộ và dân phải là "hỗ tương nguyên nhân".

Nếu dân chủ là sinh hoạt bầu cử để chọn lãnh đạo qua lá phiếu thì tổ chức là phương tiện để thực hiện chính quyền bởi người dân, vì dân, do dân (a government of the people, by people, for people). Người Việt hải ngoại hiện nay sống khắp nơi trên thế giới. Hãy quan sát sinh hoạt chính trị tại địa phương. Thế giới không thể có hòa bình khi Nhân Quyền được xác định bởi mỗi quốc gia khác nhau thì Liên Hiệp Quốc sẽ không thể hoạt động hữu hiệu. Quyền của con người sẽ được thực hiện như thế nào nếu mỗi chủng tộc, sắc tộc có lối sống khác nhau?

Nếu mọi người đều muốn bình đẳng, công lý không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa... thì điều kiện nào làm gốc? Phải chăng là Nhân Bản. Chính quyền, tổ chức, lãnh đạo cũng là do người để phục vụ người. Vậy gốc là người, là Nhân Bản.

Con người xấu thì xã hội xấu. Để nâng cao dân trí (như Phan Chu Trinh đã nói) là trách nhiệm của tổ chức chính trị. Vậy các tổ chức sẽ huấn luyện cán bộ như thế nào để nâng cao dân trí mà trước hết là hiểu biết về Nhân Bản để có Nhân Chủ và từ đó xây dựng Dân Chủ qua Nhân Quyền.

Vậy thì chúng ta đã học được gì từ sinh hoạt dân chủ tại Mỹ?

II. Dân chủ Mỹ

Nền dân chủ Mỹ nổi tiếng vì đem lại tự do tối đa cho cá nhân. Đôi khi còn được gọi là chủ nghĩa cá nhân (individualism) với nền kinh tế thị trường sẵn sàng tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội làm giàu nếu chịu khó, mạo hiểm. Những ai chối bỏ "tôi không làm chính trị" phải sống tại Mỹ để thấy chính trị và kinh tế là một. Kinh tế Mỹ phát triển nhanh một phần chính là những phát minh khoa học phục vụ đời sống. Mỗi phát minh có ích lợi cho đời sống và giá trị kinh tế sẽ được các nhà đầu tư bỏ tiền vào để lập công ty sản xuất và được chính phủ bảo vệ quyền lợi. Ngược lại các công ty bỏ tiền vận động chính trị để các chính khách làm luật bảo vệ công ty.

Đó là trò chơi dân chủ Mỹ.

Nhưng khi mạng lưới toàn cầu thành hình thì dân chủ Mỹ đi xuống, rơi vào khủng khoảng vì nạn tin giả. Đa số dân Mỹ (qua thông kê) cho rằng quốc gia đi sai đường (country is on wrong track)

Nhưng thế nào là đúng (right direction)?

Hãy tìm hiểu những vấn đề của nước Mỹ hôm nay để thấy sinh hoạt dân chủ Mỹ đã lạc hướng như thế nào.

1. Nhân quyền

Hiến pháp  Mỹ đề cao chính quyền là của dân, do dân và vì dân (government of the people, by the people, for the people) nhưng thực tế thì sinh hoạt chính trị nằm trong tay giới nhà giàu núp dưới hoạt động lưỡng đảng. Về đối ngoại thì “vũ khí” nhân quyền được Mỹ đưa ra để lãnh đạo thế giới (mặt trái) và mặt khác (mặt phải) là quyền lợi Mỹ được bảo vệ bằng sức mạnh quân sự. Tại sao Mỹ can thiệp vào cuộc chiến Kosovo (Nam tư) 1998, Iraq 2003 mà không can thiệp vào Sudan 2003?

2. Tam quyền phân lập

Khi tìm hiểu hiến pháp Mỹ chúng ta thấy sự phân quyền Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp thật toàn hảo và nghĩ rằng không thể nào suy suyển. Nhưng sau khi Liên Sô sụp đổ 1989 và Mỹ trở thành siêu cường độc nhất thì bộ mặt tư bản Mỹ biến thái qua trật tự thế giới mới (New world order 1990) và từ đó xung đột lưỡng đảng trở thành gay gắt, đi từ thỏa hiệp trở thành phá hoại. Quy luật "luật đa số, quyền thiểu số" (majority rules, minority rights) đã bị quên lãng khi đảng nắm thiểu số gây rối tiến trình thảo luận tại Quốc Hội ngăn cản sự phê chuẩn các đạo luật cần thiết.

