Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Chuẩn Bị

 

Trong cuộc sống của mỗi người, từ việc làm đến chuyện đi du lịch hoặc bất cứ chuyện nào trong đời sống cá nhân đều phải có sự chuẩn bị. Chuẩn bị là một đức tính cần thiết, quan trọng trong cuộc sống của cá nhân cũng như xã hội.

Nhiều người chọn thái độ tới đâu hay tới đó hoặc nói nôm na là chờ nước đến chân rồi mới tính chuyện tìm cách giải quyết vấn đề. Lúc đó thì đôi lúc đã quá trễ. Hoặc nếu có giải quyết được vấn nạn thì chi phí cao hoặc không có đủ tài lực, nhân lực để giải quyết vấn nạn cần phải giải quyết.

Chuẩn bị gồm có hai phần: Chuẩn bị cho công việc và chuẩn bị tinh thần. Cả hai đều quan trọng mà sự chuẩn bị cho tinh thần mang tính cá nhân cho bản thân trong khi chuẩn bị công việc mang tính đại chúng, có thể ảnh hưởng đến số đông.

Chuẩn bị công việc

Làm việc mà không có sự chuẩn bị thì kết quả của công việc khó mà thành công. Công việc có thể là việc làm, bổn phận của một cá nhân đối với công việc hay dự án nào đó. Thông thường sự chuẩn bị gồm có bốn giai đoạn: (1) Quan sát thực tại để đánh giá sự kiện. (2) Sau khi nhận diện được ưu-khuyết của thực tại thì đưa ra phương án để giải quyết vấn đề. Nếu là công việc làm chung với người khác thì phương án phải được bàn thảo để đưa đến một đồng thuận trong phương cách giải quyết vấn đề. (3) Sau khi đã đồng ý phương án thì sẽ đưa phương án vào thực tế hành động hầu vận dụng nhân lực, tài lực, thời gian nhằm đạt hiệu quả cao của phương án đặt ra. (4) Giai đoạn cuối là đánh giá hiệu quả của công việc đề điều chỉnh cách giải quyết vấn đề hầu làm cho hiệu quả tốt hơn.

Thí dụ A: (1) Một tai nạn môi sinh xảy ra trong tiến trình sản xuất của một công ty. Sau khi quan sát thực tế của hiện trường môi sinh, (2) công ty sẽ họp lại với nhiều người để tìm giải pháp dọn dẹp môi trường đã bị ảnh hưởng đồng thời tìm ra phương án để tránh sự kiện không lập lại. Trong thời gian này, vấn đề nhân sự và tài chính cũng sẽ được đưa ra hầu tìm đúng công ty để gii quyết chuyện dọn dẹp những tác hại xảy ra cho môi sinh. (3) Khi đã đồng ý với quyết định đã đưa ra thì người chịu trách nhiệm sẽ liên lạc với các nhân sự (công ty) khác có khả năng để đưa quyết định vào thực tế hành đồng. (4) Sau khi những hệ quả của môi trường được giải quyết xong thì công ty ngồi lại, đánh giá vấn đề để nếu việc giải quyết vẫn chưa như ý muốn thì thảo luận để tìm một phương cách tốt hơn, hầu đem kết quả dọn dẹp môi sinh trở về trạng thái cũ hoặc tốt hơn. Tiến trình này luôn luôn xảy ra ở bất cứ công sở nào và gồm cả phương diện cuộc sống cá nhân.

Thí dụ B: (1) cả gia đình dự định một chuyến đi chơi vào mùa hè. (2) Nhưng đi ở chỗ nào và đi bao lâu cần phải có sự thảo luận để đi đến quyết định về tài chính, phương tiện dy chuyển, chỗ ở hoặc những nơi sẽ đi. (3) Sau khi đã quyết định ở phần 2 thì đưa vào hành động, tức là nếu chọn phương tiện là xe thì phải đặt xe, đặt chỗ ở, và đặt những nơi cần phải đi bởi có những nơi đòi hỏi phải đặt trước một tháng hoặc vài tháng. (4) Sau khi chuyến đi chơi xong thì rút ra bài học kinh nghiệm, nếu có thiếu sót thì kiện toàn sự thiếu sót đó cho chuyến đi sau tốt hơn.

