Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Ý Nghĩa Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha

Là Gì?

Ỷ Tha tức là sự nhờ cậy, dựa vào, nương tựa vào, học hỏi từ người khác.

Tự Kỷ là tự mình học hỏi từ những người khác; tự mình đặt ra những kỷ luật dành cho chính mình để kiện toàn nhân cách của mình; tự mình kiểm điểm lại chính mình để có một lối sống giản dị không làm thiệt hại đến sự sống của Con Người và thiên nhiên.

Động Tha tức là tác động vào người khác, tạo ảnh hưởng, chia sẻ những hiểu biết hoặc giúp đỡ những người khác.

Tại Sao Phải Quan Tâm Đến Ba Yếu Tố Này?

Cuộc sống của Con Người đều có ba yếu tố Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha tác động vào sinh hoạt hằng ngày của chúng ta.  Khác với loài vật, Con Người dựa vào ba yếu tố này để tạo giao tế trong cuộc sống. Tương quan ba yếu tố này xảy ra hằng ngày để tạo ra một xã hội tốt hay xấu. Tương quan giữa ba yếu tố này để phân biệt đời sống của Người với đời sống của loài Vật. Sự tương quan giữa ba yếu tố này là sự tương quan có ý thức.

Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha Dưới Góc Nhìn Con Người

Ỷ Tha tức là sự nhờ vào, nương tựa vào để phát sinh ra cái Tự Kỷ. Thí dụ một đứa bé hình thành phải dựa vào cái trứng của người mẹ kết hợp với tinh trùng của người cha để hình thành một bào thai. Bào thai dựa vào sự dinh dưỡng của người mẹ để càng ngày càng lớn mạnh và sinh ra với sự đỡ đẻ của nhiều người. Sự ra đời của chúng ta là sự nương tựa vào nhiều người mà cha mẹ là nguồn gốc chính để hình thành mỗi con người trong chúng ta.

Tự Kỷ tức là tự chính mình dựa vào người (hay vật chất) khác để tự mình trở thành một Con Người hoàn toàn độc lập tương đối. Trong Con Người đó có những cơ năng (tim, phổi, thận, gan) hoạt động độc lập nhưng nương tựa vào nhau để tiếp tục sự sống của Con Người. Thí dụ tim vận động máu chạy khắp cơ thể để nuôi những bộ phận khác trong cơ thể. Ngược lại những bộ phận khác trong cơ thể giúp cho trái tim hoạt động đúng khả năng của tim. Bất cứ bộ phận nào trong cơ thể suy yếu sẽ ảnh hưởng đến những bộ phận khác và cuối cùng làm cho Con Người trở về cát bụi (cái chết). Ngay cả trong Tự Kỷ chúng ta vẫn nương tựa vào Ỷ Tha (những thức ăn do những người khác làm ra để chúng ta ăn, nuôi dưỡng thân thể của chính mình; hoặc chúng ta phải nhờ vào những bộ phận trong con người chúng ta tiếp tục làm việc thì lúc đó chúng ta mới có thể có những sáng tạo trong tri thức hầu phục vụ xã hội và chính bản thân mình) chính vì thế sự độc lập của chính chúng ta tương đối chứ không thể nào tuyệt đối.

Khi Tự Kỷ là một Con Người trưởng thành, độc lập thì chính Con Người đó tác động vào một Con Người khác để tạo ra một bản vị gọi là gia đình. Hành động tác động, phối hợp đó gọi là Động Tha. Và cái Động Tha đó bắt đầu lại tiến trình Ỷ Tha để tạo điều kiện cho sự sinh con đẻ cái tiếp tục phát triển giống nòi.

Đây là tiến trình một vòng tròn của Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha dưới cái nhìn của Con Người trong sự phát triển giống nòi.

Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha Dưới Góc Nhìn Xã Hội

Khi nói đến xã hội tức là nói đến số đông, nói đến sự tác động của cá nhân vào xã hội và tác động xã hội vào cá nhân.

Thế nào gọi là Ỷ Tha dưới góc nhìn cá nhân tác động vào xã hội? Nếu bạn là một người thật tài giỏi, có một sáng chế để tạo ra một vật dụng cần thiết cho cuộc sống của con người, bạn sẽ không làm được gì nếu bạn không nhờ đến người khác. Sáng chế của bạn phải dựa vào những vật liệu do những người khác, những công ty khác sản xuất để có thể cấu tạo ra sản phẩm của bạn. Sáng chế đó của bạn cũng có thể do sự quan sát hiện tượng đời sống, hoặc do ai đó đặt câu hỏi với bạn để rồi bạn suy tư, nghiên cứu hầu tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Tự Kỷ trong trường hợp này là sáng chế của bạn. Dĩ nhiên sáng chế đó cho chính bạn nghiên cứu, đặt câu hỏi, thử nghiệm để rồi bạn khẳng định là sản phẩm đó có thể thực hiện được, có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tất cả đều do ở chính bạn suy tư, quyết tâm nghiên cứu để tạo ra sản phẩm do chính những suy tư, những quyết tâm đó. Bạn không làm điều đó thì chẳng ai làm điều đó.

Nhưng để làm ra cái sản phẩm bạn sáng chế ra, ngoài vật liệu do người khác làm, bạn phải vận động, chia sẻ sáng kiến đó đến người khác để tạo vốn, tạo ra một công ty để làm ra sản phẩm. Đây gọi là tiến trình Động Tha. Khi bạn tạo ra công ty, bạn tạo ra công ăn việc làm cho người khác tại công ty của bạn và tạo ra việc làm cho người khác ở những công ty sản xuất vật liệu mà công ty bạn cần. Từ Động Tha sẽ trở lại vòng tròn của Ỷ Tha (người khác dựa vào công ty của bạn để làm việc, để tạo ra sản phẩm công ty bạn cần).

Thế nào gọi là Ỷ Tha dưới tác động của xã hội vào cá nhân? Như đã nói từ lúc đầu, ba yếu tố này sẽ tạo ra một xã hội tốt hay xấu. Hãy nhìn vào xã hội VN để thấy toàn bộ mọi người sống trên sự giả dối. Đảng cầm quyền, qua phương tiện truyền thông, qua sự nắm giữ toàn bộ sinh hoạt của xã hội, đã cạo sửa lịch sử, tuyên truyền những cái không bao giờ có thật và kết quả sự tuyên truyền đó tác động vào mỗi cá nhân sống tại VN. Đứa bé đến trường học, dựa (Ỷ Tha) vào sự giảng dạy của thầy cô giáo để thu thập những kiến thức từ thầy cô giáo, dựa vào đời sống giả dối của xã hội để tạo ra ứng xử (Tự Kỷ) giả dối để sống còn.

Khi những kiến thức chỉ là để tuyên truyền; khi xã hội tuyên dương giả dối, đàn áp sự thật thì đào tạo ra con người chỉ biết phục tùng, lắng nghe thay vì đặt câu hỏi, phản kháng lại những giả dối, đê hèn. Cái môi trường giả dối thì sẽ tạo ra những con người có yếu tố Tự Kỷ là làm nô lệ cho người khác; ăn cắp sản phẩm trí tuệ hoặc cướp giựt tài sản của người khác; hoặc vì lợi lộc sẵn sàng đưa hóa chất vào thức ăn để bán cho người tiêu thụ. Hình ảnh người dân đút tiền cho công an giao thông là Tự Kỷ của nô lệ. Hình ảnh anh công an lấy tiền đút lót của người dân là Tự Kỷ ăn cắp, cướp giựt, đàn áp.

Động Tha ở xã hội VN là khuyến khích mọi người sống giả dối, khuyến khích sự tàn bạo để tạo ra một xã hội, một vòng tròn Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha là vòng tròn của giả dối, của đàn áp, của đạo đức không phải là giá trị nhân cách mà sự giàu có về quyền hành tạo ra cái phong cách sống của con người.

Điểm Quan Trọng Của Vòng Tròn Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha

Câu hỏi đặt ra là trong cái vòng tròn Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha thì cái nào quan trọng nhất? Có người cho rằng tất cả đều quan trọng như nhau bởi cùng tác động lẫn nhau để tạo ra cái vòng tròn đó. Nếu quan niệm như thế thì một xã hội xấu sẽ chẳng bao giờ trở thành một xã hội tốt ở tương lai. Nếu quan niệm như thế thì một chế độ tàn bạo sẽ mãi mãi sống còn, đặc biệt là chế độ csvn hiện giờ.

