Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Cơ Năng và Bản Vị

Cơ Năng và Bản Vị là nguyên lý hình thành vật chất và xã hội. Đây là một nguyên lý sống xảy ra từ khi có sự xuất hiện của trái đất và con người. Tại sao phải hiểu nguyên lý này? Hiểu để biết đặt đúng mình vào vị trí của cuộc sống trong xã hội. Đặt sai vị trí hoặc không quan tâm đến nguyên lý này sẽ tạo sự xáo trộn của xã hội hoặc tạo cho cá nhân có sự hãnh diện quá đáng và sự hãnh diện quá đáng tạo ra tính tự cao, tự đại xem thường người khác.

Tất cả mọi sự vật, gồm cả con người và hệ thống xã hội đều hình thành từ thuyết Cơ Năng và Bản Vị. Cơ năng là những bộ phận trong một hệ thống (xã hội hay vật chất) để tạo ra một bản vị mới, tốt hơn, hoàn hảo hơn.

Hãy nhìn vào thí dụ thực tế để hiểu thuyết cơ năng và bản vị trong cuộc sống của chúng ta.

Thí dụ 1: Hình hài của chúng ta gọi là bản vị của cá nhân A, B, C. Những cá nhân (bản vị) này sống còn là nhờ sự phối hợp của những cơ năng trong cơ thể như tim, óc, phổi, thận, ruột, gan, máu, hệ thống thần kinh trong cơ thể v.v…. Tất cả những cơ năng này phải dựa vào nhau để sống, để cá nhân A có thể hiện hữu và hoạt động như là một bản vị (con người) hoàn hảo. Nếu tim ngưng đập hoặc phổi ngưng làm việc thì các cơ năng khác trong thân thể cũng bị tê liệt và bản vị (cá nhân A) sẽ mất (chết).

Ngay cả những bộ phận trong thân thể của ta, dù là một cơ năng riêng biệt trong thân thể nhưng những cơ năng đó phải là bản vị của chính nó để có thể hoàn thành đúng cơ năng của mình. Tim được hình thành từ những sớ cơ bắp, những thứ cần thiết phối hợp để tạo ra bản vị là trái Tim. Bản vị trái Tim sẽ trở thành cơ năng khi phối hợp với những cơ năng khác để hình thành ra một bản vị mới: Con Người của mỗi cá nhân trong đời sống xã hội.

Thí dụ 2: Chiếc xe hơi được hình thành từ những cơ năng khác như sườn xe, bánh xe, vỏ xe, mâm xe, thắng xe, hệ thống vi tính phần cứng và phần mềm v.v…. Các thứ cần thiết để tạo ra một chiếc xe gọi là cơ năng và khi các cơ năng đó phối hợp lại với nhau để tạo ra một bản vị hoàn hảo là chiếc xe. Nếu thiếu những cơ năng chính thì chiếc xe không còn là chiếc xe hoàn hảo. Nếu chiếc xe thiếu hai bánh xe thì không còn là chiếc xe mà là một chiếc xe vô dụng. Hoặc nếu chiếc xe thiếu thắng thì chiếc xe không phải là chiếc xe hoàn hảo và có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của người khác khi chiếc xe không hoàn hảo này được sử dụng bởi không có thắng an toàn cho chiếc xe. Những bộ phận của chiếc xe là cơ năng nhưng đồng thời là bản vị của chính nó bởi những bộ phận đó được hình thành từ chất sắt, nhôm, đồng, nhựa, chất hóa học để tạo ra bản vị của những bộ phận xe.

Thí dụ 3: Mỗi con người là bản vị của chính mỗi cá nhân. Khi nhiều người kết hợp lại thì họ trở thành cơ năng trong cái tập thể kết hợp đó và cái tập thể kết hợp đó gọi là xã hội (bản vị mới). Trong cái bản vị xã hội này, mỗi con người trong xã hội đó đóng vai trò của chính mình trong bộ máy của xã hội để làm cho bộ máy xã hội hoạt động tốt hơn, lợi ích hơn cho toàn bộ mọi người sống trong xã hội đó. Trong xã hội đó sẽ có nhiều người làm nhiều công việc khác nhau nhưng cần thiết cho những người sống trong xã hội đó. Từ người phu quét đường, bác nông dân, người buôn bán, thầy cô giáo, học trò, bác sĩ, kỹ sư, giới công nhân, giới lao động chân tay cho nhiều ngành nghề … tất cả là những cơ năng trong bộ máy xã hội để cùng nhau làm việc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Mọi người đều có vị trí quan trọng trong bộ máy của xã hội mà thiếu vắng bất cứ bộ phận nào, dù nhỏ nhất, cũng có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của toàn bộ xã hội.

