Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P1)

 Đây là một loạt bài được chia ra nhiều phần (16 phần) để người đọc có dịp đọc từng phần khi thời gian cho phép. Tất cả những phần đều có sự liên hệ với nhau nếu ai đó quan tâm về đề tài cho tựa đề của bài viết này.

Nội dung chính của bài viết dựa vào tài liệu được ghi lại của Lý Đông A (LĐA) gồm Duy Dân Cơ Năng, Duy Dân Cơ Năng Tốc Giảng, và Duy Nhân Cương Thường -- nhằm triển khai một góc nhìn về Cơ Năng Hiến Pháp để xem cái Cơ Năng Hiến Pháp mà LĐA đề nghị có giải quyết được những khó khăn mà các hiến pháp tại quốc gia Tây Phương đang gặp phải, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Vì tài liệu của LĐA được ghi lại từ nhiều người, từ chép tay đến đánh máy, đến chuyển sang dạng điện tử được nhiều người tham dự với nhiều tài liệu tuy có cùng nội dung nhưng có những khác biệt về trách nhiệm, tên cơ quan, từ ngữ sử dụng. Thí dụ trong Duy Dân Cơ Năng cho rằng Xu Mật Viện có quyền giải thích hiến pháp trong khi đó ở tài liệu Duy Nhân Cương Thường cho rằng Phê Phán Công Đường có quyền giải thích hiến pháp. Cho nên người diễn giải tài liệu này tự quyết định chọn phần nào hợp lý, phần nào vô lý (người ghi lại viết sai) để diễn giải theo góc nhìn của cá nhân. Cần phải nhớ đây là một khung sườn của diễn giải. Khung sườn này cần nhiều chi tiết để tu bổ ở tương lai, do thế hệ tương lai thực hiện, điều chỉnh cho đúng với thực tế của thời đại.

Trước hết phải cần xem lại những lỗ hổng của hiến pháp Hoa Kỳ, một quốc gia luôn luôn tự hào là bản hiến pháp sống với tam quyền phân lập để tránh độc tài. Lý do chọn hiến pháp của Hoa Kỳ vì người viết đang sống tại quốc gia này và thực tế cuộc sống giúp người viết nhìn ra được vấn đề xác với hiện thực.

I.           Nhận định về cơ chế và hiến pháp Hoa Kỳ

Hiến pháp chết

Bản hiến pháp của Hoa Kỳ được gọi là hiến pháp sống. Thực tế bản hiến pháp của Hoa Kỳ không thể nào gọi là sống. Nói chung hiến pháp là văn bản luật mà luật của Hoa Kỳ, từ bản hiến pháp đến các luật ở liên bang, tiểu bang đều không phù hợp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật lẫn sự thay đổi của xã hội.

Hiến pháp Mỹ (về mặt luật pháp) do các nhà tiền phong thành lập nước Mỹ đã có tầm nhìn xa nhưng không thể tiên đoán những thay đổi của nước Mỹ và thế giới sau này. Và luật pháp vì do con người làm ra nên luôn luôn đi sau biến cố. Sự giải phóng nô lệ đưa đến nạn kỳ thị chủng tộc. Để phát triển kinh tế, nước Mỹ đã nhận di dân Trung Hoa vào Mỹ để thực hiện đường hỏa xa Đông-Tây và di dân bất hợp pháp để cung cấp lao động cho nền kinh tế. Sau hai thế chiến, Mỹ trở thành siêu cường chịu trách nhiệm an ninh thế giới (dù muốn hay không) vì an ninh của chính nước Mỹ. Hậu quả của phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật đưa đến xã hội rối loạn, đạo đức suy đồi, tôn giáo biến chất. Như vậy Hiến Pháp cần thay đổi, điều chỉnh.

Cho dù những người sáng lập nước Mỹ có tầm nhìn xa, rộng nhưng không phải là thần thánh để nhìn thấy xã hội Mỹ thay đổi ở thế kỷ 21. Khi nước Mỹ phân biệt Chính quyền và Giáo quyền và ghi nhận con người bình đẳng (all men are created equal) thì đâu có phân biệt màu da nhưng sao bây giờ vẫn còn nạn kỳ thị. Vậy thì kỳ thị là vi phạm Hiến Pháp? Khi kinh tế Mỹ dựa trên khẩu hiệu (motto) "in the God we trust" nhưng Tu Chính án thứ nhất ghi nhận "tự do tôn giáo, tụ họp, trình bày và thỉnh nguyện". Vậy thì khác niềm tin nơi thượng đế A, B, C thì có còn là  "in the God we trust" hay không? Nếu chính quyền nói A mà người dân tin theo tôn giáo nói B, C, D thì các đại diện dân trong Quốc Hội sẽ làm luật như thế nào? Nếu có thưa kiện nơi tòa án thì ông tòa sẽ xử ra sao? Vì chính ông tòa cũng có niềm tin tôn giáo A, B, C. Vậy thì đâu là công lý? Mà nếu Hiến Pháp không quy tụ mọi người dân với nhau thì có còn là Hiến Pháp hay không?

Hãy lấy một thí dụ đơn giản để chứng minh, Tu Chính Án thứ 27 mất trên 202 năm mới được thông qua. Vậy thì không thể nào gọi bản hiến pháp của Hoa Kỳ là một bản hiến pháp sống khi mà để thay đổi phải mất một thời gian dài như thế. Tạm thời loại bỏ lý luận là tu chính án 27 không quan trọng cho nên phải chờ đến trên 200 năm mới được thông qua. Nếu không quan trọng thì tại sao đề nghị cần phải có tu chính án này? Và khi có đề nghị thì phải giải quyết ngay chứ không phải chờ đợi lâu như thế.

Một thí dụ khác về luật tiểu bang trên lãnh vực thuế tiêu thụ cho phần mềm (software) bị đánh thuế nếu phần mềm cài vào máy tại tiểu bang đó. Tuy nhiên nếu phần mềm ở trên mây (cloud, thực tế thì phần mềm này đặt ở một máy chủ trên một tiểu bang nào đó) thì một số tiểu bang vẫn chưa có luật để đánh thuế cho phần mềm ở trên mây dù rằng kết quả của người sử dụng là nằm trong chính tiểu bang đang cần phải đánh thuế. Để người đọc hiểu rõ hơn thì nhìn vào phần mềm cho đánh chữ bài viết này của Microsoft Word. Nếu người viết ở tiểu bang Minnesota, dùng Microsoft Word 365, tức là trả tiền hàng tháng hoặc năm, sau đó phải trả tiếp (renew) thì phần mềm này sẽ không bị tính thuế (vì nằm trên mây, cloud) dù rằng kết quả cuối cùng thì người sử dụng được một bài viết như thế này tại máy vi tính ở Minnesota. Tuy nhiên nếu người sử dụng mua phần mềm này cài vào máy của mình thì sẽ bị tính thuế. Đa số các hãng sản xuất phần mềm đã chuyển sang trên mây nhằm thu lợi nhiều hơn bởi người sử dụng phải trả tiền mỗi tháng hoặc mỗi năm và nhận được bản mới khi cần thiết. Trong khi đó nếu mua thẳng bản quyền thì sẽ không nhận được phần mềm mới nếu có thay đổi. Cùng một kết quả như nhau (tạo ra bài viết) nhưng một bên bị đánh thuế còn bên kia không bị đánh thuế. Và luật thuế của tiểu bang vẫn chưa thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật.

Con người luôn luôn biến chất theo hướng tốt hay hướng xấu. Trong khi thế giới thay đổi, xã hội thay đổi nhưng con người vẫn khư khư nắm giữ những điều kiện không còn hợp thời (nhân danh tự do). Sinh hoạt chính trị Mỹ với hệ thống lưỡng đảng đã không đối phó với tình hình như vậy. Phải chăng lưỡng đảng đã lỗi thời?

Lưỡng đảng đã không làm việc hữu hiệu như thời kỳ đầu của thời lập quốc vì đảng tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt cho nên không thể nào thông qua tu chỉnh án hiện giờ, nếu ai đó đề nghị thì để thông qua cơ chế Quốc Hội đã gặp trở ngại huống hồ đưa xuống cơ chế tiểu bang chưa chắc sẽ được thông qua bởi đảng tranh không những trong hệ thống liên bang mà gồm cả tiểu bang.

Nên nhớ chủ trương của lưỡng đảng không do Hiến Pháp quy định mà do các thế lực chính trị thực hiện.

Ngay cả chủ trương của lưỡng đảng cũng không hợp lý khi xã hội thay đổi với các nhóm thiểu số da màu dần dần trở nên đông hơn nhóm da trắng đa số.

Hậu quả của cuộc nội chiến đã để lại di sản là nạn kỳ thị chủng tộc. Khi đảng A chủ trương hạn chế quyền lực chính quyền liên bang thì họ sẽ trả lời sao khi họ muốn nước Mỹ đứng đầu thế giới?

Nếu họ muốn bảo vệ giá trị gia đình thì chẳng lẽ đảng B quy tụ những người vô gia đình?

Nếu họ muốn người dân có tự do chọn lựa thì chẳng lẽ đảng B đại diện cho những người dân không có ý thức chọn lựa hay để mặc nhà nước quyết định như các nước cộng sản?

Nếu họ muốn giữ súng thì đảng B đại diện cho những người không biết... bắn súng (hay đi săn)?