Bốn tiến trình chuẩn bị bên trên, xem ra có vẻ rất dễ hiểu, tự nhiên trong cuộc sống. Thực tế thì ít ai nghĩ đến đó là sự chuẩn bị.

Chuẩn bị tinh thần

Nếu sự chuẩn bị công việc dựa vào thực tế thì chuẩn bị tinh thần là một chuẩn bị ở tương lai cho những sự kiện chưa xảy ra.

Trên phương diện đất nước thì một chính quyền biết lo xa, luôn luôn chuẩn bị tinh thần để dự đoán và chuẩn bị biện pháp đối phó nếu sự kiện xảy ra. Nếu chính quyền không làm điều này và khi sự kiện thiên tai xảy ra -- thì lúc đó, chính quyền sẽ bối rối không biết giải quyết ra sao. Còn nếu đã có sự chuẩn bị tinh thần, tức là đã có những bài bản cần phải làm nếu sự kiện xảy ra thì có thể đem những chuẩn bị ra áp dụng vào trong thực tế. Đây là trường hợp chuẩn bị tinh thần cho những thiên tai hoặc những nguy hiểm từ bên ngoài áp đặt vào đất nước, hầu có thể đáp ứng với tình hình thực tế nhanh, lẹ, giải quyết chuyện cứu người khi cần thiết.

Một chuẩn bị tinh thần khác mang tính cá nhân nhưng rất quan trọng bởi thực tế ít ai nghĩ đến khi một sự kiện nào đó xảy ra cho chính mình hay người thân của mình. Có khi nào bạn nghĩ mình sẽ làm gì, tinh thần phải chuẩn bị ra sao, nếu một mai, vì bị bệnh tim, làm nửa cơ thể của bạn không thể hoạt động một cách bình thường? Hoặc nếu người phối ngẫu của bạn đột nhiên qua đời, bạn sẽ phải ứng xử với cuộc sống còn lại ra sao?

Con người trong cuộc sống hay có thói quen là xem những chuyện đi đứng, quan hệ lo lắng giữa hai vợ chồng là chuyện bình thường bởi đó là lẽ sống của cuộc đời con người. Nhưng khi một sự kiện nào đó xảy ra, người trong cuộc, nếu không hề chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sống với thực tế của hiện tại thì chính những khó khăn của hiện tại có thể làm cho tinh thần của cá nhân bị khủng hoảng.

Chuẩn bị tinh thần là đặt ra những sự kiện chẳng hạn như về cái chết, về thiên tai xảy ra trong cuộc sống, về những tai nạn có thể xảy ra cho chính bản thân hay người thân yêu của mình thì phản ứng mình ra sao trong mỗi hoàn cảnh đó. Những suy tư dự đoán đó tạo cho chính bản thân một thái độ, một tinh thần để đáp ứng với sự kiện xảy ra như dự đoán.

Cuộc sống con người ở thời đại khoa học k thuật tuy cao nhưng không có nghĩa là khoa học k thuật sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề của con người đối diện. Phần quan trọng nhất mà con người phải ứng phó đó là chuẩn bị về mặt tinh thần để có thể đáp ứng với tình thế mà bản thân đối diện. Sự chuẩn bị tinh thần này sẽ làm cho tâm trí bớt bị căng thẳng trước thực tế mà không ai muốn xảy ra cho chính bản thân mình.

