Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Vô Kỷ Tính

Theo thói thường thì số đông những nhận định của chúng ta được thấm nhuần từ những gì chúng ta được giáo dục từ thuở nhỏ, hoặc được học hỏi từ trường, hoặc từ những giao tế trong xã hội tạo cho chúng ta có những nhận định mà chúng ta cho rằng đúng.

Những nhận định của chúng ta cũng được dần dần thay đổi, dù rằng sự thay đổi này rất chậm bởi ai cũng sợ thay đổi, cũng sợ mình sai lầm. Nhưng nếu là một con người muốn học hỏi, có những lý luận và trí tuệ căn bản thì chúng ta không hề sợ thay đổi, trái lại dựa vào trí tuệ sẵn có để quan sát đánh giá một nhận định khác và qua tiến trình đánh giá đó, chúng ta chấp nhận một thay đổi trong cái nhìn của chúng ta trên một vấn đề nào đó.

Để chứng minh những điều nói bên trên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về bản tính của Con Người.  Khi nói về bản tính cơ bản (thiện – ác) nguyên thủy của Con Người thì chúng ta có hai cái nhìn hoàn toàn khác nhau. Có người con rằng Con Người từ loài vượn mà thành người cho nên bản tính thú (thú tính luôn luôn ác, mạnh được yếu thua, không biết luân lý là gì) luôn luôn có sẵn trong người, cái ác luôn luôn có sẵn trong người. Tùy theo điều kiện của xã hội, bản thú tính này sẽ gia tăng bởi ngay từ căn bản, Con Người đã có thú tính trong người.

Ở một trường phái khác thì cho rằng Con Người luôn luôn mang bản tính thiện. Nhân chi sơ tính bản thiện của Khổng Tử cho rằng Con Người luôn luôn có cái bản tính thiện sẵn có. Khi Con Người lựa chọn cái ác, chẳng hạn như lừa gạt người khác, đánh đập người khác là sự lựa chọn của cá nhân chứ chẳng phải là do cái bản tính tự nhiên, bản tính thú mà Con Người có.

Cả hai trường phái này khó mà thay đổi được ý kiến của họ. Cá nhân của người viết bài này nằm ở trường phái thứ hai, nghĩa là cho rằng bản tính thiện luôn có sẵn trong mỗi người, cho nên thái độ chọn cái ác để sống là sự lựa chọn của cá nhân chứ không phải xuất phát từ bản tính cơ bản của Con Người.

Ai đúng, ai sai? Có phải thực sự bản tính cơ bản nguyên thủy của loài người là Thú Tính hay là Người Tính? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu rõ về Con Người và phải đem Con Người trở về cái thời đại nguyên thủy, tức là thời mà Con Người sống trong rừng rú, không có ai ở chung quanh mình, chỉ có mình duy nhất trong rừng rú đó.

Người Pháp đã làm một cuốn phim đã được phụ đề tiếng Việt với cái tên là Đứa Bé Hoang Dã (the wild child) (1). Bộ phim này dài hơn một tiếng, là một câu chuyện thật xảy ra vào năm 1798 tại Pháp. Trong bộ phim này, khởi đầu bằng hình ảnh một người phụ nữ đang ở trong cánh rừng lượm trái cây thì phát hiện ra một đứa bé hình hài giống như con thú. Người phụ nữ đó bỏ chạy và về thông báo với người sống trong làng để đi tìm bắt đứa bé.  Cuộc rượt bắt cho thấy đứa bé như là một con vật, không đi thẳng mà đi bằng hai chân, hai tay trên mặt đất và đi rất lẹ không thua gì một con thú. Khi mấy con chó của đoàn người đi tìm đứa bé đến gần thì đứa bé leo trên cây cao để trốn, còn chó thì đứng dưới cây sủa và cố nhảy lên. Rồi chẳng mai một nhánh cây bị gãy khi đứa bé định đi sang cây khác và cuối cùng đứa bé rơi xuống đất. Một con chó đến gần đứa bé tấn công đứa bé thì đứa bé dùng răng cắn chết con chó. Cuối cùng thì đoàn người phát hiện đứa bé trốn trong một cái hang nằm dưới đất và họ đốt lửa để khói vào hang. Đứa bé phải chạy ra khỏi hang và bị bắt.

Một vị bác sĩ ở Paris tìm đọc được bản tin về đứa bé và tìm cách đưa đứa bé về Paris để nghiên cứu về trí thông minh của một đứa bé sống ngoài rừng từ lúc nhỏ đến giờ là 12 tuổi, không biết nói. Trong lúc chờ đợi để chuyển đi Paris, một người giữ tù muốn lau chùi đứa bé cho sạch, đỡ hôi. Nhưng cách thức lau chùi của người cảnh sát này không được tử tế, như là một hành động đe dọa đứa bé và đứa bé cắn người cảnh sát này. Một cụ già khác đòi dành làm chuyện này. Cụ già làm trong tư cách của một người lo lắng, không đe dọa đứa bé nên đứa bé để cho cụ già lau mặt mình mà không phản ứng chống cự bằng hành động cắn lại.

Rồi đứa bé được chuyển đến Paris để vào trại dành cho những trẻ câm và điếc. Vị bác sĩ khám nghiệm đứa bé thì sự tăng trưởng của đứa bé cũng giống như những đứa bé khác, có điều đứa bé không có cảm giác và không có phản ứng gì trước những tiếng động. Mọi người nghĩ là đứa bé điếc nhưng người trong làng nói là khi ai đó đập hạt dẽ thì đứa bé lại có phản ứng ngay trước tiếng động này. Trên người của đứa bé có nhiều vết sẹo do thú cắn và vị bác sĩ cho rằng để sống còn, chắc là đứa bé đã cắn giết lại những con thú khác. Ngoài ra vị bác sĩ còn phát hiện là cổ đứa bé bị cắt do vết dao, họ đoán là người sanh đứa bé đã làm chuyện đó và bỏ vào rừng để thú tha đi lúc đứa trẻ 3 hoặc 4 tuổi. Sự câm của đứa trẻ là bởi không có liên lạc với loài người nên đứa trẻ không phát triển được cơ năng nói chính vì thế mà đứa trẻ không nói được. Cuộc sống ở trại dành cho những đứa câm điếc không thích hợp cho cậu bé hoang dã này, người bác sĩ xin đưa đứa bé về nhà của chính mình để nghiên cứu và giáo dục đứa bé.

