Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài....

Nuôi Óc sinh nhân tài....

Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A)

Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám chủ tịch nước Tô Lâm đi ăn bò vàng về làm trò cười: cấm dân rắc tiêu theo nhịp điệu sóc Băm Bo. Khi lãnh đạo nước được sinh ra để làm nô tài thì cả nước có hy vọng tiêu vong vì nạn Tàu đô hộ. Người dân Việt có thể làm gì được khi "nhân tài" bỏ nước đi du lịch không về. Ngay cả dân lao động cũng tìm đường đi Tây, lấy Mỹ (Việt kiều). Vậy có thể nào nào nuôi Tâm để trở thành thiên tài cứu nước, duy trì nòi giống Việt? Thiên tài thì có nhiều loại mà Nguyễn Du đã nhắc khéo "chữ Tài liền với chữ Tai một vần" (chỉ có trong tiếng Việt). Nhưng trước khi nói về "Tài" là gì thì hãy nói về "Tâm". Nuôi Tâm mới có Tài.

Nuôi Tâm

Tác giả 3 câu vè đã không nói kỹ là "nuôi" có nghĩa là tu dưỡng, là lâu dài, là bồn gột rửa, là bách chiết thiên ma (chống cám dỗ), là giam bó để rèn luyện.... cái gì? Cái Tâm. Vậy "Tâm" là gì?

Phải biết Tâm là gì? Cây cỏ hay thú vật? Tròn hay méo? Dài hay ngắn? Cao hay thấp? Có tai, mắt mũi, miệng, tứ chi hay như cục đất? Có biết mới "nuôi", có ăn ở mới phát triển thành "Thiên tài". Nếu thất bại thì Thiên tài có thể chỉ là Nhân tài mà sẽ không phải Thiên tai?

Tâm? Mọi người đều có tâm nhưng tại sao khác nhau? Mọi người đều ăn để nuôi thân và tâm. Nhưng phải chăng "nuôi Tâm" là ám chỉ hình thức khác để rèn luyện tinh thần, khí chất, ý chí... như các nhà tu đã trải qua để đạt tình trạng viên mãn. Vì chỉ khi nào giải quyết được mọi vấn đề của bản thân thì mới có thể hiểu và cứu người khác. Vậy tìm Tâm ở đâu? Thuyết Duy Tâm có giải thích được Tâm là gì chăng? Nhà Phật nói rất nhiều về Tâm: "Tu Tâm dưỡng Tánh" nhưng "Tâm viên Ý mã"; Tâm như con vượn (khỉ) nhảy liên hồi, trong khi Ý (muốn) như ngựa chạy không ngừng. Bởi thế mới có "Tướng (tánh) tự Tâm sinh, Tướng tùy Tâm diệt" .... Câu chuyện An Tâm trong Phật học:

Khi Đạt Ma hỏi Huệ Khả: nhà người cầu gì?

Huệ Khả: Con tìm phương pháp an Tâm.

Đt Ma: Đưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.

Huệ Khả: Con không thấy tâm đâu cả.

Đạt Ma: Ta đã an tâm cho con.

Huệ Khả ngay đó liền đại ngộ. Vậy khi giác ngộ thì Huệ Khả thấy Tâm như thế nào? Có khác cái Tâm cũ hay vẫn là cục thịt trong đầu? Huệ Khả đã nuôi Tâm như thế nào để trở thành Nhị Tổ, kế thừa Đạt Ma, lãnh đạo Thiền Trung Hoa?

Rõ ràng "nuôi Tâm" không thể nào như nuôi heo, trồng cây... để qua một mùa là có kết quả. Nhà Phật luyện Tâm để giác ngộ (cái Thấy). Mở Huệ nhãn (giác ngộ, không phải là có con mắt thứ 3 giữa 2 chân mày là hiểu lầm tai hại) là cái nhìn bằng Tâm thuật (hiểu tức thì không qua dẫn chứng, mắt thấy, tai nghe). Luyện Tâm giống như nhà nghiên cứu, có mục đích, kế hoạch, phương pháp, kỷ luật để tập trung năng lực làm việc liên tục trong thời gian vô hạn. Khác biệt là đạt kết quả (Thiên tài) không phải để nổi tiếng, làm giàu hay chinh phục thế giới mà để cứu nhân, độ thế. Nhiều người lầm tưởng sinh con thông minh, là thiên tài thì sẽ là ABC mà quên đi mặt đạo đức. Tại sao Tâm có Thiện có Ác? Có ai chứng minh "Nhân chi sơ Tính bản thiện"? Hay chỉ vì Khổng tử nói vậy?

