Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Đối Lập Thống Nhất

Trên lãnh vực tu dưỡng bản thân, một điều quan trọng trong cuộc sống chính là nhìn vấn đề đối lập không phải là triệt nhau mà là để tìm một giải pháp tốt nhất nhằm giúp xã hội kéo dài hạnh phúc, rút ngắn sự khổ đau. Đối lập được hiểu là sự khác biệt về quan điểm, chính sách, cách giải quyết vấn đề.

Những người theo chủ nghĩa cộng sản nhìn vấn đề đối lập là để triệt tiêu phe khác mình. Từ đó họ chủ trương tàn bạo, bắt bớ, thủ tiêu, bỏ tù những người khác chính kiến với họ để họ được ăn trên nằm trước trong vị thế lãnh đạo. Ngay cả những người cùng trong cơ cấu cầm quyền, vì đối lập (tranh chấp) trong vị thế cầm quyền, họ sẵn sàng triệt tiêu những người cùng đảng với họ vì lợi ích của chính bản thân trên lãnh vực quyền và tiền. Sự triệt hạ những người trong đảng với danh nghĩa diệt tham nhũng chỉ là mỹ từ để phe phái triệt hạ nhau chứ bản chất của cộng sản là nuôi tham nhũng để đảng tồn tại -- cho nên không hề có chuyện hay chủ trương diệt tham nhũng phát xuất từ cơ cấu cầm quyền độc tài, cộng sản.

Những người theo cơ chế tư bản mà Mỹ là thí dụ điển hình, đối lập giữa các đảng cũng chỉ là hình thức mị dân để “mua phiếu” của người dân và hai đảng tìm cách triệt hạ lẫn nhau bằng thủ đoạn không hợp tác, không thông qua luật dù rằng luật đó có lợi cho số đông người dân. Tại sao thế? Đơn giản là họ muốn triệt hạ uy tín của đảng cầm quyền để từ đó, người dân chán nản và sẽ chọn đảng đối lập lên thay thế. Còn người dân vì được “giáo dục” qua tinh thần đảng tranh, họ chỉ nhìn vấn đề ở góc nhìn đảng phái chứ không nhìn vấn đề ở dạng Con Người.

Cuộc sống của người, xã hội luôn luôn có những tranh chấp từ cá nhân này đến cá nhân khác. Quyền lợi cá nhân đối lập với quyền lợi tập thể. Quyền lợi quốc gia đặt lên trên quyền lợi của sinh hoạt dân chủ, quốc tế -- cho nên chuyện cá lớn nuốt cá bé, chiến tranh luôn tiếp tục xảy ra bởi từ con người đến dân tộc, quốc gia luôn luôn mang tư tưởng đối lập là phải tìm đủ mọi cách để cá nhân, tổ chức, công ty, hoặc quốc gia mình đạt lợi nhuận tối cao trong tất cả mọi sinh hoạt của xã hội hoặc của quốc tế mà không cần quan tâm đến thiệt hại của quốc gia, dân tộc khác ra sao.

Phải nhìn nhận đối lập (tranh chấp, khác biệt) là điều cần thiết trong xã hội. Nó cũng giống như xấu-tốt, ngày-đêm, thiện-ác, chiến tranh-hòa bình, hạnh phúc-khổ đau, sống-chết v.v…. Sự cần thiết này để sinh hoạt của người biết tìm cách tránh hành động phá hoại và chọn hành động xây dựng, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân nếu quyền lợi đó làm hại đến tập thể. Nhưng sự cần thiết của đối lập phải nhìn và giải quyết trên quan niệm đối lập thống nhất.

Đã gọi là đối lập thì làm sao mà thống nhất? Thực tế đối lập thống nhất là một từ ngữ diễn tả sự khác biệt nhưng có thể dung hòa để tạo ra một giải pháp tốt đẹp cho xã hội, con người, thế giới.  Hãy nhìn vào dạng vật chất là bình điện gồm có Âm-Dương hoàn toàn trái ngược nhau nhưng được hòa hợp để tạo ra bình điện, cung cấp tiện lợi trong cuộc sống của con người. Hãy nhìn vấn đề ở dạng con người mà Nam mang dương tính và Nữ mang âm tính. Cả hai tuy khác biệt bởi Âm-Dương khác nhau nhưng lại cần thiết để phối hợp, kết nối nòi giống từ đời này qua đời khác. Ngay cả trong bản thân của mỗi người đều có Âm-Dương hiện hữu và nếu không dung hòa thì thân thể sẽ gặp nhiều bất trắc mà hai quả thận của người là thí dụ điển hình.

Nếu trong vật chất cũng như trong cuộc sống của người chứng minh dù có đối lập nhưng có thể thống nhất (hợp tác) để cùng nhau tồn tại thì trong sinh hoạt của loài người, chúng ta có thể áp dụng phương thức đối lập thống nhất này.