Thực tế lịch sử đã chứng minh không một chế độ tàn bạo nào tồn tại với thời gian. Có nghĩa là dù nhà cầm quyền VN tuyên truyền, bưng bít sự thật thì vẫn có người vượt thoát ra được cái vòng tròn giả dối để tạo ra một vòng tròn cho chính bản thân mình, hướng thiện hơn và tác động vào những người khác.

Vậy thì cái Tự Kỷ là cái quan trọng nhất trong ba yếu tố của vòng tròn. Trong cuộc sống trưởng thành của chúng ta hoặc trong cuộc sống của đời người, chúng ta luôn luôn dựa (Ỷ Tha) vào người khác để tạo ra cái Tự Kỷ cho chính mình. Có nghĩa là ở chính bản thân của mỗi người trong chúng ta, trong điều kiện sống hiện tại, tự mình phải chọn lựa lối ứng xử độc lập, chọn là người xấu hay tốt. Sự lựa chọn đó sẽ tác động (Động Tha) vào người khác để tạo ra một hệ quả dây chuyền hầu chuyển một xã hội xấu thành một xã hội tốt hoặc ngược lại. Điều đó giải thích tại sao nhiều người ở VN đã sẵn sàng đứng lên chống lại cái ác, không sợ tù đày, không sợ sự đàn áp của nhà cầm quyền để tạo ra một vòng tròn Ỷ Tha, Tự Kỷ, Động Tha trong một tinh thần nhân bản chứ không phải trong một tinh thần mạnh được yếu thua mà đảng cầm quyền muốn áp dụng vào xã hội.

Nếu điểm quan trọng trong vòng tròn là Tự Kỷ thì làm sao để có thể tạo ra cái Tự Kỷ phù hợp với chính mình và lợi ích của toàn xã hội? Chúng ta sẽ tìm hiểu về đề tài Tu Dưỡng Thắng Nhân (cách học hỏi để tạo ra cái Tự Kỷ cho chính mình) ở những bài viết trong thời gian tới.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2018 (Việt Lịch 4897)

New Orleans, LA

Nguồn: https://nganlau.com/2019/02/01/y-nghia-y-tha-tu-ky-dong-tha/

 

 

Xã Hội Duy Dân

Mỗi thời đại trên thế giới, trong lịch sử loài người, đã xuất hiện những xã hội có những tên khác nhau. Người ta thường nói đến xã hội mẫu hệ, bộ lạc, bộ tộc, thần quyền, phong kiến, độc tài, cộng sản, tư bản, và tư bản đỏ.

Câu hỏi đặt ra là một Việt Nam mới sẽ là một xã hội ra sao? Có lẽ Xã Hội Duy Dân là một xã hội cần thiết để xây dựng lại tất cả những gì đã hư hỏng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng mà Xã Hội Duy Dân đó ra sao? Phải chăng Việt tộc đã có một Xã Hội Duy Dân trong quá khứ?

Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì Duy Dân “chỉ có dân là đáng kể. Ý niệm lấy dân làm nền tảng xã hội và cứu cánh của mọi hoạt động trong xã hội”. Ý nghĩa của Xã Hội Duy Dân không chỉ đơn thuần trong câu nói trên mà bao quát hơn để thực hiện lấy dân làm nền tảng và là cứu cánh của mọi hoạt động trong xã hội.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mà mỗi con người trong xã hội đó làm chủ lấy chính mình. Chỉ khi nào mỗi người tự làm chủ lấy chính mình thì lúc đó không một nhà chính trị nào, một đảng phái nào dùng tâm lý để tiếp tục lừa gạt người dân. Chính sự tự chủ đó thì chính người dân sẽ không còn sự sợ hãi những trò đàn áp, hăm dọa của những người được gọi là đại diện cho dân nhưng đi ngược lại nguyện vọng của người dân. Chính sự tự chủ đó thì người dân mới có đủ nghị lực, tri thức để thực hiện quyền tự do của con người vốn đã được công nhận khi con người bỏ đời sống hoang dã để tổ chức thành xã hội của loài người. Thái độ của người dân Hongkong là thái độ của sự tự chủ đó. Họ thực hiện quyền tự do của chính họ và bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra cho chính họ.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mà mọi người sống trong xã hội đó quan tâm đến cuộc sống của mình, đồng thời quan tâm đến cuộc sống của xã hội lẫn môi trường chung quanh. Chính sự quan tâm này, mỗi con người trong Xã Hội Duy Dân thấy được sự tương quan của ba nhân tố Con Người, Xã Hội và Thiên Nhiên là tương quan luôn luôn xảy ra từ thời Con Người biết hợp lại thành xã hội và biết sử dụng, cải tạo thiên nhiên để phục vụ đời sống của người. Khi đã hiểu ra sự tương quan này thì những cá nhân sống trong Xã Hội Duy Dân luôn luôn cân nhắc cho mỗi hành động của chính bản thân, không vì quyền lợi của chính mình để rồi làm hại đến xã hội và môi trường sống của xã hội. Thí dụ: không vì quyền lợi của công ty và môi trường nơi mình sống để rồi dời công ty về một thành phố khác mà trong sản xuất sẽ phá hoại môi trường sống của những thành phố khác.  Hoặc không vì luật môi sinh ở đất nước mình nghiêm khắc cho nên dời công ty về một nước khác để xả thải chất độc vào không khí, nước và môi sinh ở một quốc gia khác (công ty Formosa là một thí dụ điển hình). Nói chung Xã Hội Duy Dân là một xã hội hài hòa. Mình sống hài hòa với thiên nhiên và trong xã hội; xã hội hài hòa trong Con Người sống trong xã hội đó. Sự hài hòa này sẽ không tạo ra sự khác biệt quá xa về người giàu và nghèo như ở các nước tư bản.

