Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Sơ Lược Tư Tưởng Lý Đông A Cho Nước Việt Mới

 

Ai cũng biết Lý Đông A (LĐA) đưa ra chủ nghĩa Duy Dân. Tất sẽ có người tự hỏi "thời đại này mà nghe đến chủ nghĩa Duy xxx thì còn mấy ai tin theo?". Thực sự xã hội loài người có cần đến một chủ nghĩa hay triết học để sống hòa hợp với nhau hay không? Để trả lời câu hỏi trên chúng ta hãy nhìn lại quá khứ lịch sử: triết học Đông-Tây góp phần vào sự phát triển nền văn minh của nhân loại. Từ đó phát sinh ra toán học, khoa học, kỹ thuật .... Khi triết học và khoa học chưa giải thích được những bí ẩn của thiên nhiên hay sự hiện hữu của con người thì tôn giáo thay vào đó với niềm tin nơi đấng tối cao (thượng đế). Mục đích của tôn giáo là giúp con người sống có niềm tin, hòa thuận và thương yêu lẫn nhau. Nhưng khi con người tranh sống đã dùng tôn giáo như chiêu bài để tiêu diệt lẫn nhau. Như vậy công thức nào có thể giúp con người sống trong an bình mà không đưa đến sự tranh chấp có thể hủy diệt nền văn minh nhân loại?

Chủ nghĩa Duy Vật và Tư Bản (kinh tế thị trường) đã cho thấy sự khủng khoảng vẫn còn tiếp diễn mặc dù sự phát triển khoa học, kỹ thuật ngày càng tân tiến. Cơ cấu chính trị cho dù dưới chế độ độc tài hay dân chủ vẫn chưa tìm ra phương thức giải quyết những vấn nạn của con người trong đời sống: thực phẩm, nước uống, cư trú, y tế, việc làm, môi sinh.... Cho dù là xã hội đa dạng như Mỹ hay một xã hội chuyên chính như Trung Cộng cũng không thể giải quyết tất cả vấn đề của con người và xã hội. Những cách điều hành của hai chế độ đang đi dần đến chỗ giống như nhau, chỉ khác tên gọi, khi người dân không đồng ý với chính quyền thì sẽ bị trù dập, tù đày, tra tấn, thủ tiêu vì là phản động (như Trung Cộng). Hay sẽ bị chụp mũ là bảo thủ (đảng Cộng Hòa), hay tự do (đảng Dân Chủ) vì người dân có sự chọn lựa (choice) theo kiểu: không chọn lựa thì lỗ ráng chịu. Mà nếu chọn rồi thì há miệng mắc quai. Trò chơi dân chủ (tại Mỹ) chỉ là trò bài 3 lá của người đi trước gạt kẻ đi sau (di dân) vì nhân chủ đã không có thì làm gì có dân chủ?

Phải chăng loài người cần một hướng đi mới?

Vậy chúng ta hãy nhìn lại cái cũ (đống tro tàn) để tìm cái mới.

Một khi nhận định những sai lầm, thiếu sót của Duy Vật và Tư Bản thì chúng ta sẽ thấy cho dù chính quyền độc tài (cộng sản) hay dân chủ (tư bản, kinh tế thị trường) cũng chỉ cố gắng giải quyết trong phạm vi của một quốc gia. Khi áp dụng sang một quốc gia khác thì sẽ biến dạng vì văn hóa, tôn giáo, xã hội... vì thiếu cái nhìn tổng thế (thế giới) và một căn bản chung: con người.

Duy Vật nhìn về một "thế giới đại đồng" nhưng không có con người trong đó. Chủ nghĩa xã hội (hay cộng sản) vì xã hội mà quên con người là căn bản (với những bản sắc cá nhân) thì có xã hội mà mất con người. Xã hội tư bản xây dựng một nền kinh tế thị trường thịnh vượng vì cho phép cá nhân làm giàu nhưng vì tham làm giàu nên con người quên xã hội như thiểu số các tỷ phú, triệu phú nắm các đại công ty. Trong cả hai mô thức trên con người trở thành công cụ cho mục đích (lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện).

Tại Việt Nam, LĐA đã đưa ra chủ nghĩa Duy Dân với triết học tổng thể. Đi từ nền tảng là sự tu dưỡng thắng nhân để có con người "tự kỷ- động tha- ỷ tha" qua Cơ Năng Bản Vị (học thuyết bản vị) để xây dựng Duy Nhân Cường Thường và Duy Dân Cơ năng. Từ đó đi đến Cơ Năng Hiến Pháp. Chỉ khi nào bạn ý thức vai trò của cá nhân trong xã hội để làm việc, đóng góp cho xã hội (qua bản vị, cơ năng) thì xã hội mới thành hình một cách trung thực, không còn kẻ ăn bám hay mượn đầu heo nấu cháo cho dù có bằng cấp, kiến thức....  Chỉ khi nào có Cơ Năng Hiến Pháp  thích ứng được với sự thay đổi của xã hội, con người qua thời đại thì mới xây dựng được Bình Sản Kinh Tế để loài người có thể sống hài hòa với nhau mà không tranh chấp các tài nguyên thiên nhiên hay khai thác quá mức đến độ hủy diệt môi trường sống: trái đất.

