Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Bàn Về Các Tài Liệu Duy Dân Của Cụ Lý Đông A

Những ai quan tâm về Con Người, Xã Hội -- khi bắt gặp được tài liệu Duy Dân do cụ Lý Đông A viết thì sẽ thấy được cái sâu sắc trong tư tưởng Duy Dân của một người Việt rất trẻ, có tài năng để đưa ra thuyết Duy Dân -- dựa vào lịch sử của Con Người để hình thành thuyết phục vụ đời sống của người.

Đọc và hiểu Duy Dân lại là một vấn đề khác sẽ được bàn thảo trong một bài viết khác. Trong phạm vi của chủ đề này, người viết xin được đóng góp ý kiến để những ai đọc tài liệu Duy Dân của cụ Lý trên trang mạng thangnghia.org cần phải lưu tâm đến những vấn đề sẽ được đặt ra trong bài viết này.

Tinh Thần Trách Nhiệm

Có thật các tài liệu trong chương mục Tuyển Tập Lý Đông A thực sự do chính tay Lý Đông A viết và có bản gốc để chứng minh điều đó? Theo ý của một người Duy Dân thuộc chi bộ 002, thì 70% tài liệu Duy Dân đều là sự ghi chép lại, 30% tài liệu tạm gọi là tài liệu gốc gồm “các Bài Thơ (Đạo Trường Ngâm). Các Bài văn ngắn gọn và dễ nhớ được thu tập trong Tập Huyết Hoa do Nhà Xuất Bản Gió Đáy in ở Sài Gòn., Thêm hai bản Tuyên Ngôn "Ngày Thành Lập Tổng Đảng Bộ" và "Duy Dân Học Xã". gốc do chính tay cụ Lý viết”. Dựa vào lời nhận định trên, đa số các bài trên trang mạng thangnghia.org chỉ là ghi chép lại chứ không phải là tài liệu gốc. Điều này sẽ được dẫn chứng ở phần hình thức để thấy rõ nhận định bên trên hoàn toàn đúng.

Theo điện thư của ông Đoàn Viết Hoạt, người chủ xướng trang mạng thangnghia.org thì cái 30% cho là tài liệu gốc, do chính cụ Lý viết thì ông Hoạt không đồng ý bởi không có tài liệu gốc để so sánh và lượng giá. Nhận định của ông Hoạt đưa ra hai suy luận (1) các tài liệu 100% là bản gốc bởi không có tài liệu gốc so sánh thì người ta có thể cho là bản gốc 100% (2) 100% hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn con số đưa ra là bản ghi chép lại.

Một tài liệu gốc, cho dù là được viết tay, đánh máy và đưa vào dạng bài điện tử, phải có bản gốc từ chính tác giả viết ra. Nếu có bản gốc của tác giả thì cho dù ghi chép lại từ nhiều người khác nhau, bản ghi chép đó hoàn toàn giống nhau chứ không thể khác nhau. Thí dụ bản Hiến Pháp của Mỹ dù là bản điện tử hay bản in đều giống nhau và có bản gốc tàng trữ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nếu quan niệm tài liệu gốc là thế -- thì theo lời nhận định của ông Hoạt, bởi vì không có tài liệu gốc để so sánh và lượng giá, cho nên 100% tài liệu Duy Dân trên thangnghia.org là tài liệu ghi lại theo nhận định của người viết bài này. Tài liệu của cụ Lý vì không có bản gốc viết tay của cụ Lý, lại thêm các bản ghi chép cho cùng một vấn đề không hề giống nhau 100%, cho nên lập luận tất cả những tài liệu trên thangnghia.org chỉ là ghi chép lại lời của cụ Lý thì cũng khá hợp lý.

Nếu là tài liệu ghi lại thì tại sao người ghi không chịu trách nhiệm mà ở dưới bài đều đề tên của Lý Đông A? Ai có đủ tư cách để nhận định người ghi lại là đúng hoàn toàn để có thể dán cái nhãn Lý Đông A vào cuối tài liệu? Chúng ta đang nói đến tính chính danh. Nếu là người ghi lại những gì Lý Đông A nói thì không thể nào tự ý đề tên cuối bài là của Lý Đông A, ngoại trừ có sự đồng ý và chữ ký của Lý Đông A bên dưới. Dĩ nhiên phải có bản gốc để người đọc có thể so sánh hai bản cùng giống nhau. Còn khi mà bản gốc không có, chỉ được ghi lại qua sự hiểu biết của mình thì người ghi lại phải chịu trách nhiệm. Tiếc rằng tất cả những tài liệu Duy Dân trên trang mạng thangnghia.org đều đề tên là Lý Đông A, dù rằng có những tài liệu, phần đầu ghi rõ là được ghi lại, được dựa vào nhiều tài liệu khác để viết thành một tài liệu rõ ràng hơn, đầy đủ hơn nhưng rồi bên dưới lại đóng mộc tên Lý Đông A.

