Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Sợ Hãi

Sợ hãi phát xuất từ ý thức. Cái ý thức sợ hãi đó đến từ lúc nhỏ khi bản thân đã có nhận xét để tạo thành sự sợ hãi.

Có những đứa trẻ sợ con gián, thằn lằn hay bất cứ con gì đó bay trong nhà, ngoài đường -- cho dù con vật đó đã chết nhưng vẫn không dám bắt. Có những đứa trẻ không sợ con gián hay thằn lằn nhưng lại sợ con khác như con trùn, con sâu. Nhưng lại có những đứa trẻ hoàn toàn không sợ con gì. Tất cả đều khởi đầu từ ý thức hay tiềm thức nằm bên trong của đứa trẻ.

Khi trẻ lớn lên thì sự hiểu biết gia tăng qua tương tác với thực tế và xã hội để thấy rằng những con vật nhỏ bé đó không làm cho mình sợ hãi nữa; hoặc nếu vẫn còn thì không phải lo lắng bởi biết rằng những con vật đó không hại đến mình.

Tuy nhiên khi đứa trẻ trưởng thành thì có những sợ hãi vẫn tiếp tục chẳng hạn như sợ chết, sợ bị người yêu bỏ rơi, sợ không đem lại niềm vui cho gia đình, sợ không lo đủ cho cái ăn-mặc vào ngày mai.

Nguyên nhân nào đưa đến sự sợ hãi của người đã trưởng thành? Dĩ nhiên sự sợ hãi luôn luôn đến từ ý thức bên trong. Nhưng ở tuổi trưởng thành thì sự sợ hãi không phải đến từ ý thức mà đến từ sự Tham-Sân-Si. Tu dưỡng thắng nhân là để rèn luyện chính mình, tự mình làm chủ lấy mình mà không bị Tham-Sân-Si làm chủ để tạo ra sự sợ hãi.

Tâm lý ai cũng ham sống sợ chết. Muốn vượt lên tâm lý sợ hãi thì phải vượt lên tâm lý ham sống sợ chết. Mà muốn vượt lên tâm lý này thì phải hiểu rõ thế nào gọi là sống và thế nào gọi là chết.

Từ Sống của Con Người phải hiểu ở một nghĩa rộng lớn. Nếu không hiểu theo nghĩa rộng lớn thì cuộc sống của con người cũng giống như con vật không hơn không kém. Cho nên Sống của con người là để phục vụ mình và xã hội. Khi mình sinh ra cũng như tiến trình lớn lên đến tuổi trưởng thành là nhờ sự giúp đỡ của xã hội -- cho nên khi trưởng thành, tự chính mình độc lập trong cuộc sống thì phải có trách nhiệm với xã hội. Sống chỉ nghĩ đến tiền bạc, danh vọng, trai gái, ăn nhậu mà không quan tâm đến những người khác trong xã hội, không quan tâm đến môi trường sống đang bị ô nhiễm thì cá nhân đó sống nhưng đã chết. Cái sống đó gọi là sống hèn, sống bạc nhược, sống cho có sống chứ cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa. Cái sống đó là cái sống của loài vật chứ không phải cái sống của loài người. Cuộc sống đó là cuộc sống của người “chết”.

Nói về cái chết thì ai cũng không tránh khỏi. Sinh-Lão-Bệnh-Tử là con đường sống của nhân loại. Ai cũng phải chết. Khác chăng là chết sớm hay chết muộn; chết ra sao. Chết là trái tim ngưng đập, toàn thân thể ngưng hoạt động. Tuy nhiên có những người sống nhưng thực tế đã chết như đã nói bên trên.

Nếu ai cũng sẽ chết thì tại sao phải sợ hãi? Muốn vượt lên sợ hãi về cái chết thì cứ quan niệm rằng mình đã “chết” -- để khi đối diện với cái chết mình không còn sự sợ hãi bởi đã “chết” thì chết thêm một lần nữa có gì lạ đâu. Đây là sự luyện tập để tâm của mình vượt lên sự sợ hãi về cái chết.

Ai Weiwei, nhà đấu tranh bất bạo động ở Tàu, đã cho rằng thời gian ông bị giam trong một trại tù bí mật, mỗi giây phút ông có cảm giác đã chết. Và chính cái cảm giác này đã làm ông vượt lên được sự sợ hãi về cái chết và từ đó, nhà cầm quyền Trung Cộng đã không thành công trong trò chụp mũ ông về tội gọi là chống lại nhà nước Trung Cộng. Cuối cùng họ chụp mũ ông về tội trốn thuế, một tội mà ông không hề có.

Chính cái tinh thần vượt lên sự sợ hãi của cái chết, Ai Weiwei đứng thẳng người không sợ sệt trước những đàn áp về mặt tinh thần hay thể xác. Bởi trong chính sự suy nghĩ là ông đã “chết”; cho nên sự sợ hãi về cái chết, về chuyện nhà cầm quyền Trung Cộng giết ông hoặc đàn áp ông đã trở thành vô giá trị đối với bản thân ông. Ông từ bỏ sự sợ hãi để chọn thái độ Sống cho đáng sống; sống để lên tiếng chống lại cái ác, cái bạo đang diễn ra trong cuộc sống của ông và của những người sống dưới chế độ độc tài cộng sản Tàu.

Nhiều người tù dưới chế độ độc tài đã vì sợ hãi trên mặt tinh thần và thể xác nên nhận tội mà cá nhân đó hoàn toàn không có tội. Tạm thời không bàn đến chuyện nhận tội vì mục đích chính trị (giống như Hàn Tín sẵn sàng lòn trôn giữa chợ). Sợ hãi sẽ làm nhân phẩm của con người trở nên hèn với chính mình. Cho nên phải tập tính vượt lên nỗi sợ hãi như Ai Weiwei. Mà Ai Weiwei không những chuẩn bị tinh thần cho cái chết của chính mình mà gồm cả cái chết của gia đình, họ hàng thân thuộc. Bởi chính ông biết tâm lý của các nhà độc tài sẽ hăm dọa những người thân thuộc để khuất phục người chống lại cái sai trái của người cầm quyền. Cho nên khi chọn cuộc sống cho lẽ phải thì phải chuẩn bị tinh thần, tâm lý là cá nhân mình, gia tộc mình đã chết để không cho bất cứ ai, bất cứ nhà cầm quyền nào dùng tâm lý sợ hãi đó khuất phục tinh thần sống cho lẽ phải của chính bản thân.

Cuộc sống là một thử thách với nhiều hoàn cảnh mà mỗi cá nhân trực diện. Thay vì sợ hãi, lo âu thì phải chọn thái độ làm gì ứng phó trước những khó khăn, đe dọa từ bên ngoài. Chỉ khi nào chúng ta loại bỏ được tâm lý sợ hãi để thay vào tâm lý ứng phó, chuẩn bị thì tự nhiên sự sợ hãi sẽ biến mất.

