Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Tư Tưởng Là Gì?

 

Khi nghe ai nói đến tư tưởng thì chúng ta sợ hãi bởi cứ nghĩ tư tưởng là cái gì cao siêu lắm. Thực tế tư tưởng chỉ là những cái đời sống hàng ngày trong lối ứng xử của con người. Phải hiểu lối ứng xử của con người từ xưa cho đến nay thì mới giải quyết được những vấn nạn mà chúng ta đang đối diện.

Sẽ có người lý luận: chuyện Con Người thì các triết gia trên thế giới đã nói rồi. Đúng vậy. Cái khác biệt chính là cái nhìn của triết gia hoàn toàn khác với cái nhìn của người bình thường. Triết gia đôi khi nhìn vấn đề ở dạng học thuật mà quên cái học thuật đó áp dụng được vào trong thực tế hay không. Nói về Con Người là nói về tương tác, giao tế giữa cá nhân này với cá nhân khác hoặc với tập thể. Tương tác này không dựa vào khoa học mà dựa ở nội tâm, kinh nghiệm bản thân, ảnh hưởng của môi trường sống tạo ra sự tương tác đó và không hề có tính khoa học trong lối ứng xử giữa con người với con người. Đó là lý do tại sao, đến giờ phút này, thế giới vẫn còn hình ảnh người bóc lột người, cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua cho dù ở bất cứ chế độ nào.

Lịch sử chứng minh từ thời ăn lông ở lổ đến hôm nay, khi cá nhân chấp nhận đặt quyền lợi cá nhân dưới quyền lợi của tập thể thì xã hội mới thái bình (hiểu theo nghĩa dân chúng an cư, lạc nghiệp) cho dù ở chế độ mẫu hệ, bộ tộc, phong kiến, độc tài v.v… Ai chẳng muốn ăn ngon, mặc đẹp nhưng nếu cái ăn ngon, mặc đẹp đó là cướp giựt từ người khác cho bản thân thì cá nhân đó đã đặt quyền lợi của bản thân trên quyền lợi của tập thể (người khác trong xã hội). Hình ảnh các công ty đem sản xuất đến quốc gia khác để tạo lợi nhuận và làm ảnh hưởng môi trường sống ở quốc gia sở tại tức là công ty đặt quyền lợi của người chủ hay người đầu tư lên trên quyền lợi của tập thể để ảnh hưởng môi trường không phải chỉ ở quốc gia sở tại mà ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Phải hiểu khả năng của mỗi người để biết dùng người, đặt họ vào đúng vị trí của guồng máy xã hội thì bộ máy của xã hội mới vận hành đúng và hữu hiệu. Đặt sai vị trí sẽ tạo ra khủng hoảng và giết hại nhiều người. Hình ảnh Trump trong bốn năm lãnh đạo đất nước cho thấy người dân đã chọn không đúng người vào vị trí lãnh đạo để cuối cùng hơn nửa triệu người chết vì bệnh dịch và cuộc đảo chính không thành công xảy ra ngày 6 tháng 1 năm 2021. Nếu cuộc đảo chính ngày 6 tháng 1 thành công thì nền “dân chủ” của Mỹ trở thành “độc tài dưới nhãn hiệu dân chủ” chỉ bởi vì một số người đặt quyền lợi của cá nhân, của đảng phái lên trên quyền lợi của tập thể.

Sự vận hành của bộ máy xã hội giống như một bức tranh puzzle mà mỗi cá nhân là một mảnh nhỏ puzzle, cần phải nhận diện để ráp đúng vào bức tranh tổng thể puzzle đó. Nếu nhận diện sai thì bức tranh sẽ không bao giờ được hoàn thành. Ngay cả một tổ chức nhỏ như hội từ thiện, đảng chính trị, đảng cách mạng, tổ chức xã hội dân sự cũng phải nhận diện đúng người để đặt đúng vào vị trí thì tổ chức mới lớn mạnh, phát triển. Đặt sai vị trí thì tổ chức sẽ teo dần cho đến khi không còn người để thay thế thì tự động bị đào thải. Hoặc có người thay thế nhưng sẽ không bao giờ phát triển bởi người thay thế có thể không đặt đúng vị trí với khả năng của họ.