Thí dụ 4: Xã hội được hình thành thì cần phải có một bộ máy điều hành bởi sự phức tạp của xã hội – từ đó một bản vị mới phải được ra đời đó là chính quyền. Trong cái bản vị chính quyền này gồm có nhiều cơ năng khác nhau tạm gọi là hành pháp, lập pháp, tư pháp, các tổ chức đảng phái, các đoàn thể trong xã hội. Tất cả những cơ năng này có cùng trách nhiệm với nhau để tạo ra một chính quyền với mục đích tối hậu là thiết kế và chấp hành nhân sinh chứ không phải là để cầm quyền, ăn trên nằm trước như các chính quyền độc tài hoặc các chính quyền dân chủ đảng tranh.

Người ta thường ca ngợi chính quyền Mỹ là có sự kiểm soát lẫn nhau giữa hành pháp, lập pháp, tư pháp để tránh độc tài. Trên mặt lý thuyết thì rất hay nhưng thực tế, với tinh thần đảng tranh, cuộc đảo chính trong ngày 6 tháng 1 năm 2021 để lật đổ kết quả bầu cử năm 2020 cho thấy cái gọi là kiểm soát lẫn nhau chỉ là hình thức, không có giá trị thực tế khi những con người cầm quyền của ba ngành đã bị hủ hóa trên cái tinh thần đảng tranh. Đến giờ phút này, gần hai năm sau, vẫn có số người nằm trong cơ cấu cầm quyền cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 là gian lận.

Sự quan trọng của thuyết Cơ Năng và Bản Vị

Thế giới hôm nay con người đã bị mạng xã hội làm xáo trộn cuộc sống của mọi người. Cái lợi của mạng xã hội là một thì cái hại là 10. Cho nên phải nắm rõ tương quan của cơ năng và bản vị trong đời sống của con người để tránh bị mạng xã hội đưa những thông tin hoàn toàn đi ngược lại mục đích của xã hội là thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh là chuyện của mọi người sống trong xã hội đó chứ không đơn thuần là chuyện của những người lãnh đạo trong bộ máy cầm quyền (chính quyền) của xã hội. Thiết kế và chấp hành nhân sinh là trách nhiệm của mỗi thành viên sống trong xã hội đó. Tùy theo vị trí cơ năng của chính mỗi người trong bộ máy xã hội, sự thiết kế và chấp hành nhân sinh nằm ở hai vế là thiết kế và chấp hành.

Những người có trách nhiệm thiết kế thì sẽ làm chuyện thiết kế đồng thời làm chuyện chấp hành cái mình thiết kế cho toàn bộ xã hội. Những người không có khả năng thiết kế thì làm chuyện chấp hành những điều luật đưa ra trong xã hội để mọi người cùng tiến bước trong tiến trình thiết kế và chấp hành nhân sinh đó.

Sự thiết kế một bộ máy cầm quyền cần phải dựa trên căn bản cơ năng và bản vị ở tất cả những bộ phận trong bộ máy cầm quyền. Bộ máy cầm quyền không thể ngừng hoạt động như hình ảnh bộ máy cầm quyền của Mỹ, có thể đóng cửa nếu hành pháp và lập pháp không đồng ý trên ngân sách, hoặc giữa những người hành pháp không đồng ý trong chính sách của ngân sách thì họ sẵn sàng đóng cửa bộ máy cầm quyền để dùng đó là thủ đoạn cho mùa bầu cử ở tương lai.

Nếu bộ máy cầm quyền của xã hội như chính những cơ năng trong cơ thể của con người thì xã hội sẽ được tốt hơn. Các bộ phận trong cơ thể con người độc lập nhưng nương tựa vào nhau để bản vị của con người được tồn tại. Không một bộ phận nào trong cơ thể đòi làm cha, làm chú hoặc kiểm soát những bộ phận khác mà chính cái bản vị Con Người làm chuyện kiểm soát các bộ phận trong cơ thể của mình. Có nghĩa là con người tự làm chuyện điều chỉnh ăn uống của chính mình nếu một bộ phận nào đó trong cơ thể bị hư hại vì thức ăn đưa vào cơ thể.

Bản vị cầm quyền phải được quan tâm và thiết kế trên căn bản của những bộ phận con người mà chính người dân sẽ là người kiểm soát các bộ phận của cơ cấu chính quyền để phục đời sống của mọi người trong xã hội chứ không phải để phục vụ người giàu, công ty lớn như cơ chế chính quyền của Mỹ. Sự kiểm soát của người dân không đơn thuần là đi bỏ phiếu mà phải trực tiếp tham dự vào những tổ chức bất vụ lợi để gián tiếp giúp các tổ chức bất vụ lợi trực tiếp tham gia vào tiến trình thiết kế và chấp hành nhân sinh của bộ máy cầm quyền.