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P2)

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/08/15/nuoi-tam-sinh-thien-tai-p1/

 

 

 

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P2)

Hay Tâm chỉ là ký ức tồn trữ những dữ kiện trong đời sống mà chúng ta trải qua từ lúc sinh ra cho tới khi chết? Tâm chỉ tồn tại trong Thân hay ngoài Thân? Khi ngủ mơ (mê) thì Tâm ở trong hay ngoài Thân? Cái "thấy", cái "sợ" trong giấc mơ giống như những gì chúng ta thấy và sợ trong đời sống? Vậy chúng sẽ ảnh hưởng tới đời sống bạn ra sao sau cơn mê? Cơn mê trong Tâm (lúc ngủ) có ích lợi gì?

Muốn hiểu Tâm phải hiểu tiến trình Tâm ghi nhận tin tức từ bên ngoài vào Tâm vì Tâm không phải Óc (vật chất) mà là tinh thần. Nếu Tâm con nít như tờ giấy trắng thì ai "viết" những gì vào Tâm chúng để trở thành Thiện, Ác?

Còn những đứa trẻ nhớ về kiếp trước có phải Thiên tài hay không? Những Thiên tài (hay Thần đồng) về âm nhạc không phải chỉ là trí nhớ mà còn là cảm xúc, đam mê. Khoa học ngày nay nghiên cứu về não bộ con người để hy vọng làm sống lại não bộ các thiên tài đã qua đời hay tái chế biến (clone). Nhưng tái tạo não bộ chỉ là vật chất, còn tinh thần thì làm sao mà tái tạo (copy)?

Vậy thì chỉ có "nuôi" Tâm hay tu luyện, tu dưỡng. Cũng theo Phật học thì luyện Tâm thì Tâm phải tịnh. Môn phái Tịnh Độ Tông chuyên về Tịnh Tâm mà có mấy ai thành công? Hay thành công rồi im luôn vì không muốn liên hệ đến những chuyện đời? Mặt khác nếu Tâm phát Tánh (tính, tướng) thì khi đã có Tánh (Thiện, Ác) thì luyện (nuôi) Tâm có thay đổi Tánh hay không? Vấn đề là thời gian sẽ đòi hỏi bao lâu? 100 năm hay 1000 năm? Người xưa nói tu Tiên có thể sống ngàn năm? Vậy có thể làm Thiên tài được không? Sống lâu để làm gì nếu không luyện Tâm?

Trở lại tiến trình ghi nhận tin tức bên ngoài vào Tâm mà Phật học gọi là Thức (Duy Thức). Nhưng nếu Thức ghi nhận tin tức bên ngoài vào Tâm đều giống nhau thì tại sao Tâm ông A thích và lưu giữ nhưng Tâm bà B không thích và không giữ lại trong Tâm? Phải chăng vì Tâm khởi (phát sinh) yêu, ghét? Trong khi nhiệm vụ của Thức chỉ là chuyển tin tức từ A (căn) đến B (cảnh). Vì có con mắt nên có cảnh để nhìn. Vậy thì cũng theo Phật học, Tâm của trẻ vì vô minh nên theo Thập nhị nhân duyên (Vô minh duyên ra Hành, Hành duyên ra Thức, Thức duyên ra Danh sắc, Danh sắc duyên ra Lục nhập, Lục nhập duyên ra Xúc, xúc duyên ra Thọ, Thọ duyên ra Ái, Ái duyên ra Thủ, Thủ duyên ra Hữu, Hữu duyên ra Sinh, Sinh duyên ra lão tử). Trong tiến trình đó, đứa trẻ sẽ nuôi Tâm từ lúc nào?

Cha mẹ nào chẳng muốn con là Thiên tài? Tại Mỹ, cha mẹ mua cho con đủ thứ đồ chơi, hy vọng sẽ kích thích Thiên tài nổi dậy từ trẻ. Khi đi học thì trẻ được khuyến khích một giấc "mơ" (dream) nhưng chẳng nói "mơ" cái gì và như thế nào là tốt xấu. Có lẽ các nhà xã hội, chính trị và kinh tế hy vọng thu hoạch một vài nhân tài là đủ cứu chuộc thế giới cho dù 99.99% còn lại sẽ đi vào hủy hoại với giấc mơ sai lầm.

