Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Đường Sống Việt Trước Ngưỡng Cửa Thế Kỷ 21: Văn Hóa

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều phải chính mình chọn lấy đường sống cho chính mình. Nhìn về sự phát triển của Nhật, Đại Hàn, Mỹ và các nước ở Âu Châu, chính mỗi dân tộc sống trên quốc gia đó tự chọn cho mình một đường sống riêng phù hợp với thực tế và hoàn cảnh, cũng như văn hóa của dân tộc. Dân chủ ở các quốc gia tiến bộ tuy có nhiều điểm chung nhưng mỗi quốc gia có những đặt điểm riêng của nó. Nền dân chủ của Mỹ khác với nền dân chủ của Nhật, Đại Hàn, và các nước Âu Châu. Cho nên không thể nào đem một hệ thống dân chủ, triết học, hiến pháp của bất cứ quốc nào áp dụng vào chính quốc gia của mình.

Nhìn về đất nước Việt và dân tộc Việt, hơn bao giờ hết, đường sống Việt đang ở trong tình trạng rất là nguy hiểm mà nếu dân tộc Việt không nhìn ra được vấn đề thì một sớm một chiều, cả dân tộc bị đồng hóa bởi thôn tính của Tàu bằng sự tiếp tay của đảng cộng sản việt nam (csvn, cố ý không viết chữ hoa). Cả dân tộc đang điêu linh. Hàng triệu người phải sống lưu vong hoặc rời bỏ đất nước mình để làm nhân công ở một quốc gia khác. Bao nhiêu người Việt sống bất hợp pháp ở Miên, Mã, Thái, Lào? Tại sao phải chọn thái độ sống bất hợp pháp ở các quốc gia Đông Nam Á thay vì sống trên lãnh thổ Việt? Ở trong nước thì từ giáo dục, chính trị, kinh tế, khoa học chỉ là những cái mã bề ngoài mà không có nội dung bên trong. Với hơn 40 năm áp dụng chủ nghĩa cộng sản vào miền Nam và gần 70 năm vào miền Bắc, toàn bộ dân tộc đã bị ngu dân hóa.

Với con số hơn 24 ngàn tiến sĩ tại Việt Nam mà con ốc vít của Samsung vẫn không làm được. Với con số hơn 24 ngàn tiến sĩ và cả trăm ngàn thạc sĩ thì bao nhiêu là thật, bao nhiêu là giả? Ngay cả là bằng thật thì trình độ tiến sĩ, ở trong nước hay ở hải ngoại (bằng cấp từ các nước Á Châu) vẫn là vấn đề đáng quan tâm dưới một cơ chế không ai kiểm soát được những ngành nghề mà đáng lẽ ra phải đặt dưới sự kiểm soát của một cơ quan độc lập, nằm ngoài chính quyền. Chưa kể những bằng tiến sĩ nghe rất là lạ tai mà những ai đã từng sống ở hải ngoại hoàn toàn không hề biết ngành nghề đó có bằng tiến sĩ chẳng hạn như tiến sĩ ngành thể thao quần vợt, tiến sĩ chống tham nhũng (đề nghị của quan chức nào đó tại VN trong việc chống tham nhũng).

Trên lãnh vực đạo đức, người dân đã được hấp thụ tư tưởng để đảng lo. Thành ra những vụ đánh người ngoài đường phố, trong trường học thật dã man, người dân đứng chung quanh nhìn mà không hề tỏ một hành động của một con người can thiệp vào vụ đánh người tàn nhẫn. Bảo là người dân vô cảm thì không hẳn đúng lắm. Nói đúng ra với nền giáo dục nhồi sọ, mọi thứ đều có đảng lo cho nên người dân trở nên thụ động không biết phản ứng như thế nào trước một tình huống mà ở một quốc gia bình thường, người ngoài sẽ tham dự ngăn cản cuộc đánh đập dã man xảy ra ở nơi công cộng.

Xã hội Việt Nam trở thành một xã hội vì tiền. Người ta sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì chỉ vì muốn làm giàu hoặc tạo ra đồng tiền để sống sung sướng hơn. Từ quan đến dân đều mang quan niệm đó -- thành ra chuyện bán đất, bán đảo, bán rừng cho Tàu là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chuyện cho chất độc vào thức ăn để tạo bảo quản lâu hơn; chuyện cho công ty Tàu xả chất độc vào biển, sông, không khí và được sự bảo kê của đảng cầm quyền không cho người dân biểu tình chống lại; chuyện làm ngơ cho thương buôn đưa hàng hóa học vào biên giới Việt đã nằm ngoài sự kiểm soát của đảng cầm quyền. Dân tộc Việt đang đứng trước một thảm họa diệt vong và đa số người dân không nhận (hoặc cố tình im lặng) ra được hiểm họa này.

Có người lý luận rằng Việt đã bị Tàu đô hộ 1000 năm mà vẫn không đồng hóa được dân tộc Việt thì dù Việt đang có nguy cơ bị đô hộ (hoặc đang bị đô hộ), rồi sẽ đứng lên như cha ông đã từng đứng lên. Điều này có thể đúng nhưng cần phải phải tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao Tàu không đồng hóa được Việt trong khoảng 1000 năm đô hộ và liệu xem dân tộc Việt hôm nay có đủ cái nguyên nhân để không bị đô hộ (hoặc đồng hóa) hay không.

Có thể nói rằng, lý do Tàu không đồng hóa được Việt sau hơn 1000 năm độ hộ chỉ bởi vì Con Người Việt ở cái thời điểm đó mang tính chất Việt nhiều hơn con người Việt của hôm nay. Tính chất Việt đó là gì? Nó được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ “bầu ơi thương bí lấy cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Một con ngựa đau cả đàn không ăn cỏ. Nghèo cho sạch rách cho thơm. Cái nết đánh chết cái đẹp. Một câu nhịn chín câu lành. Một người làm xấu cả bọn mang nhơ. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Một tấm lòng vàng trong manh áo rách. Chết vinh hơn sống nhục. Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư …”.  Dĩ nhiên không hẳn tất cả ca dao tục ngữ Việt còn phù hợp với thế kỷ 21 này, chẳng hạn như “trai năm thê bảy thiếp, gái vỏn vẹn một chồng” đã không còn phù hợp với thế giới của hôm nay.