Để làm được chuyện này thì cần bắt đầu từ sự thay đổi suy tư của con người trong đời sống hiện tại. Như đã nói bên trên, từ cơ chế cộng sản đến cơ chế tư bản, đối lập là để triệt tiêu hoặc phá hoại công việc của đảng khác đang làm để lấy phiếu của người dân trong kỳ bầu cử kế. Vậy thì cái gọi là bảo thủ, cấp tiến; Cộng Hòa hay Dân Chủ chỉ là bề ngoài, hình thức mà chúng ta cần phải vượt lên trên hình thức để chú ý vào nội dung. Cái chính sách, ý kiến của bất cứ ai, tổ chức nào -- mục đích phục vụ ai và cái phục vụ đó ảnh hưởng đến số đông trong xã hội ra sao, ảnh hưởng đến môi trường ra sao và hệ quả phụ của phục vụ đó ở đường dài ra sao. Chỉ trên cái nhìn thống nhất (tổng thể) đó thì mới giải quyết được vấn đề.

Hãy lấy thí dụ chuyện giải quyết công ăn việc làm cho những người làm mỏ than. Có người chủ trương không nên đặt nhiều luật lệ bảo vệ môi sinh bởi sẽ làm những người thợ mỏ mất việc. Đây chỉ là một lý luận để bảo vệ công ăn việc làm cho người thợ mỏ cũng như công ty muốn tiếp tục sản xuất than, đạt lợi nhuận cao nếu luật lệ môi sinh được thay đổi hoặc loại bỏ. Cần phải mổ xẻ vấn đề sâu hơn là nếu bảo vệ công ăn việc làm cho người thợ mỏ bằng cách nới lõng luật lệ môi sinh thì hệ quả đó sẽ ra sao trong thời gian dài và môi trường bị ảnh hưởng thì ai sẽ giải quyết với ngân sách là bao nhiêu. Chỉ khi nào tất cả mọi vấn đề được đem ra bàn thảo, cân nhắc thì giải pháp làm mọi người hài lòng, tạo ra sự thống nhất trong cách giải quyết vấn đề dù khởi đầu có sự khác biệt.

Ngay cả thực hiện quyền tự do ngôn luận của cá nhân, tuy được hiến pháp bảo vệ nhưng không có nghĩa là cá nhân dùng cái quyền đó trong một tinh thần vô trách nhiệm (quyền lợi cá nhân đặt lên trên quyền lợi tập thể) mà vụ biểu tình của những người lái xe vận tải ở Canada, đã làm ảnh hưởng đến đường xá, sự vận chuyển thương mại ở biên giới của hai nước Mỹ và Canada, cũng như cuộc sống của người dân dọc theo đường mà xe vận tải đậu (ăn dầm nằm dề) mấy tuần để cuối cùng chính quyền Canada dùng biện pháp mạnh giải tán cuộc biểu tình gây rối loạn đời sống sinh hoạt của người dân và quốc gia.

Nói chung mọi vấn đề trong xã hội, trong đời sống của người luôn luôn có sự khác biệt trong cách giải quyết. Khác biệt không có nghĩa là phải triệt tiêu nhau -- trái lại khác biệt để mọi người có dịp quan sát mọi khía cạnh để tìm ra giải pháp tốt nhất hầu phục vụ đời sống của người. Đấy chính là Đối Lập Thống Nhất.

Phải nắm được nguyên lý này để trong sinh hoạt của bản thân, sự tương tác với những người khác, tổ chức khác; chúng ta cần phải đạt cái mục đích cuối cùng là mọi quyết định để phục vụ quyền lợi của tập thể chứ không phải để đạt cái quyền lợi cá nhân, đảng phái.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 6 năm 2022 (Việt Lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/08/24/tu-duong-thang-nhan-doi-lap-thong-nhat/

 

Độc Lập Dưới Cái Nhìn Của Tiên Sinh Lý Đông A

 

Độc Lập Dưới Cái Nhìn Của Tiên Sinh Lý Đông A

Theo Wikipedia thì độc lập được định nghĩa sau đây:

Độc lập là quyền bất khả xâm phạm của một đất nước, một quốc gia bởi chính người dân sinh sống ở đó, có nghĩa là có chủ quyền tối cao.

Khái niệm "độc lập" có ý nghĩa tương phản với "nô dịch" (sự khuất phục). Khái niệm nô dịch chỉ một vùng lãnh thổ chịu sự điều khiển về chính trịquân sự của một chính quyền ở bên ngoài. Khái niệm độc lập đôi khi cũng được dùng với nghĩa là bị điều khiển gián tiếp của một quốc gia khác có sức mạnh hơn….”

Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì định nghĩa độc lập như sau:

“Tự chủ, đứng một mình, không dựa vào ai và không chịu ai kiềm chế; tinh thần độc lập, đảng độc lập, ứng cử viên độc lập, nước độc lập”

Độc Lập, từ ngữ xem ra thật dễ hiểu, xem ra ai cũng hiểu được chữ nghĩa này. Tuy nhiên có phải chúng ta thực sự hiểu được nghĩa thật của từ ngữ Độc Lập? Và phải chăng đất nước chúng ta, sau khi thoát được đô hộ của Pháp, chúng ta thật sự có sự Độc Lập?

Ngay cả chính cá nhân của bài viết này cũng đã hiểu nghĩa Độc Lập rất là đơn giản là đất nước không còn bị thống trị dưới ảnh hưởng của ngoại bang. Nhưng sự thống trị của ngoại bang hôm nay -- không đơn thuần là đưa quân đội sang mà họ dùng kinh tế để tôn tính đất nước mình, họ dùng kinh tế để dựa vào cái “độc lập” bình thường của người Việt nhằm cai trị người Việt mà người Việt không hề nhìn ra sự mất “độc lập” của chính mình.