Nhận diện người để lên tiếng khi ai đó treo đầu heo bán thịt chó; hành xử độc tài nhưng miệng luôn nói dân chủ; dùng người khác làm bình phong trong các chức vụ của tổ chức nhằm đáp ứng với yêu cầu của sở thuế -- trong khi chính bản thân quyết định mọi chuyện về mặt tài chính mà người thủ quỹ chỉ là bù nhìn, không hề biết chi tiêu cho cái gì, ra sao ngoài những con số do người “lãnh đạo” đưa ra. Phải nhận diện được những hạng người này để loại họ ra khỏi tổ chức bởi nếu không thì sẽ là một mối nguy của chính tổ chức khi mà chính bản thân của những hạng người này hoàn toàn không có sự tu dưỡng trên lãnh vực Con Người với Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân Sinh, Nhân Hành, Nhân Cách. Hoặc chính bản thân dứt khoát không tiếp tục làm bù nhìn cho những hạng người thiếu chữ Nhân ở trong tâm.

Nhận diện, quan sát để phát hiện ra sự yếu kém của chính bản thân, của tổ chức để từ đó tìm người huấn luyện hầu vượt lên được yếu kém; đào tạo chính bản thân hoặc người trong tổ chức thành những Con Người sống không phải chỉ cho mình mà cho mọi người; trách nhiệm không những chỉ cho người trong gia đình mà trách nhiệm gồm cả cho tập thể, xã hội.

Phải biết nhìn trước, ngó sau để rút kinh nghiệm qua bài học quá khứ lẫn hiện tại để vạch ra con đường đi của tương lai hầu tránh vết đổ vỡ của những người đi trước. Tất cả những đổ vỡ đều đến từ Con Người chỉ bởi sự băng hoại của Con Người theo thời gian, nếu không tạo ra tính kỷ luật cho chính bản thân và hệ thống sinh hoạt của xã hội để tránh sự băng hoại bớt đi nếu có xảy ra.

Tất cả những điều nói bên trên chính là thể hiện tư tưởng trong việc làm, lời nói, và hành động. Không quan sát, không tạo kỷ luật ở bản thân, không hiểu nguyên lý ứng xử của Con Người thì tất cả những gì gọi là lý thuyết chỉ là ngọn chứ không phải là gốc. Nắm ngọn mà tưởng là gốc thì rất nguy hiểm bởi không một lý thuyết nào có thể tồn tại nếu không có gốc làm chuẩn. Cái gốc đó phải bắt đầu từ Con Người chứ không phải từ lý thuyết. Từ sự quan sát để đưa ra những nguyên lý trong đời sống thực của người. Đây mới chính là tư tưởng hiểu theo nghĩa thường tình trong đời sống của Con Người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/02/01/tu-tuong-la-gi/

 

 

 

 

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Cách Mạng Bản Thân

 

Nếu ai đó kêu gọi bạn làm cách mạng thì bạn phải hỏi người đó cách mạng là gì và bản thân của người đó đã làm cuộc cách mạng bản thân chưa.

Cách mạng nếu hiểu theo đúng nghĩa là sự thay đổi toàn diện và triệt để. Thực tế các cuộc cách mạng xảy ra ở tại Việt Nam chỉ là thay đổi giới lãnh đạo. Họ lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kêu gọi sự hợp tác của người dân giúp họ chống lại chế độ hiện tại. Khi thành công thì họ tệ hại hơn chế độ hiện tại và sẵn sàng đàn áp người dân bằng mọi hình thức, thủ đoạn mà đảng cộng sản Việt Nam là thí dụ điển hình.

Ở một vài quốc gia khác, cuộc cách mạng tuy không đổ máu nhưng cũng chỉ là thay đổi giới lãnh đạo và giới lãnh đạo mới không làm cho cuộc sống của người dân, của xã hội được tốt hơn so với giới lãnh đạo cũ. Cuộc cách mạng ở Ai Cập lật đổ nhà độc tài Mubarak để giao quyền lại cho lực lượng Người Anh Em Hồi Giáo và cuối cùng thì người dân Ai Cập phải sống dưới một chế độ độc tài khác với sự lãnh đạo của người tướng Sisi.

