Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Khoái Lạc

 

Tại sao cần phải nói về lãnh vực khoái lạc trong việc tu dưỡng ở bản thân? Đây chính là một trong những đầu mối của Tham-Sân-Si và dễ bị làm cho bản thân bị hư hỏng.

Khoái lạc có hai phần: tự nhiên và phản tự nhiên.

Khoái Lạc Tự Nhiên

Khoái lạc tự nhiên là đòi hỏi của cơ thể trong vấn đề tình dục. Đây là dục tính để giữ giống nòi mà dục tính này có ở tất cả các loài chứ không riêng gì loài người. Khác chăng là loài người nhờ có bộ óc nên khoái lạc tự nhiên này được xã hội đặt ra luật lệ để bảo đảm trật tự xã hội và quyền lợi của những người trong mái ấm gia đình, đơn vị cơ bản nhưng rất quan trọng của xã hội.

Tùy theo luật lệ ở mỗi quốc gia do phong tục tập quán của người dân, luật lệ trong việc điều hòa khoái lạc tự nhiên của con người được thay đổi theo thời gian cho phù hợp với sự tiến bộ của xã hội trên lãnh vực khoa học lẫn suy nghĩ tiến bộ với thời đại của mỗi thế hệ. Dù có thay đổi, căn bản vẫn là sự khoái lạc của bản thân không làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của người khác và phải theo đúng luật lệ mà xã hội đặt ra.

Sự điều hòa này khởi đầu từ cá nhân và đi xa hơn nữa là đến từ sức ép của xã hội để tránh tình trạng khoái lạc này đi quá đà làm ảnh hưởng đến những cá nhân khác trong xã hội. Thời xa xưa, người ta quan niệm “trai năm thê, bảy thiếp” nhưng cái quan niệm này đã được loại bỏ bởi luật pháp cho cá nhân có một giấy hôn thú mà thôi. Để lập gia đình với người khác thì cá nhân đã từng có gia đình phải có đủ giấy tờ ly dị trước khi được cấp giấy hôn thú với người phối ngẫu mới. Luật này để bảo đảm quyền lợi về con cái, tài chính, và trách nhiệm của người trong cuộc trong một mái ấm gia đình.

Ngày xưa chuyện sống chung trước khi cưới hỏi được xem là điều cấm kỵ nhưng với thời đại hôm nay, chuyện này không còn là cấm kỵ. Tuy nhiên, sống chung với nhau để đáp ứng nhu cầu khoái lạc (một phần trong nhiều lý do chọn cuộc sống này) nhưng sẽ không bảo đảm về quyền lợi khác mà xã hội đã cho dành cho những cặp vợ chồng có giấy tờ.

Chuyện những người đồng tình luyến ái ngày xưa xem là cấm kỵ thì ngày nay không còn cấm kỵ -- đơn giản những cá nhân này chọn lối sống cho chính bản thân với những người cùng một ý tưởng sống của đồng tình luyến ái. Ngay cả chuyện tự mình tìm khoái lạc qua hình ảnh là lối giải quyết khoái lạc từ xa xưa, thời đại hôm nay chuyện này chẳng có gì phải thắc mắc mà là sự lựa chọn của cá nhân.

Có những quốc gia chấp nhận cho việc làm bán thân của người phụ nữ để giải quyết vấn đề khoái lạc của những người nam sống trong xã hội. Chuyện này cũng là chuyện đã có từ thời xa xưa chứ không phải là chuyện xảy ra ở một vài nước Tây Phương, công nhận đây là nghề nghiệp cần kiểm soát của phụ nữ để bảo đảm sức khỏe cho mọi người.

Luật pháp đặt ra nếu ai đó vì khoái lạc này để hảm hiếp hay sách nhiễu tình dục với người khác thì sẽ bị phạt tùy theo luật của mỗi quốc gia. Luật này nhằm mục đích răn đe để cá nhân tự chính mình điều hòa khoái lạc cá nhân để không đi quá đà làm ảnh hưởng đến những người khác.

Khoái lạc phản tự nhiên

Một khoái lạc khác làm cho con người có cảm giác khoái lạc qua sự tác động của các chất kích thích vào thân thể và bộ óc để tạo ra khoái lạc này. Cần sa, ma túy, bạch phiến, các loại thuốc giảm đau là những chất tác động vào cơ thể để cho cá nhân có cảm giác tìm được sự khoái lạc qua sự tác động vào bộ não.