Có thể đó là cách làm việc của những người thuộc thế hệ trước. Tuy nhiên ở thời điểm của thế kỷ 21, khi mà bản quyền được xem là quan trọng, bản gốc được đánh giá là do chính tác giả viết ra chứ không phải do người khác ghi lại thì không thể nào tiếp tục cái tinh thần thiếu trách nhiệm trên. Vấn đề đặt ra là những tài liệu đã có, do những người đi trước ghi lại, không rõ là ai vậy thì giải quyết ra sao? Nếu không rõ là ai thì đơn giản là đề tên người ghi lại không được biết rõ. Đó là tinh thần trách nhiệm và tôn trọng bản quyền. Cũng không thể nào đề chung chung là ghi lại do HHTN (Học Hội Thắng Nghĩa) hay ĐNHX (Đồng Nhân Học Xã) bởi hai tổ chức trên được hình thành từ những con người bằng xương bằng thịt thì khi ghi lại, cá nhân bằng xương thịt đó phải chịu trách nhiệm chứ không đánh đồng cá nhân với tên của một tổ chức để chạy trốn trách nhiệm trước bài ghi lại của mình.

Hình Thức

Nếu thực hiện được điều bên trên thì người đọc sẽ hiểu được tại sao những tài liệu của cụ Lý Đông A, nếu xét về hình thức trình bài thì không giống nhau bởi do nhiều người ghi lại và trình bày theo sự hiểu biết của mình.

Lấy vài thí dụ điển hình để nói lên cái hình thức không giống nhau -- đó là trong các tài liệu Duy Dân, có tài liệu như Duy Nhân Cương Thường, cứ mỗi một đoạn thì được đánh số từ 1 cho đến con số cuối cùng của các chủ đề nào đó, cho dù các chủ đề đó được chia ra A,B,C hoặc I, II, III nhưng con số thì cứ tiếp tục mà không bắt đầu từ số 1 cho sự mở đầu của mỗi chủ đề A, B, C ….

Có người lý luận đây là cách viết của Lý Đông A. Lý luận này thiếu luận cứ bởi (1) không có bản gốc để chứng minh đây là cách viết của Lý Đông A (2) và nếu đúng đây là cách viết của Lý Đông A thì tại sao ở những tài liệu khác lại không viết theo cách như thế? Một người có sự hiểu biết như Lý Đông A thì không thể nào viết và sắp xếp cách viết hoàn toàn không thống nhất. Cho nên cách giải thích duy nhất là những tài liệu Duy Dân chỉ là ghi lại từ nhiều người. Thí dụ tài liệu Chìa Khóa Thắng Nghĩa trên trang mạng thangnghia.org, lời giới thiệu là được ghi lại từ 7 tập “chìa khóa thắng nghĩa” của nhiều tài liệu để so sánh, đối chiếu và viết lại thành Chìa Khóa Thắng Nghĩa (bản thứ 8) cho hoàn chỉnh hơn. Vậy thì với tài liệu Duy Dân của Chìa Khóa Thắng Nghĩa có tất cả 8 bản do 8 người (hay nhóm) viết cho một chủ đề như thế. Điều này càng chứng minh là các tài liệu Duy Dân đã không còn bản gốc để xác định đó là của cụ Lý hay do ai đó thêm vào, diễn đạt theo ý của mình rồi đóng mộc chữ Lý Đông A ở cuối bài (đây là mạo danh).

Một thí dụ khác trong tài liệu Duy Nhân Cương Thường bản năm 2016 (trên thangnghia.org) trang 16 ghi Tam Nhân là Giáo Dục: Lễ, Chính Trị: Nhạc, Hòa Bình: Thiện. Nhưng bản trên thangnghia.org của năm 2020, trang 18, ghi Tam Nhân ngoài những chữ ở năm 2016 nay lại thêm Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân Chủ và Nhân Đạo, Nhân Sinh, Nhân Cách. Sáu cái Nhân này để trong mặc đơn. Vậy thì bản gốc (nếu có) đã bị thêm, bị sửa đổi do ai đó muốn làm chuyện này, do người ghi lại chứ không phải là của Lý Đông A viết. Chưa kể một chủ đề Tam Nhân nhưng bản năm 2016 thiếu chữ nay bản năm 2020 có thêm chữ để nói Tam Nhân. Còn nội dung hoàn toàn không giải thích được cái tam nhân là gì trong bản năm 2016 lẫn năm 2020. Có thể trong tương lai tài liệu Duy Nhân Cương Thường hoặc những tài liệu đang có sẽ được sửa đổi tiếp với nội dung thêm hoặc bớt; và vẫn để tên Lý Đông A bên dưới bởi người ghi lại không muốn chịu trách nhiệm sản phẩm ghi lại của chính mình.