Tại Tunisia năm 2011 cũng chẳng đạt được kết quả gì tốt đẹp cho người dân. Sau 10 năm cuộc sống của người dân vẫn gặp nhiều trở ngại mà chính quyền mới sau cuộc cách mạng vẫn chưa giải quyết được. Chưa kể sự thay đổi giới lãnh đạo xảy ra thường xuyên sau cuộc cách mạng 2011 để không có một chính sách lâu dài áp dụng hầu tạo cuộc sống của người dân trong xã hội khá hơn. Bất cứ chính sách nào, nếu thực sự có chính sách thực tế, cũng cần thời gian chứng minh chính sách đó đúng hay sai. Cho nên sự thay đổi lãnh đạo trong vòng một năm thì khó mà tạo cơ hội để cho một chính sách canh tân nào đó hình thành và đạt kết quả mong muốn.

Ông Lý Đông A, nhà tư tưởng Việt, có nhắc đến Cách Mạng Gốc. Cách Mạng Gốc là gì?

Cần phải hiểu Cách Mạng Gốc ở một nghĩa rộng lớn. Đó là cuộc cách mạng bùng phát từ đáy tầng, tức là từ những người dân. Đồng thời nó cũng là một cuộc cách mạng từ ngay chính bản thân của mỗi người, đặc biệt người lãnh đạo cuộc cách mạng. Nếu người lãnh đạo chưa đạt được cuộc cách mạng bản thân thì sau khi cầm quyền, họ sẽ bị ma quyền, ma tiền, ma danh điều khiển họ để họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân, tổ chức (đảng) thay vì quyền lợi của xã hội, đất nước, dân tộc.

Cách mạng bản thân là gì? Đó là một cuộc cách mạng khơi mầm từ lúc nhỏ. Đó là cuộc cách mạng mà ngay từ tuổi chưa trưởng thành đã có những suy nghĩ quan tâm về con người, về xã hội và những suy nghĩ đó luôn luôn bám vào tri thức, tâm thức trong suốt cuộc đời trưởng thành cũng như trong sinh hoạt của xã hội.

Đó là cuộc cách mạng mà bản thân tự làm chủ lấy mình. Tự mình thực hiện chuyện tu dưỡng ở chính bản thân để “thắng” tham-sân-si trong chính bản thân. Tự mình chọn thái độ sống thật, sống đúng, sống biết, sống thiện, sống nhân bản, sống để phục vụ con người và xã hội.

Đó là cuộc cách mạng tự giác để vượt lên được bản ngã của bản thân; biết quý trọng mọi người không phải ở cái bằng cấp, địa vị xã hội, quá khứ mà ở ứng xử hiện tại của cá nhân đó đối với người khác trong xã hội.

Cuộc cách mạng tự giác để biết dù mình có tài giỏi cách mấy thì tự bản thân mình cũng chỉ là một phần tử nhỏ trong bộ máy xã hội; nếu bộ máy xã hội không có thì chính bản thân của mình sẽ chẳng làm được gì với cái tài giỏi đó.

Cuộc cách mạng tự giác luôn luôn làm việc trên tinh thần khoa học, đặt hiệu quả làm mục tiêu cho nên những lời nói, việc làm, dự án đều được quan sát, suy nghĩ kỹ trước khi đưa vào thực tế đời sống.

Cuộc cách mạng tự giác là cuộc cách mạng tạo điều kiện cho mọi người cùng tiến. Trong tiến trình đó, người làm cuộc cách mạng tự giác luôn luôn mở để tạo mọi cơ hội học hỏi từ người khác hầu tự mình gia tăng tri thức của chính mình cho phù hợp với thực tế của thời đại. Trong sự mở đó, người làm cách mạng tự giác đã tạo cơ hội để người khác học hỏi từ mình và mình học hỏi từ người khác. Sự học hỏi ở người có tinh thần tự giác là học hỏi hai chiều: mình học hỏi từ khác và người khác học hỏi từ mình.

Cá nhân nào đã thực hiện được cuộc cách mạng bản thân và nếu có khả năng lãnh đạo có thể thành lập một đảng cách mạng từ ngay đáy tầng với những thành viên đã thực hiện được cách mạng bản thân. Đảng cách mạng đó mục tiêu đầu tiên và quan trọng là giáo dưỡng đáy tầng thành những con người đạt được cách mạng bản thân với tinh thần tự giác cao.

