Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Nhân Bản Cương Thường: Liên Hiệp Quốc

 

Sinh hoạt của loài người, từ thời nguyên thủy cho đến hôm nay, đã có sự tiến bộ trên nhiều lãnh vực. Con Người đối xử với Con Người tiến bộ hơn, văn minh hơn. Tuy nhiên sinh hoạt giữa các quốc gia, giữa các dân tộc vẫn dựa trên tinh thần mạnh được yếu thua.

Sự hình thành Liên Hiệp Quốc sau thế chiến thứ hai với mục đích (1) bảo đảm an ninh, hòa bình của thế giới mà Liên Hiệp Quốc là cơ quan trung gian để hóa giải những bất đồng giữa các quốc gia hầu tránh chiến tranh xảy ra; (2) tạo điều kiện để các quốc gia có thể hợp tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau hầu có thể bảo đảm nền hòa bình chung cho mọi quốc gia; (3) cùng các quốc gia hợp tác để giải quyết khó khăn mà quốc tế đối diện trên lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân quyền; (4) tạo ra một sân chơi để các quốc gia có thể cùng nhau hợp tác hầu đạt ba mục tiêu bên trên.

Trên mặt giấy tờ thì mục đích của Liên Hiệp Quốc đáp ứng được nhu cầu của loài người là cùng nhau hợp tác để bảo đảm nền an ninh của mọi quốc gia trên trái đất này. Tuy nhiên nếu dựa vào những chi tiết thủ tục giấy tờ cũng như luật lệ trong việc điều hành Liên Hiệp Quốc, năm quốc gia duy nhất có quyền phủ quyết các quyết định của Liên Hiệp Quốc là Tàu, Nga, Mỹ, Anh, Pháp; và những phủ quyết hoàn toàn dựa trên tinh thần quyền lợi của các quốc gia thay vì là quyền lợi của toàn thế giới. Khi một trong 5 quốc gia đó dùng quyền phủ quyết thì quyết định của Liên Hiệp Quốc chỉ là cho có chứ hoàn toàn thiếu vắng hành động kèm theo quyết định.

Chưa kể bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, tuy được các quốc gia là thành viên của Liên Hiệp Quốc công nhận, các quốc gia mặc tình hiểu Nhân Quyền theo cái nhìn của riêng mình chứ không nhìn nhân quyền trên lãnh vực là con người. Những nước gọi là dân chủ như Mỹ, dùng nhân quyền là cái gậy hay củ cà rốt để thực hiện quyền lợi kinh tế, quân sự của Mỹ chứ hoàn toàn không quan tâm đến nhân quyền, chủ quyền của các quốc gia khác.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc hoàn toàn thụ động trước những biến cố lớn của quốc tế hoặc nếu không thụ động thì đều có sức ép từ các nước lớn mà vụ Iraq đánh Kuwait trong năm 1990 mà Mỹ đã vận động Liên Hiệp Quốc để danh chính, ngôn thuận đưa quân đội liên minh vào trận chiến, đuổi quân đội Iraq ra lãnh thổ Kuwait. Thái độ này không phải vì dân Kuwait mà vì mục đích quân sự và dầu hỏa của Mỹ trong vùng Trung Đông.

Nếu Kuwait bị Iraq tấn công và quốc tế đứng lên chống lại Iraq thì cuộc chiến Ukraine mà Nga là nước tấn công Ukraine -- hoàn toàn không có sự vận động để chống lại Nga như vụ Kuwait. Đơn giản là Ukraine không đem lại quyền lợi kinh tế, quân sự cho các nước khác. Đồng thời quyền phủ quyết của Tàu và Nga đã trói tay Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết chiến tranh tại Ukraine bằng vũ lực của liên minh quân sự từ các quốc gia đã được sử dụng ở cuộc chiến Kuwait trong quá khứ.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc chỉ đóng vai trò nhỏ trong việc giải quyết những vấn đề tranh chấp quốc tế chứ hoàn toàn không có lực để thực hiện mục đích quan trọng là bảo vệ an ninh và hòa bình của thế giới. Cho nên sự hiện hữu của tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng chỉ là hình thức để các quốc gia mạnh dùng nơi đó đạt mục đích riêng tư của từng quốc gia. Sinh hoạt của quốc tế, trước hay sau khi hình thành tổ chức Liên Hiệp Quốc, vẫn là cá lớn nuốt cá bé vì tổ chức Liên Hiệp Quốc hoàn toàn không có thực lực; chưa kể nguồn tài chính được các quốc gia giàu có cung cấp để hoạt động và bị ảnh hưởng từ chính sách của các quốc gia giàu có trong chính sách, chủ trương, quyết định của Liên Hiệp Quốc.