Qua dẫn chứng bên trên thì chúng ta cần phải nhìn nhận là các tài liệu Duy Dân đều được ghi lại chứ không phải của cụ Lý viết. Chỉ khi nào có cái nhìn như thế thì chúng ta sẽ không còn thắc mắc là nếu cụ Lý tài giỏi nhưng việc nhỏ nhất là không thống nhất được hình thức trình bày thì ai tin những nội dung. Tức là điều nhỏ (hình thức) không đồng nhất thì làm sao lại nói đến điều lớn (nội dung) quan trọng hơn.

Nội Dung

Khi giải quyết được tinh thần trách nhiệm, và hình thức không hợp nhất thì chúng ta hiểu (đưa đến kết luận) tất cả tài liệu Duy Dân của hôm nay trên thangnghia.org là do sự ghi lại của những người Duy Dân thuộc thế hệ trước. Họ cố gắng lưu truyền lại những tài liệu mà những người đó thấy rằng có giá trị ở tương lai -- mặc dù, có thể vào thời điểm đó, họ vẫn chưa hiểu rõ được cái Duy Dân mà cụ Lý nói đến ra sao, như thế nào trước những tiên đoán của cụ Lý cho tình hình thế giới cũng như hình thức Nhân Chủ Dân Chủ là gì mà cụ Lý nói đến.

Những tài liệu đó đã được lưu tải cách đây gần 80 năm và được ghi lại nhiều lần. Sự ghi lại đó sẽ tạo ra bản gốc (nếu thực sự ghi lại từ bản gốc) sẽ bị thay đổi. Có nghĩa là nếu thiếu một chữ, hoặc thêm một chữ thì ý nghĩa của vấn đề sai lệch nhau rất xa. Cho nên tất cả những nội dung trong Duy Dân cần phải đọc cẩn thận, bằng tri thức của người đọc, bằng kinh nghiệm của cuộc sống, của bản thân để nắm rõ cái nào thích hợp, cái nào không còn thích hợp. Để hiểu rõ tại sao ở tài liệu này gọi là Giám Sát Viện nhưng ở tài liệu khác gọi là Kê Sát Viện dù rằng trách nhiệm của hai cơ quan này giống nhau. Để sẵn sàng thách thức trong diễn giải nội dung hoặc đặt những câu hỏi và đưa ra câu trả lời, nếu có, cho câu hỏi mình đặt ra. Đơn giản là có một số vấn đề, cụ Lý viết rất là cô đọng và người ghi lại đôi khi lại cô đọng hơn -- cho nên đọc để hiểu rõ nội dung của câu đó là gì thì phải hiểu lý, ngoài lý như đề nghị của cụ Lý khi nhắc đến câu nói của Lản Ông “Đọc sách tìm nghĩa không khó, hiểu được lý mới khó, mà hiểu ngoài lý càng khó hơn nữa”.

Những ai quan tâm về Con Người, Xã Hội khi đọc tài liệu Duy Dân, dù không phải tài liệu gốc mà chỉ là tài liệu ghi lại, sẽ thấy được cái hay của Duy Dân là để phục vụ cuộc sống của Con Người trong xã hội, giải quyết được những khó khăn mà nền dân chủ trên thế giới đang đối diện. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu Duy Dân dựa vào lịch sử của Con Người để dựng lên thuyết -- nhằm mục đích phục vụ Con Người thì tại sao, đến giờ phút này, chẳng có mấy người hiểu và nắm những nguyên lý đó áp dụng vào thực tế cuộc sống?  Phải chăng Duy Dân thực tế hay chỉ là mơ tưởng của những triết gia?

Duy Dân rất thực tế bởi dựa vào cuộc sống của Con Người ở quá khứ để dẫn chứng cho hiện tại và tiên đoán tương lai. Duy Dân dựa vào những nguyên lý sinh hoạt của loài người để lập thuyết nhằm mục đích phục vụ con người với quan niệm “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Lý do Duy Dân vẫn chưa được nhiều người biết đến chỉ bởi vì những người theo đuổi Duy Dân chưa làm chuyện diễn giải Duy Dân vào thực tế đời sống của Con Người hiện tại, xã hội hiện tại mà chỉ nhai đi, nhai lại chữ nghĩa của Duy Dân. Có người Duy Dân thuộc làu chữ nghĩa Duy Dân nhưng hoàn toàn không biết áp dụng vào chính bản thân của mình cho vấn đề Tu Dưỡng Bản Thân để thắng ở chính Con Người của mình. Có người Duy Dân đem bằng cấp ra để nhận định “trình độ” của cá nhân đối diện khi cá nhân đó thách thức cách làm việc và sự giải quyết vấn đề không ở gốc mà ở ngọn. Có người quan niệm là mình đã tiếp cận, học hỏi tài liệu Duy Dân 10 năm thì phải hiểu và giỏi hơn người mới vào học hỏi Duy Dân. Đó chính là thất bại của Duy Dân đã không triển khai vào thực tế ở chính người theo đuổi tư tưởng Duy Dân -- thì làm sao triển khai vào thực tế của cuộc sống trong xã hội cho nhiều người hiểu rõ Duy Dân ra sao.