Đảng cách mạng đó âm thầm làm việc xây dựng con người từ đáy tầng ở nhiều thành phần khác nhau; đồng thời xây dựng hệ thống kinh tế để giúp đỡ đáy tầng và thành viên trong đảng -- nhằm mục đích sống sát thực với đáy tầng, nâng đỡ lẫn nhau, giúp mỗi người sống trong phương châm tận kỳ sở năng (cố gắng trong khả năng), toại kỳ sở nhu (sống đơn giản, phù hợp với nhu cầu kinh tế và không hoang phí), và chính kỳ sở mệnh (chấp nhận khả năng hiện có để biết đặt mình vào đúng vị trí của bộ máy xã hội).

Đảng cách mạng đó phải có những chương trình, dự án trong việc giải quyết những khó khăn trong đời sống của người dân mà chính người dân không hề biết đó là một đảng cách mạng. Đảng cách mạng đó phải có cái nhìn tổng thể trên mọi lãnh vực và chuẩn bị nhân lực, tài lực để phát triển tinh thần của đảng cách mạng từ dòng sống của đáy tầng mà người dân hoàn toàn không hề biết tác động từ đảng cách mạng.

Muốn làm được điều trên cần phải có những con người có tu dưỡng. Đề tài Tu Dưỡng Thắng Nhân đã được trình bày trong ba năm qua để những ai quan tâm về con người và muốn làm cách mạng thay đổi xã hội thì chính bản thân của người làm cách mạng đó phải đạt được những tu dưỡng đã được trình bày trong ba năm qua.

Một điều khẳng định rằng nếu một đảng cách mạng không có những con người tu dưỡng, không có những con người đạt được cách mạng bản thân với tinh thần tự giác cao thì đó là một đảng phản cách mạng. Một đảng cách mạng mà không sống trong quần chúng, không quan tâm đến đời sống quần chúng, không tìm cách giúp đỡ, nâng cao đời sống quần chúng trên lãnh vực kinh tế, tinh thần thì đó chỉ là một đảng phản cách mạng.

Người Việt có một đảng cách mạng hay không? Nếu có chỉ là trong quá khứ chứ hiện tại người Việt chỉ có đảng chính trị chứ không có đảng cách mạng. Mà đảng chính trị chỉ quan tâm đến việc giành quyền lãnh đạo trong khi đảng cách mạng quan tâm đến chuyện “thiết kế và chấp hành nhân sinh”.

Nên nhớ không phải chỉ vì xã hội (quốc gia, dân tộc) xuống dốc nên mới cần có cách mạng để thay đổi và tái thiết toàn bộ. Cho dù là một xã hội yên bình thì sự tiến hóa của con người vẫn tiếp tục xảy ra. Trước một tương lai vô định của sự phát triển khoa học kỹ thuật (Chat GPT) thì con người vẫn cần phải có tu dưỡng vì "khoa học, đạo học, sử học thống nhất", không thể thiếu một trong 3 yếu tố đó. Thiếu đạo học thì khoa học có thể biến loài người thành xã hội của người máy vì thiếu tình cảm. Nếu tình cảm quá đáng thì dễ đi đến hủy diệt vì thiếu chính xác. Nhìn lại lịch sử của các nền văn minh Ai Cập, Maya, Atlantic... thì sự tu dưỡng của con người rất cần thiết cho dù có cần cách mạng hay không.

Nếu cách mạng trong quá khứ thường là đổ máu, bạo lực vì con người thiếu tu dưỡng thì bài học lịch sử có giúp chúng ta hôm nay tu dưỡng trước khi thực hiện cách mạng, một cuộc cách mạng ôn hòa (không tránh được đổ máu nhưng có thể hạn chế tối đa). Chúng ta đã thấy người xưa tranh hùng, xưng bá đồ vương rồi về già, đi tu. Vậy sao chúng ta không thể đi tu rồi hãy giúp nước (Lý Công Uẩn)? Hay vì đi tu thì khó thành đạo, mà không thành đạo thì làm sao ra giúp đời? Có khi thành đạo thì lại bỏ thế gian đi luôn không trở lại?

Chúng ta đã sinh ra để sống. Một khi đi vào cuộc sống để biết sống như thế nào cho phải đạo thì con đường trước mặt là tu dưỡng bản thân. Chúng ta có sẵn sàng tham dự chăng?

