Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Danh Vọng

Ít ai trong chúng ta nghĩ rằng Danh Vọng nằm trong phần tu dưỡng của bản thân. Trước bàn về chủ đề này, cần phải tìm hiểu rõ Danh Vọng là gì.

Danh vọng được hiểu là sự nổi tiếng bởi chuyện gì đó mà cá nhân đã làm mà mọi người biết đến. Chuyện đó có thể là chuyện đáng ca ngợi nhưng đồng thời cũng là chuyện không đáng ca ngợi. Danh vọng được hiểu là với thời đại của mạng xã hội, nhiều người có số người theo dõi là 5 ngàn, 10 ngàn hay cả triệu gì đó.

Danh vọng, dù ở hoàn cảnh nào, đó chỉ là những hảo huyền, những con số, những danh tiếng hoàn toàn vô giá trị đối với người biết làm chủ bản thân của mình.

Hãy nhìn vào con số người theo dõi cá nhân nào đó trên Facebook, với số người tối đa là 5 ngàn bạn. Câu hỏi là với số 5 ngàn bạn đó có giá trị gì? Nó chỉ là con số và trong con số này, có bao nhiêu người thực sự theo dõi những gì cá nhân đó viết và có bao nhiêu người bạn đã hoàn toàn không còn hiện hữu trên cái tên nào đó họ đặt ra trên mạng xã hội? Mạng xã hội khác như twitter thì số người sẽ đông hơn vài triệu nhưng vài triệu đó chẳng có ý nghĩa gì hết.

Nhiều người lầm tưởng khi trên mạng xã hội mình có nhiều người theo dõi thì sẽ tạo được ảnh hưởng đến số đông. Thực tế thì không như thế bởi sự phức tạp của mạng xã hội, những người nằm trong danh sách theo dõi chưa chắc có thể hiểu được những điều đơn giản bạn nói đến; chưa kể những điều mang tính chiều sâu của cuộc sống mà nhiều người trên mạng xã hội chưa từng trải thì họ khó mà hiểu những điều bạn nói, cho dù bạn nói thật.

Người Việt có câu “chọn bạn mà chơi” nhưng trên mạng xã hội, làm sao bạn biết chọn bạn? Nhìn qua tiểu sử của họ thì chỉ đúng một phần bởi mạng xã hội dễ làm cho người tham gia thổi phòng cái tiểu sử của chính mình. Mặt đối mặt mà còn lầm thì huống chi là bạn trên mạng xã hội khó mà biết được thực hư ra sao.

Danh vọng có thể do chính cá nhân tạo ra hoặc do người khác tạo ra. Có những người âm thầm làm việc trong công cuộc đấu tranh nhưng có những người đánh trống khua chiêng để mọi người biết đến chuyện làm của mình -- hầu tạo “danh vọng” để “hãnh diện” với bản thân và “tạo” sự “nể phục” từ xã hội. Đây là những người ham danh vọng

Những người làm việc âm thầm (đấu tranh hay không đấu tranh) cho mục đích chung của xã hội, khi họ bị bắt hay bị tai nạn, chỉ lúc đó, nhiều người trong xã hội biết đến. Đây chính là những con người xem thường danh vọng bởi họ âm thầm làm những việc cần phải làm để phục vụ đời sống xã hội.

Danh vọng đến không phải là cái mọi người muốn nhưng vì hoàn cảnh cái “danh vọng” đó đến thì chúng ta giải quyết như thế nào?

Có hai sự lựa chọn đối với những người không xem thường danh vọng nhưng vì hoàn cảnh đưa đến -- nhiều người biết về cá nhân mình. Một trong hai sự lựa chọn sẽ nói lên được bản tính thật của cá nhân đó ra sao.

Lựa chọn thứ nhất là dùng cái nhiều người biết đến mình, tạo điều kiện thu hút những cá nhân khác có cùng suy nghĩ nhằm tạo ra lực để tiếp tục công việc đã làm trong quá khứ. Dĩ nhiên bài học quá khứ cần phải nhìn lại để rút ra kinh nghiệm thất bại cho bản thân và chia sẻ kinh nghiệm thất bại đó đến người khác hầu tránh ở tương lai. Chuyện đấu tranh cho dân chủ Việt Nam mà bị bắt thì phải nhìn nhận đó là sự thất bại của bản thân nói riêng và tổ chức đấu tranh (hay mục đích đấu tranh) nói chung. Thất bại là mẹ đẻ của thành công cho nên cần phải nhìn lại, đánh giá lại tại sao thất bại để chọn phương cách đấu tranh khác, hữu hiệu hơn hầu giúp những người khác trong tương lai không bước vào con đường thất bại mà cá nhân hay tổ chức đã từng trải. Đây là thượng sách của sự lựa chọn.

Lựa chọn thứ hai tức là lợi dụng “danh vọng” được đến với mình -- từ đó cá nhân bị cái “danh vọng” đó điều khiển mình, để mình cho rằng chỉ có mình, tổ chức mình có đủ “kinh nghiệm” làm việc (đấu tranh) và xem thường người khác, tổ chức khác. Và nếu có kết hợp vì mục đích để “lãnh đạo” các cá nhân khác, tổ chức khác thay vì hợp tác, hợp lực trên tinh thần tôn trọng giữa người với người, tổ chức với tổ chức. Đây là hạ sách của sự lựa chọn.

Hạ sách bởi thay vì nhìn nhận sự thất bại của cá nhân, của tổ chức thì lại xem đó là “thành công” và đòi “lãnh đạo” người khác. Ai lựa chọn phương cách này thì cá nhân đó, dù âm thầm làm việc trong quá khứ, nay đã bị cái “danh vọng” làm họ bị “tẩu hỏa nhập ma”, không nhìn ra được vấn đề của sự thất bại để tìm ra giải pháp tốt hơn, giúp cho sự thành công ở tương lai.

Đối với những tổ chức đấu tranh tại hải ngoại, những ai lớn tiếng thành lập chính phủ này, chính phủ nọ với chức vụ này, chức vụ kia thì chính những cá nhân này vì “danh vọng” chứ không phải vì đấu tranh cho đất nước. Những ai thực sự đấu tranh cho đất nước sẽ có đủ sáng suốt để nhìn ra vấn đề. Chính phủ lâm thời, lưu vong chỉ là trò hề của những người ham “danh vọng” và làm thiệt hại đến nhân lực trong nước, những người có lòng nhưng không có khả năng nhìn ra được vấn đề của những trò hề rẻ tiền này.

Trong lãnh vực tu dưỡng bản thân cần phải nhìn vấn đề “Danh Vọng” là sự nguy hiểm cho bản thân và cho tổ chức. Đồng thời đánh giá những người có tiếng tăm (danh vọng), cho dù họ là tù nhân lương tâm, ở việc làm hiện tại. Sự kính trọng giữa con người với con người là ở sự ứng xử hiện tại của cá nhân đó -- chứ không phải ở cái quá khứ mà cá nhân đó đã làm, chưa kể đó là quá khứ của thất bại.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/10/24/tu-duong-thang-nhan-danh-vong/

 

Duy Nhân Cương Thường: Tổng Quan

Trong bản tuyên bố độc lập của Hoa Kỳ, mở đầu với những chữ sau đây “We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness” (Chúng ta giữ những chân lý này là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người đều được bình đẳng, rằng họ được Đấng Tạo Hóa ban cho họ với các Quyền nhất định, trong số đó là cuộc sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc).

Tuyên bố độc lập thôi vẫn chưa đủ, những người muốn tách ra khỏi Anh Quốc vào lúc đó, ngồi lại với nhau để bàn thảo một cơ cấu chính quyền ra sao. Ban đầu thành lập một chính quyền lỏng lẽo nhưng thấy không có kết quả, để cuối cùng tất cả ngồi lại để thành lập một cơ cấu chính quyền mạnh hơn, cuối cùng thì sự ra đời của bản Hiến Pháp Hoa Kỳ vào năm 1787 (1). Tuy nhiên, bản Hiến Pháp năm 1787 vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho nên bản Hiến Pháp được điều chỉnh thêm với những quyền căn bản của Con Người được ghi rõ trong bản Hiến Pháp vào năm 1791 (2). Những quyền căn bản này được tiếp tục bổ túc và điều chỉnh ở những thời gian sau đó.