Theo sự nhận định của tiên sinh Lý Đông A (cha đẻ của Duy Dân Chủ Nghĩa) thì “bốn điều chính yếu nhất để thật là có ý nghĩa Độc Lập là Độc Lập phải thực tại, căn bản, chân chính và siêu nhiên(1). Trong bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu bốn điều mà Lý tiên sinh nhắc đến trong tuyển tập “Đường Sống Việt” mà Lý tiên sinh viết vào năm 1945 và so sánh với cái độc lập hiện giờ của Việt Nam -- để cùng nhau nhận định rõ bản chất là chúng ta có thực sự độc lập hay không.

1.  Độc Lập Thực Tại

Độc lập phải thực tại được hiểu ra sao? Theo Lý tiên sinh thì “Độc Lập nghĩa là tự mình sống, tự mình làm, tự mình thu xếp, đặt định lấy bước đi cho đúng nơi ăn chốn ở của mình, tự mình theo trí nghĩ của mình mà làm, tự có hướng sống mà mình vạch sẵn. Độc Lập như thế nghĩa là không để ai can thiệp, không dúng vào được những hành vi cử động của mình; và nhất là không một ai có thể dự vào mà tìm cách làm sai lạc nguy hại cho đời sống của mình. Độc lập theo đúng ý nghĩa ấy mới thật là độc lập hẳn hoi, Độc Lập Thực Tại”.

Nói nôm na thì chính cá nhân phải có một cuộc sống độc lập trong cuộc sống mà không bị bất cứ thế lực nào ép buộc phải sống theo cái yêu cầu của thế lực đó, hoặc phải suy nghĩ theo cái thế lực ép buộc đó. Vậy thì người Việt Nam đang sống ở Việt Nam có thực sự độc lập trong cuộc sống, trong suy nghĩ, trong hành động có lợi cho quyền lợi của mình cũng như quyền lợi của dân tộc hay không? Hoàn toàn là không. Tất cả những suy nghĩ, tất cả những việc làm đều bị sự kìm hãm của đãng (cố ý viết dấu ngã cho đúng bản chất) cầm quyền csvn. Khi môi sinh ở Vũng Áng ô nhiễm, người dân lên tiếng biểu tình, đòi hỏi sự minh bạch nhưng rồi cuối cùng những đòi hỏi này bị dập tắt bởi đi ngược lại quyền lợi của đãng cầm quyền.

Khi người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình để cải thiện xã hội, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, hoặc tố cáo những sai phạm của giới cầm quyền thì lập tức những bộ luật 79, 88, 245, 258 lần lượt bỏ tù những cá nhân muốn thực hiện sự độc lập trong suy nghĩ của mình. Hoặc khi người dân biểu tình chống sự bành trướng của Trung Quốc thì các cuộc biểu tình được đàn áp bằng nhiều hình thức. Những người muốn tham gia cuộc biểu tình để bài tỏ ý kiến độc lập của mình bị công an chận trước nhà, không cho đi đâu. Những người ra được đến chỗ biểu tình thì bị công an bao vây, không cho khởi hành đến những địa điểm khác. Ngay cả nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ngồi tọa kháng để biểu tình trước sự ô nhiễm của Vũng Áng thì bị ba, bốn công an đưa đi chỗ khác, tướt đoạt quyền tọa kháng của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Cuối cùng thì tất cả mọi người muốn được “bình an” phải suy nghĩ theo cái đãng muốn, lắng nghe cái đãng muốn phải lắng nghe, nói theo cái đãng cho phép nói, ngoan ngoãn phục tùng những chủ trương của đãng một cách tuyệt đối.

Vậy thì điều kiện đầu tiên để có sự Độc Lập Thực Tại không hề có với các cá nhân sinh sống tại VN.

2.  Độc Lập Căn Bản

Sự độc lập về cá nhân vẫn chưa đủ để nhận định một quốc gia có sự độc lập đúng nghĩa của nó. Cũng theo Lý tiên sinh: “Độc lập phải có cỗi gốc tự dân chúng. Phải do dân chúng toàn thể tự mình gây lấy nền độc lập ấy. Dân chúng tự mình xét xử lấy đời sống của mình. Cái gì qui định, đặt rõ lấy qui mô mẫu mực, cách thức cho đời sống của dân chúng, đó là chính thể là hình vẽ của nền chính trị. Cái chính thể ấy phải tự dân chúng tự quyết lấy, thì nền Độc Lập mới gọi là có Căn Bản được”.

Cái Độc Lập Căn Bản này thì người dân Việt hiện giờ hoàn toàn không có khi mà bản hiến pháp đã khẳng định đãng csvn là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Khi mà đãng csvn vẫn tiếp tục bắt cả dân tộc theo đuổi chủ nghĩa không tưởng -- Xã Hội Chủ Nghĩa -- mà ông Tổng Bí Thư, Nguyễn Phú Trọng, cho rằng “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”. Một vị Tổng Bí Thư thấy rõ sự thất bại của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn toàn biến mất ở nơi đẻ ra chủ nghĩa xã hội là Liên Sô -- thế những ông vẫn bắt buộc cả dân tộc này theo cái chủ nghĩa không tưởng đó.