Phải chăng cần phải xét lại hiệu quả của Liên Hiệp Quốc để có một cái nhìn chung về Con Người hầu có lối ứng xử để phục vụ Con Người thay vì phục vụ quyền lợi quốc gia?

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/01/01/nhan-ban-cuong-thuong-lien-hiep-quoc/

 

Nhân Bản Cương Thường Là Gì?

 

Phải chăng mọi quốc gia đều thấy sự phi lý của tổ chức Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết những bất đồng hay chiến tranh giữa các quốc gia cho nên tất cả những quốc gia ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền diễn dịch theo quyền lợi của nhóm (đảng hay chính quyền) lãnh đạo quốc gia thay vì nhìn quyền con người ở dạng Con Người?

Khi những quốc gia tự nhận là dân chủ như Hoa Kỳ mà sẵn sàng ủng hộ một chế độ độc tài, miễn sau chế độ đó đem lại quyền lợi cho Hoa Kỳ thì cái gọi nhân quyền chỉ là hình thức, mang hình ảnh cây gậy hoặc củ cà rốt để sử dụng trong sinh hoạt của quốc tế giữa các quốc gia. Khi một quốc gia như Hoa Kỳ sẵn sàng lật đổ một chính quyền, một nhà lãnh đạo trong sự đạo diễn tài tình như là một cuộc cách mạng tự phát tại quốc gia đó -- nhằm mục đích thay thế lãnh đạo có lợi cho quyền lợi của Hoa Kỳ -- thì cái gọi là nhân quyền chỉ áp dụng cho công dân Hoa Kỳ chứ không áp dụng cho các dân tộc khác.

Nếu mục đích của Liên Hiệp Quốc là xây dựng một cộng đồng thế giới có thể sống chung hòa bình và phát triển thì nhân quyền là điểm khởi đầu. Nhưng nếu nhân quyền không dựa trên Nhân Bản thì làm sao xác định nhân quyền sẽ như thế nào? Như nhân quyền của độc tài, cộng sản hay là nhân quyền của tư bản?

Có lẽ cần phải nhìn vấn đề nhân quyền ở một dạng rộng lớn mà không phải chỉ là quyền mà là những căn bản (cương thường) của Con Người trong ứng xử giữa cá nhân với tập thể và tập thể với cá nhân trong thời đại của thế kỷ 21 này.

Vậy thì Nhân Bản là gì và những Cương Thường đó là gì?

A. Nhân Bản

Các yếu tố căn bản của con người là gì? Bất kể chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo... thì phải chăng mỗi con người đều có những yếu tố tinh thần và vật chất (thể chất) để thành hình cuộc sống (sinh mệnh).

1. Đời sống

Vậy nếu con người sống một mình (chưa thành lập hay gia nhập xã hội) thì ít nhất hắn phải có gia đình (cha mẹ, anh em). Sự hiện hữu của một cá nhân sẽ là (a) dưới trung bình về thể chất hay tinh thần. (b) trung bình. (c) trên mức trung bình.

Thời nhân loại còn sơ khai thì ở trường hợp a sẽ bị đào thải nhanh chóng vì thiếu sự săn sóc, bảo vệ. Ở trường hợp c là có thể tồn tại và phát triển nhờ khả năng sẵn có về thể chất, tinh thần.

Câu hỏi đặt ra là cá nhân ở trường hợp c sẽ làm gì với khả năng vượt trội cá nhân ở trường hợp a và b? Nếu ích kỷ cá nhân ở trường hợp c sẽ sống với khả năng sẵn có, bỏ mặc những cá nhân ở trường hợp a và b, hay sẽ cưu mang, che chở đồng loại?

