Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P1)

 

Tại sao Lý Đông A viết Sinh Mệnh Tâm Lý?

Lý Đông A sinh ra trong thời kỳ chủ nghĩa Duy Vật đang bành trướng khắp nơi từ Âu (Nga) qua Á (Trung Hoa) và tràn vào Việt Nam. Nhìn thấy bộ mặt thật của người Cộng Sản cùng với hiểm họa Hán hóa, Lý Đông A tất nhiên phải đi tìm một lối thoát cho dân tộc Việt. Dã tâm của cộng sản là khởi đi từ gian dối, hiểm độc và đê tiện. Từ sự thành công của cộng sản tại Nga đã phát triển về mặt nghiên cứu tâm lý con người để khuất phục quần chúng và từ đó cai trị xã hội dưới bàn tay sắt (thí nghiệm của Pavlov là một ví dụ điển hình). Khi phát triển tại Trung Hoa đã được bổ túc thêm qua giấc mộng bành trướng, xâm chiếm chư hầu làm bá chủ thế giới của các vua Trung Hoa để lại từ thời Tần Thủy Hoàng. Muốn chống lại hiểm họa đó, Lý Đông A nhìn thấy chỉ có cách giáo dục con người. Muốn giáo dục thành công thì phải hiểu tâm lý của đối tượng. Muốn hiểu tâm lý đối tượng thì trước nhất phải hiểu mình (tự kỷ) và biết mình đi về đâu (đạo kỷ). Và đây cũng là bản thể đầu tiên trong 5 bản thể mà Lý Đông A đã đưa ra: "Đạo kỷ là Tự kỷ nguyên nhân, vô sai biệt phạm trù".

Khi viết Sinh Mệnh Tâm Lý, Lý Đông A đã chú trọng đến căn bản của con người. Con người có Tâm và Thân. Thân xác con người giống nhau nhưng Tâm thì hoàn toàn khác biệt. Từ khi sinh ra, các đứa trẻ có sinh hoạt giống nhau vì chúng chưa phát triển cá tính. Nhưng khi lớn lên chúng hấp thụ những gì xảy ra xung quanh: gia đình, xã hội, học đường. Từ đó chúng tự tạo lấy một cá tính riêng biệt: có thể chịu ảnh hưởng của gia đình, tôn giáo, bạn bè, nghề nghiệp hay bắt chước một hình ảnh của một nhân vật kiểu mẫu (thần tượng) nào đó mà chúng ưa chuộng. Một phần nhỏ cá tính của đứa trẻ có từ bố mẹ do hệ thống DNA; tuy nhiên, cá tính ảnh hưởng này rất nhỏ so với cá tính tự hình thành từ đứa trẻ do ảnh hưởng bên ngoài và nhận thức bên trong để hình thành lên cá tính đặc biệt của bản thân.

Có những đứa trẻ lớn lên trong cùng hoàn cảnh xã hội, nếu gia đình có giáo dục thì không nói làm gì vì đứa trẻ sẽ chịu ảnh hưởng của giáo dục gia đình. Nhưng nếu không có sự giáo dục từ gia đình thì sao? Chẳng lẽ đứa trẻ sẽ trở thành hư hỏng vì giáo dục của nhà trường không đủ để hướng dẫn đứa trẻ trở thành công dân tốt. Cho dù hoàn cảnh bản thân và xã hội ra sao, nếu đứa trẻ có khả năng quan sát để tự giáo dục và làm chủ bản thân thì cuộc sống (sinh mệnh) của chính bản thân sẽ thay đổi.

Do đó Lý Đông A đã lấy giáo dục làm trọng điểm của cuộc cách mạng về con người, vì đứa trẻ lớn lên trong một xã hội đã có sẵn, chúng bị ảnh hưởng ngay từ nhỏ trước khi có đủ trí khôn để lựa lọc, phân biệt tốt xấu; chưa nói là cha mẹ, gia đình, học đường, xã hội đã khuôn ép chúng vào một hướng đã định mà họ cho là tốt đẹp cho đứa trẻ. Nhưng có thực như vậy không? Nếu quả thực như vậy thì có lẽ chúng ta, hôm nay, không phải đi tìm một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và hướng thượng. Vì sao có thể nói như vậy? Vì chúng ta đã thấy thế giới và nhân loại đang bế tắc trước những khủng hoảng chính trị, xã hội, kinh tế, môi sinh....

Vậy chúng ta hãy xem Lý Đông A đã nói gì trong Sinh Mệnh Tâm Lý.