Dĩ nhiên không phải hoàn cảnh nào cũng có cách giải quyết vấn đề. Cho dù chúng ta ở trong một hoàn cảnh không có lối thoát thì ít nhất chúng ta có cái quyền chọn Sống cho xứng đáng là một Con Người chứ không chấp nhận lối sống của loài thú.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/03/24/tu-duong-thang-nhan-so-hai/

 

 

 

Phân Mệnh Diễn Giải từ một góc nhìn

Trong Duy Dân Cương Thường Lý Đông A (LĐA) có viết: 

Nguyên tắc xã hội nhân sinh:

Nhân sinh xã hội là hình thái tổ chức chính kinh và nền tảng của loài người trên mọi mặt hành vi, thẩm thấu bởi kiến trúc kinh tế. Gọi tung hợp tất cả cái tổng thể sinh hoạt đó là nhân sinh.

Nhân sinh và nhân sinh tiến hóa là mục đích tung hợp của xã hội tổ chức.

Tổ chức trung tâm là chỉ huy của nhân sinh.

Trong tổ chức toàn thể nhân sinh để mà đạt thành gồm có ba hệ thống giao hỗ lẫn nhau, đó là phân mệnh, phân công và phân hưởng. Phân mệnh nghĩa là quy định cái cương thường xã hội. Phân mệnh là cương thường của phân công và phân hưởng."

Vậy LĐA muốn nói gì qua nguyên tắc xã hội nhân sinh?

Khi con người từ bộ lạc kết hợp để trở thành quốc gia và quốc gia đòi hỏi các cơ cấu sinh hoạt chính trị và kinh tế. Sự tiến hóa, tồn vong của một quốc gia tùy thuộc vào sự đóng góp của dân tộc (con người).

Qua từng giai đoạn tiến lên (tung) đòi hỏi sự đóng góp, hợp tác của mọi tầng lớp trong xã hội (hợp) qua các cơ chế chính trị (quyền) và kinh tế (lợi).

Con người chỉ có 24 giờ trong một ngày và hai tay cho nên trong xã hội, tập thể phải có phân công. Và tùy theo công việc bạn được hưởng quyền lợi (phân lợi).

Phân công

Khi tham dự một tập thể (hãng, xưởng, nhóm thợ, tổ chức...) bạn sẽ được phân công làm một việc (hay một số việc). Và tùy theo giá trị của việc làm, bạn được trả công (hay phân lợi)

Qua thời gian, người lãnh đạo sẽ đánh giá sự làm việc của bạn hay chính bản thân bạn, thích hay không thích và muốn tiến lên hay thay đổi việc làm. Và khi tiến lên trong bậc thang nghề nghiệp hay một cơ hội tốt hơn thì tất nhiên lợi tức của bạn cũng phải tăng theo. Do đó phân công và phân lợi luôn luôn đi đôi với nhau. Nhưng mỗi con người có những đòi hỏi riêng tư (hay tham vọng). Mỗi cá nhân có khả năng để tiến lên hay không thì chưa biết nhưng ai cũng muốn thử. Và đôi khi người chủ, hay cấp trên, hay cơ quan không có chức vụ, vai trò mà bạn muốn tiến lên thì sao? Chẳng may khi bạn đạt được vị trí đó mà công việc không xuông sẻ thì lỗi tại ai? Tại hoàn cảnh, tại công việc, tại cấp trên hay tại vì bạn? Và từ đó sự phân mệnh được đặt ra.

Phân lợi

Trí óc con người có thể giúp bạn biết rất nhiều và có khả năng: sửa xe, sửa điện, xây nhà, viết văn, đánh đàn, ca hát.... nhưng vì một ngày chỉ có 24 giờ mà con người cần nghỉ, ngủ 8 giờ thì thời gian còn lại để kiếm sống buộc con người phải chọn sở trường (hay, giỏi) thay vì sở đoản (dở) để đạt được mối lợi cao nhất. Vì tuy bạn có khả năng X nhưng bạn làm nghề Y thì bạn không thể đòi hỏi quyền lợi của công việc X chỉ vì bạn "biết" nhưng vì không thể làm. Cũng như bạn có phát minh ra vật A nhưng bạn đi làm việc B thì bạn không thể đòi hỏi phân lợi của việc làm A vì nó đã không xảy ra trong thực tế của xã hội để đem ích lợi cho xã hội thì làm sao bạn đòi hỏi xã hội "phân lợi" cho bạn được?

Nhưng nếu một hãng có 5 công việc (không kể ông chủ hãng, hay chủ tiệm) và bạn có thể biết và làm cả 5 việc theo phân công (không cùng một lúc) thì không có nghĩa là phân lợi thì bạn sẽ hưởng lợi của cả 5 công việc và như vậy bạn trở thành ... ông chủ hãng?

Dĩ nhiên sự kiện sẽ không xảy ra như vậy vì còn "phân Mệnh"

Nhưng còn phân Mệnh?

Ai phân mệnh ai?

Nếu bảo là con người có số mệnh thì Sinh Mệnh là cuộc sống của mỗi con người được sinh ra để thực hiện và qua đó học hỏi để phát triển (hướng thượng). Khi mỗi người có riêng "ý nghiệp, đức nghiệp, tình nghiệp..." thì những điều kiện đó quy định trong cuộc sống của cá nhân đó.

Có người tin vào tôn giáo thì bảo rằng Thượng đế (hay ông Trời) đã an bài. Cả Đông Phương lẫn Tây Phương đều có khoa tử vi để hướng dẫn con người nhưng con người cũng có khả năng thay đổi số mệnh: "đức năng thắng số". Nhưng con người vì vô minh hay tham vọng nên thường mê lầm trong cuộc sống và làm xã hội rối loạn. Phân mệnh là đặt con người vào đúng vị trí của mình để xây dựng xã hội.

Phân Mệnh có tác dụng hai chiều. Nếu số tốt cho bản thân thì cái tốt đó có ích lợi, phù hợp với xã hội đang sống hay không? Cũng như nếu xấu thì bản thân phải sửa đổi cho tốt để có lợi cho mình và đóng góp cho xã hội. Vì nếu cá nhân xấu làm cho xã hội xấu thì cả hai cùng đi đến hủy diệt. Vậy phân mệnh phải có ý nghĩa giúp cá nhân xác định bản mệnh và ích lợi của cá nhân phải đi đôi với ích lợi của xã hội.

Như vua Thái Lan hiện nay (2020) đang bị dân chúng phản đối đòi thoái vị (Yahoo News). Vậy thì ông ta có số mệnh làm vua, vị trí và vai trò do cha ông truyền lại. Nhưng khi dân chúng không đồng ý về lối sống, cư xử của ông và đòi truất phế thì sự phân mệnh của ông ta chỉ có một chiều: có lợi cho bản thân; mà không có chiều ngược lại: có lợi cho xã hội?