Chính nhờ bản chất Việt (hay văn hóa Việt) mà phát sinh ra những câu nói bất hữu lưu truyền mãi mãi về sau như:

“Ta thà làm quỹ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng).

"Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta" (Triệu Thị Trinh hay còn gọi là bà Triệu).

“Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã” (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).

“Ðại trượng phu sinh ra ở đời để phò nguy cứu khổ lưu tiếng lại nghìn năm, chớ đâu để làm tôi tớ cho người” (Lê Lợi).

“… Ðánh cho nó chích luân bất phản. Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Quang Trung Nguyễn Huệ). Đánh cho nó ngựa xe tan tác. Đánh cho nó manh giáp chẳng còn. Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ.

 Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?” (Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn – Hịch Tướng Sĩ).

Chính cái bản chất Việt, cái văn hóa Việt vẫn tồn tại trong dòng sống của Việt tộc trong hơn 1000 năm Bắc thuộc để người Việt luôn luôn vươn lên, sẵn sàng hy sinh để giành lại quyền tự chủ cho chính dân tộc của mình. Cái văn hóa Việt đó đã được thay thế bằng văn hóa xã hội chủ nghĩa mà giả dối được tuyên dương, sự thật được gọi là phản động. Cái văn hóa Việt đã được thay thế bằng sự ngoại vọng, luôn luôn cho rằng các tư tưởng bên ngoài hay hơn của người Việt để rồi từ tư tưởng đến những ngày lễ lộc được nhập vào đất Việt. Các thái thú thời đại của Việt tộc lại là người gốc Việt nên người Việt không nhìn rõ sự đô hộ kiểu mới của phương Bắc. Mà đã là thái thú, cho dù ở thời điểm hôm nay hay ngày xưa, đều có một mục đích chung là ru ngủ người dân để hút máu người dân từng giờ, từng phút. Cách ru ngủ hay nhất là đem những ngày lễ ăn chơi vào trong quần chúng, để tuổi trẻ không còn nghĩ đến văn hóa Việt mà hòa vào văn hóa Tây, Hàn, Nhật, Hán nhằm mục đích hưởng thụ thay vì nhìn lại chính bản thân mình đã bị nô lệ.

Văn hóa Việt đã hoàn toàn bị thiêu đốt để còn lại cái văn hóa xã hội chủ nghĩa biến con người Việt thành những con vật chỉ biết sống vì vật chất mà không cần biết đạo đức bởi mọi thứ đã có đảng lo. Đây là mối quan tâm rất lớn. Khi mà văn hóa mất thì sự diệt vong của một dân tộc để đồng hóa vào một dân tộc khác rất là dễ dàng. Đề nghị sửa đổi tiếng Việt của ông Bùi Hiền tại Việt Nam là dấu hiệu để thực hiện tiến trình biến đất nước Việt thành một tỉnh thành của Trung Quốc. Khi tiếng Việt là phát thanh từ gốc Hán, chữ viết không còn là Việt nữa thì tất cả những sách vở của người xưa để lại hoàn toàn không có giá trị đối với thế hệ đã học từ ngữ Việt mới mang gốc Hán. Sự tiếp nối của lịch sử hoàn toàn chấm dứt thì lúc đó, dân tộc Việt không còn là Việt mà là Hán.

Vậy thì đường sống Việt của thế kỷ 21 là phải phục hồi lại văn hóa Việt, bản chất Việt. Phục hồi văn hóa Việt không thể xảy ra dưới chế độ hiện tại. Vậy thì mỗi cá nhân phải tự chính mình tìm văn hóa Việt của xa xưa để học hỏi, loại bỏ văn hóa ngu dân, văn hóa giả dối. Phải cùng nhau đứng lên thực hiện bất tuân dân sự không cho con đến trường học hỏi những điều giả dối, học hỏi tiếng Việt mới với mục đích diệt toàn bộ văn hóa Việt. Những vị đã lớn tuổi về hưu, có khả năng dạy các bé học hãy cùng nhau thực hiện nghĩa vụ dạy dỗ các bé tại nhà, tại xóm, tại làng của chính mình. Người dân phải can đảm để bảo vệ an ninh cho những ai dạy học đi ra ngoài cơ chế của đảng cầm quyền vì đây là cách duy nhất để người dân giành lại quyền tự chủ, quyền lợi giáo dục cho con cái của chính mình. Đã đến lúc cần phải hành động và hy sinh. Bởi nếu không thì cả dân tộc sẽ bị Hán hóa trong một tương lai rất gần.

Dĩ nhiên văn hóa chỉ đóng một phần trong tiến trình chống lại sự đồng hóa của phương Bắc. Con người và văn hóa là hai yếu tố quan trọng để cha ông ta trong quá khứ đã đứng lên giành lại quyền tự chủ cho chính mình và dân tộc mình. Con Người đó ra sao sẽ được trình bài ở một bài viết khác.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Dallas, TX

Tháng 8 năm 2017 (Việt lịch 4897)

Nguồn: https://nganlau.com/2018/09/01/duong-song-viet-truoc-nguong-cua-the-ky-21-van-hoa/

 

 

 

Đường Sống Việt Trước Ngưỡng Cửa Thế Kỷ 21: Nhận Diện Thực Tế Của Con Người Việt Hôm Nay

 

Nói đến đường sống Việt trước trong thế kỷ thứ 21 này thì không thể nào quên được những căn bệnh của người Việt mà cụ Phan Chu Trinh đã nói hơn 80 năm trước. Đến giờ phút này, những căn bệnh đó càng ngày càng trầm trọng và người Việt, dù có học hay không có học, không nhận diện ra được căn bệnh đó hoặc cố tình cho rằng dân tộc không có căn bệnh đó. Mà cho dù một thiểu số nhìn ra, thiểu số đó vẫn tiếp tục chọn nếp sống nô lệ để sống cho chính mình mà không quan tâm đến sự tồn vong của Việt tộc với hơn bốn ngàn năm lịch sử.