Đây là khoái lạc rất nguy hiểm cho chính bản thân và ảnh hưởng đến xã hội, đến những người sống chung quanh. Đây là khoái lạc do những chất hóa học, hoặc tự nhiên được sản xuất nhằm mục đích thu lợi nhuận mà không quan tâm đến người sử dụng.

Những người dính phải khoái lạc phản tự nhiên này, thông thường khó mà thoát ra nếu không có một ý chí mạnh mẽ. Những chất khoái lạc này đa số là bị luật pháp cấm bán tự do ngoài thị trường. Tuy nhiên, thị trường đen thì những chất khoái lạc này luôn luôn hiện hữu bởi tính lợi nhuận cao của nó. Chính vì thế mà người chọn khoái lạc này, đa số là người không có tiền, sẽ tạo ra chuyện cướp bóc, trộm cướp để lấy tiền hầu mua những chất kích thích đáp ứng nhu cầu khoái lạc của cơ thể.

Cơ thể của con người dễ đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài. Cho nên khi khoái lạc phản tự nhiên này được đưa vào cơ thể và trở thành nghiện để không thể bỏ được. Càng sa lầy vào khoái lạc này thì trước sau sức khỏe của bản thân cũng như tài chính sẽ là gánh nặng cho chính người sử dụng và gồm cả gia đình. Có lẽ vì hiểu được tâm lý này, đa số những người dính vào khoái lạc này thường được ai đó mời thử cho biết mà không cần phải trả tiền. Khi thử rồi và bị nghiện thì chính người cho không lúc đầu sẽ chỉ đầu mối để tìm mua chất kích thích này hoặc chính họ sẽ bán chất này để tạo lợi nhuận cho bản thân.

Kết luận

Khoái lạc đa số phát xuất từ tâm lý cho dù đó là khoái lạc tự nhiên của con người bởi nhu cầu sinh lý. Phải biết điều hòa khoái lạc tự nhiên trong vấn đề dục tính qua sự hiểu rõ ở chính bản thân để tìm phương pháp tự điều hòa với mục đích vừa thỏa mãn khoái lạc tự nhiên nhưng không làm hại đến gia đình và xã hội. Những người có địa vị trong xã hội, hoặc nắm những chức vụ trong cơ cấu chính quyền, nếu không biết điều hòa khoái lạc tự nhiên thì “thân bại danh liệt” mà thực tế đã chứng minh trong quá khứ như hình ảnh tranh cử tổng thống năm 1988 của ông Gary Hart và ông tướng David Petraeus. Dĩ nhiên đây là những người có lòng tự trọng nên họ tự động rút lui trong vị trí cầm quyền hoặc không tiếp tục ra tranh cử bởi họ thấy chuyện “khoái lạc” đã làm hại đến uy tín của họ. Còn những người không có sự tự trọng, họ nào quan tâm đến chuyện từ chức mà hình ảnh Trump là thí dụ điển hình.

Phải luôn luôn chuẩn bị tâm lý là tất cả những chất kích thích từ sản phẩm sự nhiên hay sản phẩm chế tạo bởi những chất hóa học đều là khoái lạc phản tự nhiên và sẽ làm hại đến bản thân lẫn những người chung quanh. Chỉ khi nào tâm lý chuẩn bị sẵn sàng thì bản thân sẽ không bao giờ thử những chất kích thích.

Hãy cố gắng tự chính bản thân điều khiển sự khoái lạc thay vì để sự khoái lạc điều khiển bản thân. Mà muốn làm điều này, cá nhân phải luôn luôn suy nghĩ nhiều về tác hại của sự khoái lạc để từ đó tránh sa lầy vào sự khoái lạc để cuối cùng khoái lạc điều khiển mọi hành động, suy nghĩ của bản thân.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 2 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/24/tu-duong-thang-nhan-khoai-lac/

 

 

 

Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P1)

 

Theo định nghĩa tự điển Việt:

Tư tưởng là “lý thuyết đề ra do sự suy nghĩ căn cứ trên kinh nghiệm và lý luận” (Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, nhà sách Khai Trí, 1970).