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 2 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/09/24/tu-duong-thang-nhan-cach-mang-ban-than/

 

 

 

Nền Tảng Duy Dân: Tu Dưỡng

 

Những ai đã từng làm kỹ sư kiến trúc khi vẽ một sơ đồ căn nhà đều đặt câu hỏi với chính mình là với căn nhà như thế phải đặt cái nền nào cho thích hợp để căn nhà không bị sụp đổ? Đối với họ, dù một nhà vẽ mẫu đẹp như thế nào đi nữa không thể nào đặt trên một nền móng giả tạo hay một nền móng chỉ là cát thì căn nhà đó sẽ sập ở một tương lai rất gần hoặc trong lúc xây cất sẽ bị sập. Chính vì thế mà những kỹ sư kiến trúc, sau khi vẻ căn nhà cho khách hàng, họ luôn luôn nhắc nhở khách hàng là phải tìm kỹ sư về nền tảng (structure) để xây dựng cái nền nhà và cột trụ nhà như thế nào mà vẫn bền vững ở tương lai.

Nếu ví Lý Đông A là một kiến trúc sư vẽ ra một triết lý Duy Dân thì câu hỏi đặt ra là thuyết Duy Dân dựa vào nền tảng nào?

Đây là câu hỏi không phải dễ trả lời và ngay cả những người tìm hiểu Duy Dân hoặc viết sách về Duy Dân chưa chắc có câu trả lời đúng. Mà nếu không xác định được nền tảng đó thì tất cả những gì bàn về Duy Dân, từ Duy Nhân Cương Thường đến Bản Vị Học Thuyết, từ Nền Triết Học Chính Thống đến Cơ Năng Hiến Pháp hoặc tất cả những tài liệu nói về Duy Dân chỉ là những đường vẽ của một kiến trúc sư hay còn gọi là những lý thuyết suông, không thực tế. Nó cũng giống như một môn võ nổi tiếng nhưng lại truyền giao cho một môn đệ hoàn toàn không có nội công thì môn võ nổi tiếng đó mục đích để diễn sơn đông mãi võ mà thôi. Và nếu môn đệ có nội công nhưng cái tâm không có thì người thầy giỏi sẽ không bao giờ truyền thụ môn võ đó vì sợ học trò của mình phản, làm bậy và hại đến xã hội ở tương lai.

Nền tảng của Duy Dân chính là sự tu dưỡng ở bản thân. Lý Đông A cũng đã nói sự tu dưỡng này trong tài liệu Thiết Giáo. Ngay cả tài liệu Sinh Mệnh Tâm Lý cũng nói về sự tu dưỡng để hiểu chính tâm sinh lý của bản thân và người khác. Sự tu dưỡng này được hình thành ngay từ bản thân ở một lứa tuổi nào đó đưa đẩy cá nhân đó suy tư nhiều về Con Người và Xã Hội. Khi ở một lứa tuổi chưa trưởng thành, tức là dưới 18 tuổi, nhưng cá nhân đó có những quan tâm về Con Người và Xã Hội, và cá nhân đó tiếp tục theo đuổi quan tâm đó cho đến cuối cuộc đời để sống một cuộc sống gọi là sống biết, sống thực, và sống đúng. Nói nôm na là sống tử tế, sống đơn giản, sống để đóng góp cho xã hội và làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Hình ảnh cô Greta Thunberg và Joshua Wong là thí dụ điển hình cho thấy hai cá nhân này đã có sự quan tâm đến môi trường và xã hội từ lúc nhỏ dưới 15 tuổi.

Sống biết, sống thực, sống đúng và sống Duy Dân là một đề tài khác, đã được triển khai qua loạt bài Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải. Trở về với nội dung của bài viết này thì sự tu dưỡng quan trọng là ở trong chính tâm thức của cá nhân đó. Sự tu dưỡng được rèn luyện qua những kinh nghiệm thực tế của cuộc sống, những va chạm của đời sống để chính mỗi con người có sự tu dưỡng sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện ở chính mình hầu đạt được “ngộ” ở trong cái trình độ tu dưỡng của bản thân.

