Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Cương Thường Giữa Cõi Nhân Sinh (P1)

 

Cương Thường là gì? Trong quyển tự điển của Lê Ngọc Trụ không có định nghĩa cho chữ này. Theo tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì định nghĩa là tam cương ngũ thường. Người viết bài này nhìn vấn đề cương thường ở một dạng khác, một dạng mà những con người, tuy đồng ý với nhau trên mục tiêu thành lập một tổ chức, có thể là một tổ chức thiện nguyện, một hội đoàn giao tế, hoặc một đảng phái chính trị thì cái mục tiêu đó vẫn chưa đủ. Có cùng một mục tiêu, một lý tưởng nhưng chúng ta có cùng một cương thường hay chăng? Nếu vì mục đích phục vụ xã hội nhưng lại làm ảnh hưởng đến môi trường sống thì thì phải chăng sẽ có người không muốn tham dự vào tổ chức đó cho dù họ có cùng một mục đích là phục vụ xã hội? Tại sao cùng một mục đích mà lại không thể hợp tác với nhau?

Đấy chính là cương thường của con người, những quan niệm về đối xử, ứng xử giữa những con người và cũng là cái đèn hải đăng hay một bản đồ để dẫn dắt những con người trong tổ chức đó đừng đi lạc đường cho cái mục đích vì con người nhưng dùng hạ sách phản lại cái mục đích vì con người đó. Thí dụ (1) vì muốn có tiền cho sinh hoạt, đi xin tiền và nói dóc những điều mà nhóm chưa hề thực hiện; hoặc (2) một tay lừa gạt nhiều người, cho nhóm một số tiền lớn với điều kiện đánh bóng đạo đức của cá nhân cho tiền mà nhóm biết rằng cá nhân đó là tay gian manh, lừa gạt nhưng vẫn nhận tiền và làm chuyện đánh bóng. Câu “cứu cánh biện minh cho phương tiện” là câu nói vô cương thường và chính vì thế tạo ra sự giết hại (hay hãm hại về uy tín và tài sản) lẫn nhau giữa người cùng tổ chức.

Người Việt khi đồng ý để cùng nhau thành lập một tổ chức (nhóm) chỉ nhắm đến mục đích để làm gì mà lại quên đi cái căn bản, rất quan trọng -- là những người trong nhóm dựa vào cương thường nào để cùng nhau đạt cái mục đích muốn nhắm đến của một tổ chức hay nhóm. Bài viết này sẽ mổ xẻ cương thường với hy vọng giúp cho các bạn trẻ ở tương lai có ít nhiều quan tâm về cương thường trước khi quyết định thành lập một nhóm, một tổ chức hay một liên minh để cùng nhau làm việc.

Con Người là gốc

Mỗi con người là một cá thể trong xã hội. Một cá thể không thể tạo ra được xã hội và một cá thể không làm được gì nếu không có sự tham dự của nhiều cá thể trong xã hội. Nhiều cá thể tạo ra được xã hội để từ đó mọi người cùng đóng góp công sức, khả năng của chính bản thân hầu xây dựng xã hội, một tổ chức, một nhóm có cùng một lý tưởng. Đây là sự hiểu biết giữa tương quan cá thể với tập thể và ngược lại.

Khi một nhóm được hình thành bởi nhiều cá thể, mỗi cá thể trong nhóm đều có giá trị ngang nhau. Đừng nghĩ mình giỏi nên xem thường người khác. Cái giỏi của một cá nhân vô giá trị khi cái giỏi đó không làm được gì nếu không có sự tham dự của người khác. Thí dụ: bạn giỏi và sáng chế ra một sản phẩm tuyệt vời để giúp xã hội. Nhưng cái sản phẩm bạn nghĩ ra, hoặc làm ra, sẽ không sản xuất hàng loạt nếu không có sự tham dự của những người khác hoặc có sự tham dự của những người cung cấp vật liệu cho sản phẩm bạn muốn làm ra.