Vậy thì cái Độc Lập Căn Bản mà Lý Đông A nói đến là người dân phải có quyền quyết định cho vận mệnh chính trị của chính mình, của dân tộc mình hoàn toàn thiếu vắng tại VN. Trái lại đãng csvn áp đặt suy nghĩ của đãng, cương lĩnh của đãng và bắt buộc dân tộc phải nghe theo chứ không có sự lựa chọn. Tiêu chuẩn thứ hai để có sự độc lập đúng nghĩa thì đất nước và Con Người Việt Nam hoàn toàn chưa có.

3.  Độc Lập Chân Chính

Điều kiện kế đến cần phải có cho một nền độc lập thực sự là phải Độc Lập Chân Chính.  Thế nào gọi là Độc Lập Chân Chính? Tiên sinh Lý Đông A diễn giải như sau:

Nền độc lập ấy phải có giá trị đối với các nòi giống dân tộc khác, phải bằng sự tranh đấu mà đạt tới làm cho được công nhận, hoặc phải bằng sự khôi phục cái cốt cách sẵn có khiến toàn thế giới đồng tình mà kết nạp. Quốc tế phải chân thành mà công nhận trên ba điều là:

a. Dân tộc tự mình có năng lực tự quyết lấy sự sống còn.

b. Dân tộc tự mình có quyền lợi ngang hàng.

c. Dân tộc tự mình có một danh dự của quốc dân đối với các quốc dân khác.

Điều quan trọng là nơi quốc tế công nhận cái chủ quyền của nhân dân trên lãnh thổ mình đang sống.

Độc lập như vậy mới là độc lập chân thực, chính cốt, Độc Lập Chân Chính”.

Điều kiện thứ ba này nói đến sự độc lập giành lại chủ quyền phải bằng chính sức mạnh của dân tộc và được sự công nhận của quốc tế.

Ở điều kiện thứ ba này sẽ có nhiều tranh cãi. Vấn đề là bản tuyên ngôn độc lập của ông Hồ vào năm 1945 có thực sự là nền độc lập do toàn dân đứng lên giành lấy hay do đãng csvn lợi dụng để giành lấy quyền thống trị và lợi dụng dân tộc để đọc bản tuyên ngôn độc lập?

Cũng theo sử sách thì chính Bảo Đại đã tuyên bố độc lập từ Pháp vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 (2) và bản tuyên bố độc lập này đã không được nhiều người Việt biết đến. Nếu vậy thì bản tuyên bố độc lập của ông Hồ chỉ là một bản tuyên bố cướp chính quyền từ Bảo Đại mà đứng đầu chính phủ Bảo Đại là Trần Trọng Kim. Một sự cướp chính quyền thì không thể nào gọi là chính danh đối với quốc tế. Cho dù hiện giờ quốc tế công nhận Việt Nam là một chính thể độc lập nhưng không có nghĩa là tự bản chất của nó, Việt Nam thực sự có độc lập đúng nghĩa độc lập với bốn điều kiện cần phải đạt được mà Lý tiên sinh đã đưa ra trong bài viết “Đường Sống Việt” của ông.

Ba điều kiện căn bản trong a, b, và c thì dân tộc hoàn toàn không có bởi vì đãng csvn hoàn toàn thống trị toàn bộ và dân tộc thì hoàn toàn không có quyền quyết định cho vận mệnh của chính mình trong điều kiện a và b -- từ đó dẫn đến điều kiện c hoàn toàn không có giá trị đối với nền độc lập đúng nghĩa cần phải có.

4.  Độc Lập Siêu Nhiên

Cho dù dân tộc Việt thực sự đạt được ba điều kiện bên trên nhưng nếu dân tộc Việt không đạt được điều kiện thứ tư này thì nền độc lập của người Việt vẫn là nền độc lập không toàn vẹn. Độc Lập Siêu Nhiên là gì?

Độc lập không phải chỉ có đất đai, đời sống bình thường và những công nhận chủ quyền trên quốc tế. Độc lập còn phải tính đến cả việc không bị lệ thuộc vào văn hoá ngoại lai. Đời sống tinh thần phải được hoàn toàn từ trí nghĩ, từ suy tưởng của mình, đặt định xây dựng trên cái cốt cách của mình; và như thế vạch một chính nghĩa xứng đáng, thích hợp đưa dẫn đời sống.

Độc lập như thế là linh hồn được giải phóng, quốc hồn được cởi mở, và tự mình đào tạo lấy văn minh độc đặc của mình, nắm giữ và vận dụng được. Đó là nền độc lập cao cả nhất, bao trùm hết. Một nền Độc Lập Siêu Nhiên”.

Điều bốn này nói đến tính độc lập trọn vẹn trong đó chúng ta không lệ thuộc vào nền văn hóa ngoại lai nào. Chúng ta dựa vào văn hóa Việt và tự mình vạch ra một hướng đi cho chính mình; với nền kinh tế tự lập, bằng tâm quyết của chính người Việt; sử dụng chất xám Việt và tạo điều kiện cho người dân tạo ra bản sắc riêng cho chính dân tộc mình mà không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Đây là nền độc lập mà Lý tiên sinh gọi là Độc Lập Siêu Nhiên.