Như đã đề cập đến trong Sinh Mệnh Tâm Lý chúng tôi đã tự hỏi mệnh đề "Sinh Mệnh Tâm Lý" mà Lý Đông A đưa ra có ý (1) Sinh mệnh (cuộc sống) và Tâm lý; hay là (2) Sinh Mệnh Tâm Lý gồm Sinh lý, Mệnh lý và Tâm lý? Lý do là nếu Lý Đông A biết về Dịch Lý nên mới lấy hiệu là Thái Dịch. "Thái" là đầy đủ như trong Dịch (Thái Dương, Thiếu Dương...) mà Dịch (yếu tố 1*) như cổ nhân đã nói là để "thông chí thiên hạ và để định nghiệp thiên hạ". Như vậy nếu Lý Đông A đã nói đến Sinh lý (lẽ sống) và Tâm lý (ý muốn) thì Mệnh lý  (số mệnh) phải có vai trò của nó như chúng ta sẽ thấy trong một số tài liệu Duy Dân mà Lý Đông A có nhắc đến. Cũng như phần Tu Dưỡng, Lý Đông A đã đưa ra Đạo kỷ, Tự kỷ là phần bản thân nhưng muốn biết mệnh lý để truy tìm Sinh lý và Tâm lý thì phải biết Tử Vi (yếu tố 2*). Vì Tử Vi là môn học để tìm hiểu bản mệnh (số mệnh), và chúng ta sẽ thấy rải rác trong các tài liệu Duy Dân có nhắc tới Mệnh và Thời (hay Hạn trong Tử Vi).

Bạn có thể không hiểu Tử Vi nhưng bạn tin là con người sinh ra đều có sự sắp đặt bởi nhiều yếu tố nội tại và ngoại tại. Sự lựa chọn nghề nghiệp của bạn đôi khi không phải là cái bạn muốn mà là do yếu tố nội tại và ngoại tại đưa bạn đến nghề nghiệp hiện tại. Có thể bạn không tin điều đó nhưng nếu nhìn lại thì bạn sẽ chiêm nghiệm là cái nghề nghiệp hoặc tánh tình hiện có đều phát xuất từ nội tại phối hợp với ngoại tại để tạo ra chính bạn hôm nay. Đó chính là một quá trình nếu nhìn theo khoa học Đông Phương thì có thể gọi là Tử Vi, một Sinh Mệnh Hệ Thống được hình thành từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành, lúc về già. Cái Sinh Mệnh Hệ Thống đó tốt hay xấu là ở ngay chính tâm thức của bạn nhìn vấn đề con người, xã hội ở mức độ nào trên góc nhìn của Duy Nhân Cương Thường.

Để hiểu tư tưởng Duy Dân của Lý Đông A, bạn cần phải hiểu ở Tâm Sinh Lý của chính mình, nhìn qua quá khứ để chiêm nghiệm những điều Lý Đông A nói trong từng tài liệu. Chỉ khi nào bạn thấy được chính mình, những tính xấu, những tính tốt bằng cái nhìn thành thật ở chính mình để hiểu rõ tâm lý của chính mình thì lúc đó bạn sẽ thấy mức tu dưỡng của bản thân ở đâu; và qua mức tu dưỡng đó bạn có thể diễn đạt Duy Dân qua kinh nghiệm của bản thân cũng như vào thực tế cuộc sống của mỗi người. Đây chính là điều đầu tiên (xác định rõ mức tu dưỡng của bản thân) một người muốn tìm hiểu Duy Dân phải thực hiện chứ không phải ôm những triết lý Duy Dân mà chính bản thân mình không hiểu được Tâm Sinh Lý của chính mình.

Tâm Sinh Lý của chính bạn tạo cho bạn sống biết, sống thật, sống đúng. Hoặc cũng Tâm Sinh Lý đó tạo cho bạn giả sống biết, giả sống thật, giả sống đúng mà bạn không hề biết đó là giả. 

Vậy Mệnh lý mà Lý Đông A nói đến có quan trọng không? Vì nói đến Tử Vi thì có người phản bác cho là mê tín? Vậy khi Lý Đông A nói đến "chính kỳ sở mệnh", khi nào là "chính kỳ" để biết "sở mệnh"? Làm sao biết "chính kỳ", "sở mệnh" nếu không dựa vào khoa Tử Vi? Cũng như khi Lý Đông A nói đến "Tính, Tâm, Thân, Mệnh". Tính (hay Tướng) và Tâm đã được nhà Phật giải thích. Còn "Thân" và "Mệnh" thì trong Tử Vi có trình bày. Nếu có bạn không đồng ý thì có thể đề nghị cách giải thích khác chăng?

Một thắc mắc khác là Phật học (yếu tố 3*), Lý Đông A đã dùng các từ ngữ Phật học trong các tài liệu Duy Dân. Lý Đông A hiểu lý thuyết nhà Phật thì không lấy làm lạ. Nhưng nếu Lý Đông A chỉ mượn một vài lý tắc của nhà Phật để gợi hứng cho người sau thêm vào quá lố tới mức độ khi hậu sinh đọc và tự hỏi Lý Đông A muốn cán bộ Duy Dân phải đi tu trước khi làm cách mạng hay sao?  Mặt khác Lý Đông A không nói ra nhưng phải hiểu ngầm là có kiến thức về Dịch Lý, Tử Vi và Phật học sẽ giúp hiểu Duy Dân nhiều hơn những gì Lý Đông A đưa ra. Và để có kiến thức như vậy thì muốn nghiên cứu tư tưởng Lý Đông A (Duy Dân) phải có một căn bản vững chắc về đạo học Đông Phương. Chính vì thế không phải ai cũng có thể đọc và hiểu (chưa nói đến thực hiện vì Lý Đông A đã bỏ trống).

Chúng ta sẽ điểm qua 3 yếu tố (Dịch lý, Tử vi, Phật học) này khi bàn tới các tài liệu Duy Dân.