Cuối cùng đứa bé về nhà của vị bác sĩ, được ông và một người giúp việc phụ nữ lo chăm sóc và dạy dỗ đứa bé. Ban đầu phải tập cho đứa bé cách đứng thẳng khi đi, rồi tập cách ăn bằng chén, muỗng chứ không phải bóc và uống nước như con thú. Qua một thời gian dạy dỗ  (giáo dục), đứa bé bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống người. Từ một đứa bé như là một Con Vật Người; không biết thiện – ác là gì; không có cảm giác là gì với mọi vấn đề; ăn thức ăn sống, không mặc quần áo, đi thì như con thú bằng hai chân, hai tay chống dưới đất. Nay đứa bé thành một Con Người; biết diễn tả được điều mình muốn; biết cảm nhận được những cái sai trái, bất công khi mà vị bác sĩ làm một cuộc thử nghiệm, đứa bé làm đúng nhưng vẫn bị phạt thì lập tức đứa bé phản ứng chống lại cái phạt vô lý đó. Có một lần đứa bé bỏ nhà ra đi để trở về lại với thiên nhiên của mình nhưng rồi đứa bé phải trở về lại nhà của vị bác sĩ, bởi có lẽ, đứa bé cảm nhận được tình cảm của Người đối với Người, của gia đình vị bác sĩ đối với chính đứa bé để rồi cuối cùng đứa bé trở về lại với gia đình vị bác sĩ để được giáo dục trở thành một Con Người có thể hòa nhập vào cuộc sống của loài người mà ở nơi đó, cái tình cảm giữa Con Người dành cho đứa bé dồi dào hơn qua hệ của đứa bé với thú rừng hoang dã.

Một câu chuyện khác xảy ra là ở tại Việt Nam. Năm 1973, khi vợ và hai đứa con của ông Hồ Văn Thanh bị chết trong chiến tranh thì ông dẫn đứa con còn nhỏ, Hồ Văn Lang, vào rừng trốn và sống trong đó hơn 40 năm. Đến năm 2013 thì người ta mới tìm ra được hai cha con này, đưa trở về lại sống với một người con của ông mà trong lúc bỏ rừng đi ông quên đem theo đứa con này (2).

Người anh của Lang cho rằng dù Hồ Văn Lang trên 40 tuổi nhưng đầu óc vẫn là một đứa trẻ, không biết trai gái ra sao. Khi người anh kêu Lang đánh mấy đứa trẻ thì Lang đánh rất mạnh tay, không một cảm giác nào trong lúc đánh, không có suy nghĩ là chuyện đánh đó đúng hay sai. Nói chung đứa trẻ lớn trong rừng với người cha, tiếng nói đã bị giới hạn vì không có người để nói chuyện để trao đổi, để hiểu rõ cái gì ác, cái gì thiện; đâu là đúng, đâu là sai.

Trong những bài viết của cụ Lý Đông A, cụ cho rằng Con Người khi sanh ra là Vô Kỷ Tính (4). Có nghĩa là Con Người sinh ra không thiện, cũng không ác. Đây là lý luận khác với những gì mà mỗi cá nhân của chúng ta được nghe, được giáo dục mà trong đó gồm có cả người viết bài viết này. Câu hỏi đặt ra là ai đúng? Những điều chúng ta được giáo dục như Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện hoặc nguồn gốc chúng ta từ loài thú nên thú tích, ác tính vẫn còn trong đó mà nó phát triển là do xã hội tác động?

Để trả lời những câu hỏi trên, trước hết chúng ta phải nhìn lại cuốn phim Đứa Bé Hoang Dã và hình ảnh của người Việt dẫn đứa con còn nhỏ vào rừng 40 năm sau. Cả hai cá nhân này đều bị xa cách với xã hội Con Người và hành động của hai cá nhân này, một người đã 42 tuổi và một người lúc 12 tuổi, đều có một vài điểm tương đồng như sau:

·      Cả hai không biết thiện ác là gì.

·      Vì không biết phân biệt thiện ác, cả hai đều vô cảm trước mọi vấn đề cho dù là đánh đập một Con Người khác.

Có thể nói rằng khi chúng ta sinh ra, thiện ác hoàn toàn không có trong một đứa bé mới sinh ra. Nhưng khi đứa bé được trưởng thành, được sự giáo dục ở nhà, ở trường học, ở xã hội chung quanh sẽ tạo ra những ấn tượng Thiện – Ác trong cách suy nghĩ và hành động của đứa trẻ.

Điều này càng chứng minh rõ ràng hơn là tại sao người Việt sống tại Việt Nam, có thể thản nhiên nhìn công an ăn hối lố, đánh đập người; hoặc im lặng trước những hiểm họa của môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của mình; hoặc im lặng trước những tước đoạt tài sản của người dân do các quan chức trong nhà cầm quyền thực hiện. Sự vô cảm của người Việt sống trong nước trở thành một chuyện bình thường và mọi người chọn sự vô cảm đó để sống. Cho nên đạo đức xuống cấp bởi do chính sách giáo dục từ gia đình, từ nhà trường, và quan trọng hơn hết là từ xã hội đã biến những Con Người Việt sống vô cảm, chỉ lo cho bản thân của mình mà không quan tâm đến sự sống còn của người khác, của chính dân tộc mình, làng xóm mình.

Người Việt sống tại những quốc gia dân chủ trên thế giới thì khá hơn một chút. Những đứa trẻ Việt sanh ra và lớn lên ở những nước dân chủ, nhờ giáo dục từ gia đình, từ nhà trường, từ xã hội tạo cho những đứa trẻ này biết được trách nhiệm của chính mình đối với gia đình, làng xóm, xã hội, quốc gia mình đang sống. Những đứa trẻ Việt sinh ra tại hải ngoại sẽ tham gia đấu tranh cho những cái gì gọi là bất công mà không hề sợ hãi mình phải mất mác cái gì đó -- bởi những trẻ Việt đó biết rằng nếu không đấu tranh thì sự mất mác ở tương lai sẽ nhiều hơn. Ngay cả những người Việt qua các nước tư bản lúc còn trẻ, nay đã trưởng thành và sống trong xã hội dân chủ đó, họ không bao giờ sợ hãi khi lên tiếng chống lại những bất công xảy ra trong công ty hoặc sự đối xử của người chủ với chính bản thân mình. Có lẽ nhờ sự giáo dục của nhà trường, của xã hội đã tạo ra những người Việt tại hải ngoại biết thiện – ác, bất công hay không bất công và sẵn sàng đấu tranh cho cái lẽ phải, cái Nhân Tính của Con Người.