Phải chăng đó cũng là công thức "Tự kỷ (tu thân)-động tha (đóng góp cho xã hội)-Ỷ tha (dựa vào xã hội để sống hay xã hội giúp đỡ cá nhân)"? (xem thêm nội dung về tự kỷ, ỷ tha, và động tha)

Lòng tham khiến con người muốn nhiều hơn. "Đứng núi này trông núi nọ" nhưng có mấy ai biết về chính bản thân mình? "Tự kỷ" là biết về mình. Khi LĐA nói "chính kỳ sở mệnh": chỉ có khi biết cái "chính" (cái đúng, cái thật) thì mới biết mệnh của mình ra sao. Vậy thế nào là "chính". Trong Kinh Dịch có giải thích về cái "Chính". Có phải LĐA đã biết Dịch Lý nên mới nói vậy hay còn ý nào khác? Nếu đã biết Dịch Lý thì phải biết Tử Vi để biết người. Theo Tử Vi thì con người sinh ra có số mệnh, có sao thủ mệnh, thân cư: Tài, Quan, Thê, Phúc.... Tại sao con người sinh ra giống nhau về cơ thể nhưng khi lớn lên thì có người giàu nghèo, thọ yểu... có người làm nghề này, nghề khác. Nếu ai cũng biết hành nghề bác sĩ hay bán nhà (real estate) thì dễ làm giàu nhưng không phải ai muốn cũng làm được.

Khi một cá nhân đã định vị được chỗ đứng của mình trong xã hội. Đó chính là "cơ năng và bản vị". Bạn có một nghề (bản vị) để sinh sống và đóng góp (cơ năng) cho xã hội. Nhưng bạn còn phải tham dự vào nghiệp đoàn, hợp tác xã, hay các cơ chế địa phương (qua mặt chính trị hay kinh tế, văn hóa, giáo dục...) để kết thành trung tâm bản vị. Từ đó các quy định về cương thường (trật tự) của xã hội hình thành qua những quy luật thành văn hay bất thành văn (norm).

Nếu con người không chấp nhận phân mệnh để chạy đôn đáo tìm chỗ đứng trong xã hội theo lòng ham muốn thì xã hội sẽ rối loạn. Khi một người chủ tiệm buôn muốn bỏ nghề để nhảy ra làm chính trị và đem theo những kinh nghiệm thương mại của mình vào chính trường để thỏa thuận, trao đổi bất kể các quy luật chính trị thì chúng ta đã thấy hiện tượng "Trump".

Bạn có thể nói ông ta có "số" làm tổng thống nhưng theo phân mệnh thì không còn là "chính kỳ" (cái đúng, cái thật ở chính mình chứ không phải là cái tham vọng mình muốn mà khả năng không có). Và khi phân mệnh hay "cương thường" đã không còn thì xã hội sẽ rối loạn vì phân công và phân lợi không còn theo các quy định của "chính kỳ sở mệnh" khi các cộng sự viên lần lượt ra đi và trong nội các không dám phản đối những gì ông ta làm sai, nói bậy chỉ vì "lòng trung thành" (loyalty). Mà nếu ai đó phản đối thì sớm muộn cũng bị loại trừ như những người đã từng làm việc cho Trump và từng ra đi vì bị đuổi việc hoặc tự xin nghỉ bởi không thấy được khả năng lãnh đạo của Trump. Cuối cùng Trump có một nội các bù nhìn để phục vụ lợi ích của Trump.

Tại sao có những người chỉ muốn làm công việc họ yêu thích dù rằng họ có thể lên chức để trở thành người quản trị (supervisor, manager) nhưng họ không muốn? Bởi vì cá nhân đó thấy được khả năng thật của mình và không muốn nhận lãnh chức vụ quản trị mà cái chức vụ đó đòi hỏi khả năng biết quản trị con người, công việc mà cá nhân đó không có. Ngược lại có những người vì ham muốn được lên chức, dù không có khả năng lãnh đạo, nhưng được đề bạt để lên chức quản trị rồi khi nhận lãnh trách nhiệm, nhân viên bên dưới than phiền hoặc từ từ xin nghỉ việc; hoặc chuyển đi nơi khác bởi cá nhân đó đã không biết thực hiện chuyện phân công cho chính mình và phân công cho những người khác để tạo ra sự hài hòa trong bộ máy sinh hoạt của một đơn vị, bộ phận trong công ty, trong xã hội. Lý do đó giải thích tại sao LĐA cho rằng Phân Mệnh là quy định cương thường trong xã hội và phân mệnh là cương thường của phân công và phân lợi. Bạn không nắm rõ cái mệnh của mình ra sao, là gì -- thì khi bạn đặt không đúng vị trí của cái mệnh đó, bạn phá hủy cái cương thường bởi sự phân công cho bạn và cho người khác không phù hợp vì bạn không có khả năng trong vị thế đó.

Khi con người kết thành xã hội để bảo đảm an ninh cho cuộc sống thì sự phân công trong xã hội thành hình. Sự phân công đưa đến sự phân lợi (quyền lợi). Nhưng công việc thì khác nhau mà quyền lợi thì ai cũng muốn có nhiều hơn. Nhưng công việc thì có mức độ khác nhau đòi hỏi kiến thức, khả năng.... Do đó xã hội dựa vào học vấn, giáo dục, thi tuyển... để chọn người phù hợp với công việc. Nhưng xét đoán của con người không hoàn toàn chính xác và tâm tính của con người có thay đổi. Tham vọng, u mê, bè phái, tranh chấp... khiến con người tranh giành chức vụ, tham nhũng, gian lận, thủ đoạn... bất kể khả năng và kiến thức. Chức vụ càng cao thì càng ít mà công việc lại càng khó khăn, phức tạp nên mới phải cần người có đa tài, đức độ để đảm đương. Học thuyết "Cơ Năng và Bản vị" chính là bậc thang để dẫn dắt cá nhân đi từng bước tiến lên trong sự nghiệp đóng góp cho xã hội, được xã hội chấp nhận và định vị cái "sở mệnh" của mình để đạt đến ngôi vị "chính kỳ".

Cho nên sự phân mệnh không chỉ là điều kiện tài đức, khả năng của một cá nhân mà còn là sự chấp nhận (chọn lựa) của tập thể xã hội. Và khi kẻ bất tài (nhờ thủ đoạn hay tình cờ) nắm chức vụ quan trọng thì sẽ gây thiệt hại cho xã hội (dân tộc, quốc gia). Do đó xã hội con người phải có Nhân chủ rồi mới có Dân chủ và Dân chủ thì phải đa đảng chứ không thể là độc tài (cá nhân lãnh đạo suốt đời) hay độc đảng (đảng cai trị suốt đời).

Vậy khi phân mệnh có chính kỳ theo hàng dọc (tung, nội tại) và bên ngoài đi theo "cơ năng và bản vị" (hợp, ngoại tại) thì xã hội nhân sinh mới ổn định và thăng tiến. Còn như những tiến bộ hiện thời đi cùng với hủy hoại thì không thể gọi là thời kỳ ổn định của nhân loại.

