Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Hợp Tác

 Thế giới của hôm nay là thế giới mở. Gánh nặng ô nhiễm môi trường không những ảnh hưởng đến quốc gia giàu mà gồm cả những quốc gia nghèo, những thổ dân sống trong rừng núi của Amazon. Bệnh dịch COVID-19 xảy ra ở Trung Quốc để rồi ảnh hưởng đến toàn thế giới càng chứng tỏ thế giới của hôm nay là thế giới mở, không phải đóng kín. Mạng xã hội kết nối mọi người ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Một thế giới mở thì tạo ra nhu cầu hợp tác bởi chỉ có sự hợp tác thì mới tạo ra sự cảm thông -- từ đó có những chính sách phù hợp với mỗi quốc gia, mỗi cá nhân để cùng nhau chung sống hầu giảm thiểu chiến tranh, giảm thiểu những bất loạn của xã hội.

Sự hợp tác có những điều kiện để bảo đảm sự hợp tác đạt tính hiệu quả lâu dài thay vì là ngắn hạn. Điều kiện của bất cứ sự hợp tác nào, tùy theo dạng cá nhân hay tập thể, có thể khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh nhưng không thể nào thiếu sự tôn trọng và thành thật của các đối tượng hợp tác.

Tôn trọng đối tượng hợp tác để tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Tôn trọng để không lợi dụng thế nước lớn hầu áp đặt chủ trương, chính sách vào đối tượng hợp tác; hoặc đặt nước nhỏ trong vị thế phải chịu sức ép để chấp nhận vì không có con đường nào khác. Tôn trọng để lắng nghe hầu tìm ra giải pháp tốt đẹp để sự hợp tác hai bên cùng có lợi.

Có những sự hợp tác mà không cần đòi hỏi quyền lợi vì đối tượng hợp tác không có khả năng để đáp ứng quyền lợi của phía kia. Thí dụ khi thiên tai (bệnh dịch) xảy ra ngoài khả năng của một cơ cấu chính quyền thì sự hợp tác từ các quốc gia khác giúp quốc gia đang bị thiên tai (bệnh dịch) là sự hợp tác tự nguyện, vô điều kiện hầu giải quyết những khó khăn mà quốc gia sở tại đang gặp phải.

Có những sự hợp tác đòi hỏi điều kiện để cải thiện một khía cạnh nào đó trong xã hội trước khi sự hợp tác được thực hiện. Thí dụ một chính quyền không tôn trọng quyền sống của người dân thì quốc gia hợp tác đặt điều kiện chính quyền sở tại phải thực hiện nhu cầu tự do trước khi sự hợp tác xảy ra. Điều kiện này không phải tạo quyền lợi riêng tư của quốc gia hợp tác mà là tạo quyền lợi cho tập thể của quốc gia sở tại. Thực tế thì trong sự hợp tác của các quốc gia hiện giờ để đạt lợi ích của mỗi quốc gia và quốc gia giàu có thường không quan tâm đến chuyện Nhân Bản Cương Thường cho nên sẵn sàng hợp tác với các chính quyền độc tài. Một nước Việt tương lai cần phải nhìn vấn đề hợp tác ở dạng rộng lớn, cởi mở, mang lợi ích không những cho quốc gia khác mà gồm cả đời sống của người dân ở quốc gia sở tại đó.

Nếu Nhân Bản Cương Thường là nền tảng sinh hoạt của một cơ cấu chính quyền thì Nhân Bản Cương Thường cũng là nền tảng của sự hợp tác giữa các quốc gia để tạo sự hài hòa, cùng tiến của mọi quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới này.

Lời cuối

Trong tài liệu Duy Dân của Lý Đông A cho rằng sinh hoạt của chính quyền qua Cơ Năng Hiến Pháp phải đặt trên nền tảng của Duy Nhân Cương Thường. Duy Nhân Cương Thường có thể hiểu một nghĩa khác đó là Nhân Bản Cương Thường, những nền tảng căn bản của đời sống người mà không cần biết cá nhân đó thuộc sắc tộc nào, quốc gia nào đều có những nhu cầu giống nhau mà những nhu cầu này, một số không ít, đã có từ thời nguyên thủy của con người xuất hiện trên quả địa cầu này.

Hệ thống chính trị của quốc gia không phải là để cầm quyền, lãnh đạo, phân quyền mà hệ thống chính trị của quốc gia mục đích chính là thiết kế và chấp hành nhân sinh. Mà để thực hiện mục đích trên thì phải dựa vào nền tảng Nhân Bản Cương Thường. Hiến pháp của một quốc gia cũng phải dựa vào nền tảng Nhân Bản Cương Thường và sinh hoạt của hệ thống chính quyền phải dựa vào Cơ Năng Hiến Pháp (xin xem bài Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn).

Nhân Bản Cương Thường nằm ở vị trí cao hơn Nhân Quyền bởi Nhân Bản Cương Thường đi từ cái gốc của loài người nguyên thủy khi chưa có sự xuất hiện của bất cứ chính quyền nào. Nhân Bản Cương Thường được thay đổi theo sự tiến hóa của xã hội nhưng cái gốc của vấn đề không thay đổi. Con Người có thêm nhiều nhu cầu bởi do sự nhận thức gia tăng theo trình độ tri thức hiểu biết của Con Người. Nhu cầu ăn, ngủ, cư trú, tự chủ, hạnh phúc; bảo đảm an ninh về mặt tinh thần lẫn thể xác; bổn phận và trách nhiệm với xã hội, môi trường sống là nhu cầu căn bản của Con Người sống trên toàn thế giới này.

Người viết bài này cố gắng trong khả năng nhận thức vào đời sống thực tế để đưa ra một cái nhìn mới vượt lên cái gọi là Nhân Quyền bởi cái gọi là Nhân Quyền chỉ là một phần nhỏ của Nhân Bản Cương Thường và phần nhỏ đó không giải quyết được toàn bộ vấn đề mà thế giới đang đối diện của đầu thế kỷ thứ 21.

Là Con Người thì không ai hoàn hảo cho nên bài viết này nếu có phần thiếu sót, mong sự đóng góp của thế hệ sau đó bởi chính thế hệ hiện tại đó, ở tương lai, nhìn vấn đề thực tế hơn, rõ ràng hơn trong cái hoàn cảnh của tương lai.

Ít nhất đây là bài viết xây dựng nền tảng suy nghĩ về mặt đời sống của người để người Việt ở hiện tại cũng như tương lai có cái nhìn tổng thể (toàn vẹn) hầu có thể xây dựng hệ thống xã hội, chính quyền trên nền tảng này. Có thể nền tảng này không hoàn hảo lắm nhưng ít nhất nó nói lên toàn bộ vấn đề mà cái gọi là tuyên ngôn quốc tế nhân quyền chưa nói đến.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/06/01/nhan-ban-cuong-thuong-nhu-cau-hop-tac/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...