Hiểu giản dị thì "tư" là riêng tư (của chính bản thân) và "tưởng" là những gì trí óc của bạn nhào nặn, suy nghĩ, gây dựng. Cái "tư" có thể là tự phát, đột phát (tất năng, sáng kiến) trong tâm mỗi người (Thiện-Ác) mà cũng có thể là phát triển từ từ (khả năng, huấn tập) như một miếng đất nếu không chăm sóc thì cỏ dại sẽ lan tràn. Trong khi "tưởng" thì đa dạng hơn: "tưởng" có thể là tự cho cái suy nghĩ (do mình nghĩ ra hay từ người khác, bên ngoài vào) là có giá trị X. Hay cho rằng cố gắng (khả năng) thì sẽ đạt được cái mơ ước Y nhưng trong thực tế có thể đổi khác.  Khi "tư" đi với "tưởng" thì biến hóa vô lường như Thái Cực sinh Lưỡng Nghi của Lão Tử. Vậy nói về tư tưởng thì ít nhất bạn cũng phải tự vấn về những suy nghĩ của mình và người khác do từ đâu mà có. Đó gọi là đi tìm "căn nguyên tư tưởng".

Nếu là tự phát thì có thể kiểm soát được hay không? Nếu là phát triển từ từ thì kiểm soát ra sao để nếu "tư tưởng" có vẻ sai lạc (bị bát bỏ) thì làm sao chỉnh đốn? Và nếu đúng (được chấp nhận) thì phải chứng minh như thế nào là đúng?

Như vậy nếu "tư" phát xuất từ một người nhưng "tưởng" thì có thể là 100, 1000 hay hơn tùy theo khả năng suy nghĩ và kiến thức (hay hoàn cảnh bên ngoài) của mỗi cá nhân. Nhưng làm sao tư tưởng của một người (hay một nhóm người) có thể thuyết phục một đám đông (xã hội, dân tộc) tin theo để thực hiện? Phải chăng vì có cùng một đáp số mà mọi người mong đợi? Cơm áo? Tự do? Dân chủ? Hay đó chỉ là khẩu hiệu? Làm sao để biết đó là nguồn gốc thực sự trong tâm khảm mỗi con người muốn gì, có thay đổi hay không và nếu có thay đổi thì thay đổi như thế nào?

Vì tư tưởng khởi đầu từ suy nghĩ trên cái kinh nghiệm và lý luận cho nên tùy theo cái kinh nghiệm cá nhân đó ra sao và lý luận như thế nào, có tu dưỡng và tu dưỡng ở mức độ nào, tư tưởng có thể chỉ là tư tưởng thuộc loại sa lông (wishful thinking) hay thuộc loại thực tế, giải quyết được vấn nạn mà con người trực diện.

Tư tưởng nào cũng nói là phục vụ Con Người. Câu hỏi mà một người quan tâm về tư tưởng phải tự hỏi ở chính mình là cái gốc của tư tưởng đó là đâu trong việc phục vụ con người? Đây là câu hỏi không phải dễ trả lời bởi có những tổ chức chính trị Việt, đưa ra chủ trương, chính sách của tổ chức nhưng lại lầm tưởng là tư tưởng. Hai cái này hoàn toàn khác nhau chứ không giống nhau.

Bài viết này sẽ mổ xẻ tư tưởng Nhân Chủ (còn gọi là tư tưởng Duy Dân của Lý Đông A) để trả lời cái gốc của tư tưởng Nhân Chủ là gì và làm sao thực hiện được cái gốc đó để áp dụng vào cơ cấu của xã hội. Nếu một tư tưởng mà không có gốc thì đó chỉ là một tư tưởng viễn vông, sa lông, rất nguy hiểm cho những người theo đuổi tư tưởng đó.

A. Gốc của tư tưởng Nhân Chủ là Con Người Có Tu Dưỡng

Từ khi con người kết thành xã hội, quốc gia thì nền văn minh loài người phát triển. Mối đe dọa duy nhất của nhân loại đến từ chính con người: chiến tranh. Chiến tranh (hay xung đột) xảy ra do lòng tham, thù hận... của con người, cho dù là lãnh đạo hay thường dân. Cũng là từ tư tưởng, con người phát minh ra bom nguyên tử, vũ khí hóa học... và gian dối, tàn ác. Cả hai hợp lại có thể tiêu diệt loài người trong chốc lát. Làm sao ngăn chặn hiểm họa đó?