Nếu trong gia đình, vai trò của người chồng, người cha (hay mẹ) như thế nào thì trong xã hội vai trò của mỗi cá nhân theo phân Mệnh cũng sẽ như vậy vì theo Sinh Mệnh Tâm Lý (Đức nghiệp, Ý nghiệp, Tình nghiệp...) hay trong xã hội biện chứng pháp (khả năng, tất năng) thì con người sinh ra chịu ảnh hưởng bởi nghiệp, khả năng hay tất năng sẵn có. Nếu bạn chấp nhận khoa Tử Vi như là một phương tiện để tìm hiểu và giúp cải thiện (tu dưỡng) con người thì nếu xấu -- nên tìm cách sửa đổi cho tốt. Còn nếu tốt thì cố làm cho tốt hơn thay vì chạy loanh quanh chỉ làm mất thì giờ của bản thân và làm rối loạn xã hội.

Chấp nhận hay không là tùy theo tri thức của bạn.

Bạn có thể thách thức số mệnh hay lá số tử vi của mình nhưng khi bạn 60 và nhìn lại cuộc đời của mình với lá số tử vi thì lúc đó bạn có chấp nhận "sở mệnh" thì cũng đã muộn rồi, chẳng giúp gì cho xã hội cả.

Trần Công Lân

Tháng 10 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Ghi chú: “Phân Mệnh, Phân Công, Phân Lợi” có ý nghĩa rộng hơn, đáng để vận dụng trong các phân tích về những hoạt động diễn ra của xã hội; không nên tóm gọn thành “được hiểu là đặt đúng vị trí cho hợp lý” – đây chỉ là một ý trong 3 khái niệm này, 3 khái niệm trên thì lớn hơn 1 ý này.

Nguồn: https://nganlau.com/2020/11/24/phan-menh-dien-giai-tu-mot-goc-nhin/

 

Những Nguyên Lý Của Duy Dân

Trong bài trước chúng ta có nói về Đại Cương Về Duy Dân Dưới Một Góc Nhìn. Kỳ này chúng ta sẽ nói về những nguyên lý của Duy Dân trong cuộc sống hằng ngày của con người. Đây là nguyên lý đã có từ thời nguyên thủy của loài người và được thăng tiến theo sự tiến bộ của sinh hoạt loài Người trên thế giới.

Nguyên lý thứ nhất là Con Người. Con Người là chủ thể của mọi sinh hoạt trong đời sống của chính mình. Đời sống của Con Người không những chỉ giúp cho cá nhân của mình mà đồng thời giúp cho xã hội, nhân loại cùng tiến hóa. Dù khác nhau về chủng tộc, văn hóa nhưng tất cả các dân tộc trên thế giới này đều là loài Người.

Là con người chúng ta đều có nhu cầu sống giống nhau: thức ăn, nơi cư ngụ, lập gia đình, một việc làm để mưu sinh, giải trí (văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao…) thông tin, an ninh, y tế… Và như vậy nhân quyền là quyền con người được sống để theo đuổi các nhu cầu đem lại cuộc sống hạnh phúc trong tự do để chọn lựa theo khả năng và sở thích.

Nhưng vì con người không thể sống đơn độc, con người đã kết thành xã hội. Khi kết thành xã hội theo một công ước (social contract) hay hiến pháp đã đòi hỏi mỗi cá nhân phải hy sinh một phần tự do cá nhân dựa trên các điều kiện được thảo luận và đồng ý của mọi người. Đó là dân chủ.

Vậy nhân quyền, tự do, dân chủ phải là do cá nhân tự nguyện kết hợp chứ không phải do một đảng, một lãnh tụ tối cao quy định và bắt mọi người phải noi theo. Không có chuyện nhân danh vì Đông-Tây khác biệt hay chủng tộc, văn hóa, lịch sử, tôn giáo… để cho rằng nhân quyền Á Châu khác nhân quyền Mỹ Châu, Úc Châu, Âu Châu như lối ngụy biện của Trung Cộng hay những nhà độc tài trên thế giới.

Nguyên lý thứ hai là Con Người làm chủ lấy chính mình nhằm thực hiện nhu cầu nhu yếu (kinh tế) và tìm cách bảo vệ an ninh cho chính mình. Để thực hiện an ninh cho chính bản thân hầu chống lại sức mạnh của thiên nhiên, Con Người đã hợp thành xã hội để tạo ra những bộ lạc; kết hợp lại với nhau thực hiện sinh hoạt đời sống hằng ngày để mọi người trong bộ lạc cùng nhau tiến hóa; chia sẻ những trách nhiệm, nghĩa vụ, và quyền lợi trong một bộ lạc, một quốc gia.

Các hình thức về cơ cấu chính quyền có thể khác nhau nhưng nhiệm vụ và mục đích không khác. Đảng chính trị chỉ là bộ phận tập trung các nhân tố có khả năng và sở thích phục vụ cộng đồng không có nghĩa là lợi dụng sự hiểu biết để thống trị và lạm dụng quyền lực. Cũng như tôn giáo, khi nhân loại còn sơ khai thì tôn giáo giữ vai trò duy trì đạo đức xã hội nhưng khi khoa học tiến bộ giúp con người phát triển tri thức về nhân loại, thiên nhiên và vũ trụ thì đạo đức là trách nhiệm nơi mỗi cá nhân phải đóng góp vào xã hội để duy trì trật tự, hài hòa, ổn định. Con người không thể dựa vào thượng đế để tiếp tục làm điều sai trái và để cho thượng đế cứu rỗi hay xá tội.

Nguyên lý thứ ba là Con Người thành lập ra cơ cấu nhà nước, quốc gia để phục vụ sinh hoạt của Con Người sống trong xã hội đó. Không có Con Người thì sẽ không có cơ cấu nhà nước xuất hiện. Vậy thì bất cứ cơ cấu sinh hoạt của quốc gia là để phục vụ đời sống của Con Người sống trong quốc gia đó chứ không phải để phục vụ cái cơ cấu hay phục vụ đảng như đảng csvn hiện giờ. Con Người có sống và chết, có cơ thể vật chất và tinh thần với Tâm-Sinh-Lý như nhau. Vậy nếu Con Người  sống nhờ thiên nhiên và toàn bộ nhân loại chỉ có trái đất để sống thì phải sống chung, không thể tranh chấp sở hữu tài nguyên vật chất để giết hại lẫn nhau vì mỗi cá nhân đều thở như nhau và ăn ngủ trong 24 giờ mỗi ngày, sống không quá 100 năm.  Con Người có gây chiến để tranh đoạt tài nguyên thì chỉ dẫn đến hủy diệt nhân loại và thiên nhiên.

Nguyên lý thứ tư là cá nhân và xã hội luôn luôn là đối lập nhưng mà là đối lập thống nhất để cùng nhau tiến hóa chứ không phải là đối lập để đấu tranh tiêu diệt nhau như thuyết cộng sản. Nam-Nữ đối lập nhưng thống nhất để tiến hóa, phát triển giống nòi. Bình điện có dòng điện âm và dương đối lập nhau nhưng được hợp lại để tạo ra bình điện nhằm phục vụ cuộc sống của con người.