Khi ý thức rằng sự kết hợp thành bộ lạc, bộ tộc, làng xã... thì sự bảo đảm về đời sống sẽ gia tăng và sử dụng khả năng (tinh thần, vật chất) để đóng góp sự thành hình xã hội. Đó là bản chất con người.

2. Tinh thần

Mọi người đều có trí óc nhưng không phải ai cũng suy nghĩ hiểu biết như nhau. Khác biệt tinh thần rất quan trọng khi con người biết quan sát và từ đó tìm tòi, phát minh đưa đến sự phát triển văn minh nhân loại.

3. Thể chất

Con người sinh ra có thể chất giống nhau (bệnh tật sẽ nói riêng). Nhưng cơ thể có người yếu, mạnh. Thời tiết, khí hậu, dinh dưỡng ... khiến con người phát triển khác nhau. Nhưng ngũ quan, nội tạng của mỗi người đều như nhau. Không ai có nhiều tim, óc, gan, phổi và tuổi thọ con người không quá 100 năm. Một ngày chỉ 24 giờ và con người cần ngủ 8 tiếng/ngày và cần thực phẩm để sống. Đó là điều kiện căn bản của loài người.

B. Cương Thường

Đó là kỷ cương, nề nếp, trật tự mà con người cần có để xây dựng đời sống ổn định và phát triển (chưa có quan niệm bảo thủ hay tiến bộ) và được đa số ý thức là những quy luật chung để kết hợp mọi người với nhau.

Cương thường sẽ không thành hình nếu mỗi cá nhân không có tu dưỡng để ý thức những gì nên làm và không nên làm. Tu dưỡng đến từ sự tự kỷ, tự giác, tự quan sát để thành hình giáo dục nền tảng xây dựng đời sống con người.

Con người học hỏi và phát triển qua nhiều giai đoạn cho đến khi có ngôn ngữ, chữ viết, lý luận và dẫn đến triết học. Triết học Đông-Tây dẫn đến quan niệm dân chủ và nhân bản, nhân quyền nhưng loài người đã phân chia thành chủng tộc, khác biệt ngôn ngữ, văn hóa...ngăn cản sự chia sẻ kiến thức trong cộng đồng thế giới.

Như vậy Nhân Bản Cương Thường được nhìn như một nền tảng chung của thế giới loài người để xây dựng hòa bình và thịnh vượng trong một thế giới mà dân số tiếp tục gia tăng trong khi tài nguyên có giới hạn.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/01/01/nhan-ban-cuong-thuong-la-gi/

 

 

Nhân Bản Cương Thường: Tổng Quan

 

Nhu cầu nhu yếu

Con người dù sống ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào, đều có nhu cầu nhu yếu. Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, y tế, và an ninh. Tất cả những nhu cầu này đã thay đổi cuộc sống của con người từ thời ăn lông ở lổ để tạo sự tiến bộ vượt bực trên lãnh vực đời sống của Người.

Nhưng khi loài người phát triển thành những sắc dân khác ngôn ngữ, văn hóa để trở thành những quốc gia khác biệt theo thời gian tiến hóa với những xung đột để đi đến Liên Hiệp Quốc với nhu cầu hòa bình và nhân quyền. Nhân loại không thể có hòa bình khi nhân quyền khác biệt. Muốn giải quyết nhân quyền thì phải trở lại căn gốc là Nhân Bản. Khi dân số ít thì chưa thấy hiểm họa. Khi dân số gia tăng mà khả năng sản xuất thực phẩm, cư trú có giới hạn (hay phân phối không đều) thì hỗn loạn xảy ra. Con người có thể biện minh cho sự bảo vệ cuộc sống của mình để quên đi thảm cảnh đồng loại? Hay biện minh cho chiến tranh, xâm lăng vì nhu cầu sống còn của một dân tộc?

Các quốc gia phải đi đến một quy định về nhân bản thống nhất vì loài người chỉ có một và trái đất (thiên nhiên) cũng chỉ có một.