Sự tu dưỡng bản thân hay còn gọi là Tu Dưỡng Thắng Nhân cần phải chuẩn bị. Hy vọng bài viết này góp một phần nhỏ cho bản thân của mỗi người, quan tâm về sự tu dưỡng bản thân, có dịp để suy ngẫm với chính mình hầu có sự chuẩn bị cho chính mình và mọi người thích ứng với mọi hoàn cảnh trong đời sống của xã hội.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 2 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/08/24/tu-duong-thang-nhan-chuan-bi/

 

 

Bàn Về Dân Chủ

 Chúng ta luôn kêu gọi đấu tranh để có một nền dân chủ cho Việt Nam tương lai. Tuy nhiên chúng ta chưa bao giờ ngồi xuống để thảo luận dân chủ là gì, thế nào gọi là dân chủ, và dân chủ dựa trên nền tảng nào? Nếu ai đó đã có sự thảo luận thì cũng ít người biết; và rồi mọi người cũng sẽ quên bởi đôi khi thảo luận trong những buổi trà dư tửu hậu thì sự chú ý hoặc suy tư đôi khi mang nhiều cảm tính hơn là lý luận vững chắc dựa vào thực tế.

Dân chủ là gì?

Đây là câu hỏi không phải dễ trả lời nếu không tìm hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề dân chủ. Hãy cùng nhau tìm định nghĩa dân chủ qua tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh: Dân chủ là chủ quyền của quốc gia thuộc toàn thể nhân dân.

Dựa trên tự điển thì từ Dân Chủ vẫn chưa diễn đạt đầy đủ ý nghĩa của hai chữ Dân Chủ. Để hiểu rõ hai chữ Dân Chủ chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từng chữ một.

Dân: tức là người trong nước hay trong một địa hạt. Chủ: chủ nhân, tự mình.

Dân Chủ theo ý nghĩa đầu tiên là mỗi người dân phải tự mình làm chủ lấy chính bản thân mình. Điều này đã xảy ra từ lúc con người xuất hiện trên trái đất ở thời kỳ kém văn minh, ăn lông ở lổ.

Làm chủ lấy bản thân mình đòi hỏi một số điều kiện mà thời nguyên thủy mọi người đã có: quyền tự do của Con Người. Chỉ khi nào con người làm chủ được bản thân của chính mình trong cuộc sống thì lúc đó mỗi người trong quốc gia đó, được gọi là người dân, mới có thể làm chủ được đất nước của mình.

Các nước độc tài mà Việt Nam là thí thụ điển hình, người dân hoàn toàn không có quyền làm chủ lấy bản thân và cuộc sống của chính mình cho nên người dân hoàn toàn không hề làm chủ được đất nước. Chính nhà cầm quyền (đảng csvn) độc tài làm chủ đất nước và bắt người dân làm nô lệ cho chính những chủ nhân ông đang cầm quyền. Đây là hình thức nô lệ kiểu mới của thế kỷ 20 và 21.

Ở những quốc gia Tây Phương, tuy có cơ chế dân chủ nhưng thực tế người dân, đa số hoàn toàn không hề làm chủ được bản thân họ, trái lại họ bị những người làm chính trị, dùng tâm lý để lấy lá phiếu hầu được bầu vào cơ chế lãnh đạo. Khi đã vào cơ chế lãnh đạo đó, họ đi ngược lại quyền lợi của người dân qua những đạo luật mà đảng của họ muốn thực hiện trong tiến trình cầm quyền ở Quốc Hội với thành phần đa số.

Ngay cả cơ chế dân chủ của Mỹ, với hệ thống không cần thanh lọc những người vào vị thế lãnh đạo có tài, có đạo đức cho nên ở những chức vụ quan trọng như Quốc Hội, Tổng Thống, Tòa Án Tối Cao, các cá nhân cầm quyền sẵn sàng nói dối, không có đủ khả năng, tư cách, nhân cách để lãnh đạo. Những cá nhân chỉ vì đảng cho nên bị các công ty mua chuộc. Người dân chỉ đi bỏ phiếu chứ thực sự hoàn toàn không làm chủ được đất nước của chính họ bởi đơn giản họ không làm chủ được bản thân cho nên bị các nhà chính trị lừa gạt mà họ không hề biết điều đó. Từ tư pháp, hành pháp, lập pháp bị khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch s của đất nước Hoa Kỳ mà chính những người sáng lập ra đất nước này không thể hình dung được một nước Mỹ như hôm nay với những nhà lãnh đạo xem thường luật pháp và sẵn sàng sửa đổi luật để đạt quyền lợi của đảng, cá nhân thay vì quyền lợi của người dân và đất nước.