Những tài liệu được ghi lại của cụ Lý trên trang mạng thangnghia.org càng đọc càng thấy khó hiểu và đôi khi trái ngược nhau bởi người ghi lại theo sự hiểu biết của mình. Nếu vẫn tiếp tục để những tài liệu này ở dạng hôm nay thì 80 năm trước hoặc 80 năm sau nữa, những tài liệu này được nằm trong viện bảo tàng hoặc bị quên lãng chỉ bởi vì không ai chịu triển khai -- cho thế hệ hiện tại hoặc tương lai thấy được giá trị thực tế của nó. Từ một tài liệu có giá trị trở thành vô dụng khi nó vẫn tiếp tục nằm ở dạng từ ngữ của 80 năm trước; hoặc được nhai lại từng câu, từng chữ chứ hoàn toàn không diễn giải vượt lên trên từng câu, từng chữ để đáp ứng tình hình thế giới, nhân loại của thời đại.

Duy Dân là thuyết mở, thực tế -- chứ không phải đóng khung, không thực tế. Vì là thuyết mở cho nên phải tiếp tục diễn giải cho đúng thực tế của thời đại nhưng mục đích chính vẫn là để phục vụ Con Người (chấp hành nhân sinh). Cách áp dụng Duy Dân và diễn giải Duy Dân phải dựa vào thực tế cuộc sống của cá nhân, của thời đại. Cho nên cái quan trọng của những ai nhìn ra được thực tế của Duy Dân cần phải làm công việc diễn giải -- để thế hệ hiện tại, hoặc thế hệ tương lai có thể nhìn vấn đề gần gũi với mình -- từ đó mới thấu hiểu được Duy Dân là gì nhằm học hỏi và toi luyện bản thân hầu có một con người Duy Dân trước khi có một xã hội Duy Dân, và sau cùng hình thành một chính quyền Duy Dân. Đây chính là thách thức cho những ai thấu hiểu và quan tâm về triết học Duy Dân của Lý Đông A, để bắt đầu công việc diễn giải những tài liệu quan trọng chứ không phải tất cả những tài liệu nằm trên thangnghia.org.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2020/01/15/ban-ve-cac-tai-lieu-duy-dan-cua-cu-ly-dong-a/

 

Làm Sao Hiểu Được Lý Đông A? (P1)

 

Chúng ta nghe nói nhiều về Lý Đông A (LĐA) và tư tưởng của ông nhưng khi đọc các tài liệu của LĐA nhiều người vẫn không nắm được ông ta nói gì và nói như vậy nhưng làm (hành động) thì như thế nào, khởi sự từ đâu?

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa có bản nhạc “làm sao giết được người trong mộng” và sau 1975 bản nhạc “đêm qua mơ gặp bác Hồ”, hai bài này ghép với nhau để nói lên ước mơ không trọn vẹn của người dân.

Bây giờ, chúng ta là những người muốn đóng góp cho xã hội, xây dựng một xã hội “lý tưởng” như là tìm người yêu trong giấc mộng. Nhưng nếu “người yêu” là bác Hồ thì làm sao giết người trong mộng? Nhưng nếu “người yêu” trong giấc mộng là LĐA thì làm sao hiểu được người trong mộng?

Vậy những người tìm hiểu LĐA là những người quan tâm về đất nước, dân tộc cũng là con đường LĐA đã đi. Vậy tại sao 2 tư tưởng không gặp nhau?  Cho dù tư tưởng LĐA được Phạm Khắc Hàm viết lại dưới “Triết Lý Tổng Thể” cũng chỉ soi sáng phần tổng thể, cái ý ngoài “lý”. Nhưng có thể nào Phạm Khắc Hàm đã đạt đến “vô ngã” mà quên chỉ đường nào đến “vô ngã”. Phải chăng chỉ có vô ngã mới hiểu LĐA?

Để hiểu LĐA không phải đi tìm lãnh tụ, tổ chức, chủ nghĩa…bên ngoài mà là bên trong: bản thân của bạn.

LĐA đã viết những tác phẩm của ông trong một thời gian rất ngắn. Đọc và viết trong thời tao loạn và dưới áp lực của cộng sản quốc tế và cộng sản Việt Nam (Việt Minh), thực dân Pháp và sự phân hóa trong hàng ngũ các đảng phái quốc gia, LĐA chỉ có thể làm được như vậy và không có thì giờ để giải thích hay huấn luyện những truyền nhân.

Chữ nghĩa của LĐA dùng có thể độc đáo hay lỗi thời nhưng ông đã nhắc “đắc ý vong ngôn” (được ý quên lời). Nhưng ai cấm bạn bóp méo ý của LĐA?

Chúng ta không phải là thiên tài như LĐA nói nuôi “Tâm sinh thiên tài”: nuôi Tâm như thế nào?