Con người phải giải quyết xung đột giữa các cá nhân để duy trì cuộc sống tập thể. Chủ nghĩa cá nhân (individualism) hay chủ nghĩa xã hội (Karl-Marx, communist) đều đưa đến cực đoan. Các tôn giáo chỉ dẫn đến phân biệt và tranh chấp vì cá nhân đã giao phó niềm tin cho vị lãnh đạo tôn giáo là đã đánh mất tự do, độc lập và dân chủ. Nói thế không có nghĩa là bài bát tôn giáo mà chỉ là lời nhắn nhủ cá nhân phải làm chủ lấy chính mình chứ đừng để người khác làm chủ lấy mình. Những vị lãnh đạo tôn giáo cũng là Con Người cho nên sẽ không hoàn hảo ở bất cứ vấn đề nào thành ra khi nghe các vị lãnh đạo nói, cá nhân phải dùng trí tuệ của mình để suy xét đúng - sai chứ không thể nào chấp nhận một cách dễ dãi để rồi trở thành quá khích như những người Hồi Giáo thực hiện chuyện khủng bố.  Khi con người sống trong xã hội và tránh né nhiệm vụ, bỗn phận với xã hội là nguyên do đưa đến hỗn loạn.

Nguyên lý thứ năm là tương quan giữa thiên nhiên, con người và xã hội là tương quan hữu tương, tác động lẫn nhau để cùng nhau nâng cao mức sống của mỗi cá nhân trong xã hội. Sự tương quan này dựa trên tinh thần đồng tiến thì mới không có chiến tranh, mới không phá hoại môi sinh. Sự tương quan dựa trên tinh thần cá lớn nuốt cá bé, dựa trên tinh thần mạnh được yếu thua, dựa trên tinh thần dục vọng (lợi nhuận cho bản thân mà không quan tâm đến toàn thể) thì sẽ dẫn đến bất công; từ bất công đưa đến chiến tranh, môi trường thiên nhiên bị phá hoại và cuối cùng sẽ đưa đến sự hủy diệt loài người. 

Con người tuy có cơ thể giống nhau nhưng khả năng và năng khiếu khác nhau. Những cá nhân có khả năng suy nghĩ sâu xa và năng khiếu lý luận đã dẫn đến triết học, toán học và khoa học là nền tảng của văn minh nhân loại. Triết học là hệ thống lý luận về con người và cuộc sống trong đó có xã hội ,thiên nhiên. Khi con người vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối…đã chạy theo những ham muốn tầm thường; đã quên đi cái nhìn tổng thể (toàn vẹn) về tương quan con người –xã hội –thiên nhiên. Sự phát triển của nhân loại dựa trên giáo dục qua từng thế hệ. Khi giáo dục bỏ qua những minh triết thì loài người sa lầy trong dục vọng, thù hận. 

Nguyên lý thứ sáu là mỗi cá nhân đều nhờ vào một cá nhân khác để kiện toàn cho chính tri thức của mình và từ đó đem tri thức của mình truyền đạt đến người khác nhằm cùng nhau tiến hóa. Đây là thuyết Ỷ Tha (dựa vào), Tự Kỷ (tự chính mình) và Động Tha (tác động) mà Tự Kỷ là chìa khóa căn bản để tạo ra một sự Động Tha tốt hay xấu. Xin xem bài nói về thuyết này https://nganlau.com/2019/02/01/y-nghia-y-tha-tu-ky-dong-tha/

Nguyên lý thứ bảy là mỗi cá nhân vừa là một cơ năng hoàn thiện, vừa là một bản vị tổng thể. Có nghĩa là cá nhân phải tự mình hoàn thiện ở chính mình, tự mình làm chủ lấy chính mình, và tự chính mình có thể độc lập sống ở bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào. Chỉ khi nào tự chính mình hoàn thiện thì lúc đó mới phối hợp với một cá nhân khác để tạo ra một bản vị gọi là bản vị gia đình, đoàn thể, xã hội. Điều này cũng giống như một chiếc xe đạp. Để có một chiếc xe đạp (bản vị) thì chiếc xe đó cần nhiều phụ tùng (cơ năng) khác nhau như vỏ xe, sườn xe, thắng, sườn bánh xe v.v…. Tất cả những phụ tùng (cơ năng) đó phải hoàn thiện thì mới có thể hợp lại để thành một chiếc xe đạp (bản vị). Thành ra mỗi cá nhân vừa là một cơ năng riêng biệt của chính mình nhưng đồng thời là một bản vị của xã hội. Mỗi cá nhân là một bản vị do nhiều bộ phận (cơ năng) trong cơ thể để hình thành một hình hài của chính cá nhân.

Đời sống xã hội dựa trên sinh hoạt chính trị của đa số và thiểu số. Làm sao biết đa số có quyết định đúng hơn thiểu số (hay ngược lại). Do đó mỗi cá nhân phải luôn luôn tỉnh thức trong mọi hành động, suy nghĩ, quyết định để góp phần điều chỉnh, điều hòa sinh hoạt của xã hội thì mới gọi là tự do, độc lập, dân chủ, nhân quyền. Mọi sự ỷ lại của cá nhân là góp phần làm suy thoái tương quan trong xã hội. Vì con người không thể ôm đồm hết tất cả công việc trong xã hội nên hình thức “cơ năng - bản vị”, nguyên tắc tung hợp đòi hỏi mỗi cá nhân phải “toại kỳ sở nhu-tận kỳ sở năng-chính kỳ sở mệnh” để thích ứng với biến chuyển của xã hội và nhân loại.

Nguyên lý thứ tám là tinh thần và vật chất luôn luôn xảy ra trong cuộc sống của mỗi người. Chính hai yếu tố này tạo ra sinh mệnh (Tâm Lý, Sinh Lý, Mệnh Lý) của chính bản thân mình. Chúng ta sống ngoài nhu cầu vật chất (ăn, uống) thì chúng ta cần nhu cầu tinh thần để kiện toàn tri thức, phát huy sáng tạo hầu giúp mọi người cùng tiến hóa. Cần phải biết rõ khả năng của chính mình để đóng đúng vị trí của chính mình trong xã hội thì bộ máy của xã hội mới hoạt động tiến hóa thay vì giựt lùi.

Đó là tám nguyên lý trong cuộc sống của Duy Dân dưới một góc nhìn hướng về Con Người, phục vụ Con Người.

Trần Công Lân & Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 5 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2019/08/15/nhung-nguyen-ly-cua-duy-dan/

 

 

 

Nhân Cách Con Người

Một nước Việt mới ngoài những con người mang tinh thần Nhân Chủ (https://nganlau.com/2019/07/15/con-nguoi-viet-nhan-chu/) mà còn phải là người có Nhân Cách. Câu hỏi đặt ra là Nhân Cách là gì?

