Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sống.
Nhìn về lịch sử của loài người kể từ khi Con Người xuất hiện trên trái đất
này, Con Người luôn luôn tự làm chủ lấy chính mình ngay từ thời ăn lông ở lổ của
loài người. Hành động làm chủ lấy chính mình tức là bản thân mình phải quyết định
làm gì để tạo ra thức ăn; làm gì để đối chọi với thiên nhiên, với thú dữ; làm
gì để tránh chuyện tài sản, con thú mình vừa săn về không bị người khác cướp giựt,
không bị hư thối vì ăn không hết trong vài ngày.
Tất cả những vấn nạn mà chính Con Người thời nguyên thủy phải đối diện đã
đưa họ đến quyết định hợp thành từng nhóm, từng đoàn, từng bộ lạc để giải quyết
những khó khăn mà một cá nhân không thể nào giải quyết được. Để tránh thịt một
con thú không bị hư hại, họ đồng ý cùng nhau chia sẻ con thú để mọi người đều
có thức ăn, mọi người đạt được nhu cầu nhu yếu tối thiểu đó là cái ăn. Trong
cái chia sẻ này họ đã thực hiện hành động quan hệ hữu tương giữa cá nhân với tập
thể để tất cả mọi người cùng tiến hóa, đạt được nhu cầu ăn cho tất cả mọi người
mà không phí phạm thức ăn.
Để đối chọi lại với thiên nhiên, chẳng hạn như làm sao săn bắt một con thú
lớn, mạnh hơn cá nhân, họ kết hợp với nhiều người khác -- cùng nhau săn thú nhằm
tạo thức ăn cho tất cả những người trong cùng một nhóm, một bộ lạc. Tinh thần
đùm bọc lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau để cuộc sống của mọi người thăng hoa đã có từ
khi Con Người xuất hiện trên trái đất này.
Để tránh những cá nhân mạnh, những nhóm khác, những bộ lạc khác cướp lấy
tài sản con thú mình vừa săn, họ cùng nhau kết hợp lại thành một nhóm riêng, một
bộ lạc riêng nhằm bảo vệ lẫn nhau, tạo cuộc sống cho chính thành viên trong
nhóm đó, bộ lạc đó được an toàn hơn. Đây là tinh thần tự vệ của cá nhân, của bộ
lạc, đối với sự xâm chiếm của người ngoại tộc. Tinh thần tự vệ này khởi đầu từ
chính bản thân của mỗi người, nhận diện ra nhu cầu phải đoàn kết, hợp tác để
cùng nhau bảo vệ an ninh cho chính mình và những người khác trong bộ lạc của
chính mình.
Từ khía cạnh lịch sử đó, nhiều Con Người kết hợp lại với nhau để trở thành
một xã hội, một quốc gia -- không ngoài mục đích giúp đỡ, bảo vệ, và cùng nhau
quyết định chính sinh mệnh của mình, bộ lạc mình, quốc gia mình. Bộ lạc nào, quốc
gia nào không tôn trọng sinh mệnh của mỗi thành viên sống trong đó, không cho mọi
người quyền quyết định lấy sinh mệnh của chính mình, chính dân tộc mình thì quốc
gia đó sẽ bị một quốc gia khác thôn tính, đồng hóa hoặc nền văn minh của một
dân tộc trên một khía cạnh nào đó của lịch sử sẽ tàn lụi để trở thành một dân tộc
yếu kém so với các dân tộc khác cùng thời đại. Một thời huy hoàng của Ai Cập với
Kim Tự Tháp, của dân tộc Miên với những tượng ở vùng Angkor, nền văn minh
Cahokia của người Mỹ da đỏ trước khi bị người Âu Châu xâm chiếm là những thí dụ
điển hình để thấy rõ nhu cầu sinh mệnh của Con Người ảnh hưởng đến xã hội mình
đang sống ra sao.
Hãy cùng nhau so sánh sự phồn thịnh của một quốc gia dân chủ với những quốc
gia độc tài để thấy được tầm quan trọng của Nhu Cầu Sinh Mệnh ảnh hưởng đến sự
phát triển xã hội và Con Người ra sao.
Tại các quốc gia độc tài, sinh mệnh của cá nhân, của xã hội, của toàn thể
dân tộc do các nhà độc tài, hay thiểu số độc tài lãnh đạo (hình thức đảng) quyết
định sự sống của mỗi cá nhân, sự sống của dân tộc, hướng tiến lên của dân tộc.