Tuy rằng bản tuyên bố độc lập cho rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng và tu chỉnh hiến pháp điều 15 (được thông qua vào năm 1870) (3) cho rằng mọi người có quyền đi bầu nhưng thực tế thì hoàn toàn khác so với thời điểm lịch sử trên. Người Mỹ đen vẫn bị kỳ thị và không có quyền đi bầu và mãi đến khi Voting Right Act được ra đời năm 1965 thì lúc đó tất cả người Mỹ đen có thể đi bầu.(4)

Vậy thì Hiến Pháp này và các bản Hiến Pháp khác chỉ để phục vụ một dân tộc (hay chủng tộc), dựa trên nền tảng văn hóa của dân tộc đó. Cho nên có vấn đề là tại sao, khi nói về nhân quyền, các nước độc tài thường cho rằng nhân quyền Á Châu khác nhân quyền Mỹ Châu, Âu Châu, hay bất cứ quốc gia nào. Thành ra không thể nào cho rằng họ vi phạm nhân quyền bởi có sự khác biệt quan điểm về nhân quyền.

Nếu một Hiến Pháp có thể khẳng định những căn bản cần thiết của Con Người trong cuộc sống thì vấn đề không còn sự khác biệt giữa quốc gia này với quốc gia khác trên lãnh vực Con Người gồm cả nhân quyền, kinh tế, môi trường, bình đẳng v.v…. Vậy thì cái căn bản cần thiết đó của Con Người là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần nhìn rõ là trên thế giới có nhiều dân tộc (quốc gia). Trong cùng một quốc gia có nhiều chủng tộc. Nói một cách khác -- các dân tộc, chủng tộc này tuy có khác nhau nhưng tất cả đều là Con Người. Và đã là Con Người thì có nhu cầu giống nhau. Nhu cầu đó là gì?

1.  Nhu cầu nhu yếu

Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), tinh thần (tôn giáo), giáo dục, an ninh, y tế, phát triển giống nòi (gia đình), hợp tác xã hội (tương quan giữa cá nhân với xã hội và ngược lại) để làm cho cuộc sống của Con Người thăng tiến hơn.

2.  Nhu cầu sinh mệnh

Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sống. Sự phát triển của lịch sử xã hội loài người là do chính Con Người tự làm chủ lấy chính mình và cùng những cá nhân khác trong xã hội để quyết định cho hướng tiến của xã hội.  Nếu để ai đó làm chủ cuộc sống của chính mình thì cuối cùng mình không phải là mình mà là một nô lệ cho ai đó hay sẽ bị một dân tộc khác thôn tính. Hòa bình và hạnh phúc cũng là mục đích trong cuộc sống mà con người theo đuổi. Hòa bình mà không có thức ăn, thuốc men (y tế), việc làm … thì không có hạnh phúc. Hạnh phúc mà vẫn bị đe dọa bởi chiến tranh vì tranh chấp tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, biển, đất, đảo …) thì vẫn chưa có hạnh phúc, chưa có hòa bình.

3.  Nhu cầu tự do

Để thực hiện nhu cầu 1 và 2 thì Con Người cần có những quyền tự do căn bản mà ngay từ khởi thủy của loài người, Con Người đã có. Những quyền tự do của Con Người gồm có tự do đi lại, tự do trao đổi thông tin (báo chí), tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do biểu tình (phát biểu ý kiến), tự do lựa chọn trong hôn nhân (gia đình) nhưng không đi ngược lại tự nhiên của Con Người, tự do tham dự vào tiến trình xây dựng xã hội (hoặc tham gia chính trị để thiết kế và chấp hành dân sinh), tự do kinh doanh nếu sự kinh doanh đó không đi ngược lại lợi ích của xã hội. Tất cả các quyền tự do này càng ngày càng được phát triển ra thêm mà quyền tự do báo chí là một thí dụ điển hình. Quyền này hoàn toàn không có trong thời nguyên thủy của loài người khi loài người hợp thành bộ lạc. Những quyền này được công nhận với xã hội hiện đại của thế kỷ 21 bởi quyền này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát sự lạm dụng quyền lực của các bộ máy nhà nước trên quốc gia sở tại.

Ngoài những quyền tự do trên, Con Người cần có cái quyền được bình đẳng trước pháp luật, quyền vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, quyền được tòa án lắng nghe khi quyền Con Người của mình bị vi phạm, quyền ứng cử và bầu cử trong cơ cấu chính quyền, quyền kiểm soát và phê bình nhà nước (hay đảng phái), quyền tư hữu và những quyền công dân cho chính người dân quy định trong xã hội. Không có những quyền này thì Con Người sẽ không thực hiện được nhu cầu 1 và 2

4.  Nhu cầu cải tạo thiên nhiên

Thiên nhiên luôn luôn là thực thể cùng tồn tại với Con Người. Con Người đã biết cải tạo thiên nhiên để làm thăng tiến cuộc sống của Con Người. Tuy nhiên, nếu Con Người không biết bảo quản thiên nhiên, xài phí phạm thiên nhiên để rồi hủy hoại thiên nhiên thì Con Người sẽ không còn chỗ nào để sống. Khi thiên nhiên bị hủy diệt thì đồng nghĩa Con Người sẽ bị hủy diệt. Cho nên nhu cầu cải tạo thiên nhiên cũng như bảo vệ thiên nhiên là nhu cầu của Con Người. Bảo vệ thiên nhiên không thể thực hiện qua chiến tranh (giành đất, biển, đảo…để bảo vệ). Thiên nhiên và hòa bình là hai yếu tố buộc các dân tộc, quốc gia, xã hội phải hợp tác với nhau để cùng nhau giải quyết hầu có một giải pháp tốt đẹp cho Con Người lẫn thiên nhiên. Nhưng nếu các dân tộc, sắc tộc, xã hội… không có cùng một căn bản tự hiểu biết, tự học hỏi, tự kiểm soát thì xung đột cá nhân sẽ dẫn tới xung đột xã hội, sắc tộc, quốc gia… 

Bốn nhu cầu bên trên là của Con Người (hoặc có thêm những nhu cầu khác chứ không thể có ít hơn) và cũng là điểm mà chúng ta có thể gọi là nhu cầu của nhân loại (Con Người).  Một hiến pháp của một quốc gia hay của bất cứ quốc gia nào,  điều tiên quyết phải có -- là công nhận những nhu cầu này của Con Người. Có nghĩa là mọi người, mọi giống dân, mọi dân tộc sống trên quả địa cầu này đều có những nhu cầu giống nhau -- ít nhất trên căn bản bốn điều đã nói bên trên. Những nhu cầu này sẽ gia tăng tùy theo mức độ phát triển của xã hội.

Đây chính là toàn bộ tiến trình của lịch sử loài người nhằm mục đích làm thăng hoa sức sống của Con Người. Trên những căn bản này, chúng ta có thể tạm gọi đây là Duy Nhân Cương Thường. Duy Nhân Cương Thường tức là những “điều cốt yếu nhất là phải công nhận loài người sống theo nguyên thức và cách thức loài người đã” (5).  Đây là những nhu yếu mà bất cứ dân tộc nào, bất cứ xã hội nào trên thế giới này đều phải trải nghiệm qua từng thời kỳ của lịch sử nhân loại. Thế giới luôn luôn xảy ra chiến tranh chính bởi vì thế giới chưa nhìn ra được cái Duy Nhân Cương Thường để làm căn bản của nhân loại; để làm căn bản cho cách ứng xử giữa những người trong nước và ứng xử với những người ngoài nước; để làm căn bản cho đối nội cũng như đối ngoại; để làm căn bản cho những tương giao quốc tế hầu tránh những xung đột về văn hóa, sắc tộc.  