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P2)

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/01/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p1/

 

 

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P2)

 

I. Căn bản chủ nghĩa

A. Vũ trụ, xã hội, tư tưởng thành một hệ thống nhất 

Nếu con người (cá nhân) sống một mình trong rừng núi như thời tiền sử thì có lẽ mối quan tâm về vũ trụ, xã hội (tập thể con người) và tư tưởng sẽ không bao giờ thành hình để quấy nhiễu con người.

Nhưng vì con người có suy nghĩ (tư tưởng) nên cuộc sống (sinh mệnh) mới khác biệt từ đời này qua đời khác được ngắt đoạn bởi sống-chết. Và chỉ có con người biết chỉ huy cuộc sống vì nhận thấy sống-chết đi đôi với nhau (một thể duy nhất).

Khi Lý Đông A nói đến "vũ trụ, xã hội và sinh mệnh (cuộc sống của một cá nhân) là một thể hữu cơ và thống nhất từ bản thể cho đến cơ năng vận động" là ông muốn nhấn mạnh tương quan về thế giới chúng ta đang sống: hữu cơ.  Thiên nhiên (môi sinh) giúp các loài sinh-thực vật phát triển tạo nên con người và xã hội. Trong đó bản thể và cơ năng phải thống nhất để sinh hoạt và phát triển nếu ngược lại là tự diệt. Con người sống cần có xã hội. Cả cá nhân con người và xã hội đều cần đến thiên nhiên. Cả 3 yếu tố Con Người, Xã Hội, Thiên Nhiên phải phối hợp với nhau qua các quy luật thống nhất và cơ năng vận động.

Khi Lý Đông A nói đến bản thể (bản vị) là ông đã chú trọng đến đơn vị con người như một cá thể trong xã hội như hai vế của một phương trình phải cân bằng (hai chiều) mà trong bản thể đó phải biết "đạo kỷ" (hay tự kỷ, chứ không phải bất cứ một cá nhân lạc loài nào đó trong xã hội con người); trong khi vế thứ 2 là xã hội quy tụ những người biết đạo kỷ để đi đến bản vị, cơ năng như một thành phần của xã hội. Trong khối dân tộc đó sự thành hình hai chiều chấp nhận sống trong một xã hội phải có cương thường (luật lệ và trật tự) thì tự do, dân chủ mới phát triển và thăng hoa. Sự vong bản của xã hội ngày nay phát xuất từ cá thể lạm dụng xã hội và xã hội khi thành lập hiến pháp đã bỏ quên phần xây dựng con người qua Cơ Năng Bản Vị nên mới có giai cấp bóc lột cũng như giai cấp ăn bám xã hội. Nên nhớ rằng khi viết  tư tưởng Duy Dân, Lý Đông A đang sống trong môi trường của cuộc thế chiến II mà trong đó các nước nhược tiểu đang nổi dậy đòi độc lập từ các đế quốc. Vì vậy tài liệu về tư tưởng của Duy Dân không phải cho thường dân đọc chơi mà là cho những người có căn cơ, tu dưỡng, tâm huyết với dân tộc, đất nước, nhân loại.

Lý Đông A nói thêm "Sinh mệnh chỉ có thể nói là chủ thể của vũ trụ và xã hội. Đạo kỷ lấy sinh mệnh làm khởi điểm diễn tiến biến hóa bởi Âm- Dương hỗ tương nguyên nhân, hỗ tương đối lập".

Như vậy Lý Đông A đã cho thấy cuộc sống của con người là làm chủ (chinh phục, khai thác) vũ trụ và tạo nên xã hội. Lý Đông A nhấn mạnh "đạo kỷ" là biết cuộc sống của chính mình qua thế giới chúng ta đang sống là thế giới của nhị nguyên: Âm - Dương biến hóa trên căn bản hỗ tương nguyên nhân (trong Âm có Dương và trong Dương có Âm) và chúng đối lập để xây dựng, bổ túc cho nhau như các loài sinh vật tiến hóa cho tới khi con người xuất hiện. Vì vậy, Lý Đông A đã đưa ra công thức "tự kỷ- động tha- ỷ tha" mà chúng ta sẽ thấy ông nhắc tới trong các tài liệu khác của Duy Dân. Như vậy để xét Người theo Duy Dân là Người có Đạo kỷ hay không? Đó là một hình thức kỷ luật, trật tự của bản thân mà những ai muốn áp dụng Duy Dân phải nhìn vào đối tượng có đạo kỷ thì mới nói chuyện cương thường nhân loại. Nếu đã không nhìn được người thì không thể nói làm chính trị hay cách mạng.

B. Thắng nghĩa (Duy Dân) triết học nghiên cứu sinh mệnh là chính, làm khởi điểm thay vì đi tranh cãi con người từ đâu đến (do loài vật theo khoa học hay do thượng đế theo tôn giáo). Theo Lý Đông A thì cuộc sống, sống như thế nào, làm gì … quan trọng hơn là triết học bàn cãi những lý luận viển vông. Cũng như những kẻ hỏi Khổng Tử chết sẽ đi về đâu đã được trả lời: sống chưa biết sống thì lo chết làm gì? Cũng giống như đi biển gặp bão thì phải lo giữ tàu khỏi chìm chứ đừng đòi hỏi sẽ đi về đâu.