Vì quan tâm đến cuộc sống của chính mình, Xã Hội Duy Dân là một xã hội mà toàn dân đều quan tâm đến vận mệnh của quốc gia, đến từng bộ luật được soạn thảo trong cuộc sống của chính mình. Luật trong Xã Hội Duy Dân là luật để tạo điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do của chính mình miễn sao quyền tự do đó không ảnh hưởng đến cá nhân khác hoặc sinh hoạt của xã hội, của môi trường sống. Chính vì thế Xã Hội Duy Dân là xã hội mỗi địa phương tự cai quản lấy chính mình, quyền hành của người dân bắt đầu từ tại địa phương mình sinh sống. Chính quyền trung ương mục đích để bảo đảm sự tự trị của chính quyền địa phương đồng thời hợp tác với chính quyền địa phương để bảo đảm những dự án của chính quyền địa phương làm ra không ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia, ảnh hưởng đến môi trường cả nước, và ảnh hưởng cuộc sống của người dân ở địa phương khác. Thí dụ: thành phố ở thượng nguồn sông, thành lập một đập để giữ nước nhằm mục đích để chống lụt và sản xuất điện. Tuy nhiên, nếu dự án đập này lại ảnh hưởng đến những thành phố ở hạ nguồn thì chính quyền trung ương sẽ can thiệp để bảo đảm nguồn nước của những thành phố sống ở hạ nguồn không bị hạn hán hoặc nước biển tràn vào. Hình ảnh Tàu cộng thành lập các đập ở thượng nguồn sông Cửu Long để Việt Nam bị ảnh hưởng vì nước ở thượng nguồn không đổ xuống đủ -- để rồi nước biển tràn vào làm những cánh đồng ở Việt Nam bị thiệt hại là thí dụ điển hình mà một Xã Hội Duy Dân sẽ không làm chuyện này bởi vì quan tâm đến những con người tuy ở quốc gia khác.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mọi người hoàn thành đúng vị trí của mình trong xã hội mà mỗi vị trí đó đều quan trọng như nhau. Sẽ không có chuyện anh y tá trở thành thủ tướng, anh thiến lợn trở thành chủ tịch. Sẽ không có chuyện anh kỹ sư quan trọng hơn bác nông dân bởi hai người này nằm ở hai vị trí khác nhau và mỗi vị trí đều có tầm quan trọng riêng của nó. Không có bác nông dân thì đừng hòng anh kỹ sư có gạo để ăn và đi học thành kỹ sư. Ngược lại không có anh kỹ sư thì bác nông dân sẽ làm việc cực nhọc hơn thay vì nhờ anh kỹ sư, chế tạo ra những máy móc để giúp bác nông dân làm việc hiệu quả nhằm sản xuất được gia tăng, giúp cuộc sống người dân có đủ ăn và ăn ngon.  Bởi vì bản thân biết tự chủ như đã nói ở phần đầu bài viết này, những con người sống trong Xã Hội Duy Dân biết được khả năng của chính mình và biết nhận lãnh trách nhiệm trong xã hội theo đúng khả năng của mình, cho nên mỗi con người trong Xã Hội Duy Dân luôn luôn đóng đúng vị trí của mình trong xã hội và hãnh diện với sự đóng góp đó mà không tự ái, tự ti, mặc cảm hoặc tự cao, tự đại, hách dịch xem mọi người như rơm rác. Hoàn thành đúng vị trí của mình là thực hiện “tận kỳ sở năng, toại kỳ sở nhu và chính kỳ sở mệnh”.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mà mọi người thông suốt được nguyên lý Ỷ Tha (nhờ vào) Tự Kỷ (tự chính mình) và Động Tha (tác động vào người khác). Nguyên lý này luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống. Thí dụ: khi ta sinh ra ta phải nhờ ở người mẹ, người cha, những người trong xã hội sản xuất thức ăn để mẹ ta ăn mà nuôi dưỡng ta trong bụng. Khi ta ra đời phải nhờ những người trong nhà thương để giúp mẹ ta cho ta ra đời.  Đây chính là nguyên lý Ỷ Tha (nhờ vào). Khi ta lớn lên, sự nhờ vào những người trong xã hội (trường học, bạn bè, hàng xóm, họ hàng, gia đình) để chính ta tạo ra tri thức của chính mình và tự mình học được tinh thần tự chủ, để biết rõ đúng-sai, thiện-ác, trách nhiệm-vô trách nhiệm. Đây chính là nguyên lý Tự Kỷ. Từ sự nhận thức đó tạo cho chính bản thân ta có nhân cách và cái nhân cách đó là tấm gương để tác động (Động Tha) vào người khác; hoặc những việc làm, những suy tư về tri thức - nhân sinh quan - về con người của ta sẽ tác động vào người khác để tạo ra một Xã Hội Duy Dân. Đây chính là nguyên lý Động Tha.

Xã Hội Duy Dân là xã hội thấu hiểu được nguyên lý Đối Lập Thống Nhất. Quyền lợi cá nhân luôn luôn đi ngược lại quyền lợi của tập thể (xã hội). Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là loại bỏ quyền lợi cá nhân. Trái lại quyền lợi cá nhân nằm trong quyền lợi của tập thể thì quyền lợi cá nhân này đã thực hiện được nguyên lý Đối Lập Thống Nhất. Phải dung hòa quyền lợi của cá nhân và quyền lợi của tập thể. Cả hai quyền lợi này phải dung hòa vì lợi ích chung của hai nhân tố cá nhân và tập thể. Cá nhân không thể sống còn nếu không có tập thể và tập thể không hiện hữu nếu không có cá nhân. Điều này cũng giống như Nam-Nữ là hai thái cực của Dương và Âm. Nhưng để giống nòi tiếp tục phát triển thì bắt buộc Nam-Nữ phải dung hòa chung sống hầu tạo ra gia đình và là nền tảng của xã hội. Một thí dụ khác là bình điện trong đó có cực Âm-Dương, tuy khác biệt nhưng vẫn có thể hợp tác (thống nhất) để tạo ra bình điện giúp đời sống của xã hội thăng tiến.

Xã Hội Duy Dân là xã hội hoạt động kinh tế theo khuôn mẫu Tư Bản Bình Sản. Có nghĩa là khuyến khích mọi người làm kinh tế tự do và cái kinh tế tự do đó mục đích là để mọi người trong xã hội cùng tiến hóa chứ không phải là nền kinh tế tư bản tạo ra 1% giàu chiếm 40% tài sản quốc gia trong khi số còn lại 99% chỉ chiếm 60% tài sản của quốc gia. Trong cái kinh tế Tư Bản Bình Sản đó, mục đích đầu tiên của chuyện làm kinh tế là để bảo đảm nhu cầu nhu yếu (ăn, mặc) của chính mình và sau đó là đóng góp công sức để tạo ra những sản phẩm nhằm giúp xã hội được thăng tiến. Cái sáng tạo của người sống trong Xã Hội Duy Dân không phải là để làm giàu mà là để giúp xã hội, giúp nhân loại. Sự giàu có từ sự sáng tạo giúp xã hội là chuyện đương nhiên xảy ra khi mà sự sáng tạo của chính cá nhân được xã hội đón nhận -- nhưng sự làm giàu đó luôn luôn là mục đích sau cùng chứ không phải là mục đích đầu tiên của sáng tạo. Tư Bản Bình Sản là chính mình biết sống đơn giản dù có nhiều tiền và đồng thời biết thế nào gọi là đủ chứ không phải tham đồng tiền để hợp tác với bạo quyền, cướp đi quyền tự do của con người mà công ty Facebook cùng Google đã và đang hợp tác với các bạo quyền độc tài (Việt Nam, Trung Quốc) trên thế giới chỉ vì mục đích làm giàu chứ không quan tâm đến con người và xã hội. Tư Bản Bình Sản không có chuyện ông chủ tịch (CEO) của một công ty được đồng lương 45 triệu một năm trong khi đó những người lái xe, rất là đông của Uber, lương chẳng là bao nhiêu. Không một cá nhân nào, dù tài giỏi cách mấy, có thể tự mình tạo ra sản phẩm mà không cần sự đóng góp của người khác. Cho nên không vì sự tài giỏi của mình để nhận phần lương quá đáng so với tập thể đang ở cùng trong một cơ chế vận hành.

Xã Hội Duy Dân là xã hội mà mỗi cá nhân trong xã hội đó luôn luôn học hỏi để điều chỉnh, thay đổi theo thực tế của xã hội nhằm mục đích không để xã hội đi quá đà mà sự quá đà này có thể nguy hiểm đến sự sống còn của những cá nhân sống trong xã hội đó. Thay đổi là điều bắt buộc phải xảy ra. Giống như cơ thể của chúng ta, các vi phân tử nhỏ trong cơ thể luôn luôn không ngừng nghỉ thay đổi mà chúng ta không để ý đến. Xã hội cũng cần có nhu cầu thay đổi và mỗi cá nhân sống trong Xã Hội Duy Dân sẵn sàng tinh thần để thay đổi cho sự tiến bộ chung của toàn xã hội hoặc nhân loại.

Câu nói “phép vua thua lệ làng” cho thấy một Xã Hội Duy Dân đã có từ thời xưa. Lệnh của vua tuy là từ trung ương nhưng vẫn phải thua cái lệ làng, nơi mà người dân tự quản trị đời sống hàng ngày của mình. Nếu cái lệ làng đó không ảnh hưởng đến địa phương khác thì cái lệ làng đó được quyền tiếp tục bởi đó là tinh thần tự chủ của chính địa phương.

Khi mà một Xã Hội Duy Dân đã hình thành thì một Chính Quyền Duy Dân sẽ ra đời. Chính Quyền Duy Dân đó ra sao? Chúng ta sẽ tìm hiểu ở bài viết vào tháng tới.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2019/10/24/xa-hoi-duy-dan/

 

 

Tại sao Sinh Mệnh Tâm Lý

Sinh mệnh (hay sinh mạng) là đời sống đại diện cho thể chất, hình hài  (hình nhi hạ), con người sinh ra không do mình chọn lựa nhưng con người làm chủ hình hài đó suốt cuộc đời cá nhân. Nhưng thực sự cá nhân không hoàn toàn làm chủ sinh mệnh trong dòng đời.