Nói thế để thấy rằng khi một quốc gia vì nhu cầu phát triển kinh tế, đưa một công ty vào một quốc gia khác và làm ảnh hưởng môi sinh của quốc gia sở tại (vì không muốn ảnh hưởng môi trường trên quốc gia mình) thì chính quốc gia (công ty) muốn phát triển kinh tế đó đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường (nhu cầu 4) mà vụ Formosa là thí dụ điển hình. Các công ty Trung Quốc, Đài Loan hoặc các công ty Tây Phương làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người Việt, hay của bất cứ quốc gia nào tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Trên lãnh vực nhân quyền, khi bất cứ nhà cầm quyền nào đàn áp, bắt bớ người dân chỉ bởi vì người dân thực hiện quyền Con Người căn bản của mình (nhu cầu 3) để kiểm soát sự lạm quyền của người cầm quyền thì chính quốc gia đó đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường và không thể nào biện luận nhân quyền Việt khác nhân quyền Úc, Nhật, Ấn, Mỹ v.v…

Khi mà tất cả mọi người trên toàn thế giới thấy được nhu cầu 1 (nhu yếu) là của mọi Con Người sống trên trái đất này -- thì bất cứ quốc gia nào đem quân xâm chiếm quốc gia khác để chiếm đoạt tài nguyên, lãnh hải -- tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường vì làm thiệt hại đến tài sản, sinh mạng của một quốc gia khác, một dân tộc khác. Chuyện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa; chuyện Nga ủng hộ phiến quân và đưa quân vào Crimea để lấy đất tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Trên lãnh vực giao thương, một quốc gia A xuất cảng sản phẩm mà quốc gia B cũng sản xuất -- để cuối cùng tiêu diệt tìm năng sản xuất của quốc gia B thì quốc gia A đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường; làm quốc gia B mất khả năng tự vệ trên sản phẩm mình có thể tạo ra, dùng sức mạnh sản xuất sản phẩm ở số lượng nhiều để đàn áp sản phẩm của quốc gia khác. Nói đúng ra là một quốc gia có khả năng sản xuất sản phẩm ở số lượng lớn, không tiêu thụ hết mà phải đem ra bán tháo, bán đổ qua hiệp ước thương mại với giá thật rẻ nhằm mục đích thu lợi nhuận cho quốc gia mình (hay công ty mình) và tiêu diệt sức sản xuất của quốc gia bạn thì hành động này đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Khi mà các quốc gia hành xử đối với dân tộc mình cũng như với dân tộc khác trên thế giới trên căn bản Duy Nhân Cương Thường thì sẽ chấm dứt chuyện cá lớn nuốt cá bé trong lãnh vực kinh tế, ngoại giao, thương mại. Với Duy Nhân Cương Thường, mọi người, mọi dân tộc trên thế giới này đối xử với nhau với tư cách là một Con Người đối với một Con Người chứ không phải chủng tộc này đối với chủng tộc khác mà sự khác biệt về văn hóa có thể tạo ra sự xung khắc. Chỉ với Duy Nhân Cương Thường thì sự xung khắc không còn nữa khi mà mọi người nhìn ra được nhu cầu của Con Người để cùng nhau nâng đỡ lẫn nhau, tạo ra một Xã Hội lớn trên trái đất này, hài hòa nhau để mà sống, để làm thăng tiến cuộc sống của mọi Con Người trên trái đất này trong một tinh thần tương kính, không ỷ thế mạnh để ăn hiếp nước yếu.

Đây chính là Duy Nhân Cương Thường mà cụ Lý Đông A nói đến. Đây chính là những cái căn bản của Cương Thường Nhân Loại mà một Việt Nam tương lai phải dựa vào đó để tạo ra một Hiến Pháp (hay Cơ Năng Hiến Pháp) không phải chỉ để phục vụ dân tộc Việt mà là Hiến Pháp phục vụ Con Người (nhân loại).

Lịch sử của nhân loại luôn luôn hướng về chiều hướng nhân bản. Cho nên Duy Nhân Cương Thường không phải là điều không tưởng mà là hướng tới của thời đại ở một tương lai sắp đến. Chỉ trên cái Duy Nhân Cương Thường này, chiến tranh mới có thể chấm dứt mà được giải quyết bằng thương thuyết để bảo vệ Con Người của các phe phái trong chiến tranh.

Bài viết này dựa vào tài liệu Duy Nhân Cương Thường của cụ Lý Đông A và được diễn tả theo sự hiểu biết của người viết. Và trong thời gian tới, người viết sẽ mổ xẻ chi tiết cho từng nhu yếu để thấy rõ tại sao Duy Nhân Cương Thường là rất quan trọng trong cuộc sống của Con Người trong lịch sử của loài người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2017

Dallas, TX

(1)              http://www.history.com/topics/constitution

(2)              http://www.americanusconstitution.com/billofrights.html

(3)             https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_amendments_to_the_United_States_Constitution

(4)              http://www.ontheissues.org/AskMe/15th_amendment.htm

(5)              

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2017/09/15/duy-nhan-cuong-thuong-tong-quan/

 

 

 

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Cải Tạo Thiên Nhiên

Thiên nhiên hiện hữu trước khi có sự hiện hữu của Con Người. Thiên nhiên trở nên vô giá trị nếu không có sự xuất hiện của Con Người. Tương quan giữa Con Người và thiên nhiên là tương quan hữu tương luôn luôn xảy ra, không ngừng nghỉ, kể từ khi Con Người xuất hiện trên trái đất này. Con Người tác động vào thiên nhiên và thiên nhiên tác động vào Con Người.

Khi Con Người xuất hiện trên quả đất này, thiên nhiên đã cung cấp sự sống cho Con Người. Từ hái những quả thiên nhiên để ăn, săn những con thú ngoài thiên nhiên để cung cấp thực phẩm cho Con Người. Con Người luôn luôn dựa vào thiên nhiên để làm thăng hoa cuộc sống của chính mình.

Do có Con Người, với những sáng tạo của Con Người để Con Người chọn nếp sống từ săn bắn, du mục sang định cư một chỗ và tự mình cải tạo thiên nhiên để làm gia tăng thực phẩm cho nhu cầu của Con Người. Con Người không những cải tạo thiên nhiên trên mặt đất mà cải tạo thiên nhiên dưới lòng đất để sản xuất ra dầu hỏa, khí đốt, chất kim loại nhằm gia tăng cuộc sống của Con Người ngày càng tiến hóa, tiến bộ hơn thời kỳ ăn lông ở lỗ.

Chưa bao giờ thế giới nhìn vấn đề bảo vệ thiên nhiên như thời điểm hôm nay bởi Con Người không những cải tạo thiên nhiên để cho cuộc sống tiến bộ mà Con Người đã, đang lạm dụng thiên nhiên để rồi đang hủy diệt thiên nhiên. Con Người cần thiên nhiên để sống còn. Nếu Con Người không bảo vệ thiên nhiên mà hủy hoại thiên nhiên thì loài người trên trái đất này sẽ không còn môi trường để sống và cuối cùng đi đến sự diệt vong.

Nhưng mà thiên nhiên là gì? Chúng ta thường nhìn thiên nhiên là mưa, nắng, gió, không khí, khí hậu, sinh thực vật, sông ngòi, biển cả, núi non, chất khoáng sản dưới lòng đất, lòng biển. Vâng! Đó chính là thiên nhiên chung quanh cuộc sống của Con Người. Còn một cái thiên nhiên khác mà ít ai để ý đó là thiên nhiên trong mỗi Con Người của chúng ta. Những bộ phận trong cơ thể của chúng ta là do sự kết hợp của thiên nhiên (một trứng, một tinh trùng), những nhiệm vụ của mỗi bộ phận trong cơ thể do thiên nhiên tạo ra. Nhịp đập của tim, sự vận hành của tay chân, những dây thần kinh trong cơ thể. Tất cả là thiên nhiên trong Con Người của chúng ta. Chúng ta sanh ra, những cơ năng trong cơ thể chúng ta đã có sẵn, chúng sống với cái cơ thể đã sinh ra đó.