Trong khi tương quan giữa Hành Pháp và Lập Pháp cũng đi vào bế tắc khi đảng A nắm Hành Pháp và đảng B nắm Quốc Hội. Khi các nhà chính trị đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi quốc gia thì rối loạn bắt đầu. Cuối cùng là tòa án -- khi các thẩm phán, chánh án được tuyển chọn bởi Tổng Thống và Quốc Hội phê chuẩn thì sự thiên vị bắt đầu khi lưỡng đảng trở thành kình địch. Khi một đảng nắm cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp thì chọn các ông tòa có cùng khuynh hướng với đảng (bảo thủ hay cấp tiến). Cuối cùng công lý tại Mỹ trở thành thiên vị và phán quyết của toà án không còn công bằng vì đảng tranh.

Các phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đáng ghi nhớ là cho phép các công ty có tư cách pháp nhân để bỏ tiền vào quỹ tranh cử. Cũng như phán quyết lật ngược án lệ về phá thai (Roe vs Wade, 1973) đã làm mất uy tín với dân Mỹ. Đó không còn là dân chủ nữa.

3. Lưỡng đảng tại Quốc Hội

Hiến pháp Mỹ không quy định sinh hoạt lưỡng đảng nhưng vì sao lưỡng đảng tồn tại? Phải trở về thời kỳ tiền hiến pháp, Mỹ được thành lập khi các nhà sáng lập nước Mỹ như John Adams, Hamilton soạn thảo hiến pháp đã chịu ảnh hưởng của Cicero (chính khách và triết gia Rome) để phác họa một nước Cộng Hòa có Quốc Hội gồm Thượng Viện đại diện cho tầng lớp quý tộc, nhà giàu, có uy tín xã hội và Hạ Viện đại diện cho người dân. Qua thời kỳ nội chiến đã dẫn tới khuynh hướng đảng A giữ giá trị bảo thủ và đảng B có khuynh hướng tiến bộ -- cũng từ đó món nợ quốc gia (National debt) thành hình vì chi phí chiến tranh và những nhà "quý tộc" nhìn thấy đó là sự cân bằng (balance) để duy trì sinh hoạt chính trị.

Thời đó dân da trắng giữ đa số, dân da đen là thiểu số và tôn giáo là Tin Lành và Công Giáo. Thời đại đó đi qua và nay các sắc dân thiểu số trở thành đa số cử tri. Chiến tranh và nghèo đói khiến di dân tràn vào nước Mỹ. Tôn giáo vi phạm các vấn đề đạo đức khiến lớp trẻ không còn tin vào tôn giáo. Khuynh hướng cấp tiến thắng thế khiến đảng bảo thủ trở nên quá khích trong các biện pháp, đạo luật về xã hội, giáo dục, y tế, an sinh.... Trong khi tại các tiểu bang cũng phân hóa theo đảng tranh và tinh thần dân chủ không còn như khi Mỹ vừa thắng trận chiến thế giới lần thứ hai. Các tiểu bang phe bảo thủ nắm đa số đã làm luật có lợi cho đảng mình, bất kể ý kiến của quần chúng. Nhưng khi thành phần dân số thay đổi nghiêng về phía cấp tiến thì khó mà ngăn chặn sự tiến hóa của xã hội.

Trong sinh hoạt chính trị Mỹ khi tranh cử thì các ứng cử viên hứa hẹn ABC với cử tri nhưng sau khi đắc cử thì họ chạy theo quyền lợi của các công ty, kỹ nghệ để có tiền tranh cử cho kỳ tới. Không những thế khi đảng tranh xảy ra thì có dân biểu, thượng nghị sĩ đổi đảng vì lợi ích cá nhân hơn là vì cử tri hay quốc gia. Cử tri không thể làm gì khác hơn là chờ bầu cử để chọn người khác, và người cũng vậy thôi vì không có luật cho phép cử tri hồi tố đại diện phản bội và các nhà làm luật cũng không muốn. Đó không còn là dân chủ nữa.