Vậy căn bản tối thiểu của con người là sống với những nhu yếu đã nói bên trên.

Nhu cầu sinh mệnh

Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình; tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sống. Sự phát triển của lịch sử xã hội loài người là do chính Con Người tự làm chủ lấy chính mình và cùng những cá nhân khác trong xã hội để quyết định cho hướng tiến của xã hội.  Nếu để ai đó làm chủ cuộc sống của chính mình thì cuối cùng mình không phải là mình mà là một nô lệ cho ai đó hay sẽ bị một dân tộc khác thôn tính. Hòa bình và hạnh phúc là mục đích trong cuộc sống mà con người theo đuổi. Hòa bình mà không có thức ăn, thuốc men (y tế), việc làm … thì không có hạnh phúc. Hạnh phúc mà vẫn bị đe dọa bởi chiến tranh vì tranh chấp tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, biển, đất, đảo …) thì vẫn chưa có hạnh phúc, chưa có hòa bình.

Mỗi cá nhân phải tự tìm hiểu về bản chất cá biệt của mình để sống thích hợp với môi trường xã hội, thiên nhiên. Nhưng không phải ai cũng có thể nắm vững sinh mệnh để tự chủ (hay ngược lại). Để mọi người có thể thực hiện được nhu cầu sinh mệnh của chính mình thì cần phải có một nền giáo dục để tự mỗi người biết hoàn thiện nhu cầu sinh mệnh của bản thân.

Con người từ nhỏ chưa có ý thức. Trong quá trình trưởng thành về thể chất thì tinh thần (thức) ghi nhận những diễn biến xung quanh trở thành kiến thức. Kiến thức này (đến từ bên ngoài) có thể đúng hay sai cho nên mỗi cá nhân phải xét lại qua thời gian (chính kỳ) để chứng minh sự thích hợp với khả năng và đời sống mong muốn. Vì bị tiêm nhiễm ảnh hưởng văn hóa, tôn giáo có thể lôi kéo con người vào lệ thuộc, ỷ lại và mất tự chủ. Lý luận (triết học) qua quan sát là phương pháp giáo dục cá nhân đi đến tự chủ, độc lập để có tầm nhìn chính xác về cuộc sống nhằm nắm vững sinh mệnh chính mình.

Nhu cầu tự do

Để thực hiện nhu cầu 1 và 2 thì Con Người cần có những quyền tự do căn bản mà ngay từ khởi thủy của loài người, Con Người đã có. Những quyền tự do của Con Người gồm có tự do đi lại, tự do trao đổi thông tin (báo chí), tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do biểu tình (phát biểu ý kiến), tự do lựa chọn trong hôn nhân (gia đình) nhưng không đi ngược lại tự nhiên của Con Người, tự do tham dự vào tiến trình xây dựng xã hội (hoặc tham gia chính trị để thiết kế và chấp hành dân sinh), tự do kinh doanh nếu sự kinh doanh đó không đi ngược lại lợi ích của xã hội. Tất cả các quyền tự do này càng ngày càng được phát triển ra thêm mà quyền tự do báo chí là một thí dụ điển hình. Quyền này hoàn toàn không có trong thời nguyên thủy của loài người khi loài người hợp thành bộ lạc. Quyền này được công nhận với xã hội hiện đại của thế kỷ 21 bởi quyền này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát sự lạm dụng quyền lực của các bộ máy nhà nước trên quốc gia sở tại.

Ngoài những quyền tự do trên, Con Người cần có cái quyền được bình đẳng trước pháp luật, quyền vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, quyền được tòa án lắng nghe khi quyền Con Người của mình bị vi phạm, quyền ứng cử và bầu cử trong cơ cấu chính quyền, quyền kiểm soát và phê bình nhà nước (hay đảng phái), quyền tư hữu và những quyền công dân cho chính người dân quy định trong xã hội. Không có những quyền này thì Con Người sẽ không thực hiện được nhu cầu 1 và 2.