Nguồn gốc dân chủ

Chúng ta đều biết ý niệm dân chủ phát xuất từ cổ Hy lạp trong phạm vi nhỏ (city state). Phải chờ đến cuộc cách mạng Mỹ 1776 và Pháp 1789 thì cơ chế dân chủ mới thành hình.

Tuy vậy, cả hai cuộc cách mạng xảy ra dưới hình thức chống lại bất công hay áp bức và chịu ảnh hưởng của tôn giáo chứ không phải triết học và người dân tham dự khi bị dồn vào đường cùng chứ không phải qua sự hiểu biết về dân chủ (dân trí). Khi chính quyền dân chủ được thành hình thì giai cấp quý tộc, ưu tú vẫn nắm quyền và người dân vẫn bị động cho dù với danh nghĩa dân quyền, dân chủ nhưng khi nhân quyền chưa được phổ biến thì tất cả chỉ là bánh vẽ.

Cuộc cách mạng vô sản tại Nga 1917 cũng chỉ là ảo thuật của đảng cộng sản (Bolshevik) khi tầng lớp công nhân bị lôi cuốn vào cuộc cách mạng chấm dứt vương quyền để đi vào chế độ độc tài chuyên chính.

Nhân quyền chỉ xuất hiện 1948 khi Liên Hiệp Quốc thành hình. Khi nhân quyền đến sau nền dân chủ thiết lập thì đó là cái cày trước con trâu.

Khi giáo quyền còn ảnh hưởng đến con người và chính quyền thì nhân quyền không có chỗ đứng vì những người còn chịu ảnh hưởng của giáo quyền vẫn tin vào thượng đế và sự ỷ lại vào đấng tối cao sẽ ngăn trở việc thực hiện nhân quyền (vấn đề phá thai).

Ngược lại khi có nhân quyền thì người dân có thực hiện hay bỏ lơ vì tôi có quyền thực hiện (nhân quyền) hay không là do tôi? Như vậy nhân quyền là ai xác định? Và là bổn phận hay trách nhiệm của cá nhân sống trong xã hội hay biệt lập?

Con người sẽ không có ý thức về nhân quyền cho đến khi sống, tham dự xã hội và bị chèn ép, áp bức, bóc lột. Chúng ta rơi vào tình trạng "quả trứng và con gà": con người-xã hội-nhân quyền sẽ diễn tiến như thế nào?

Con người không có nhân quyền (hay có mà không thực hiện) thì không có nhân chủ.  Không có nhân chủ thì không có dân chủ vì con người không ý thức trách nhiệm làm người thì sinh hoạt dân chủ chỉ là trò hề.

Dân chủ không có nghĩa là mỗi cá nhân đều là ông chủ và làm theo ý thích cá nhân. Dân chủ là toàn bộ sinh hoạt của quốc gia qua các cơ cấu chính quyền. Người dân phải hiểu toàn bộ vấn đề của đời sống cá nhân và xã hội chứ không phải tham dự sinh hoạt dân chủ qua sở thích cá nhân.

Giáo dục (dân trí) nếu có sẵn cho con người nhưng con người có quyết tâm thực hiện hay không? Vậy hãy thử xem khi có "Nhân luận" thì chúng ta sẽ nghĩ gì, làm gì.

Thế nào gọi là dân chủ?

Khi người dân đã biết làm chủ được bản thân mình (xem đề tài nói về Tự Chủ của giáo sư Lê Hữu Khóa) thì lúc đó người dân mới có thể suy tư để đưa ra một cơ chế dân chủ, để mọi người cùng hài hòa sống chung với nhau và bầu ra người lãnh đạo với nhiệm vụ Thiết Kế và Chấp Hành Nhân Sinh trong hệ thống sinh hoạt của xã hội.