Thời kỳ lập quốc, Thượng Viện đại diện cho giai cấp quý tộc (nhà giàu, thương gia, kỹ nghệ gia...) và Hạ Viện đại diện cho giới bình dân. Khi nước Mỹ trở nên thịnh vượng thì giới nhà giàu muốn giữ thế cân bằng chính trị qua lưỡng đảng và không muốn đảng thứ ba xuất hiện vì A hay B thì họ cũng nắm cán cân quyền lực.

Vào thời đại 2000s thì lưỡng đảng đi vào khủng khoảng khi sự thỏa hiệp không còn. Đảng A nắm đa số tại Quốc Hội không thống nhất về chính sách khi một thiểu số X quá khích phản đối và đòi hỏi một số yêu cầu Y. Như vậy quy luật đa số làm luật, thiểu số có quyền góp ý (Majority rule, Minority right) đã bị đảo ngược và tiến trình soạn luật bị bế tắc.

4. Tôn giáo và chính quyền

Tuy hiến pháp phân định tự do tôn giáo và tôn giáo tách biệt khỏi chính quyền nhưng Quốc Hội làm luật xác định khẩu hiệu "chúng ta tin nào Thượng Đế" (in the God we trust). Đó là khi đa số dân Mỹ theo đạo Tin Lành, Công Giáo và lưỡng đảng hòa thuận. Khi tôn giáo suy thoái, dân theo đạo giảm, các tôn giáo khác vươn lên. Chiến tranh tôn giáo trên thế giới ảnh hưởng xã hội Mỹ. Các nhà làm luật trong chính quyền, kể cả tòa án, bắt đầu có sự thiên vị. Và khi có bất công thì có tranh đấu. Giới chính trị không giải quyết được các vấn nạn về di dân, phá thai, súng và tội ác thì khẩu hiệu nhân quyền khó mà vươn lên với thế giới.

Dân chủ mà nhân quyền không được tôn trọng thì không còn là Nhân Quyền. Tôn giáo nào cũng nói đến tình thương, bác ái với đồng loại nhưng khi lãnh đạo tôn giáo tham dự vào chính trị thì mục đích thay đổi. Giới lãnh đạo tôn giáo khi xen vào chính trị đã quên những gì rao giảng với tín đồ để chạy theo quyền lợi và phản bội đức tin. Con người muốn có dân chủ thì phải độc lập với tôn giáo vì khi dựa vào tôn giáo sẽ bị lớp lãnh đạo tôn giáo lợi dụng và dân chủ hay tự do trở thành chiêu bài chính trị.

5. Luật pháp

Nói đến dân chủ là nói đến luật pháp (law & order). Nền tảng của luật dựa trên hiến pháp; hệ thống tòa án giải thích và áp dụng luật đối với kẻ vi phạm để xử phạt. Nhưng khi hiến pháp quá sơ xài và giới Lập Pháp làm luật thiếu sót (loop hole) thì tòa án sẽ xử theo ý ông tòa và công lý đã không đem lại công bằng xã hội. Sinh hoạt dân chủ sẽ không có kết quả khi người dân không trực tiếp tham dự tiến trình soạn luật khi nhiệm vụ soạn luật nằm trong tay Quốc Hội và giải thích luật là Tòa Án. Khi giới làm luật (Quốc Hội) chọn các vị thẩm phán, chánh án và hai bên trở thành bè phái thì người dân không có cách gì ngăn chận và hư vậy "dân chủ" chỉ là trò chơi của tầng lớp ưu tú (elite).

Mục đích của luật pháp là đem lại sự công bằng. Công bằng không thể có được khi các nhà làm luật và xử luật thiếu lý luận dựa trên các nguyên tắc triết học để đạt sự công bằng thì công lý mới được thi hành.