Nếu họ muốn cắt giảm thuế thì nhà nước lấy tiền đâu chi phí điều hành các cơ cấu chính phủ để phục vụ nhân dân?

Nếu họ muốn nhà nước để mặc các công ty, cơ sở thương mại tự quản lý, điều hành thì khi giới thương mại bóc lột dân tiêu thụ thì ai sẽ can thiệp?

Nếu họ chống phá thai và cấm phụ nữ phá thai thì đâu là nhân quyền của người nữ? Người nữ cũng là công dân. Vậy tại sao công dân A chống (hay vận động để ngăn cấm) công dân B cắt một phần cơ thể của B vì lý do XZY?

Nếu họ đòi duy trì giá trị bảo thủ thì chẳng lẽ họ không muốn xã hội tiến bộ?

Ngược lại, khi đảng B đòi tiến bộ thì không lẽ nào họ quăng hết tất cả giá trị cũ của xã hội đang sống?

Khi họ đòi hỏi công bằng xã hội thì thử hỏi thế nào là công bằng khi X làm nhiều giờ để xây dựng tài sản, đóng thuế... trong khi Y biếng nhác mà đòi hỏi nhà nước phải giúp đỡ đủ mọi mặt?

Khi đảng B tranh đấu cho các nhóm thiểu số X không có nghĩa là các nhóm này đòi hỏi 1, 2, 3... là nhà nước đều phải thoả mãn để lấy phiếu? Nếu nhóm thiểu số Y đòi hỏi ngược lại thì sao?

Để đem lại công việc cho người dân không có nghĩa là thả lỏng cho các công ty sản xuất các mặt hàng mà nhà nước không kiểm soát, cho đến khi tai nạn xảy ra thì mới cứu xét.

Cuối cùng là con người (Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu ..) tha hóa, biến chất. Khi Hiến Pháp là bản văn tối cao kết hợp con người (các chủng tộc, sắc tộc..) trong nước với nhau thì ngày nay chính các nhà làm luật, lãnh đạo chính quyền đã lạm dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân, bè phái mà vẫn nhân danh Hiến Pháp cho dù nói láo hàng ngày. Khi cá nhân nhân danh "tự do ngôn luận" hay tự do mang súng (tu chính án trong Hiến Pháp) để tấn công người khác thì họ đã đi ngược lại những gì Hiến Pháp quy định: kết hợp mọi người dân. Khi cá nhân đã không tôn trọng sự thật (đạo đức) thì xã hội sẽ rối loạn cho dù Hiến Pháp có tối tân đến đâu chăng nữa. Vậy thì sửa đổi Hiến Pháp hay sửa đổi con người qua giáo dục?

Khi chủ trương của lưỡng đảng đã mơ hồ, nghịch lý, lẩm cẩm, mâu thuẫn ... thì đó không còn là mục đích phục vụ dân chúng mà chỉ là khẩu hiệu để phục vụ tham vọng bè phái, làm giàu. Khi lưỡng đảng ngăn chận thành phần thứ ba để ép dân chúng vào thế chọn lựa bắt buộc: nếu bạn không ủng hộ A thì bạn là B? Đó là hành động chụp mũ mà ngay cả giới truyền thông (media) cũng tham dự để kích động quần chúng mà quên đi là nếu người dân không thích cả A lẫn B thì sao? Đó là sự gian xảo của hệ thống lưỡng đảng.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P2)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/01/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p1/

 

 

 

 

 

 

 

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P2)

Tam quyền phân lập thiếu giá trị thực tế

Nhiều người cho rằng bản hiến pháp của Hoa Kỳ tránh được sự độc tài bởi có ba bộ phận được phân chia rõ ràng, kiểm soát lẫn nhau cho nên khó mà xảy ra độc tài. Đây chỉ là trên mặt lý thuyết chứ thực tế, đặc biệt là thời gian dưới sự lãnh đạo của ông Trump, sự độc tài hiện rõ trong một cơ chế đảng tranh nằm trong cơ chế tam quyền phân lập. Không những hành động độc tài xảy ra mà sự lạm dụng chức quyền, tài sản của quốc gia cho quyền lợi riêng tư mà không một ai có thể ngăn cản cho sự lạm dụng này.

Hệ thống lưỡng đảng của Hoa Kỳ chỉ có hiệu quả khi có những con người tốt lãnh đạo. Tuy nhiên hệ thống lưỡng đảng trở thành đảng tranh khi mà những người lãnh đạo thay phiên nhau thay đổi luật chơi trong Quốc Hội cho phù hợp với lợi ích của đảng mình thì hệ thống đó đã thất bại, không còn phù hợp với thực tế để phục vụ lợi ích của người dân. Thí dụ trong nhiệm kỳ của ông Obama, Thượng Viện do đảng Cộng Hòa nắm đa số, trong mùa bầu cử tổng thống năm 2016, vị thẩm phán tối cao ông Antonin Scalia chết vào giữa tháng 2 năm 2016 và ông Obama đề nghị người thay thế. Tuy nhiên đảng Cộng Hòa cho rằng vì đây là năm bầu cử, chuyện thay thế vị thẩm phán tối cao phải để sự lựa chọn của chính phủ mới cho nên không thông qua vị thẩm phán mới do Obama đề cử. Và cùng một sự kiện xảy ra năm 2020, khi bà thẩm phán tối cao Ruth Ginsburg chết vào tháng 9 năm 2020 thì đảng Cộng Hòa đổi luật chơi, vội vàng chọn ngay người thay thế dù chỉ còn vài tháng bầu cử xảy ra.

Những ai đã từng sống ở Hoa Kỳ thấy chuyện đóng cửa bộ máy nhà nước khi mà Quốc Hội thông qua ngân sách điều hành quốc gia và vị Tổng Thống không ký ngân sách đó để cuối cùng bộ máy nhà nước phải đóng cửa một thời gian cho đến khi đòi hỏi của vị Tổng Thống được chấp thuận. Hoặc trong Quốc Hội, Hạ và Thượng Viện không đồng ý trong ngân sách để bộ máy nhà nước phải đóng cửa cho đến khi hai viện đồng ý và đưa qua cho Hành Pháp (Tổng Thống) ký trở thành luật thì bộ máy nhà nước mở trở lại. Đây không phải là một sinh hoạt lành mạnh trong cơ cấu cầm quyền chỉ bởi vì đảng mình muốn phần tiền này mà nếu không thông qua thì đóng cửa bộ máy cầm quyền. Chính tinh thần đảng tranh tạo ra hình ảnh này, đặt quyền lợi đảng lên trên quyền lợi của quốc gia.

Khi Quốc Hội đồng ý cho Bộ Quốc Phòng ngân sách tài chính để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ và giúp người lính phục vụ quốc gia nhưng vị Tổng Thống, dùng quyền của chính mình, lấy số tiền của quân đội xây bức tường biên giới Hoa Kỳ-Mễ, nhằm thực hiện lời hứa với cử tri chứ không phải vì an ninh của Hoa Kỳ, và được sự đồng ý của Tối Cao Pháp Viện cho chuyện này thì hệ thống tam quyền phân lập hoàn toàn vô giá trị. Khi mà Hành Pháp phối hợp với tòa án (tư pháp) để tiếm dụng quyền hành, tiền bạc mà Quốc Hội không làm được gì thì tam quyền phân lập chỉ là trò đùa (lừa gạt người dân).

Khi Hạ Viện tố cáo vị Tổng Thống vi phạm chức vụ, lạm dụng quyền hành bằng thực hiện tòa án luận tội (Impeachment) sai trái của vị Tổng Thống và thành công ở Hạ Viện (bởi sự bỏ phiếu qua tinh thần đảng tranh mà đảng nắm đa số ở Hạ Viện khác với đảng của vị Tổng Thống) để đưa qua Thượng Viện xét xử. Nhưng khi đến Thượng Viện thì đa số đảng viên cùng đảng với vị Tổng Thống, đã không đồng ý với những tố cáo của Hạ Viện và vị Tổng Thống được thoát nạn mà vụ án của Clinton và Trump cho thấy Thượng Viện bỏ phiếu theo đảng tính nên cuộc xử tội hai người này không thành công.  Tạm thời bỏ chuyện tội của Hạ Viện đưa ra đáng để loại bỏ vị Tổng Thống ra khỏi chức vụ hiện tại hay không. Thí dụ của ông Clinton và Trump cho thấy, phân quyền hoàn toàn vô giá trị ở thực tế trong cơ chế lưỡng đảng nếu tội của hai người này đáng phải loại ra khỏi chức vụ lãnh đạo đất nước. Vụ luận tội lần hai đối với ông Trump trong việc sách động người ủng hộ mình đến căn nhà Quốc Hội để phá tan nền dân chủ đang tiến hành trong việc tuyên bố ai thắng cử mà Thượng Viện không xem chuyện này là quan trọng để cho rằng ông Trump vô tội thì tam quyền phân lập của Hoa Kỳ, một lần nữa, chứng minh hoàn toàn không có giá trị thực tế khi tinh thần đảng tranh đang ở cao điểm của thời đại điện toán.