Nhân Cách là lối sống, lối hành xử, ứng xử của con người trong xã hội mình đang sống. Nhân Cách được hình thành qua những ảnh hưởng của bên ngoài nhưng cái quan trọng là do chính ở tri thức ở bên trong của con người để hình thành nên nhân cách của chính mình.

Người có nhân cách là người tôn trọng sự thật cho dù sự thật đó có thể làm hại đến nghề nghiệp, chức vụ, địa vị của chính bản thân người đó. Người có nhân cách nhìn sự thật bằng bản chất thực tế của sự thật chứ không dùng ngụy biện để che giấu bản chất thực tế của sự thật. Với khung thời gian của hôm nay, mọi sự thật được nhiều người biết chứ không phải là thời điểm của thế kỷ 20. Cho nên người có nhân cách luôn luôn đặt sự thật lên hàng đầu, nói những điều có thật chứ không phải nói những điều không có dữ liệu chứng minh, thực tế chứng minh.

Người có nhân cách là người luôn luôn đứng thẳng, đi bằng hai chân chứ không luồn cúi, đi bằng đầu gối để quỳ lạy giới lãnh đạo, hoặc quỳ bởi vì sợ hãi những đòn tâm, sinh lý của bạo quyền đối với cá nhân và gia đình của chính mình. Nhân cách của chính bản thân được trả một giá khá cao, đôi khi cả tính mạng của mình. Nói theo kiểu của Phùng Quán:

“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu …”

Đó chính là nhân cách của một con người, không bao giờ khuất phục trước bạo quyền, trước những hăm dọa cho dù sự hăm dọa đó là cái chết thì người có nhân cách luôn luôn nói đúng sự thật, đúng suy nghĩ ở chính trong tâm của mình. Người có nhân cách cũng không bao giờ nghe những lời ngọt mật để nói những điều đi ngược lại tâm của chính mình.

Người có nhân cách là người có tâm lành. Tâm lành có nghĩa là người có nhân tính. Từ cái nhân tính đó, người có nhân cách luôn luôn ứng xử với người khác, với xã hội trong một tinh thần như đối xử với chính mình. Sự khác biệt giữa người có nhân tính với người không có nhân tính là người có nhân tính không muốn người khác lừa gạt mình và ngược lại họ cũng không muốn lừa gạt người khác. Còn người không có nhân tính thì họ không muốn người khác lừa gạt mình nhưng họ sẵn sàng lừa gạt người khác để làm giàu, làm lợi cho chính bản thân họ.

Người có nhân cách là người có lối ứng xử với mọi người bằng cái nhìn của Con Người đối với Con Người chứ không phải ứng xử dựa vào bằng cấp, địa vị, sự giàu có. Nói đúng ra người có nhân cách là người có tri thức. Chính cái tri thức đó mà người có nhân cách nhìn bằng cấp, địa vị, giàu có chỉ là bề ngoài chứ không nói lên được Con Người thật đúng nghĩa của Con Người. Chính vì cái nhìn đơn giản như thế cho nên người có nhân cách đối xử người có học hay không học; người giàu hay nghèo; người làm việc bằng trí óc hay làm việc bằng tay chân; người có chức vụ trong cơ chế cầm quyền hay không có chức vụ đều như nhau chứ không có sự phân biệt đối xử.

Người có nhân cách biết rõ giới hạn của chính mình cho nên luôn luôn lắng nghe ý kiến khác biệt từ mọi người, mọi lứa tuổi để nâng cao sự hiểu biết của chính mình. Dĩ nhiên, sự hiểu biết của bản thân luôn luôn không bao giờ đủ và sự học hỏi sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến khi trái tim ngưng đập. Chính vì nhận thức này mà người có nhân cách luôn luôn tôn trọng mọi người cho dù có ý kiến khác biệt nhưng không vì sự khác biệt đó để rồi đem trình độ (hoặc bằng cấp) của bản thân để “hạ” người khác biệt ý kiến với mình.

Người có nhân cách cảm nhận được nỗi đau của thiên hạ là nỗi đau của chính mình. Từ đó người có nhân cách sẵn sàng lên tiếng chống lại những bất công trong xã hội, những tệ nạn thối nát trong xã hội. Cho dù hoàn cảnh sống của người có nhân cách rất khó khăn nhưng không vì thế mà người có nhân cách sẵn sàng hợp tác với bạo quyền để kéo dài sự khổ đau, sự bất công, sự thối nát của xã hội.

Người có nhân cách không bao giờ làm nô lệ cho đồng tiền và sẵn sàng rơi nước mắt trước những bi kịch, thảm kịch của đất nước. Có nghĩa là “nghèo cho sạch, rách cho thơm” chứ nhất định không bị đồng tiền mua chuộc nhân cách của mình. Sự rơi nước mắt của người có nhân cách không phải là sự yếu mềm mà rơi nước mắt trước những đại bi kịch của đất nước, của con người Việt chứng tỏ người có nhân cách có một trái tim rất Người chứ không giống những con “vật” đội lớp người trong giới lãnh đạo đảng csvn hiện giờ.

Người có nhân cách luôn luôn tôn trọng người khác cho dù có sự khác biệt ý kiến và không dùng mạng xã hội để đưa ra ý kiến kỳ thị chủng tộc, hoặc chửi mắng người khác khi người đó không tâng bốc mình hoặc nói lên sự thật không tốt về mình. Người có nhân cách không nhìn giới truyền thông là kẻ thù mà hiểu rằng giới truyền thông thực hiện quyền tự do ngôn luận cho dù cái quyền đó đã được sử dụng không công bằng nhưng không có nghĩa đó là kẻ thù của quần chúng. Nếu giới truyền thông nói sai về mình thì mình cũng có đầy đủ quyền phản biện để chỉ ra cái sai của giới truyền thông.

Nhân cách con người không phải tự nhiên mà có. Nhân cách đó được hình thành từ lúc trưởng thành mà sự trưởng thành đó không giới hạn tuổi tác là bao nhiêu. Có người trưởng thành trước 18 tuổi ngược lại có người trưởng thành sau 30, sau 70 hoặc không bao giờ chịu trưởng thành. Sự hình thành nhân cách của con người là sự tự tôi luyện ở ngay chính bản thân, ngay tận trong tri thức của chính mình để kiện toàn nhân cách của mình ngày một hoàn hảo hơn.

Nhân cách con người không một trường sở nào dạy nên vì thế có bằng cấp cao, học ở những trường nổi tiếng không nói lên được nhân cách của cá nhân đó. Sự quan trọng của nhân cách con người được diễn đạt qua câu “chữ tâm bằng ba chữ tài”. Người có nhân cách luôn luôn là người có tâm tốt sống vì mình và vì mọi người chứ không phải chỉ sống vì mình mà quên mọi người.