Chiến tranh xảy ra bởi do những người lãnh đạo quốc gia thực hiện một hành động đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường (những nhu cầu căn bản sống của mỗi con người trên trái đất này) để thôn tính hay hủy diệt tài nguyên, đất đai từ một quốc gia khác. Mà người lãnh đạo quốc gia chính là Con Người. Cho nên nếu những Con Người, gồm cả người lãnh đạo quốc gia, có sự tu dưỡng cao, tự giác cao, dựa vào Duy Nhân Cương Thường để hành động thì chiến tranh sẽ bớt xảy ra hoặc sẽ không xảy ra.

Nếu Tu Dưỡng Thắng Nhân là từ cá nhân thì Duy Nhân Cương Thường là Tu Dưỡng tập thể do những cá nhân có tu dưỡng kết hợp lại để tạo nên giềng mối cho xã hội của một hay nhiều quốc gia. Vì hòa bình và thịnh vượng không thể tồn tại trong một vài quốc gia trong khi các nước khác rơi vào chiến tranh, thiên tai, bệnh tật...

Tu Dưỡng Thắng Nhân (tự chính mình phải thắng Tham-Sân-Si của chính mình, hoặc chính mình điều khiển tham-sân-si thay vì để ba thứ đó điều khiển mình) là cái gốc của tư tưởng Nhân Chủ. Thiếu con người có tu dưỡng thì sẽ không bao giờ thực hiện được tư tưởng Nhân Chủ. Thiếu con người có tu dưỡng thì sẽ không thấy được tính thực tế của tư tưởng Nhân Chủ. Thiếu con người có tu dưỡng sẽ không bao giờ hiểu được cốt lõi của tư tưởng Nhân Chủ. Thiếu con người có tu dưỡng sẽ không bao giờ diễn giải tư tưởng Nhân Chủ vào thực tế đời sống để mọi người có thể thấy được tính Nhân Chủ trong đó.

Nhưng Tu Dưỡng Thắng Nhân là gì và tu dưỡng như thế nào? Lý Đông A không nói nhiều về chuyện tu dưỡng này. Lý do ông chỉ là một kiến trúc sư của Tư Tưởng cho nên ông chỉ vẽ khung sườn tư tưởng Nhân Chủ và người hậu thế, nếu hiểu được sức mạnh của tư tưởng Nhân Chủ, sẽ phải dựa vào thực tế của cuộc sống để đặt ra những quy luật của tu dưỡng.

Đã là con người thì Tham-Sân-Si luôn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Ai bảo rằng diệt bỏ hết Tham-Sân-Si thì chỉ có thể là Phật hoặc những nhà tu hành đắc đạo mới đạt được điều này. Mà khi đã chọn sự tu hành thì người ta không màn đến xã hội. Lý Đông A không muốn mọi người đi tu bởi đó là điều bất khả thi vì không phải ai cũng có căn tu. Cho nên để tránh sự xáo trộn của xã hội, mỗi cá nhân trong xã hội phải biết thực hiện chuyện tu dưỡng bản thân để điều khiển Tham-Sân-Si của chính mình thay vì để Tham-Sân-Si điều khiển bản thân và cuộc sống của mình.

Hình ảnh chủ công ty Facebook, sẵn sàng hợp tác với nhà cầm quyền độc tài để đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân sở tại nhằm mục đích có thể làm ăn trên đất nước đó chính là hình ảnh Tham-Sân-Si điều khiển chủ nhân công ty Facebook. Vì tiền (ma tiền), vì làm giàu, vì muốn phát triển lớn hơn, chủ nhân công ty Facebook không xem Duy Nhân Cương Thường là quan trọng.

Hình ảnh anh CEO, Dan Price,  của công ty Gravity Payments, một công ty lo giao dịch tiền tệ qua thẻ tín dụng đã chấp nhận hạ lương của mình 1.1 triệu một năm để lấy số lương 70 ngàn một năm và san sẻ số lương đó cho nhân viên của mình, đưa ra số lương căn bản mà công ty của anh sẽ trả cho nhân viên là 70 ngàn một năm để đủ sống thay vì làm hai việc để nuôi sống gia đình. Đây là hình ảnh mà anh Dan Price, đã điều khiển được Tham-Sân-Si của chính mình để biết thế nào gọi là đủ, thế nào là quan tâm đến nhân viên làm việc cho chính mình. Đây chính là hình ảnh của Duy Nhân Cương Thường.