Khi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp dùng quyền của mình để phục vụ quyền lợi của Tổng Thống bằng hành động rút lại bản án mà cá nhân đó thú tội là vi phạm luật, một cá nhân đã từng phục vụ vị Tổng Thống và Tổng Thống muốn vụ án đó loại bỏ.  Quốc Hội không làm được gì cho chuyện tiếm dụng quyền hành này của vị Tổng Thống, được sự hợp tác của Bộ Tư Pháp. Rõ ràng cơ chế tam quyền phân lập hoàn toàn vô giá trị cho sự độc tài kiểu mới. Michael Lynn là thí dụ điển hình cho thấy Bộ Tư Pháp phục vụ cho quyền lợi của Trump trong việc rút lại bản án của Lynn, một đòi hỏi mà Trump muốn xảy ra. Trong khi quan tòa đang xem xét chuyện Bộ Tư Pháp có đủ thẩm quyền rút lại bản án hay không thì Trump dùng quyền ân xá để tha tội cho ông Lynn.

Khi vị Tổng Thống, dùng quyền ân xá của mình một cách vô tội vạ. Sẵn sàng ân xá những ai đã từng giúp đỡ mình, ủng hộ mình để thoát tội thì đây là hình ảnh một vị lãnh đạo quốc gia, khuyến khích người ủng hộ mình vi phạm luật bởi sẽ được vị lãnh đạo ân xá. Quốc Hội không làm được gì với cái quyền ân xá bị lạm dụng. Tòa án không làm gì với quyền ân xá bị lạm dụng. Sự ân xá của Trump dành cho Rogers Stone, bạn thân của Trump là thí dụ điển hình.

Bất cứ nhân viên nào làm việc cho công ty, cho bộ máy nhà nước, lạm dụng giờ làm việc và tài sản cho công việc riêng tư thì sẽ bị đuổi việc. Chuyện này áp dụng cho các công ty, các nhân viên của bộ máy chính quyền từ liên bang đến tiểu bang. Tuy nhiên luật bình thường này không áp dụng cho Tổng Thống, cho các vị dân biểu ở Hạ Viện, Thượng Viện để các vị đó tự do sử dụng giờ của nhà nước, tài sản của nhà nước đi vận động tranh cử. Phải chăng đây là một sự kỳ thị trắng trợn mà các vị nằm trong bộ máy trung ương được nằm trên luật pháp dành cho những nhân viên bên dưới? Hình ảnh Trump sử dụng White House để mời khách đến trong buổi đọc diễn văn của đại hội đảng Cộng Hòa trong cuộc tranh cử lần thứ hai, sử dụng tài sản của chính quyền liên bang cho việc tranh cử mang tính cách cá nhân là thí dụ điển hình. Không một ai trong Quốc Hội, không một tổ chức giám sát nào lên tiếng và có quyền trừng phạt sự lạm dụng tài sản quốc gia cho quyền lợi cá nhân.

Khi Tổng Thống Trump sử dụng cơ sở thương mại của mình cho những buổi họp với các vị lãnh đạo quốc gia nước ngoài nhằm mục đích làm lợi cho công ty thương mại của chính Trump thì không một cơ quan nào lên tiếng để chấm dứt sự lợi dụng này. Chuyện Trump tiếp đón Thủ Tướng Nhật tại sân chơi Golf của Trump ở Florida là thí dụ điển hình. Đây là hình ảnh thực sự lạm dụng quyền hành để thủ lợi cho cá nhân mà Trump là chủ sân Golf đó. Chính quyền liên bang phải trả chi phí tiếp đón Thủ Tướng Nhật ở tại sân Golf mà Trump là chủ. Hình ảnh xung đột quyền lợi rõ ràng, đặc biệt là quyền lợi tài chính mà bất cứ nhân viên làm việc ở hệ thống liên bang và tiểu bang đều bị đuổi việc cho xung đột quyền lợi này. Quốc Hội, tòa án cũng không làm gì được chuyện xung đột quyền lợi này đối với Trump.

Khi Tổng Thống đề nghị một ai đó vào bộ máy điều hành quốc gia và phải thông qua sự chấp thuận của Quốc Hội thì tại sao, khi cá nhân đó bị Tổng Thống đuổi lại không có sự tham dự của Quốc Hội? Việc đuổi người, thay đổi người ở những vị trí quan trọng trong bộ máy cầm quyền dưới thời Trump xảy ra rất nhiều chỉ bởi vì những cá nhân đó không trung thành với Trump. Từ Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, đến Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, đến những chức vụ của ngành tình báo FBI, CIA v.v…. Quốc Hội chỉ làm cái trò bù nhìn chấp nhận người nhưng lại không có quyền hạch hỏi trong việc đuổi người và không có quyền lên tiếng trong việc sa thải người. Việc đuổi người bởi người đó không có khả năng là chuyện rất thường tình trong cuộc sống. Nhưng đuổi người chỉ bởi vì người đó không phục tùng quyền lợi hoặc ý nguyện của vị Tổng Thống thì rõ ràng đây là một sự lạm dụng quyền hành mà Quốc Hội và tòa án không làm được gì. Phải hiểu những chức vụ đó là để phục vụ quyền lợi của quốc gia chứ không thể phục vụ quyền lợi riêng tư của Tổng Thống.

Ở ngoài đời, khi công dân đi xin việc phải viết một bản tường trình về quá khứ nghề nghiệp, khả năng, kinh nghiệm. Một cơ quan chuyên lo về nhân sự xem xét bản tường trình đó để lựa chọn người và hẹn cá nhân đó đến phỏng vấn trước khi thực sự mướn người. Trong cuộc phỏng vấn đó, người phỏng vấn sẽ dựa trên nhiều tiêu chuẩn trong buổi phỏng vấn để đi đến quyết định mướn đúng người cho đúng việc. Đó là đời sống thực ở ngoài đời thì tại sao, một chức vụ cầm quyền, có quyền sinh sát, ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội, không có một cơ quan hay một cơ chế làm công việc tương tự để chọn người có tài và đức vào vị trí lãnh đạo quốc gia? Phải chăng đây chính là kẻ hở để tạo ra chiến tranh mà thời Hitler cũng với danh nghĩa dân chủ, được chọn chức vụ thủ tướng (chancellor) trong năm 1933 và năm 1934 trở thành tổng thống (president) sau cái chết của Hindenburg và sau cùng là nhà độc tài, tội phạm của thế giới? Tại sao các quốc gia trên thế giới vẫn chưa học được bài học chọn người mà để bất cứ ai có tiền, có tài biện luận ra tranh cử vào những chức vụ quan trọng trong vị thế lãnh đạo quốc gia để cuối cùng tạo ra những vị lãnh đạo trên thế giới được phong trào Dân Túy (Populism) ủng hộ và tạo ra một chế độ chuyên quyền trong nhãn hiệu dân chủ mà thời đại Trump là thí dụ điển hình?

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P3)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/01/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p2/

 

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P3)

Tòa án và tòa án tối cao thiếu cơ hội cho sự tìm kiếm công lý, công bằng.

Quan tòa là những con người. Mà đã là con người thì luôn luôn có những quyết định sai. Khôn ba năm dại một giờ đó là ca dao tục ngữ Việt nói lên bản chất thật của Người. Vậy hệ thống tòa án và tòa án tối cao giải quyết những sai phạm của quan tòa ra sao?

Hệ thống tòa án của tiểu bang và liên bang có những giới hạn mà phán quyết cuối cùng là của liên bang nếu vụ án dính dáng đến bản hiến pháp của quốc gia. Sự lựa chọn những ông/bà quan tòa vào vị trí quan trọng, có ảnh hưởng đến quyết định mạng sống của con người là chuyện rất quan trọng. Vậy thì nếu một ứng cử viên ra tranh cử một địa phận tòa án nào đó và không được sự đồng ý của những nhà chuyên nghiệp của giới luật sư thì liệu, cá nhân đó vẫn tiếp tục tranh cử để thắng cử và hệ quả sẽ ra sao khi cá nhân đó không có đủ tài, đức để xử một vụ án? Chưa kể luật được diễn đạt bằng chữ nghĩa mà chữ nghĩa lại được diễn đạt qua suy nghĩ của những quan tòa bằng những suy tư đã có sẵn trong cá nhân và đem cái suy tư cá nhân đó để định nghĩa chữ nghĩa (luật). Vậy khi một bản án tối cao được xử bởi do tư duy (quan điểm) cá nhân có sẵn của quan tòa là sai trái thì nạn nhân sẽ đi thưa kiện ai khi mà tòa án tối cao có thẩm quyền cuối cùng và cái thẩm quyền đó sai trái, đi ngược lại luật thường tình (commonsense)?

Tư tưởng bảo thủ hay cấp tiến của quan tòa sẽ ảnh hưởng đến sự giải thích ý nghĩa của luật thay vì giải thích luật ở cái mục tiêu phục vụ của luật và ở những trường hợp phụ mà luật không giải thích rõ nhưng vẫn phù hợp với luật, hoặc có những trường hợp ngoại lệ (exception to the rule) mà phải phá luật để tạo sự công bằng trong vụ án, trong thực tế cuộc sống. Thực tế những người chọn vào tòa án tối cao của liên bang dựa vào tinh thần đảng tính của vị Tổng Thống. Cộng Hòa chọn quan tòa mang tính bảo thủ trong khi đó Dân Chủ chọn người có tính cấp tiến. Dù rằng cả hai đảng đều chọn những người có khả năng tuy nhiên vẫn là sự lựa chọn của vị Tổng Thống mà không qua một cơ quan của những người chuyên nghiệp để đánh giá khả năng công bằng của vị quan tòa mới đó. Chưa kể tại sao chấp nhận một quan tòa cả đời thay vì cho quan tòa thời gian phục vụ là bao nhiêu năm để những người khác có điều kiện tiến lên trong lãnh vực nghề nghiệp? Tại sao chính quyền quy định tuổi về hưu nhưng lại không quy định thời gian phục vụ trong bộ máy chính quyền, gồm cả tòa án khi mà những chức vụ đó ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội?