Thân thể con người là thân vật lý, tuy thực  mà ảo, chỉ tồn tại trăm năm. Linh hồn con người tuy ảo nhưng lại thực sự, chi phối con người qua nhiều kiếp. Tâm lý con người kết thành do sự chọn lựa, học hỏi, rèn luyện … tùy theo khả năng và ý chí, cá nhân đó nghĩ mình có thể làm chủ được bản thân hay bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Tâm lý (hình nhi thượng) cá nhân tưởng mình là chủ động nhưng thực sự là bị động. Tâm hồn có làm chủ bản thân hay không là do sự giáo dục bản thân.  Định mệnh của một cá nhân không trôi theo thiên nhiên như loài động vật, thực vật. Cá nhân phấn đấu để thay đổi hoàn cảnh xung quanh mình hay sẽ bị nhận chìm trong cuộc sống.  Con người có trí óc, tự hào về trí thông minh nhưng con người có hiểu và nắm định mệnh của mình không? “Tận nhân lực, Tri thiên mạng” người xưa đã nói, bạn có trải qua chưa? Bao nhiêu phần trăm đúng sai? Tìm hiểu sinh mệnh tâm lý để làm chủ cuộc sống và xây dựng một xã hội hữu ích cho loài người.

Con người là một sinh vật ưu việt hơn mọi loài vì sự phát triển của não bộ. Ngôn ngữ là sản phẩm của con người.  Vượt trên ngôn ngữ là tâm lý con người. Tâm lý con người (hay sinh mệnh tâm lý) là sự suy nghĩ, lý luận, phân tích…vượt lên trên mọi chủng tộc, sắc tộc, phái tính, thế hệ, văn hóa, lịch sử, tôn giáo … kẻ nắm được tâm lý của người khác có khả năng vận dụng mà không để lại dấu tích.

Thuở  sơ sinh, đứa trẻ nhờ cha mẹ, nuôi dưỡng, giáo dục. Lớn lên, đứa trẻ tiếp xúc với xã hội và học hỏi tương quan với xã hội.  Trước khi đứa trẻ có thể suy nghĩ và hành động với trí thông minh và sự tự do, đứa trẻ đã bị  đã bị nghiền nát bởi guồng máy của xã hội đứa trẻ lớn lên. Có cách nào để đứa trẻ suy nghĩ và hành động độc lập với hệ thống sẵn có. Có thể nào đứa trẻ chọn lựa xã hội, thể chế chính trị, tôn giáo, văn hóa … một cách độc lập mà không bị ảnh hưởng của thầy giáo, cha mẹ … hay xã hội (nơi đứa trẻ sinh ra) áp đặt lên một khuôn mẫu sẵn có. Đâu là sự phản kháng đưa đến các cuộc cách mạng xã hội.  Cuộc cách mạng bản thân bắt nguồn từ đâu khi mọi tư tưởng của cá nhân mới phát xuất đã bị xiết chặt bởi hệ thống sẵn có. Đâu là tự do?  Nếu đứa trẻ muốn thoát ra khỏi một xã hội đã nuôi mình lớn lên. Làm sao có thể đối thoại với những người chỉ xử dụng bạo lực để thực hiện ý đồ riêng? 

Con người khai thác tài nguyên thiên nhiên để sống còn. Nhưng toàn bộ cơ cấu chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa … xây dựng theo sự phát triển tâm lý của loài người. Kẻ nào nắm được Sinh Mệnh Tâm Lý, kẻ đó nắm toàn bộ sinh hoạt của con người. Cộng sản đã dựa trên tâm lý của giai cấp bần cùng, nghèo khổ để phát động đấu tranh giai cấp xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa. Tư bản lợi dụng tâm lý con người về ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ… để phát triển kinh tế thị trường. Tôn giáo lợi dụng những uẩn khúc tâm lý của cá nhân để rao giảng về những niềm tin hoang tưởng. Đâu là giới hạn của hình nhi thượng? Đâu là những ảo mộng và thực chất của con người cho tương lai loài người với thể chất và hình hài hữu hạn?

Cuộc sống của con người (sinh mệnh) dựa trên một số tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn đó dựa trên một số quy luật. Nắm vững các quy luật đó giúp đối phó với mọi hoàn cảnh, tình huống của con người trong các biến cố xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo…

Con người có tâm lý (tâm=tình cảm , lý=lý trí lý luận)  tình cảm và lý trí. Tâm lý quyết định hành động của con người dựa theo tình cảm (đức) hay lý trí (tài). Sinh mệnh tâm lý là thấu triệt tương quan tài-đức. Biết mình, biết người; trăm trận, trăm thắng chính là ở yếu tố tâm lý.

Con người nắm được sinh mệnh tâm lý  hay không đòi hỏi sự quán triệt vũ trụ, xã hội, tư tưởng (suy nghĩ của cá nhân) thành một hệ thống nhất. Sinh mệnh con người dưới ảnh hưởng của duyên trường,  nghiệp cảm (tính, tình, ý) trên căn bản cá nhân qua xã hội, trong thiên nhiên qua suốt dòng lịch sử nhân loại. Làm sao mỗi cá nhân có thể học hỏi một cách độc lập để hiểu bản thân và đối tượng bên ngoài trước khi cá nhân chọn lựa để gia nhập một xã hội thích hợp. Chính lúc này một xã ước hình thành giữa cá nhân và tập thể (hay giữa cá nhân với nhau để đi đến tập thể). Con người đến từ thiên nhiên và thành lập xã hội. Xung đột trong xã hội hủy diệt thiên nhiên. Làm sao thay đổi xã hội khi con nguời từ khi mới sinh ra đã lệ thuộc quá nhiều vào xã hội?

Một cuộc cách mạng bản thân chỉ có thể trải qua sự tu dưỡng cá nhân, giáo dục bản thân một cách độc lập để có cái nhìn xuyên suốt giữa Thiên Nhiên, Con Người và Xã Hội. Chỉ có sự thấu triệt tương quan tung hợp, đối lập thống nhất với những luật tắc của từng môi trường với những bản vị của riêng nó, cùng với biện chứng pháp không phải để hủy diệt mà để xây dựng. Con người có thể làm chủ xã hội (mà không phải là người lãnh đạo độc tài)  như một phần tử của xã hội, với ý thức bình đẳng, độc lập. Phải chăng đó là con đường xây dựng một nền dân chủ thực sự?

Sinh mệnh tâm lý không không phải là chuyên môn thuần túy như khoa học, sử học hay xã hội học mà là phối hợp của cả ba ngành.

Hiểu được tầm quan trọng của sinh mệnh tâm lý để ý thức rằng toàn bộ hệ thống Triết Học Thắng Nghĩa là một tổng thể xây dựng trên Duy Nhân Cương Thường. Và hiểu được con người mới thấy tại sao Duy Dân dựa trên sinh mệnh tâm lý và đòi hỏi Tu Dưỡng Thắng Nhân.

Trần Công Lân

Tháng 6, năm 2017

VA

Nguồn: https://nganlau.com/2017/07/01/tai-sao-sinh-menh-tam-ly/

 

Tại Sao Cần Nghiên Cứu Sinh Mệnh Tâm Lý?

Con Người và Xã hội

Con người là một thể chất (hình hài) với một tâm trí (hay tâm hồn) gắn liền với nhau từ khi sinh ra đến khi chết. Con người, từ khi sinh ra (khi mới vào đời), thường tự hỏi: Sống để làm gì? Chết sẽ đi về đâu?

Con người thường phải vừa sống (như một bản năng sinh tồn của loài vật nhưng trí óc luôn luôn suy nghĩ để cải thiện cuộc sống) vừa học hỏi, cải thiện cách sống. Sống như thế nào? Tại sao phải sống như thế này? Ta có thể sống một cách khác hơn chăng? Nếu thay đổi cuộc sống thì thay đổi như thế nào?