Trả lời câu hỏi bên trên tạm thời giải thích qua dạng dân chủ pháp trị. Hiện nay trên thế giới đã có bốn loại hình thức dân chủ gồm có dân chủ trực tiếp (Direct democracy), dân chủ qua đại diện (Representative democracy), dân chủ qua hiến pháp (Constitutional democracy), và dân chủ qua kiểm soát (Monitory democracy).

Tuy chia ra làm bốn loại nhưng thực tế có những quốc gia sử dụng vài loại bên trên. Tại Mỹ, có những tiểu bang ngoài người đại diện được quyền làm luật thì người dân có quyền đưa kiến nghị để đưa luật vào trong các cuộc bầu cử và nếu người dân thông qua kiến nghị thì sẽ thành luật. Đây là hình thức của dân chủ trực tiếp mà chính người dân đưa ra kiến nghị để bỏ phiếu cho thành luật. Tiểu bang California là thí dụ điển hình.

Sinh hoạt dân chủ của Mỹ gồm có cả dân chủ hiến pháp mà hiến pháp phân chia quyền hạn giữa tiểu bang và liên bang. Đồng thời sinh hoạt dân chủ của Mỹ cũng được xếp vào dân chủ qua đại diện mà người dân chọn thẩm phán, dân biểu, thống đốc, tổng thống, thượng nghị sĩ vào cơ chế cầm quyền.

Hình ảnh của Mỹ cho thấy là dân chủ Mỹ được phối hợp vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, vừa dựa vào hiến pháp để điều hành một cơ chế của chính quyền. Nhưng cũng qua những biến động của vài năm qua, nền dân chủ của Mỹ đang trên đà suy thoái bởi những người được bầu vào cơ cấu cầm quyền là những con người không có khả năng cũng như không đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân và đảng phái.

Khi chúng ta quan niệm dân chủ là đa số thắng thiểu số, vậy thì, nếu đa số dân tộc Kinh sống tại Việt Nam, tước đoạt quyền sống của các dân tộc thiểu số miền núi -- thì phải chăng dân tộc thiểu số đó, sẽ không bao giờ có được cái quyền sống và đấu tranh trong một tinh thần đa số thắng thiểu số bởi họ sẽ không bao giờ là đa số được? Vậy thì cái “dân chủ” đó, sẵn sàng cướp đoạt quyền sống của một dân tộc thiểu số trong cùng một quốc gia có thực sự là “dân chủ”?

Ngay cả dân chủ dựa trên đa số thắng thiểu số nhưng hệ thống bầu cử liên bang của Mỹ hoàn toàn không dựa trên con số này cho nên có những vị tổng thống thắng cử nhưng nếu dựa theo số phiếu của người dân thì không nhiều bằng người thua cuộc. Cho nên bài toán gọi là cơ chế dân chủ không phải là một bài toán dễ bởi những nước gọi là ánh sáng dân chủ như Hoa Kỳ đã cho chúng ta thấy lổ hổng to lớn trên cơ chế dân chủ hiện giờ của Hoa Kỳ và sẽ khó, nếu không muốn nói là không bao giờ, thay đổi để làm cho tốt hơn với tình trạng đảng tranh hiện giờ.

Dân chủ dựa trên nền tảng nào?

Như đã trình bày bên trên, nếu dân chủ chỉ dựa vào đa số thắng thiểu số thì thành phần thiểu số sẽ không bao giờ đạt được đa số để tranh đấu cho quyền lợi sống của thành phần thiểu số. Thành phần thiểu số trong xã hội gồm những người tàn tật, những người đồng tình luyến ái, những sắc dân thiểu số sống trong cùng một quốc gia. Những thành phần này sẽ không bao giờ trở thành đa số trong xã hội để dựa vào tiêu chuẩn đa số thắng thiểu số.