Có ai hỏi tại sao Thiên tài "cha mẹ" (đã có) không nuôi dưỡng và phát triển Thiên tài "con"? Cũng giống như trong Thiền đạo, chỉ có vị thầy đắc đạo mới đủ tư cách xác nhận đệ tử đạt đạo (đắc đạo). Vậy Thiên tài không phải muốn là được, nuôi là có. Bản chất (khi sinh ra: khí Tiên Thiên) là một mặt, mặt khác là sau khi sinh (khí Hậu Thiên) trong hoàn cảnh nào thì Tài năng được khai triển. Thử hỏi nếu thức ăn X hay phương pháp Y sẽ tạo ra Thiên tài thì Thiên tài sẽ đứng đầy chợ trời?

Mượn Phật học để giải thích: Thái tử Tất Đạt Đa có tiền kiếp đã là Phật (Tiên Thiên) nhưng tuy sinh ra trong hoàng cung, ông cũng phải trải qua khổ cực để tìm đường tu (Hậu Thiên) và đắc đạo. Đó là cuộc tranh đấu giữa Nghiệp (đường dài) và Mệnh (chu kỳ, giai đoạn). Nếu bạn Không chấp nhận "Nghiệp" hay "Mệnh" thì khó mà giải thích hay hiểu Thiên tài là gì, từ đâu đến, sẽ làm gì? Hãy tìm lại người nói câu "nuôi Tâm sinh Thiên tài" là Lý Đông A. Đọc Lý Đông A chúng ta hiểu gì? Ngoài phần ông biết mà chúng ta suy nghĩ cả đời cũng không biết thì phần mà ông viết ra chúng ta có thể hiểu là những gì?

Nhưng Thiên tài mà không gặp thời thì cũng chẳng làm được gì vì thiếu Nhân tài phụ lực. Vậy nếu phải chọn giữa một Thiên tài và nhiều Nhân tài để thay đổi xã hội thì bạn chọn cách nào? Nuôi Thiên tài đã không biết thì chỉ còn cách đào tạo Nhân tài. Lấy Lượng thay Phẩm? Cho dù biết rằng "Binh hồ tinh bất quý hồ đa". Vậy thì cuối cùng không biết "nuôi Tâm sinh Thiên tài, nuôi Óc sinh Nhân tài" thì cũng đừng “nuôi Thân sinh Nô tài". Làm người khó thay.

Nhìn góc cạnh khác, nếu "nuôi Tâm" được thì bạn muốn là Thiên tài như thế nào?

Thiên tài

Phải chăng thiên tài là biết hết mọi chuyện? Làm được mọi việc? Giá trị của thiên tài là gì?

Thiên tài không phải chỉ đánh giá ở sự thành công về tài mà còn về đức, ngay cả sự thất bại cũng có giá trị vì những đóng góp siêu việt, ảnh hưởng nhân loại về lâu dài.

Thiên tài không phải là Thần, Thánh có phép màu, làm đủ mọi chuyện theo ý dân. Thiên tài có giới hạn trong phạm vi đóng góp một vài lãnh vực (đã được nuôi để thực hiện cũng từ do Nghiệp và Mệnh) và vì nuôi (tu dưỡng) quá khó nên Thật thì ít mà Giả thì nhiều. Nói theo kinh tế thì vì nhu cầu đòi hỏi từ đa số dân mong có Thiên tài xuất hiện cứu độ chúng sinh nên kẻ thiếu đạo đức nhảy ra cung cấp Thiên tài giả như chúng ta thấy trong cộng đồng Việt Nam (Nhân điện, Thanh Hải, lãnh đạo chống CSVN ...). Điều kiện nào là cần và đủ để được gọi là Thiên tài? Tất nhiên là có Tài năng thuộc một (hay nhiều) lãnh vực, có mục đích tốt cho con người về lâu dài. Đó là Tài còn về Đức? Có những Thiên tài đóng góp rất nhiều cho nhân loại nhưng đời sống cá nhân rất bê bối. Bạn có đồng ý sự đổi chác để có Thiên tài dù phải chấp nhận cuộc sống cá nhân vô luân, trụy lạc, bê bối... của Thiên tài? Đó là "cần".