Ai sẽ là người kiểm soát các quan tòa trong những vụ xử kiện sai trái? Dĩ nhiên hệ thống tòa án của Hoa Kỳ cho mọi người có quyền đưa lên tòa án cao hơn để tìm công lý. Nhưng ai dám bảo đảm rằng tòa án cao hơn sẽ xử công bằng, không sai trái? Nếu sai trái thì nạn nhân sẽ làm gì khi mà án lệnh của tòa án tối cao là án lệnh cuối cùng?

Nhiều vụ án được các quan tòa phán xét rất là vô lý nhưng nạn nhân không làm được gì vì không có tiền để mướn luật sư chống lại bản án quá vô lý đó. Thí dụ là vụ án ở TX, một cậu trẻ dưới 18 tuổi, Ethan Couch uống rượu lái xe và làm chết 4 người và 9 người bị thương. Tòa án xử là có tội. Nhưng luật sư yêu cầu quan tòa xử án nhẹ vì người trẻ này quá giàu, được cha mẹ chìu chuộng và không phân biệt đúng hay sai. Thế là quan tòa đồng ý không cho cậu trẻ này đi tù mà chỉ là tù giam 10 năm. Những vụ án khác ở những tiểu bang khác, cùng một tội phạm giết người, nhưng nếu là người da đen thì đi tù thời gian lâu hơn so với người da trắng. Những vụ án như thế, nạn nhân hay người phạm tội không có tiền để chống bản án không hợp lý lên tòa án cao hơn hầu có quyết định trừng phạt hợp lý cho người phạm tội, hoặc tìm sự công bằng cho nạn nhân. Chưa kể không có sự bảo đảm là tòa án cao sẽ lắng nghe đơn chống án của nạn nhân hay người phạm tội bị xử án quá nặng.

Nói chung hệ thống tòa án của chính quyền vẫn có lỗ hổng mà nạn nhân cũng như thủ phạm không tìm được công lý đúng nghĩa của nó bởi không có tiền và bởi không được tòa án cao hơn quan tâm. Cộng với những vị quan tòa không có khả năng, không có đạo đức nhưng vẫn giữ được chức quan tòa bởi hệ thống chính trị bao che, đảng tranh của hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ.

Tranh cử bằng tâm lý và tiền

Cuộc tranh cử ở Hoa Kỳ, người quan sát sẽ thấy ứng cử viên ở bất cứ đảng nào đều dùng tiền để quảng cáo nhằm đánh vào tâm lý của người cử tri. Tiền từ những cử tri quan tâm đến chính trị; tiền từ những công ty muốn chọn người để sau này có thể vận động hành lang cho luật lệ mà công ty muốn; tiền của những tổ chức cá nhân giàu có, muốn làm ảnh hưởng đến chính trị của Hoa Kỳ được đổ vào cho ban vận động tranh cử. Chưa kể sự nhũng loạn thông tin từ các nước thù địch ở bên ngoài bỏ vào những quảng cáo để đánh bóng hoặc đả phá cá nhân nào đó để làm cử tri chọn lầm người.

Có những cá nhân ra tranh cử mục đích không phải là để thắng mà là tìm nguồn lợi về kinh tế mà Trump là thí dụ điển hình. Là một nhà buôn bán bất động sản, ông sử dụng cơ sở thương mại bất động sản của ông để ban bầu cử phải trả tiền chi phí cho địa điểm văn phòng của ban vận động tranh cử hoặc sử dụng bất động sản trong công việc gây quỹ hầu vừa thu được tiền cho quỹ vận động vừa thu được tiền mướn địa điểm và phục vụ trong buổi gây quỹ tại cơ sở thương mại của Trump. Dĩ nhiên tiền mướn sẽ được gia tăng bởi tiền đóng góp là từ bên ngoài. Và nếu Trump có thua thì lợi về kinh tế vẫn đạt được mục đích. Điều này hoàn toàn không có luật để ngăn cản chuyện xung khắc quyền lợi tài chính trong những vụ tranh cử như thế này mà người ra tranh cử, mục đích là tìm nguồn lợi tài chính thay vì phục vụ cho quốc gia. Chưa kể không có một cơ quan duyệt xét cá nhân ra tranh cử có đủ tài và đức để nắm vị trí lãnh đạo mà đã nói bên trên, cho nên ai cũng có thể ra tranh cử mà mục đích không phải là thắng mà vì tiếng và tiền.

Đòn tâm lý trong quảng cáo để đánh lừa cử tri được tung ra trên đài tivi, báo chí, truyền thanh. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do ngôn luận gồm cả sự nói láo để mua phiếu của cử tri, một quyền tự do ngôn luận vô trách nhiệm, được tòa án tối cao bảo chứng qua hiến pháp, để các ứng cử viên mặc sức tố cáo địch thủ của mình mà không cần chứng minh đúng hay sai và hoàn toàn không bị trừng phạt bởi luật của tranh cử. Các hình ảnh, các bản nhạc được ban vận động tranh cử lấy sử dụng mà không xin phép tác giả và được luật bảo chứng bởi nghĩ đó là của công cộng. Hình ảnh công cộng nhưng được sử dụng cho lợi ích cá nhân thì phải có sự đồng ý của tác giả -- đó là luật thông thường của Con Người. Tuy nhiên các quan tòa không dựa vào luật thông thường mà dựa vào luật do con người đặt ra. Mà cái gì do con người đặt ra, nếu không thay đổi thì đã lỗi thời, không còn hợp với thực tế của cuộc sống.

Hiến pháp do con người viết ra. Hiến pháp là bộ luật tối cao của xã hội nhưng không thể bao gồm tất cả chi tiết, lãnh vực nên chỉ là đại cương những điều khoản quan trọng nhất. Hiến pháp và luật pháp là dựa trên lý luận. Nếu lý luận không vững thì đời sống cá nhân sẽ chao đảo nền tảng và xã hội sẽ lung lay. Mà lý luận không dựa trên triết học thì không có nền tảng thống nhất. Con người sống tuy có thay đổi, tiến bộ nhưng phải tuân theo một số quy luật dựa vào triết học. Không có triết học mà dựa vào tôn giáo thì càng nguy hiểm vì đã là thần quyền thì con người không thể kiểm soát được và dễ bị lợi dụng. Không có triết học thì lý luận của con người sẽ đưa đến những mâu thuẫn, rối loạn vì tâm con người thay đổi. Do đó sự tu dưỡng của con người là cần thiết cho trật tự của đời sống bản thân và xã hội.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P4)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/07/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p3/

 

 

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P4)

 Cơ Năng Hiến Pháp

Nhận diện ra được những khuyết điểm của cơ chế Tam Quyền Phân Lập của Hoa Kỳ thì câu hỏi đặt ra: chúng ta vẫn tiếp tục dùng cơ chế đó hay tìm một cơ chế khác?

Đã có những cố gắng của người Việt có lòng với đất nước sống tại Hoa Kỳ đưa ra đề nghị về một bản hiến pháp cho Việt Nam tương lai. Dĩ nhiên ở đâu đó ngoài nước Hoa Kỳ cũng sẽ có một nhóm người khác đưa ra một bản hiến pháp tương tự, dựa vào kinh nghiệm và quốc gia cư ngụ để đề nghị một hiến pháp tương lai cho Việt Nam. Tất cả những cố gắng này đều dựa vào cơ chế đã có sẵn mà khuyết điểm của cơ chế đó vẫn còn tồn tại, không giải quyết được, hoặc được tu bổ, sửa đổi để cố gắng tạo ra một cơ chế tốt hơn. Nếu một chiếc xe bộ máy đã hư hỏng thì phải thay bộ máy mới chứ không phải sửa chữa bộ máy ở những phần cần phải sửa. Chưa kể bộ máy đã quá cũ, cần phải thay đổi triệt để cho phù hợp với đời sống thực tế của xã hội hiện tại. Không thể nào dùng chiếc xe với bộ máy đã được sản xuất hơn 200 năm trước trong khi thực tế xã hội có thể tạo ra nhiều chiếc xe tốt hơn, hiệu quả hơn.

Ông Lý Đông A đã đề nghị một Cơ Năng Hiến Pháp cho một Việt Nam tương lai ở thời điểm 1942. Tài liệu Duy Dân của Lý Đông A (LĐA) trong 80 năm qua đã được nhiều người ghi chép lại và bên dưới đề tên LĐA thay vì là tên của người ghi chép lại. Chính vì do nhiều người ghi chép lại, sự mâu thuẫn hoặc không hoàn hảo từ những tài liệu có cùng một nội dung.