Vậy thì thuyết Vô Kỷ Tính, có nghĩa là khi một Con Người sinh ra hoàn toàn không thiện, không ác có phần lý luận rất vững chắc hơn bất cứ thuyết nào về bản tính Thiện-Ác của Con Người. Thiện – Ác hình thành khi Con Người đó sống ở hoàn cảnh nào. Ở một hoàn cảnh không có những Con Người khác (xã hội, gia đình) thì đứa trẻ lớn lên sẽ không thấu hiểu được thiện-ác là gì (phim Đứa Bé Hoang Dã là một thí dụ điển hình). Khi một đứa bé sinh ra và lớn trên trong một xã hội tôn trọng sự giả dối, xa lánh cái sự thật và sẵn sàng cướp tài sản của người khác với bất cứ danh nghĩa nào nhằm mục đích phục vụ quyền lợi cho chính bản thân, làm giàu cho chính bản thân và không một cơ chế nào có thể hành xử những vụ vi phạm này thì cái ác, cái vô cảm trở thành cái bình thường của xã hội để kết quả xã hội tại Việt Nam là một xã hội vô cảm. Ai chết mặc ai, chẳng ai quan tâm đến ai. Số người đi biểu tình chống lại những cái bất công chưa tới .01% của dân số. Còn 99.99% còn lại vô cảm với chính mình và chính dân tộc mình.

Xin nhấn mạnh rằng đây là nói cái chung chung về Thiện-Ác của Con Người và xã hội tác động vào cái Thiện-Ác đó ra sao.  Bất cứ trường hợp nào cũng có những ngoại lệ. Có nghĩa là có một số người sống tại các quốc gia dân chủ, tuy cùng hưởng một nền giáo dục, một sự giao tế trong xã hội giống nhau nhưng vẫn có người có những tính ác, giết người mà không hề cảm thấy khó chịu. Đây là trường hợp ngoại lệ, thường là những người mắc bệnh tâm thần, hoặc lòng tham của họ quá cao để họ không nhìn rõ Thiện-Ác và hành động tham của mình ảnh hưởng đến ai. Dĩ nhiên những trường hợp này, luật pháp sẽ giải quyết dành cho những thành phần này. Trường hợp ngoại lệ cũng xảy ra ở một môi trường mà cái ác phát triển mạnh như môi trường tại Việt Nam, vẫn có những Con Người không vô cảm, sẵn sàng đấu tranh cho cái Nhân Tính, Nhân Bản, và Nhân Chủ để cuối cùng họ chọn cái chết, chọn tù đày cho chính bản thân mình.

Bạn có đồng ý với dẫn chứng Con Người lúc sinh ra là Vô Kỷ Tính hay không là sự lựa chọn và quyết định của bạn. Cái quan trọng là khi nhận được đầy đủ dữ kiện để chứng minh một lý thuyết khác với suy nghĩ cũ của mình, bạn có can đảm loại bỏ suy nghĩ cũ của mình để chấp nhận một suy nghĩ mới, phù hợp hơn với thực tế của Con Người. Đây là vấn đề bạn phải tự giải quyết. Phải nhìn ra được vấn đề cho chính xác để từ đó chúng ta mới có thể giải quyết căn bệnh của xã hội mà chúng ta trực diện. Nếu chúng ta nhìn vấn đề sai thì giải pháp để giải quyết của vấn đề cũng sai.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 5 năm 2017

St. Paul, MN

 

1.       http://phimconggiao.net/dua-be-hoang-da-the-wild-child-1970_9777a350c.html

2.       http://www.npr.org/sections/thetwo-way/2013/08/09/210477419/father-and-son-coaxed-from-jungle-40-years-after-vietnam-war

3.       https://www.youtube.com/watch?v=O27n5_UqzLc

4.       https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/05/amthibieu.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2017/06/01/vo-ky-tinh/

 

 

 

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Đảng Tính

Sinh hoạt đời sống chính trị trên toàn thế giới nói chung và đối với người Việt nói riêng ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 qua dạng đảng phái. Cần phải hiểu đảng phái là gì để chuẩn bị tinh thần vượt lên đảng tính hầu phát hiện ra những đảng, những cá nhân lợi dụng đảng để phục vụ quyền lợi của đảng, của bản thân người trong đảng mà quên đi quyền lợi của tập thể, của quốc gia.

Đảng chính là những người có những quan điểm chung ngồi lại với nhau hầu đem công sức, tài lực đóng góp cho tiến trình xây dựng đất nước, con người, và xã hội. Những người đó hợp lực để tạo ra một tổ chức và cái tổ chức đó gọi là đảng. Đây chính là mục tiêu ban đầu, tốt đẹp của sự xuất hiện bất cứ đảng phái nào. Dĩ nhiên có những đảng chỉ mượn cái mục tiêu tốt đẹp để mị dân và khi giành được quyền lãnh đạo thì chỉ muốn ăn trên nằm trước, đàn áp tiếng nói của người dân mà đảng cộng sản là thí dụ điển hình.

Một trong trở ngại của sinh hoạt chính trị Mỹ là trên lá phiếu người dân chọn người trong phòng phiếu có dữ kiện người đó đại diện cho đảng nào. Đây không phải là sự vô tình mà là sự cố ý để tạo cái đảng tính càng ngày càng ăn sâu vào suy nghĩ của cử tri. Thay vì chọn người vào cơ cấu chính quyền qua những chính sách mà người tranh cử sẽ làm ở tương lai thì người đi bỏ phiếu, đa số chọn người của đảng mình mà không cần biết cá nhân đó có chính sách ra sao; nhân cách, tư cách như thế nào.

Đảng tính được thể hiện rõ khi mà chính người dân đang hưởng quyền lợi bảo hiểm sức khỏe qua chương trình ACA (Affordable Care Act) và người ra tranh cử chống lại chương trình đó; có nghĩa là nếu thắng cử thì vị dân biểu đó sẽ xóa chương trình bảo hiểm y tế. Thế nhưng người dân, vì mang đảng tính, vẫn bỏ phiếu cho người tranh cử mà người đó sẽ lấy đi cái lợi ích mà họ đang sử dụng chỉ bởi người đó cùng đảng với mình. Đây là một sự nghịch lý chỉ bởi vì sự mù quáng của tinh thần đảng tính.

Cuộc bạo loạn tại Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021 là kết quả của tinh thần đảng tính. Người dân không phân biệt được đâu là sự thật cho nên nghe những lời tuyên bố láo liếu của người lãnh đạo đảng để tham gia cuộc “đảo chính” nhằm mục đích thay đổi kết quả bầu cử năm 2020 bằng bạo động.

Những ai quan tâm đến một Việt Nam tương lai cần phải rút ra bài học của sinh hoạt chính trị Mỹ nhằm mục đích chuẩn bị tinh thần vượt lên đảng tính. Điều đó phải khởi đầu từ chính bản thân mình và tập thành thói quen để hướng dẫn người khác sinh hoạt dân chủ nhưng vượt được lên đảng tính.

Vượt lên đảng tính dễ chứ không khó nếu mỗi cá nhân thấy được sự nguy hiểm của đảng tranh bởi đảng tính. Sinh hoạt dân chủ ở Mỹ đã được nhiều người chuyên môn lên tiếng là đang đi xuống và có thể trở thành bạo động ở những cuộc bầu cử tương lai, hoặc chính cơ cấu cầm quyền của tiểu bang quyết định thay đổi sự lựa chọn của người dân chỉ bởi vì họ muốn người của đảng họ thắng cử.