Dân chủ tại Mỹ đã được ngụy trang dưới hình thức "chọn lựa" (choice) khi các nguyên tắc chính trị dựa vào tâm lý học hơn là triết học và được khai thác triệt để qua hệ thống lưỡng đảng: Nếu không A thì là B và chính trị trở thành sòng bài (ăn hay thua). Trong khi mặt kinh tế thì là sự lựa chọn: mặt hàng A sẽ đem lại cho bạn lợi ích XYZ nhưng không nói đến mặt trái là sẽ gây hại 123. Nhưng trên mặt luật pháp thì tuy người dân có thể kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện (nếu có tiền mướn luật sư) nhưng nếu gặp đối thủ mạnh (công ty lớn, nhà giàu, thế lực) thì sẽ đi đến dàn xếp (settlement, commit not wrong doing) ngoài phạm vi tòa án. Như vậy công lý đã bị bịt miệng bằng thế lực, tiền bạc.

Đó không phải là dân chủ.

Cũng như khi tòa xử án thì bồi thẩm đoàn kết tội nhưng chỉ có ông Tòa mới kết án, (khi vui thì án nhẹ, khi buồn thì án nặng). Tại sao bản án không thể do gia đình nạn nhân hay bồi thẩm đoàn quyết định?

Bàn Về Dân Chủ (P2)

Trần Công Lân

Tháng 4 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/06/15/ban-ve-dan-chu/

 

Bàn Về Dân Chủ (P2)

6. Dân chủ, con người và xã hội

Con người sống cần xã hội và xã hội xuất hiện là do con người. Khi con người ý thức về bản thân (tự kỷ) cần có sự kết hợp để nương tựa lẫn nhau (ỷ tha) và nhu cầu gia đình, làng xã... dẫn đến (động tha) xã hội, dân tộc, quốc gia.

Mỗi người có ý kiến, tư tưởng riêng. Xã hội là nơi quy tụ các ý kiến của mọi người để thành lập quốc gia, chính quyền. Thời đại quân chủ là giao trách nhiệm cho một người (vua). Thời kỳ dân chủ là dân chọn người đại điện điều hành sinh hoạt xã hội.

Sự phát triển của khoa học đòi hỏi giáo dục chuyên môn. Người dân chạy theo việc làm thì cần có kiến thức chuyên môn. Khoa chính trị học (political science) và ngành luật phát triển vì luật pháp chi phối mọi ngõ ngách đời sống con người. Nhưng chính trị liên quan đến mọi mặt sinh hoạt xã hội và luật pháp một khi ban hành thì không còn thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Cơ cấu tam quyền phân lập không còn hữu hiệu nữa khi hiến pháp của Mỹ 300 năm trước không còn thích hợp với tình trạng xã hội hiện tại. Hành pháp và lập pháp rơi vào tranh chấp lưỡng đảng. Hệ thống tòa án không theo kịp tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, địa lý chính trị, dân số thay đổi. 

Chính quyền do các đảng chính trị thay nhau điều hành nhưng không tránh khỏi những kẻ bất tài, tham vọng đã khuynh đảo xung đột xã hội về chủng tộc, kinh tế, tôn giáo, văn hóa để thủ lợi và làm nền dân chủ suy thoái. Khi căn bản của sinh hoạt dân chủ là lợi nhuận kinh tế thì cuối cùng dẫn con người chạy theo lợi mà quên các nguyên tắc (luật lệ) sinh hoạt chính trị để duy trì trật tự xã hội.

Khi cường quốc như Mỹ rơi vào hỗn loạn thì thế giới chịu ảnh hưởng chung. Mỹ có sức mạnh về địa lý, tập hợp nhiều sắc dân, chủng tộc nhưng khi giới tư bản thao túng chính quyền qua bầu cử thì không còn là dân chủ thực sự nữa. Cử tri chọn lầm đại diện thì vô phương cứu chữa, phải chờ đến kỳ bầu cử và cứ thế dân bị lừa dối trong sinh hoạt dân chủ không lối thoát.