Khi con người kết thành xã hội, tổ chức thành làng - xã, quốc gia…thì loài người cần lãnh đạo. Nhưng các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo cho đến ngày nay vẫn phải luôn đối mặt với trọng trách khó khăn: đem lại hòa bình, hạnh phúc cho con người. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã vượt biên giới của quốc gia để kêu gọi hòa bình thế giới nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn trong và ngoài tôn giáo. Sự thất bại của các chính trị gia đã không đem lại tự do, hòa bình cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo đã thất bại trong việc đem lại yêu thương, hạnh phúc cho con người chỉ vì những nhà lãnh đạo này dựa vào tâm lý quần chúng để mưu cầu quyền lực cho chính họ (đảng, giáo hội) hơn là để đem lại hòa bình, hạnh phúc cho quần chúng. Phải chăng giải pháp nền tảng là chính mỗi con người cần làm chủ tâm lý của chính mình để không còn bị mê mờ bởi những lý luận hoang tưởng của lời nói nhằm lợi dụng con người dưới chiêu bài “tự do, hạnh phúc” mà thực sự không phải cho tự do, hạnh phúc của mỗi con người.

Con người có hình hài giống nhau nhưng suy nghĩ thì “tâm viên, ý mã” (tâm như khỉ vượn luôn di động, ý như ngựa chạy). Làm sao hiểu tâm mình, ý người? Hiểu rồi thì đối xử ra sao? Thế nào là đúng, sai? Nên làm gì? Làm như thế nào?

Khi một người tiếp xúc với người khác là có sự khác biệt về ý kiến, hành động có thể đưa đến chiến tranh hay hòa bình. Tại sao có sự khác biệt? Vì suy nghĩ (tư tưởng). Làm sao giải quyết sự khác biệt trong xã hội loài người để tránh xung đột?

Khoa Tâm Lý Học

Khoa tâm lý học là khoa học nghiên cứu về tâm lý con người hay những biến chuyển của nội tâm con người và hệ thống hóa những khám phá đó thành những lý luận, những nguyên tắc để vận dụng trong việc xây dựng con người và xã hội, phù hợp với mỗi cá nhân, đồng thời với cá nhân trong xã hội.

Khoa tâm lý học cũng đi cùng với phân tâm học để phân tích những phản ứng tâm lý của con người trong những trường hợp bất bình thường (điên khùng, khủng khoảng tâm thần…).

Trong lãnh vực triết học, xã hội học, và chính trị học, tâm lý học còn được khai thác để tác động được đến phạm vi rộng lớn hơn: đám đông hay dân tộc và nhân loại, và được khai thác triệt để trong lãnh vực kinh tế, xã hội, tôn giáo và chính trị.

Duy Vật chủ nghĩa (hay chủ nghĩa cộng sản) đã lợi dụng tâm lý học để khai thác yếu điểm của con người trong cuộc sống. Cộng sản lợi dụng tâm lý phản kháng của con người để đưa đến nổi loạn (cách mạng). CS dùng sự sợ hãi, bất an trong đời sống xã hội để hứa hẹn bảo đảm công ăn, việc làm, y tế, giáo dục…(làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu). CS dùng tù đày, tra tấn, thủ tiêu, khủng bố để đàn áp sự chống đối. Đồng thời CS dùng dân tộc, lòng ái quốc, văn nghệ…như dụng cụ để kết hợp mọi người vào tập thể và khai thác các phương tiện truyền thông như dụng cụ tuyên truyền để nhồi sọ, tẩy não quần chúng thay vì đem tin tức đến người dân để tự họ quyết định hành động.

Mặt khác, chủ nghĩa Tư Bản dùng tâm lý học trong việc quảng bá kinh tế thị trường qua yếu điểm con người trong cuộc sống: ham vui, tham lợi…. Tự do kinh doanh đã chú trọng đến thị hiếu của con người (nhất là phái nữ và trẻ em). Từ thức ăn: nhà hàng, món ăn…đến quần áo: thời trang, vật liệu sản xuất… đến những tiện nghi đời sống, thuốc men (vitamin), du lịch, đầu tư..vv…. Báo chí, truyền thông giúp một phần lớn chuyển tin đến giới tiêu thụ. Nền giáo dục đã được chuẩn bị để đưa con người hội nhập vào xã hội như là giới tiêu thụ, một xã hội đã đúc khuôn theo một chiều hướng gọi là: phải tiêu xài mới là hòa bình, hạnh phúc nhưng trong thực tế vẫn đưa đến chiến tranh, đau khổ.

Đó là tâm lý học tây phương.

Triết học đông phương dựa vào tâm lý con người qua sinh mệnh (cuộc sống).

Cuộc sống con người không đến từ bên ngoài, như khi con người sinh ra đã chịu ảnh hưởng của xã hội nơi hắn sinh ra. Do đó hắn không thể nào thoát khỏi các tin tức hay cám dỗ ép buộc đến từ người khác xung quanh hay xã hội đã tạo ra hắn.Vậy có cách nào hắn thoát khỏi vũng lầy đó chăng? Phải chăng chỉ có cuộc cách mạng bản thân trước khi có cuộc cách mạng xã hội? Để thay đổi hành động (cách sống) phải thay đổi suy nghĩ. Muốn thay đổi suy nghĩ, tư tưởng, phải hiểu tâm lý (sự vận hành của trí óc). Tâm lý là căn bản riêng biệt cho mỗi cá nhân. Tâm lý đã được dựa trên thiên nhiên (Thái cực) định sẵn qua số mệnh (Tử vi). Đó là phần tiên thiên. Sự thay đổi trong cuộc sống được giải thích qua Kinh Dịch (Âm-Dương), Phong Thủy (con người và thiên nhiên), tướng số (sắc diện, tướng đi, tiếng nói….). Nhưng tâm lý học đông phương là những khoa học huyền bí khó mà kiểm chứng hay giải thích cuộc sống của con người và đã bị lợi dụng quá nhiều bởi những kẻ bất tài, thiếu đạo đức đã làm giảm giá trị và thực chất của học thuật.

Vậy tâm lý con người theo Lý Đông A (LĐA) là gì? Ông đã giải thích trong bài viết Sinh Mệnh Tâm Lý (SMTL)

Sinh Mệnh Tâm Lý

SMTL là tài liệu phân tích về con người và đường sống của cá nhân trong xã hội: sống như con người đích thực, làm chủ được sinh mệnh của mình, sống có ý thức và có chủ động (Sinh mệnh chủ thể- Sinh mệnh hệ thống và Sinh mệnh cơ cấu). SMTL giúp cá nhân hiểu rõ tươngquan của cá thể, xã hội và thiên nhiên. Muốn hiểu cuộc sống, phải hiểu mình (bản thân) đó là khởi đầu và kết thúc của giáo dục (Krishnamurti).Đối với LĐA, “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị”. Và chính trị điều hòa cuộc sống của xã hội, dân tộc và nhân loại.

SMTL không khuynh tả hay hữu, Duy Vật hay Duy Tâm hay bất kỳ tôn giáo nào. SMTL tìm hiểu khách quan về bản thể con người: Sinh lý, Tâm lý và Mệnh lý: Tính, Tâm, Thân Mệnh với Đức Tầng-Nghiệp Tầng- Trí Tầng. Đồng thời đề ra các phương thức giáo dục tâm lý để giúp con người sống đúng chính mình, và đóng góp cho xã hội và nhân loại. Tu dưỡng bản thân để hiểu nhu cầu của cuộc sống (toại kỳ sở nhu). Để biết khả năng con người (tận kỳ sở năng) thì mới biết cuộc sống dành cho mỗi cá nhân là như thế nào (chính kỳ sở mệnh).

Về hình thức, cá thể là một tâm hồn với suy nghĩ (tư tưởng) trong một cơ thể vật chất. Hình hài giống nhau nhưng suy nghĩ khác nhau. Con người tương giao với nhau thành xã hội (âm-dương, nam-nữ), kinh tế, chính trị, văn hóa…

Cuộc sống của con người là đối xử, tương tác với cá thể khác trong xã hội. Con người sống nhờ thiên nhiên và cũng vì thiên nhiên (tài nguyên) mà con người dễ đi đến xung đột. Hiểu SMTL để hiểu cuộc sống cá nhân và cuộc sống cá nhân với tập thể, với toàn thể nhân loại, để mưu tìm và bảo vệ hòa bình thay vì chiến tranh, hủy diệt.