10 căn bệnh đó đã được nói trên trang mạng này (https://nganlau.com/2019/05/15/di-tim-mot-nuoc-viet-moi-2/) và ngày nào chúng ta tiếp tục chối bỏ những căn bệnh trên thì càng ngày, con bệnh sẽ gia tăng và Việt tộc sẽ bị Hán hóa trong một thời gian rất gần. Chẳng lẽ cha ông ta, hơn 1000 năm Bắc thuộc không bị Hán hóa mà chỉ dưới 100 năm cộng sản, dân tộc Việt bị Hán hóa?

Người Việt chỉ thích loại “mì ăn liền”

Sự xuất hiện của các mạng xã hội đã làm cho người Việt nói riêng và toàn thế giới nói chung, thích những tin tức, những nội dung các bài viết thật ngắn. Đây cũng giống như hình thức mì ăn liền, không có giá trị về chiều sâu của nhận thức. Chưa kể khi con người không làm chủ được chính mình thì qua các mạng xã hội sẽ không tiêu hóa được thông tin để rồi bị người khác làm chủ lấy suy tư của chính mình.

Mì ăn liền cũng được hiểu một cách khác là lấy những cái đã có để làm nền tảng cho sinh hoạt của quốc gia. Căn bệnh này do chính chế độ cộng sản tạo ra bởi chính cộng sản đã đem chủ nghĩa Marx vào dân tộc Việt và kết quả đó ra sao chắc không cần phải nói ra, mọi người đã thấy rõ.

Mì ăn liền cũng được hiểu là có một số người quan tâm đến đất nước Việt đang bàn luận về một hiến pháp cho Việt Nam tương lai. Có nhóm chọn hiến pháp nơi quốc gia mình cư ngụ để triển khai vào Việt Nam tương lai. Vậy thì khi cộng sản thoái trào, sẽ có bao nhiêu bản hiến pháp từ các quốc gia, từ các nhóm khác nhau đem vào áp dụng cho Việt Nam? Liệu những áp dụng đó có thích hợp với tình hình thực tế của VN lúc bấy giờ? Liệu những lãnh đạo tương lai của VN nhìn ra được vấn đề hiến pháp chỉ là ngọn mà cái gốc là Con Người? Ở các nước tự do dân chủ cũng có hiến pháp nhưng nền dân chủ đó đang bị khủng hoảng. Vậy những ai đang nghiên cứu hiến pháp có thấy điều đó và liệu đem hiến pháp quốc gia nơi cư ngụ, xào nấu lại nhằm áp dụng cho Việt Nam là chuyện nên làm? Có ai thấy được hiến pháp của hình thức đại nghị đã không còn hợp thời và hình thức đại nghị, người dân hoàn toàn không có tiếng nói trong việc bàn thảo những luật ảnh hưởng đến đời sống của mình? Có ai nhìn thấy sự phân quyền, đặc biệt là ở Mỹ chỉ có giá trị trên mặt giấy tờ chứ thực tế không kiểm soát được chuyện lạm dùng quyền hành mà chính quyền Trump là một thí dụ điển hình?

Không nhìn ra được khả năng của mình

Người xưa có câu “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”.  Đa số người Việt không nhìn ra được khả năng của chính mình mà luôn luôn nghĩ rằng mình có “trình độ” nên mình luôn luôn “khá hơn, giỏi hơn” những người khác. Căn bệnh này rất trầm trọng ở những người có bằng cấp cao.

Qua những sinh hoạt của các đoàn thể, qua những sinh hoạt mạng xã hội chúng ta sẽ thấy điều này. Khi ai đó chất vấn một lời nhận định của cá nhân nào đó thì lập tức, cá nhân đó cho rằng người đọc không chịu đọc sách nhiều nên không nhìn ra được vấn đề. Một hình thức xem mình hiểu rộng hơn người khác và khinh thường người khác. Đọc sách nhiều chưa chắc là đã hiểu nhiều bởi đọc sách để trở thành mọt sách thì chỉ là nhai lại, xào nấu lại những chữ của người viết. Cái quan trọng không phải ở đọc sách mà là đọc làm sao, đọc như thế nào; và có hiểu ý, hiểu ngoài lý, và hiểu trên lý của tác giả viết hay không. Cái quan trọng là tư duy ở ngay trong tri thức của mỗi người ra sao, đủ “giác ngộ” để nhìn ra được cái gốc của vấn đề chứ không phải nhìn cái ngọn để rồi bảo đó là cái gốc.

Bằng cấp to, địa vị trong xã hội cao, học xong đại học chẳng có giá trị gì khi cá nhân đó hoàn toàn không có sự tu dưỡng bản thân về nhận thức ngay trong tri thức của chính mình. Một người có tu dưỡng bản thân ở bên trong tri thức của mình sẽ không đem bằng cấp, trình độ của mình ra để so sánh với người khác. Đơn giản người đạt được tu dưỡng bản thân ở tri thức của mình sẽ biết rằng không phải ai cũng đạt được tới mức nhận rõ được vấn đề gốc, ngọn ra sao. Vì thế cá nhân đó sẽ không làm chuyện so sánh để “hạ” người đối diện và “nâng” cao mình lên.

Thiếu tinh thần trách nhiệm

Người có tinh thần trách nhiệm sẽ sẵn sàng lên tiếng để chống lại cái sai trái và không hợp tác với cá nhân, đảng phái, tổ chức, hay chính quyền để làm những chuyện sai trái hầu phục vụ đời sống vật chất, tiền bạc và quyền hành của cá nhân.

Người có tinh thần trách nhiệm khi làm một điều nào đó sai trái thì sẵn sàng nhận lỗi và sẵn sàng đi tù nếu vi phạm luật chứ không phải nhờ vào những đoàn luật sư (tại Mỹ là thí dụ) để tìm kẽ hở của luật nhằm mục đích che lấp tội lỗi của mình.

Người có tinh thần trách nhiệm tôn trọng sự thật và sẵn sàng nói lên sự thật cho dù sự thật đó ảnh hưởng đến an ninh cá nhân của bản thân về vật chất lẫn tinh thần.

Người có tinh thần trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ do ai giao phó sẽ hoàn thành trong khả năng của mình và không lợi dụng sự giao phó đó để tiếm dụng quyền hành nhằm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân hay đem quan điểm cá nhân để áp đặt vào số đông bởi ở vị thế lãnh đạo.