Hiểu thuyết cơ năng và bản vị để quý trọng mọi người trong xã hội bởi mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể, mỗi cơ cấu trong xã hội đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy hoạt động của xã hội mà thiếu những cơ năng đó thì xã hội sẽ bất ổn.

Hiểu thuyết cơ năng và bản vị để tự chính mình không xem mình là cái rún của vũ trụ hoặc nghĩ rằng mình là quan trọng và nếu thiếu mình thì xã hội bất ổn. Nên nhớ rằng có rất nhiều cơ năng trong xã hội giống nhau cho nên đừng nghĩ rằng mình là cơ năng duy nhất có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt của xã hội.

Hiểu thuyết cơ năng và bản vị để nắm rõ cá nhân mình phải là bản vị của chính mình trước hết và sau đó là cơ năng của bộ máy xã hội. Khi đã là cơ năng của bộ máy xã hội thì cái gọi là cá nhân phải phù hợp với quyền lợi của bộ máy xã hội chứ không phải là để độc chiếm cái xã hội cho quyền lợi của cá nhân.

Hiểu thuyết cơ năng và bản vị để hiểu rõ vị trí của mỗi cá nhân trong bộ máy cầm quyền là trách nhiệm, bổn phận trong việc thiết kế và chấp hành nhân sinh chứ không phải là cái quyền để bám và trở thành độc tài lãnh đạo.

Hiểu thuyết cơ năng và bản vị để biết lui về hầu tạo điều kiện cho người khác tiến lên thay vì đòi làm lãnh đạo mà tuổi tác, suy tư đã hao mòn theo ngày tháng mà vẫn tham quyền cố vị bám vào cái chức vụ đã được giao phó.

Mong rằng mọi người nắm rõ thuyết cơ năng và bản vị để đóng góp vào tiến trình thiết kế và chấp hành nhân sinh trong sinh hoạt của xã hội.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/11/24/tu-duong-thang-nhan-co-nang-ban-vi/

 

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (P1)

Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sống.

Nhìn về lịch sử của Con Người kể từ khi Con Người xuất hiện trên trái đất này, Con Người luôn luôn tự làm chủ lấy chính mình ngay từ thời ăn lông ở lỗ của loài người. Hành động làm chủ lấy chính mình tức là bản thân mình phải quyết định làm gì để tạo ra thức ăn; làm gì để đối chọi với thiên nhiên, với thú dữ; làm gì để tránh chuyện tài sản, con thú mình vừa săn về không bị người khác cướp giựt, không bị hư thối vì ăn không hết trong vài ngày.

Tất cả những vấn nạn mà chính Con Người thời nguyên thủy phải đối diện đã đưa họ đến quyết định phải hợp thành từng nhóm, từng đoàn, từng bộ lạc để giải quyết những khó khăn mà một cá nhân không thể nào giải quyết được. Để tránh thịt một con thú không bị hư hại, họ đồng ý cùng nhau chia sẻ con thú để mọi người đều có thức ăn, mọi người đạt được nhu cầu nhu yếu tối thiểu đó là cái ăn. Trong cái chia sẻ này họ đã thực hiện hành động quan hệ hữu tương giữa cá nhân với tập thể để tất cả mọi người cùng tiến hóa, đạt được nhu cầu ăn cho tất cả mọi người mà không phí phạm thức ăn.

Để đối chọi lại với thiên nhiên, chẳng hạn như làm sao săn bắt một con thú lớn, mạnh hơn cá nhân, họ kết hợp với nhiều người khác -- cùng nhau săn bắn thú nhằm tạo thức ăn cho tất cả những người trong cùng một nhóm, một bộ lạc. Tinh thần đùm bọc lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau để cuộc sống của mọi người thăng hoa đã có từ từ khi Con Người xuất hiện trên trái đất này.

Để tránh những nhóm khác, những bộ lạc khác cướp lấy tài sản con thú mình vừa săn, họ cùng nhau kết hợp lại thành một nhóm riêng, một bộ lạc riêng nhằm bảo vệ lẫn nhau, tạo cuộc sống cho chính thành viên trong nhóm đó, bộ lạc đó được an toàn hơn. Đây là tinh thần tự vệ của cá nhân, của bộ lạc, đối với sự xâm chiếm của người ngoại tộc. Tinh thần tự vệ này khởi đầu từ chính bản thân của mỗi người, nhận diện ra nhu cầu phải đoàn kết, hợp tác để cùng nhau bảo vệ an ninh cho chính mình và những người khác trong bộ lạc của chính mình.