Sự thành công của một nhóm, một công ty là biết sắp đặt tài năng của mỗi người vào đúng vị trí của nhóm để tạo sự vận hành hiệu quả. Đừng bắt một người không có khả năng viết (hoặc không muốn tham dự) vào ban biên tập; đừng bắt người yếu đuối đi làm việc chân tay nặng nhọc; đừng bắt anh bác sĩ đi làm chuyện trồng lúa ở nông trường. Đây là những thí dụ để biết đặt người vào đúng vị trí và tài năng của mỗi người trong sinh hoạt của tổ chức hay xã hội.

Sự thành công của một nhóm, hay liên minh là sự thành công của tất cả mọi người, mọi tổ chức trong liên minh đó chứ không phải chỉ một nhóm giành credit cho chính mình. Cái tật của người Việt là hay giành credit của người khác cho chính tổ chức mình. Sự hợp tác, liên minh với người khác, với tổ chức khác để làm một chuyện gì đó thì khi thành công hay thất bại là do tất cả những tổ chức, những cá nhân đồng chịu trách nhiệm trong mặt nội bộ. Đối với quần chúng, sự thất bại luôn luôn phải có người đứng mũi nhận lãnh trách nhiệm trước công luận nếu cá nhân đó đứng ở vị trí lãnh đạo của một tổ chức, một dự án ngoài cái toàn thể cũng có phần đóng góp cho sự thất bại đó. Chẳng có gì xấu hổ nhìn nhận sự thất bại của tổ chức, của cá nhân bởi “thất bại là mẹ đẻ của thành công”. Henry Ford thất bại mấy lần mới có thể đạt được sự thành công trong việc sản xuất xe Ford với số lượng nhiều.

Thành thật là cái gốc trong sự tương tác giữa những cá thể trong mọi sinh hoạt của xã hội. Thành thật và tôn trọng sự thật là chuyện không thể nào xem thường và đây chính là cái cần phải có, giá trị hơn tài năng. Có tài năng mà không thành thật, không tôn trọng sự thật thì tài năng đó có thể làm hại đến xã hội, đến những người làm việc chung. Không thể nào hợp tác giữa một người xài bạc giả (nói dối, ngụy biện) với người xài bạc thật (không nói dối). Đừng viện dẫn lý do chuyện riêng tư nên tôi sẽ không nói lên sự thật cho bạn nghe. Nếu chuyện riêng tư ảnh hưởng đến sự sống còn của tổ chức thì chuyện riêng tư đã trở thành chuyện của mọi người. Nếu chuyện riêng tư ảnh hưởng đến tư cách, nhân cách của một con người thì sự riêng tư trở thành chuyện của mọi người. Thí dụ: bạn dùng tiền để ái ân với cô gái dưới 17 tuổi. Đây là chuyện riêng tư của bạn nhưng nếu chuyện này xảy ra, được nhiều người biết đến và những người trong nhóm đặt vấn đề, bạn không thể nào viện lý do là chuyện riêng tư, tôi không thể nào chia sẻ cho mọi người biết điều đó đúng hay sai. Hoặc bạn có gia đình nhưng đi ngoại tình và người trong nhóm đặt vấn đề, bạn phải thành thật xác nhận chuyện đó chứ không thể nào vì chuyện riêng tư, tôi sẽ không xác nhận chuyện đó có hay không có. Người trong nhóm có quyền đuổi bạn ra khỏi sinh hoạt nếu đó là tiêu chuẩn cương thường mà nhóm đặt ra hoặc sự hiện diện của bạn làm ảnh hưởng đến uy tín và sự sống còn của một nhóm hay tổ chức. Điều này áp dụng cho các tổ chức chính trị khi liên minh và ai đó đặt vấn đề của một sự việc nào đó để xác nhận sự thành thật thì đừng vì lý do đây là của nội bộ tổ chức nên không thể nào cho ý kiến chuyện đó xảy ra hay không. Thí dụ tổ chức chính trị A phát cờ cho người Việt trong ngày 6 tháng 1 năm 2021 và lá cờ đó bay trên căn nhà Quốc Hội trong cuộc tấn công vào cơ chế dân chủ Mỹ, khi ai đó đặt vấn đề và tổ chức A nói là không có -- thì sự thành thật ở tổ chức A cần phải xét lại để quyết định có tiếp tục liên minh hay không.