Chúng ta lại phải đi tìm Tâm. Mà Tâm thì như: “Tâm viên, mã ý” theo nhà Phật diễn tả tâm như khỉ, vượn luôn di động và ý cũng như ngựa luôn luôn chạy. Vậy Tâm phải Định, phải tĩnh lặng… mà nhà Phật gọi là Thiền. Nhưng nhà Phật chỉ vào con đường xuất thế, ly gia…

Ngay cả trong tài liệu Tu Dưỡng Thắng Nhân, LĐA cũng nói rất sơ sài nhưng chúng ta có thể hiểu mỗi cá nhân cần chuẩn bị khi bước vào con đường Duy Dân… cũng như trong tập Sinh Mệnh Tâm lý nói về sinh mệnh cơ cấu và sinh mệnh hệ thống của con người…

Đặc điểm chung (mẫu số) là bỏ cái “ngã” (cái tôi), bỏ hết: giống như một nhà tu, LĐA người không bận gia đình, không tham vọng, không tài sản. Nhưng KHÔNG vướng bận những điều trần tục có thể nào giúp giải quyết những vấn đề thế gian tục lụy? Tỷ lệ “cách mạng toàn diện, triệt để, xuyên suốt” tăng đồng thuận theo tỷ lệ “Tu Dưỡng Thắng Nhân”. Nếu các bạn thấy bất cứ lãnh tụ nào thiếu sót trong phần Tu Dưỡng Thắng Nhân thì các bạn có thể tin rằng nhân vật đó chưa thực hiện “cách mạng toàn diện, triệt để, xuyên suốt” cho bản thân vì từ tâm lý phát sinh hành động và nếu còn những riêng, tư vị ngã thì như vậy không thể nào đóng góp “cách mạng toàn diện, triệt để, xuyên suốt” cho xã hội. Có nhiều người dị ứng với từ ngữ cách mạng chỉ vì các nhà chính trị gọi là cách mạng khởi đi từ Công Xã Ba-Lê của Pháp đến cách mạng Nga, cách mạng Trung Hoa… Cu-Ba, VN…chỉ là “thùng rỗng kêu to”. Nó chẳng có sách vở, lý luận, nguyên tắc, cương thường… vì các nhà cách mạng, chính trị gia đó không hề có tu dưỡng bản thân. Chính bản thân họ còn không biết tương lai về đâu ngoài chuyện nắm chính quyền và tiêu diệt, đàn áp kẻ chống đối. Những cuộc chính biến đó là đảo chánh chứ không thể gọi là cách mạng vì nó chỉ thay đổi hời hợt bên ngoài. Khi “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị” (LĐA, Sinh Mệnh Tâm Lý) thì có nhà chính trị hay chế độ chính trị khởi đi từ giáo dục đâu?

Con người sinh ra và lớn lên, ý thức có một Tâm hồn mắc kẹt trong một Thân thể. Đó là Sinh Mệnh Tâm Lý.

Hiểu Sinh Mệnh Tâm lý mới hiểu thế nào là “chính kỳ sở mệnh”.

Hiểu Sinh Mệnh Tâm lý mới hiểu tại sao trong cuộc sống con người (lãnh tụ hay thường dân)  đã có những lúc chao đảo, yếu đuối, thăng trầm… và mỗi cá nhân cần chuẩn bị như thế nào để vượt qua trong cuộc sống không phải vì dục vọng mà bằng sự hiểu biết, giáo dục mới thay đổi tận gốc rễ của vấn đề.

Vì LĐA đã không đi vào chi tiết chúng ta nên phải mượn “tư tưởng” của Krishnamurti để hiểu rõ hơn làm sao “tu dưỡng Thắng Nhân”, thế nào là cách mạng bản thân, cách mạng xã hội, giáo dục, tự do, hòa bình, chuyển hóa tâm thức …

Nếu chúng ta không thành thật, tử tế, lương thiện với chính bản thân ta thì ta sẽ thành thật với ai? Chúng ta đã thấy trò hề của nước Mỹ khi tuyên thệ (ra tòa, nhậm chức) đặt tay lên Kinh Thánh (Bible) để chứng tỏ nói thật. Và cho dù tam quyền phân lập, thượng tôn pháp luật (rules of law), tự do báo chí… nhưng gian dối, tội ác và chiến tranh vẫn tiếp diễn. Làm sao xác định chân lý (sự thật, God) trong tâm mỗi người? 