Vậy thì một nước Việt mới, Việt tộc phải xem nhân cách con người là quan trọng để chọn người tài, có nhân cách vào trong vị thế lãnh đạo chứ không thể chọn người tài nhưng không có nhân cách vào vị thế lãnh đạo.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2019/08/24/nhan-cach-con-nguoi/

 

 

Hỗ Tương Nguyên Nhân và Đối Lập Thống Nhất

A.  Hỗ tương nguyên nhân:

Trong tài liệu “Chìa Khóa Công Việc” được định nghĩa như nguyên nhân tác dụng lẫn nhau. Mọi hiện tượng (bản vị) vận hành, phát triển đều do tác động  có liên quan đến bản vị khác. 

Trong Sinh Mệnh Tâm Lý, Lý Đông A (LĐA) đã viết về những “Căn Bản Nguyên Lý” trong đó “căn nguyên duy nhất của vũ trụ, xã hội và sinh mệnh là Âm Dương hỗ tương nguyên nhân hoàn thành tất cả nội dung của đại hóa”.

Cũng như Lão Tử trong Đạo Đức kinh đã nói về Thái Cực sinh lưỡng nghi (Âm –Dương) và từ đó sinh ra vạn vật. Sau này Phật giáo cũng xác định thế giới chúng ta đang sống là Nhị nguyên (dualism) cũng như khoa học xác định về sự bảo toàn năng lực trong vũ trụ: cho và nhận. Vậy Âm và Dương không thể tách rời ra được và chúng nương tựa lẫn nhau để sinh tồn và phát triển.

Tất cả loài sinh-thực vật trên trái đất đều dựa vào Dương (mặt trời, ánh sáng) và Âm (đất, nước) để sinh tồn. Đối với con người, mọi hoạt động với suy nghĩ phải có kết quả (hiệu suất). Kết quả không phải chỉ cho bản thân mà cho người khác, xã hội. Do đó những hoạt động, suy nghĩ phải có sự tương tác, hỗ tương.

Trên căn bản Âm – Dương thì trong Âm (Thái Âm) có Dương (Thiếu Dương) và trong Dương (Thái Dương) có Âm (Thiếu Âm). Xem Thái cực đồ thì khi Âm thịnh thì Dương suy và ngược lại. Đó là quân bình của Âm – Dương qua hỗ tương nguyên nhân. Sự phát triển của loài người cũng nhờ có Nam-Nữ. Cho nên trên mặt Nhân quyền thì sự “đồng tình luyến ái” vẫn được chấp nhận nhưng rõ ràng đó không phù hợp với “hỗ tương nguyên nhân”: sinh con. 

Trong Đông Y (Mạch Thái Tố) cũng ghi nhận con người có 2 quả thận, một Âm, một Dương để điều hòa kinh mạch (khi bắt mạch nơi cổ tay, một bên sẽ đại diện cho Thận Âm, tay kia là Thận Dương). Vậy con người muốn sống khoẻ mạnh thì kinh mạch phải đều hòa.

Con người có phát triển, tiến hóa, sáng tạo thì xã hội mới đi lên (hay hủy diệt). Do đó quy luật “hỗ tương nguyên nhân” có thể áp dụng trong mọi khía cạnh suy nghĩ và hành động của con người. Chúng ta phải nhận diện và xác định mọi tư tưởng, hành động sẽ đòi hỏi sự hỗ tương như thế nào và sự thống nhất trong tiến trình hỗ tương đó kết cấu ra sao. Hỗ tương phải phát xuất từ nguyên nhân gốc ( theo như định luât Âm-Dương) chứ không phải là sự gán ép vu vơ, gượng gạo.

“Hỗ tương nguyên nhân” không xuất hiện vô cớ, phải có “tự kỷ nguyên nhân” xuất hiện thì mới có “hỗ tương nguyên nhân”. Con người xuất hiện với  (a) Tinh Thần (Tâm) và Vật Chất (Thân) hợp nhất, không thể thiếu một trong hai.  Cũng như con người xuất hiện trước rồi mới thành hình xã hội để củng cố sự sinh tồn của con người. Do đó (b) vận động và kết hợp cũng phải là hổ tương nguyên nhân vì sự vận động của con người trong xã hội phải là kết hợp mới củng cố và phát triển xã hội. Vận động không thể là chia rẽ hay phá hoại xã hội vì đó không còn là hổ tương nguyên nhân (là tự kỷ nguyên nhân). Vậy con người không thể vận động để hủy diệt xã hội hay hủy diệt môi trường nuôi dưỡng bản thân. (c) Bản vị (toàn bộ một đơn vị) và cơ năng (các thành phần của đơn vị) Con Người (và xã hội) có những bản vị mà các cơ năng phải đóng góp để hoàn thanh nhiệm vụ. Khi con người (bản vị) có những cơ phận (cơ năng) trong người không hoạt động thì cá nhân đó lâm bịnh và không thể đóng góp cho xã hội được.

Nguyên nhân của một sự kiện xảy ra có thể “tương sinh” (thuận) hay “tương khắc” (nghịch) xem ra tưởng như có sự chống đối nhưng theo Dịch Lý thì vẫn là “hỗ tương” để cân bằng sự điều hòa của vũ trụ (thiên nhiên) mà xã hội loài người nương tựa. Khi sự kiện xảy ra không theo ý muốn thì con người cho là nghịch nhưng sự thay đổi nào cũng có nguyên nhân của nó và con người phải nhìn ra khía cạnh hỗ tương để phát triển. (d) “Hỗ tương nguyên nhân” là “tự kỷ nguyên nhân”: con người có thể sống trong thế giới nhị nguyên này là do thiên nhiên hội đủ điều kiện để nuôi dưỡng các loài sinh-thực vật. Con người chỉ có thể thực sự tồn tại (chân ý nghĩa của đạo kỷ) khi kết thành nhóm, bộ lạc, xã hội qua sự giúp đỡ lẫn nhau (hỗ tương) chống chọi với thiên nhiên. Đó là lý do tại sao LĐA đã nói ngay từ đầu “đạo kỷ là tự kỷ nguyên nhân là vô sai biệt phạm trù”.

Nhưng “hỗ tương nguyên nhân” chưa đủ, đó chỉ là khởi đầu của tương quan chuyển hóa xã hội. Trên tiến trình chuyển hóa đòi hỏi sự “đối lập thống nhất”.

B.  Đối lập thống nhất

Trước hết phải xác định “đối lập”: Theo Phạm Khắc Hàm đối lập có nghĩa là đứng đối nhau, trái ngược nhau, mâu thuẫn, chống nhau … và được nhìn dưới dạng (a) đối lập loại trừ . (b) đối lập xung khắc. (c) đối lập hòa hoãn. Và “đối lập là thống nhất trong một phạm trù”.