Lợi dụng nhóm, tổ chức để đem lại quyền lợi tài chính, danh vọng cho chính cá nhân (hay tổ chức của mình) là điều không thể chấp nhận trong sinh hoạt của một tập thể (hay một liên minh). Để tránh chuyện này, nhóm hay tổ chức cần phải có một biện pháp trong vấn đề tài chính hầu tránh sự kiện lạm dụng quyền hành để dùng tài chính cho quyền lợi của cá nhân được bao che với danh nghĩa sinh hoạt của tổ chức. Sự thất bại của nhiều tổ chức đều từ chuyện tài chính mà ra. Để tránh tình trạng lạm dụng tài chính, người giữ sổ sách (accounting) và người ký chi phiếu phải là hai cá nhân khác nhau, không thể nào là người cùng chung một gia đình. Chưa kể mọi chi phí phải được minh bạch, bàn thảo với nhiều người chứ không phải một người tự biên, tự diễn và những người khác chỉ là bù nhìn cho giấy tờ đối sở thuế.

Con người là gốc. Nguồn Gốc của con người khác nhau phát xuất từ trí óc. Cùng một hình hài, với những cơ phận như nhau nhưng có suy nghĩ đưa đến hành động khác nhau chỉ vì "Thức" (suy nghĩ, nhận định, ý thức). Để hiểu về sinh hoạt của bộ óc con người thì khoa Tâm Lý học và Não học (neuroscience) vẫn chưa giải thích được hết mọi vấn đề như Duy Thức học trình bày. Trong xã hội, đời sống con người là giao tiếp với con người. Cương thường là quy luật của sân chơi, của đời sống con người trong xã hội. Và để tìm hiểu nhau thì sự giao tiếp (đối thoại và cư xử) phải có hai chiều vì chúng ta (loài người) đang sống trong thế giới của Nhị nguyên (Âm-Dương).

 

Vậy khi bạn khởi lên một ý niệm (câu hỏi, vấn đề, hành động...) như một chiều "Đi" thì bạn có nghĩ và chấp nhận sự phản ứng đến từ người khác như chiều "Về" hay không? Nếu bạn trả lời "có" thì cương thường sẽ như thế nào? Và nếu bạn trả lời "không" thì cương thường của bạn sẽ như thế nào?

 

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2021 (Việt lịch 4900)

https://nganlau.com/2021/09/07/cuong-thuong-giua-coi-nhan-sinh-p1/

 

Cương Thường Giữa Cõi Nhân Sinh (P2)

Tôn trọng mọi người

Tôn trọng mọi người và không phân biệt vùng miền, chủng tộc, sắc tộc, màu da, tín ngưỡng. Con người dù ở nơi đâu cũng đều có người xấu, người tốt. Xấu tốt là ở chính cá nhân đó chứ không ảnh hưởng đến vùng miền hay những tiêu chuẩn khác do con người đặt ra. Người ta thường hay viện dẫn sự xấu từ môi trường chung quanh nhưng nói đúng ra đây chỉ là phụ mà cái chính là do nhận thức bên trong của mỗi người để tự mình chọn nếp sống xấu-tốt chứ ngoại cảnh sẽ không ảnh hưởng đến xấu-tốt nếu cá nhân đó làm chủ được tâm thức của chính mình.