Khi nói đến nhu cầu thiên nhiên thì chúng ta phải hiểu là thiên nhiên sống chung quanh chúng ta và thiên nhiên sống trong chúng ta. Vậy thì chúng ta cần tìm hiểu quan hệ của thiên nhiên với Con Người để từ đó có những phương pháp cải tạo thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống Con Người cho thế hệ hôm nay và tương lai.

Thiên Nhiên Trong Cuộc Sống Con Người

Con Người tận hưởng thiên nhiên rất nhiều mà không để ý được cái quan trọng của thiên nhiên ra sao. Thí dụ: không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống, thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. Chúng ta nhìn những vấn đề này rất bình thường mà không nhìn rõ sự tương quan của thiên nhiên với cuộc sống của chúng ta.

Thiên nhiên giúp cho Con Người hiện hữu và đồng thời Con Người cải tạo thiên nhiên để làm thăng hoa cuộc sống của chính mình. Từ cuộc sống du mục, đi đó đây săn bắn, hái rau quả tìm thức ăn phục vụ nhu cầu nhu yếu; Con Người đã biết cải tạo thiên nhiên để định cư một địa phương, khai phá rừng để tạo ra những cánh đồng trồng trọt; chăn nuôi tạo ra thức ăn cho chính mình đồng thời tạo cho phong cảnh của thiên nhiên bớt rừng rú, bớt hoang dã. Con Người biết tạo ra lửa để nấu thức ăn thay vì ăn thức ăn sống như loài thú. Đây là sự khác biệt rất lớn giữa Con Người và loài vật. Tuy cả hai đều có bộ óc nhưng bộ óc của Con Người ở tầng cao hơn để tạo ra tư tưởng -- từ đó tạo ra phương cách để cải tạo thiên nhiên phục vụ cho đời sống Con Người. Trong khi đó thì loài thú chỉ dựa vào thiên nhiên để sống mà không biết cải tạo thiên nhiên như Con Người.

Không thể nào tách thiên nhiên ra khỏi cuộc sống Con Người và cũng không thể nào tách Con Người ra khỏi thiên nhiên. Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Thiên Nhiên có nghĩa là Con Người phải biết sự tương quan này và phải biết cách cải tạo thiên nhiên để phục vụ cuộc sống của Con Người nhưng đồng thời không thể hủy hoại thiên nhiên.

Một quốc gia A có kỷ nghệ cao, có luật bảo vệ môi sinh (thiên nhiên) chặt chẽ đem dời chuyển công ty đến một quốc gia B để lợi dụng luật bảo vệ môi sinh lõng lẻo làm ảnh hưởng đến môi trường sống của quốc gia B như nước, không khí thì công ty của quốc gia A đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường. Nước và không khí không phải chỉ ở một chỗ mà luôn luôn dy chuyển. Môi sinh xấu ở quốc gia B rồi sẽ đến quốc gia A. Cho dù nước và không khí không đến được quốc gia A nhưng với đạo sống của Con Người, chúng ta không thể nào làm ảnh hưởng môi trường sống của quốc gia khác cho cái lợi ích của công ty mình.

Khi chính quyền của ông Trump rút ra khỏi hiệp ước bảo vệ môi sinh bởi cho rằng luật bảo vệ môi sinh sẽ làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ. Đây là cái nhìn thực tế nhưng không phải là cái nhìn chiến lược có lợi cho Con Người nói chung và người Mỹ nói riêng. Cái thực tế là bảo vệ được công ăn việc làm cho một số người nhưng để rồi phá hoại môi sinh và sự phá hoại này sẽ tốn kém rất nhiều tài lực và nhân lực (hơn cái mất mác công ăn việc làm) của mọi người để cải tạo môi sinh trở lại trạng thái như lúc đầu. Đây chính là chính sách đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường.

Vì quyền lợi của công ty, các công ty vận động các cơ quan quyền lực để đưa ra những bộ luật có lợi cho công ty tiếp tục khai thác dầu, hơi đốt mà không cần biết sự khai thác này ảnh hưởng đến môi sinh ra sao. Những cuộc động đất ở Texas, Oklahoma do kỹ thuật dùng nước và chất hóa học để tạo ra sức ép lấy hơi đốt từ đá làm cho lòng đất bị biến dị, tạo ra những cuộc động đất do chính Con Người tác động. Chưa kể nước dưới lòng đất cũng bị ảnh hưởng. Chính sách tự do cho công ty làm giàu trên thiên nhiên đã vi phạm Duy Nhân Cương Thương.

Tại Việt Nam, các công ty của Trung Quốc, Đài Loan hay Tây Phương vào thành lập để khai thác khoáng sản, tài nguyên; hoặc sản xuất những chất hóa học làm ảnh hưởng đến môi trường sống của Con Người như nước, không khí, biển, sông ngòi. Đây chính là sự vi phạm trắng trợn vào Duy Nhân Cương Thường và được nhà cầm quyền Việt Nam bảo trợ, ủng hộ cho chuyện này.

Nếu Con Người sống nhờ vào thiên nhiên và nếu Con Người tiếp tục khai thác thiên nhiên một cách vô tội vạ thì đến một lúc nào đó, thiên nhiên chẳng còn để cho Con Người được sống như đã từng được sống kể từ khi có sự xuất hiện của Con Người trên trái đất này. Nếu không đặt nhu cầu cải tạo thiên nhiên là nhu cầu cần thiết thì chính Con Người đã tự giết lấy chính mình ở một tương lai sắp đến.

Cần phải biết cải tạo thiên nhiên để phục vụ đời sống của Con Người tương lai chứ không phải phục vụ đời sống của Con Người ở hiện tại mà bỏ mặc tương lai ra sao. Cải tạo thiên nhiên gồm điều chỉnh lại những cái mà Con Người đã làm hư hỏng thiên nhiên trong quá khứ. Mà để làm điều này, tất cả những chính sách từ kinh doanh đến khai thác tài nguyên dưới lòng đất, đến phòng thí nghiệm cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ để phục vụ Con Người và đồng thời không phá hoại thiên nhiên mà Con Người sống trong đó.  Đây là sự chọn lựa phải dứt khoát bởi nếu không, trái đất này trở thành một mảnh đất chẳng còn sự sống của bất cứ loài vật nào gồm cả Con Người.

Thiên Nhiên Trong Con Người

Chúng ta sinh ra với bộ óc, với trái tim. Sự khác biệt giữa Con Người với loài vật là ở bộ óc và trái tim của chính chúng ta. Tại sao có những người có trái tim rộng lớn, biết lo cho người khác và sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của tập thể? Tại sao có những người hy sinh quyền lợi tập thể để lo cho quyền lợi của cá nhân? Hai hình ảnh khác biệt này là ở chính bộ óc của hai cá nhân được cải tạo một cách khác nhau để hai cá nhân có sự chọn lựa cuộc sống khác nhau. Một bên vì quyền lợi chung, một bên chỉ nghỉ đến quyền lợi của chính mình.

Nếu ai cũng nghĩ đến quyền lợi của chính mình thì phải chẳng thế giới này trở lại thời kỳ nguyên thủy loài người, mạnh được yếu thua mà không quan tâm đến quyền lợi của những Con Người khác trong xã hội? Đây chính là hướng tiến đi ngược lại đường sống của lịch sử Con Người.