Nhu cầu cải tạo và bảo quản thiên nhiên

Thiên nhiên luôn luôn là thực thể cùng tồn tại với Con Người. Con Người đã biết cải tạo thiên nhiên để làm thăng tiến cuộc sống của Con Người. Tuy nhiên, nếu Con Người không biết bảo quản thiên nhiên, xài phí phạm thiên nhiên để rồi hủy hoại thiên nhiên thì Con Người sẽ không còn chỗ nào để sống. Khi thiên nhiên bị hủy diệt thì đồng nghĩa Con Người sẽ bị hủy diệt. Cho nên nhu cầu cải tạo thiên nhiên cũng như bảo vệ thiên nhiên là nhu cầu của Con Người. Bảo vệ thiên nhiên không thể thực hiện qua chiến tranh (giành đất, biển, đảo…để bảo vệ). Thiên nhiên và hòa bình là hai yếu tố buộc các dân tộc, quốc gia, xã hội phải hợp tác với nhau để cùng nhau giải quyết hầu có một giải pháp tốt đẹp cho Con Người lẫn thiên nhiên. Nhưng nếu các dân tộc, sắc tộc, xã hội… không có cùng một căn bản tự hiểu biết, tự học hỏi, tự kiểm soát thì xung đột cá nhân sẽ dẫn tới xung đột xã hội, sắc tộc, quốc gia….

Bảo vệ thiên nhiên không những ở quốc gia mình cư ngụ mà ở những quốc gia khác bởi đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi công ty đối với môi trường sống của Con Người.

Nhu cầu hợp tác

Thế giới của hôm nay không còn đơn độc mạnh ai nấy sống. Bệnh dịch xảy ra ở một nơi nếu không ai quan tâm thì bệnh dịch sẽ lan tràn sang quốc gia khác. Vi trùng, vi khuẩn không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, hay biên giới. Cho nên nhu cầu hợp tác để cùng nhau bảo vệ cuộc sống của từng người, từng quốc gia rất quan trọng như bốn nhu cầu đầu tiên của con người.

Thực tế nhu cầu hợp tác đã có ngay từ thời nguyên thủy của loài người. Sự hợp tác đó lúc khởi đầu vì sự sống còn của Con Người nên đưa đẩy, bắt buộc những cá nhân phải hợp tác để cùng tiến hóa, cùng tồn tại. Qua sự hợp tác đó đã giúp cuộc sống của con người và xã hội được thăng tiến như hôm nay.

Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhu cầu hợp tác cần đòi hỏi sự nâng cấp các quốc gia yếu kém, không có khả năng kỹ thuật cao để cùng bảo vệ lẫn nhau chống lại những thiên tai, bệnh dịch. Hợp tác không có nghĩa là áp lực giúp đỡ nước nghèo với những điều kiện để bán sản phẩm hoặc thu tóm tài nguyên thiên nhiên của xứ sở nghèo đó. Tùy theo sự nghiêm trọng của vấn đề, hợp tác có thể là sự giúp đỡ không đòi hỏi sự đáp lại bằng nguồn tài chính. Tuy nhiên, để tránh sự ỷ lại của cá nhân, của các quốc gia, có những hợp tác cần điều kiện để đạt hiệu quả tốt trong hợp tác; để mọi cá nhân, mọi quốc gia cùng nhau thăng tiến. Đây chính là sự Nhân Bản Hợp Tác hay còn gọi là hợp tác với trái tim Nhân Bản.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/01/15/nhan-ban-cuong-thuong-tong-quan/

 

Nhân Bản Cương Thường: Nền Tảng Sinh Hoạt Loài Người

Năm nhu cầu bên trên (xem bài Nhân Bản Cương Thường: Tổng Quan) là của Con Người (hoặc có thêm những nhu cầu khác chứ không thể có ít hơn) và cũng là điểm mà chúng ta có thể gọi là nhu cầu của nhân loại (Con Người).  Một hiến pháp của một quốc gia hay của bất cứ quốc gia nào,  điều tiên quyết phải có -- là công nhận những nhu cầu này của Con Người. Có nghĩa là mọi người, mọi giống dân, mọi dân tộc sống trên quả địa cầu này đều có những nhu cầu giống nhau -- ít nhất trên căn bản năm điều đã nói bên trên. Những nhu cầu này sẽ gia tăng tùy theo mức độ phát triển của xã hội.