Tôn trọng phải được hiểu đừng bao giờ đánh giá con người ở bằng cấp, địa vị xã hội, hay tuổi tác. Bằng cấp, địa vị xã hội, tuổi tác chỉ là bề ngoài chứ không nói lên được Con Người của cá nhân đó. Có những người có bằng cấp cao, địa vị giàu có nhưng lối ứng xử của họ khiến những người có quan hệ gần gũi hổ thẹn khi nhắc đến chỉ bởi vì họ thiếu sự tự trọng, nhân phẩm, nhân cách. Có những người tuổi cao nhưng đầu óc vẫn như một đứa trẻ, không phân biệt được sự thật và ảo tưởng. Ngược lại có những người tuổi nhỏ nhưng sự nhận thức trưởng thành (tự làm chủ được tâm-sinh-lý của chính mình) trước tuổi để quan tâm đến con người, xã hội, môi sinh từ lúc tuổi vị thành niên và tiếp tục theo đuổi lý tưởng đó cho đến lúc nằm xuống.

Tôn trọng người khác bằng cách thực hiện quyền tự do ngôn luận trong một tinh thần có trách nhiệm. Không bôi nhọ bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào bằng bất cứ phương pháp nào. Chuyện dùng từ ngữ thô nhã để nói về bản chất của một cá nhân, cho dù đó là đúng, không nên làm bởi dù sao đó cũng là một con người có những tham-sân-si như mọi người. Chuyện dùng hình ảnh phiếm họa để diễn đạt bản chất của một con người là chuyện không nên làm bởi hình ảnh đó không có thật. Ngoại trừ bạn làm nghề chọc cười (comedian) thiên hạ thì bạn có thể sử dụng hình ảnh phiếm, hí họa để nói lên bản chất thật của ai đó. Ngoài ra bạn là người bình thường, không phải trong nghề chọc cười thì đừng bao giờ dùng những tranh hí họa đó để áp dụng cho bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào. Nhiều người viện dẫn lý do tự do ngôn luận để tung những tin giả dối về cá nhân nào đó, một tổ chức nào đó mà đài Fox, một vài luật sư nói về cuộc gian lận bầu cử năm 2020 để triệt hạ uy tín của vài công ty. Đây không phải là tự do ngôn luận mà lạm dụng quyền tự do ngôn luận.

Tôn trọng người khác không có nghĩa là bạn im lặng trước sự làm sai trái của một cá nhân, một công ty khi mà họ là những con người của công chúng, có ảnh hưởng đến nhiều người. Người Việt có một tật xấu là hay bao che cái xấu của ai đó mà họ xem là “lãnh tụ” hay những người mà họ ngưỡng mộ. Từ sự bao che đó, những người gian dối tiếp tục hiện diện trong cộng đồng để phá hoại cộng đồng qua khẩu hiệu “xây dựng cộng đồng”. Một cá nhân xấu thì sẽ không bao giờ có một ý tưởng tốt để xây dựng cộng đồng và nếu có thì cũng chỉ là lợi dụng để xây dựng uy tín cá nhân. Và mỗi cá nhân sống trong cộng đồng phải lên tiếng cái xấu đó nếu cá nhân xấu đó tiếp tục lợi dụng cộng đồng để thực hiện ý đồ cá nhân của họ. Xây dựng cộng đồng thì việc đầu tiên là phải loại bỏ những cá nhân xấu đang nằm trong cộng đồng và muốn tạo ảnh hưởng trong cộng đồng.

Tôn trọng người khác tức là bạn chấp nhận có ý kiến khác biệt trong bất cứ giải pháp nào để giải quyết bất cứ vấn đề nào. Tùy theo kinh nghiệm bản thân, tâm và tri thức bên trong của mỗi người, cách giải quyết hay nhận diện vấn đề ở mức độ khác nhau. Mức độ khác nhau đó không cho bạn cái quyền đem kinh nghiệm cuộc sống quá khứ, bằng cấp của mình để cho rằng mình giỏi hơn người khác bởi thực tế kinh nghiệm của bản thân, bằng cấp hoàn toàn không dính dáng đến nhận thức hiện tại bởi hoàn cảnh, thời gian hoàn toàn khác và cái kinh nghiệm đó không còn có giá trị với hoàn cảnh và thời gian mới.