Nếu đạt được ba điều đơn giản trên thì dân tộc Việt sẽ khá, sẽ không bị Hán hóa. Nhưng để làm được ba điều trên thì sự tu dưỡng bản thân (Tu Dưỡng Thắng Nhân) cần phải nhìn lại và bàn thảo sâu hơn, chi tiết hơn. Người viết sẽ mổ xẻ đề tài Tu Dưỡng Bản Thân ở những bài viết trong tương lai.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 đen 2020 (Việt Lịch 4899)

Nguồn: https://nganlau.com/2020/04/24/duong-song-viet-truoc-nguong-cua-the-ky-21-nhan-dien-thuc-te-cua-con-nguoi-viet-hom-nay/

 

Đường Sống Việt Trước Ngưỡng Cửa Thế Kỷ 21: Duy Dân

Cụ Phan Bội Châu nói “Dân chúng chẳng duy tâm, chẳng duy vật mà chỉ duy dân”.  Cụ Phan là người đầu tiên, trong thực tiễn cách mạng, sáng định ra Duy Dân Chủ Nghĩa. Tuy nhiên, chính cụ Lý Đông A là người triển khai Duy Dân ở dạng tổng thể để áp dụng vào đời sống nhằm mục đích phục vụ con người, phục vụ nhân loại.

Đọc đến đây sẽ có bạn bị dị ứng với chữ “chủ nghĩa” bởi vì cái chủ nghĩa cộng sản đã làm đất nước tệ hại đến giờ phút này thì có lẽ, chúng ta không nên đem một chủ nghĩa nào nữa áp dụng vào một đất nước Việt ở tương lai. Lý luận này thoạt nghe rất là hữu lý những lại hoàn toàn không đúng sự thật và thực tế của nó.

Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì chủ nghĩa là “tư tưởng về xã hội, chính trị, tôn giáo …”. Nói một cách đơn giản là xây dựng xã hội người trên một nền tảng tư tưởng mà người ta gọi là cộng sản, tư bản, giáo quyền, độc quyền, đảng quyền, phong kiến, v.v…. Tất cả các sinh hoạt của bất cứ xã hội nào cũng đều dựa trên một lý thuyết, một chủ nghĩa nào đó. Điều này cũng giống như một con tàu ở giữa biển khơi, mọi người cần biết cái bến phải đến thì mới có thể lèo lái con tàu theo đúng vị trị và hướng bến bờ đã định sẵn. Nếu không thì con tàu mãi mãi đi không biết bến bờ hoặc trôi dạt vào nơi nào đó mà cần phải tránh.

Vậy thì không thể vì sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản để rồi chúng ta cho rằng không cần một chủ nghĩa nào nữa thì cũng là một sự sai lầm bởi xã hội luôn luôn được điều hướng bằng một chủ nghĩa, một lý thuyết, hay một phương cách nào đó với mục đích như thế nào lại là một vấn đề khác. Thành ra khi nói đến chủ nghĩa Duy Dân, chúng ta hãy tạm hiểu đó là một phương cách, phương pháp sinh hoạt trong đời sống của loài người nói chung và của dân tộc Việt nói riêng.

Chủ nghĩa Duy Dân là gì? Theo những tài liệu Duy Dân của cụ Lý Đông A thì Duy Dân là ý thức tự giác, là bằng nhân đạo phục vụ loài người, là phương thức cách mạng, là cách mạng nhân chủ, là kiến thiết nhân chủ, là cuộc tự nguyện,  là phụng sự nhân loại, là nền văn minh nhân chủ, là gồm tất cả các luật nhân loại, là nhân loại pháp. Đây là những đề tài sẽ được tìm hiểu chi tiết hơn ở những bài viết tương lai. Nói chung chủ nghĩa Duy Dân là để phục vụ đời sống của con người trong xã hội đó, đồng thời quan tâm đến đời sống của nhân loại -- bởi nếu phục vụ đời sống của con người trong một xã hội, trong một quốc gia mà ảnh hưởng đến đời sống của con người ở những quốc gia khác thì đó không phải là chủ nghĩa Duy Dân mà là chủ nghĩa Dân Tộc (Trung Hoa là thí dụ điển hình), một chủ nghĩa rất là nguy hiểm chỉ tạo ra chiến tranh bởi dã tâm thôn tính các nước lân bang.

Con người, qua tiến trình lịch sử, được chứng minh không những sống nhờ vật chất (duy vật) nhưng cũng sống nhờ vào tinh thần (duy tâm). Quan hệ giữa con người, xã hội, thiên nhiên là quan hệ luôn luôn xảy ra không ngừng nghỉ kể từ khi có sự xuất hiện của con người trên thế giới này. Hãy nhìn về thời đại nguyên thủy, con người dựa vào thiên nhiên để sống (hái quả để ăn, vào hang núi trú ẩn). Nhưng khi cây quả không còn thì con người phải sống bằng săn bắn. Mà săn bắn thì đòi hỏi sự kết hợp để cùng săn bắt một con vật mạnh khỏe hơn người và khi săn được một con vật, cùng nhau chia sẻ con vật đó để không phí phạm thức ăn. Cũng trong sự kết hợp này, bộ tộc, bộ lạc, làng xã, quốc gia hình thành từ đấy để bảo vệ lẫn nhau, để phát triển giống nòi.  Những tiến trình này, dù ở nguyên thủy hay ở thế kỷ 21 đều xảy ra tuy mức độ có khác nhau nhưng mục tiêu đều giống nhau: Phục vụ đời sống người hay con gọi đường sống của người (nhân đạo).