Tu dưỡng bản thân hay tu dưỡng để thắng con người của chính mình khởi đầu từ lúc nhỏ nếu ý thức được chuyện tu dưỡng này. Tu dưỡng có thể là một quan tâm về vấn nạn nào đó của xã hội, của con người từ lúc nhỏ để sự quan tâm đó trở thành Nghiệp, theo đuổi suốt cuộc đời cho đến lúc nằm xuống. Bởi là Nghiệp cho nên sự quan tâm đó luôn luôn được nhắc nhở để tìm giải pháp ứng phó với vấn nạn của xã hội hầu tạo cho xã hội tốt đẹp hơn. Tu dưỡng không thể nào bắt đầu khi ở tuổi trên 40 mà khái niệm tu dưỡng không có thì với 40 năm kinh nghiệm của cuộc sống là một cây đã già, khó mà uốn để có sự tu dưỡng đúng nghĩa.

Tu dưỡng là sống biết, sống thật, sống đúng, sống Nhân Chủ (xin nhấn vào link để đọc thêm điều này). Tu dưỡng để biết rằng không phải ai cũng có cùng một trình độ tu dưỡng giống nhau bởi tu dưỡng là một nghệ thuật cộng với kinh nghiệm sống, cái nội tâm ở chính mỗi người để tạo ra sự tu dưỡng ở mỗi cá nhân luôn luôn khác nhau và từ sự khác biệt đó tạo ra mức độ cao-thấp của tu dưỡng.

Tu dưỡng luôn luôn khởi đầu bằng chính bản thân với những suy tư nội tâm để tự chính mình làm chủ con người của mình. Nhưng đồng thời phải dựa vào xã hội để gia tăng sự tu dưỡng. Và không thể ai cũng có khả năng tu dưỡng – cho nên giáo dục đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một môi trường mà mỗi thành viên trong xã hội khi lớn lên có điều kiện để biết kỹ năng tu dưỡng bản thân ra sao, như thế nào.

Tu dưỡng trong giáo dục phải hiểu giáo dục không đơn thuần là cắp sách đến trường mà giáo dục được thực hiện ở nhiều dạng, nhiều môi trường, nhiều hình thức và quan trọng của giáo dục là để phát triển phần Người của mỗi người (xem Tu Dưỡng Thắng Nhân: Giáo Dục). Khi phần Người được phát triển thì chính mỗi người sẽ hiểu được những nguyên lý tự nhiên của Nhân Chủ để dựa vào đó có lối ứng xử Người hơn, văn hóa hơn.

Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P2)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/01/nen-tang-tu-tuong-nhan-chu-p1/

 

Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P2)

B. Những nguyên lý sống thật của tư tưởng Nhân Chủ

Cơ Năng và Bản Vị

Mỗi cá nhân trong xã hội là một bản vị của chính mình và là cơ năng của xã hội. Phải là bản vị của chính mình trước, thật hoàn hảo của một bản vị, để từ đó mới có thể trở thành một cơ năng trong bộ máy xã hội nhằm giúp mọi người trong xã hội cùng tiến. Một bản vị thật hoàn hảo hiểu theo nghĩa một Con Người có tu dưỡng (cái gốc của tư tưởng Nhân Chủ) ở mức độ thấp nhất là sống Thiện. Tùy theo cái gốc tu dưỡng của chính bản thân ra sao để dựa vào đó trở thành cơ năng của xã hội.

Phải nhận diện bản vị của chính mình ở mức độ nào qua sự tu dưỡng ở chính bản thân -- để từ đó thấy được khả năng của chính mình hầu đóng góp đúng vào trong bộ máy của xã hội. Mỗi cơ năng trong xã hội đòi hỏi mức tu dưỡng khác nhau. Càng ở vị trí quan trọng trong bộ máy xã hội thì cái gốc tu dưỡng phải cao nếu không sẽ nguy hại đến nhiều người.