Tương tự như khủng hoảng 2008 và 2020, nước Mỹ cần vượt qua cơn hoạn nạn cho dù phải tốn bao nhiêu tiền của ngân quỹ chứ không thể như đảng Cộng Hòa ngồi lo nợ con cháu mà ngăn cản đảng Dân Chủ tiêu xài. Có khác gì khi Cộng Hòa tiêu xài cho quốc phòng với lý do bảo vệ quyền lợi Mỹ? Vì nếu không tồn tại hôm nay thì làm gì có ngày mai mà lo chuyện con cháu. Ngược lại chuyện thay đổi khí hậu, môi sinh thì đảng Cộng Hòa chống và chối bỏ. Vậy thì không chấp nhận hiểm họa hôm nay đang từ từ dâng lên thì đến khi vượt qua mức độ cứu vãn (point of no return) thì sức mạnh kinh tế và quân sự có chống được không? 

Như vậy chủ nghĩa thực dụng dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế không nhằm mục đích phục vụ con người mà chỉ là lợi dụng con người như bộ máy làm việc và tiêu thụ sản phẩm. Hạnh phúc, tự do, dân chủ… không được lý luận theo triết học mà chỉ là biểu tượng mơ hồ đặt trong hiến pháp để xoa dịu nỗi đau con người trong cuộc sống phồn vinh giả tạo. Và khi hiến pháp không được cập nhật hóa với đời sống con người thì đó là hiến pháp chết.

Tuy hiến pháp Hoa Kỳ phân định giáo quyền và chính quyền riêng biệt nhưng không thể ngăn cản sự chi phối của tôn giáo vào sinh hoạt chính trị. Lợi dụng tôn giáo trong sinh hoạt chính trị là điều nguy hiểm vì khuynh đảo lòng người thì sẽ có lúc con người vong bản vì mất tự chủ và như vậy dân chủ chỉ là giả tạo. Hệ thống lưỡng đảng vay mượn từ Âm-Dương nhưng chỉ vào những nguyên tắc mơ hồ của tinh thần bảo thủ và tiến bộ chứa đầy mâu thuẫn vì không dựa vào triết học (hay không có) để giải quyết những ưu tư của loài người.

Những thí dụ trên cho thấy lý luận của triết học trong cuộc sống là cần thiết. Nhất là giới lãnh đạo không thể dự đoán những gì có thể xảy ra để chuẩn bị đối phó thì đâu phải là lãnh đạo. Lãnh đạo là "trông về trước, ngoái về sau" để học hỏi, lý luận mà đối phó và hướng dẫn quần chúng ra khỏi hiểm nguy, tìm đường sống chứ không phải chạy theo thiên hạ (me too, populist).

Lý Đông A đòi hỏi chúng ta phải tìm ra những nguyên lý, nguyên tắc liên quan đến sinh mệnh để vận dụng và duy trì, phát triển xã hội, vũ trụ (được hiểu là môi trường thiên nhiên mà chúng ta sống) có như vậy mới giữ được lâu dài những gì con người đã xây dựng.

Sẽ có người thắc mắc về từ "Thắng Nghĩa" triết học (hay Chìa Khóa Thắng Nghĩa). Như đã nói ở trên "Thắng Nghĩa" là từ ngữ của Phật học (3 yếu tố Dịch lý, Tử vi, Phật học: theo Duy Thức luận [trang 644] thì Thắng Nghĩa đế là chân lý tuyệt đối, là viên thành thật tính, đức tính của bậc Bồ Tát giác ngộ, nguyện cứu độ chúng sinh. Thắng Nghĩa có 3: Nghĩa-Đắc-Hành bao hàm trong viên thành thật).

C. Theo Lý Đông A thì triết học phải chú trọng tìm hiểu về con người mà phần Tâm lý học là quan trọng nhất. Vì hiểu con người không phải chỉ phần thể xác mà còn là phần tinh thần. Do đó các quan điểm về Tâm lý học của triết học Thắng Nghĩa bao gồm những nguyên lý căn bản, phương pháp học tập về tâm lý, sinh lý cuộc sống của con người trong xã hội, với thiên nhiên. Con người muốn gì, làm gì là hoạt động nhân sinh của xã hội, tạo nên văn hóa nhân loại. Vậy nếu có sai lầm, tất phải truy cứu về căn gốc đó là Sinh Mệnh Tâm Lý. Quan trọng hơn nữa là khi đối diện vấn đề, phải tranh luận, thảo luận để tìm phương thức giải quyết cho phù hợp thì cái gì sẽ giúp con người (nhà lãnh đạo, chính trị) tránh được những lỗi lầm?

Khi Lý Đông A dùng từ Thắng Nghĩa ông đã ám chỉ con người có khả năng tự tu dưỡng, giáo dục để tìm ra con đường giải thoát cho bản thân và cứu độ chúng sinh và có thể tự lực cánh sinh mà không ỷ lại vào tổ chức (đảng, chính quyền, tôn giáo) hay hoàn cảnh bất lợi mà bỏ cuộc hay biến chất. Nếu gặp thời có nhiều người đồng tâm thì thực hiện được nhanh, ít người thì chậm nhưng tất thắng.