Việt Nam hiện giờ đang du nhập chủ nghĩa ngoại lai Cộng Sản với lý thuyết Mác-Lê làm kinh điển cho sự hình thành một cơ chế cầm quyền, cơ chế kinh tế. Ngay cả cơ chế kinh tế, đãng cầm quyền cũng đã thấy sự thất bại của nó để chuyển sang cơ chế kinh tế tư bản với cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là vừa áp dụng kinh tế tư bản nhập nhằng với nền kinh tế cộng sản và cuối cùng thì tạo ra một tập đoàn mafia đỏ -- trắng trợn cướp tất cả tài sản của người dân dưới danh nghĩa là phát triển đất nước nhưng mục đích để phục vụ đãng cầm quyền, phục vụ đãng viên chứ không phải là để phục vụ Dân Tộc. Tất cả những chính sách gì xảy ra bên Trung Quốc thì chính sách đó xuất hiện ở VN. Sự lệ thuộc vào tư tưởng ngoại lai, lệ thuộc vào nền kinh tế của Trung Cộng hoặc lệ thuộc vào sự giúp đỡ của các quốc gia tây phương thì không thể nào gọi là độc lập đúng nghĩa của nó.

Qua những điều kiện mà tiên sinh Lý Đông A đưa ra trên lãnh vực Độc Lập thì bốn điều kiện cần phải có -- để đất nước có một nền độc lập đúng nghĩa với sự tôn trọng của các quốc gia trên thế giới đối với quốc gia của chính mình. Việt Nam chưa hề đạt được bất cứ điều kiện nào trong bốn điều kiện cần thiết để người Việt hãnh diện với nền độc lập của chính mình. Nói một cách chính xác hơn là Việt Nam chưa hề có sự độc lập kể từ khi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Để chấm dứt bài viết này, xin trích dẫn đoạn cuối cùng trong phần Độc Lập mà tiên sinh Lý Đông A đã viết hơn 71 năm trước.

Bốn điều độc lập trên đây, như không thực hiện được đầy đủ, thì không có ý nghĩa gì là độc lập cả; mà nếu có gọi là độc lập thì chỉ là độc lập ngoài mặt, đi ngược lại ý nghĩa của độc lập đó vậy, tức là giả độc lập và phản độc lập”.

Nếu chúng ta không có độc lập thì chúng ta phải làm gì? Đây là câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm câu trả lời trong bài viết sắp đến.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 11 năm 2016

New Orleans, LA

1.  https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duongsongviet-version-layouted-may2016.pdf

 

2.  http://www.geocities.ws/xoathantuong/pcd_65nam.htm

Nguồn: https://nganlau.com/2017/01/01/doc-lap-duoi-cai-nhin-cua-tien-sinh-ly-dong-a/

 

Đánh Giá Người Lãnh Đạo

Người Việt hôm nay cần bàn thảo về chuyện đánh giá người lãnh đạo để hiểu rõ vấn đề -- hầu chuẩn bị cho chính mình một tinh thần tự chủ trong việc lựa chọn một lãnh đạo tương lai. Chỉ khi nào hiểu được vấn đề, nhìn vấn đề ở nhiều góc cạnh, trong một tinh thần tổng thể, thì lúc đó chúng ta mới có thể thực hiện sự tự chủ ở chính mình mà không bị ảnh hưởng dư luận bên ngoài hoặc đòn tâm lý mà những người làm chính trị thường xuyên sử dụng để điều khiển tâm lý sinh của số đông.

Có hai tiêu chuẩn để đánh giá một người lãnh đạo: Nhân cách và cách giải quyết sự việc.

Nhân Cách

Lời nói, hành động của một con người thể hiện cái nhân cách của chính người đó. Lời nói, hành động thể hiện tâm của người đó ra sao, tốt hay xấu, thật hay giả.

Thế hệ tương lai phải nhìn vấn đề này quan trọng hơn tất cả những điều kiện cần phải có để nắm vị thế lãnh đạo quốc gia. Không thể nào tiếp tục lựa chọn người thiếu nhân cách trong vị thế cầm quyền bởi ở vào vị thế đó, họ có thể đưa cả quốc gia, cả xã hội vào cái chết chỉ vì họ thiếu tâm của một con người.

Tôn trọng sự thật là nhân cách của con người. Bất cứ ai nói dóc, nói láo, nói những điều mà không có dữ kiện để chứng minh điều mình nói, hoặc nói cho có nói để lấy lá phiếu của người khác mà không cần biết điều nói đó vô lý hay không vô lý. Đây chính là người thiếu nhân cách. Câu nói “xây bức tường Mễ sẽ trả”, “đánh thuế nhập khẩu Tàu sẽ trả” là câu nói hoàn toàn sai với sự thật nhưng vẫn tiếp tục nói thì cá nhân nói câu này là người hoàn toàn thiếu nhân cách.

Người có nhân cách tôn trọng người khác chính kiến với mình. Đã là con người, cho dù tâm đầu ý hợp như vợ - chồng, vẫn có những chính kiến khác biệt ở nhiều vấn đề trong cuộc sống, huống chi là trong cuộc sống của xã hội, sự khác biệt ý kiến xảy ra rất thường xuyên. Khác biệt chính kiến không có nghĩa là mình có quyền dùng những từ ngữ thiếu văn hóa để nói về cá nhân khác chính kiến với mình.