Sự cải tạo thiên nhiên trong mỗi Con Người chúng ta trước hết là cho chính bản thân chúng ta. Cha mẹ sinh ta ra với bộ óc, trái tim, tính tình sẵn có. Cha mẹ và xã hội nuôi dưỡng chúng ta lớn lên và chính trong chúng ta phải phát triển bộ óc của chính mình để tự mình làm chủ lấy mình chứ không để bất cứ ai làm chủ bản thân của mình.  Sự tự giác trong mỗi chúng ta là do sự rèn luyện từ tri thức bên trong bộ óc của chính mình. Chẳng ai dạy và chỉ cho chúng ta tìm được sự tự giác mà sự tự giác từ chính trong tri thức tìm ẩn trong bộ não của chúng ta, do chính chúng ta cải tạo và làm sống dậy cái tri thức đó để thấy được thế nào gọi là tự giác.

Sự giáo dục ở trường học hoặc ngoài xã hội chỉ giúp chúng ta một phần trong tiến trình tìm kiếm tự giác trong bản thân của chúng ta. Chỉ có sự tự giác thì chúng ta mới nhìn được vấn đề rõ ràng hơn, ở dạng tổng thể (toàn diện) chứ không phải ở dạng phiến diện. Chỉ có sự tự giác chúng ta mới có thể làm chủ lấy mình và điều chỉnh cuộc sống của mình, tính tình của mình cho phù hợp với đời sống của xã hội Con Người, đồng thời đóng góp công sức để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Cải tạo thiên nhiên trong Con Người của chúng ta gồm cả thái độ ăn uống hằng ngày, cuộc sống hằng ngày. Một Con Người ăn uống cẩu thả, không đều độ, chỉ ăn nhậu, chỉ nghĩ đến dâm dục, vật chất mà không nghĩ đến những chuyện khác thì thử hỏi Con Người đó sẽ đóng góp được gì cho xã hội? Một Con Người khác biết chọn thức ăn, biết tập thể dục hằng ngày, tránh rượu chè, cờ bạc và tập trung vào việc tu dưỡng bản thân để giúp người khác cùng tu dưỡng bản thân, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn thì chính Con Người này đã biết cải tạo cái tri thức (tự nhiên) của chính mình.

Cải tạo cái tự nhiên trong chính Con Người phải khởi đầu bằng chính bản thân đặc biệt là ở Việt Nam, một môi trường xã hội đã biến Con Người thành những Con Vật, để người khác nắm sinh mệnh của chính mình thay vì tự chính mình nắm lấy sinh mệnh của mình. Cái môi trường xã hội ở Việt Nam là một môi trường hoàn toàn hư hỏng và là môi trường đào tạo ra những con vật đội lốp Người. Đây chính là xã hội của thời nguyên thủy mà cuộc sống của Con Người luôn luôn bị đe dọa. Vậy thì người Việt hôm nay phải tự mình nhìn lại chính mình, cải tạo ngay chính tri thức bên trong của mình, loại bỏ những quyền lợi ngắn hạn để chọn thái độ tự chủ cho chính mình và dân tộc mình. Chỉ khi nào chính chúng ta làm chủ được bản thân thì lúc đó mới có một nền hòa bình thực sự, một nền dân chủ thực sự, một xã hội nhân bản.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 2 năm 2018

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/03/15/duy-nhan-cuong-thuong-nhu-cau-cai-tao-thien-nhien/

 

 

 

 

 

Đường vào Duy Dân: Con Người

( *) Giáo dưỡng học: học tìm nghĩa không khó, hiểu được Lý mới khó, hiểu ngoài Lý càng khó hơn nữa (L Đ A ). 

Duy Dân không phải là chủ trương của một đảng Cách Mạng. Duy Dân là một triết lý. Triết lý Tổng Thể, một triết học chính thống, toàn diện và triệt để. Bởi vì toàn diện nên mọi người có thể tiếp cận từ nhiều mặt: con người, tư tưởng, xã hội, chính trị, văn hóa, giáo dục, dân tộc, kinh tế, thiên nhiên (vũ trụ) …  nhưng không có tôn giáo . Duy dân đặt trọng tâm nơi con người. Khi con người dựa vào một đấng tối cao nào đó để giải thích những khó khăn của đời sống, những thất bại của cá nhân, những xung đột trong xã hội… xét cho cùng tôn giáo cũng do con người tạo ra. Vậy nếu con người không làm chủ được mình thì tôn giáo chỉ là dụng cụ để vận dụng con người vào một mục đích nào đó. Xung đột tôn giáo (tinh thần) và tranh chấp về tài sản, thực phẩm (vật chất ) là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh trong lịch sử loài người

1.  Con người

Con người là một sinh vật, sinh hoạt của con người khác hơn loài vật nhờ trí óc. Sự phát triển suy nghĩ của con người qua bộ óc đã giúp con người có tiếng nói, ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và tôn giáo …

Con người từ khi biết tụ họp thành bộ tộc, làng xã, quốc gia để bảo vệ và phát triển đời sống thì chính trị là gạch nối giữa cá nhân và tập thể con người -- thì Hòa bình và Hạnh phúc là yếu tố chính đưa xã hội tiến lên hay đi đến chiến tranh, hủy diệt.

Con người sinh ra giống nhau: một cơ thể và một tâm hồn . Bề ngoài xem ra có vẻ “bình đẳng” (và dưới con mắt luật –tại Mỹ- con người bình đẳng). Nhưng ai cũng biết mỗi người có một “định mạng” (nghiệp) khác nhau và tuy là có bộ óc như nhau, trình độ thông minh, tính tình của mỗi cá nhân khác nhau. Khi còn nhỏ, sự khác biệt thường không thấy rõ, nhưng khi  trưởng thành, cá tính xuất hiện, con người chịu ảnh hưởng của giáo dục, môi trường sống và sự khác biệt của con người trong tập thể càng hiện rõ: kẻ lười biếng, ngu, yếu… kẻ mạnh, khôn khéo, siêng năng chiếm lợi thế hơn… và bất bình đẳng xuất hiện.

Bất bình đẳng đến từ 2 mặt: bên trong của cá nhân (tinh thần, thể chất) và bên ngoài (gia đình, xã hội, luật pháp).

Vậy trước khi trở thành Thắng Nhân, đi vào Thắng Nghĩa thì bạn hãy thử tìm hiểu con người của bạn, từ trong ra ngoài (tâm lý và sinh lý).

Con người có ngũ quan, ngũ giác, có tứ chi, lục phủ, ngũ tạng kết thành bộ máy tiêu hóa, tuần hoàn và hô hấp.

Con người muốn sống, cần ăn và thở.  Vậy bạn ăn và thở như thế nào? (xem bài Ăn –Thở)

Khi bạn biết ăn, thở, ngủ, tiêu hóa… thì bạn biết cơ thể bạn hoạt động ra sao. Bạn có thể  cố gắng cải tiến bằng tập thể dục, thể thao để biết rõ hơn về thể chất của bạn. Cho dù bạn có theo bất kỳ phương pháp nào, nếu con người bạn với tâm thần bất an vì bất kỳ lý do nào thì bạn không thể theo đuổi những mục tiêu trong đời sống hàng ngày . Khi con người suy nghĩ là bắt đầu có tư tưởng (suy nghĩa riêng) nhưng từ những suy nghĩ riêng để trở thành cái (tư tưởng) chung thì con nguời phải đối thoại, tranh luận và hành động. Đó là khởi điểm của đời sống chính trị trong xã hội con người.

Phải giải quyết cuộc sống cá nhân bạn trước khi bước vào cuộc sống với tập thể chính trị.