Đây chính là toàn bộ tiến trình của lịch sử loài người nhằm mục đích làm thăng hoa sức sống của Con Người. Trên những căn bản này, chúng ta có thể tạm gọi đây là Nhân Bản Cương Thường. Nhân Bản Cương Thường tức là những “điều cốt yếu nhất là phải công nhận loài người sống theo nguyên thức và cách thức loài người đã” (Lý Đông A).  Đây là những nhu yếu mà bất cứ dân tộc nào, bất cứ xã hội nào trên thế giới này đều phải trải nghiệm qua từng thời kỳ của lịch sử nhân loại. Thế giới luôn luôn xảy ra chiến tranh chính bởi vì thế giới chưa nhìn ra được cái Nhân Bản Cương Thường để làm căn bản của nhân loại; để làm căn bản cho cách ứng xử giữa những người trong nước và ứng xử với những người ngoài nước; để làm căn bản cho đối nội cũng như đối ngoại; để làm căn bản cho những tương giao quốc tế hầu tránh những xung đột về văn hóa, sắc tộc, hoặc chiếm đất đai nhằm thu lợi nhuận của thiên nhiên. 

Nói thế để thấy rằng khi một quốc gia vì nhu cầu phát triển kinh tế, đưa một công ty vào một quốc gia khác và làm ảnh hưởng môi sinh của quốc gia sở tại (vì không muốn ảnh hưởng môi trường trên quốc gia mình) thì chính quốc gia (công ty) muốn phát triển kinh tế đó đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường (nhu cầu 4) mà vụ Formosa là thí dụ điển hình. Các công ty Trung Quốc, Đài Loan hoặc các công ty Tây Phương làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người Việt, hay của bất cứ quốc gia nào tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.

Trên lãnh vực nhân quyền, khi bất cứ nhà cầm quyền nào đàn áp, bắt bớ người dân chỉ bởi vì người dân thực hiện quyền Con Người căn bản của mình (nhu cầu 3) để kiểm soát sự lạm quyền của người cầm quyền thì chính quốc gia đó đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường và không thể nào biện luận nhân quyền Việt khác nhân quyền Úc, Nhật, Ấn, Mỹ v.v…

Khi tất cả mọi người trên toàn thế giới thấy được nhu cầu 1 (nhu yếu) là của mọi Con Người sống trên trái đất này -- thì bất cứ quốc gia nào đem quân xâm chiếm quốc gia khác để chiếm đoạt tài nguyên, lãnh hải -- tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường vì làm thiệt hại đến tài sản, sinh mạng của một quốc gia khác, một dân tộc khác. Chuyện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa; chuyện Nga ủng hộ phiến quân, đưa quân vào Crimea để lấy đất năm 2014 và quân đội Nga đánh Ukraine năm 2022, phá hệ thống điện-nước tức là đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.

Trên lãnh vực giao thương, một quốc gia A xuất cảng sản phẩm mà quốc gia B cũng sản xuất -- để cuối cùng tiêu diệt tiềm năng sản xuất của quốc gia B thì quốc gia A đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường; làm quốc gia B mất khả năng tự vệ trên sản phẩm mình có thể tạo ra, dùng sức mạnh sản xuất sản phẩm ở số lượng nhiều để đàn áp sản phẩm của quốc gia khác. Nói đúng ra là một quốc gia có khả năng sản xuất sản phẩm ở số lượng lớn, không tiêu thụ hết mà phải đem ra bán tháo, bán đổ qua hiệp ước thương mại với giá thật rẻ nhằm mục đích thu lợi nhuận cho quốc gia mình (hay công ty mình) và tiêu diệt sức sản xuất của quốc gia bạn thì hành động này đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường.