Hiểu LĐA không phải thuộc từng chữ mà là hiểu ý và hiểu lý ngoài ý. Tư tưởng của LĐA thành hình theo thời gian “động” theo biến chuyển của con người, xã hội chứ không đứng tại một thời điểm “tĩnh” của 1940 hay 1990. Hiểu LĐA không phải là phát sinh từ một nhân vật (lãnh tụ, người truyền đạo) mà là cùng nhau học – hành (tri hành đồng tiến). Những dự án LĐA đưa ra là mô hình để dựa vào mà khai triển theo thời đại chứ không do quyết đoán của một vài cá nhân. Nếu dân không thuận thì không còn là “Duy Dân” nữa mà chỉ còn là “Duy” đảng mà thôi, cho dù là đảng cách mạng, đảng “Duy Dân”…

Vì Duy Dân nên mọi tầng lớp dân chúng đều có thể tham dự được không phân biệt trình độ. Giúp người dân ý thức và tham dự xây dựng xã hội là trách nhiệm của những người Duy Dân. LĐA thường nhắc tới nguyên tắc “tung-hợp” (ngang – dọc). Nếu bạn hiểu Duy Dân mà quên tung-hợp (tung: bản thân; hợp: quần chúng, tập thể, xã hội) thì có lẽ phải xét lại cái gọi là “Duy Dân” của bạn.

Vì là Duy Dân nên mọi người dân (mỗi người dân) là một viên gạch xây dựng căn nhà Duy Dân. Nhưng mỗi viên gạch phải vuông vắn (tu dưỡng thắng nhân) thì mới sát cánh với nhau thành tường, nhà, thành phố, xã hội …chứ nếu mỗi viên gạch méo mó thì bức tường sẽ đổ. Đừng lo Duy Dân không có chỗ cho bạn chỉ sợ bạn không biết hay không chấp nhận “chính kỳ” để “sở mệnh” mà thôi.

Chúc bạn thành công trên đường học tập Duy Dân.

Làm Sao Hiểu Được Lý Đông A? (P2)

TCL

8-11-17

VA

Nguồn: https://nganlau.com/2018/03/15/lam-sao-hieu-duoc-ly-dong-a-p1/

 

Làm Sao Hiểu Được Lý Đông A? (P2)

Duy Dân được biết đến qua Lý Đông A (LĐA) trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập. Nhiều người đọc những tài liệu ông viết đều cho ông là thiên tài nhưng không mấy ai hiểu rõ những gì ông đã viết.

Trong những tài liệu ông viết nhắc đến cuộc cách mạng toàn diện, triệt để… nhưng không ai biết sẽ thực hiện ra sao. Không may ông mất sớm (hay bỏ đi) và chẳng có người tiếp nối. Trong khi đó cộng sản Việt Nam (CSVN) với sự giúp sức của Đệ Tam quốc tế xâm nhập cuộc kháng chiến giành độc lập của người dân VN và biến thành “cách mạng mùa Thu”. Gọi là “cách mạng” nhưng thực chất chỉ là giành độc quyền cai trị của đảng cướp mượn lý luận của Karl-Marx lẫn mô hình “xã hội chủ nghĩa” để nô lệ hóa dân tộc. CSVN đã đưa dân tộc vào cuộc chiến liên tục để thực cái gọi là lý tưởng “cách mạng xã hội chủ nghĩa” nhưng thực sự chẳng có gì thay đổi ngoài việc đưa miền Bắc VN trở về thời đồ Đá (Stone Age).

Trong khi đó miền Nam VN với những cuộc đảo chánh liên tục, gọi là “cách mạng” cũng chẳng có gì thay đổi ngoài thay các ông tướng tham nhũng bằng những ông tham nhũng khác. Từ đó người VN không có mấy thiện cảm với “cách mạng”.

Có lẽ những cuộc “cách mạng” từ Pháp, Mỹ có thể giúp người VN hiểu thêm về đời sống xã hội và sự đấu tranh của con người. Nhưng rồi sau hơn 40 năm sống với nền dân chủ Mỹ, nước Mỹ và thế giới tiếp tục phát triển kinh tế, thịnh vượng thì chiến tranh, hỗn loạn, nghèo đói, bệnh tật… vẫn tiếp diễn. Có điều gì sai lầm, làm sao thay đổi? Phải chăng loài người vẫn còn cần một cuộc cách mạng thực sự, toàn diện, triệt để và xuyên suốt như LĐA đã nói?

Loại bỏ những từ ngữ đặc dị trong những tài liệu ông viết, hiểu LĐA không phải dễ. Viết trong một thời gian rất ngắn LĐA đã phác họa một triết học, một cấu trúc nền tảng, một sơ đồ thiết kế với cơ năng, bản vị, nguyên tắc, lý luận… từ giáo dục, kinh tế, chính trị, hiến pháp, xã hội, văn hóa…từ khoa học kỹ thuật Tây Phương tới khoa học huyền bí  Đông Phương.  

Không mấy ai có thể hiểu LĐA viết gì chứ đừng mơ tưởng sẽ làm gì. Nhưng mọi người ai cũng muốn hiểu và biết là những gì LĐA phác họa là thực sự cho con người, loài người; và ai cũng muốn có sự bảo đảm là tinh thần của LĐA sẽ được thực hiện mà không bị bóp méo, pha trộn cho mưu đồ riêng tư của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Cái gì khác biệt giữa cách mạng của LĐA đề cập và cái gọi là “cách mạng” mà chúng ta biết trong quá khứ?