Từ khía cạnh lịch sử đó, nhiều Con Người kết hợp lại với nhau để trở thành một xã hội, một quốc gia -- không ngoài mục đích giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau, và cùng nhau quyết định chính sinh mệnh của mình, bộ lạc mình, quốc gia mình. Bộ lạc nào, quốc gia nào không tôn trọng sinh mệnh của mỗi thành viên sống trong đó, không cho mọi người quyền quyết định lấy sinh mệnh của chính mình, chính dân tộc mình thì quốc gia đó sẽ bị một quốc gia khác thôn tính, đồng hóa hoặc nền văn minh của một dân tộc trên một khía cạnh nào đó của lịch sử sẽ tàn lụn để trở thành một dân tộc yếu kém so với các dân tộc khác cùng thời đại. Một thời huy hoàng của Ai Cập với Kim Tự Tháp, của dân tộc Miên với những tượng ở vùng Angkor, nền văn minh của Cahokia của người Mỹ da đỏ trước khi bị người Âu Châu xâm chiếm là những thí dụ điển hình để thấy rõ nhu cầu sinh mệnh của Con Người ảnh hưởng đến xã hội mình đang sống ra sao.

Hãy cùng nhau so sánh sự phồn thịnh của một quốc gia dân chủ với những quốc gia độc tài để thấy được tầm quan trọng của Nhu Cầu Sinh Mệnh ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và Con Người ra sao.

Tại các quốc gia độc tài, sinh mệnh của cá nhân, của xã hội, của toàn thể dân tộc do các nhà độc tài, hay thiểu số độc tài lãnh đạo (hình thức đảng) quyết định sự sống của mỗi cá nhân, sự sống của dân tộc, hướng tiến lên của dân tộc. Nhà cầm quyền độc tài csvn là một thí dụ điển hình. Quốc Hội Việt Nam phải chờ đợi chỉ thị của đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất), chính sách của đãng, hay nghị quyết của đãng để có thể làm ra luật phù hợp lợi ích của đãng cho dù lợi ích này đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Những người trong Quốc Hội Việt Nam cũng chẳng dám nắm lấy sinh mệnh của chính mình để phục vụ đất nước và dân tộc. Trái lại Quốc Hội VN để đãng csvn nắm lấy sinh mệnh của chính họ và cá nhân của mỗi thành viên trong bộ máy Quốc Hội VN là những người nô lệ trung thành của đãng, nô lệ cho đồng tiền, nô lệ cho quyền lực.

Các cá nhân sống trong xã hội hoàn toàn không có quyền quyết định cho sinh mệnh của chính mình, của dân tộc mình mà đãng csvn giành cái quyền quyết định đó -- để rồi cuối cùng, lịch sử Việt tộc được cạo sửa cho phù hợp với sự tuyên truyền của đãng cầm quyền; để rồi giáo dục sản sinh ra những tiến sĩ giấy, hoàn toàn không có khả năng; để rồi toàn bộ xã hội im lặng trước cái ác, đạo đức xã hội không còn là cái quan trọng mà tiền, giả dối, lừa gạt là cái quan trọng trong cuộc sống hiện tại.  

Sự giả dối, lừa gạt đã đạt đến tột đỉnh để rồi mọi người cảm thấy chuyện phi đạo đức này là chuyện thường tình, chẳng có gì phải nói, phải đóng góp -- bởi cái sinh mệnh của mỗi cá nhân, của xã hội đã bị kìm chế bằng nhiều cách mà trong đó bạo lực đóng một vai trò không nhỏ. Sự kìm chế sinh mệnh của mỗi người đã làm số đông người Việt sống tại VN không còn nghĩ đến nhu cầu mình phải giành lại cái quyền quyết định sinh mệnh cho chính mình, chính dân tộc mình. Sự kìm chế đã làm cho số đông chấp nhận cuộc đời nô lệ (cho tiền, danh vọng, vật chất, của cải, quyền hành) trên chính lãnh thổ, dân tộc của chính mình.

Trong khi đó ở các quốc gia dân chủ tôn trọng Nhu Cầu Sinh Mệnh của con người đã tạo ra một cơ chế mà mọi người có thể tự mình quyết định cho hướng đi của bản thân mình, của gia đình mình miễn sao sự quyết định đó không ảnh hưởng đến sự sống còn của người khác trong xã hội mình đang sống. Chính vì tôn trọng Nhu Cầu Sinh Mệnh mà những khoa học kỷ thuật được phát triển để đem vào cuộc sống của Con Người, làm thăng hoa cuộc sống của toàn xã hội. Tạm thời gác bỏ những khuyết điểm của hệ thống dân chủ ở các nước dân chủ trên thế giới, mà hãy nhìn về khía cạnh để mọi người quyết định Nhu Cầu Sinh Mệnh của chính bản thân, của xã hội, và từ đó đến hướng tiến của một quốc gia. Tất cả đều khởi hành bằng hành động mỗi cá nhân phải làm chủ với chính sinh mệnh của mình.