Ai ra tranh cử thì cái quan trọng người dân cần phải biết là chính sách người đó như thế nào và họ sẽ thực hiện chính sách đó ra sao. Người đó có khả năng hay không trong việc nắm vị thế lãnh đạo ở chức vụ ra tranh cử. Một cá nhân giỏi về quản trị thương mại chưa chắc thích hợp trong việc điều hành và quản trị cơ cấu chính quyền.

Một điểm quan trọng khác là nhân cách và tư cách cá nhân đó ra sao. Một người có khả năng, có tài nhưng thiếu nhân cách và tư cách thì tài năng đó là sự nguy hiểm cho xã hội khi họ cầm quyền. Câu tục ngữ “cái đức đánh chết cái tài” cho thấy người xưa đã xem cái đức quan trọng hơn cái tài. Người thiếu đức sẽ làm nguy hại đến xã hội mà ông Trump là thí dụ thực tế nhất của xã hội Mỹ.

Người Việt mang đảng tính rất nhiều. Khi ai đó tham gia vào một đảng chính trị nào đó thì có bao nhiêu người Việt, khi nhìn ra cái sai trái của đảng chính trị đó và bỏ đi? Nhiều người Việt, gồm cả những người từng chống đối lại đảng cộng sản Việt Nam, vẫn tiếp tục cho rằng cái đảng cộng sản Việt Nam hiện giờ là “đảng nó” và cái đảng lao động Việt Nam là “đảng ta” (đảng ta, nhân dân ta, đồng chí ta, Bùi Minh Quốc).

Cái tinh thần đảng tính đã ăn sâu vào tri thức của họ để họ không nhìn ra được sự thật là -- đảng lao động Việt Nam là tiền thân của đảng cộng sản Việt Nam hiện giờ. Bản chất của hai đảng điều giống nhau là lợi dụng lòng yêu nước của người dân để phục vụ cho lợi ích của đảng và khi đạt được điều đó thì sẽ trấn áp người dân như đảng cộng sản Việt Nam đang thực hiện. Tinh thần đảng tính đã làm nhiều người không nhìn ra được cái bản chất thật của cộng sản cho dù chọn cái tên nào thì bản chất đó vẫn thế. Tinh thần đảng tính đã làm người ta sẵn sàng bênh vực những cái sai trái hoặc không nhìn ra được cái sai trái của đảng.

Người Việt tại Mỹ mang nặng tinh thần đảng tính nên sẵn sàng ủng hộ một cá nhân kích động bạo lực; xem thường phụ nữ và dân tộc thiểu số; sẵn sàng nói dối mà không biết ngượng. Thái độ ủng hộ cá nhân trên chỉ bởi vì cá nhân đó thuộc đảng Cộng Hòa. Họ cho rằng đảng Cộng Hòa chống cộng hơn đảng Dân Chủ để rồi họ điên cuồng ủng hộ một cá nhân mà nhân cách, tư cách không thua gì Hồ Chí Minh. Họ không hề thấy sự nguy hiểm của nền dân chủ bị tấn công dưới sự lãnh đạo của người thiếu nhân cách và tư cách.

Những ai quan tâm một nước Việt tương lai cần phải vượt lên tinh thần đảng tính bởi thực tế đã chứng minh -- tinh thần đảng tính đó không hề phục vụ cho lợi ích của quốc gia mà nó chỉ tạo ra môi trường đảng tranh, giành quyền lực để được ăn trên ngồi trước.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/04/24/tu-duong-thang-nhan-dang-tinh/

 

 

Tính-Tâm-Thân-Mệnh

Phần I

Trong tài liệu "Sinh mệnh tâm lý", tác giả (Lý Đông A) có để cập đến căn bản của hành vi (hành động) là Tính-Tâm-Thân-Mệnh. Nhưng không có sự giải thích. Vậy Tính-Tâm-Thân-Mệnh sẽ được hiểu như thế nào?

Tính: Tính (hay Tánh) là lối hành xử của mỗi người (tính ác, tính nóng giận, tính hay hờn dỗi...). Tính phát xuất từ bản chất tâm lý (thu thập, suy nghĩ và phản ứng) của mỗi con người. Con người sinh ra có thân xác và đầu óc giống nhau nhưng bên trong tâm lý, suy nghĩ khác nhau kết thành Tính và Tình; và do Tâm điều khiển, che giấu hay bộc lộ, cởi mở hay khô cứng.

Tâm: Theo Duy Thức (Phật học) phân tích Tâm là thức thứ 8 (a lại da thức) tàng trữ các dữ kiện (data) do thức thứ 7 chuyển đến. Thức thứ 7 là Mạt na thức còn gọi là chuyển thức làm trung gian ghi nhận và phân phối dữ kiện thu nhập do 6 thức đầu. Sáu thức gồm thức thứ 6 làm tổng quản thu nhập mọi dữ kiện do 5 thức: tai, mắt, mũi, miệng, thân đem lại. Vì Tâm coi là phần mềm (software) lưu giữ tin tức như kho tàng (database) trong bộ óc (hard drive) trong thân thể con người.

Thân: Thân xác (vật lý) con người có mục đích nuôi dưỡng bộ óc và chuyển các tín hiệu từ thế giới bên ngoài (xung quanh) về Tâm. Thân thể suy yếu hay mạnh khỏe có ảnh hưởng đến sinh hoạt của óc và Tâm. Khi sinh ra thì Thân và bộ óc hiện hữu nhưng Tâm của đứa trẻ chưa đủ các hoạt động để ghi nhớ, học hỏi và chỉ phát triển theo thời gian khi đứa trẻ lớn và bắt đầu quan sát, bắt chước rồi ghi nhận vào tâm, tính và tình cũng theo đó mà phát triển.

Mệnh: Khi nói đến Tính Mệnh là muốn nói Tính (suy nghĩ đến hành động) ảnh hưởng đến mệnh (mạng sống). Mệnh đứng riêng có nghĩa là Mệnh lý. Theo tử vi (xem Tử Vi Có Khoa Học Không. Đằng Sơn) thì khi mỗi người sinh ra đã được an mệnh trong lá số tử vi gồm 12 cung: Mệnh, Phụ Mẫu, Phúc Đức, Điền Trạch, Quan Lộc, Nô Bộc, Thiên Di, Tật Ách, Phu Thê, Tài Lộc, Tử Tức, Phúc Đức, Huynh Đệ. Đó là định mệnh đã an bài phải trải qua mới biết. Trong đó yếu tố "Thân" (sinh lý) là bản thân cá nhân đương sự tùy theo ngày giờ tháng năm sinh sẽ cư ngụ tại: Mệnh (Thân-Mệnh đồng cung); Quan (Thân cư Quan lộc); Tài (Thân cư Tài lộc); Phúc (Thân cư Phúc đức), Phu Thê (Thân cư Phu/Thê). Thân Mệnh đồng cung có nghĩa cả đời người trước sau như một: sướng là cả đời sướng, khổ là cả đời khổ. Khi Thân cư ngụ tại các cung khác (Quan, Tài, Phúc..) thì có nghĩa là nửa đời trước (trẻ cho đến khi trưởng thành) sẽ chịu ảnh hưởng cung cư ngụ và nửa đời (trưởng thành cho đến già) sau sẽ thuộc ảnh hưởng của cung Mệnh. Yếu tố "Thân" là thuộc chủ quyền của đương sự có cố gắng phấn đấu (có đức) hay buông thả; có kỷ luật, trật tự hay hoang đàng. Nhưng Mệnh thì không thay đổi vì ngoài khả năng của đương sự. Không phải ai sinh ra cũng biết Mệnh của mình sẽ như thế nào cho đến khi lớn lên, vào đời sinh hoạt thử thách thì cuối cùng mới hiểu lý và sự.