Xét vì ngôn ngữ của LĐA khó hiểu cho kẻ hậu sinh và sự sao chép có nhiều thiếu sót càng làm cho sự thực hiện tư tưởng LĐA vào thời đại 2000 trở nên nan giải. Chính vì thế người viết mở đường máu "diễn giải" các tài liệu của LĐA với ngôn ngữ và kiến thức thời đại 2000 mong giúp người Việt quan tâm đến đất nước có thêm điều kiện phục hồi nước Việt mà LĐA hằng mong đợi. Dưới đây là phần viết lại theo ngôn ngữ thời đại 2000s, qua sự hiểu biết, kinh nghiệm bản thân của người viết để áp dụng từ ngữ của thời đại 2000 làm cho tài liệu LĐA rõ hơn cho người đọc ở hiện tại cũng như tương lai. Ngay cả hình thức trình bày thay đổi cho phù hợp với cách trình bày của thời đại 2000. Người viết sẽ đưa ra những thí dụ của thời đại để đưa ra nhận định các quan điểm, đề nghị của LĐA áp dụng được hay không, hoặc cần phải thêm bớt cho phù hợp với thực tế của thời đại trong thiên niên kỷ 2000 này. Người viết cũng sẽ đặt ra những câu hỏi mà người viết chưa có câu trả lời bởi hoàn cảnh thực tế chưa xảy ra hoặc đi ra ngoài khả năng hiểu biết, cho nên những câu hỏi được đặt ra là những câu hỏi thế hệ tương lai phải tìm câu trả lời.

Bản diễn giải này dựa vào ba tài liệu được ghi lại: Duy Dân Cơ Năng Tốc Giảng, Duy Dân Cơ Năng, và Duy Nhân Cương Thường.

Tư cách pháp lý

Sẽ có người đặt câu hỏi tư cách pháp lý để đề nghị một bản hiến pháp tương lai của Việt Nam? Xin trả lời đây không phải là một bản hiến pháp đúng nghĩa mà là một khung sườn của một Cơ Năng Hiến Pháp dưới viễn kiến của LĐA đề nghị vào thời đại 1940.

Gần 80 năm qua, có những người luật sư được tiếp cận với tư tưởng Duy Dân, tài liệu Duy Dân nhưng chưa có một ai dành thời gian và chuyên môn về luật để diễn giải khung sườn Cơ Năng Hiến Pháp do LĐA đề nghị. Tại sao thì người viết bài này không có câu trả lời.

Một điều cần phải minh bạch là người viết bài này không phải là luật sư cho nên sự diễn giải Cơ Năng Hiến Pháp bằng góc nhìn của một thường dân quan tâm đến chính trị, quan tâm đến đời sống của xã hội và của cả chính bản thân. Đây chỉ là một viên gạch lót đường cho thế hệ tương lai xem lại nội dung của viên gạch này để áp dụng (hoặc sửa đổi) vào thực tế hiện tại ở thời điểm tương lai. Viên gạch này gốc là từ tư tưởng Duy Dân, từ Cơ Năng Hiến Pháp và được tu bổ với kinh nghiệm bản thân, với thực tế nước Hoa Kỳ vào thời điểm 2020 để mài giũa viên gạch sát với thời đại 2020. Đây chính là tư cách pháp lý và tư cách pháp lý này dành cho mọi người, những người quan tâm đến một cơ chế chính trị mà LĐA cho rằng đó là Thiết Kế và Chấp Hành Nhân Sinh cho một Việt Nam tương lai. Bạn không cần là một luật sư để nhìn vấn đề luật trên phương diện của luật thường tình, luật của nhân bản nhằm phục vụ xã hội loài người.

Tại sao phải là cơ năng hiến pháp?

Duy Dân dựa vào nguyên lý sinh hoạt của loài người trong lịch sử để rút kinh nghiệm và đưa ra một triết lý hành động nhằm mục đích tạo cơ hội cho mọi người, mọi dân tộc trên thế giới này cùng nhau tiến hóa chứ không phải là một thế giới mạnh được yếu thua đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại.

Sinh hoạt của quốc gia cũng ví như sự sinh hoạt của cơ thể chính chúng ta. Mà cơ thể của chúng ta được hoạt động theo hình thức cơ năng. Tức là tất cả những bộ phận trong cơ thể chúng ta độc lập và nương tựa vào nhau để làm cho cơ thể hoạt động hữu hiệu. Từ cái ăn, cái thở, động tác dy chuyển, suy tư trong bộ óc v.v… là sự vận hành của tất cả những bộ phận trong cơ thể để sự sống của chúng ta được hiện hữu và mạnh khỏe. Một bộ phận nào đó trong cơ thể yếu sẽ ảnh hưởng đến một hay nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Cho nên để được mạnh khỏe, tất cả các cơ năng trong cơ thể của ta sẽ nương tựa vào nhau để hoạt động hữu hiệu trong cuộc sống của chính chúng ta.

Cơ cấu chính quyền được thể hiện qua Hiến Pháp. Tuy nhiên chữ Hiến Pháp không nói lên rõ cái cơ năng cần thiết trong cơ cấu chính quyền. Và khi nói đến Hiến Pháp, người của thời đại 2000 nghĩ đến tam quyền (hay ngũ quyền) phân lập. Có nghĩa là ba ngành Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp độc lập và có quyền hành riêng biệt để tránh độc tài. Trên lý thuyết rất là hay nhưng thực tế của thế kỷ 21 cho thấy chế độ phân quyền đã thất bại mà hình ảnh Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Trump là thí dụ điển hình. Hãy tưởng tượng một cơ chế chính quyền phục vụ đời sống của người dân, cái cơ chế đó vì sự phân tranh quyền lực, Quốc Hội (Lập Pháp) thông qua ngân sách nhưng vị Tổng Thống (Hành Pháp) vì không đạt được cái mình muốn thì mình sẽ không ký ngân sách và cả bộ máy chính quyền phải tạm đóng cửa ngoại trừ những bộ phận quan trọng phải đi làm nhưng không được trả lương vì ngân sách tài chính chưa được thông qua. Đây chính là hình ảnh sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ mà toàn bộ cơ cấu chính phủ phải đóng cửa vì sự tranh giành quyền lực giữa Hành Pháp và Lập Pháp, hoặc tranh giành quyền lực giữa Hạ Viện và Thượng Viện. Chưa kể tinh thần đảng tranh, sự lạm dụng quyền hành của vị Tổng Thống khi bị truy tố ở Hạ Viện nhưng lên Thượng Viện, vì đảng của vị Tổng Thống nắm đa số, cho nên tội lạm dụng quyền hành được xử mà không cần nhân chứng -- để rồi tinh thần đảng tranh đưa đến quyết định là Tổng Thống không lạm dụng quyền hành mà sự truy tố của Trump là thí dụ điển hình.

Thử tưởng tượng cái cơ chế chính quyền đó là cơ thể của chúng ta. Trái tim vì không đạt được cái mình muốn nên ngưng đập, không đem máu chạy khắp thân thể nuôi những cơ năng khác. Hành động tim không làm việc thì toàn bộ cơ năng trong cơ thể chúng ta lập tức ngưng hoạt động và chúng ta chết đi, trái tim cũng chết chứ chẳng sống còn. Chỉ khi nào chúng ta quan niệm cơ cấu chính quyền là một cơ năng thì lúc đó, cách suy nghĩ và làm việc của những người trong cơ cấu chính quyền sẽ nhìn vấn đề như chính cơ thể của họ. Họ không nhìn vấn đề phân quyền là quan trọng. Trái lại mỗi cơ năng trong cơ cấu chính quyền hoạt động theo chuyên môn của mình và nương tựa vào nhau nhằm tạo ra một chính quyền mạnh để phục vụ lợi ích của toàn dân sống trong quốc gia -- mà lợi ích đó không ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia khác. Đây chính là cơ chế Duy Dân còn gọi là Cơ Năng Hiến Pháp. Có thể nói nôm na đây là cơ chế của phân công. Mỗi bộ phận trong bộ máy hoạt động của chính quyền có nhiệm vụ của riêng mình và phải làm tốt nhiệm vụ đó -- bởi nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến những cơ chế khác trong bộ máy cầm quyền, làm cho toàn bộ cuộc sống của người dân bị gián đoạn, bị lầm than. Dĩ nhiên cơ chế này gồm những con người điều hành cơ chế đó, mà con người thì luôn luôn có tham-sân-si; chính vì yếu điểm này của con người, Cơ Năng Hiến Pháp dưới quan điểm của Duy Dân có những cơ quan riêng biệt để thanh lọc những con người đặt lợi ích hay quan điểm cá nhân lên trên lợi ích của xã hội.

Quan hệ giữa cá nhân và tập thể là quan hệ hữu tương, hai bên cùng có lợi. Nhưng để quan hệ này được thăng tiến, cùng hòa với nhau và giảm sự xung khắc, quốc gia cần cơ cấu chính quyền để làm nhiệm vụ điều hòa sự xung khắc nếu có. Mỗi cá nhân là một cơ năng riêng biệt trong xã hội. Một hội đoàn trong xã hội là tập hợp nhiều cá nhân khác nhau để tạo ra một cơ năng mới được gọi là đoàn thể, hội đoàn. Tất cả những cá nhân, hội đoàn phải có trách nhiệm với chính xã hội mình đang sống và trách nhiệm đó được điều hướng bởi cơ cấu chính quyền. Sự tương tác giữa cá nhân, tập thể và chính quyền là sự tương tác cần thiết, bảo đảm mọi người sống trong xã hội cùng có cơ hội, nghĩa vụ, bổn phận để thực hiện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Không thể nào giao phó mọi thứ cho chính quyền bởi chính quyền, dù mạnh đến đâu cũng không thể tồn tại nếu không có sự hợp tác với những cá nhân, những đoàn thể sống trong quốc gia đó. Cho nên cơ chế Duy Dân là cơ chế mà mọi người sống trong xã hội có bổn phận (trực tiếp hay gián tiếp) phải tham gia vào sinh hoạt thiết kế và chấp hành nhân sinh chứ không giao phó cho cơ cấu chính quyền hay tổ chức chính trị nào đó.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P5)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/07/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p4/

 

 

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P5)

 Cơ Năng Hiến Pháp Cương Thường

Cơ Năng Hiến Pháp dựa vào cương thường của loài người để phục vụ loài người. Bởi vì là cương thường của loài người, sẽ không có vấn đề là nhân quyền ở Á Châu khác nhân quyền ở Hoa Kỳ, Âu Châu như một số lý luận của các nhà độc tài trên thế giới mà Trung Cộng thường hay so sánh cái gọi là nhân quyền của Tây Phương và nhân quyền của Trung Cộng.