Làm chủ chính sinh mệnh của mình khởi đầu bằng sự tự đánh giá đúng khả năng của chính mình và cái khả năng đó sẽ đóng góp vị trí nào phù hợp trong bộ máy xã hội. Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng nếu tự mình đánh giá khả năng của chính mình thì chưa chắc đúng bởi có tính chủ quan trong đó. Đồng ý rằng để nhận định cho rõ bản chất của sự việc cần phải dựa vào tính khách quan chứ không thể dựa vào tính chủ quan bởi tính chủ quan luôn luôn nhìn vấn đề qua cảm tính của cá nhân, cho nên sai với sự thật của sự thật. Cách nhìn khách quan này chỉ đúng khi nhìn sự vật không phải là chính bản thân của mình. Còn với chính bản thân của mình thì chỉ có mình, duy nhất, mới hiểu rõ chính mình có khả năng gì, làm được gì và không làm được gì.

Thí dụ: Khi một cá nhân bị bệnh, không khỏe trong người thì chỉ có cá nhân đó biết mình bệnh, biết mình đau ở chỗ nào, cảm giác đau ra sao. Trong trường hợp tự mình đánh giá chính mình thì tính chủ quan đóng một vai trò rất quan trọng và chỉ có mình mới thực sự hiểu được chính mình với điều kiện cá nhân đó phải thực lòng chấp nhận cái thực tế khả năng của chính mình.

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (P2)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 10 năm 2017

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2017/11/15/duy-nhan-cuong-thuong-nhu-cau-sinh-menh-p1/

 

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (P2)

Tự đánh giá chính bản thân mình không cần đòi hỏi phải học từ trường lớp nào, không đòi hỏi phải là người có trình độ tri thức cao mà đòi hỏi cá nhân đó có sự thành thật với chính mình, chịu lắng nghe với chính tâm của mình hay không, chịu để tâm trí lắng đọng trong không gian và thời gian để tự mình nhìn lại chính mình cho chính xác hơn và hiểu rõ chính mình thực tế hơn.

Cái tâm lý sợ hãi, tự ti, tự ái, tự tôn, ỷ lại sẽ phá hoại tất cả những đánh giá về chính bản thân của mình. Phải mang tâm lý hướng thượng là Con Người không bao giờ hoàn hảo mà Con Người luôn luôn có những khác biệt; và chính những khác biệt này làm cho mỗi Con Người trong xã hội có sự quan trọng, đóng góp bằng nhau nếu mỗi cá nhân hoàn thành tất cả những khả năng mình có trong vị trí của chính mình trong xã hội. Đừng bảo rằng vị bác sĩ quan trọng hơn bác nông dân trong xã hội. Nếu không có bác nông dân sản xuất ra lúa gạo thì vị bác sĩ làm gì có cơm ăn để được đi học thành bác sĩ. Còn nếu không có vị bác sĩ thì khi lúc bác nông dân bệnh thì làm sao có thể hết bệnh để tiếp tục làm công việc sản xuất lúa gạo của chính mình. Cả hai người đóng hai vị trí quan trọng trong xã hội và không có vị trí nào quan trọng hơn vị trí nào.

Thái độ coi thường mọi người, xem mình quan trọng, tài giỏi hơn hay xem tổ chức (đảng) mình tài giỏi hơn là thái độ của những người thất bại mà đãng csvn là một thí dụ điển hình. Họ xem họ tài giỏi hơn mọi người để họ bắt cả dân tộc theo con đường xã hội chủ nghĩa. Họ ỷ lại, tự ti, mặc cảm không dám đánh giá chính khả năng của mình để rồi họ đảm nhận những trách nhiệm của họ trong vị trí xã hội không đúng chỗ -- cuối cùng đất nước Việt đã không còn là đất nước Việt với những bản chất Việt mà cha ông đã để lại trong suốt 4 ngàn năm lịch sử.