Tôn trọng người khác tức là bạn biết lắng nghe những lời phê bình của người khác về chính mình. Nếu lời phê bình đó đúng thì phải tự mình sửa đổi cái sai trái đó. Nếu sự phê bình sai thì cần phải lên tiếng giải thích cho người phê bình hiểu rõ người phê bình đã nhìn vấn đề không đúng bản chất của sự thật, hoặc có thể im lặng bởi đôi lúc người phê bình không biết luật của phê bình. Đừng ngụy biện cho những sai trái của mình bởi đó là không thành thật với chính bản thân mình.

Tôn trọng người khác tức là khi ai đó đặt câu hỏi với bạn, bạn trả lời thẳng câu hỏi đó chứ không phải trả lời nhưng lại không phải là trả lời để chạy trốn câu hỏi đã đặt ra với chính bạn. Điều này chúng ta thấy rất rõ ở những người làm chính trị tại Mỹ, họ không bao giờ trả lời thẳng câu hỏi đặt ra với chính họ nếu câu hỏi đó không đem lại quyền lợi của bản thân.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/09/07/cuong-thuong-giua-coi-nhan-sinh-p2/

 

 

 

 

Cương Thường Giữa Cõi Nhân Sinh (P3)

Tu dưỡng bản thân: nền tảng xây dựng cương thường của loài người

Chỉ khi nào bạn ý thức về con người và vai trò của con người trong xã hội (bao gồm cả thiên nhiên vì nếu không có thiên nhiên đã không có xã hội) thì tương quan giữa con người là để xây dựng con người và xã hội chứ không phải là triệt hạ lẫn nhau để sống. Có chấp nhận như vậy thì cương thường của loài người mới thành hình và tương lai của nhân loại có tồn tại trong hòa bình hay không là ở chỗ xây dựng một cương thường cho loài người.

Ý thức của con người đòi hỏi sự tự vấn và trách nhiệm: khi bạn làm điều thiện thì người khác sẽ làm điều thiện với bạn. Nếu bạn làm điều ác thì hậu quả việc ác sẽ đến với bạn. Bởi vậy "Tự kỷ" (tự xét chính mình) là ý thức quan trọng của cá nhân đối với xã hội trước khi bất kỳ một Hiến Pháp nào có thể thực hiện cho mỗi dân tộc, quốc gia trong thế giới loài người khi cương thường không được thiết lập và tôn trọng.

Như trên đã nói, con người khác nhau (hay hơn nhau) ở bộ óc biết suy nghĩ. Nếu bạn thông minh hơn người khác thì bạn sẽ làm gì với sự thông minh đó? Bạn sẽ làm giàu, chiếm đoạt tài sản, tài nguyên để hưởng thụ? Bạn sẽ trở thành nhà lãnh đạo thống trị xã hội để chứng tỏ tài năng hay lòng tham của bạn? Tài năng của bạn là  tất năng sẵn có trong bạn tự phát ra. Đó không phải là khả năng bắt chước theo sự phát minh của người khác để tạo ra những sản phẩm rác rưởi trong xã hội. Tìm hiểu bản thân là tu dưỡng. Tranh chấp trong xã hội là do lòng tham hay nhu cầu? Bạn có kiểm soát được lòng tham của bạn khi nó nổi dậy? Con người khôn ngoan thì che đậy lòng tham của mình dưới hình thức khác. Nhưng kẻ kém thông minh hơn thì sẽ dùng bạo lực để thực hiện. Cho dù con người đặt ra luật lệ nhưng con người cũng có thể tìm cách tránh né, luồn lọt qua luật lệ. Vậy thì Hiến Pháp không ngăn chặn được con người lợi dụng tài năng của mình để bóc lột xã hội thì cương thường sẽ có ý nghĩa gì?