Con người đóng vị trí rất là quan trọng trong Nhân Đạo (đường sống của người) và dựa vào tiến trình lịch sử đó, Duy Dân lấy Con Người làm điểm khởi đầu, làm mục tiêu phục vụ. Chính mỗi con người phải tự mình thắng chính mình mà cụ Lý gọi là Tu Dưỡng. Công việc tu dưỡng là việc làm từ bản thân và nếu chính mình giác ngộ thì không một nhà chính trị nào, không một bộ máy tuyên truyền nào, không một công ty nào dùng tâm lý để khuyến dụ mình mua món hàng mình không cần đến, hoặc bị nhồi sọ mà không còn lý trí để nhìn vấn đề. Cái tu dưỡng này đã giải thích tại sao, dưới chế độ cộng sản nhồi sọ trẻ từ tuổi nhỏ, thế nhưng thế hệ sinh sau 1975, vẫn có người vượt lên trên cái nhồi sọ đó để đi tìm sự thật, đi tranh đấu cho công bằng, lẽ phải. Đó chính là sự tu dưỡng ở ngay bản thân và nếu chúng ta có những con người Duy Dân thì chúng ta sẽ có một chính quyền Duy Dân.

Nhìn được vấn đề phức tạp của con người, nhìn được vấn đề thực tế là rất ít người có thể tự tu dưỡng để giác ngộ, để thắng được bản ngã của mình -- cụ Lý cho rằng giáo dục rất quan trọng để có thể chuyển tải ý tưởng Duy Dân vào mỗi con người. Cụ nhận định “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị”. Đúng vậy, chỉ khi nào có một nền giáo dục Duy Dân thì lúc đó, người dân biết rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội và thiên nhiên; đồng thời nhìn rõ trách nhiệm của xã hội, người cầm quyền đối với người dân cũng như đất nước. Một nền giáo dục nô lệ, ngu dân như nền giáo dục ở VN thì sẽ tạo ra một cơ chế chính trị nô lệ mà trong đó người bị trị (dân chúng) làm nô lệ cho cơ chế chính trị. Ngược lại người thống trị làm nô lệ cho đồng tiền, quyền hành và từ đó dẫn đến làm nô lệ cho ngoại bang mà đảng csvn là một thí dụ điển hình, là thái thú thời đại của Trung Cộng.

Chỉ khi nào người dân ở đáy tầng thấu hiểu được căn bản Duy Dân, rất là bình thường, rất là giản dị thì lúc đó người dân mới trực tiếp tham dự vào tiến trình Nhân Đạo (đường sống) của chính mình và dân tộc mình. Chỉ khi nào người dân làm chủ được chính mình (Nhân Chủ) thì lúc đó, một chế độ Nhân Chủ Dân Chủ được hình thành. Dân chủ mà người dân không biết tự mình làm chủ lấy chính mình thì nền dân chủ đó là dân chủ giả hiệu, bị các nhà chính trị xoay dân như con rối vào mùa bầu cử. Và khi được thắng cử, họ làm ra luật mà không cần quan tâm đến cuộc sống của người dân ra sao.

Giáo dục theo Duy Dân không đơn giản là giáo dục đến trường học mà giáo dục đó là giáo dục từ chính bản thân (tu dưỡng bản thân), giáo dục trong gia đình, giáo dục trong các đoàn thể, giáo dục ngoài xã hội, và kế đến là giáo dục ở trường sở. Đây chính là nền giáo dục tổng thể chứ không phải chỉ dựa vào giáo dục ở nhà trường như câu nói của ông Hồ Ngọc Đại tuyên bố mông lung là chuyện giáo dục là của thầy cô chứ không phải là của bố mẹ, của xã hội.

Dĩ nhiên, khi có một con người Duy Dân thì tạo ra một xã hội Duy Dân và sẽ sản sinh ra một chính quyền Duy Dân. Nhưng con người luôn luôn có những Tham, Sân, Si cho nên một chính quyền Duy Dân vẫn có thể trở thành một chính quyền đi ngược lại quyền lợi của người dân cho nên cụ Lý đưa ra một Cơ Năng Hiến Pháp để bảo đảm chính quyền Duy Dân thực hiện theo đúng nguyện vọng của đáy tầng. Cơ năng hiến pháp được hình thành trên căn bản Duy Nhân Cương Thường.  Cái căn bản Duy Nhân Cương Thường đó ra sao?

“Duy nhân cương thường ở cái hiệu lực của nó còn là bản lĩnh của chung cả loài người trong việc đưa dắt, nắm giữ, vận dụng các thời đại trên các tác dụng tạo mệnh hay cách mệnh. Cũng như danh giáo (lời dạy thánh hiền), nó là tiêu chuẩn vĩnh viễn và chính trung nhất của đạo đức, tư tưởng, thái độ, hành vi riêng hay chung, tinh thần hay vật chất. Mới xem ra, có thể tưởng lầm nó chỉ là một mớ đạo đức. Nó phải trông theo một ý nghĩa và tác dụng hết sức rộng rãi, nó gồm cả nghĩa vụ, quyền lợi và cơ hội thống nhất; chính trị, xã hội, kinh tế thống nhất; luân lý, tôn giáo và pháp luật thống nhất; lịch sử, triết học và khoa học thống nhất. Nó gọi là CƯƠNG THƯỜNG mà không phải đạo đức nghĩa hẹp, nó là tinh chỉ (ý tứ tinh tế) của tinh chỉ luật pháp; tinh chỉ của tinh chỉ tập quán; tinh chỉ của tinh chỉ tự nhiên; tinh chỉ của tinh chỉ luân lý, tất cả hợp nhất lại trên một mối giềng đưa dắt người sống thực”. (xin xem một loạt bài viết về Duy Nhân Cương Thường đăng trên Nganlau.com trong phần Lý Đông A).

Với hơn 600 trang tài liệu về Duy Dân1 mà tóm lại trong một bài viết như thế này, thành thật mà nói, không đủ. Đây chỉ là những khái niệm để gửi đến thành phần đáy tầng, tức là thành phần dân chúng bình thường hiểu sơ về Duy Dân. Duy Dân chẳng có gì là khó khăn mà Duy Dân có thể khởi đầu từ chính bản thân mình, một đời sống Duy Dân, một quan niệm Duy Dân, một suy nghĩ Duy Dân. Tất cả những điều này sẽ được mổ xẻ ở tương lai với những bài viết Duy Dân dành cho những người bình thường tập sống và thực hiện Duy Dân. Chỉ khi nào chúng ta có những con người Duy Dân thì lúc đó sẽ có một xã hội Duy Dân. Từ một xã hội Duy Dân dẫn đến một chính quyền Duy Dân.