Vậy thì cái gốc của Dân Chủ không phải là đa số thắng thiểu số, cũng chẳng phải là trực tiếp hay gián tiếp qua sự tham dự của người dân mà cái gốc của Dân Chủ là phải dựa trên nền tảng Nhân: Nhân Chủ, Nhân Tính, Nhân Bản, Nhân Sinh, Nhân Cách, Nhân Đạo, Nhân Ái, Nhân Tình, Nhân Tri, Nhân Trí ….

Nói theo Lê Hữu Khóa thì “dân chủ là động não để tổ chức xã hội theo hướng công bằng, vận não để quản lý kinh tế theo quy luật của pháp lý, vắt não để bảo vệ tự do phải đi song hành với bác ái”.

Nói theo Lý Đông A thì Cơ Năng Hiến Pháp (Cơ Chế Thiết Kế và Chấp Hành Nhân Sinh) phải dựa trên nền tảng là Nhân Bản Cương Thường (Duy Nhân Cương Thường). Dân chủ phải dựa trên nền tảng Nhân Chủ.

Khi nói đến Dân Chủ mà không nói về Con Người Tự Chủ, một nền tảng quan trọng của Dân Chủ, thì nền dân chủ chỉ là hình thức bởi không có Con Người Nhân Bản thì Putin, Nguyễn Phú Trọng đại diện đảng CSVN, Trump cũng nói về dân chủ nhưng tất cả chỉ là sơn đông mãi võ chứ hoàn toàn không có Dân Chủ thực sự bởi những cá nhân đó thiếu chữ Nhân.

Khi quần chúng không tự làm chủ được chính mình (suy nghĩ, hành động, đặt câu hỏi ngược-xuôi, tôn trọng sự thật, quan tâm đến Con Người và Xã Hội) thì họ sẽ bị những cá nhân làm chính trị, với nhiều mưu lược gian xảo, sẵn sàng dẫn dắt quần chúng theo mình; các nhà chính trị sẵn sàng nói láo, gian trá một cách thoải mái, không biết ngượng bởi họ không có Nhân Cách, bởi họ nghĩ là họ đã thu phục được tâm của quần chúng thiếu tinh thần tự chủ (Nhân Chủ).

Kết

Kể từ khi loài người (Homo sapien) xuất hiện cho đến khi chúng ta biết về dân chủ, nhân quyền và muốn thực hiện dân chủ, nhân quyền thì thế giới đang bị đe dọa bởi môi sinh, chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch, kỳ thị, tôn giáo.... Thật khó mà giáo dục con người trong hoàn cảnh như vậy. Giả sử nhân quyền xác định con người có giá trị và quyền sống như nhau để có thể "toại kỳ sở nhu" với điều kiện "tận kỳ sở năng" thì những người dân nước giàu và nghèo có đồng ý với nhau không?

Đó phải chăng là bước đầu của Nhân Chủ để đi đến Dân Chủ?

Để tự mình làm chủ lấy chính bản thân mình xem ra khó chứ không phải dễ. Khó vì các trường sở nào có dạy phương cách để chính mỗi cá nhân tự làm chủ lấy bản thân của mình. Nói thế không có nghĩa là mỗi người trong chúng ta không tự làm chủ được chính mình. Chủ đề Tu Dưỡng Thắng Nhân được trình bày trên trang mạng Ngàn Lau, Quyền Được Biết, Nhân Chủ và ở những trang mạng khác đưa ra những vấn đề thực tế trong cuộc sống mà mỗi cá nhân cần phải suy tư để tạo ra lối ứng xử mà bản thân mình quyết định chứ không phải để Tham-Sân-Si trong chính con người của mỗi người điều khiển bản thân của mình.

Chỉ khi nào chúng ta đánh giá được sự quan trọng của vấn đề Nhân trong cuộc sống và chỉ khi nào mỗi người trong chúng ta biết Tự Chủ (Nhân Chủ) là gì thì lúc đó, Dân Chủ sẽ hình thành một cách tự nhiên bởi mỗi con người trong xã hội đều quan tâm đến vấn đề Thiết Kế và Chấp Hành Nhân Sinh trong sinh hoạt của xã hội.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/08/01/ban-ve-dan-chu-2/

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...