Không chấp nhận cương thường có nghĩa là không chấp nhận trật tự, hòa bình chung mà chỉ là mạnh ai nấy sống hay là khôn sống, ngu chết? Có thể đã là như vậy khi loài người còn sống sơ khai. Chẳng may, hiện nay kinh tế toàn cầu đã kết hợp con người khắp nơi trên thế giới với nhau. Môi sinh và khí hậu thay đổi đe dọa sự tồn vong của loài người. Đã có người nghĩ chuyện chạy đến một hành tinh khác để sống. Nhưng liệu có kịp hay không? Hay cũng vẫn mang bệnh dịch theo đến chỗ mới? Chắc gì một hành mới không có cư dân? Hay có thể cư ngụ được lâu dài? Nếu bạn đã sống buông thả để hủy hoại hành tinh đang sống thì kiếm chỗ mới cũng chỉ là hủy hoại mà thôi.

Khi những tỷ phú, những nhà kinh doanh vẫn chưa chịu nhận ra sai lầm, thiếu sót của bản thân với xã hội và thiên nhiên thì có nghĩa họ vẫn nghĩ rằng họ có nhiều cơ hội sống sót hơn là đa số dân nghèo. Thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh, môi sinh, khí hậu thay đổi sẽ không ảnh hưởng tới đời sống của họ. Tiền bạc và quyền lực cho phép họ quyết định hướng đi của nhân loại qua các tổ chức chuyên môn, nghiên cứu... Cái khôn của họ không phải là cái ngoan vì thái độ cực đoan. Sự quá độ chỉ dẫn đến vực thẳm.

Khi thế giới loài người bao gồm các nước lớn nhỏ, giàu, nghèo... thì nếu các nước lớn, giàu như Mỹ không chịu làm "cảnh sát" thì ai sẽ làm? Không có an ninh thì làm sao có kinh tế hùng mạnh nhất thế giới? Ai cũng lo làm giàu mà không có ai giữ an ninh thì thế giới sẽ ra sao? Nếu mỗi quốc gia tự đặt một nền an ninh (cương thường) riêng thì ai sẽ nghe ai? Nếu từ một gia đình không có trật tự, cường thường thì sẽ làm cả làng xóm, quốc gia, xã hội rối loạn. Một nước có cương thường mà các nước xung quanh không có thì dân sẽ chạy đi tỵ nạn tại nơi có an ninh, trật tự. Vậy thì cương thường cần có cho thế giới loài người.

Vậy thì cương thường sẽ được các quốc gia, dân tộc đóng góp như nền tảng chung hay phải đợi cho khi nào mỗi quốc gia, dân tộc sẵn sàng tham dự?

Một khi mỗi quốc gia đã thiết lập cương thường riêng cho họ thì dễ gì buông bỏ để đi tìm cái mới chung cho thế giới. Chúng ta đã có thí dụ về Nhân Quyền của Cộng Sản, của Tư Bản và của Hồi Giáo cực đoan. Và sự khác biệt đó chỉ có thể giải quyết bằng chiến tranh.

Mà chiến tranh là cao điểm của chính trị. Và giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị. Có chiến tranh có nghĩa là giáo dục đã thất bại để tạo một tầng lớp lãnh đạo quần chúng biết xây dựng hòa bình. Hòa bình chỉ bền vững khi có an ninh, trật tự và đó là cương thường của nhân loại.

Kết luận

Nhìn về quá khứ, tất cả những tổ chức người Việt được hình thành chỉ nhắm vào mục đích mà hoàn toàn quên đi “cương thường” để thực hiện mục đích mà những người sáng lập tổ chức lập ra.

Những người thành lập tổ chức thiện nguyện hoặc tổ chức đảng phái chỉ nhắm vào mục đích, vào cái bylaws để xin được miễn thuế từ sở thuế nhưng hoàn toàn không bàn về cái “cương thường” hay còn gọi là nền tảng (principal) trong ứng xử, sự hướng dẫn mỗi thành viên trong tổ chức đạt mục đích trên nền tảng “cương thường” đó.

