Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P2)

Hay Tâm chỉ là ký ức tồn trữ những dữ kiện trong đời sống mà chúng ta trải qua từ lúc sinh ra cho tới khi chết? Tâm chỉ tồn tại trong Thân hay ngoài Thân? Khi ngủ mơ (mê) thì Tâm ở trong hay ngoài Thân? Cái "thấy", cái "sợ" trong giấc mơ giống như những gì chúng ta thấy và sợ trong đời sống? Vậy chúng sẽ ảnh hưởng tới đời sống bạn ra sao sau cơn mê? Cơn mê trong Tâm (lúc ngủ) có ích lợi gì?

Muốn hiểu Tâm phải hiểu tiến trình Tâm ghi nhận tin tức từ bên ngoài vào Tâm vì Tâm không phải Óc (vật chất) mà là tinh thần. Nếu Tâm con nít như tờ giấy trắng thì ai "viết" những gì vào Tâm chúng để trở thành Thiện, Ác?

Còn những đứa trẻ nhớ về kiếp trước có phải Thiên tài hay không? Những Thiên tài (hay Thần đồng) về âm nhạc không phải chỉ là trí nhớ mà còn là cảm xúc, đam mê. Khoa học ngày nay nghiên cứu về não bộ con người để hy vọng làm sống lại não bộ các thiên tài đã qua đời hay tái chế biến (clone). Nhưng tái tạo não bộ chỉ là vật chất, còn tinh thần thì làm sao mà tái tạo (copy)?

Vậy thì chỉ có "nuôi" Tâm hay tu luyện, tu dưỡng. Cũng theo Phật học thì luyện Tâm thì Tâm phải tịnh. Môn phái Tịnh Độ Tông chuyên về Tịnh Tâm mà có mấy ai thành công? Hay thành công rồi im luôn vì không muốn liên hệ đến những chuyện đời? Mặt khác nếu Tâm phát Tánh (tính, tướng) thì khi đã có Tánh (Thiện, Ác) thì luyện (nuôi) Tâm có thay đổi Tánh hay không? Vấn đề là thời gian sẽ đòi hỏi bao lâu? 100 năm hay 1000 năm? Người xưa nói tu Tiên có thể sống ngàn năm? Vậy có thể làm Thiên tài được không? Sống lâu để làm gì nếu không luyện Tâm?

Trở lại tiến trình ghi nhận tin tức bên ngoài vào Tâm mà Phật học gọi là Thức (Duy Thức). Nhưng nếu Thức ghi nhận tin tức bên ngoài vào Tâm đều giống nhau thì tại sao Tâm ông A thích và lưu giữ nhưng Tâm bà B không thích và không giữ lại trong Tâm? Phải chăng vì Tâm khởi (phát sinh) yêu, ghét? Trong khi nhiệm vụ của Thức chỉ là chuyển tin tức từ A (căn) đến B (cảnh). Vì có con mắt nên có cảnh để nhìn. Vậy thì cũng theo Phật học, Tâm của trẻ vì vô minh nên theo Thập nhị nhân duyên (Vô minh duyên ra Hành, Hành duyên ra Thức, Thức duyên ra Danh sắc, Danh sắc duyên ra Lục nhập, Lục nhập duyên ra Xúc, xúc duyên ra Thọ, Thọ duyên ra Ái, Ái duyên ra Thủ, Thủ duyên ra Hữu, Hữu duyên ra Sinh, Sinh duyên ra lão tử). Trong tiến trình đó, đứa trẻ sẽ nuôi Tâm từ lúc nào?

Cha mẹ nào chẳng muốn con là Thiên tài? Tại Mỹ, cha mẹ mua cho con đủ thứ đồ chơi, hy vọng sẽ kích thích Thiên tài nổi dậy từ trẻ. Khi đi học thì trẻ được khuyến khích một giấc "mơ" (dream) nhưng chẳng nói "mơ" cái gì và như thế nào là tốt xấu. Có lẽ các nhà xã hội, chính trị và kinh tế hy vọng thu hoạch một vài nhân tài là đủ cứu chuộc thế giới cho dù 99.99% còn lại sẽ đi vào hủy hoại với giấc mơ sai lầm.

Có ai hỏi tại sao Thiên tài "cha mẹ" (đã có) không nuôi dưỡng và phát triển Thiên tài "con"? Cũng giống như trong Thiền đạo, chỉ có vị thầy đắc đạo mới đủ tư cách xác nhận đệ tử đạt đạo (đắc đạo). Vậy Thiên tài không phải muốn là được, nuôi là có. Bản chất (khi sinh ra: khí Tiên Thiên) là một mặt, mặt khác là sau khi sinh (khí Hậu Thiên) trong hoàn cảnh nào thì Tài năng được khai triển. Thử hỏi nếu thức ăn X hay phương pháp Y sẽ tạo ra Thiên tài thì Thiên tài sẽ đứng đầy chợ trời?