Để bảo vệ dân chủ là quân đội do mọi người dân tham dự (tình nguyện hay quân dịch) nhưng nếu dân làm tròn nghĩa vụ quân sự để bảo vệ sinh hoạt dân chủ thì các chính trị gia, luật gia lại tìm cách luồn lọt các nguyên tắc dân chủ để trục lợi. Khi giới truyền thông còn độc lập thì còn có thể điều tra các sai lầm của  chính quyền nhưng khi mạng xã hội xuất hiện làm giới truyền thông suy yếu và bị tư bản thống trị thì sinh hoạt dân chủ dần dần bị thiên vị theo ý chủ nhân. 

Nền dân chủ rạn nứt khi ý kiến của đa số dân không được chính quyền nâng đỡ mà chính quyền chạy theo thiểu số có thế lực. Xã hội thành hình với cơ cấu chính quyền để hoạt động là do người dân đóng thuế. Nhưng theo thời gian thì các nhà chính trị tìm cách vượt qua sự kiểm soát của dân để trở nên bất khả xâm phạm (above the law) khi biết rằng sự kiện cáo, tranh tụng mất nhiều thời giờ và tốn kém (chỉ có dân giàu mới kham nổi) thì giới ưu tú (elite) xuất hiện dưới nhiều dạng để đóng kịch "dân chủ" che mắt dân qua bầu cử. Có thể nào gọi là "dân chủ" khi chính quyền chịu ảnh hưởng, chi phối của giới nhà giàu. Khi người dân biết chính quyền thiên vị mà không có người lãnh đạo, không có lối thoát thì dù có nổi loạn thì chính quyền mới cũng đi vào con đường cũ (Ai Cập, Nicaragua, Venezuela, Algeria, Tunisia).

Vậy có đường lối, chính sách, lý thuyết nào giúp người dân thực hiện dân chủ theo đúng ý nghĩa "dân làm chủ"?

7. Con người tự chủ

Thế nào là con người tự chủ?

Là người tự biết mình (tự kỷ), biết vai trò của mình trong xã hội và xã hội đối với cá nhân (tự kỷ-động tha-ỷ tha). Vì mỗi cá nhân không thể tham dự mọi vai trò trong xã hội nên phải chọn đại diện. Nhưng tương quan giữa người dân (cử tri) và đại diện phải là tương quan hai chiều (đối lập thống nhất) và bình đẳng vì một khi đại diện đắc cử và trở thành "bất khả xâm phạm" thì khi họ phản bội cử tri (đổi đảng, chạy theo các đại công ty) thì người dân bất lực.

Khi một cá nhân chọn một vai trò, vị trí trong xã hội (việc làm) thì phải có trách nhiệm đối với bản thân và đối với xã hội (tập thể) và ngược lại, tập thể (cơ quan, hội đoàn, tổ chức, hãng, xưởng, công ty ...) cũng vậy. "Cá nhân và tập thể đối lập thống nhất" ở hai vị thế khác nhau nhưng phải hướng về cùng một mục đích chung (hỗ tương nguyên nhân). Đó là nguyên tắc nhưng cũng cần có cơ phận X để kiểm soát khi một trong hai vi phạm nguyên tắc. Cơ phận X có thể là cơ chế "đan quyền"?

8. Xã hội dân chủ

Nền kinh tế thị trường (tư bản) có khuynh hướng nâng đỡ những kẻ có khả năng làm giàu ngụy danh dưới chiêu bài dân chủ, tự do lựa chọn nhưng không nói đến những người nghèo, thiếu khả năng (tinh thần hay vật chất) cạnh tranh bị đào thải hay tuột dốc trong xã hội và cho rằng họ đã không chịu khó, siêng năng làm việc. Khi chính quyền có khuynh hướng giúp đỡ lớp người này thì bị gán khuynh hướng xã hội chủ nghĩa (socialist) vì biện pháp tăng thuế. Xã hội chủ nghĩa thường bị đồng hóa với cộng sản chủ nghĩa (độc tài chuyên chính) là khi chính quyền bao thầu mọi sinh hoạt xã hội kể cả đời sống của cá nhân. Trong khi xã hội chủ nghĩa (đa đảng) chỉ là trường hợp chính phủ đánh thuế nặng trên các công ty, lương cao để chi phí cho các dịch vụ xã hội và dân nghèo trong khi giới tư bản vẫn được kinh doanh làm giàu theo kinh tế thị trường.