Khi Lý Đông A viết "phương pháp học lý (học tập lý luận) và sự thật của toàn bộ sinh mệnh của chính thể (xã hội và vũ trụ) bằng những cơ cấu tác dụng chủ thể và hành vi" là có nghĩa gì?

Phương pháp học lý hay học tập lý luận là cách mà chủ thể tìm hiểu sự thật về sinh mệnh của mình, xã hội, vũ trụ mà không phải đi tìm hay hỏi ai. Phương pháp là dụng cụ (tools). Bạn có dụng cụ để tự bạn tìm và thấy sự thật và hiểu. Điều này khác với tôn giáo khi bạn “gặp” thượng đế (Chúa hay Phật) và cho là sự thật nhưng làm sao bạn có thể nói với người khác tin khi chính bản thân họ không trải qua kinh nghiệm đó. Họ sẽ cho bạn là điên hay nói láo.

Nếu bạn đánh trúng tâm lý của họ và họ tin bạn thì bạn lâm vào thế kẹt: bạn muốn trở thành lãnh tụ tôn giáo (khả năng thấy Chúa, Phật không biến bạn thành Chúa, Phật. Họ, vì tin Chúa, Phật mà tin bạn; nếu bạn không giúp họ được như bạn thì bạn là đồ giả)? Hay lãnh tụ chính trị (nếu bạn mượn hay lợi dụng người khác để mưu đồ chính trị thì khi họ không tìm thấy ước vọng về tôn giáo thì họ sẽ quay sang chống lại bạn)? Nhưng lý luận về Tâm lý không phải là thầy bói nói mò mà là từng bước lý luận trên nguyên tắc đã được đặt ra (xem Chìa Khóa Thắng Nghĩa: Xã hội biện chứng pháp).

Chính vì vậy Lý Đông A nói rằng "Hiện tượng căn bản đó chặt chẽ thống nhất với nhân sinh, xã hội và văn hóa loài người". Hãy đưa dụng cụ cho mỗi người để tự họ tìm ra sự thật cũng như lời của Đấng Giác Ngộ (ta chỉ là kẻ chỉ đường, các người phải tự bước đi thì mới tới đích được).

Bạn đòi hỏi tự do, dân chủ mà chính bản thân bạn không đạt được ý thức tự do (vì lệ thuộc vào tôn giáo, vật chất) và dân chủ vì chính bản thân bạn không tham dự vào tiến trình sinh hoạt dân chủ (bạn là "dân" nhưng không chịu tự làm "chủ" mà giao khoán cho người khác để bạn lo hưởng thụ). Và như vậy, dân chủ là phải có sự đóng góp của mọi người chứ không phải một cá nhân lãnh tụ hay đảng phái. Bạn không thể dựa vào bất cứ lý do gì để tránh né trong việc góp phần xây dựng nền dân chủ.

Vì con người sống và hành động, một khi bạn ngưng (hay lơ là) sự đóng góp xây dựng xã hội dân chủ thì bạn đã bỏ mặc nền dân chủ trong tay người khác. Nếu bạn có trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình bạn thì bạn cũng có trách nhiệm và bổn phận đối với xã hội, tổ quốc. Bạn có gì để phản đối không?

Do đó căn bản chủ nghĩa (Duy Dân) có thể coi như là tâm lý học của triết học Thắng Nghĩa về con người, xã hội và vũ trụ.

Nhưng Sinh Mệnh Tâm Lý không phải chỉ là tâm lý học (Tây Phương) mà bao gồm cả đạo học (Đông Phương). Khi Lý Đông A nói đến Âm-Dương hỗ tương thì phải chăng đó là điều Lão Tử đã nói. Khi Lý Đông A nói đến đạt ma (tối cao viên mãn), duyên khởi thức, tàng trụ thức, nghiệp tầng, đốn giáo, thiền định giáo dục... là những gì nhà Phật thuyết giảng và thực hành.

Vậy thì có phải từ Lý Đông A viết ra hay người sau gán ghép vào? Nếu là người sau gán ghép vào thì (1) phải đi qua những tài liệu khác của Duy Dân để viết cho thống nhất. (2) phải thấu hiểu điều mình viết vì nếu viết sai thì sau này sẽ có người biết và tài liệu Duy Dân trở nên vô giá trị vì mạo nhận do Lý Đông A viết ra. (3) Vậy thì cả Lý Đông A lẫn người viết sau này đều phải thấu hiểu Phật pháp hay là Lý Đông A viết ít mà người viết sau gán thêm cho nhiều (để thêm phần giá trị) mà hóa ra lủn củn?