Khi dựa vào cương thường của loài người thì sẽ chấm dứt tình trạng một công ty đem sản xuất vào đất nước yếu kém để hủy diệt môi sinh, môi trường sống của người dân trong nước yếu kém đó. Hành động vi phạm môi sinh, ảnh hưởng môi trường sống của loài người, không cần biết thuộc quốc gia nào, trên lãnh thổ nào - tức là đã vi phạm cương thường của quốc gia hay nói xa hơn là cương thường của loài người. Luật của quốc gia đó có thể không có luật môi sinh nhưng dựa trên luật thường tình (common sense) thì dù không có luật môi sinh nhưng công ty làm ảnh hướng đến môi trường sống của người dân, của dân tộc đó tức là đã vi phạm cương thường của loài người.

Cương thường đó là Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân Sinh, và Nhân Chủ. Cái cương thường đó gọi là Duy Nhân Cương Thường làm căn bản để thực hiện Cơ Năng Hiến Pháp phục vụ đời sống của Con Người sống trên quốc gia đó.

Bởi đó là Duy Nhân Cương Thường cho nên cần phải đặt hàng đầu trong Cơ Năng Hiến Pháp và là cái cần phải bảo vệ, phục vụ mà cơ cấu của chính quyền từ trung ương đến địa phương phải chấp hành để toàn dân trong quốc gia cùng có cơ hội, nghĩa vụ, bổn phận, và quyền lợi đóng góp công sức vào tiến trình xây dựng đất nước hùng mạnh, hạnh phúc, và phú cường.

Bởi đó là Duy Nhân Cương Thường cho nên chính sách ngoại giao với các quốc gia khác cũng phải dựa vào đó để quốc tế nâng đỡ nhau cùng tiến hóa thay vì ngoại giao với chính sách mạnh được yếu thua như hiện giờ.

Cơ Năng Hiến Pháp Thực Tế

Khi nói về cơ năng là nói đến những bộ phận trong cơ thể con người hay bộ phận trong cơ cấu của chính quyền. Những bộ phận này luôn luôn phải được trông coi, bảo quản để cho cơ thể hoặc cơ cấu của quốc gia được hoạt động tốt đẹp nhằm mục đích phục vụ sự sống của Con Người, giảm bớt khổ đau kéo dài hạnh phúc.

Nếu nhìn ở dạng con người thì cá nhân luôn luôn thay đổi để phù hợp với thực tế của cuộc sống nhằm mục đích tạo hạnh phúc cho chính mình và gia đình mình. Câu nói “liệu cơm gắp mắm” nói lên tính thực tế của cuộc sống con người. Có nghĩa là khi mình không có tiền thì ăn uống đơn giản, không cầu kỳ. Khi có gia đình thì trách nhiệm đối với gia đình sẽ gia tăng cho nên những việc thời còn độc thân có thể làm được (thí dụ đi chơi khuya, ngủ lang thang ở nhà bạn) thì không làm trong trạng thái có gia đình. Khi về già thì không làm những việc quá sức của tuổi già đồng thời điều chỉnh cách ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp với tuổi già. 

Ở trạng thái của Cơ Năng Hiến Pháp cũng giống như trạng thái của bản thân con người – có nghĩa là phải thay đổi cho phù hợp với cuộc sống thực tế của sinh hoạt quốc gia. Vậy thì cứ 10 năm (tiểu điều chỉnh) phải xem lại sinh hoạt của quốc gia ra sao để điều chỉnh luật lệ, hiến pháp cho phù hợp với thực tế của cuộc sống. Và cứ 30 năm sẽ có cuộc đại điều chỉnh các luật lệ, hiến pháp của quốc gia phù hợp với thực tế của xã hội, với nhu cầu của cuộc sống người dân. Đây chính là Cơ Năng Hiến Pháp sống thực, thay đổi và điều chỉnh theo điều kiện của cuộc sống xã hội. Xã hội luôn luôn thay đổi cho nên đòi hỏi Cơ Năng Hiến Pháp phải thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội nhằm mục đích phục vụ công việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Có người cho rằng bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ là bản Hiến Pháp sống. Thực tế thì bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ là bản Hiến Pháp chết, khó thay đổi để phù hợp với thực tế bởi tinh thần đảng tranh ở liên bang lẫn tiểu bang -- cho nên thay đổi bất cứ điều gì ở bản Hiến Pháp Hoa Kỳ vào thời đại 2000 là chuyện không tưởng. Hãy nhìn vào tu chính án thứ 27 của Hoa Kỳ, được đề nghị vào ngày 25 tháng 9 năm 1789 và được thông qua ngày 5 tháng 5 năm 1992, mất trên hai trăm năm để đạt số đông của tiểu bang thông qua tu chính án thứ 27 này. Dĩ nhiên sẽ có người lý luận rằng tu chính án này không quan trọng, chỉ ảnh hưởng đến tiền lên lương của các nghị sĩ trong Quốc Hội. Vấn đề không phải là quan trọng hay không quan trọng mà chứng minh là một tu chính án phải mất trên 200 năm để thông qua thì rõ ràng, cái bản Hiến Pháp của Hoa Kỳ không thể nào gọi là Hiến Pháp sống (living constitution)

Ai đã từng làm trong cơ cấu chính quyền đều thấy thực tế là chuyện thay đổi luật về thuế hay bất cứ luật nào rất chậm chạp trong khi đó đời sống của người dân, sự tiến bộ của kỹ thuật không ngừng thay đổi mà các luật lệ hiện hành đã không đáp ứng được nhu cầu của thời đại bởi tinh thần đảng tranh, sự vận động hành lang của các công ty lớn làm trì trệ trong việc sửa đổi luật lệ. Các công ty không muốn sửa đổi luật vì sự thiệt hại của họ. Mà nếu luật không sửa đổi thì tạo ra sự bất công trong luật đối với đa số thành phần sống trong xã hội. Chưa kể các vị đại diện do dân cử bị các công ty mua chuộc hoặc cơ quan vận động hành lang dùng ảnh hưởng của mình để luật được thông qua nhằm mục đích phục vụ lợi ích của công ty là chính.

Chính vì nhìn được nhu cầu sửa đổi Cơ Năng Hiến Pháp cho phù hợp với thực tế của thời đại, của cuộc sống người dân, Lý Đông A đưa ra đề nghị 10 năm tiểu tu chỉnh và 30 năm đại tu chỉnh. Tuy nhiên nếu con người thay đổi, kỹ thuật thay đổi quá lẹ thì thời gian thay đổi này có thể thay đổi lẹ hơn để Cơ Năng Hiến Pháp có thể thay đổi hầu đáp ứng với nhu cầu của thực tế. Cái quan trọng ở đây là một Cơ Năng linh động, thay đổi khi cần thiết và mục tiêu của thay đổi là để phục vụ xã hội và con người tốt hơn.

Cơ Năng Hiến Pháp Hiệu Quả

Hiệu quả là kết quả của Cơ Năng Hiến Pháp trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh. Hệ thống sinh hoạt của quốc gia cũng như hệ thống sinh hoạt của cơ thể là hệ thống phức tạp, đòi hỏi sự nghiên cứu bằng những dẫn chứng khoa học sát với thực tế để sinh hoạt quốc gia không đi quá đà mà trở thành quá khích, từ đó có những chính sách đi ngược lại chủ đích thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Mỗi cá nhân chỉ giỏi trên một lãnh vực nào đó. Nếu cái giỏi đó đặt đúng vị trí trong cơ cấu xã hội, trong bộ máy nhà nước thì sẽ tạo ra những chuyên môn, chuyên ngành để phục vụ đời sống của quốc dân. Cơ Năng Hiến Pháp chỉ đạt được hiệu quả khi được phân chia trách nhiệm, công việc của từng bộ phận để trở thành chuyên môn, chuyên ngành trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Tài năng của một cá nhân nhưng thiếu Tam Nhân (nhân bản, nhân tính, nhân chủ) thì cái tài đó nguy hiểm cho xã hội mà Hitler là một thí dụ điển hình. Cho nên Cơ Năng Hiến Pháp chỉ có hiệu quả khi mà Tam Nhân được đặt là tiêu chuẩn để tham dự vào cơ cấu chính quyền ở những vị trí quan trọng, có trách nhiệm đưa ra những chính sách ảnh hưởng đến đời sống của quốc dân.