Để kết thúc bài viết này với một câu nói của cụ Lý là “Mục tiêu của Duy Dân là cứu nước và giữ nòi”. Đây là mục tiêu hiện tại. Mục tiêu lâu dài là tạo ra một nước Việt Nhân Chủ Dân Chủ để hòa nhập vào thời đại 2000.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Dallas, TX

Tháng 9 năm 2018 (Lịch Việt 4897)

1.    https://thangnghia.org/

Nguồn: https://nganlau.com/2018/10/01/duong-song-viet-truoc-nguong-cua-the-ky-21-duy-dan/

 

Đường Sống Việt Trước Ngưỡng Cửa Thế Kỷ 21: Con Người

Trên 1000 năm bị giặc phương Bắc đô hộ, người Việt không bị đồng hóa chỉ bởi vì Việt tộc có văn hóa Việt. Nhưng nếu có văn hóa Việt mà không có Con Người Việt thì cái văn hóa đó sẽ chẳng giúp Việt tộc thoát khỏi ách đô hộ của phương Bắc.

Cần phải nhìn rõ vấn đề văn hóa và con người. Văn hóa là những sinh hoạt trong cuộc sống của con người để rồi trở thành những câu ca dao, tục ngữ truyền đến đời sau. Những câu ca dao, tục ngữ tuy rất bình thường nhưng nó nói lên cái Nhân Đạo (đường sống của Con Người) của Việt tộc. Đường sống của Con Người là gì? Hãy nhìn vào lịch sử Việt để thấy cha ông ta đã chọn cho chính mình một đường sống chứ không chấp nhận làm nô lệ. Chính những con người ở thời đại bị đô hộ thấy rằng mình phải giành lại quyền tự chủ cho chính mình và dân tộc mình, chứ không thể cúi đầu để cho giặc phương Bắc muốn làm gì thì làm.

Những con người đó đứng lên phất cờ khởi nghĩa, có thể vì tư thù cá nhân như trường hợp của hai bà Trưng. Tuy nhiên tư thù cá nhân chỉ là một trong nhiều nguyên do để hai bà Trưng đứng lên kêu gọi mọi người tham gia khởi nghĩa, giành lại quyền tự quyết cho Việt tộc. Tất cả các cuộc khởi nghĩa chống lại giặc phương Bắc đều bắt đầu từ những con người nhìn ra được sự thật là không ai yêu thương dân tộc mình bằng chính dân tộc mình và với tinh thần văn hóa Việt, chết vinh hơn sống nhục, tất cả các anh hùng của các thời kỳ Bắc thuộc đã liên kết với những con người khác hầu thực hiện chuyện đuổi giặc phương Bắc ra khỏi lãnh thổ Việt.

Những Con Người Việt này, sẵn sàng từ bỏ vinh quang phú quý (ta thà làm quỹ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc, Trần Bình Trọng), sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân, gia đình để đặt tiền đồ tổ quốc, tiền đồ của dân tộc lên trên cá nhân của chính mình (nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đây chính là những con người nhìn vấn đề ở dạng tổng thể (toàn vẹn, dài hạn) chứ không nhìn vấn đề ngắn hạn, chỉ lo cho bản thân của mình.

Hội Nghị Diên Hồng diễn ra dưới triều đại của Lê Thánh Tông để thấy các bô lão, tuy già yếu, nhưng khi hỏi nên hòa hay nên chiến với giặc Nguyên thì toàn thể bô lão lên tiếng là chiến. Vâng! Hòa để trở thành một tỉnh thành của Nguyên, hòa để Nguyên bắt triều cống thì đâu còn có sự độc lập. Hơn nữa, trong một tinh thần Nhân Chủ, mỗi người Việt phải làm chủ lấy chính mình trước mọi vấn đề. Chính vì cái tinh thần Nhân Chủ này mà các bô lão đã đồng thanh lên tiếng chiến thay vì là hòa. Trong cái Hội Nghị Diên Hồng của năm 1285 đã thể hiện được tinh thần Nhân Chủ Dân Chủ. Có nghĩa là khi mỗi con người Việt tự làm chủ được chính mình trong mọi tình huống mà không sợ bất cứ áp lực đàn áp nào thì lúc đó cái dân chủ trong Hội Nghị Diên Hồng diễn ra rất hợp với lòng dân, với đường sống của dân tộc Việt.

Chính những con người nhân chủ này mà Hịch Tướng Sĩ ra đời -- kêu gọi những tướng, lính, dân vẫn còn tham sống, sợ chết; vẫn còn đam mê những vật chất hiện tại mà không quan tâm đến đất nước -- để chỉ cho những con người này nhìn rõ được bản chất tàn bạo của giặc là những cái chúng ta hiện có sẽ mất khi đất nước không còn, khi quân Nguyên vào thì vợ con của ta sẽ là vợ con của giặc. Hịch Tướng Sĩ là phát súng bắn vào tri thức, tâm thức của những con người Việt vào thời đại đó, tham sống sợ chết; bắn vào tri thức, tâm thức của những người Việt để mọi người thức tỉnh, cùng nhau hợp lực chống lại giặc Nguyên, không khiếp nhược trước sức mạnh gấp vạn lần của giặc. Lại một lần nữa, giặc phương Bắc thất bại trước dã tâm xâm lăng nước Việt.

Con người Việt, từ những người lãnh đạo cuộc chống giặc phương Bắc đến những người không nằm trong vị thế lãnh đạo, tất cả là những con người Việt thấy rõ thân phận của chính mình và dân tộc mình. Những con người Việt thời đó thấy rằng im lặng không phải là giải pháp tốt trước sự đô hộ của giặc phương Bắc. Những con người Việt thời đó dù giàu có cách mấy cũng thấy rằng cái giàu có đó sẽ bị mất đi trước dã tâm xâm lăng của giặc phương Bắc. Những con người Việt thời đó dù không có học, chỉ là người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng quyết tâm chết vinh hơn sống nhục để rồi những con người đó tham gia vào cuộc chiến chống lại quân xâm lược phương Bắc.

Văn hóa Việt tạo ra hồn sử Việt. Hồn sử Việt tạo ra những con người Việt của thời kỳ Bắc thuộc để rồi chính văn hóa và con người Việt bật dậy cùng toàn dân giành lại quyền tự quyết cho chính mình và dân tộc mình. Vậy thì con người Việt của thế kỷ 21 này ra sao?