Người có nhân cách không khuyến khích bạo động. Khi một nhà chính trị nói câu “hãy đánh người đi, tôi sẽ trả tiền luật sư” trước ống kính của truyền thanh, trước mặt nhiều người tham dự buổi vận động tranh cử thì chính cá nhân đó đã khuyến khích bạo động để người ủng hộ mình chống lại người không ủng hộ mình bằng sự bạo động. Khi mà một nhà chính trị, trước ống kính của truyền thông nói rằng “tôi đứng tại đường số 5 và có thể bắn chết một người mà tôi sẽ không bao giờ mất phiếu từ người ủng hộ tôi” để thấy máu bạo động, tâm bạo động của nhà chính trị đó ra sao. Họ sẵn sàng làm những hành động bạo động, hoặc kêu gọi người ủng hộ mình làm chuyện bạo động. Đây là hành động thiếu nhân cách.

Người có nhân cách nhận lãnh trách nhiệm sai lầm của chính mình. Khi một nhà báo hỏi một nhà chính trị “ông có nhận lãnh trách nhiệm là không có sự chuẩn bị gần hai tháng trước để tình trạng dịch lan nhiễm hôm nay” thì nhà chính trị này trả lời “không. Tôi không có trách nhiệm nào cả”. Đây là lối ứng xử của người thiếu nhân cách, không bao giờ nhìn nhận sự sai trái của chính mình.

Người có nhân cách là người không giành công người khác và đổ lỗi cho người khác. Một vài nhà chính trị hay lầm lẫn lỗi lầm của mình và điều mình làm được. Lỗi của mình thì họ đổ thừa tại, thì, là từ những cá nhân khác. Còn thừa hưởng cái kết quả tốt đẹp của cá nhân khác thì nói là cho chính mình tạo ra. Đây là loại người không những không có nhân cách mà gồm cả không có tư cách.

Người có nhân cách là người không tự mình tâng bốc mình. Khi một nhà chính trị mở họp báo để gửi thông tin về dịch mà dành thời gian để khoe những cái mình đã làm, hoàn toàn không dính dáng gì đến nạn trừ dịch. Đồng thời tự ban cho mình, nhóm của mình 10 điểm trên 10 thì đây là nhà chính trị thuộc loại vừa cướp vừa la tôi bị cướp. Đây là nhà chính trị hoàn toàn thiếu nhân cách, nhân tính, nhân bản.

Cách giải quyết sự kiện

Trong một tình huống bình thường, đa số người lãnh đạo đều ứng xử giống nhau, khó mà phân biệt ai tài giỏi hơn ai. Chỉ khi nào những sự kiện bất bình thường xảy ra trong xã hội thì lúc đó mọi người mới có thể thấy khả năng lãnh đạo ra sao trước sự kiện đó.

Dịch cúm COVID19 xảy ra ở Tàu vào cuối tháng 12. Tàu ra lệnh cấm mọi người ra khỏi nhà trong tháng 1 và tháng 2 để làm giảm con số người bị lan lây. Trong thời gian này, một vài nước ở Châu Á cũng bị dịch cúm gõ cửa và họ đưa ra chính sách để giảm thiểu số người bị cúm. Tuy nhiên ở những nước phương Tây, đa số vẫn không có sự chuẩn bị vì nghĩ rằng dịch cúm sẽ không đến đất nước mình. Tiếc rằng vi khuẩn Corona nó không chừa bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào dù nghèo hay giàu. Cuối tháng 2 và đầu tháng 3, vi khuẩn Corona hoành hành những quốc gia giàu có, với hệ thống y tế khá tinh vi.

Sự tấn công quá nhanh của vi khuẩn Corona và sự thờ ơ, không chuẩn bị đầy đủ dụng cụ xét nghiệm vi khuẩn Corona để rồi cuối cùng, người bị bệnh không có triệu chứng cứ nhỡn nhơ ra ngoài đường và lây những người khác. Chưa kể dù hệ thống y tế cao hơn nước nghèo nhưng nếu không có chuẩn bị thì với số người bệnh gia tăng cần máy thở phụ giúp, cũng như dụng cụ bảo vệ nhân viên ở tuyến đầu chống bệnh thì toàn bộ hệ thống bệnh viện ở các nước giàu bị quá tãi để đưa đến sự lựa chọn ai được trị, ai phải chờ đợi nếu không phải bị COVID19 khi đến bệnh viện.

Đây chính là lúc để xác định người lãnh đạo giải quyết vấn đề ra sao, có tầm nhìn nhân bản hay không. Điều chắc chắn rằng, nhà lãnh đạo nào không có nhân cách thì lối ứng xử như một anh ăn cướp, vừa đánh trống, vừa thổi kèn; vừa cướp, vừa khen mình chống kẻ cướp.

Câu hỏi đặt ra là trong chúng ta, có nhìn ra được loại lãnh đạo bất tài, không nhân bản, nhân tính, nhân sinh và thiếu nhân cách? Hay chính chúng ta bị loại lãnh đạo này dùng tâm lý để chúng ta tiếp tục tâng bốc họ, ủng hộ họ dù rằng họ chẳng xứng đáng bầu vào vị trí lãnh đạo?