Sự đối lập phải cân xứng và chính xác, nếu không đó chỉ là sự chấp vá và sẽ xụp đổ khi đối diện với thực tế (hay một thực thể tự nhiên có sự đối lập vững chắc). Thí dụ: đối lập của A phải là Á chứ không thể là B. Cũng như đối lập của mặt phải đồng tiền là mặt trái đồng tiền chứ không phải là một đồng tiền khác. Tương tự, đảng đối lập phải có chung nền tảng xây dựng quốc gia với Hiến Pháp (HP) do toàn dân chọn lựa (thống nhất trên căn bản HP) chứ không phải là một đảng có nền tảng hoàn toàn khác với chính quyền (đảng cầm quyền) hiện tại vì như vậy là một cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn cơ cấu xã hội.  Do đó “đối lập” được hiểu như một giải pháp thay thế nhưng có chung một mục đích mà HP đã vạch ra: xây dựng đất nước. Nếu là hủy hoại đất nước thì có “đối lập” nhưng không thể là thống nhất khi một bên là xây dựng thì không thể ghép chúng với bên hủy diệt để gọi là thống nhất. Ở đây “đối lập thống nhất”  giống như sự tuần hoàn trong hệ thống chính trị: không đồng ý trên phương pháp xây dựng điều hành đất nước nhưng vẫn đóng góp và tùy theo sự ủng hộ đa số, thiểu số của toàn dân qua bầu cử sẽ thay nhau cầm quyền.

Như vậy sự đối lập phải cân xứng và “thống nhất” phải chung trong một phạm trù của “đối lập” chứ không thể đối lập A mà thống nhất B.

Nguyên lý căn bản của Triết học Thắng Nghĩa là:

Xã hội với tự nhiên đối lập thống nhất: Từ khi con người xuất hiện cho đến khi kết thành xã hội, xã hội đó dựa trên qui luật tự nhiên (cạnh tranh, đào thải) để tồn tại. Đối lập thống nhất thành hình từ đó và duy trì cho tới nay.

Nguyên lý Cá thể với Toàn thể đối lập thống nhất: cá thể với tập thể (dân tộc) hay dân tộc với nhân loại (nhiều dân tộc) đã có hỗ tương nguyên nhân và cần sự đối lập thống nhất để củng cố tương quan chuyển hóa hai chiều mà không đưa đến xung đột. Hiện nay chúng ta thấy trong tiến trình dân chủ Tây Phương có những kẽ hở như sự lũng đoạn quyền lực (sách nhiễu tình dục) của các nhà Lập Pháp tại Quốc Hội và các quan tòa hay giới Hành Pháp mà người dân phản đối hầu như vô hiệu. Giải pháp duy nhất vẫn là chờ tới dịp tranh cử và nếu cử tri chọn lầm ứng cử viên thì vòng tròn lại tái diễn. Rõ ràng sự đối lập thống nhất đã không hiện hữu.

Nguyên lý thời gian và tiến hóa đối lập thống nhất: như thí dụ trên thì thời gian và tiến bộ đã không được thực hiện và do đó vai trò của Duy Nhân Cương Thường cần có để để tạo sự đan quyền trong Hiến Pháp mà Tam quyền phân lập không đủ ngăn chặn sự suy thoái dân chủ đưa đến tình trạng dân túy. 

“Hỗ tương nguyên nhân” và “đối lập thống nhất” là những viên gạch cơ bản trong tư tưởng Duy Dân để xác định sự thành hình và tương quan của các nguyên tắc, phương pháp … xây dựng Dân Chủ, Nhân Chủ từ nơi con người qua xã hội, vũ trụ.

Khi trong cơ thể một cá nhân mà tinh thần và vật (thể) chất không hỗ tương thì mọi suy nghĩ hành động sẽ lệch lạc; không đối lập thống nhất thì lý luận sẽ sai lầm từ yếu căn bản. Từ đó, khởi đi từ tự do đầu tiên (trong nội tâm) cá nhân quyết định cho cuộc sống của mình lầm lạc (tính ác) thì không những hại cho bản thân mà cho cả người thân (cha mẹ, vợ con, thân thuộc…) và xã hội. Một khi cá nhân có tài năng mà không có tu dưỡng đạo đức (Chân-Thiện-Mỹ) thì càng gây hại lớn cho xã hội, thiên nhiên mà vẫn tin việc mình làm là đúng vì tài năng chứ không phải đạo đức quyết định giá trị (cứu cánh biện minh phương tiện).

Thông thường con người lớn trên trong một xã hội đã thành hình và được giáo dục của xã hội. Cho tới khi con người có cơ hội ý thức khác đi và đòi hỏi một cuộc cách mạng thì ít nhất cá thể phải trải qua cuộc cách mạng bản thân và biết rõ (người tư tưởng và tư tưởng là một) cách mạng như thế nào và đi về đâu. Nếu không thì con người vẫn lạc lõng trong vòng luẩn quẩn của những bế tắc hiện nay. Xác định một ước lệ của một cá nhân với xã hội sẽ như thế nào?

Tương quan quyền lợi đối với trách nhiệm, bổn phận là tương quan hai chiều giữa cá nhân và xã hội. Khi xã hội bị thao túng bởi thiểu số thế lực (thương gia, chính trị gia) thì không còn là hỗ tương và thống nhất nữa. Vậy điều kiện nào sẽ xác định nguồn gốc (lý do) của sự kiện xảy ra?  

Vấn nạn của con người là nếu sinh ra trong một xã hội độc tài thì người dân phó mặc cho chế độ định đoạt. Nếu sống trong xã hội dân chủ, tự do thì cá nhân lại chạy theo tham vọng (làm giàu, hưởng thụ) và bỏ quên trách nhiệm, bổn phận đối với xã hội, chính quyền …. Khi đứa trẻ được dạy “tự do” là ma túy, rượu … hay làm bất cứ gì hắn muốn mà không phân biệt hậu quả về sau. Cha mẹ phó mặc cho trường học. Trường học cứ dạy, ai không học thì mặc kệ. Ra khỏi trường học là trách nhiệm của xã hội, của cảnh sát, của chính quyền địa phương, cơ quan cải huấn…. Như vậy cơ cấu xã hội đã lệch lạc ngay từ đầu chỉ vì quan niệm “tự do, dân chủ” một cách sai lầm.

Sự “hỗ tương” mất nguyên nhân và “đối lập” mất thống nhất. Và như vậy cá thể mất thăng bằng sẽ làm gia đình, tập thể, xã hội chao đảo, hỗn loạn.

Kết luận

Vậy nếu nhìn vào một xã hội hỗn loạn thì sự sửa đổi sẽ từ giáo dục cá nhân. Từ cá nhân sẽ nhận định mọi suy nghĩ, hành động có “hỗ tương nguyên nhân” và “đối lập thống nhất” hay không. Thêm vào đó sự Tu Dưỡng Thắng Nhân và Sinh Mệnh Tâm Lý sẽ giúp cá nhân đó tham dự cuộc cách mạng chuyển hóa xã hội.

TCL

VA 12-2017   

Nguồn: https://nganlau.com/2018/04/15/ho-tuong-nguyen-nhan-va-doi-lap-thong-nhat/

 

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...