Người học võ cần tập luyện nội công thì người học Duy Dân cần tập luyện tu dưỡng. Tu dưỡng càng cao thì sự giác ngộ có chiều sâu để thấm thấu được những nguyên lý Duy Dân và thấy nguyên lý đó hiện thực trong đời sống của Con Người và xã hội một cách rất tự nhiên. Thiếu sự tu dưỡng bạn sẽ không thấy được cái thực tế của Duy Dân. Thiếu sự tu dưỡng bạn sẽ không hiểu được cái gốc của Duy Dân mà chỉ hiểu phần ngọn. Thiếu sự tu dưỡng bạn sẽ không diễn giải Duy Dân vào thực tế. Thiếu sự tu dưỡng thì dù bạn mất thời gian 10, 20, 30 hoặc 40 năm chưa chắc bạn hiểu được Duy Dân ở một góc nhìn thực tế của người có tu dưỡng cao. Thiếu tu dưỡng bạn chỉ nhai lại lý thuyết Duy Dân và không sống hay áp dụng Duy Dân vào chính bản thân mình.

Điều này giải thích tại sao có người viết sách Duy Dân nhưng lại ủng hộ ông Trump mà trên cái nhìn Duy Dân, Trump là người không có tư cách, nhân cách, nhân phẩm để làm công việc lãnh đạo quốc gia. Điều này giải thích tại sao những người từng tìm hiểu Duy Dân nhưng lại xem bằng cấp, chức vụ quan trọng hơn cái tu dưỡng và luôn luôn khoe chức vị của mình dù rằng mình chẳng còn làm trong ngành nghề đó. Điều này giải thích tại sao những người từng sinh hoạt Duy Dân sẵn sàng nói láo để bị bắt quả tang của sự nói láo. Điều này giải thích tại sao trong sinh hoạt Duy Dân thiếu tinh thần dân chủ và khi ai đó đặt vấn đề thì người ta tìm đồng minh để chứng minh là có dân chủ trong sinh hoạt. Điều này giải thích tại sao trong sinh hoạt Duy Dân với một tổ chức bất vụ lợi, người lãnh đạo xem những người khác là bù nhìn, tay sai và mọi chuyện do một cá nhân quyết định gồm cả mặt tài chính. Điều này giải thích tại sao người tìm hiểu Duy Dân cho rằng hình ảnh đan quyền trong Duy Dân là hình ảnh của sự phân quyền liên bang và tiểu bang của Mỹ (thực tế đây là phân quyền mà chính Lý Đông A cũng đã xác định).

Tu dưỡng là nền tảng của Duy Dân. Thiếu tu dưỡng thì tất cả những gì gọi là Duy Dân chỉ là ngọn. Thiếu tu dưỡng người ta có thể dùng Duy Dân để ăn trên nằm trước hoặc làm sơn đông mãi võ, treo đầu heo bán thịt chó. Tu dưỡng là tiến trình hình thành từ thuở nhỏ ngay ở chính bản thân của mình và tiến trình này không bao giờ chấm dứt cho đến khi rời khỏi cõi đời này. Tu dưỡng sẽ trở nên khó hơn khi tuổi đời của cá nhân trên 40 nếu khoảng thời gian trước đó hoàn toàn không có tu dưỡng và do sinh mệnh hệ thống đã hình thành thì sự thay đổi càng khó hơn.

Tu dưỡng không phải ai cũng có thể tự tu dưỡng để đạt đến “ngộ”. Cũng như những ngành nghề trong xã hội, cùng một ngành nghề nhưng tay nghề lại khác nhau vì yếu tố tất năng và khả năng. Tu dưỡng cũng không nằm ngoài luật tự nhiên đó. Tức là tu dưỡng cũng có nhiều trình độ khác nhau. “Ngộ” cũng có nhiều trình độ khác nhau. Một điều khẳng định rằng nếu bạn có sự tu dưỡng thì bạn sẽ không xài bạc giả, không ủng hộ ông Trump khi mà sự nói dối của ông Trump đã trở thành truyền thống thì không có lý do gì để tin một cá nhân nói dối như thế. Nếu bạn không tin Hồ Chí Minh thì chẳng lẽ bạn lại tin Trump, một cá nhân gọi là thầy của Hồ Chí Minh? Chưa kể bạn lại viết sách về Duy Dân thì rõ ràng, bạn lợi dụng Duy Dân để treo đầu heo bán thịt chó. Bạn đã làm xấu Duy Dân vì bạn không có tu dưỡng.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 1 năm 2021 (Việt lịch 4900)

https://nganlau.com/2021/03/01/nen-tang-duy-dan-tu-duong/

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...