Mối nghi tình thông thường của mọi người, từ trí thức thì chê là mê tín, cho đến bình dân thì muốn biết kết quả tức thì mà không chịu quan sát vì mất thời gian nhiều năm mới xác định được kết quả. Cũng như chuyện bạn lái xe ẩu thì tai nạn xảy ra là tại số mạng? Hay do bạn tạo ra (nếu cẩn thận thì có thể tránh được)? Hay chuyện ăn uống cẩu thả thì mang bệnh. Đó là do bạn hay do số mạng? Chỉ khi nào bạn cố gắng hết mức (tận nhân lực) mà việc vẫn xảy đến thì mới biết số mệnh (tri thiên mệnh). Nhưng vì quá trình "chuyển thức" (của Mạt Na thức) đi qua 4 yếu tố: Ngã Si, Ngã Ái, Ngã Kiến, Ngã Mạn nên con người luôn luôn tìm cách phản bác, tránh né mà không quyết tâm tìm hiểu về nguồn gốc của các hành vi: Tính-Tâm-Thân-Mệnh.

Phần II

Phần kế tiếp về Tính-Tâm-Thân-Mệnh, tác giả (Lý Đông A) có đưa ra cái nhìn về "Sinh Mệnh chủ thể", "Sinh Mệnh cơ cấu", và "Sinh Mệnh hệ thống" liên quan đến cơ năng của "xã hội sinh mệnh" gọi là các tầng:

a. "Đức tầng": gồm lý tưởng tầng, nhân cách tầng và sinh mệnh tầng.

Lý tưởng tầng: là những người sống có lý tưởng phục vụ xã hội, dân tộc.

Nhân cách tầng: là những người sống có nhân cách, trật tự.

Sinh mệnh tầng: là những người sống theo "số mệnh" thả lỏng, buông trôi theo cuộc đời.

b. Nghiệp tầng: gồm "sáng ý nghiệp", "quyết đoán nghiệp", và "thực hành nghiệp"

Sáng ý nghiệp": người có khả năng sáng tạo, phát minh.

Quyết đoán nghiệp": người có khả năng quyết định, chỉ huy.

Thực hành nghiệp": người có khả năng thi hành, thực hiện công việc giao phó

c. Tri tầng: gồm "tiên tri tiên giác", "hậu tri hậu giác", "bất tri bất giác"

Tiên tri tiên giác": là biết trước sự việc hoặc là dự đoán và chuẩn bị qua học tập; hay do trực giác, tự ý thức được sự việc xảy ra thì sẽ phải đối phó như thế nào.

Hậu tri hậu giác: là sau khi việc xảy ra mới biết, hay tỉnh ngộ sau khi việc đã xảy ra mới hiểu tương quan giữa Lý và Sự.

Bất tri bất giác: là hết thuốc chữa cho dù việc đã xảy ra cũng không hiểu, không tỉnh ra để nhìn thấy tương quan vì sao sự việc xảy ra như vậy.

Đức và Nghiệp chỉ là yếu tố yểm trợ (support) cho Phần I về Tính, Tâm, Thân, Mệnh trong tài liệu "Sinh Mệnh Tâm lý" mà chỉ có những ai đã từng tìm hiểu về Phật học, Đông phương học mới có lời giải thích hợp (tuy rằng vẫn có thể sai) nhưng ngoài kiến thức kể trên thì chưa thấy có lời giải thích nào khác.

Phần III

Tính người là do cái ngã (cái tôi) thiết lập nên còn gọi là cá tính. Nếu ai dựa vào cá tính (hay tính người) để từ đó suy luận triết học là đi ngược đường vì triết học là môn học tổng quát và nền tảng về sự hiện hữu, nguyên do, kiến thức, giá trị, trí óc và ngôn ngữ. Và ở đây là Lý Đông A áp dụng cho con người.

Vậy thì triết học bao gồm Tính chứ Tính không bao gồm triết học. Dựa vào Tính (người) để giải thích triết học là tẩu hỏa nhập ma.

Nếu nói "Tính con người" là Tiền đề triết học thì Phản đề là cái gì? Là "Tình con người" hay "Tính con thú"? Rồi Tổng hợp để sẽ là gì? "Tính và Tình con người" hay "Tính của sinh vật"?

Lý Đông A là thiên tài. Để học hỏi di sản của thiên tài để lại thì phải học từ từ, tìm hiểu cẩn thận, nguyên do gì Lý Đông A viết như vậy. Bao nhiêu phần trăm là của Lý Đông A và bao nhiêu phần trăm là do người sau ghi lại "viết thêm". Lý do gì Lý Đông A đã viết những tài liệu như vậy. Đâu là nguồn gốc và ý nghĩa của những từ ngữ Lý Đông A xuất hiện trong các tài liệu. Nếu đã không hiểu từng chữ, từng đoạn văn, từng nguyên tắc để hiểu nghĩa, hiểu lý và hiểu ngoài lý nữa thì làm sao có hy vọng phát triển Duy Dân trong thời đại 2000s? Như đã nói trong các tài liệu diễn giải về Duy Dân trước đây là Lý Đông A đưa ra Duy Dân trên căn bản con người có "Nhân đạo, Nhân sinh, Nhân cách" để xây dựng xã hội Duy Dân qua Duy Dân Cơ năng, Cơ năng & Bản vị. Cái khó là có bao nhiêu người đạt được "Nhân sinh, Nhân đạo, Nhân cách" trước khi biết đến Duy Dân? Đọc Duy Dân mà không có căn bản về con người là đã lỡ thời.

Khai triển Lý Đông A không phải xào nấu các ngôn ngữ kỳ quặc của Lý Đông A để dọa người đọc hay để "múa" như Sơn Đông mãi võ; hoặc viết loạn cào cào về các triết học đã chết vì đã thực nghiệm và thất bại.