Hiện tại thì con người Việt đã hoàn toàn biến mất. Biến mất bởi vì khi văn hóa không còn là Việt mà là văn hóa ngoại vọng thì sẽ tạo ra những con người Việt ngoại vọng. Cái ngoại vọng đó đã đưa đến đất nước Việt đang đứng trước một hiểm họa bị đồng hóa rất nhanh, rất lẹ. Cái tinh thần ngoại vọng đó không những ở trong nước mà gồm cả người Việt ngoài nước. Cái tinh thần ngoại vọng đó không những xảy ra ở những người không có sự hiểu biết mà xảy ra ở những người có bằng cấp, có suy tư cao. Chính sự ngoại vọng đó mà chúng ta không nhìn lại chính mình, tự đánh giá chính mình và quên đi cái văn hóa Việt, cái đẹp của Việt, cái thâm túy của Việt là tại sao hơn 1000 năm Bắc thuộc, dân tộc vẫn không bị đồng hóa. Chính cái tinh thần ngoại vọng mà chúng ta không tham gia cuộc biểu tình mà chờ đợi người khác thực hiện biểu tình cho chính mình thay vì chính mình cùng mọi người thực hiện quyền biểu tình đã ghi rõ trong bản hiến pháp, trong bản công ước nhân quyền. Chỉ khi nào chúng ta sống với cái văn hóa Việt ở trong chúng ta, qua hồn sử Việt thì lúc đó chúng ta mới tạo được một con người Việt trong chúng ta, một con người Việt luôn luôn tự chủ bên trong tâm thức của mình và tự chủ trước mọi hoàn cảnh bên ngoài, không để hoàn cảnh biến chúng ta thành con người nô lệ, không sợ hãi bất cứ sự đàn áp nào mà dứt khoát sẵn sàng hy sinh bản thân cho thế hệ con cháu sau này.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta quên đi những con người Việt thật sự đang ở trong tù bởi những bản án bất công mà quốc tế gọi là tù nhân lương tâm. Nói thế không có nghĩa là chúng ta quên đi những người Việt đang sống trong nước nhưng luôn luôn tự mình làm chủ với chính mình mà không bị bộ máy tuyên truyền biến những con người Việt này thành nô lệ cho chế độ, cho đồng tiền, cho bộ máy cầm quyền. Những con người Việt này đã vượt lên trên được cái bản ngã của chính họ, không còn sợ hãi và giác ngộ với chính họ để họ sẵn sàng lên tiếng trước những bất công và nhận lãnh những trận đòn chí tử có thể mất cả mạng người. Đây chính là những con người Việt chọn thái độ chết vinh hơn sống nhục. Đây chính là những con người Việt của thời đại Lý-Trần-Lê, biểu tượng cho vết dầu loang để tinh thần Việt được lan rộng; để văn hóa Việt được phục hồi và lúc đó - một thế hệ mới với văn hóa Việt, con người Việt cùng nhau phục hồi lại đạo đức, xây dựng lại đất nước Việt trong một tinh thần Việt, kiến tạo một đất nước Việt Nhân Chủ Dân Chủ.  

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Dallas, TX

Tháng 8 năm 2017 (Việt lịch 4897)

Nguồn: https://nganlau.com/2018/09/15/duong-song-viet-truoc-nguong-cua-the-ky-21-con-nguoi/

 

 

 

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Trình Độ và Bằng Cấp

 

Trong tiến trình tu dưỡng bản thân thì cần phải thay đổi suy tư lẫn lộn của đa số người Việt giữa trình độ và bằng cấp.

Số đông người Việt cho rằng người có bằng cấp tức là người có trình độ. Điều này chỉ đúng ở khía cạnh nghề nghiệp mà bằng cấp người đó đã học ở trường sở. Ngay cả cùng một nghề nghiệp với cùng bằng cấp, nói về trình độ nghề nghiệp của hai cá nhân thì hoàn toàn khác nhau do nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài mà cá nhân đó đã từng trải nghiệm. Cho nên trình độ và bằng cấp là hai cái hoàn toàn khác nhau, một trời một vực.

Bằng cấp

Bằng cấp tức là một mảnh bằng được trường trao tặng và cái mảnh bằng đó có thể là nghề nghiệp sống hoặc hoàn toàn không dính dáng gì đến nghề nghiệp của cá nhân đó.

Thí dụ có người học ra bằng bác sĩ y khoa nhưng chọn nghề nghiệp buôn bán, dạy học, hoặc một nghề nghiệp hoàn toàn không dính dáng gì đến ngành y khoa mà người này đã từng học. Đây chỉ là thí dụ điển hình chứ thực tế, đa số khi đã chọn học ngành nào đó thì sẽ hành nghề qua ngành đã học.

Những người có hiểu biết xem bằng cấp chẳng có giá trị là bao nhiêu trong việc đánh giá về một con người. Tuy nhiên, những người có bằng cấp cao, đặc biệt là tiến sĩ, bác sĩ thì họ coi cái bằng cấp của họ to lắm và xem thường người khác.

Có một vị tiến sĩ Việt, hỏi một người trẻ hơn, thuộc thế hệ đàn em hoặc con cháu, về chương trình huấn luyện những người đấu tranh trong nước. Người trẻ đó cho rằng chương trình đó chỉ đạt phần ngọn mà không đạt phần gốc. Thế là ông tiến sĩ nọ, vì tự ái,  nói một câu nghe rất kinh hồn “anh nói thật với em, về mặt trình độ thì em thua anh xa. Đó là sự thật”.