Hãy tưởng tượng một bác nông dân làm ruộng tài giỏi mà bắt bác nắm giữ chức vụ lãnh đạo ngành y khoa và một vị bác sĩ tài ba bắt phải đi làm ruộng thì rõ ràng sự phân phối công việc của xã hội đã không đúng vị trí và từ đó dẫn đến hiệu quả nghiêm trọng mà xã hội Việt Nam hiện giờ là kết quả của sự phân phối công việc không đúng vị trí đó. Sự phân phối công việc không đúng vị trí của từng cá nhân bởi vì mỗi cá nhân tại VN, trong đó gồm có đãng viên đãng csvn, đã không có cái quyền quyết định sinh mệnh cho chính mình mà để cho đãng csvn (một tập thể vô trách nhiệm đối với xã hội) quyết định tất cả mọi sự việc.

Nhìn về lịch sử Việt chúng ta thấy nhu cầu sinh mệnh này đã đưa dân tộc chúng ta thoát khỏi 1000 năm đô hộ của Tàu. Nhu cầu sinh mệnh này khởi đầu bằng chính cá nhân nhìn ra được vấn đề mà Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ngô Quyền là thí dụ điển hình -- để rồi những cá nhân đó tự đứng lên chống lại các thái thú Tàu, giành lại quyền tự quyết cho chính cá nhân mình, gia đình mình, dân tộc mình.

Dưới đời nhà Trần, Hội Nghị Diên Hồng diễn ra để các bô lão họp lại bàn việc nên hòa hay chiến với giặc Mông Cổ. Toàn dân dưới đời nhà Trần đồng ý quyết chiến chống lại sự bành trướng của giặc Mông Cổ. Vua, quan, dân cùng nhau quyết định sinh mệnh của dân tộc để rồi cuối cùng cha ông ta đánh bại đoàn quân bách chiến, bách thắng Mông Cổ. Vua Trần Thánh Tông đã tôn trọng quyền tự quyết của chính mỗi người dân và cùng với người dân đấu tranh giành quyền tự quyết cho dân tộc của mình.

Nhìn lại VN hiện giờ thì cái quyền tự quyết sinh mệnh của chính mình, của chính dân tộc mình hoàn toàn bị biến mất để thay vào đó quyền quyết định của một tập thể đãng csvn, hèn với giặc nhưng ác với dân. Cái gì đã đưa đất nước đến thảm cảnh hôm nay? Chính chủ nghĩa cộng sản đã thiêu hủy toàn bộ nền văn hóa của hơn 4 ngàn năm; chính chủ nghĩa cộng sản đã cướp đi lấy nhu cầu sinh mệnh của mỗi người VN; chính chủ nghĩa cộng sản đã làm cho mỗi người VN bị sợ hãi để rồi chấp nhận giao sinh mệnh mình cho người khác nắm giữ -- miễn sao mình sống còn dù phải làm nô lệ thì vẫn sẵn sàng sống kiếp đời nô lệ thay vì chọn nếp sống thật anh dũng như cha ông đã sống trong quá khứ 4 ngàn năm lịch sử.

Là người Việt Nam của thế kỷ 21 này, chúng ta cần phải hiểu rõ Nhu Cầu sinh mệnh trong Duy Nhân Cương Thường (https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf ) ra sao và cái Nhu Cầu Sinh Mệnh này đã đóng góp trong tiến trình lịch sử hơn 4 ngàn năm của dân tộc ra sao. Hiểu rõ để từ đó chúng ta xây dựng lại một đất nước VN dựa trên căn bản Duy Nhân Cương Thường để áp dụng vào công việc kiến thiết, xây dựng, giáo dục, đối nội, đối ngoại, kinh tế, ngoại giao, giao thương v.v…

Sự phát triển của lịch sử xã hội loài người là do chính Con Người tự làm chủ lấy chính mình và cùng những cá nhân khác trong xã hội để quyết định cho hướng tiến của xã hội.  Nếu để ai đó làm chủ cuộc sống của chính mình thì cuối cùng mình không phải là mình mà là một nô lệ cho ai đó hay sẽ bị một dân tộc khác thôn tính.

Đã đến lúc dân tộc Việt phải can đảm nhìn lại chính mình và can đảm loại bỏ những sợ hãi để cùng nhau đấu tranh giành lại quyền tự quyết cho chính mình; tự mình quyết định cho sinh mệnh của mình, của làng xóm mình và dân tộc mình. Cha ông của chúng ta nếu sợ hãi như chúng ta hiện giờ thì 1000 năm Bắc thuộc vẫn còn. Hãy sống cho thật đáng sống chứ đừng sống để làm nô lệ cho ai đó, cho tiền bạc, cho vật chất để rồi cuối cùng chính những thứ đó sẽ tiêu diệt đi chính dân tộc của mình.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 10 năm 2017

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2017/12/01/duy-nhan-cuong-thuong-nhu-cau-sinh-menh-p2/

 

Duy Nhân Cương Thường: Nhu cầu nhu yếu (P1)

Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), an ninh, tinh thần (tôn giáo), giáo dục, y tế, hợp tác xã hội (tương quan giữa cá nhân với xã hội và ngược lại) để làm cho cuộc sống của Con Người thăng tiến hơn trong chiều hướng hướng thượng.