2.  Toàn dân sinh chính trị

Khi loài người kết thành xã hội thì vai trò chính trị của con người xuất hiện. Đó vừa là bổn phận vừa là trách nhiệm. Khi con người chạy theo tư lợi và lãng tránh nhiệm vụ chính trị: bảo vệ tổ quốc, bỏ phiếu, đóng thuế, chọn lựa người đại diện trong chính quyền từ địa phương đến trung ương, trực tiếp tham gia vào sinh hoạt chính trị. Nền dân chủ và sức mạnh của tập thể dân tộc sẽ suy yếu khi mỗi cá nhân xa lánh bổn phận của một công dân.  Tuy mỗi người dân có một công việc khác nhau nhưng bổn phận công dân giống nhau. Toàn dân tham dự chính trị, tuy rằng mỗi người, tùy theo khả năng sẽ có vai trò tương xứng trong sinh hoạt chính trị: đó là Phân Công – Phân Lợi – Phân Mệnh . Nhưng không phải lúc nào 3 điều kiện này cũng đi chung với nhau. Hội đủ cả điều kiện này còn tùy thuộc vào Tu Dưỡng Thắng Nhân. Thông thường, mỗi cá nhân chỉ chọn một hay hai điều kiện kể trên.

Vậy thì:  Phân công – Phân lợi – Phân mệnh sẽ như thế nào?

-         Phân công : Mỗi người sống trong xã hội cần công việc để mưu sinh. Không phải ai cũng trình độ học vấn, kiến thức, sức khoẻ để có một công việc như ý muốn. Và công việc sẽ đòi hỏi mỗi cá nhân phải làm những gì và điều kiện như thế nào, ai ấn định và luật lệ như thế nào để quy định những gì phải làm (job description) và lương bổng quyền lợi như thế nào là xứng đáng? Phân công là nhu cầu cần thiết trong xã hội. Phân công phải tương xứng với “khả năng và tất năng” của con người.

-         Phân lợi: Quyền lợi của công nhân, nhân viên như thế nào là tương xứng? Chính quyền có nên can thiệp vào các công ty, thương nghiệp của tư nhân qua luật lệ (chúng  ta đã thấy trường hợp các công ty Mỹ trả lương quá cao so với công; nhưng trong khi công nhân tuy có công đoàn đấu tranh bảo vệ quyền lợi nhưng không ngăn cản được giới chủ nhân mướn nhân công ngoài công đoàn để trả lương, quyền lợi thấp hơn và như vậy tiết kiệm cho công ty và như vậy giới lãnh đạo công ty cũng như các cổ phần viên (investors) có lợi).

-         Phân mệnh:  Mỗi người có quyền quyết định đời sống của mình nhưng ước mơ và mong muốn không phải lúc nào cũng thực hiện được. Cho dù có khó khăn trong cuộc sống riêng, mỗi người vẫn còn bổn phận đóng góp vào sinh mệnh chung của tập thể . Mỗi cá nhân phải nhìn thấy vị trí của mình trong dòng sinh mệnh dân tộc, chọn một vai trò trong xã hội, đóng góp vào tập thể xã hội để sinh tồn . Không đóng góp có nghĩa là gánh nặng cho tập thể. Khi tập thể xã hội, dân tộc suy yếu thì hiểm họa vong quốc đe dọa toàn thể mọi người.  Hiểu vị trí của mình trong tập thể chính là góp phần xây dựng nền dân chủ (tránh trường hợp  -populist- khi đa số chỉ là những  nhóm có tham vọng khác nhau và sẵn sàng đi ngược quyền lợi quốc gia  để thỏa mãn đòi hỏi của một tập hợp đa số  gồm các nhóm thiểu số khác nhau về quyền lợi nhưng sẵn sàng khuynh đảo nền dân chủ để thủ lợi).

 

3.  Toàn dân quốc dân giáo dưỡng )xem Chìa Khóa Thắng Nghĩa & Duy Dân Cơ Năng.Lý Đông A. www.ThangNghia.org) 

Giáo dục cá nhân đã khó. Giáo dục tập thể càng khó nữa. Đời sống cá nhân luôn đòi hỏi sự thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất. Thay đổi (tiến bộ) về tinh thần khó hơn là vật chất. Càng chạy theo vật chất thì suy thoái về tinh thần càng nhanh.  Con người tự biện hộ qua lý luận để biện minh cho hoàn cảnh. Đâu là Sự Thật. Sự Thật chỉ xuất hiện khi con người đặt bản chất lương thiện làm trung tâm cuộc sống trong tương giao với xã hội.

Giáo dục con người không phải là để có việc làm trong xã hội, đó chỉ là huấn nghệ (dù là cấp thợ hay kỹ sư). Giáo dục là giúp con người tìm được ý nghĩa cuộc sống và tương giao trong xã hội. Khi áp buộc một tập quán lên cá nhân, con người có thái độ phản kháng. Nhưng con người có thể nào sống độc lập, tự do suy nghĩ mà không sợ hãi với những tranh chấp đến từ bên ngoài.

Trần Công Lân

Tháng 5, 2017

Annandale, VA

Nguồn: https://nganlau.com/2017/06/01/duong-vao-duy-dan-con-nguoi/

 

Đường Vào Duy Dân: Đáy Tầng

Đáy tầng là gì? Là những con người sống trong xã hội đó. Là những con người rất là bình thường, có học hoặc không có học. Là những con người làm việc từng giờ, từng phút để lo cho cuộc sống bản thân và gia đình. Là những con người hoàn toàn không hề có được cái quyền tham gia vào những quyết định của bộ máy cầm quyền mà những quyết định đó dính dáng đến cuộc sống của chính mình.

Ở nước Việt của ta hiện giờ, đáy tầng là những người dân thấp cổ bé miệng. Nếu dân số Việt là 96 triệu người thì 90 triệu người thuộc về đáy tầng (thành phần bị trị) và 6 triệu người thuộc về thượng tầng (thành phần thống trị hay thành phần giàu nhờ vào cơ chế). Đây chỉ là ước đoán để chứng minh con số đáy tầng luôn luôn là con số rất lớn. Theo nhận định của cụ Lý Đông A  thì đáy tầng chiếm 98% dân số ở thời điểm hơn 75 năm trước.

Thành phần đáy tầng là thành phần chủ lực để tạo ra sức mạnh của một cơ chế Duy Dân. Nhưng để có một cơ chế Duy Dân xuất hiện thì thành phần đáy tầng phải trực tiếp tham gia vào tiến trình điều hành đất nước qua những hội đoàn xã hội dân sự như hội phụ nữ, nông dân, công nhân, luật sự v.v…. Thành phần đáy tầng phải nhìn vấn đề chính trị là “thiết kế và chấp hành nhân sinh” chứ không phải chính trị theo nghĩa bình thường là tranh giành quyền lãnh đạo đất nước. Thành phần chủ lực phải luôn luôn có cơ hội, điều kiện và phương tiện để thực hiện nghĩa vụ của một quốc dân đối với tiền đồ dân tộc trong việc “thiết kế và chấp hành nhân sinh”.  Khi đã thực hiện nghĩa vụ thì quyền lợi cần phải nói đến bởi nghĩa vụ và quyền lợi luôn luôn đi song song với nhau. Quyền lợi và nghĩa vụ phải hiểu theo nghĩa rộng lớn chứ không phải hiểu theo nghĩa hẹp.

Dĩ nhiên sẽ có người lý luận, đặc biệt là thành phần thống trị, cho rằng người dân trình độ dân trí còn thấp cho nên không thể trưng cầu dân ý, không thể để cho người dân trực tiếp tham gia vào tiến trình làm luật. Đây chỉ là sự biện luận để thành phần thống trị tiếp tục cầm quyền, tiếp tục đưa ra những bộ luật để ngăn cản đáy tầng thực hiện chuyện “thiết kế và chấp hành nhân sinh” cho chính bản thân, gia đình, làng xóm của chính mình. 

Hãy nhìn về lịch sử của nhân loại để thấy từ ngày có sự xuất hiện của con người trên trái đất này, thành phần đáy tầng đã nhìn ra được vấn đề phải kết hợp lại với nhau để sống còn. Từ ý nghĩ đó, những con người thời nguyên thủy đã ngồi lại kết hợp thành bộ tộc, bộ lạc để bảo vệ lẫn nhau chống lại những nguy hiểm từ thiên nhiên đến những người không quan tâm đến việc “thiết kế và chấp hành nhân sinh” mà chỉ nghĩ đến chuyện cướp giựt tài sản, thức ăn của người khác.