Thí dụ bạn sinh ra bị tàn tật. Cái tàn tật đó sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng đến bản vị hoàn hảo của chính bạn. Bạn biết mình tàn tật thì bạn sẽ cố gắng dùng ý chí của mình để vượt lên những trở ngại tàn tật đó hầu giúp bạn sống là một con người bình thường. Anh Nick Vujicic, người sinh ra thiếu hai chân, hai tay nhưng anh vẫn sống đời sống bình thường như mọi người; cũng có vợ và bốn con (1). Anh vẫn đi làm như mọi người và công việc làm của anh phù hợp với khả năng của chính anh. Anh đã đóng góp đúng vị trí của mình trong cái cơ năng của xã hội để khuyến khích, ủng hộ tinh thần cho những người trẻ khác; tàn tật hay không tàn tật có đủ ý chí vươn lên trong cuộc sống. Sự tàn tật về mặt thể xác không cản trở anh Nick thành một bản vị hoàn hảo của chính anh trong cuộc sống của Người và trở thành một cơ năng trong bộ máy xã hội để giúp những người khác trong việc vượt lên những trở ngại trong cuộc sống, để sống một tinh thần tự chủ.

Cơ Năng và Bản Vị được áp dụng trong mọi thứ trong cuộc sống. Từ sự hình thành ra những sản phẩm cho đến xã hội, cơ cấu chính quyền đều nằm ở nguyên lý Cơ Năng và Bản Vị. Chỉ khi nào mọi người nhận diện ra được bản vị của chính mình và từ đó sẽ thấy được khả năng của chính mình ra sao để đóng góp cho đúng vị trí (cơ năng) của mình trong bộ máy xã hội. Đặt sai vị trí trong xã hội sẽ làm xáo trộn xã hội đó là sự thật. Bạn không thể nào chọn một ông bác sĩ đi làm ruộng bởi sẽ không đạt được hiệu quả cao bằng bác nông dân. Bạn không thể đem bác nông dân đi làm cương vị bác sĩ bởi sẽ giết người như chơi.

Thấu hiểu được nguyên lý Cơ Năng và Bản Vị để biết xét chính mình và xét toàn xã hội hầu biết sai trái chỗ nào để sửa chữa cho kịp thời. Thấu hiểu Cơ Năng và Bản Vị để thấy các bản vị của những quốc gia hợp lại thành bản vị thế giới và các quốc gia là những Cơ Năng trong tương quan của Bản Vị thế giới để có lối ứng xử phù hợp với Duy Nhân Cương Thường, không tạo ra sự xung đột, tranh chấp quyền lợi tài nguyên, thiên nhiên.

Cơ Năng và Bản Vị thể hiện trong sự hình thành hình hài của mỗi người, của vật chất. Thí dụ bản vị của mỗi cá nhân được kết hợp bằng nhiều Cơ Năng (tim, phổi, gan, óc, chân, tay …) trong cơ thể để tạo nên hình hài của cá nhân đó. Bản vị của chiếc xe được tạo nên bởi những Cơ Năng như bánh xe, thắng, đèn v.v… Đây là nguyên lý sống thực và được áp dụng trong cuộc sống loài người gồm cả cơ cấu của công ty và chính quyền.

Ỷ tha, tự kỷ, động tha

Đây là nguyên lý tác động giữa cá nhân với xã hội và ngược lại. Tác động này có thể là xấu và cũng có thể là tốt tùy theo tinh thần tự kỷ của cá nhân có đủ lực trong việc tu dưỡng để không bị cái xấu ở xã hội tác động vào chính bản thân mình.

Ỷ tha tức là dựa vào người khác để tự chính mình tự kỷ. Tự kỷ tức là mình tự hỏi ở chính mình, qua những quan sát, những tác động từ bên ngoài vào chính bản thân mình. Tự kỷ để hỏi chính mình là hành động nào thích hợp nhất mà không vi phạm Duy Nhân Cương Thường. Khi tự chính mình đã có suy nghĩ chín chắn để đi đến hành động đúng thì sẽ tạo động tha (tác động) ở những người khác, tức là hành động của cá nhân sẽ tác động vào tập thể.