Tính-Tâm-Thân-Mệnh luôn luôn có sự liên hệ lẫn nhau. Không thể nào giải thích Tính với Mệnh mà bỏ quên cái Tâm với Thân thì sự giải thích xem ra không hoàn chỉnh. Tính là từ Tâm mới có Tính, vì thế mới gọi là "Tâm Tính". Tâm cư ngụ nơi Thân. Thân chịu theo số Mệnh. Thân là cái Ta biết, Mệnh là cái ta chưa biết; ngay cả các bậc Thánh đặt ra Dịch, Độn Giáp, Thái Ất, Tử Vi cũng chỉ biết phần nào về Mệnh. Vậy khi nói đến "tính mạng" (hay tính mệnh, số mệnh) thì phải hiểu đó là số mệnh (cái ta chưa biết) chứ "tính" (tánh) không thể cho là "con số" như trong toán học Tây phương.  Lấy lý lẽ Tây phương để giải thích khoa học Đông phương thì...bó tay.

Mong người viết và bạn đọc cẩn thận.

Trần Công Lân

Tháng 1 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/04/15/tinh-tam-than-menh/

 

 

Sợ hãi

Học tìm nghĩa không khó, hiểu được Lý mới khó, hiểu ngoài Lý càng khó hơn nữa (LĐA, Giáo dưỡng học).

Sợ là gì? Nó đến từ đâu? Làm sao chận đứng hay vượt thắng nỗi sợ hãi?

Sợ hãi là một sự kiện, trạng thái tâm lý.

Sợ hãi phát xuất từ sự bất ổn, rơi vào trạng thái, tình trạng chưa hề trải qua hay không muốn về thể chất hay tâm lý: mất mát, đau đớn, thiệt hại, không hài lòng, thù hận…

Sự sợ hãi xuất hiện cùng với một thực thể.  Sợ hãi luôn gắn với những sự vật liên hệ, dính líu tới bản thân.

Sự sợ hãi phát xuất từ ý thức với những gì đã quen thuộc. Khi bạn cảm thấy an vui trong một sự kiện nào thì những gì khác lạ sẽ đem đến nỗi sợ hãi về một sự kiện bất trắc nào đó mà con người không biết (uncertainty) hay không muốn khác với kinh nghiệm đã có .

Còn nỗi sợ hãi về sự đau đớn. Đó là phản ứng của hệ thống thần kinh. Khi bị đau vì vết thương, hệ thống thần kinh và bắp thịt phản ứng báo lên tâm não và cơ thể, tâm não tìm cách chận sự đau đớn và hàn gắn vết thương. Khi sự đau đớn  quá độ,  cơ thể xụp đổ (ngất xỉu hay chết). Nhưng còn sự đau đớn tinh thần, tâm lý khi bản ngã ôm ghì những gì đã đem thỏa mãn tạo thành kinh nghiệm, tích lũy.  Ngay chính trong sự tích lũy đã chứa sẵn sự đau đớn. Đau đớn đưa đến sợ hãi. Sự sợ hãi cũng đưa đến sầu muộn và con người  dựa vào tín ngưỡng để xua đuổi nỗi đau đớn, sợ hãi. Dựa vào tín ngưỡng là lệ thuộc vào kẻ rao giảng tín ngưỡng. Khi tâm tư chồng chất , tích lũy tín ngưỡng và gây ra mầm mống đau khổ. Như vậy chóng những sự vật dùng để xua đuổi đau đớn lại mang lại sự sợ hãi, đau đớn.

Sự sở hữu đã tạo ra nỗi sợ hãi, và gây nên nỗi đau tâm lý. Để bảo vệ sự sở hữu, con người dựa vào chính quyền để chận xung đột, gây hấn và chính con người đã lợi dụng chính quyền để gây chiến vậy khi không tích lũy thì không còn sự sợ hãi về sự  bảo vệ an ninh của tài vật.

Khi bản ngã mong muốn điều gì mà không thực hiện được, sự đau khổ xuất hiện. Khi bản thân muốn theo đuổi một khuôn khổ , mẫu mực nào đó thì chính đường lối ấy là nguồn gốc của sợ hãi.

Con người tìm nhiều cách để thoát ra khỏi nỗi sợ hãi. Thông thường là tìm cách đồng hóa với một ý tưởng, sự kiện nào đó như đất nước, tổ quốc, lý tưởng , chân lý… đó chỉ là chạy trốn tạm thời: chạy trốn chính bản ngã của bạn. Và bản ngã của bạn vẫn là tâm tư quằn quai trong sợ hãi .

Vậy sợ hãi là gì? Đó là lo âu về thực tại. Cái bạn đang có, đang là … sẽ về đâu, ra sao, như thế nào trong tương lai.  Từ chối chấp nhận thực tại khiến  bạn sợ hãi . Vì muốn được an toàn trong tương lai, chúng ta tìm tới tôn giáo, và những kẻ rao giảng sự tin tưởng vào Thượng Đế, đấng Tối Cao nào đó sẽ bảo vệ, dẫn dắt bạn tới một  cõi tuyệt vời nào đó . Giấc mơ đó là thảm họa của loài người vì niềm tin, hy vọng của con người chỉ là đầu mối của lường gạt, giả dối và cuối cùng là chiến tranh.

Để giải phóng hay giải thoát ra khỏi bản ngã khi hiểu được trọn vẹn tiến trình  của các sinh hoạt phát xuất từ khát vọng thầm kín của tâm tư, tư tưởng. Khi quan sát tiến trình đó một cách bình thản không ham muốn thì mới có thể phán xét sự vượt thắng trở ngại của bản ngã hay không.

Khi một người tuyên bố: “tôi không sợ hãi” (No Fear)  họ có thể tưởng rằng bản thân có thể chống trả sự sợ hãi nhưng một lực lượng, sự kiện bên ngoài tấn công và họ có khả năng ngăn chận như một kinh nghiệm đã từng trải qua. Nhưng sợ hãi là một vấn đề của tâm thức, chìm sâu trong tiềm thức mà những kẻ gọi là dũng cảm, anh hùng vẫn còn ngủ mê, giật mình thức dậy sau những cơn ác mộng. Vậy tiến trình khám phá sợ hãi khởi đi từ sự đơn giản vật chất đến tinh thần. Khi con người không còn gì để mất, để tiếc nuối, ngay cả cuộc sống, mà vui lòng với mọi giây phút của cuộc đời với tâm hồn thanh thản thì trong mọi giấc mơ (khi tâm thức không còn ràng buộc bởi thân thể vật chất: điều kiện của đau đớn, sợ hãi thể chất) tâm thức không còn ham muốn, giận dữ thì sợ hãi sẽ không còn xuất hiện mà chỉ là sự hiểu biết, thông cảm.