Cơ Năng Hiến Pháp chỉ có hiệu quả khi những con người sống trong quốc gia thấu hiểu được tinh thần Duy Dân, sống với tinh thần Duy Dân để thực hiện Nhân Chủ. Từ đó sẽ tạo ra một xã hội Duy Dân và từ xã hội Duy Dân sẽ tạo ra chính quyền Duy Dân qua cơ cấu Cơ Năng Hiến Pháp nhằm mục đích phục vụ đời sống của quốc dân, xây dựng quốc gia hạnh phúc, hùng mạnh. Khi mà chưa có một con người Duy Dân, xã hội Duy Dân thì Cơ Năng Hiến Pháp của Lý Đông A vẫn có thể bị lợi dụng như bao Hiến Pháp khác đang có trên thế giới. Cái tinh thần tự giác từ mỗi người sống trong xã hội là cái gốc trong sinh hoạt. Nhưng cho dù xã hội Duy Dân với tinh thần tự giác cao thì Con Người, “khôn ba năm dại một giờ” đủ sức mạnh trong một giờ dại đó để phá hoại tất cả những gì đã xây dựng cả ngàn năm. Chính vì biết được bản chất thật của Con Người, Lý Đông A đưa ra một Cơ Năng Hiến Pháp để cái dại một giờ đó -- nếu có xảy ra thì không hủy hoại tất cả những gì đã xây dựng trong quá khứ.

Cơ Năng Hiến Pháp chỉ có hiệu quả khi các cơ năng được chia ra hai phần: Chính Trị Tổng Cơ và Hành Chính Tổng Cơ. Chính Trị thuộc về quyền điều hành quốc gia. Nhưng cái quyền này cần lực và lực chính là các cơ quan về bên Hành Chính tạo ra lực để các cơ quan bên Chính Trị có quyền (gồm cả lực) để thực thi chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Có quyền nhưng không có lực thì quyền đó chỉ là quyền ảo, quyền không thực. Giống như một anh múa võ nhưng không có nội lực bên trong thì cũng một đường võ đó, người có lực có thể hạ địch thủ còn người không có lực làm cho địch thủ cười. Đây cũng nói lên tương quan giữa các cơ năng trong bộ máy lãnh đạo quốc gia là sự tương quan cần thiết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng thực hiện mục đích thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Cơ Năng Hiến Pháp chỉ có hiệu quả khi cơ cấu lãnh đạo quốc gia tạo ra được sự bình đẳng về cơ hội, nghĩa vụ, và quyền lợi trong xã hội lẫn trong cơ cấu cầm quyền. Sự bình đẳng này không phải chỉ ở trên mặt giấy tờ mà là sự bình đẳng trong thực tế của cuộc sống. Ở những nước dân chủ mà Hoa Kỳ là thí dụ điển hình, tuy nói về bình đẳng cơ hội nhưng thực tế sự bình đẳng này chỉ áp dụng cho một số thành phần nào đó trong xã hội. Thí dụ về chuyện đi học đại học. Có những học sinh nghèo, cha mẹ không có tiền để lo cho con học ở đại học cho dù đứa trẻ muốn học đại học. Sự cách biệt giữa người nghèo và giàu tạo đã tạo ra bình đẳng cơ hội chỉ là hình thức chứ không có giá trị thực tế. Cho nên sự bình đẳng về Cơ Hội, Nghĩa Vụ, và Quyền Lợi phải là thực chứ không phải chỉ trên lý thuyết.

Cơ Năng Hiến Pháp Cơ Cấu

A.  Duy Nhân Cương Thường

a.  Nhu Cầu Nhu Yếu

b.  Nhu Cầu Tự Chủ

c.   Nhu Cầu Tinh Thần

B.  Chính Trị Tổng Cơ

a.  Tối Cao Quốc Thể

b.  Tối Cao Lập Pháp

c.   Phê Phán Công Đường

C.  Hành Chính Tổng Cơ

a.  Nghiên Cứu Bộ Phận

1.  Nghiên Cứu Viện

2.  Lập Pháp Viện

b.  Chấp Hành Bộ Phận

1.  Hành Chính Viện

2.  Quan Chính Viện

c.   Khảo Hạch Bộ Phận

1.  Tư Pháp Viện

2.  Kê Sát Viện

D. Hành Chính Phụ Cơ

a.  Khu Vực

b.  Tỉnh Trị

c.   Huyện Trị

d.  Hạt Trị

e.  Xã Trị

E.  Chính Trị Nguyên Cơ

Người viết sẽ trình bày từng phần một của Cơ Năng Hiến Pháp cơ cấu, diễn dịch theo từ ngữ của thời đại, đưa ra phần nhận xét và đề nghị để những ai muốn nghiên cứu một Cơ Năng Hiến Pháp tương lai của đất nước Việt có thể dựa vào đó, điều chỉnh cho hợp tình, hợp lý của thời điểm hiện tại của đất nước. Những nhận xét và đề nghị được nhìn vào thực tế tại Hoa Kỳ, kinh nghiệm sống của bản thân để đưa ra những nhận xét cá nhân mang tính thực tế của hiện tại ở thời điểm 2021.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P6)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/15/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p5/

 

 

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P6)

A. Duy Nhân Cương Thường

Sinh hoạt của bất cứ xã hội nào đều có cương thường của xã hội đó. Sinh hoạt của một cơ cấu chính quyền cũng phải đặt ra cái cương thường của loài người sống trong xã hội đó. Đây chính là cái cương thường mà người lãnh đạo quốc gia, người sống trong quốc gia đó phải dựa vào để thực hiện thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Cơ năng hiến pháp phải được đặt trên nền tảng cương thường của loài người. Cương thường của loài người là những điều căn bản mà đã là con người đều cần phải có trong cuộc sống của Người -- không kể màu da, sắc tộc, chủng tộc. Thế giới có nhiều sắc tộc khác nhau, nhiều quốc gia khác nhau, nhiều phong tục khác nhau nhưng thế giới của Người chỉ có một cương thường duy nhất mà Lý Đông A gọi là Duy Nhân Cương Thường, cái nền tảng mà những người lãnh đạo quốc gia cần phải bảo đảm cho những người sống trong và ngoài quốc gia bởi đó là đường sống của Người.

a.  Nhu cầu nhu yếu

Con người từ thời ăn lông ở lổ đến thời đại hiện tại đều có những nhu yếu giống nhau. Chính vì những nhu yếu đó mà bắt buộc con người phải sống trong xã hội để cùng nhau tiến, hóa, phát triển giống nòi cho đến hôm nay. Nhu cầu nhu yếu gồm có ăn, mặc, chỗ ở, gia đình để phát triển giống nòi, môi trường lành mạnh, giáo dục, và y tế.

Để được sống còn, con người có nhu cầu ăn uống. Ngày xưa khi xã hội chưa hình thành, khi con người vẫn ăn lông ở lổ thì ăn sống. Khi con người phát hiện ra lửa thì ăn sống được chuyển sang ăn chín. Ngày hôm nay cái ăn không đơn thuần là để nuôi cơ thể mà thực phẩm có chất gì trong đó; liệu thực phẩm làm ảnh hưởng đến khí hậu, môi trường, và thân thể của người ăn hay không? Hình ảnh môi trường biển bị ô nhiễm qua vụ Formosa nhưng quan chức, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xem thường và khuyến khích người dân tiếp tục ăn đồ biển mà không cần biết nguy hại đến cơ thể ra sao thì đây là hành động, chính sách đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường.

Ngoài cái ăn con người cần cái mặc, chỗ ở để nghỉ ngơi, ẩn trú nắng mưa. Hình ảnh người dân sống đầu đường xó chợ, hình ảnh nhà cầm quyền làm áp lực với chủ nhà để không cho những nhà bất đồng chính kiến mướn chỗ ở chính là hành động đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường.

Sự tồn tại loài người từ xa xưa đến hôm nay nhờ sự hình thành gia đình với sự phối hợp đời sống Nam-Nữ để phát triển giống nòi. Đời sống gia đình phải đi kèm theo trách nhiệm cho nên chuyện “trai năm thê bảy thiếp” không thể chấp nhận với thời đại 2021. Sự lựa chọn “năm thê bảy thiếp” là quyền của cá nhân nhưng trên lãnh vực giấy hôn phối thì không thể nào chấp nhận. Những ai nằm trong vị trí lãnh đạo quốc gia cần phải có nhân phẩm cao trong việc tôn trọng đời sống gia đình chứ không thể nào như các vị chính trị gia ở Hoa Kỳ, xem thường phụ nữ và ăn nằm với nhiều phụ nữ khác trong khi có vợ mà vẫn được nắm vị trí lãnh đạo quốc gia thì đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Thế giới đang đối diện với biến đổi khí hậu. Môi trường sống không còn là vấn đề của một quốc gia mà là của toàn thế giới. Con người không thể nào tồn tại trong một môi trường đang bị phá hoại trên nhiều lãnh vực từ khí hậu, nước uống, đến môi trường sinh sống của con người. Không thể nào vì quyền lợi kinh tế của một công ty, hay một quốc gia để đem sản xuất đến một quốc gia khác nhằm hủy diệt môi trường nơi quốc gia không có khả năng và luật để bảo vệ môi trường. Bất cứ công ty nào, bất cứ quốc gia nào vì quyền lợi của mình để làm ô nhiễm môi trường ở những quốc gia khác tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Giáo dục và y tế là nhu yếu của con người ở thế kỷ 21 này. Không thể nào chấp nhận một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật về y khoa rất cao nhưng chỉ dành cho những người có tiền mà Hoa Kỳ là thí dụ điển hình. Không thể nào chấp nhận một công ty gia tăng thuốc từ 13.75 lên đến 750 đô (5000%) mà Quốc Hội không làm được gì cho hành động cướp tài sản tiền bạc của người khác, chưa kể người không có khả năng mua thuốc có thể bị thiệt mạng. Không thể nào chấp nhận một nền giáo dục khuyến khích tự do nhưng không kèm theo trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội mình đang sống. Một xã hội mà nền giáo dục hoặc hệ thống y tế tốt chỉ dành cho người có tiền thì người lãnh đạo quốc gia đã đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường.