Bài viết này, dĩ nhiên, “Cương Thường” nói bên trên là quan điểm cá nhân của người viết. Bạn cho thể thêm vào hoặc không đồng ý với những điều bên trên. Nhưng bất cứ sự hợp tác nào, liên minh nào; từ nhiều cá thể, từ nhiều đảng phái; cần phải có “cương thường” đặt ra như là một tấm bản đồ, một ngọn hải đăng, một địa bàn để mọi người, mọi đảng phái không đi lạc trong cái mục đích chung để kết hợp với nhau làm việc trên địa bàn lâu dài; cùng nhau giúp đỡ để mọi người, mọi đảng phái phát triển đúng khả năng và tạo sức mạnh cho cộng đồng.

Cái “cương thường” cũng cần nên đưa vào trong bylaws, nằm ở phần đầu bởi nếu gọi là nền tảng thì đây chính là nền tảng đầu tiên để mọi người nắm rõ, đồng ý trước khi nói đến ngồi lại làm việc cho một mục đích nào đó.

Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng những vấn đề bên trên rất là bình thường (common sense). Nếu đúng là những điều bình thường, ai cũng biết thì tại sao, trong các tổ chức (nhóm) vẫn có những người xài bạc giả, lợi dụng nhóm cho mục đích cá nhân? Nếu đây là điều bình thường thì là điều cần phải thảo luận bởi cái bình thường là gốc từ con người và không phải ai cũng hiểu rõ điều bình thường này. Phải cặn kẽ thảo luận những cái bình thường này để mọi người hiểu rõ trước khi bàn đến mục đích làm gì, làm ra sao. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi có người không đồng ý về những điều bình thường này với những lý do A, B, C, D ….

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2021 (Việt lịch 4900)

https://nganlau.com/2021/09/07/cuong-thuong-giua-coi-nhan-sinh-p3/

 

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Lý Tưởng

 

Cuộc sống của Con Người khác với con vật không phải bởi Con Người có bộ óc biết suy nghĩ ở tầm cao mà là Con Người sống có lý tưởng.

Lý tưởng ở đây phải hiểu là phục vụ xã hội. Tại sao phải phục vụ xã hội?

Không ai sinh ra, trưởng thành mà không nhờ sự giúp đỡ từ xã hội -- cho nên khi ở tuổi trưởng thành, người có suy nghĩ luôn luôn tìm cách đóng góp công sức để giúp cái xã hội mình đang sống, đã nuôi dưỡng mình, trở thành một xã hội càng ngày càng mạnh về mặt kinh tế lẫn tinh thần, một xã hội nhân bản tôn trọng mọi người.

Xã hội hình thành từ nhiều cá nhân và mỗi cá nhân có cá tính khác biệt nhau -- từ đó tạo ra sự phức tạp của xã hội. Sự phức tạp của xã hội càng gia tăng khi số người trên trái đất tiếp tục tăng trưởng; và vì đời sống vật chất đã vượt thắng ở nhiều người cho nên xã hội không những đối diện với giàu-nghèo mà còn đối diện khủng hoảng khí hậu, môi trường sống. Ở một số quốc gia phát triển còn phải đối diện với nạn lão hóa mà dân số ở quốc gia phát triển đó đang đi xuống.

Lý tưởng đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống cá nhân là để quân bình về đòi hỏi vật chất, tinh thần; và san sẻ những cái mình đã có cho người khác trên nhiều lãnh vực từ kiến thức đến tiền bạc, hay kinh nghiệm của đời sống trên lãnh vực tự giáo dục.

Người sống có lý tưởng luôn luôn bận rộn với cuộc sống trên nhiều lãnh vực bởi đối với họ sống tức là phục vụ, phục vụ tức là sống. Họ cũng có những nhu cầu ăn, mặc, giải trí như bao nhiêu người khác nhưng họ biết chọn thái độ lựa cơm gắp mắm và biết thế nào gọi là đủ để dành thời gian còn lại của bản thân giúp xã hội, phục vụ cái lý tưởng mà họ đã có.

Lý tưởng không phải một sớm một chiều hình thành mà cái lý tưởng đó có thể khởi đầu từ tuổi thiếu niên khi cá nhân đó quan tâm về con người, về cuộc sống của bản thân lẫn cuộc sống của xã hội. Chính sự quan tâm đó được nuôi dưỡng để khi đến tuổi trưởng thành, cá nhân đó vừa sống như mọi người nhưng cũng dành thời gian phục vụ cái lý tưởng mình đã có.