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 5 năm 2020 (Việt Lịch 4899)

Nguồn: https://nganlau.com/2020/09/24/danh-gia-nguoi-lanh-dao/

 

Con Đường Đi Đến Bình Sản Kinh Tế (P1)

Tìm hiểu về Chủ Nghĩa Duy Dân không thể không biết đến Bình Sản Kinh Tế. Đó là điểm son của tư tưởng Lý Đông A (LĐA). Khi triết học là kết hợp những suy nghĩ sâu xa và khôn ngoan nhất của con người về đời sống chính trị, văn hóa (giáo dục), kinh tế ... để đem lại đời sống hạnh phúc cho loài người, LĐA đã đưa ra Triết Học Chính Thống, Sinh Mệnh Tâm Lý, Chủ Nghĩa Duy Dân bao gồm Duy Nhân và Duy Nhiên, học thuyết Cơ Năng Bản Vị, Duy Nhân Cương Thường, Duy Dân Cơ Năng, Thiết Giáo, Cơ Năng Hiến Pháp và Bình Sản Kinh Tế ... là những tài liệu chính yếu.

Nếu hỏi rằng tài liệu nào quan trọng nhất thì khó mà trả lời vì đó là thế "liên hoàn cước": Không thể chỉ có một, một bao gồm tất cả và tất cả bao gồm một (Hoa Nghiêm kinh). Tư tưởng LĐA không phải là bí kíp võ công, chỉ cần cóp nhặt một phần là đủ ra múa may, tranh hùng, xưng bá với thiên hạ.

Duy Dân là nhân đạo: Con đường của loài người.

Nếu tìm hiểu về thứ tự của các tài liệu Duy Dân để tìm hiểu thì có lẽ Sinh Mệnh Tâm Lý là khởi đầu để đi đến "chính kỳ sở mệnh". Mà muốn được như vậy thì phải đi qua "toại kỳ sở nhu" để rồi "tận kỳ sở năng". Nghe nói thì tưởng dễ nhưng có đọc qua "Thiết Giáo"  thì mới thấy sự giáo dục bản thân (tu dưỡng) theo quan niệm của LĐA vô cùng khó khăn. Khi LĐA nói "giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị" thì ai cũng công nhận giáo dục (hay huấn luyện) là nền tảng của mọi sinh hoạt trong xã hội loài người.

Nếu bạn muốn xây dựng "xã hội chủ nghĩa" thì bạn phải có (giáo dục) con người xã hội chủ nghĩa (mà cộng sản nhanh chóng đưa con người vào trại cải tạo để đốt giai đoạn).

Nếu bạn muốn có chế độ tư bản thì bạn phải có chương trình khuyến khích đầu tư, buôn bán, trao đổi (mậu dịch), tài chánh (ngân hàng) để từ từ phát triển các cơ cấu kinh tế tư bản (thị trường).

Tất cả đều đi từ lý thuyết hay xác lập mô hình qua thử nghiệm, cải tổ ... không có nền kinh tế nào mà có ai đó làm thử (test) sẵn và cho bạn kết quả để bạn "ăn sẵn".

Cũng y hệt như sinh viên khi mới ra trường đại học đi xin việc làm. Nhân viên phỏng vấn hỏi "bạn có kinh nghiệm về công việc đang xin hay không?"

Câu trả lời là nếu ông/bà không cho tôi cơ hội làm thì lấy đâu ra cái gọi là kinh nghiệm?

Từ thuở cha sinh, mẹ đẻ thì con người có kinh nghiệm gì? KHÔNG, hoàn toàn không. Chỉ có từng trải qua sự kiện, biến cố thì con người mới thiết lập, kết tụ thành cái gọi là kinh nghiệm.

Vậy thì để nói về Bình Sản Kinh Tế (BSKT) không thể đem trực tiếp so sánh với kinh tế tư bản hay cộng sản về GDP hay giá trị vì một đàng còn là lý thuyết (BSKT) và một đàng là đã được thực hiện.

Để tìm hiểu về BSKT, thiết nghĩ chúng ta phải đi từ con người (Thiết Giáo) để tìm hiểu tại sao LĐA đòi hỏi con người phải có nhân cách, nhân bản, nhân sinh.... Rồi đến Sinh Mệnh Tâm Lý để hiểu con người suy nghĩ, đối xử, phản ứng với nhau như thế nào trong tương quan xã hội mà một dân tộc sẽ phải đi đến một Hiến Pháp để sống chung trong một quốc gia.

Hiến pháp theo LĐA không chỉ là hiến pháp như chúng ta đã biết. LĐA gọi đó là Cơ Năng Hiến Pháp. Tại sao lại có "cơ năng" trong Hiến Pháp? Bạn phải đọc và tìm hiểu.

Cơ Năng Hiến Pháp của LĐA dựa trên Duy Nhân Cương Thường và Duy Dân Cơ Năng. Hãy đọc qua để biết nền tảng của xã hội Duy Dân sẽ như thế nào. Cương thường là trật tự chung mà các dân tộc (quốc gia) sẽ phải tôn trọng để sống chung hòa bình (không có chuyện tranh cãi về nhân quyền kiểu Á Châu do Trung Cộng áp đặt và nhân quyền kiểu Tây Phương do khối tư bản sử dụng). Muốn có Cương Thường đó thành hình thì mỗi dân tộc phải thực hiện Duy Dân Cơ Năng, các cơ chế nhiệm vụ trong một quốc gia để thực hiện Cơ Năng Hiến Pháp.

Hiến pháp quy định người dân sống chung trên một hệ thống pháp lut căn bản và thực hiện đời sống kinh tế. Đó là Bình Sản Kinh Tế.