Và trong giấc mơ bạn không thể giả dối với chính bạn, những gì xảy ra trong giấc mơ tức thì và liên tục, bạn không còn thể xác hữu hình để trì hoãn hay suy nghĩ đánh lừa chính bạn. Sự sợ hãi hay không sợ hãi xảy ra tức thì, bạn sẽ không có thì giờ để đóng kịch. Vì có Giận và Sợ hay không, trong giấc mơ sẽ cho thấy sự thực trong đáy tiềm thức con người trổi dậy và đó là trong tâm bạn chỉ có bạn tự biết mà thôi. Vậy bạn không thể “No fear” khi trong giấc mơ bạn vẫn chỉ là một bản thể yếu đuối.

Sợ hãi lớn nhất của con người là cái chết. Khi hiểu tiến trình của sự chết, của đời sống (xem giáo dục và ý nghĩa cuộc sống)  thì sự sợ hãi không còn nữa. Chính Tham-Sân-Si  tạo nên sợ hãi. Thắng được Tham-Sân-Si để trở thành NGƯỜI (viết hoa).

Khi không còn Giận Dữ và Sợ Hãi:  Bạn có thể đi vào con đường của Thắng Nhân (Ai Wei Wei , một hoa sĩ Trung Hoa, bất đồng chính kiến với đảng CS TQ, đã nói: khi chống đối một chế độ độc tài, bạn phải coi như đã chết. Pháp luân công bị quyền Trung Cộng đàn áp vì thành viên của PLC  chỉ tập thở, sống đơn giản và không sợ chết).

Trần Công Lân

VA

Nguồn: https://nganlau.com/2017/03/01/so-hai/

 

Quan Tâm Về Con Người

Với hiện trạng người Việt trong nước và ngoài nước, đặc biệt là thành phần đấu tranh chống cộng sản, ủng hộ ông Trump làm cho những ai quan tâm về Con Người lo ngại cho một nước Việt tương lai mất đi bản tính Người mà cha ông ta đã từng gìn giữ và truyền lại cho đời sau qua những câu ca dao tục ngữ.

Cái quan tâm ở đây là những người ủng hộ Trump, họ chống sự giả dối của cộng sản nhưng họ ủng hộ cái giả dối của Trump. Những câu nói của Trump hôm nay và ngày mai cũng chính Trump nói tôi không nói những điều đó. Người Việt ủng hộ Trump cho rằng đó là “chiến thuật” của người “tài” chứ không phải là nhân cách, nhân phẩm của Con Người. Người Việt ủng hộ Trump chỉ nghe những lời nói của Trump chứ không nhìn vào thực tế của từng hành động Trump làm có thực sự đạt đúng mục tiêu của hành động hay chỉ để phục vụ dục vọng của Trump qua hình ảnh yêu nước như Hồ Chí Minh đã từng làm trong quá khứ. Những người Việt ủng hộ Trump ở trong nước hoan hô tinh thần “dân tộc chủ nghĩa” (nationalism), ủng hộ hành động xem nhân phẩm của người khác không ra gì. Ai đó tâng bốc Trump (hình thức cs thích tâng bốc), dù rằng sự tâng bốc hoàn toàn không có thật, thì sẽ được Trump ca ngợi giỏi giang. Ai đó nói lên sự thật xấu về cá tính của Trump thì sẽ bị Trump chửi tệ hơn chó mèo (hình thức giống cs bôi nhọ nhân phẩm những người nói lên sự thật của họ). Người Việt ủng hộ Trump sẵn sàng tung tin giả để chửi đảng Dân Chủ mà không cần biết nguồn họ tìm kiếm là giả hoàn toàn. Những người ủng hộ Trump, dựa vào tin giả để nhận định một tin thật nói về Trump. Thí dụ một người trong nước cho rằng ông Bolton bị sa thải vào năm 2018 (tin giả vì thực tế Bolton xin nghỉ việc vào tháng 10 năm 2019) thì làm sao ông ta biết được chuyện Trump nhờ Trung Quốc (năm 2019) giúp ông Trump thắng cử trong năm 2020 (tin thật được ghi lại trong quyển sách của Bolton) để rồi họ đưa ra kết luận là sách của Bolton tạo dựng sự kiện này. Những người ủng hộ Trump, họ trong cơn say mê lãnh tụ, nhập nhằng tin tức giả và thật để rồi phủ nhận tin tức thật và cho đó là giả. Họ say mê lãnh tụ cho nên những gì nói lên cái thật của Trump, đụng đến lãnh tụ của họ, họ sẽ tìm đủ ngụy biện để chối bỏ cái sự thật đó.

Tại sao có sự kiện trái ngược như thế? Phải chăng tại người Việt thiếu thông tin? Không. Người Việt không thiếu thông tin ở đầu thế kỷ 21 khi mà mạng xã hội mở cửa hoàn toàn, không thể bưng bít thông tin như thời của đảng csvn. Hồ Chí Minh bưng bít thông tin để người ta không thấy được cái gian dối, xảo trá, và lừa gạt của Hồ Chí Minh. Thời đại hôm nay, Trump không cần bưng bít thông tin bởi không thể bưng bít được. Tuy nhiên Trump sẵn sàng tung tin giả, chê bai tin thật và cho rằng đó là tin giả. Trump thành công rất lớn, ít nhất đối với dân tộc Việt. Người Việt dù sống trong nước hay ngoài nước, những người đấu tranh hay không đấu tranh, họ được cung cấp thông tin đầy đủ nhưng họ vẫn ủng hộ Trump, một người vì mình chứ chẳng phải vì quốc gia hay dân tộc (nếu có thì chỉ là dân tộc da trắng mà thôi), một người hoàn toàn thiếu vắng Nhân Phẩm, Nhân Cách. Tại sao thế? Tất cả nằm ở sự giáo dục.

Nền giáo dục ở VN là nền giáo dục nhồi sọ, tôn thờ lãnh tụ, biến giả thành thật, thật thành giả. Nền giáo dục ở Mỹ là nền giáo dục tự do, tuy nhiên nhiên không dạy về Con Người, về trách nhiệm của một công dân, về quyền tự do trong một tinh thần Nhân Chủ có trách nhiệm đối với xã hội và thiên nhiên. Chính không có tinh thần Nhân Chủ, người Việt để cho các nhà chính trị gia (chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp), các công ty dùng tâm lý để điều khiển suy tư của những người Việt đó mà họ không hề biết; trái lại họ cứ tưởng là họ làm chủ lấy mình, thực hiện quyền tự do cho chính mình, chuyển tải những thông tin “thật” mà họ không hề xác định được tính giả tạo của thông tin.

Nhìn lại quá khứ, có bao nhiêu người Việt quan tâm về Con Người?