LĐA đã không dựa vào tôn giáo để tạo niềm tin giữa con người mà đòi hỏi con người phải tu dưỡng để tự tin nơi chính mình, nhân diện ra ai là người có thể tin tưởng để làm việc, xây dựng vì sinh hoạt giữa con người và xã hội là hai chiều: tự kỷ (biết mình) để động tha (tác động vào xã hội) thì mới có ỷ tha (dựa vào xã hội mà sống). Khi dựa vào tôn giáo là một niềm tin vô hình. Vì vô hình nên những kẻ gian có thể vận dụng để gây xáo trộn trong xã hội. Đó là vấn nạn của tôn giáo thời đại 2000s. Sự phân biệt giáo quyền và chính quyền không còn hữu hiệu khi Hiến Pháp Mỹ vẫn còn là "in the God we trust" nhưng người thuộc đảng Cộng Hòa không còn tin người thuộc đảng Dân Chủ (và ngược lại).

Như vậy LĐA đòi hỏi con người phải vượt lên tôn giáo để làm chủ bản thân. Có nhân chủ thì con người mới xây dựng dân chủ. Dân chủ không thể chỉ là vì Hiến Pháp 300 năm trước nói như vậy (freedom speech) và con người ngày hôm nay muốn nói (chửi, bôi xấu, tin giả, đe dọa, xúi dục...) gì thì nói?

Khi cộng sản nói đến đấu tranh giai cấp để rồi thiết lập giai cấp mới (The New Class, Milovan) cũng như tư bản cho lập nghiệp đoàn để bênh vực công nhân nhưng lại chọn các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện cho phép công ty có quyền tham dự vận động tranh cử để đàn áp dân nghèo (Citizen United). Tam quyền phân lập đã nghiêng ngả khi đệ tứ quyền (tự do báo chí) rơi vào tay các nhà đại tư bản qua các công ty đầu tư trá hình (investment groups). Quốc Hội trở thành nơi tranh chấp của các đại công ty qua giới vận động hành lang. Bầu cử trở thành trò hề khi các chính khách đắc cử, đổi đảng tịch giữa nhiệm kỳ. Khi thượng nghị sĩ, dân biểu trốn họp mặt với cử tri, lo kiếm tiền tái tranh cử hơn là tranh đấu cho cử tri. Khi đảng phái lo phân chia ranh giới quận, hạt để giành phiếu... đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi quốc gia. Và khi nhân quyền được dùng như vũ khí: lúc yếu thế thì đưa ra còn khi có lợi thì quên đi. Làm sao con người có thể ngăn ngừa xã hội qua những lạm dụng như vậy?

LĐA đã đưa ra Cơ Năng Hiến Pháp với Đan Quyền và Cơ Năng Bản Vị để qua tung hợp kiểm soát từng bước trong sinh hoạt chính quyền qua Trung Tâm Hội Nghị các cấp.

Khi loài người có chung một Duy Nhân Cương Thường thì sẽ quy định được nhân quyền chung cho mọi người không phân biệt chủng tộc, địa lý (Đông hay Tây, Bắc hay Nam). Đó là tổng thể mà mỗi quốc gia phải đi qua từng địa phương để con người có cơ hội tu dưỡng và tìm hiểu lẫn nhau chứ không thể bỏ chung trong một Liên Hiệp Quốc để giải quyết các bất đồng quá xa vời.

Tìm hiểu hệ thống tư tưởng LĐA không khó. Nếu khó là chỉ vì con người còn Tham-Sân-Si mà thiếu tu dưỡng. Và tu dưỡng là sự ý thức nơi mỗi cá nhân, không ai ép buộc được. Đó là một tiến trình kéo dài trong nhiều năm, không phải vào học một hai lớp như đại học ở Mỹ là tốt nghiệp, có bằng cấp?

Ai cũng biết trước khi có cách mạng xã hội thì phải có cách mạng nơi bản thân con người. Khi LĐA nói đến "Thắng Nghĩa" là do Thắng Nhân (người có tu dưỡng). Thực hiện Thắng Nghĩa mà không có Thắng Nhân là kẻ xài bạc giả, chơi bài bịp như Lenin, Stalin, Mao hay Hồ...và nay có Trump.

LĐA nói đến thời đại 2000s mà chúng ta thấy có nhu cầu thay đổi về chính trị, xã hội, kinh tế vì sự tiến bộ của khoa học-kỹ thuật nhưng khi khoa học tiến bộ quá nhanh thì loài người không theo kịp vì khác biệt trình độ kiến thức, giàu nghèo... và khi chưa thấy người của thời đại 2000s xuất hiện thì khó mà thực hiện tư tưởng LĐA vào thực tế đời sống con người.

Nếu bạn đã tự hỏi Duy Vật thất bại, Tư Bản lạc đường thì bạn đã đi trên con đường của LĐA vạch ra. Con người trong tư tưởng LĐA là con người có bản sắc cá nhân (biết mình), dùng sở trường và khả năng của bản thân mà đóng góp vào đời sống thực tiễn (tác động vào xã hội), và cuối cùng là hòa mình trong cuộc sống cùng đại chúng (dựa vào xã hội mà sống). Câu hỏi đặt ra là bạn có sẵn sàng để tham dự một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và hướng thượng hay chưa?

Trần Công Lân

Tháng 12 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/07/01/so-luoc-tu-tuong-ly-dong-a-cho-nuoc-viet-moi/

 

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...