Nếu các bạn tranh luận về kinh tế mà không đi qua con người, luật pháp, cơ cấu xã hội, chính trị thì không thể hiểu LĐA.

Nếu các nhân sự tham dự bàn luận về Bình Sản Kinh Tế mà không có tu dưỡng để tránh những xung động cảm tính, nhất thời về ý nghiệp, tầng nghiệp... thì kết quả sẽ không có ích lợi gì cho sự tìm hiểu Bình Sản Kinh Tế.

Các nhà chuyên môn (hiện nay) được đào tạo theo hệ thống giáo dục của Tây Phương. Họ có kiến thức chuyên môn nhưng không phải là cái nhìn tổng hợp (hay tổng thể). Tuy gọi là xã hội Dân Chủ nhưng khi cơ cấu chính quyền thành hình thì quyền lực tập trung trong tay các nhà chính trị. Đảng chính trị chỉ là bộ máy để thi hành nhiệm vụ. Trong sinh hoạt chính trị, đặc bit là mùa tranh cử thì các đảng đưa ra các khẩu hiệu, chương trình, chính sách... của ứng cử viên. Nhưng khi đắc cử thì những hứa hẹn đó có được thực hiện không thì lại là chuyện khác.

Dĩ nhiên cử tri có quyền biểu tình phản đối chính quyền nhưng nếu chính quyền có thay đổi thì chỉ là vá víu cho qua vì thế lực của các nhóm tài phiệt vẫn mạnh và kín đáo điều khiển mọi chính quyền (cho dù là đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa).

Qua biến cố Saving & Loan dưới thời Reagan cho đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008 thời Bush II cho thấy hệ thống chính trị dân chủ và kinh tế thị trường đang đi vào khủng hoảng. Bạn có thể cho rằng nước Mỹ sẽ vượt qua như đã làm trong quá khứ. Nhưng đó chỉ là bề mặt (diện), sự kiện chính yếu (điểm) là con người: Từ những tổng thống như Kennedy, Reagan... nước Mỹ ngày nay có Trump. Sự kiện dân Mỹ (hay hệ thống lưỡng đảng) đưa ra ứng cử viên như Trump hay bà Clinton cho thấy cử tri chỉ quan tâm đến ưu tư cá nhân của họ hơn là đất nước hay thế giới. Trong khi các ng cử viên chỉ lo thủ thuật mỵ dân để đắc cử hơn là một viễn kiến lâu dài. Chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) tưởng như bất diệt nhưng khi các chính trị gia vận dụng quá mức đã đưa đến tranh chấp cực đoan (cực Hữu hay cực Tả).

Tất cả phát xuất từ giáo dục.

Nước Mỹ không chú ý đúng mức đến triết học. Họ chỉ vận dụng khoa Tâm Lý Học để chữa tạm thời cho tuổi dậy thì và những người bệnh hoạn. Giới luật sư là hùng mạnh nhất cũng chỉ là để giới nhà giàu khuynh loát xã hội và dân nghèo chịu lép vế vì không có tiền trả luật sư. Điển hình là giới thương gia bỏ tiền vận động Quốc Hội soạn thảo luật có lợi cho công ty của họ hơn là người tiêu thụ.

Mặt khác, tôn giáo đứng tách biệt ra khỏi chính trị để duy trì mặt đạo đức cho xã hội. Nhưng khi hệ thống tôn giáo suy sụp vì các vụ xách nhiễu tình dục thì tuy nhà thờ có khắp nơi nhưng tội ác vẫn gia tăng. Thần công lý tuy bịt mắt nhưng ông Tòa vẫn xử tùy theo trường hợp kẻ giàu, người nghèo; da trắng hay da đen.

Con người từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến nước Mỹ vì giấc mơ làm người Mỹ (American dream) trong khi tuổi trẻ nơi trường học được khuyến khích theo đuổi giấc mơ (you can do anything you want, the dream come true). Nhưng sẽ có bao nhiêu đứa trẻ có giấc mơ đúng mà không rơi vào lầm lạc, tội ác, ma túy....

Nước Mỹ sẵn sàng hy sinh số đông đó để có được một vài nhân tài xuất chúng như Steve Job, Bill Gate, Mark Zuckerberg...

Có người cho rằng nước Mỹ bỏ qua triết học vì đường dài có nhiều thay đổi mà một xã hội đa chủng, phức tạp như Hoa Kỳ sẽ không thích hợp cho một chủ nghĩa lâu dài hay mơ hồ.

Nhưng triết học là đầu mối của toán học, của khoa học… và là tinh hoa của sự khôn ngoan từ trí óc con người về đời sống, về các tương quan xã hội.

Hãy bỏ qua những triết học không trọn vẹn cho con người (như Karl, Marx, Engles ....). Nền triết học Ấn Độ và Trung Hoa có nhiều nhưng chẳng thực dụng. Trong thời cận đại có Krishnamurti nhưng sau khi ông chết thì chẳng còn ai theo đuổi vì đời sống với cám dỗ vật chất quá mạnh mà sự giáo dục con người là con đường dài chẳng mấy ai kiên nhẫn để theo đuổi (xem Giáo Dục và Ý Nghĩa Cuộc Sống).

Con Đường Đi Đến Bình Sản Kinh Tế (P2)

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Nguồn: https://nganlau.com/2020/10/07/con-duong-di-den-binh-san-kinh-te-p1/

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...