Để hiểu cách mạng của LĐA, chúng ta cần hiểu triết học, xã hội học, lịch sử, kinh tế, giáo dục, quân sự (chiến tranh), văn hóa (chủng tộc, khảo cổ), sinh vật, luật pháp, khoa học – kỹ thuật… và ngay cả Dịch Lý, Phong Thủy (Dương Trạch). LĐA có nhắc tới  Kỳ Môn Độn Giáp, Địa Lý (Âm Trạch) nhưng có lẽ không con mấy ai am tường những sở học này.

“Cách mạng” không phải là những cái mũ (nón) chụp lên đầu nhân dân và như thế cuộc “cách mạng” gọi là thành công. CS đã thành công trong việc lường gạt người dân từ Nga, Tàu, VN… về  một thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa với những lý luận gian lận, mờ ám kèm theo thủ đoạn, bạo lực và kết quả là một “Thiên đường mù” của “Đêm giữa ban ngày”.

Vậy cuộc “cách mạng” thực sự mà LĐA mô tả sẽ như thế nào?

Duy Dân không đòi hỏi lập đảng cướp chính quyền như CS. Duy Dân không cổ võ nắm chính quyền như điều kiện tiên quyết để thực hiện Duy Dân. Duy Dân là giáo dục dân trí theo một triết học, phương thức, lý luận với nguyên tắc trong mọi mặt đời sống của con người để xây dựng hòa bình, hạnh phúc không phải cho một dân tộc hay một quốc gia mà toàn thể nhân loại. Khi những người hoạt động ngoài chính quyền và trong chính quyền đều có cái nhìn chung về một nền tảng cương thường về nhiệm vụ của người dân, của chính phủ, những phương thức hành động, công bằng xã hội, luật pháp, kinh tế…thì sẽ tránh được rất nhiều xung đột, hiểu lầm hay những khuynh đảo đưa đến cảnh xóa đi làm lại, sửa sai, sai sửa rồi lại sửa sai như đã xảy ra cho cả chế độ cộng sản (độc đảng) sản lẫn tư bản (lưỡng đảng hay đa đảng). 

Không phải ai cũng có thể hiểu như LĐA nhưng mọi người đều có thể tham dự vì đó là Duy Dân. Dân có tham dự mới là Duy Dân. Muốn dân tham dự thì phải giúp người dân hiểu rõ vấn đề. Không phải dùng bạo lực, đe dọa, lường gạt hay kiểm soát miếng ăn như cộng sản đã áp dụng. Cũng không phải kích động những quyền lợi kinh tế, tiêu thụ, hưởng thụ…như chế độ kinh tế thị trường (tư bản) và che dấu những nhiệm vụ đích thực của người dân.  Vậy những ai gọi là người Duy Dân (học tập tư tưởng LĐA) có nhiệm vụ giải thích cho quần chúng và những ai hoạt động phục vụ công chúng (trong chính quyền và ngoài chính quyền) tham dự và xây dựng tư tưởng Duy Dân. Làm như thế nào còn tùy thuộc khả năng diễn giải của những người “cán bộ” Duy Dân.

Dựa vào đâu?

Vào Sinh Mệnh Tâm Lý.

Tu Dưỡng Thắng Nhân (TDTN) như LĐA nói thì ai cũng có thể làm. Nhưng làm thực hay giả thì ai biết?

Đó là nhiệm vụ của Sinh Mệnh Tâm Lý (SMTL).

SMTL như  là một thẻ căn cước thiên nhiên mà tạo hóa gán đặt cho mỗi con người từ khi sinh ra. SMTL chi phối suy nghĩ (tư tưởng) và hành động của mỗi người. Con người sinh ra giống nhau và trên mặt luật pháp coi như bình đẳng nhưng thực tế hoàn cảnh thiên nhiên, xã hội, gia đình, huyết thống…. số mệnh (Đông phương: tử vi, nghiệp) đã khiến mỗi người có những hành động, sự nghiệp khác nhau trong cuộc sống.

Vậy nếu mỗi người qua TDTN để sống thực, nói thực thì SMTL sẽ xác định khả năng và vai trò của cá nhân trong xã hội. Giáo dục là quan sát, tự hiểu mình. Hiểu Sinh lý, Tâm lý, Mệnh lý là hiểu mình và hiểu người. Người khác (kể cả lãnh đạo tôn giáo, chính trị) nói và làm không đồng nhất thì bạn có thể biết đó là hạng người như thế nào. Khi con người vượt qua nỗi sợ hãi, dục vọng, tín ngưỡng, tình yêu, sự chết, thời gian, chiến tranh, hòa bình…thì sự chuyển hóa cá nhân sẽ xảy ra và khi con người thay đổi thì xã hội thay đổi và do đó cuộc cách mạng xã hội thực sự xảy ra.