Vậy đâu là (đủ để gọi) Thiên tài thật sự? Hãy nhìn lại lịch sử loài người từ Đông sang Tây với những vĩ nhân được các quốc gia, dân tộc tôn sùng qua nhiều thế kỷ nhưng thực sự đối với bên ngoài (dân tộc, quốc gia khác) thì sao?

Thí dụ như Thành Cát Tư Hãn có thể nào là Thiên tài với các cuộc chinh chiến tư Đông sang Tây? Hay như Mao, Khổng Tử ... đối với dân Trung Hoa có thể là Thiên tài nhưng đối với các dân tộc lân bang, thế giới thì không đạt. Ngược lại, Lão Tử được biết đến qua Đạo Đức Kinh nhưng cả thế giới kim cổ phải chấp nhận là Thiên tài. Cũng như Leonardo Da Vinci là người có tài năng về nhiều mặt mà những đóng góp của ông sau nhiều thế kỷ vẫn được tôn trọng.

Kết

Vậy chuyên "nuôi Tâm sinh Thiên tài" chỉ là lời nhắn nhủ của tiền nhân để đừng "nuôi Thân sinh nô tài", chỉ cần cố gắng "nuôi Óc sinh nhân tài" là tốt lắm rồi. Cứ nhìn gương Chúa, Phật cứu nhân độ thế thuộc hàng Thiên tài thế nhưng có tín đồ nào "nuôi Tâm" để theo đâu? Nuôi là ý chí tự chọn để theo đuổi chứ không phải có người khác nuôi (giúp). Cứ nhìn sư Minh Tuệ (mới bắt đầu) đang nuôi Tâm đó mà thiên hạ đã chạy theo để được gì? Sao không sống như ông ta đang làm mà theo quỳ lạy làm gì? Nếu ông ta làm 5 điều cùng một lúc (hạnh đầu đà) thì bạn thử theo 1 điều thôi xem sao. Giả sử nuôi Tâm có 8 bậc thì hãy thử 101 trước đi.

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/08/15/nuoi-tam-sinh-thien-tai-p2/?preview_id=5642&preview_nonce=66cfb65fb7&_thumbnail_id=-1

 

 

 

Con Người hay Cơ Chế

Tựa đề bài viết này đã được đăng trên nganlau.com vào tháng 7 năm 2015. Vẫn với tựa đề trên, bài viết này nhìn vấn đề ở góc nhìn của người đấu tranh cho một Việt Nam Nhân Chủ, Tự Do và Phú Cường ở tương lai.

Những người đấu tranh cho một Việt Nam tương lai, hình như chưa bao giờ đặt ra vấn đề này. Chủ đề này rất là quan trọng bởi nếu không nhìn ra được vấn đề thì những người đấu tranh cho một Việt Nam tương lai có thể trở thành một “độc tài” kiểu mới dưới nhãn hiệu dân chủ mà nước Mỹ đã chứng kiến vào cuối năm 2020 với cao điểm của sự kiện 6 tháng 1 năm 2021.

Con Người của lịch sử

Trước hết phải nhìn vấn đề Con Người bởi Con Người đưa ra cơ chế. Mà nếu nhìn Con Người thì phải nhìn vào lịch sử của đất nước từ xa xưa cho đến nay.

Dưới các triều đại của Trần, Lê, Lý; Việt tộc đã có một thời hưng thịnh, an cư lạc nghiệp. Tại sao thế? Tại sao dưới một chế độ phong kiến, Việt tộc có một thời an cư lạc nghiệp nhưng đồng thời cũng dưới chế độ phong kiến đó, Việt tộc bị chiến tranh (Trịnh-Nguyễn phân tranh) và sự tàn bạo của các vua đối với quan thần cũng như dân chúng?

Nhìn lịch sử rõ hơn một tí thì các vua mang lại an cư lạc nghiệp cho người dân là những người có trái tim nhân bản, đặt lợi ích của đất nước, dân tộc, và người dân lên trên hết. Vua tôn trọng dân cho dù trong chiến tranh, vua hỏi ý kiến của dân là nên hòa hay nên đánh qua Hội Nghị Diên Hồng mà vua Trần Thánh Tông là thí dụ điển hình. Ai bảo thời phong kiến không có dân chủ? Phải chăng Việt tộc đã thực thi dân chủ ngay từ thời của vua chúa mà vì ngoại vọng nên chúng ta không nhìn thấy?