Sự xuyên tạc (hay cố tình tạo nhầm lẫn) giữa xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là do giới truyền thông cố ý không giải thích sự khác biệt vì lợi nhuận của họ đến từ các công ty trả tiền quảng cáo. Nếu dân chúng ủng hộ xã hội chủ nghĩa thì các công ty sẽ bị đánh thuế nặng và giới truyền thông bị thiệt hại. Như vậy tự do ngôn luận, tự do báo chí đã góp phần "phản bội" sinh hoạt dân chủ.

Nếu người dân có trách nhiệm góp phần xây dựng chính quyền hàng dọc (từ địa phương đến trung ương) thì xã hội có nhiệm vụ củng cố hàng ngang theo ngành nghề chuyên môn (cơ năng bản vị). Sự kết cấu Tung (hàng dọc) Hợp (hàng ngang) tạo nên màng lưới sinh hoạt được điều khiển bởi chính quyền.

Xã hội cần có luật pháp được thành hình bởi 3 mặt: làm luật (lập pháp), thi hành luật (hành pháp) và phân xử hay giải thích luật (tòa án). Nền dân chủ Mỹ suy thoái bởi (1) cá nhân thiếu tự kỷ, (2) tập thể (đảng, công ty, giới truyền thông, công đoàn, tôn giáo) thiếu đối lập thống nhất, (3) tương quan cá nhân và tập thể (hỗ tương nguyên nhân).

Ý niệm hay cơ chế "đan quyền" các đơn vị (bản vị) đoàn thể quy tụ dân chúng các cấp địa phương (tỉnh, quận, xã) góp ý giải quyết vấn đề mà các cơ quan chính quyền (do dân bầu) không thực hiện đúng ý dân.

Đan quyền không dựa vào hiến pháp mà dựa vào ý dân trực tiếp giải quyết bất đồng xã hội. Để thực hiện đan quyền thì cơ cấu hành pháp kiêm luôn lập pháp (viết luật) nhưng quyết định phê chuẩn là do toàn dân phê chuẩn với sự giúp đỡ của 2 cơ quan: Hành Chính Viện đề nghị các luật cần thiết và Phê Phán Viện có nhiệm vụ phân tích, phê bình các dự luật. Hai viện này là cơ quan độc lập không chịu ảnh hưởng của Tổng Thống hay Quốc Hội và tránh được sự mua chuộc của giới vận động từ các công ty, kỹ nghệ muốn khuynh đảo luật pháp.

9. Công bằng xã hội

Khi công lý không được thực hiện thì cân bằng xã hội không có và dẫn đến hỗn loạn. Nền dân chủ Mỹ dựa vào bộ Tư Pháp và hệ thống tòa án nhưng cả hai đều không kiểm soát được nhau (hỗ tương nguyên nhân) và thiếu biện pháp can thiệp khi một bên đi qua trớn mà giới Lập Pháp (Quốc Hội) và dân không thể làm gì được.

Người dân là đáy tầng của mọi sinh hoạt xã hội. Xã hội càng phức tạp thì cần càng nhiều cơ quan phụ trách. Khi được điều khiển bởi các chuyên gia (xã hội, y tế, giáo dục, kinh tế, chính trị...) thì lại thiếu hiểu biết về các các tương quan liên hệ (hỗ tương nguyên nhân). Do đó người dân chịu đựng các bất công xã hội sẽ không được đáp ứng bởi chính quyền thiếu khả năng thích ứng với các biến chuyển xã hội vì guồng máy hành chính quen với thủ tục (red tape).

Khi một ông Tòa ở quận A xử kẻ giết người với án treo trong khi ở quận B ông tòa khác xử 3 đời tù chung thân thì người dân và gia đình nạn nhân nghĩ sao?

Đó không phải là công bằng xã hội.