Câu nói đó của ông tiến sĩ nọ là câu nói lầm lẫn giữa cái bằng tiến sĩ và trình độ. Những người xem cái bằng cấp là quan trọng như ông tiến sĩ trên, hiểu sai là khi mình có bằng cấp tiến sĩ không có nghĩa là mình biết tất cả mọi vấn đề. Chưa kể cái bằng cấp tiến sĩ của thời kỳ trước 1975 đối với thế hệ hiện tại của thế kỷ 21 nó chẳng là gì cả. Đơn giản là nếu ai muốn học bằng tiến sĩ thì có thể học được. Người thông minh học thời gian ngắn hơn. Người không thông minh thì học dài hơn. Nói chung đây là sự lựa chọn của mỗi cá nhân là tôi tiếp tục học lên chương trình cao học để từ đó tiến đến bằng tiến sĩ. Nó chỉ nói lên sự thành công, ý chí kiên nhẫn của cá nhân để đạt cái bằng tiến sĩ, bằng cấp cao nhất trong học vấn. Nhưng cái bằng cấp cao đó nó hoàn toàn chẳng nói lên được trình độ và con người của người có bằng cấp tiến sĩ đó.

Thực tế thì có nhiều người ra trường từ những trường đại học nổi tiếng như Harvard, Yale trong nhiều ngành nghề nhưng kết quả là chỉ một số nhỏ thành công lớn trên ngành nghề đã học dù rằng họ ra trường cùng một ngành nghề, cùng một trường nổi tiếng. Tại sao thế? Câu trả lời chính là ở trình độ.

Trình độ

Trình độ được nhìn ở hai góc nhìn khác nhau. Trình độ tổng quát và trình độ nghề nghiệp. Cả hai cái này cần phải phân biệt rõ ràng bởi không thì sẽ dễ bị nhập nhằng mà ông tiến sĩ ở thực tế bên trên đã được nói đến.

Trình độ tổng quát là sự hiểu biết qua kinh nghiệm của cuộc sống, qua sự suy tư ở tận bên trong của tri thức để chính cá nhân đó nhận định vấn đề trên những hiểu biết của bản thân. Tùy theo kinh nghiệm của thực tế cuộc sống, tùy theo tri thức của cá nhân đó ra sao để có thể đưa ra nhận định với những chứng minh đầy thuyết phục hoặc những chứng minh hoàn toàn sai trái bởi kinh nghiệm chưa đủ hoặc bởi tri thức chưa có chiều sâu hầu nhìn vấn đề ở góc cạnh tổng thể.

Trình độ tổng quát không được dạy ở trường sở nào và cũng chẳng có ai cấp cho cái bằng như ở các trường ốc chuyên đào tạo học sinh dựa trên cái đã có; và học sinh chỉ cần học trên những sách vở, trên những lời giảng của thầy cô giáo và đạt điểm thi để được lên lớp hoặc được cấp cái bằng A, B, C, D gì đó.

Ngay cả trình độ tổng quát không có nghĩa là người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm thì là họ có trình độ cao hơn những người nhỏ tuổi. Cái kinh nghiệm của người lớn tuổi, cái tri thức của người lớn tuổi đôi khi đã không còn hợp thời với những người nhỏ tuổi hôm nay. Thành ra chuyện đi so sánh trình độ để đánh giá ai cao ai thấp thì là chuyện chỉ có những người tự ái -- từ đó dẫn đến tự cao mới làm chuyện đó.

Trình độ nghề nghiệp thì cũng có hai loại tùy theo nghề nghiệp đòi hỏi huấn luyện ở trường hay không cần huấn luyện ở trường. Có những nghề nghiệp đòi hỏi bằng cấp từ trường sở hoặc do kinh nghiệm nghề nghiệp. Thí dụ ngành phi công, người lái máy bay phải qua chương trình huấn luyện từ các trường ốc để có thể lái một chiếc máy bay mà mọi người ngồi trên máy bay đó cảm thấy an toàn.

Có những nghề nghiệp không cần huấn luyện ở trường ốc mà do cha truyền con nối, hoặc do sự ham muốn của cá nhân để tự cá nhân đó học hỏi từ những người khác bởi không có trường ốc để học. Thí dụ những người làm ruộng, làm rẫy. Cha làm ruộng và hy vọng con sẽ tiếp tục mảnh ruộng mà cha để lại sau khi qua đời. Hoặc có những người muốn vào nghề làm ruộng, tự động mua đất và học hỏi từ người khác trên lãnh vực trồng trọt. Thực tế thì có nhiều nghề làm bằng chân tay không cần phải học ở trường sở nào và những ngành nghề này quan trọng trong xã hội nếu thiếu vắng những người làm ngành này. Thí dụ nghề hốt rác, chạy bàn, làm ruộng, làm vườn, quét dọn nhà cửa hoặc văn phòng.

Trình độ dù thuộc loại nào (chuyên nghiệp hay tổng quát) đều dựa vào kinh nghiệm của bản thân cộng với những suy tư từ tri thức bên trong -- để từ đó tạo ra sự khác biệt của những cá nhân, cho dù có cùng một nghề nghiệp nhưng tay nghề lại khác nhau.

Có những người ra trường thực hiện nghề nghiệp theo đúng sự học hỏi từ sách vở. Có những người ra trường thực hiện nghề nghiệp dựa vào sách vở đã dạy nhưng đồng thời biết sáng tạo qua kinh nghiệm, qua những nghiệm luận; và tiếp tục học hỏi để tạo cho tay nghề của mình khác biệt với tay nghề của người khác. Điều này được chứng minh tại sao trong các ngành nghề, có người giỏi, người dỡ (hiểu theo nghĩa chỉ thực hiện theo điều đã học thay vì dùng sự sáng tạo, tiếp tục học hỏi).

Kết luận

Trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng cần phải làm một nghề để sống, để nuôi thân. Không phải ai cũng có cơ hội đến trường để học một nghề nào đó. Cho dù học được một nghề nào đó ở trường sở, cái bằng cấp chỉ là giấy chứng nhận đã học xong chương trình học; nó hoàn toàn không nói lên được trình độ của cá nhân đó ra sao trên lãnh vực nghề nghiệp lẫn cuộc sống.

Trong giao tế -- đừng so sánh trình độ của mình với người khác ra sao bởi đó là một việc làm mang nặng cảm tính, chủ quan chứ không khách quan. Chúng ta có thể đánh giá trình độ của một cá nhân qua lối ứng xử của cá nhân đó chứ chúng ta không thể nào so sánh trình độ (nghề nghiệp hay tổng quát) của chính mình với cá nhân đó bởi đây là việc làm không công bằng và không thực tế.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/09/24/tu-duong-thang-nhan-trinh-do-va-bang-cap/

 

 

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...