Nói thế không có nghĩa là Việt tộc không gặp thời đen tối của chế độ phong kiến. Khi vua ham chơi để quan thần lộng hành thì người dân sẽ chịu nhiều khổ đau. Mà vua ham chơi tức là vua chỉ nghĩ đến cái tôi, cái dục vọng mà không quan tâm đến đất nước, đến đời sống của người dân. Đó là lý do tại sao khi các triều đại đầu tiên, vua-quan đều quan tâm đến an cư lạc nghiệp cho người dân. Nhưng đến cuối các triều đại thì các vua-quan đều bị hủ hóa.

Con Người nếu không đặt chuyện tu dưỡng bản thân là ưu tiên trong cuộc sống thì sớm hay muộn, cá nhân đó sẽ bị tiền, quyền, dâm, danh làm họ hư hỏng. Đó là lý do giải thích tại sao các triều đại của cuối đời Lý, Lê, Trần -- có những vị vua và quan thần tồi bại để tạo ra loạn lạc, tranh giành quyền lực với nhau, làm cuộc sống của dân nhiều khốn khổ.

Con Người, đặc biệt người lãnh đạo, đóng vị trí rất quan trọng trong việc đem lại an cư lạc nghiệp cho tập thể người dân sống trong xã hội. Con Người Nhân Bản sẽ tạo ra những chính sách để phục vụ xã hội trong khi Con Người thiếu Nhân Bản sẽ dùng những chính sách để lừa người dân với mục đích chính là phục vụ quyền lợi bản thân (quyền và tiền).

Cơ Chế

Có người quan niệm rằng sự lạm quyền của người lãnh đạo là do cơ chế. Từ lý do đó, nhiều cơ chế được lập ra trong quá khứ để chuyện lạm quyền, độc tài không xảy ra.

Hãy nhìn về cơ chế, đặc biệt cơ chế tam quyền phân lập của Mỹ được xem là kiểu mẫu của thời đại, một kiểu mẫu mới nhất so với cơ chế của khối Âu Châu.

Trên lý thuyết thì tam quyền phân lập của Mỹ nghe rất hay nhưng sau trên 200 năm thử nghiệm, cơ chế đó đã không kiểm soát được tình trạng đảng tranh, tình trạng không ai kiểm soát được ai bởi tinh thần đảng tranh của Mỹ đang ở tột đỉnh mà không thể nào thay đổi để trở về hiện trạng của thời thành lập nước Mỹ.

Thời thành lập nước Mỹ, những người dựng lên bản hiến pháp là những người có lòng tự trọng, tuy có sự khác biệt về ý thức hệ nhưng sẵn sàng gạt bỏ sự khác biệt để tạo ra một hiến pháp khả thi, áp dụng vào đất nước mới hình thành. Hiến pháp đó tuy có nhiều lổ hổng nhưng được bồi dưỡng bằng những thay đổi để đáp lại nguyện vọng của người dân. Đấy là cái thời tinh thần đảng tranh không cao lắm.

Ở cái thời điểm của thế kỷ 21, tinh thần đảng tranh với khẩu hiệu “còn đảng, còn mình” qua nhản hiệu dân chủ, hai đảng tìm cách chống nhau và dùng tâm lý để cử tri thay phiên nhau chọn hai đảng vào vị trí lãnh đạo từ khi đảng tranh được hình thành trong lịch sử của Mỹ.

Cơ quan tư pháp với tòa án Tối Cao Pháp Viện cũng đã vướng vào đảng tranh, xét xử lại những vụ án trước đó, thay vì tôn trọng án lịnh đã xử thì Tối Cao Pháp Viện phá án lịnh đó với lý do đơn giản là quyền của tiểu bang thay vì là quyền của người phụ nữ mà vụ phá thai là thí dụ điển hình.

Những người trong Tối Cao Pháp Viện không có một tổ chức nào, một cơ quan nào có thể kiểm soát những bản án sai trái của họ. Họ vi phạm đạo đức nhưng không có cơ quan nào kiểm soát ngoại trừ họ tự kiểm soát. Làm sao có công bằng khi tự chính cơ quan, có quyền cao nhất trong tư pháp, lại tự kiểm soát được mình? Mong chờ Quốc Hội đàn hạch (impeachment) các vị thẩm phán ở Tối Cao Pháp Viện hiện giờ là chuyện không tưởng bởi tinh thần đảng tranh.