Hiểu SMTL để hiểu tâm tư của từng cá nhân, từ suy nghĩ đến hành động. Hành động đưa đến phản ứng dây chuyền trong xã hội. Tìm hiểu những vấn đề trong xã hội loài người phải hiểu nguyên nhân tạo tác của cội nguồn dẫn đến vấn đề hiện tại. “Nuôi tâm sinh thiên tài”, biết SMTL để biết tại sao trong chiến tranh “lấy nhu thắng cương”, lấy “ít thắng nhiều”, lấy “yếu thắng mạnh”….Hiểu SMTL để biết tại sao người lãnh đạo cần giúp mọi người tạo niềm tự tin, phát triển cá nhân qua giáo dục và cách tương giao (communication) với nhau.

Khởi đi từ câu hỏi: Tôi là ai? Tôi sống để làm gì? Và từ đó xác định “Con người (VN) hôm nay và ngày mai” (nganlau.com ). Phải hiểu rõ vai trò của cá nhân (bản thân) trong tập thể, xã hội, quốc gia trong từng giai đoạn và trong suốt quá trình trưởng thành với dòng sinh mệnh dân tộc. Hiểu mình (bản thân) để từng bước thực hiện giáo dục bản thân và đóng góp cho xã hội loài người. Hiểu mình với các vấn đề trước mặt cũng như toàn diện để tránh những cạm bẫy của các lãnh tụ thời cơ (chính trị, tôn giáo) mê hoặc quần chúng, của bạn và thù.

Tìm hiểu SMTL qua giáo dục, giáo dục tự mình và với người khác, để hiểu sự vận hành của não trạng con người qua ngũ uẩn (mắt, mũi, tai, miệng - lưỡi),  tay-chân, suy nghĩ (thức) và thất tình, lục dục. Để hiểu từng bước biến chuyển trong tâm khởi từ đâu (thuyết Thập Nhi nhân duyên, thuyết Duyên Khởi) như tiến trình giáo dục cho cả chủ thế (observer) và khách thể (observed).

Theo LĐA, tâm lý (bên trong, nội tâm; tâm tình và lý trí) và sinh mệnh (cuộc đời sống với bên ngoài, xã hội, thiên nhiên) là hai mặt luôn tương tác. Trong SMTL, LĐA trình bày con người như một chủ thể có hệ thống cơ cấu với các nguyên lý và học lý, và luôn trong tương quan với người khác, với xã hội và thiên nhiên. Hiểu được SMTL, con người có thể tự giáo dục (nhân tài giáo dục, thiên tài giáo dục) để từ đó hiểu tâm lý của người khác, của con người nói chung (lòng người, bộ sậu tâm lý) và để thực hiện cách mạng và kiến thiết. Từ đó, cá nhân mới có thể thực hiện những thay đổi trong xã hội loài người (tâm lý khoáng trương, duyên trường rộng ra nhân quần xã hội). Chính vì đó SMTL là đầu mối của Thắng Nghĩa, của giáo dục Thắng Nhân, của kiến thiết…

Con người là bắt đầu từ duyên khởi và đi tìm mục đích cuộc sống. Chỉ ra những thất bại trong cuộc sống loài người và tìm ra con đuờng sửa đổi là mục đích của triết học Thắng Nghĩa. Duy Dân là phục vụ con người, con người cá nhân và con người trong xã hội. Sinh Mệnh Tâm Lý là tài liệu phân tích về con người, tổng hợp các khám phá tâm lý học của tây phương (tâm lý học, phân tâm học, tâm lý xã hội học) và đông phương (dịch học, duy Thức học), giúp cá nhân hiểu rõ bản thân để đóng góp cho xã hội, giúp người dân hiểu rõ những nhân vật chính trị, lãnh đạo… để không còn rơi vào những thủ thuật chính trị đưa đến bất ổn cho quốc gia, dân tộc. Do đó, theo tôi, SMTL là tài liệu căn bản mà mọi người cần nghiên cứu để có thể phát huy và thực hiện lý tưởng Duy Dân phù hợp với tinh thần của Triết Học Thắng Nghĩa.

Tuy nhiên vì SMTL là một tổng hợp Đông-Tây nên để đọc và hiểu được cần có một số bài hướng dẫn, mở đường, và cần có kiến thức tổng quát và tâm lý học tây phương, về dịch học và duy thức học.

Trần Công Lân

9/11/2017

Nguồn: https://nganlau.com/2017/11/15/tai-sao-can-nghien-cuu-sinh-menh-tam-ly/

 

Sống Biết-Sống Đúng-Sống Thực

 

Sống Biết-Sống Đúng-Sống Thực

Triết học là hệ thống tư tưởng của con người về cuộc sống. Triết lý để sống chứ không phải để bàn cãi suông. Khi con người còn sống trong nghèo đói, chiến tranh … còn phải trông chờ đấng đạo sư, giáo chủ kêu gọi chiến tranh hay hòa bình thì cuộc sống của con người còn thiếu sót, sai lầm.

Con người sinh ra đều tự hỏi sống như thế nào? Đó là tự do đầu tiên bạn chọn trong cuộc đời. Chọn cuộc sống Đúng, bạn sẽ không hối hận vì đã sinh ra. Chọn Sai, bạn sẽ có cả đời hối tiếc…phải chi…biết thế…. Vậy thế nào là Đúng? Phải Biết. Muốn biết phải có quan tâm Thực sự để sống và chiêm nghiệm kết quả.

Thế nào là Sống Biết –Sống Đúng – Sống Thực?

Sống biết

Khôn cũng chết, dại cũng chết. Biết thì sống”. (tục ngữ VN)

Trong cuộc sống, con người học hỏi, quan sát, ghi nhận rất nhiều sự kiện nhưng sự hiểu biết của cá nhân đòi hỏi sự điều chỉnh để hòa hợp với xã hội và thiên nhiên như một tổng thể và toàn diện. Nhiều người cho rằng biết cách sống là biết cách tồn tại, sống còn qua những biến cố trong đời sống xã hội, thiên nhiên. Biết sống không phải dựa vào sự khôn ngoan, kiến thức, mưu mẹo để vượt lên trên làm giàu; lợi dụng sự yếu kém của kẻ khác để thủ lợi hay khai thác kẽ hở của xã hội để trốn thuế, né tránh trách nhiệm. Nhưng trong sự tranh đấu để sống còn nếu không biết điều tiết tất sẽ sinh xung đột, chiến tranh và “biết sống” như vậy là dẫn đến sự hủy diệt. Vậy biết sống không phải chỉ vì bản thân mà sống hay phải sống với vị thế hơn người mà nên sống hòa hợp cùng với người (xã hội) và thiên nhiên. Biết sống cũng không phải “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” vì khi con người sinh ra và lớn lên trong xã hội đã nhờ vào xã hội để phát triển. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào con người cũng cần xã hội, cho dù cá thể có đồng ý hay không về công ước xã hội (social contract).

Nếu cá nhân muốn cải tổ xã hội, đó là con đường cách mạng. Để chuyển hóa xã hội, phải chuyển hóa con người trước: cách mạng bản thân.  Nếu chỉ lợi dụng cơ cấu và dịch vụ xã hội để đạt nhu cầu bản thân mà tránh né trách nhiệm xây dựng xã hội (thí dụ: tôi không thích, chú ý, tham dự…chính trị, đóng thuế, tham dự bầu cử v.v…) thì đó không phải là cách mạng bản thân.

Sống biết không phải chỉ là trau dồi kiến thức, sử dụng kiến thức để chiếm ưu thế xã hội đối với người kém may mắn hơn. Sống biết phải là cái biết thiết thực cho bản thân. Nếu bạn biết những việc trên trời, dưới biển nhưng lại không có hiểu biết gì về lục phủ ngũ tạng, sự điều hành sinh hoạt của cơ thể của chính bạn, về những phản ứng tâm-sinh lý của con người bạn thì hẳn là bạn đã không biết “người Sống” (xem LĐA: Chìa Khóa Công Việc) như là chủ thể với sinh hoạt Tâm lý-Sinh lý.

Sự hiểu biết của con người là qua giáo dục. Giáo dục là khởi điểm và chung điểm của Chính Trị. (LĐA: Tu Dưỡng Thắng Nhân). Tu dưỡng là giáo dục bản thân và từ đó góp phần chuyển hóa xã hội. Chính trị là mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Trốn tránh trách nhiệm chính trị chỉ là lối ngụy biện của bất cứ cá nhân nào sống trong tập thể xã hội, dân tộc, quốc gia….