[Ở đây xin mở ngoặc để bàn về sự đánh giá, tìm hiểu tư tưởng Lý Đông A. (1) Giả sử những gì trong tài liệu Lý Đông A nói là phát xuất từ Lý Đông A thì sẽ là tình trạng (A) Lý Đông A hiểu và biết ABC nên thấy rằng muốn thực hiện Duy Dân thì người cán bộ Duy Dân phải đi qua ABC, khả năng của cán bộ sẽ tùy thuộc sự thấu hiểu và sử dụng ABC. (B) Nếu là do người sau thêm vào để tăng cường hay làm sáng tỏ những gì Lý Đông A nói tổng quát mà thiếu chi tiết. Vì dựa vào ABC mà người sau viết thêm trong tiết mục X thì chỉ có nguyên tắc, lý tắc là có thể đến từ Lý Đông A còn phần sau đó, bạn có thể chấp nhận hay không là tùy mỗi người lý luận. (2) Có những từ ngữ, câu văn hay đoạn văn rất khó hiểu và đôi khi mâu thuẫn khi so với tài liệu khác. Chúng tôi cố gắng tìm lối giải thích hợp lý, đôi khi chúng tôi phải bỏ ngỏ để chờ bậc cao minh chỉ dạy].

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P3)

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/01/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p2/

 

 

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải (P3)

 

II. Những căn bản nguyên lý

1. "Cái gắng sức duy nhất của xã hội thời đại, văn hóa và lịch sử là theo đuổi để đạt tới sự phát triển phạm trù con người, tạo tựu con người điển hình đến sự chung cầu lý tưởng con người."

Theo Lý Đông A thì nguyên lý (1) vạch mục tiêu của xã hội, văn hóa và lịch sử là phát triển con người (hướng thượng), đi tìm một khuôn mẫu về con người mà mọi người có thể chấp nhận (chung cầu) là lý tưởng theo đuổi. Đó phải chăng là mục tiêu của con người và xã hội: tự tìm kiếm và xây dựng một mẫu người sống trong xã hội và được xã hội chấp nhận. Một xã hội có văn hóa phải chăng là một xã hội mà trong đó cá nhân biết xử sự, sống một cách thích hợp cho mình, và hòa đồng được với xã hội. Đây là cái Lý Đông A gọi là chân ý nghĩa của nhân sinh đồng thời là căn bản luật tắc trong cuộc sống con người về lịch sử (tiến trình đã qua) và mục đích của cuộc sống: công năng và hiệu lực. Căn bản luật tắc chỉ là công thức tổng quát mà bạn có thể tự điều chỉnh (input) cho mình qua giáo dục trong cuộc sống và được đánh giá bởi hiệu năng (sự cố gắng của bản thân và kết quả (output)). Bạn không thể làm qua loa và khi không có kết quả thì đổ thừa tại xã hội, nhà trường, hay chính quyền.

2.Cái gắng sức duy nhất của con người là hoàn thành trên căn bản thân mình một sinh mệnh chủ thể rất sáng suốt và mạnh mẽ, một sinh mệnh hệ thống rất thông đạt và nhiều tầng, nhiều cách biểu hiện với phát huy một sinh mệnh cơ cấu rất linh hoạt” .

Nguyên lý thứ (2) dựa vào nguyên lý (1) khi con người đi tìm một khuôn mẫu cho mình thì Lý Đông A đòi hỏi chính thân mình một căn bản mà ông gọi là "sinh mệnh chủ thể" để đánh động ý thức cá nhân là bạn có làm chủ bản thân bạn chưa? Nó có tỉnh táo và mạnh mẽ để tự chủ những gì bản thân bạn sẽ làm trong cuộc sống hay không? Nó có biết cuộc sống trước mắt là một hệ thống mà Lý Đông A gọi là "sinh mệnh hệ thống" vì nó có nhiều tầng, nhiều cách biểu hiện để phát huy những cơ cấu (sinh mệnh cơ cấu) rất linh hoạt, bén nhạy. Nếu bạn chỉ biết là bạn có một thân xác (chủ thể) mà bạn không biết nó được thành hình như thế nào, hoạt động ra sao, có những đặc tính gì thì làm sao bạn tận dụng các cơ cấu đó trong hệ thống của cuộc sống và kết quả đời sống bạn sẽ không được tốt đẹp như bạn mơ tưởng. Như một người có thân xác và trí óc mà không biết ăn, ngủ, làm việc như thế nào vì không biết các cơ phận trong thân thể hoạt động ra sao. Đó là tại sao Lý Đông A đòi hỏi "tinh thần và thể xác phải đối lập thống nhất". Về thể xác thì con người giống nhau. Tâm (tinh thần) và Thân (vật chất, thể xác) phải thống (hợp) nhất nếu không thì sẽ là người mê sảng, điên loạn. Vậy Sinh Mệnh Chủ Thể, Hệ Thống và Cơ Cấu là thuộc phần Thân thì rõ ràng nhưng về Tâm thì hơi mơ hồ. Nếu muốn tìm hiểu Tâm quả có một chủ thể, hệ thống và cơ cấu thì có lẽ bạn phải tìm vào Phật học mới hiểu rõ hơn về những trạng thái của Tâm. 