b.  Nhu cầu tự chủ

Thuở xa xưa khi chưa có chính quyền, con người tự làm chủ lấy sinh mệnh của chính mình. Nơi nào không còn thức ăn, con người dời đi nơi khác để tìm thức ăn. Để có thể săn bắt một con thú mạnh hơn mình, hoặc không để thức ăn dư thừa hư thối, họ cùng nhau hợp tác để săn bắt con thú, chia xẻ từng miếng thịt vừa được săn. Cái tinh thần tự chủ để hợp tác, để chia sẻ, để cùng nhau sống còn, tiến hóa đã có từ khi con người nhìn ra sự sống còn của con người phải dựa vào nhau (xã hội) để hợp tác, xây dựng cuộc sống tốt hơn, bền vững hơn cho tất cả mọi người trong xã hội. Đó là đường sống của Người trong một tinh thần tự chủ, hợp tác, nâng cao cuộc sống cho mọi người chứ không phải là cuộc sống mạnh được yếu thua của loài cầm thú.

Cho nên chính quyền phải bảo đảm quyền tự chủ của con người trong xã hội gồm có quyền tự do đi lại, tự do hội họp, tự do biểu tình và đình công, tự do truyền thông, tự do tôn giáo, tự do thành lập các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức nghề nghiệp, tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, và các quyền tự do khác trong cuộc sống của con người.

Để thực hiện tinh thần tự chủ, các cá nhân sống trong xã hội phải có đầy đủ những quyền tự do căn bản này trong một tinh thần sống hòa đồng với tập thể. Khi sống trong tập thể thì quyền tự do ngôn luận phải ở trong một tinh thần trách nhiệm, không chuyển tải tin tức giả dối, không khuyến khích bạo động mà hình ảnh ông Trump trong buổi vận động tranh cử năm 2016 kêu gọi người ủng hộ mình đánh người không ủng hộ mình và ông Trump sẽ trả tiền pháp lý thì đây là tự do ngôn luận mang tính cách bạo động, xúi giục người khác làm hại đến cá nhân có quan điểm khác mình. Hình ảnh ông Trump kêu gọi người ủng hộ mình đến căn nhà Quốc Hội gây bạo động ngày 6 tháng 1 năm 2021 là hình ảnh tự do ngôn luận thiếu trách nhiệm hay còn gọi là lạm dụng quyền tự do ngôn luận.

Quyền tự do kinh doanh cũng phải quan tâm đến môi sinh, lợi hại việc kinh doanh ảnh hưởng đến đời sống của xã hội. Mục đích chính của kinh doanh là phục vụ hoặc đáp ứng nhu cầu của xã hội để từ đó cá nhân kinh doanh nhận lại phần thưởng tài vật hầu bảo đảm kinh tế trong cuộc sống. Mục đích kinh doanh là để làm giàu thì con người có thể sử dụng mọi thủ đoạn, mọi hình thức để làm giàu cho bản thân mà không quan tâm đến xã hội. Cũng là kinh doanh nhưng mang hai mục đích khác nhau để kết quả -- thay vì giúp xã hội thì đi đến hủy diệt xã hội. Hình ảnh cô Elizabeth Holmes, một người phụ nữ trẻ trở thành tỷ phú vì tham vọng làm giàu để cuối cùng cô thành lập một công ty Theranos, bán sản phẩm thử nghiệm máu mà sản phẩm đó không hề có giá trị thực sự. Vì tham vọng giàu, cô đã lừa gạt kêu gọi người khác bỏ vốn vào công ty và những người trong chính quyền (FDA) để được chấp nhận sản phẩm tung ra thị trường làm tăng giá trị của công ty nhằm mục đích để được làm giàu nhanh, lẹ. Theo đánh giá của Forbes năm 2015 thì trị giá tài sản cô này là 4.5 tỷ vì cô có một nửa phần hùn trong công ty Theranos mà cô thành lập. Công ty này vào thời điểm đó được đánh giá trị 9 tỷ. Tuy nhiên tất cả trở thành con số không khi mà giới báo phanh phui ra vụ lừa gạt của cô Holmes trong năm 2018 và cuối cùng công ty của cô sập tiệm.

Tinh thần tự chủ để mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể trong xã hội tự chính mình tạo ra nguồn kinh tế cho mình và từ đó có thể giúp những người khác yếu kém hơn. Các tổ chức thiện nguyện ở các quốc gia tiến bộ mục đích để phục vụ, giúp đỡ những người yếu kém trong xã hội, tạo bớt gánh nặng cho cơ cấu của chính phủ. Cho nên quyền căn bản của mỗi con người trong xã hội phải được bộ máy chính quyền bảo đảm, không được vi phạm những quyền tự do căn bản này.

Ngoài ra con người sống trong xã hội cần sự bảo đảm về mặt kinh tế lẫn an ninh. Khi thiên tai (bão, dịch) đến ngoài ý muốn của con người, bộ máy nhà nước phải có sự chuẩn bị để giúp đỡ những người bị thiên tai, đóng cửa vì dịch về mặt tài chính, kinh tế để người bị thiên tai có thể vươn lên trở lại đời sống tự chủ của chính mình. Khi xã hội xuất hiện những hiện tượng xấu như băng đảng, cướp giựt; bộ máy chính quyền phải trực tiếp chống lại những hiện tượng xấu để bảo đảm an ninh cho những người sống trong xã hội.

Quyền tự chủ bao gồm quyền được quyết định cho hướng đi của quốc gia qua những điều kiện được đặt ra để mỗi người dân có khả năng, nhân cách, nhân phẩm tham dự vào bộ máy chính trị của quốc gia với mục đích không phải để cầm quyền mà để thiết kế và chấp hành nhân sinh cho phù hợp với Duy Nhân Cương Thường.

Bất cứ bộ máy chính quyền nào không bảo đảm những quyền tự chủ của người dân tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường. Tuy nhiên mỗi cá nhân trong xã hội, để được bảo đảm quyền tự chủ này thì cần phải thực hiện trong một tinh thần trách nhiệm để quyền lợi cá nhân không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể (xã hội) mà một vài thí dụ đã dẫn chứng bên trên.

c.  Nhu cầu tinh thần

Con người không chỉ có nhu cầu nhu yếu, nhu cầu tự chủ mà cần phải có nhu cầu tinh thần. Nhờ có nhu yếu, nhờ có tự chủ để tạo ra văn hóa nhằm mục đích phục vụ mặt tinh thần của những người sống trong xã hội.

Cuộc sống luôn luôn là sức ép tạo ra nhiều khủng hoảng tâm-sinh-lý của con người, cho nên những truyền thống văn hóa giúp mọi người giải tỏa những bức xúc trong lòng, giúp mọi người có dịp nhìn lại chính mình qua những tác phẩm văn hóa mang tính nghệ thuật vị nhân sinh, phục vụ quần chúng.

Văn hóa không thể nào là loại văn hóa tuyên truyền mà đảng cộng sản VN đang thực hiện mà là văn hóa độc lập, mang mục đích phục vụ đời sống của người, trong một tinh thần trách nhiệm của người làm văn hóa với xã hội để tạo xã hội càng thăng tiến trong sự hướng thượng, nhân bản.

Văn hóa không thể nào là loại văn hóa vì tiền, vì thị hiếu của quần chúng mà không quan tâm đến tác hại của văn hóa đối với thế hệ tương lai.

Trong các tài liệu của Lý Đông A không có một tài liệu nào chuyên đề nói về Duy Nhân Cương Thường. Nhà xuất bản Gió Đáy dựa vào nhiều tài liệu của Lý Đông A để có bản tài liệu lấy tên là Duy Nhân Cương Thường. Qua những tài liệu đã được ghi lại gồm cả tài liệu Duy Nhân Cương Thường của nhà xuất bản Gió Đáy, người viết diễn dịch Duy Nhân Cương Thường dựa theo tinh thần gốc trên chủ thuyết Duy Dân của Lý Đông A. Nếu sự diễn giải vẫn còn thiếu thì người đọc, hoặc thế hệ sau đó, có thể thêm (bớt) nếu thấy cần thiết cho phù hợp với thực tế. Đây cũng chính là cái hay của thuyết Duy Dân là thuyết mở, không đóng khuôn để thay đổi cho phù hợp với thực tế của xã hội.

Những cương thường bên trên là mục đích mà các cơ cấu trong chính quyền Duy Dân phải dựa vào đó nhằm có những chính sách, luật lệ phù hợp với Duy Nhân Cương Thường để phục vụ đời sống Người.

Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn (P7)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/11/15/co-nang-hien-phap-mot-goc-nhin-p6/

 

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...