Giúp con người vượt qua những trở ngại đó là trách nhiệm của những ai học tập tư tưởng Duy Dân.   

TCL

11-10-17

VA

Nguồn: https://nganlau.com/2018/03/15/lam-sao-hieu-duoc-ly-dong-a-p2/

 

Lý Đông A, ông là ai?

Đa số người Việt chỉ nghe đến Lý Đông A (LĐA) trong thời kỳ lịch sử 1920-1945 và những biến cố thời cuộc làm cho mọi người quên lãng cho đến khi nhân loại bước vào ngưỡng cửa của thế kỷ 21.

Khi cộng sản phải chuyển hướng "lai" tư bản (Trung Cộng chấp nhận kinh tế thị trường) và tư bản (Mỹ) chuyển hướng "lai”: cộng sản (khuynh hướng theo xã hội chủ nghĩa của phe tả), chiến tranh tôn giáo, khu vực, chủng tộc, đạo đức suy đồi, bệnh tật có nguy cơ lan khắp toàn cầu (pan-epidemic).

Con người tự hỏi sự tiến bộ của nhân loại có nguy cơ băng hoại: Dân chủ suy thoái?

Hàng năm các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, tài chánh, xã hội họp nhau ở Davos, Thụy Sĩ, để tìm giải pháp.

Giải pháp ở đâu?

Con người.

LĐA đã nói về con người.

Vậy hãy tìm hiểu LĐA. 

LĐA không phải là một nhà cách mạng, một nhà chính trị, một lãnh tụ như nhiều người lầm tưởng.

LĐA là một nhà tư tưởng.

Đọc toàn bộ các tác phẩm LĐA để lại, chúng ta thấy LĐA viết về triết học chính thống, giáo dưỡng (Thiết Giáo) từ con người, quốc dân, chế độ..., ông cũng viết về Sinh Mệnh Tâm Lý, Cương Thường.

Cơ Năng Hiến Pháp…với các cơ cấu hành chánh, đảng phái, cách mạng cùng với cái nhìn của ông về thế giới và tương lai VN trong thời đại 2000s.

Rõ ràng, LĐA thấy tương lai của hàng trăm năm sau và như vậy không phải là những gì ông có thể làm trong thời kỳ chủ nghĩa cộng sản bùng lên sau cách mạng Nga 1921, ông giải tán đảng Duy Dân và mất tích.

Ông đã chọn hướng đi như Lão Tử, thay vì để lại Đạo Đức Kinh, LĐA để lại những tài liệu về Duy Dân.

Cũng như Lão Tử viết trong một thời gian rất ngắn, 1920-1945, LĐA viết rất súc tích, phức tạp, đôi khi khó hiểu vì không giải thích, không có thí dụ, không chứng minh. Cho đến cuối thế kỷ 20, khi hệ thống mạng lưới tin học (internet) xuất hiện, chủ nghĩa CS suy thoái. Tư bản phát triển toàn cầu và khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ bộc phát, các quốc gia dân chủ rơi vào khủng hoảng vì kinh tế, giáo dục, dân số, di dân, y tế... thì các nhà lãnh đạo vội vã đi tìm một hướng đi mới.

Cho đến nay người giàu vẫn chưa chịu buông bỏ cái giàu phải giàu thêm (economic grow) và kẻ nghèo thì phải liều mạng: nổi loạn, gây chiến, di dân ....

Có người hỏi vậy Duy Dân có giải pháp nào chăng? Hay giải pháp của Duy Dân là gì?

Duy Dân không có giải pháp (homework). Duy Dân là triết học, là chỉ hướng để đi.

Duy Dân không làm sẵn các giải pháp A, B, C...để bạn lấy ra sử dụng như "mì ăn liền".

Duy Dân là triết học (tư tưởng, sự suy nghĩ) thực dụng (có thể làm, có thể sửa đổi theo hoàn cảnh..) và mở (cho toàn nhân loại, không phải cho riêng cho VN). Vì Duy Dân đi từ con người: “Tu Dưỡng Thắng Nhân" và "Sinh Mệnh Tâm Lý". 

Trong tài liệu "Chìa Khóa Thắng Nghĩa" LĐA nói đến "4 tiền đề, 5 nền tảng", "bản vị học thuyết"... như những yếu tố (tools) cần thiết cho con người (thắng nhân) sử dụng để giải quyết những vấn nạn của con người.

LĐA không làm dùm cho chúng ta.

Chúng ta phải tự làm lấy.

Và để thực hiện những gì LĐA để lại, chúng ta phải là "Thắng Nhân"

Tùy theo khả năng "Thắng Nhân" của mỗi người chúng ta sẽ làm được những gì LĐA đã nói: xây dựng con người, xã hội, thế giới. 

TCL

2-2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2019/03/01/ly-dong-a-ong-la-ai/

 

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...