Trong phần này có đoạn "...chủ ngã hợp lý, tối cao và thống nhất, một chủ ngã viên mãn và siêu nhiên..." có thể là diễn dịch (hay thêm vào) hơi quá của người sau. Lý do:

Chủ ngã hợp lý và thống nhất với bản thể thì chấp nhận được. Nhưng tối cao là thế nào? Phải chăng vì muốn đi xa hơn tối đa nên là tối cao. Tối cao, viên mãn, siêu nhiên là những từ ngữ dùng trong tôn giáo để ám chỉ vị lãnh đạo tôn giáo, của đấng giác ngộ. Trong khi đó, Lý Đông A (trong tài liệu này, Sinh Mệnh Tâm Lý) mới chỉ đề cập tới nguyên tắc thứ hai mà đã đòi hỏi cá thể phải đạt mức độ "Tối cao, viên mãn, siêu nhiên" là của các bậc lãnh đạo tôn giáo chứ không phải là của kẻ đang cầu học để làm chủ bản thân. Mà nếu mỗi cá nhân chỉ mới hoàn thành "sinh mệnh chủ thể" đã phải đạt đến trình độ như vậy thì ai sẽ nghe ai? Vì ai cũng là "thánh nhân" hết cả rồi?

Nếu cho là của Lý Đông A thì làm sao để hiểu biết về một "...chủ ngã hợp lý, tối cao và thống nhất, một chủ ngã viên mãn và siêu nhiên..."  nếu không biết về Tử Vi? Vì biết về Tử Vi mới hiểu chủ thể (bản thân) hợp ngã (cái tôi đang có) được diễn tả qua 12 cung Tử Vi một cách hợp lý (dĩ nhiên bạn phải biết và trải qua mới thấy hợp lý). Còn "tối cao và thống nhất" thì có lẽ bạn phải tới tuổi 60 mới tri thiên mệnh về lá số và cuộc đời của bạn (nếu ngày sinh, giờ sinh của bạn không sai lạc). Phần "viên mãn và siêu nhiên" thì xin để ai đã viên mãn và thấy, hiểu siêu nhiên là gì sẽ giải thích (liệu có cần giải thích không khi bạn không đạt/hiểu thì có nói cũng bằng không vì đó là kinh nghiệm bản thân).

Vậy thì Sinh Mệnh Chủ Thể chỉ có thể là làm chủ thân của mình trước qua sinh mệnh hệ thống: cơ thể có những hệ thống (hô hấp, tuần hoàn...) và sinh mệnh cơ cấu (cơ cấu các hệ thống đó) ra sao. Có hiểu chúng sinh hoạt ra sao thì mới có vấn đề tìm hiểu tâm lý để kiểm soát và điều động chúng.

3.Căn nguyên duy nhất của vũ trụ, xã hội và sinh mệnh là Âm với Dương hỗ tương nguyên nhân, hoàn thành tất cả nội dung của đại hóa" .

Đây có thể là nguyên văn của Lý Đông A. Vậy Lý Đông A biết luật Âm Dương và những biến hóa của nó. Và Lý Đông A chỉ nói có vậy. Ai biết Âm -Dương thì tự hiểu, không phải giải thích nhiều. Nhưng Lý Đông A đã đi xa hơn để giải thích "những sinh mệnh cơ cấu và duyên trường" trong nguyên tắc (4).

4. Hiện tượng quán triệt trời đất, vạn vật có Âm Dương, chia và hợp (sinh khắc) mà thành hết thảy sinh mệnh.

a. Thiên tính thứ nhất của loài người là phồn chủng (tình yêu, sex).

Con người đi đến tranh chấp, chiến tranh cũng vì tình dục. Tôn giáo được đặt ra cũng là để kiềm chế tham vọng của con người. Con người có thể ăn uống kham khổ nhưng không thể thiếu tình dục. Nếu xã hội không điều hòa (giáo dục, luật lệ, phong tục...) con người về mặt tình dục sẽ gây rối loạn. Sự kiện các nước tân tiến ngày nay rơi vào tình trạng lão hóa vì dân mãi lo làm ăn, áp lực xã hội và kinh tế quá nặng gây trở ngại cho tuổi trẻ muốn lập gia đình. Mặt khác các nước nghèo không kiểm soát về dân số nên đã không đủ ăn lại còn bị nhân mãn. Thêm vào đó tôn giáo khuyến khích sinh đẻ và cấm ngừa thai cũng góp phần vào khủng hoảng tâm lý con người và xã hội. Nếu quả như Lý Đông A nói phồn chủng là Thiên tính của loài người thì nguy cơ diệt vong của loài người không phải là tỷ lệ sinh thấp mà là chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai.... Con người có thể chống lại thiên tai, bệnh dịch nhưng chính con người tạo ra chiến tranh. Chu kỳ hoàn tất. Bạn có lời giải đáp chăng?

b. Cái thiên tính phụ đới là ý thức kinh tế.

Chính vì có gia đình, con cái nên con người phải lo ăn nhiều hơn là một cá thể (cá nhân bạn có thể nhịn đói, khát nhưng bạn không thể bắt con cái bạn nhịn đói khát). Do đó ý thức kinh tế phát sinh nhu cầu con người phải lo xa hơn nữa về sự phát triển (khoáng trương) và gìn giữ lâu dài (duyên trường). Nhưng khi tài nguyên có giới hạn thì sự chiếm hữu tài nguyên vượt quá nhu cầu bản thân, gia đình thì sở hữu đó trở thành vũ khí tiêu diệt những người kém may mắn, khả năng trong xã hội, hay dân tộc khác. Một khi xã hội rơi vào chiến tranh thì tài sản của bạn có được bảo đảm hay không?

c. Một khi đã xã hội hóa thì các điều kiện hợp tác, công vệ (lấn tới để tìm kiếm thêm) và tự vệ (bảo vệ những gì đã có) dẫn tới sự sáng tạo, cải thiện để thăng tiến xã hội. Lý Đông A đã nói tới tính chuyển dời, tác dụng thay đổi và thăng hoa đã tạo ra sự xã hội hóa. Vì nếu nhu cầu hợp tác của mỗi người đối với nhau đòi hỏi sự chuyển dời (từ thôn quê lên thành thị), làm thay đổi lối sống và nếu đã thay đổi thì tất nhiên phải tốt đẹp hơn (thăng hoa).