10. Hiến pháp

Luật pháp giả sử là đem lại công bằng, công lý nhưng cũng chính là đầu mối bất công xã hội. Khởi đi là từ hiến pháp (Mỹ) khi thành lập quốc gia thì dựa trên hoàn cảnh đang có 1778 với những khái niệm, quan niệm về dân chủ của xã hội lúc bấy giờ. Sau 300 năm thì con người và xã hội thay đổi nhưng các nhà làm luật (Quốc Hội) và xử luật (tòa án) vẫn dựa vào hiến pháp đã lỗi thời. Trong khi kinh tế (thị trường) đòi hỏi các công ty phải thích ứng với nhu cầu quần chúng nếu không sẽ bị các công ty mới đào thải. Về mặt khoa học kỹ thuật cũng vậy. Đặc biệt về xã hội, vốn là quốc gia tập hợp các người di dân với các nền văn hóa, tôn giáo, chủng tộc khác biệt đòi hỏi sự thay đổi nhưng nếu tầng lớp cai trị (chính quyền) vẫn giữ thái độ cũ dựa theo hiến pháp 300 năm trước thì xung đột xảy ra là điều tất yếu.

Như vậy hiến pháp cần thay đổi (thí dụ: 30 hay 40 năm) và nhiệm kỳ của các nhà làm luật cũng cần thay đổi (giới hạn) vì lớp người già của lớp tuổi 80s không thể đại diện cho lớp tuổi 30/40. Phải chăng quy luật "phép vua thua lệ làng" vẫn còn ứng dụng?

Mục đích của hiến pháp là quy tụ mọi người chấp nhận sống với nhau (quốc gia) trên nền tảng hiến pháp quy định. Khi bất công xã hội xảy ra khiến nguy cơ rối loạn có thể làm tan vỡ quốc gia thì hiến pháp cần phải được cải tổ. Quan niệm bảo thủ chỉ đúng khi gìn giữ cái tốt. Một khi hiến pháp cũ không còn dùng được thì tìm hiến pháp mới thay thế. Sự đổi mới có bất trắc nhưng không vì thế mà con người chối bỏ sự tiến bộ. Tinh thần sáng kiến, phát minh và mạo hiểm phát xuất từ tư tưởng loài người. Cũng từ tư tưởng, con người tạo ra triết học để truy cứu mọi ngõ ngách đời sống dẫn đến toán học và khoa học. Khi đảng chính trị lợi dụng tâm lý quần chúng để cầm quyền thì đó là Tà trị vì tâm lý là xung động nhất thời của con người.

Khi chính trị lưỡng đảng của Mỹ khai thác yếu tố tâm lý để duy trì quyền lực chính trị (thay nhau cầm quyền) vì qua bầu cử thì dân chỉ có thể chọn 1 trong 2 đại diện đảng nhưng chỉ có giá trị khi có sự hợp tác (compromise) nhưng đó không phải là "đối lập thống nhất" hay "hỗ tương nguyên nhân" mà chỉ là quyền lợi đảng tranh núp dưới chiêu bài dân chủ. Khi tranh cử thì đảng nào cũng kêu gọi tạo việc làm, cắt thuế, giảm nợ (debt ceiling)...  nhưng khi cầm quyền thì ai cũng xài xả láng vì tiền thuế là tiền chùa (vay nợ) xài trước, nợ để kẻ đi sau phải lo. Khi việc làm cho dân nghèo chỉ là nhất thời, giảm thuế nhà giàu là vĩnh viễn, chi phí quốc phòng là bất khả xâm phạm và khoảng cách giàu-nghèo ngày càng tăng thì nền dân chủ đó có được dân chúng ủng hộ hay không? Khi các nhà làm luật tự ý tăng lương cho mình hay thay đổi thủ tục chọn Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện để có lợi cho phe đảng thì người dân có thể làm gì được?