Khi mà các quốc gia hành xử đối với dân tộc mình cũng như với dân tộc khác trên thế giới trên căn bản Nhân Bản Cương Thường thì sẽ chấm dứt chuyện cá lớn nuốt cá bé trong lãnh vực kinh tế, ngoại giao, thương mại. Với Nhân Bản Cương Thường, mọi người, mọi dân tộc trên thế giới đối xử với nhau với tư cách là một Con Người đối với một Con Người chứ không phải chủng tộc này đối với chủng tộc khác mà sự khác biệt về văn hóa có thể tạo ra sự xung khắc. Chỉ với Nhân Bản Cương Thường thì sự xung khắc không còn nữa -- khi mà mọi người nhìn ra được nhu cầu của Con Người để cùng nâng đỡ lẫn nhau, tạo ra một Xã Hội lớn trên trái đất này, hài hòa nhau mà sống, làm thăng tiến cuộc sống của mọi Con Người trên trái đất này trong một tinh thần tương kính, không ỷ thế mạnh để ăn hiếp nước yếu.

Đây chính là Nhân Bản Cương Thường mà Lý Đông A nói đến. Đây chính là những cái căn bản của Cương Thường Nhân Loại mà một Việt Nam tương lai phải dựa vào để tạo ra một Hiến Pháp (hay Cơ Năng Hiến Pháp) không phải chỉ để phục vụ dân tộc Việt mà là Hiến Pháp phục vụ Con Người (nhân loại).

Lịch sử của nhân loại luôn luôn hướng về chiều hướng nhân bản. Cho nên Nhân Bản Cương Thường không phải là điều không tưởng mà là hướng tới của thời đại ở một tương lai sắp đến. Chỉ trên cái Nhân Bản Cương Thường này, chiến tranh mới có thể chấm dứt mà được giải quyết bằng thương thuyết để bảo vệ Con Người của các phe phái trong chiến tranh.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/01/15/nhan-ban-cuong-thuong-nen-tang-sinh-hoat-loai-nguoi/

 

 

 

Dân Tộc – Dân Sinh – Dân Đạo

 

Ghi Chú NL: Đây là một bài viết mà những ai quan tâm về Con Người và Xã Hội cần phải đọc và đọc trong một tinh thần cởi mở để thấy được cái gốc của vấn đề. Tác giả nhắc đến Cương Thường và một sự tình cờ, trang mạng Ngàn Lau sẽ đăng loạt bài nói về Nhân Bản Cương Thường trong đầu năm 2024 và những tháng tới.

 

Dân tộc, như đã nói, hình thành từ một cộng đồng trải qua bề dày lịch sử, có chung nguồn gốc chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết và tập trung ở một lãnh thổ nhất định, những cá thể sống trong cộng đồng đó gọi chung là dân tộc, từ đó cũng hình thành nên quốc gia.

Trước khi con người có khái niệm về luật pháp, về bộ máy sử dụng luật pháp để duy trì ổn định xã hội thì con người dùng cái gì để duy trì trật tự xã hội?

Con người sinh ra đều có bản tính và ý thức bẩm sinh. Bản tính bẩm sinh là sự kết hợp nam nữ để duy trì nòi giống, kết nối với nhau thành cộng đồng, cùng nhau tìm ra sinh kế để duy trì sự sống. Ý thức bẩm sinh là nguyên tắc, đạo lý dựa vào sự hòa hợp với tự nhiên và trong quá trình sống. Luật tắc và đạo lý cơ bản này được con người nhìn nhận và dùng nó áp dụng vào cộng đồng để duy trì sự ổn định về sinh kế và phát triển nòi giống, ta gọi đó là cương thường, là cái gốc của cái gọi là luật pháp của người văn minh sau này. Nói như vậy để thấy rằng, luật pháp là cái ngọn của cương thường, một dân tộc và nói chung là thế giới loài người, muốn duy trì một hệ thống luật pháp có hiệu quả và để bảo vệ được sự sống con người thì phải hiểu cương thường là gì, cái gốc của luật pháp dựa vào đặc định gì và tại sao phải duy trì luật pháp. (Cương thường ở đây không phải tam cương, ngũ thường của Nho giáo, mà nó là cái gốc nguyên tắc tự nhiên của loài người).