Nhà cầm quyền độc tài cộng sản VN là một thí dụ điển hình. Quốc Hội Việt Nam phải
chờ đợi chỉ thị của đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất), chính sách của
đãng, hay nghị quyết của đãng để có thể làm ra luật phù hợp lợi ích của đãng,
cho dù lợi ích này đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Những người trong Quốc Hội
Việt Nam cũng chẳng dám nắm lấy sinh mệnh của chính mình để phục vụ đất nước và
dân tộc. Trái lại Quốc Hội VN để đãng cộng sản VN nắm lấy sinh mệnh của chính họ
và cá nhân của mỗi thành viên trong bộ máy Quốc Hội VN là những người nô lệ
trung thành của đãng, nô lệ cho đồng tiền, nô lệ cho quyền lực.
Các cá nhân sống trong xã hội hoàn toàn không có quyền quyết định cho sinh
mệnh của chính mình, của dân tộc mình mà đãng cộng sản VN giành cái quyền quyết
định đó -- để rồi cuối cùng, lịch sử Việt tộc được cạo sửa cho phù hợp với sự
tuyên truyền của đãng cầm quyền; để rồi giáo dục sản sinh ra những tiến sĩ giấy,
hoàn toàn không có khả năng; để rồi toàn bộ xã hội im lặng trước cái ác, đạo đức
xã hội không quan trọng mà tiền, giả dối, lừa gạt là cái quan trọng trong cuộc
sống hiện tại.
Sự giả dối, lừa gạt đã đạt đến tột đỉnh để rồi mọi người cảm thấy chuyện
phi đạo đức này là chuyện thường tình, chẳng có gì phải nói, phải đóng góp -- bởi
cái sinh mệnh của mỗi cá nhân, của xã hội đã bị kiềm chế bằng nhiều cách mà
trong đó bạo lực đóng một vai trò không nhỏ. Sự kiềm chế sinh mệnh của mỗi người
đã làm số đông người Việt sống tại VN không còn nghĩ đến nhu cầu mình phải
giành lại cái quyền quyết định sinh mệnh cho chính mình, chính dân tộc mình. Sự
kiềm chế đã làm cho số đông chấp nhận cuộc đời nô lệ (cho tiền, danh vọng, vật
chất, của cải, quyền hành) trên chính lãnh thổ, dân tộc của chính mình.
Trong khi đó ở các quốc gia dân chủ tôn trọng Nhu Cầu Sinh Mệnh của con người
đã tạo ra một cơ chế mà mọi người có thể tự mình quyết định cho hướng đi của bản
thân mình, của gia đình mình miễn sao sự quyết định đó không ảnh hưởng đến sự sống
còn của người khác trong xã hội mình đang sống. Chính vì tôn trọng Nhu Cầu Sinh
Mệnh mà những khoa học kỹ thuật được phát triển để đem vào cuộc sống của Con
Người, làm thăng hoa cuộc sống của toàn xã hội. Tạm thời gác bỏ những khuyết điểm
của hệ thống dân chủ ở các nước dân chủ trên thế giới, mà hãy nhìn về khía cạnh
để mọi người quyết định Nhu Cầu Sinh Mệnh của chính bản thân, của xã hội, và từ
đó đến hướng tiến của một quốc gia. Tất cả đều khởi hành bằng hành động mỗi cá
nhân phải làm chủ với chính sinh mệnh của mình.
Làm chủ chính sinh mệnh của mình khởi đầu bằng sự tự đánh giá đúng khả năng
của chính mình và cái khả năng đó sẽ đóng góp vị trí nào phù hợp trong bộ máy
xã hội. Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng nếu tự mình đánh giá khả năng của chính
mình thì chưa chắc đúng bởi có tính chủ quan trong đó. Đồng ý rằng để nhận định
cho rõ bản chất của sự việc cần phải dựa vào tính khách quan chứ không thể dựa
vào tính chủ quan bởi tính chủ quan luôn luôn nhìn vấn đề qua cảm tính của cá
nhân, cho nên sai với sự thật của sự thật. Cách nhìn khách quan này chỉ đúng
khi nhìn sự vật không phải là chính bản thân của mình. Còn với chính bản thân của
mình thì chỉ có mình, duy nhất, mới hiểu rõ chính mình có khả năng gì, làm được
gì và không làm được gì.
Thí dụ: Khi một cá nhân bị bệnh, không khỏe trong người thì chỉ có cá nhân
đó biết mình bệnh, biết mình đau ở chỗ nào, cảm giác đau ra sao. Trong trường hợp
tự mình đánh giá chính mình thì tính chủ quan đóng một vai trò rất quan trọng
và chỉ có mình mới thực sự hiểu được chính mình với điều kiện cá nhân đó phải
thực lòng chấp nhận cái thực tế khả năng của chính mình.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)
Nguồn:
https://nganlau.com/2024/03/01/nhan-ban-cuong-thuong-nhu-cau-sinh-menh-tu-chu-p1/