Vào thời điểm đó, trình độ của người nguyên thủy ra sao? Tiếng nói, chữ viết của họ vẫn chưa có nhưng họ thấy được vấn đề bởi đó là cuộc sống thực tế, ảnh hưởng đến sinh mệnh sống của họ và từ đó họ hợp quần để thành lập những bộ tộc, bộ lạc, làng xóm, và quốc gia như hiện nay. Tất cả sự hình thành đó mục đích phục vụ đời sống của chính mình, gia đình, làng xóm mà chưa có một cơ chế cầm quyền xuất hiện như thời điểm của hôm nay. Đó chính là việc chính trị theo nghĩa rộng lớn mà cụ Lý Đông A nhận định “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh”.  Nhân sinh là ăn, ngủ, chỗ ở, y tế, giáo dục, môi trường sống chung quanh, tự do giao tế, tự do hội họp, tự do thành lập hội đoàn, tự do phát biểu ý kiến, tự do trút phế người không tài giỏi ra khỏi cơ chế chính quyền, tự do tham dự vào cơ chế chính quyền để thực hiện trực tiếp thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Nói một cách bình dân mà cô Phạm Đoan Trang sử dụng đó là “chính trị bình dân”.  Thành phần đáy tầng có thể tham gia vào tiến trình xây dựng một bộ luật để phục vụ cho cái toàn thể chứ không phải phục vụ cho một thành phần nào đó trong xã hội. Và nếu có một bộ luật nào đó chỉ để phục vụ một thành phần nào đó trong xã hội thì bộ luật đó phải được sự đồng ý của đa số thành phần đáy tầng và bộ luật đó không đi ngược lại tinh thần Duy Nhân Cương Thường.  Cái tiến trình này đã xảy ra thời nguyên thủy mà dân trí thời đó so với hôm nay vẫn rất thấp, thế nhưng họ làm được thì không có lý do nào để nói là dân trí hôm nay thấp, không thể thực hiện trưng cầu dân ý; không thể đưa ra luật biểu tình; hay chỉ bởi vì đáy tầng không có chuyên môn nên không có quyền lên tiếng về việc dạy con trẻ học như ông Hồ Ngọc Đại tuyên bố là chỉ có thầy cô giáo có quyền dạy trẻ còn bố mẹ không nên tham dự bởi không có kiến thức. Tất cả những lý luận này chỉ là biện luận cho thành phần thống trị tiếp tục xem thường người dân và muốn người dân tiếp tục ngoan ngoãn phục vụ họ.

Những con người thời nguyên thủy ngoài chuyện hợp quần với nhau thành lập bộ tộc, bộ lạc; họ còn chia sẻ cách tạo ra những dụng cụ thô sơ để thực hiện chuyện săn bắn, hái lượm phục vụ đời sống nhu yếu của mình.  Khi đất nước bị lâm nguy do sự xâm lấn lãnh thổ của giặc phương Bắc, chính thành phần đáy tầng này là chủ lực để thực hiện chuyện đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi Việt, giành lại độc lập cho Việt tộc.

Sức mạnh của đáy tầng đã rõ. Cho nên bất cứ nhà cầm quyền nào, bất cứ cá nhân nào bảo rằng dân trí thấp không nên xen vào chuyện chính trị, giáo dục bởi không có chuyên môn thì đây là một sự phỉ báng, xem thường thành phần đáy tầng.

Để hiểu rõ Duy Dân thì điều đầu tiên cần phải biết đáy tầng là ai và tại sao đó là thành phần quan trọng trong xã hội thời xa xưa lẫn hôm nay.  Thực tế thì trên thế giới này, thành phần đáy tầng đã không còn có dịp để thực hiện “thiết kế và chấp hành nhân sinh” trong sinh hoạt của mình và đất nước ngoài chuyện họ chỉ đi bỏ phiếu (ngoại trừ một nước có nền dân chủ trực tiếp như Thụy Sĩ).  Các chính trị gia, trên lý thuyết là đại diện cho mọi người nhưng khi biểu quyết một dự luật nào đó thì họ dựa vào đảng tính mà hệ thống chính trị của Mỹ là thí dụ điển hình.  Đây là một chế độ dân chủ đảng tranh mà cụ Lý đã có nhắc đến hơn 75 năm trước.

Việt tộc đang đứng trước một thử thách rất lớn: đạo đức con người đã mất hoàn toàn, tinh thần ngoại vọng vẫn tiếp tục xảy ra dù ở trong nước hay ở ngoài nước. Ngoại vọng được hiểu ở một nghĩa rộng lớn. Có nghĩa là cái gì của nước ngoài làm tốt, hoặc tuy không hoàn thiện những vẫn tốt hơn cái mình có thì mình nên đem vào áp dụng cho một đất nước Việt ở tương lai. Đây là một cái nhìn hoàn toàn sai, chỉ dựa vào cái của người mà không nhìn lại lịch sử văn hóa Việt, triết lý Việt có gì nhằm phối hợp với cái hay của thế giới, đồng thời loại bỏ cái dỡ của thế giới để Việt tộc có một nền Nhân Chủ Dân Chủ, một đất nước của Duy Dân.

Thành phần đáy tầng là thành phần chủ lực của một đất nước Việt ở tương lai, trong một xã hội mà mỗi con người là một Duy Dân. Thế nào là một con người Duy Dân? Chủ đề Đường Vào Duy Dân sẽ tiếp tục mổ xẻ từng vấn đề để mọi người thấy mỗi cá nhân Việt có khả năng là một con người Duy Dân ở nhiều cấp độ khác nhau và những cấp độ đó sẽ đóng góp vào tiến trình xây dựng lại Việt tộc hậu cộng sản, một đất nước Duy Dân, một đất nước mà người dân trực tiếp tham dự vào chính trị (thiết kế và chấp hành nhân sinh).

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2018 (Việt Lịch 4897)

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/10/15/duong-vao-duy-dan-day-tang/

 

 

 

 

Đường Vào Duy Dân: Xóa Bỏ Tư Duy Cũ

Cái khó khăn lớn nhất của Con Người chính là loại bỏ những tư duy cũ đã lỗi thời. Những tư duy cũ đó có thể hình thành từ kinh nghiệm bản thân cộng với cái nhìn chủ quan để rồi chúng ta bám lấy, dứt khoát không bỏ được tư duy đó. Thí dụ: những người đã từng có kinh nghiệm với cộng sản, cho rằng dù Việt Nam có một chế độ dân chủ thì không thể để cho những người cộng sản tham chính bởi bản chất của cộng sản là tham lam, tàn bạo, xảo trá khó mà lường. Thực tế mà nói, những bản chất này đúng là bản chất của người cộng sản. Nhưng chúng ta có khi nào tự hỏi, tại sao họ có bản chất này? Họ có bản chất này bởi cái cơ chế cộng sản đào tạo họ, tạo điều kiện cho họ có bản chất này. Trong khi đó ở một cơ chế dân chủ, những ai có bản chất này sẽ bị loại bỏ ra khỏi cơ chế. Hãy nhìn qua vị lãnh đạo của Đức, bà Angela Merkel, đã từng phục vụ trong cơ chế chính quyền của cộng sản Đông Đức và nay là vị lãnh đạo của một nước Đức thống nhất. Điều này chứng minh cho chúng ta thấy là chính cái cơ chế cộng sản đã đẻ ra và làm phát triển những đặc tính cộng sản, đi ngược lại quyền lợi của Con Người và nhân loại. Và khi cái cơ chế đó sụp đổ, những đặc tính đó sẽ phải thay đổi bởi sẽ không tồn tại dưới một cơ chế dân chủ.