Nhưng biết sống chưa đủ để xây dựng con người và xã hội.

Sống Biết phải cần Sống Đúng.

Sống Đúng

Thế nào là sống đúng?

Mỗi con người chọn một cách sống và như vậy họ cho là sống đúng (như ý mình muốn). Nhưng không hẳn ai cũng được như ý. Vì sống trong một xã hội, cá thể nhìn ra xung quanh và có sự so sánh. Khi có so sánh là có ham muốn, tham vọng và dẫn đến tranh chấp, xung đột. Sống Đúng theo cá nhân chưa chắc đã đúng cho xã hội và thiên nhiên. Con người sống đơn độc hay trong tập thể xã hội đều cùng khai thác thiên nhiên (trồng trọt, đánh cá, xây dựng nhà cửa…). Nếu ai cũng muốn ăn món ngon, phần tốt thì ai sẽ chịu thiệt (phần ăn, miếng đất). Nếu cá nhân lợi dụng sự khôn khéo trong đời sống (như hoạt động kinh tế) để thâu lợi nhuận (gọi là đóng góp và phát triển xã hội) mà tàn phá môi sinh thì hậu quả là ai sẽ chịu?

Sống Đúng không phải là chỉ trong phạm vi cá nhân mà còn là tập thể (xã hội). Do đó cách mạng là thay đổi bản thân qua sống đúng sẽ dẫn đến cách mạng thay đổi xã hội. Một người có thể tự nhận là sống đúng theo ý hắn nhưng nếu cuộc sống gây hại cho xã hội và thiên nhiên thì cuộc sống của hắn không đúng và cần thay đổi. Một khi sống đúng là hướng thượng thì xã hội mới phát triển mà không gây xung đột và như vậy một Duy Nhân Cương Thường cần được thiết lập như là một hiến pháp tổng thể và triệt để của nhân loại chứ không riêng cho một quốc gia hay một dân tộc. Đó cũng là lý do để cho thấy Sống Đúng là sống theo Trinh-Bình-Hòa (xem LĐA: Sinh Mệnh Tâm lý), là sống theo cương thường của nhân loại chứ không phải chỉ riêng những gì mà Hiến Pháp qui định trong một quốc gia. Sống Đúng không phải chỉ là cuộc sống mà cả cách sống (kiếm sống) đúng đắn.  

Krishnamurti (cách kiếm sống đúng đắn): “Đối với một người thực sự mong ước tìm được một phương tiện kiếm sống đúng đắn, đời sống thuộc kinh tế như hiện nay nó được tổ chức là điều khó khăn cực kỳ. Như người hỏi đưa ra, những xu hướng kinh tế đều có liên quan với nhau và vì vậy nó là một vấn đề phức tạp; và cũng giống như tất cả những vấn đề phức tạp khác của con người, nó phải được tiếp cận một cách rất đơn giản. Bởi vì xã hội đang trở nên mỗi lúc một phức tạp và được tổ chức, sự kỷ luật của tư tưởng và hành động đang được yêu cầu phải tuân theo bởi vì lợi ích của sự hiệu quả. Sự hiệu quả trở thành sự nhẫn tâm khi những giá trị thuộc giác quan thống trị, khi những giá trị vĩnh cửu không được quan tâm.
 Chắc chắn có những cách kiếm sống sai lầm. Một người giúp đỡ trong việc chế tạo vũ khí và những phương tiện khác để giết chết những con người thân thuộc của anh ấy, chắc chắn bận tâm đến sự bạo lực thêm nữa, và không bao giờ mang lại hòa bình trong thế giới. Người chính trị mà, hoặc vì lợi ích của quốc gia anh ấy hoặc của chính anh ấy hoặc của một học thuyết, quan tâm đến sự cai trị và bóc lột những người khác, chắc chắn đang sử dụng những cách kiếm sống sai lầm, mà dẫn đến chiến tranh, đến đau khổ và phiền muộn của con người. Vị linh mục mà bám vào một niềm tin, giáo điều, hay thành kiến đặc biệt, mà bám vào một hình thức đặc biệt của thờ phụng và cầu nguyện, cũng đang sử dụng phương tiện kiếm sống sai lầm, bởi vì anh ấy chỉ đang truyền bá sự dốt nát và không-khoan dung, mà bố trí con người chống lại con người. Bất kỳ nghề nghiệp nào mà dẫn đến và duy trì sự phân chia và xung đột giữa con người và con người chắc chắn là một phương tiện kiếm sống sai lầm.
 Phương tiện kiếm sống của chúng ta bị định đoạt qua truyền thống hay qua tham lam và tham vọng, đúng chứ? Thông thường, chúng ta không cố ý bắt đầu chọn lựa cách kiếm sống đúng đắn. Chúng ta chỉ quá cám ơn khi nhận được công việc gì chúng ta có thể kiếm được, và một cách mù quáng tuân theo hệ thống kinh tế thiết lập quanh chúng ta. Nhưng người hỏi muốn biết làm thế nào để rút lui khỏi sự trục lợi và chiến tranh. Muốn rút lui khỏi chúng, anh ấy phải không cho phép chính anh ấy bị tác động, cũng không bị áp lực bởi nghề nghiệp thuộc truyền thống, và cũng không được ganh tị lẫn tham vọng. Nhiều người chúng ta chọn lựa một nghề nghiệp nào đó bởi vì truyền thống hay bởi vì chúng ta thuộc một gia đình của luật sư hay quân đội hay chính trị hay kinh doanh; hay sự tham lam quyền hành và vị trí của chúng ta định đoạt nghề nghiệp của chúng ta; sự tham vọng thúc ép chúng ta ganh đua và nhẫn tâm trong sự ham muốn thành công của chúng ta. Thế là người không muốn trục lợi và góp phần vào nguyên nhân của chiến tranh, phải không còn tuân theo truyền thống, chấm dứt tham lam, tham vọng, và tự tìm kiếm. Nếu anh ấy phủ nhận những điều này, tự nhiên anh ấy sẽ tìm được nghề nghiệp đúng đắn.
Mặc dầu nó quan trọng và hữu ích, nghề nghiệp đúng đắn không là một kết thúc trong chính nó. Bạn có lẽ có một phương tiện kiếm sống đúng đắn, nhưng nếu bên trong bạn thiếu thốn hay nghèo khó bạn sẽ là cái nguồn của đau khổ cho chính bạn và thế là cho những người khác; bạn sẽ thiếu suy nghĩ, sẽ bạo lực, sẽ tự-khẳng định. Nếu không có sự tự do phía bên trong của sự thật, bạn sẽ không có hân hoan, không an bình. Trong tìm kiếm và khám phá sự thật phía bên trong đó, một mình, liệu chúng ta có thể không những mãn nguyện cùng chút ít, nhưng còn nhận biết được cái gì đó vượt khỏi tất cả sự đo lường. Trước hết chính là điều này mà phải được tìm kiếm, tiếp theo những sự việc khác sẽ hiện diện trong sự thức dậy của nó.
 Tự do phía bên trong của sự thật sáng tạo này không là một quà tặng, nó phải được khám phá và được trải nghiệm. Nó không là một thành tựu để được tập hợp cho chính bạn và tôn vinh bạn. Nó là một trạng thái của đang hiện diện, giống như yên lặng, mà trong đó không có trở thành, mà trong đó có trọn vẹn. Sáng tạo này có lẽ không cần thiết phải tìm kiếm sự diễn tả; nó không là một tài năng mà đòi hỏi một thể hiện phía bên ngoài. Bạn không cần là một họa sĩ vĩ đại và cũng không cần có một khán giả; nếu bạn tìm kiếm những điều này, bạn sẽ bỏ lỡ sự thật phía bên trong. Nó không là một quà tặng, nó cũng không là kết quả của tài năng; nó phải được tìm ra, kho tàng bất diệt này, khi tư tưởng giải thoát chính nó khỏi dục vọng, ý muốn thấp hèn, và dốt nát, khi tư tưởng giải thoát chính nó khỏi thế giới trần tục và sự khao khát để hiện diện của cá nhân. Nó phải được trải nghiệm qua sự suy nghĩ và suy gẫm đúng đắn. Nếu không có sự tự do phía bên trong này của sự thật, sự tồn tại là đau khổ. Như một người khát tìm kiếm nước, cũng vậy chúng ta phải tìm kiếm. Sự thật, một mình nó, có thể thỏa mãn cơn khát của vĩnh hằng
”.