Mượn Phật học để giải thích: Thái tử Tất Đạt Đa có tiền kiếp đã là Phật (Tiên Thiên) nhưng tuy sinh ra trong hoàng cung, ông cũng phải trải qua khổ cực để tìm đường tu (Hậu Thiên) và đắc đạo. Đó là cuộc tranh đấu giữa Nghiệp (đường dài) và Mệnh (chu kỳ, giai đoạn). Nếu bạn Không chấp nhận "Nghiệp" hay "Mệnh" thì khó mà giải thích hay hiểu Thiên tài là gì, từ đâu đến, sẽ làm gì? Hãy tìm lại người nói câu "nuôi Tâm sinh Thiên tài" là Lý Đông A. Đọc Lý Đông A chúng ta hiểu gì? Ngoài phần ông biết mà chúng ta suy nghĩ cả đời cũng không biết thì phần mà ông viết ra chúng ta có thể hiểu là những gì?

Nhưng Thiên tài mà không gặp thời thì cũng chẳng làm được gì vì thiếu Nhân tài phụ lực. Vậy nếu phải chọn giữa một Thiên tài và nhiều Nhân tài để thay đổi xã hội thì bạn chọn cách nào? Nuôi Thiên tài đã không biết thì chỉ còn cách đào tạo Nhân tài. Lấy Lượng thay Phẩm? Cho dù biết rằng "Binh hồ tinh bất quý hồ đa". Vậy thì cuối cùng không biết "nuôi Tâm sinh Thiên tài, nuôi Óc sinh Nhân tài" thì cũng đừng “nuôi Thân sinh Nô tài". Làm người khó thay.

Nhìn góc cạnh khác, nếu "nuôi Tâm" được thì bạn muốn là Thiên tài như thế nào?

Thiên tài

Phải chăng thiên tài là biết hết mọi chuyện? Làm được mọi việc? Giá trị của thiên tài là gì?

Thiên tài không phải chỉ đánh giá ở sự thành công về tài mà còn về đức, ngay cả sự thất bại cũng có giá trị vì những đóng góp siêu việt, ảnh hưởng nhân loại về lâu dài.

Thiên tài không phải là Thần, Thánh có phép màu, làm đủ mọi chuyện theo ý dân. Thiên tài có giới hạn trong phạm vi đóng góp một vài lãnh vực (đã được nuôi để thực hiện cũng từ do Nghiệp và Mệnh) và vì nuôi (tu dưỡng) quá khó nên Thật thì ít mà Giả thì nhiều. Nói theo kinh tế thì vì nhu cầu đòi hỏi từ đa số dân mong có Thiên tài xuất hiện cứu độ chúng sinh nên kẻ thiếu đạo đức nhảy ra cung cấp Thiên tài giả như chúng ta thấy trong cộng đồng Việt Nam (Nhân điện, Thanh Hải, lãnh đạo chống CSVN ...). Điều kiện nào là cần và đủ để được gọi là Thiên tài? Tất nhiên là có Tài năng thuộc một (hay nhiều) lãnh vực, có mục đích tốt cho con người về lâu dài. Đó là Tài còn về Đức? Có những Thiên tài đóng góp rất nhiều cho nhân loại nhưng đời sống cá nhân rất bê bối. Bạn có đồng ý sự đổi chác để có Thiên tài dù phải chấp nhận cuộc sống cá nhân vô luân, trụy lạc, bê bối... của Thiên tài? Đó là "cần".

Vậy đâu là (đủ để gọi) Thiên tài thật sự? Hãy nhìn lại lịch sử loài người từ Đông sang Tây với những vĩ nhân được các quốc gia, dân tộc tôn sùng qua nhiều thế kỷ nhưng thực sự đối với bên ngoài (dân tộc, quốc gia khác) thì sao?

Thí dụ như Thành Cát Tư Hãn có thể nào là Thiên tài với các cuộc chinh chiến tư Đông sang Tây? Hay như Mao, Khổng Tử ... đối với dân Trung Hoa có thể là Thiên tài nhưng đối với các dân tộc lân bang, thế giới thì không đạt. Ngược lại, Lão Tử được biết đến qua Đạo Đức Kinh nhưng cả thế giới kim cổ phải chấp nhận là Thiên tài. Cũng như Leonardo Da Vinci là người có tài năng về nhiều mặt mà những đóng góp của ông sau nhiều thế kỷ vẫn được tôn trọng.

Kết

Vậy chuyên "nuôi Tâm sinh Thiên tài" chỉ là lời nhắn nhủ của tiền nhân để đừng "nuôi Thân sinh nô tài", chỉ cần cố gắng "nuôi Óc sinh nhân tài" là tốt lắm rồi. Cứ nhìn gương Chúa, Phật cứu nhân độ thế thuộc hàng Thiên tài thế nhưng có tín đồ nào "nuôi Tâm" để theo đâu? Nuôi là ý chí tự chọn để theo đuổi chứ không phải có người khác nuôi (giúp). Cứ nhìn sư Minh Tuệ (mới bắt đầu) đang nuôi Tâm đó mà thiên hạ đã chạy theo để được gì? Sao không sống như ông ta đang làm mà theo quỳ lạy làm gì? Nếu ông ta làm 5 điều cùng một lúc (hạnh đầu đà) thì bạn thử theo 1 điều thôi xem sao. Giả sử nuôi Tâm có 8 bậc thì hãy thử 101 trước đi.

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/08/15/nuoi-tam-sinh-thien-tai-p2/?preview_id=5642&preview_nonce=66cfb65fb7&_thumbnail_id=-1

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...