Nhu cầu vật chất ăn – mặc – cư trú

Lịch sử của loài người đã chứng minh -- Con Người ngồi lại với nhau, tương tác giữa một cá nhân với một cá nhân, cá nhân với xã hội, xã hội với cá nhân nhằm giải quyết cái căn bản nhu yếu của Con Người. Cái căn bản nhu yếu này được dần dần gia tăng do sự nhận thức của Tri Thức Con Người và từ đó -- Con Người cũng như Xã Hội phải điều chỉnh nhu cầu nhu yếu theo từng thời đại của lịch sử.

Cái nhu cầu đầu tiên của Con Người là cái ăn, cái mặc. Thời nguyên thủy loài người, để giải quyết vấn đề này, những Con Người hợp tác lại với nhau để săn đuổi một con thú hầu cung cấp thức ăn và cung cấp da thú để bảo vệ thân vào mùa đông. Dĩ nhiên một cá nhân khó mà có thể săn một con thú lớn và mạnh hơn chính mình. Cho nên vì nhu cầu ăn – mặc, Con Người thời nguyên thủy đã hợp tác với nhau để tạo ra cái ăn -- không phải cho chính riêng mình mà cho những người đã hợp tác với chính mình. Đây là nhu cầu hữu tương, tự tính (tự động do nhu cầu của Con Người).

Đây là nhu cầu căn bản của Con Người từ thời nguyên thủy cho đến hôm nay. Từ cái thời chọn lối sống săn bắn đi hết chỗ này đến chỗ nọ; đến chọn định cư ở một địa phương nào đó để dựa vào sự cải cách đất đai -- trồng trọt những thức ăn để nuôi dưỡng Con Người và toàn thể cá nhân trong xã hội đó; hoặc chăn nuôi để tạo ra thịt cá cộng với ngũ cốc trồng trọt nhằm nâng cao cuộc sống vật chất, bảo đảm vật chất luôn luôn có đủ -- thay vì đi săn thì hôm có thú, hôm không có thú.

Cái nhu cầu vật chất này đã tạo cho loài người hiểu rằng, tất cả mọi người cần phải có ăn để sống, để đóng góp công sức vào công việc hằng ngày của xã hội. Trẻ nhỏ làm công việc của trẻ nhỏ, tuy không sản xuất ra sản phẩm nhưng vẫn được nuôi dưỡng với đầy đủ nhu cầu thức ăn cho cơ thể -- nhằm mục đích học tập từ người lớn để chuẩn bị tinh thần khi trưởng thành -- vào đời sống xã hội phải biết làm gì, đóng vị trí thích hợp vào cái xã hội đó nhằm mục đích giúp đỡ những cá nhân khác để đạt được nhu cầu vật chất căn bản này.

Người già không còn nằm trong lực lượng sản xuất nhưng không có nghĩa là người già không có nhu cầu ăn mặc. Người già hoàn thành vai trò trong xã hội của chính bản thân mình lúc sức khỏe cho phép.  Cho nên khi về già, xã hội phải có nhiệm vụ lo cái ăn cho người già chứ không phải bỏ bê như món đồ phế thải.

Những người bị bệnh lúc bẩm sinh hay bị tàn tật ở bất cứ thời điểm nào đó của cuộc đời, xã hội có trách nhiệm bảo đảm nhu cầu căn bản ăn-mặc của những cá nhân này. Đây không phải là gánh nặng xã hội mà là sự quan tâm của xã hội đối với những thành viên trong xã hội đã không may mắn trong cuộc sống bình thường của một Con Người.

Quan hệ giữa cá nhân và xã hội được tương tác lẫn nhau để mọi người trong xã hội có được nhu cầu đủ ăn và mặc. Cá nhân tương tác với xã hội và xã hội tương tác với cá nhân để cả hai (cá nhân và tổ chức xã hội) có thể cùng nhau thăng tiến cho nhu cầu vật chất này. Trong sự tác động này thì xã hội không thể nào có những người đứng ngoài đường ăn xin cho nhu cầu ăn mặc của bản thân.