Nhưng Sống Đúng chưa hẳn là Sống Thực?

Sống Thực

Thế nào là Sống Thực?

Sự thực bạn muốn gì, thích gì, muốn làm gì, làm như thế nào thì chỉ trong lòng mỗi cá nhân mới biết. Nhưng cho dù không nói ra thì sự thực lâu ngày cũng hiển lộ qua đời sống của cá nhân. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”… Sống Thực khi con người có Tu Dưỡng để hiểu Sinh Mệnh Tâm lý (xem Lý Đông A: SMTL). Khi hiểu cơ thể con người cần được nuôi dưỡng như thế nào? Ăn, thở, ngủ, nghỉ, làm việc, giải trí … và tương quan giữa cá nhân, xã hội, thiên nhiên để phát triển và thăng hoa trong sự hòa hợp, an bình. Hiểu mệnh lý là một điều khó nhưng nếu sống đúng thì tránh được bệnh tật, lo âu quá đáng và những cám dỗ không thiết thực cho cuộc sống. Nhưng nếu con người có quyết tâm làm chủ sinh mệnh (sinh mệnh chủ thể) thì “hãy đốt đuốc lên mà đi”  “hãy làm chủ lấy mình”  “trông về trước, ngoái về sau, tự tìm lấy con đường (đạo kỷ) cho chính mình” (xem LĐA: Tu Dưỡng Thắng Nhân). Đây là lúc con người đối diện với niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo để vượt lên các quan niệm về thần quyền. Còn dựa vào lãnh đạo tôn giáo thì không thể có tự do, mất tự do (dù là phạm vi tâm linh) sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cá nhân và các hoạt động chính trị trong đời sống của y với xã hội và thiên nhiên (trường hợp tranh chấp tại Jerusalem hiện nay giữa Hồi Giáo và Do Thái Giáo).  

Sống thực không phải chỉ trong không gian và thời gian của cuộc sống hiện tại mà trong cả tiềm thức của mỗi cá thể.  Sống với sự thực không chỉ là bề mặt của cuộc sống mà là trong tận sâu thẳm ý thức của con người. Bạn có thể giả dối với bên ngoài nhưng không thể dối gạt tâm thức, tiềm thức chính mình. “Tướng tự Tâm sinh. Tướng tuỳ Tâm diệt” : Hình tướng, hành động là do Tâm (suy nghĩ) tạo ra. Nếu Tâm không khởi thì Tướng sẽ không hiển lộ. Do đó, tâm thức con người phải hoàn toàn tự do để tự chủ sinh mệnh (xem LĐA: sinh mệnh chủ thể). Một khi đã khởi sự gian lận với bản thân (ý thức: khi tỉnh) sẽ ảnh hưởng đến tiềm thức (trong giấc ngủ, cơn mê) thì chẳng bao lâu thực hư sẽ lẫn lộn và cuộc sống của bạn sẽ như con diều đứt dây mặc dù niềm tin tôn giáo của bạn có thâm sâu tới đâu thì thực tế cuộc sống của bạn cũng đã mất gốc.

Sống thực không phải với những gì có trước mặt, xung quanh. Sống Thực là sống: suy nghĩ, hành động với bản thể, cơ thể của bạn sinh ra sao (đầy đủ hay khuyết tật), ngũ quan, tứ chi, lục phủ, ngũ tạng, huyết thống … nếu bạn không hiểu rõ cơ thể bạn hoạt động ra sao thì tất cả cái “thực” bên ngoài sẽ không đi chung với cái thực bên trong bạn. Khi bạn biết sống là ăn, thở và đó là sức khoẻ của bản thân bạn. Nếu sống đúng như vậy, bạn sẽ tránh được bệnh tật do sự mất quân bình của cơ thể (giai đoạn một). Vậy nếu cơ thể bạn suy yếu, bệnh tật vì bạn đã lạm dụng (abuse) cơ thể quá đáng thì bạn đã không sống thực với bản thân tự nhiên đã tạo ra cho bạn. Giữ sức khoẻ và tránh những hoạt động không cần thiết cho cơ thể (thể thao quá nhiều, qua đáng…không điều dưỡng cơ thể theo thời gian: tuổi già thì bắp thịt, tim, phổi… không thể hoạt động như lúc trẻ hoặc ăn những thức ăn cơ thể phải làm việc quá sức để tiêu hóa) cũng là một cách tàn phá sức khoẻ (giai đoạn hai) và khi chẳng may bạn bị tai nạn thì cơ thể bạn đã suy yếu (giai đoạn 1 và 2) thì chẳng có nhà thương, bác sĩ nào cứu bạn nổi. Rồi như vậy bạn sẽ đòi hỏi chính phủ hay cơ quan y tế sẽ phải làm gì để giúp bạn một khi bạn đã không sống và đối xử đúng với chính bản thân bạn. Hãy sống đúng với cái biết của bạn.

Sống thực sẽ hiển lộ nơi bản thân, trong sinh hoạt hàng ngày, vì “tu dưỡng thắng nhân” (xem LĐA) là tiến trình sinh hoạt hàng ngày của một cá thể qua hành động của y tương giao với xã hội.

Chỉ có Sống Thực mới hiểu “chí trung hòa, chí đạo đức, chí lương tri” (xem LĐA: SMTL) và qua sự giáo dục bản thân mới ý thức về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống của con người và giữa người với xã hội, thiên nhiên và từ giáo dục đi đến thay đổi chính trị với sự xây dựng con người mới thì cuộc cách mạng triệt để, toàn diện để xây dựng hòa bình, hạnh phúc mới bền vững mà không là ảo ảnh.

Có sự hiểu lầm trong xã hội dân chủ hiện nay là quyền tự do ngôn luận và mưu cầu hạnh phúc. Nhưng không phải ai cũng có chọn lựa đúng về “ngôn luận” và “hạnh phúc” vì sự giáo dục bản thân khác nhau. Khi thất bại xảy đến thì quá muộn để thay đổi. Khi dân gian được dạy rằng: “chỉ cách câu cá chứ không cho cá” (ý nói cách kiếm sống để tự túc, chứ không cho thức ăn để tránh sự ỷ lại). Nhưng thực tế, tại trường học (xã hội) lại dạy trẻ em:  “thực hiện giấc mơ của bạn” (I have a dream) nhưng lại không dạy thực hiện như thế nào thành thử những giấc mơ làm giàu, nổi tiếng…trở thành bãi chiến trường của tuổi trẻ bất kể lương tri, lẽ phải, đạo đức… mà họ tin là sống Biết, sống Thực… nhưng không phải là sống Đúng.

Theo LĐA thì Sống Biết-Sống Đúng-Sống Thực là một tiến trình tung hợp, tri-hành hợp nhất. Nếu biết cách sống (ăn, ngủ, nghỉ…) thì bản thân (tinh thần, cơ thể) sẽ khoẻ mạnh, an bình…thì đó mới là sống Đúng và bạn có thể giúp người khác (xã hội, dân tộc, nhân loại) cũng được như vậy thì mới là sống Thực. Và khi Sống Thực, nói thực thì bạn không còn gì để lo lắng nữa và đó chính là khởi đầu sự Tự Do và bình yên của chính bạn và xây dựng xã hội mà mọi người cùng mong đợi.

Phải chăng vì thế LĐA đã nói trong Tu Dưỡng Thắng Nhân: “Thắng Nhân là một con người mới, cuộc sống mới của con người Nhân chủ có sức sống tiềm tàng vô tận và sinh động của bản thân: sống đúng, sống thực, sống hết mình…” 

TCL

Tháng 12 năm 2017 (lịch Việt 4897)

VA

 

Xem LĐA: Sinh Mệnh Tâm Lý, Tu Dưỡng Thắng Nhân, Triết Học Thắng Nghĩa, Duy Nhân Cương Thường: thangnghia.org

Xem Krishnamurti: cách kiếm sống đúng đắn. Thuvienhoasen.org

Nguồn: https://nganlau.com/2018/07/15/song-biet-song-dung-song-thuc/

 

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...