Ngay từ sự hình thành những tế bào của một con người đã nhờ vào (ỷ tha) tinh trùng của người cha và cái trứng của người mẹ để từ đó tạo sự thụ thai. Sự thụ thai phải nhờ vào thân thể người mẹ, sự ăn uống của người mẹ để hình hài của một hài nhi được tạo thành. Và sự ra đời của đứa trẻ rời khỏi bụng mẹ nhờ sự giúp đỡ của nhiều người. Tất cả tiến trình từ lúc sinh ra, cho đến lúc trưởng thành và chết, mỗi cá nhân đều nhờ vào (ỷ tha) những người sống trong xã hội đó là luật thực tế của đời sống.

Sự nhờ vào đó ảnh hưởng đến sự xét lại (tự kỷ) ở chính bản thân để nhìn cái nào đúng, cái nào sai hầu tránh cái sai và thực hiện cái đúng phù hợp với Duy Nhân Cương Thường. Đây là một tiến trình của nội tâm để tự mình xét lại chính mình và tiến trình này ảnh hưởng đến cái gốc tu dưỡng ở tương lai của mỗi người. Giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng lớn gồm xã hội giáo dục, gia đình giáo dục, trường học giáo dục, tự giáo dục) đóng một vai trò rất lớn để phát triển hay hủy diệt khả năng xét lại (tự kỷ) của mỗi người.

Nhiều người Việt, thay vì tự xét chính mình khi ai đó lên tiếng phê bình thì lại dùng thành ngữ để biện minh việc làm của chính mình. Hai câu thành ngữ đã bị hiểu lầm mà chính người sử dụng không biết đấy là “đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy” hoặc “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Hai câu này đưa ra lối ứng xử trong sự lựa chọn. Bạn chọn áo cà sa hay bạn chọn áo giấy? Bạn chọn gần mực hay chọn gần đèn? Nếu bạn chọn “mực” hay chọn “ma” thì chắc chắn người bạn sẽ bị đen và bạn chỉ mặc áo giấy thôi chứ không thể nào đủ tư cách để mặc áo cà sa. Đó là sự lựa chọn chứ không phải sống đúng theo xã hội (nghĩa là xã hội đen, hoặc xã hội ma thì mình phải hòa vào đó để thành đen hay ma) để rồi biện minh cho hành động sai trái của mình. Dĩ nhiên có những trường hợp không có sự lựa chọn (thí dụ sống trong chế độ cộng sản mà sự nói dối, vô đạo đức trở thành bình thường) nhưng cha ông ta cũng có câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Câu nói đó được chứng minh tại sao một số người sống trong xã hội cộng sản nhưng họ đạt được tự kỷ cao để bản thân không dính bùn hoặc hôi mùi bùn, sẵn sàng lên tiếng chống lại cái ác dù biết rằng bản thân mình sẽ bị tù đày bởi đánh lên tiếng chuông thức tỉnh mọi người.

Tự xét (tự kỷ) lại mình để chính mình tạo ra bản vị của mình (xấu hay tốt) để tạo ra động tha (tác động vào xã hội), từ cái hình ảnh (xấu-tốt, thiện-ác) của cá nhân sẽ tác động vào xã hội. Những người không có sự tự kỷ, sẵn sàng xài bạc giả bằng những thông tin giả tung lên mạng xã hội sẽ tác động vào một số người thiếu bản năng tự kỷ để tin theo và tiếp tục phát tán những thông tin giả để làm loạn xã hội. Hình ảnh bạo động tại căn nhà Quốc Hội của Hoa Kỳ là thí dụ cho thấy tinh thần tự kỷ một cá nhân lãnh đạo không có, đưa thông tin giả về bầu cử gian lận để rồi sách động (động tha) một số đông, không có tính tự kỷ, tham gia vào cuộc bạo động, phản lại tinh thần dân chủ.

Nguyên lý Ỷ Tha, Tự Kỷ và Động Tha là nguyên lý của đời sống con người để tạo ra xã hội tốt hay xấu dựa vào tính tự kỷ của mỗi cá nhân trên tinh thần gốc (cái gốc của Tu Dưỡng) đã nói ở phần đầu. Cái chu kỳ của nguyên lý này luôn luôn xảy ra và tác động lẫn nhau và chỉ chấm dứt khi cá nhân không còn hơi thở trong cuộc sống.

Nền Tảng Tư Tưởng Nhân Chủ (P3)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)

(1)       https://www.youtube.com/watch?v=0_sU-Xf--vs

Nguồn: https://nganlau.com/2022/05/01/nen-tang-tu-tuong-nhan-chu-p2/

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...