Làm sao xây dựng dân chủ khi hiến pháp cho phép "tự do ngôn luận" cũng là tự do nói láo, xuyên tạc, gian lận, lừa gạt, dùng mọi thủ đoạn để cầm quyền qua bầu cử. Như vậy phải chăng "bầu cử" chỉ là hình thức dân chủ mà những kẻ khôn ngoan lợi dụng để cầm quyền và bóc lột người khác? Khi hai người có nhận định khác nhau về giá trị Nhân Bản của con người trong xã hội thì không thể nói chuyện dân chủ. Phải chăng giới chính trị Mỹ đã lợi dụng xã hội di dân, đa chủng để mỗi khi có xung đột chủng tộc, văn hóa, tôn giáo... thì đó là cơ hội để họ vận dụng tâm lý đám đông và đắc cử? Cũng vì lý do đó mà Nhân Quyền được chính quyền Mỹ sử dụng tùy lúc chứ không phải là yếu tố hàng đầu.

Chỉ vì hiến pháp không quy định nên các chính trị gia (Hành Pháp, Lập Pháp, Tòa Án) đều lạm dụng chức vụ để qua mặt luật pháp vì họ biết luật, biết kẽ hở (loop hole). Sẽ không bao giờ có một hiến pháp toàn vẹn vì sự giới hạn của chữ và nghĩa. Nếu gọi là hiến pháp Dân Chủ thì phải trả lại quyền làm chủ cho dân khi người dân có suy nghĩ (ý kiến) khác kẻ cầm quyền. Quyền can thiệp trực tiếp vào bất cứ vấn đề gì từ phía người dân sẽ khiến giới chức cầm quyền phải cẩn thận khi hành động.

Có ai thắc mắc khẩu hiệu "hiến pháp vì dân, do dân, bởi người dân" nhưng khi dân muốn thay đổi hiến pháp thì đại diện dân cãi chầy, cãi cối để rơi vào bế tắc và không thi hành. Đó không phải là "hiến pháp dân chủ" mà dân cũng không phải là "chủ” hiến pháp. Phải chăng hiến pháp chỉ là món hàng lừa gạt dân?

Muốn được như vậy thì mỗi cá nhân phải tự giáo dục (tự kỷ) để có suy nghĩ, lý luận cân bằng (fair). Khi hai người tiếp xúc, đối xử với nhau không công bằng thì xã hội sẽ không có sự công bằng. Nếu mỗi cá nhân không thực hiện được Nhân bản (nhân đạo), Nhân tính (nhân sinh), Nhân chủ (nhân cách) thì sẽ không có xã hội dân chủ. Nếu loài người không thực hiện được Nhân Loại Bản Vị như là một cương thường chung cho thế giới thì vai trò của Liên Hiệp Quốc đem lại hòa bình, nhân quyền sẽ không có kết quả.

Khuynh hướng giảm thiểu vai trò của chính quyền và xóa bỏ thuế xem ra có vẻ "tự do, dân chủ" nhưng không ai nói đến vai trò của chính phủ khi người dân cần đến: thiên tai, bệnh dịch, điện nước, giao thông .... Nếu nói rằng chính quyền tạo ra thủ tục hành chánh làm cản trở sự phát triển kinh tế mà không ai nhắc tới khi chính quyền vắng mặt thì những kẻ khôn ngoan, mạnh bạo ức hiếp người khác để chiếm đoạt tài nguyên thì ai sẽ can thiệp?

Kết

Nói đến mặt trái mà không nói đến mặt phải là không cân bằng. Bạn có thể duy trì cân bằng trong đời sống hàng ngày cho chính bản thân và người xung quanh chăng? 

Bạn cần phải cân bằng (suy nghĩ trái-phải, thuận-nghịch, trên-dưới, trong-ngoài) cho bản thân, trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn không công bằng với chính bạn thì làm sao bạn có thể công bằng với người khác trong xã hội?

Công bằng phải chăng là nền tảng của dân chủ? Khi cá nhân từ bỏ đời sống đơn độc trong thiên nhiên để gia nhập xã hội (làng, xã, quốc gia) thì họ tin rằng sẽ được đối xử như nhau (bình đẳng, công bằng) về quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu vậy thì tại sao nền dân chủ hôm nay vẫn còn người giàu, kẻ nghèo, chiến tranh và xung đột? Dân chủ mà không có công bằng thì không còn là dân chủ. Bạn có ý kiến nào khác hơn không?

Trần Công Lân

Tháng 4 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/06/15/ban-ve-dan-chu-p2/

 

 

 

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...