Một thí dụ khác là những người đang mù đãng (cố ý viết dấu ngã cho đúng bản chất), yêu Hồ; dù thế giới thông tin đã thay đổi; dù họ nhận thức là đãng của họ đang đi con đường sai, nhưng nếu ai đó vạch ra cái giả dối của ông Hồ, vạch ra cái giả dối của đãng csvn thì họ sẽ chống lại một cách rất là tích cực, rất bài bản và cho rằng những ai nói xấu (dù đó là sự thật) về ông Hồ thì tức là lực lượng phản động, do thế lực bên ngoài (họ chẳng biết cái thế lực đó là ai, nên vội vàng đem Mỹ ra để cho tiện việc sổ sách tuyên truyền) đánh phá nhà nước Việt Nam. Họ không hề nghĩ rằng chính những điều giả dối họ tin tưởng là cái phản động nguy hiểm nhất đưa đất nước đến thảm cảnh như hiện nay. Và chính vì thế, dù có rất nhiều thông tin, nhưng họ vẫn bị cái cơ chế kềm kẹp, họ không thoát ra được những suy nghĩ mà họ đã được nhồi nhét vào đầu từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành. Nay họ đang được hưởng quyền lợi của cơ chế này, họ càng ra sức để bảo vệ nhằm mục đích tiếp tục hưởng những gì cơ chế này cho họ.

Tư duy phân biệt Bắc – Nam vẫn tiếp tục xảy ra ở cả hai bên. Những người sống dưới chế độ VNCH thì luôn luôn cho rằng người miền Bắc sau 75 là những người không có cảm tính, gian xảo, vô văn hóa. Cái tư duy này không phải chỉ ở những người kém học, thiếu hiểu biết mà là ở những người có bằng đại học, là sĩ quan trong quân đội của Hoa Kỳ. Còn người ở miền Bắc thì lại có thành kiến đối với người Việt hải ngoại, cho rằng những người hải ngoại là thuộc phe VNCH, luôn luôn quá khích. Ngay cả những bài viết đăng trên trang mạng Ngàn Lau này được đánh giá là phản động, cực đoan.

Tại sao trong đầu óc của chúng ta luôn luôn nhìn Con Người qua từ ngữ Cộng Sản, Việt Nam Cộng Hòa mà không nhìn Con Người qua cái nhìn của Dân Tộc? Dĩ nhiên sẽ có người lý luận rằng đây là giới tuyến giữa cộng sản và không cộng sản. Ai dựng ra giới tuyến đó? Chính tư duy của chúng ta đã dựng ra giới tuyến đó và để rồi chúng ta đánh giá Con Người qua giới tuyến đó. Cuối cùng đưa đến kết quả là một đất nước Việt mất truyền thống văn hóa Việt; một dân tộc Việt sống khắp nơi trên thế giới; một thế hệ Việt trong nước trình độ hiểu biết thua những người trẻ mới lớn ở các quốc gia dân chủ trên thế giới; một thế hệ Việt chỉ biết sống cho hiện tại mà không nghĩ đến tương lai; một thế hệ Việt thụ động trước sự ô nhiễm của môi trường, sợ hãi chính trị bởi nghĩ rằng chính trị là một cái gì đó to lớn mà không hề nghĩ rằng chính trị là quyền được tham dự vào quyết định của chính đời sống sinh hoạt của mình (xem ba bài nói về Chính Trị đăng trong tháng 4 năm 2017).

Đừng lầm lẫn giữa loại bỏ tư duy cũ với quên đi quá khứ. Quá khứ là những bài học kinh nghiệm cho chính bản thân cho nên không thể nào quên đi quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta nên đánh giá cái quá khứ bằng tư duy của thời đại, bằng thực tế của xã hội chứ đừng đánh giá quá khứ vào cái niềm tin của chính bản thân mà chưa chắc rằng cái niềm tin đó là sự thật, chưa kể niềm tin đó phục vụ cho ai và niềm tin đó sẽ đóng góp gì cho một Việt Nam mới của thế kỷ 21 này. Ngay cả cái quá khứ lịch sử, đặc biệt là lịch sử của 100 năm trở lại, chúng ta cần phải bình tĩnh để đánh giá lại nó để rút bài học kinh nghiệm cho bản thân và cho đất nước sau này.

Khi nói đến lịch sử thì đây là điều dễ gây ra nhiều ngộ nhận. Chẳng hạn như khi đánh giá gia đình ông Diệm thì người phía miền Nam chia thành hai phe: Phật giáo thì chống Diệm và phe công giáo thì bênh Diệm. Bên chống và bên bênh dựa vào những dẫn chứng của lịch sử để biện minh cho những lý luận của mình. Bên chống, bên bênh luôn luôn bảo vệ quan điểm của mình mà không hề nhìn vấn đề như là một lịch sử đã qua, người hiện tại sẽ không thay đổi được về cái lịch sử đã qua và phải cần đóng lại trang sử đó để cùng nhau vượt lên trên lịch sử và cùng nhau tìm con đường giúp dân tộc thoát khỏi nền nô độ kiểu mới mà Trung Hoa đang thành công áp đặt vào các thái thú thời đại là đãng csvn.

Chúng ta không thể nào quên lịch sử, đặc biệt là lịch sử của hơn 4 ngàn năm của dân tộc Việt. Người cộng sản đã quên lịch sử, đã loại bỏ lịch sử của 4 ngàn năm Việt thay thế vào lịch sử của đãng csvn. Văn hóa của Hồng Bàng, Văn Lang, Trống Đồng đã được thay thế bằng văn hóa ngoại lai Mac-Lenin. Văn hóa Việt đã được văn hóa cs thay thế bằng những giả dối, ngụy biện, tiêu diệt ý chí quật cường, bất khuất của giống nòi Việt để thay thế vào văn hóa thụ động, nô lệ cho tiền và tư tưởng.

Chỉ trong tinh thần loại bỏ tư duy cũ, đặt ra câu hỏi cho sự thật, so sánh với thực tế để đánh giá xem những tư duy hiện tại của chúng ta đã đóng góp gì cho đất nước, hay chính cái tư duy đó làm trì hãm đất nước hiện giờ, làm hư hỏng Con Người Việt hôm nay, và làm cho chúng ta không thể có một cái nhìn đồng thuận về Dân Chủ. Phải loại bỏ tư duy cũ thì chúng ta mới có thể thu nạp tư duy mới và đó là đường chuẩn bị để vào Duy Dân, để hiểu rõ Duy Dân là gì và tại sao phải Duy Dân.

Chấm dứt bài viết này xin được trích một câu nói của Sakya Muni Buddha

“Do not believe in anything simply because you have heard it. Do not believe in anything simply because it is spoken and rumored by many. Do not believe in anything simply because it is found written in your religious books. Do not believe in anything merely on the authority of your teachers and elders. Do not believe in traditions because they have been handed down for many generations. But after observation and analysis, when you find that anything agrees with reason and is conducive to the good and benefit of one and all, then accept it and live up to it.” 

“Đừng tin vào bất cứ điều gì chỉ bởi vì bạn nghe nó. Đừng tin vào bất cứ điều gì chỉ bởi vì điều đó đã được nói và nhiều người đồn. Đừng tin vào bất cứ điều gì chỉ bởi vì những điều đó viết trên sách tôn giáo của bạn. Đừng tin vào bất cứ điều gì bởi chỉ vì người đó là thầy của bạn hoặc là người lớn tuổi. Đừng tin vào những truyền thống bởi những truyền thống đó được đưa xuống từ nhiều thế hệ. Nhưng sau khi quan sát và phân tích, khi bạn thấy rằng bất cứ điều gì bạn đồng ý với lý do và có lợi cho lợi ích của một và tất cả, sau đó chấp nhận nó và sống theo nó

Những tư duy cũ của ta có lợi cho ta và cho mọi người hay không? Nếu chỉ có lợi cho ta mà không có lợi cho mọi người thì tư duy đó chỉ là tư duy cho bản thân, tư duy đó không phù hợp với thời đại.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2017

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2017/05/01/duong-vao-duy-dan-xoa-bo-tu-duy-cu/

 

 

 

 

 

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...