Khi đắc cử các vị lãnh đạo tuyên thệ bảo vệ hiến pháp; thế nhưng ngày 6 tháng 1 năm 2021, những người bạo loạn tấn công vào Quốc Hội hơn hai tiếng đồng hồ, vị tổng thống tại nhiệm lúc đó, ông Trump, hoàn toàn im lặng không làm gì trước tình trạng tính mạng các dân biểu ở hai viện có thể bị nguy hiểm trước đám bạo loạn. Đây là thái độ ăn không được phá cho hôi với mục đích làm cuộc “đảo chính” dưới danh nghĩa của dân chủ.

Cái gọi là tam quyền phân lập đã được lợi dụng tối đa để phục vụ quyền lợi đảng thay vì quyền lợi của đất nước. Khi Con Người hư hỏng, vì mình, vì đảng mình thì không có một cơ chế nào có thể cản trở những điều mà họ muốn làm để thực hiện tham vọng của chính họ, của đảng họ. Khi hành pháp, lập pháp và tư pháp toa rập để phá hoại đất nước thì người dân hoàn toàn bó tay, không làm được gì. Chưa kể ý thức chính trị của người dân cũng theo tinh thần đảng tranh tạo ra hình ảnh dân chủ Mỹ đang ở thời kỳ đi xuống.

Kết

Lịch sử của loài người chứng minh những thời đại mà cuộc sống Con Người được an cư lạc nghiệp không phải vì cơ chế mà vì những người lãnh đạo có trái tim Nhân Bản, tôn trọng sự thật, có Nhân Cách, Nhân Tri, Nhân Trí, Nhân Chủ. Nói nôm na là những người lãnh đạo có tu dưỡng bản thân để đạt trình độ Nhân ở mức độ giác ngộ và phục vụ quyền lợi của người dân và đất nước.

Tuy nhiên lịch sử loài người cho thấy Con Người sẽ bị hủ hóa cho nên cần phải có một cơ chế để giải quyết chuyện hủ hóa thay vì chấp nhận sự hủ hóa.

Cơ chế do Con Người tạo ra. Cơ chế đó dựa trên nền tảng nào cần phải xét lại bởi cái nền tảng mà thiếu gốc thì cái nền tảng đó giả tạo. Tự Do Dân Chủ chỉ là ngọn. Nhân Bản Cương Thường (những nhu cầu của đời sống người cần có mà không cần biết sống ở đâu, quốc gia nào, dân tộc nào) là cái gốc để cơ chế được hình thành từ đó. Cơ chế được hình thành để bảo đảm cái Nhân Bản Cương Thường. Cơ chế đó phải có nền tảng của Nhân Bản Cương Thường.

Muốn bảo đảm Nhân Bản Cương Thường, cơ chế cần phải có hệ thống tuyển chọn, thanh lọc những người lãnh đạo thiếu Nhân Cách, Nhân Tri, Nhân Trí, Nhân Đạo, Nhân Ái, Nhân Sinh. Lãnh đạo gian dối, xem thường luật pháp thì phải có một cơ chế để trừng phạt những hành động đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường. Một cá nhân làm ăn thương mại giỏi không có nghĩa là cá nhân đó có tài để lãnh đạo đất nước bởi lãnh đạo thương mại hoàn toàn khác với lãnh đạo đất nước.

Cơ chế phải được thay đổi theo từng thời gian bởi cuộc sống Con Người thay đổi cho nên cơ chế của 200 năm trước chưa chắc thích hợp với sự thay đổi của Con Người hôm nay. Cơ chế đó phải đáp ứng và bảo đảm Nhân Bản Cương Thường không phải chỉ ở một quốc gia mà ở nhiều quốc gia.

Một người Việt ở thời đại 1940 đã nói đến cơ chế Duy Dân và dưới cơ chế đó, mỗi cá nhân phải tự chính mình làm chủ lấy mình (Nhân Chủ) và tự do phải đặt trên cái nền tảng Nhân Chủ đó.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 6 năm 2024 (Việt lịch 4903)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/08/24/con-nguoi-hay-co-che-2/

 

 

 

 

 

 

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...