Khi Lý Đông A nói đến thiên tính là tính trời (tạo hóa, tự nhiên) ban cho loài người. Vì con người có suy nghĩ nên kết thành xã hội, nên di chuyển từ khu vực này đến khu vực khác mà họ nghĩ rằng sẽ tốt cho cuộc sống, nếu thất bại họ sẽ sửa đổi, cố gắng hơn. Nếu thành công thì họ sẽ tiếp tục trao truyền cho người đời sau qua giáo dục vì đó là tâm lý con người.

5. Căn nguyên sinh mệnh là sự kinh qua các hình trạng và tác dụng phát triển mà đi đến thăng hoa tác dụng.

Cuộc sống là kết tụ của những gì đã học hỏi trong đời sống hàng ngày. Từ những hoạt động đó phát sinh điều kiện tâm lý cho mỗi cá nhân: cùng là một sự kiện xảy ra nhưng có thể tạo ảnh hưởng tâm lý khác biệt cho mỗi người. Con người phải trải qua các kinh nghiệm trong cuộc sống để biết thế nào là tốt, xấu. Khi đã có kinh nghiệm thì con người sẽ chọn lựa cái tốt, cái đẹp. Đó là thăng hoa.

a. Khí với huyết ngưng thành tinh, tinh với khí hợp thành thần (?)

Câu này đã được thấy trong các tài liệu nói về tu theo đạo tiên (Âm Dương của Lão Tử) và trong các phái Thiền (Phật gia) cũng như các phái Yoga (Ấn Độ). Câu hỏi đặt ra là có phải đến từ Lý Đông A hay không? Tu luyện có thần để làm gì? Người đi tu thì không màng việc đời. Người lo việc đời thì không thể tu được. Lý Đông A là người hiểu và biết thì không thể chỉ bảo người sau làm chuyện ba phải như vậy được. Ở đây chúng ta thấy yếu tố 3* (Phật học) xuất hiện. Mong rằng các bạn sẽ có ý kiến khác.

Nếu quả là Lý Đông A viết ra thì tại sao không thấy giải thích luyện thần để làm gì? Đạt đến siêu nhiên chăng? Hay được gán ép vào bởi người đời sau cho thêm phần nặng ký? Nhưng vì cóp nhặt nên họ cũng chẳng giải thích vì họ có đạt đến trình độ đó đâu để mà giải thích? Và nếu có giải thích (theo quan niệm của Phật học) thì các tôn giáo khác có chấp nhận không? Đi vào tranh luận để thắng chứ không phải để thấy sự thực là điều mà các triết gia Đông-Tây đã vấp phải và Lý Đông A không muốn theo vết xe đổ.

b. Sinh lý, tâm lý với xã hội sinh hoạt kiến thiết thành một chủ thể nội tại. Chủ thể có tác dụng: Chí, Tính, Ý. Chủ yếu của ý chí là suy động, phát huy các công năng khác của sinh mệnh.

Khi sống trong xã hội thì yếu tố sinh lý, tâm lý của một cá thể đối với xã hội sẽ khác, nó tạo thành một chủ thể nội tại để nhìn ra bên ngoài xã hội qua Chí (có quyết tâm), Tính (sự phát động không suy nghĩ) và Ý (hành động có suy nghĩ). Từ đó các sinh hoạt (công năng) của cá thể trở thành sinh mệnh (cuộc sống).

c. Phần này lại rơi vào tình trạng giống như phần a ở trên: Vật chất tầng, Tinh thần tầng, Tinh tú tầng... vía, phách và đạt ma (tối cao và viên mãn) có phải từ Lý Đông A viết ra hay không? Tại sao Lý Đông A muốn người đời sau phải đạt tới mức độ của những người đi tu (xuất thế gian)? Nếu đạt tới mức độ đó thì họ có còn ý định thực hiện cách mạng hay không? Hay trở thành nhà truyền đạo? Muốn hiểu thì phải tìm đến Phật học. Bạn có thể chấp nhận ý kiến, lý luận mà không rơi vào tranh chấp tôn giáo hay không? Nếu tu mà tới trình độ như vậy thì có còn thiên kiến hay không? Nếu quả thực Lý Đông A đề nghị như vậy, tất nhiên Lý Đông A phải biết hậu quả.

Chúng tôi không có câu trả lời.

Sinh Mệnh Tâm Lý Diễn Giải(P4)

Trần Công Lân

Tháng 3 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/06/07/sinh-menh-tam-ly-dien-giai-p3/

 

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...