Thời kháng chiến chống Pháp, Lý Đông A đưa ra triết lý Duy Dân nhằm mục đích tạo ra một xã hội Duy Dân với những con người Duy Dân và một chính quyền Duy Dân để phục vụ sinh hoạt của người dân. Tiếc rằng triết lý của Lý Đông A đến hôm nay vẫn còn nằm trên kệ sách. Chưa ai đem triết lý này để triển khai vào trong thực tế cuộc sống của người Việt ngoại trừ những quyển sách nói về Duy Dân, nhai lại chữ của cụ Lý Đông A và những loại sách này không phải dành cho đáy tầng. Những người đang cố gắng đem triết lý này vào cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, Học Hội Thắng Nghĩa (nay đổi tên là Hội Luận Thắng Nghĩa) là thí dụ điển hình, tiếc thay có người vẫn “xài bạc giả” (nói dối) thì làm sao có thể tạo sự tin tưởng để chuyển tải Con Người Duy Dân vào thực tế của cuộc sống?

Nguyễn Hiến Lê viết hoặc dịch những quyển sách về Học Làm Người dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1985, nhà đạo diễn Trần Văn Thủy, thực hiện bộ phim mang tên Chuyện Tử Tế. Cuốn phim ra đời năm 1985 nhưng đến năm 1987 mới trình chiếu cho người Việt Nam xem. Đây là một phim rất có giá trị về mặt Con Người và vẫn còn có giá trị đến ngày hôm nay.

Năm 1992, những người trẻ ở California cho ra đời quyển sách với chủ đề Con Người Việt Nam Hôm Nay và Ngày Mai.

Năm 2012, những người đã từng viết trong quyển sách trong năm 1992 thành lập trang mạng Ngàn Lau cũng nói về Con Người.

Ở Pháp, giáo sư Lê Hữu Khóa cho ra đời những tác phẩm nói về Con Người.

Ở Việt Nam, một trường tư tại Cần Thơ với triết lý giáo dục nhằm đào tạo một Con Người có đạo đức trong 12 giá trị nhân bản; biết nâng cao tri thức; biết sống thực, sống biết, sống đúng; học để làm người chứ không phải học để làm giàu.

Còn bao nhiêu tổ chức, cá nhân quan tâm về Con Người để viết những đề tài nhằm mục đích để mỗi con người Việt học hỏi, tạo cho chính mình có tri thức cao nhận xét về Con Người? Có thể ở đâu đó trên thế giới, vẫn có những người Việt quan tâm về Con Người nhưng con số này chắc là rất ít chứ không nhiều. Còn những tổ chức đấu tranh hình như họ hoàn toàn không quan tâm về Con Người và nếu có thì sự quan tâm đó chỉ là con người hy sinh cho cách mạng. Nhưng nếu không có một Con Người thật thì cuộc cách mạng thành công sẽ tạo ra một nền “dân chủ” trá hình, bình mới nhưng rượu vẫn cũ bên trong.

Hình như người Việt không thích đọc những quyển sách nói về Con Người bởi những quyển sách đó không có tính chất lãng mạn, tình tứ. Mọi bất ổn của xã hội đều bắt đầu từ những Con Người sống trong xã hội đó. Cái gốc của bất ổn chính từ Con Người mà ra cho nên phải giải quyết cái gốc của vấn đề. Chỉ khi nào chúng ta có những Con Người biết thực hiện quyền tự do của mình trong một tinh thần có trách nhiệm đối với xã hội mình đang sống thì lúc đó mới có một xã hội Người hơn. Còn hiện giờ lối ứng xử của nhiều dân tộc, tuy cùng một giống người Homo Sapiens nhưng lối ứng xử giữa những Con Người này, cho dù cùng một chủng tộc, không được Người gì mấy mà thuộc loại ứng xử mạnh được yếu thua như loài cầm thú.

Có người cho rằng thế giới này thiếu một triết lý về Con Người để áp dụng cho mọi giống dân. Đặt giả sử có một triết lý về Con Người thì triết lý đó không có giá trị khi mà những cá nhân muốn đem triết lý đó vào đời sống người, họ không sống thực, sống đúng và sống biết với triết lý đó. Triết lý Duy Dân của Lý Đông A có thể áp dụng cho mọi dân tộc. Tuy nhiên, ngay chính người Việt, triết lý này vẫn chỉ là triết lý suông, chưa áp dụng vào thực tế. Ngay chính những người Việt đang muốn triển khai triết lý này đến nhiều người, những cá nhân này vẫn chưa vượt lên được chính mình, thắng con người (thắng nhân) của chính mình. Họ vẫn quay quần tranh cãi trên lãnh vực lý thuyết nhất nguyên, nhị nguyên, đa nguyên thay vì triển khai vào thực tế và nhìn cái gốc của Duy Dân là tu dưỡng bản thân; khi bản thân không có tu dưỡng cao thì sự hiểu Duy Dân chỉ là hiểu ngọn chứ không phải hiểu gốc. Từ việc không hiểu gốc, họ vẫn sống và làm sai với cái triết lý mà họ muốn truyền bá cho nhiều người. Họ vẫn muốn triển khai Duy Dân theo dạng học thuật trong khi đó thành phần khoa bảng đã có định kiến và thiếu sự tu dưỡng ở bản thân thì làm sao thuyết phục được những định kiến có sẵn và thiếu tu dưỡng? Họ vẫn tiếp tục đi trên mây đưa ra chương trình thiếu thực tế với kế hoạch 5 năm mà nhân lực chưa có đủ về mặt trí lực lẫn nhân sự. Họ thành lập một ban biên tập với những cá nhân được bắt cóc bỏ đĩa và nghĩ rằng cái ban biên tập đó đủ lớn mạnh để đánh trống khua chiêng về chủ nghĩa Duy Dân ra ngoài cộng đồng Việt và cộng đồng Mỹ. Điều quan trọng hơn hết, họ vẫn không biết lui về một bản vị lợi ích chung mà Lý Đông A đã có nhắc nhở khi ông viết về Thế Hệ.

Có một triết lý Duy Dân xây dựng con người Duy Dân để tạo thành một xã hội Duy Dân và cơ chế chính quyền Duy Dân. Nhưng trước khi làm được chuyện đó phải có những con người Duy Dân tiên phong, đem triết lý đó vào thực tế bản thân của chính mình; sống biết, sống thực, sống đúngsống Duy Dân (xin đưa chuột vào phần link của sống biết, sống thực, sống đúng và sống duy dân để tìm hiểu rõ nội dung đã đăng trong tháng 8, 2020) để từ đó thể nghiệm đích thực được con người Duy Dân ra sao trước khi đem diễn giải những cái biết vào trong đáy tầng. Tiếc rằng số người quan tâm về Con Người, hiểu về Con Người quá ít thành ra cuộc đấu tranh hôm nay vẫn sẽ gặp nhiều trở ngại ở tương lai khi mà những con người đấu tranh bỏ đi cái gốc là Con Người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Nguồn: https://nganlau.com/2020/10/01/quan-tam-ve-con-nguoi/

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...