Lịch sử loài người cũng chứng minh là cũng vì cái ăn mà dân tộc này đi đánh phá dân tộc khác để giành miếng ăn cho chính dân tộc mình. Đây là lối hành xử đi ngược lại căn bản của Con Người hay còn gọi là Duy Nhân Cương Thường(*). Bởi mỗi Con Người trên thế giới này, không cần biết thuộc giống dân nào, có học hay vô học, tất cả những Con Người này đều có nhu cầu ăn-mặc. Khi một đất nước không có đủ thực phẩm để ăn thì chính những người dân trong xã hội đó phải tìm cách để giải quyết cái ăn trong chính xã hội mình đang sống. Nếu vẫn không giải quyết được thì cần kêu gọi sự giúp đỡ của các dân tộc khác trên thế giới chứ không thể nào đem quân đội để giành cái ăn-mặc của dân tộc khác. Hoặc dùng phương tiện kỷ thuật hiện đại như súng đạn để hăm dọa một dân tộc khác, để bắt dân tộc khác cung cấp những thứ sản phẩm mà mình muốn, hoặc cướp giựt sản phẩm của một dân tộc khác.

Cần nên nhớ rằng, bất cứ cá nhân nào, bất cứ dân tộc nào dùng sức mạnh để cướp lấy tài sản, thức ăn của bất cứ Con Người nào trên thế giới này tức là đã vi phạm cái Duy Nhân Cương Thường, đi ngược lại xã hội tự tính bởi Con Người ngồi lại với nhau để giải quyết cái nhu cầu vật chất qua sự hợp tác chứ không phải để cướp giựt vật chất của người khác, của dân tộc khác.

Dân tộc mình cần ăn để mà sống và dân tộc khác cũng cần ăn để mà sống. Không thể vì cái ăn của mình để rồi tiêu diệt một dân tộc khác, một hành động giống như loài thú, thì lối ứng xử này không phải là lối ứng xử của Con Người và lối ứng xử này đã đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường của lịch sử loài người để rồi chiến tranh tiếp tục xảy ra.

Khi nói về cái ăn thì không thể quên được cái ăn của hôm nay phải là những thức ăn không làm ảnh hưởng đến đời sống của Con Người. Ăn để rồi mắc phải bệnh ung thư, chết sớm thì đó là cái ăn độc hại, cần phải ngăn ngừa, cần phải tìm cách để những thức ăn độc hại không đưa vào xã hội tiêu thụ. Chính những cá nhân trong xã hội đó và chính cái cơ chế xã hội đó phải có trách nhiệm để không cho những thức ăn có hại đến sức khỏe lưu trữ trong xã hội hoặc đem bán ra ở một quốc gia khác. Không thể vì thức ăn đó có hại cho dân tộc mình nhưng nếu bán cho dân tộc khác thì không sao. Làm điều này đã đi ngược lại cái Duy Nhân Cương Thường của Con Người. Mình không dám ăn bởi thức ăn đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình thì tại sao mình lại đem bán cho người khác, cho dân tộc khác? Người khác, dân tộc khác cũng là Con Người, đều có nhu cầu ăn để sống chứ không phải ăn để chết. Mình xem mạng sống của mình cao còn mạng sống của người khác rẻ hơn hay chăng? Nếu người khác, dân tộc khác làm điều đó với chính bản thân mình, với chính dân tộc mình thì mình nghĩ sao về hành động trên?

Cái ăn-mặc không phải đơn giản chỉ là giải quyết cái ăn mà không cần biết hệ quả của cách giải quyết đó ra sao, có hại đến môi trường ra sao, có hại đến quốc gia khác ra sao.  Đây cũng chính là những vấn đề cần phải suy tư khi nghĩ đến cái nhu cầu căn bản ăn-mặc của Con Người.

Ngoài nhu cầu ăn mặc Con Người cần có một chỗ cư trú để tránh mưa nắng, để nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả. Thường mỗi cá nhân trong xã hội cố gắng tạo cho mình một nơi cư trú nhưng không hẳn là ai cũng có thể đạt được chuyện này. Cho nên những ai không có nơi cư trú thì xã hội phải có trách nhiệm để giải quyết chuyện này. Một xã hội nhân bản không thể nào để cho những người vô gia cư sống lây lất trên đường phố, vĩa hè, hay dưới gầm cầu. Cho nên cơ cấu xã hội cần phải quan tâm đến chuyện giải quyết nơi cư trú cho những cá nhân sống lây lất ngoài đường phố, vĩa hè, hay gầm cầu.

Tóm lại nhu cầu ăn-mặc-cư trú là nhu cầu của Con Người hay còn gọi là Duy Nhân Cương Thường.

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Nhu Yếu (P2)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2017

Dallas, TX

(*) https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2017/10/01/duy-dan-cuong-thuong-nhu-cau-nhu-yeu-p1/

 

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...