Dân sinh, là các điều kiện dùng để phát triển sự sống và duy trì ổn định nòi giống con người, bao gồm lãnh thổ quốc gia được phân định rạch ròi và được quốc tế công nhận. Các điều kiện về kinh tế, giáo dục, điều kiện về tự nhiên và tất nhiên thành phần quan trọng nhất là công dân trong quốc gia với trí tuệ và nhận thức cùng nhau phát triển đất nước.

Dân đạo, là đạo lý được con người thấu hiểu từ cương thường, từ sự giáo dục nhân cách, con người đi dần từng bước trong nhận thức, từ sự nhìn nhận sơ khai, đến sửa chữa, chuyển hóa dần rồi thẩm thấu được đạo lý dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc từ đó có ý thức rõ ràng về dân tộc và mong muốn giữ gìn nó.

Nhân quyền là sự thấu hiểu từ đạo lý. Hiểu được tính đặc định bẩm sinh của loài người, từ đó mới hiểu được nhân quyền là đạo lý của con người đối với chính mình, của người đối với người và của con người đối với vạn vật. Nếu không hiểu được rõ ràng, thì nhân quyền chỉ được nói và thực thi trên vỏ bọc khi nó đã không còn đạo lý, luật tắc tự nhiên.

Một quốc gia với chủ nghĩa chân chính sẽ làm nền tảng cho một thế giới chân chính và sáng suốt, ngược lại, một thế giới với hệ thống luật tắc chân chính sẽ làm nền tảng cho các quốc gia phát triển bền vững.

Khi quốc gia khống chế luật tắc quốc tế thì xảy ra chiến tranh xâm lược. Trong một quốc gia, khi giai cấp khống chế quốc gia thì xảy ra tình trạng giai cấp thống trị, khi gia tộc khống chế quốc gia thì trở thành chế độ quân chủ, khi đảng phái khống chế quốc gia thì trở thành độc tài, đảng trị. Tất cả các vấn nạn này đều do bất chấp đạo lý và luật tắc mà gây nên vậy.

Dân tộc, dân sinh, dân đạo sẽ như một vòng tròn kết nối, cùng sinh, cùng diệt với nhau. Thiếu một trong ba yếu tố này, sẽ không còn quốc gia. Dân tộc là tinh thần, dân sinh, dân đạo là "khí", là năng lượng cung cấp cho lực lượng tinh thần đó duy trì và phát triển, và quan trọng là phát triển theo con đường chân chính sáng suốt, không chỉ cho quốc gia, mà cũng là nền tảng phát triển của loài người nói chung.

Ngày nay, có khái niệm "hòa giải dân tộc", xin thưa rằng, không có khái niệm đó, vì dân tộc vốn đã cùng một thể của một quốc gia mà sinh ra, vậy thì trong một quốc gia, lấy dân tộc nào hòa giải với dân tộc nào? Nói cho chính xác, chỉ có chăng là có khái niệm "hòa giải giữa các đảng phái" hoặc giữa "nhân dân và bộ máy cầm quyền" chứ không nên dùng từ dân tộc, nó sai về bản chất. Dân tộc là quốc gia, không có đảng phái nào có thể nhân danh cả dân tộc để gây bất hòa hay hòa giải cả, đó là điên rồ, là phá hoại trật tự kỷ cương của quốc gia. Mà đã là khái niệm đảng phái, thì cũng không gọi là hòa giải, đảng phái nào không làm được việc cho đất nước thì sẽ bị giải thể, thay thế và cạnh tranh với đảng phái khác mà thôi, đó là tính đa nguyên trong bộ máy vận hành đất nước.

Thiện và ác, chiến tranh hay hòa bình cũng chỉ là thuộc tính của vòng tròn Dân tộc - Dân sinh - Dân đạo mà ra. Việc thông hiểu và điều hướng cái gốc này vô cùng quan trọng cho sự phát triển của quốc gia và con người.

HUỲNH THỊ TỐ NGA

Dec 22, 2023

Nguồn 1: Facebook của cô Huỳnh Thị Tố Nga

Nguồn 2: https://nganlau.com/2024/01/07/dan-toc-dan-sinh-dan-dao/

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...