Người sống có lý tưởng là người luôn luôn suy tư, đặt câu hỏi và tự chính bản thân đi tìm câu trả lời. Người sống có lý tưởng là người hiểu ở chính mình, dù mình tài giỏi đến đâu vẫn có người tài giỏi hơn mình trong cùng một ngành -- cho nên người có lý tưởng luôn luôn đối xử với mọi người trong một tinh thần kính trọng (respect) chứ không xem thường người khác.

Người sống có lý tưởng hiểu rằng sự hiểu biết của con người luôn luôn giới hạn từ đó họ hiểu rằng cái mình biết hôm nay có thể trở thành vô giá trị hoặc sai lầm ở tương lai. Từ đó người có lý tưởng luôn luôn chuẩn bị tinh thần để thay đổi, học hỏi nhằm nâng cao tri thức, nhận thức cho phù hợp với điều kiện thực tế của thời đại.

Người sống có lý tưởng luôn luôn đặt đúng vị trí của mình trong sinh hoạt của xã hội bởi họ hiểu là nếu đặt sai vị trí thì sẽ làm hại đến xã hội và hại luôn bản thân của chính mình. Thí dụ người có lý tưởng muốn giúp cộng đồng nhưng biết mình không có tài lãnh đạo nên chỉ giúp cộng đồng trong cái khả năng mình có, trên lãnh vực mình giỏi là biết tìm cách để vận động gây quỹ cho bất cứ lợi ích nào đó của cộng đồng muốn nhắm đến.

Đừng lầm lẫn với người sống có lý tưởng với những người lợi dụng cái lý tưởng với mục đích tạo uy tín cho bản thân và xem thường những người khác bởi nghĩ rằng mình hiểu biết hơn mọi người. Những người mà suốt cuộc đời cắm đầu để làm giàu để rồi khi về già nói rằng tôi yêu nước, thương đồng bào, quan tâm đến xã hội thì chúng ta cần phải xét lại cái lý tưởng mà cá nhân đó đang muốn rao bán.

Có những người giàu có từ thuở nhỏ nhưng không bám theo mộng làm giàu mà dành thời gian, dành sự giàu có đó để đóng góp, phục vụ xã hội, phục vụ những người không có cơ hội. Đây chính là những người giàu nhưng có lý tưởng thực sự bằng hành động ngay từ thuở nhỏ chứ không chờ đến già thì mới thực hiện chuyện phục vụ xã hội.

Người sống có lý tưởng, thông thường, ít bị khủng hoảng tinh thần bởi cái lý tưởng trong tri thức của họ luôn luôn làm họ thức tỉnh. Và khi họ càng lớn tuổi thì sự khủng hoảng tinh thần càng ít đi bởi họ thấy được giá trị cuộc sống của chính bản thân và của mọi người.

Nếu xã hội có nhiều thanh thiếu niên sống có lý tưởng, theo đuổi cái lý tưởng phục vụ con người và xã hội suốt cuộc đời thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn, nhân bản hơn.

Thực tế thì chúng ta đang đối diện với một xã hội sống vì dục vọng của vật chất và số người sống có lý tưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ nền giáo dục hiện tại không nói nhiều về lý tưởng phục vụ con người và xã hội mà chỉ nói đến cái “lý tưởng” thực hiện giấc mơ làm giàu nhằm phục vụ cái dục vọng của bản thân.

Lý tưởng, lý tưởng của phục vụ con người và xã hội cần phải có trong một con người muốn đạt tu dưỡng thắng nhân ở chính bản thân mình.

Làm được hay không còn tùy thuộc vào ý chí mạnh hay yếu; tự bản thân làm chủ được con người của mình hay để dục vọng làm chủ con người của mình.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 2 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/07/24/tu-duong-thang-nhan-ly-tuong/

 

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...