Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Nhân Bản Cương Thường: Tự Do Hội Họp, Biểu Tình và Truyền Thông

 

Quyền Tự Do Hội Họp và biểu tình

Tự do ngôn luận được thực hiện qua nhiều hình thức mà quyền được hội họp cũng như biểu tình là một trong những hình thức thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Bất cứ cá nhân nào cũng có quyền kêu gọi một buổi hội họp với bất cứ ai đó để bàn thảo một vấn đề nào đó mà nhóm người đó quan tâm. Địa điểm buổi họp có thể là tư nhân hoặc công cộng. Những buổi họp đó vẫn phải nằm trong vị thế không làm phiền những cá nhân khác ở chung quanh. Một buổi họp mà mọi người gây ồn ào sau 10 giờ tối thì đã làm ảnh hưởng đến người khác.

Biểu tình là sự kêu gọi số đông tập hợp lại tại một địa điểm nào đó để phản ảnh (ủng hộ hay chống đối) một chính sách nào đó. Đây cũng là một áp lực trực tiếp vào chính sách của quốc gia trên mặt quần chúng để những người lãnh đạo cần phải quan tâm, đáp ứng hoặc sửa đổi cho phù hợp với nguyện vọng của số đông; hoặc đáp ứng sự công bằng cho xã hội hay một nhóm tiểu số trong xã hội.

Vì có sự tập trung của số đông cho nên cần phải có giấy phép từ cơ cấu địa phương để cơ cấu địa phương thực hiện chuyện bảo vệ an ninh cho những người tham dự vào cuộc biểu tình. Cơ cấu địa phương không thể nào dùng cái quyền cấp giấy phép để ngăn cản cuộc biểu tình. Giấy phép chỉ là hình thức thông báo để cơ cấu địa phương đưa người đến giữ an ninh, trật tự cho những người tham dự cuộc biểu tình; hoặc đóng một vài đường để người dân có thể thực hiện cuộc biểu tình tuần hành trên đường phố nếu người tổ chức biểu tình có yêu cầu đóng một số đường.

Quyền được biểu tình phải luôn luôn đi kèm với tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân sống trong xã hội đó. Bất cứ sự tập hợp số đông thực hiện chuyện biểu tình không thể nào vì sự tập hợp đó làm cản trở sinh hoạt của xã hội. Vụ biểu tình của những người lái xe vận tải 18 bánh ở Canada đã đi quá phạm vi của quyền biểu tình bởi họ đã làm cản trở lưu thông trên cây cầu vận chuyển hàng hóa từ Canada qua Mỹ hay từ Mỹ qua Canada hơn một tuần lễ. Chưa kể họ làm cản trở cuộc sống của người dân ở một số địa phương bởi sự hiện diện của xe vận tải với nhiều ngày liên tiếp từ sáng đến tối.

Hình ảnh bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ trong ngày 6 tháng 1 năm 2021, có người lý luận rằng họ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình. Tuy nhiên khi thực hiện hai quyền trên mà trở thành bạo động, đập phá tài sản của người khác, hoặc làm cản trở sinh hoạt của đời sống xã hội thì họ đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận và biểu tình.

Cá nhân A có thể đứng trước địa điểm của Quốc Hội để biểu tình từ sáng đến chiều, ngày này qua ngày khác nhưng A phải tôn trọng luật lệ đường xá và không thể nào tự tiện vào trong căn nhà Quốc Hội, phá vòng đai của nhân viên bảo vệ để tự cho mình cái quyền biểu tình mà không quan tâm đến những người khác thì rõ ràng A thực hiện quyền tự do nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm. A cũng không thể nào tự tiện làm cản trở lưu thông khi mà cơ quan công lực yêu cầu không được xuống đường làm cản trở lưu thông.

Khi số người đông với vài ngàn người tập trung để biểu tình thì cơ cấu địa phương ngoài chuyện bảo vệ an ninh mà còn tạo điều kiện như đóng đường để số đông có thể thực hiện chuyện biểu tình trong ngày. Con số người biểu tình là bao nhiêu để cần xin giấy phép là chuyện những người trong cơ cấu điều hành quốc gia phải bàn thảo để tránh chuyện giấy phép là một trở ngại hành chính cho một số nhỏ vài trăm người.

Quyền tự do truyền thông

Nguyên thủy của loài người chưa có chữ viết. Khi chữ viết được hình thành, con người dùng chữ viết trao đổi với những người khác. Để sử dụng quyền tự do ngôn luận được rộng rãi, con người sáng lập ra báo chí, phát thanh, và truyền hình để truyền đạt đến nhiều người. Quyền tự do truyền thông chỉ xuất hiện khi con người phát hiện ra lợi ích của nó đối với xã hội. Chính nhờ truyền thông mà sự hiểu biết của con người được mở rộng hơn; tình thương của con người gia tăng hơn; sự ngăn cách về mặt địa lý, thời gian và không gian đã không còn là trở ngại để mọi người có thể hiểu nhau, thông cảm với nhau qua những phương tiện truyền thông đại chúng.

Ở những quốc gia dân chủ người ta ví von giới truyền thông là đệ tứ quyền. Có nghĩa là ngoài cái cơ chế tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp) thì giới truyền thông đóng vai trò kiểm soát ba cơ quan của chính quyền. Tất cả những vụ tham nhũng, vi phạm luật pháp, che giấu những việc làm phi pháp của người cầm quyền, lạm dụng quyền hành trong lúc thi hành công vụ đều bị các cơ quan báo chí vạch ra cho công luận thấy rõ vấn đề. Từ đó dân chúng đòi hỏi sự minh bạch, sự công bằng trong cơ cấu chính quyền, bắt chính quyền phải chịu trách nhiệm trước những sai trái của chính bộ máy cầm quyền tạo ra.

Quyền tự do truyền thông là các cơ quan truyền thông làm việc độc lập, không có nhiệm vụ tuyên truyền cho chính quyền và sẵn sàng đi tù khi cơ quan an ninh quốc gia đòi hỏi phóng viên phải đưa ra nguồn tài liệu có từ đâu. Đối với người làm truyền thông, việc giữ bí mật những nguồn tin mình có được phải thực hiện bởi nếu không giữ bí mật, những người bên trong các cơ quan chính quyền, các công ty sẽ không dám tố cáo những vi phạm luật pháp bởi vì sợ bị trả thù bằng hình thức rất là hợp pháp.

Chính vì thế mà đã từng có những người làm báo sẵn sàng đi tù thay vì chọn thái độ nói cho cơ quan điều tra biết ai cung cấp tài liệu. Đây chính là đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng sự thật, bảo vệ người đưa tin cho người làm truyền thông. Bất cứ cơ quan truyền thông nào làm việc bị sức ép của bộ máy cầm quyền, phải nói theo điều đảng cầm quyền muốn, phải nói sai sự thật để tờ báo, đài phát thanh, truyền hình được tồn tại thì quyền tự do truyền thông đó đã bị cướp đi, bộ máy cầm quyền đó đã vi phạm Nhân Bản Cương Thường và cơ quan truyền thông đó đã không làm đúng trách nhiệm, đạo đức của người làm truyền thông.

Quyền tự do truyền thông có nghĩa là bất cứ cá nhân nào cũng có thể ra một tờ báo, một đài phát thanh, một đài truyền hình để chuyển tải sự thật hoặc chuyển tải chuyện không thật bị nhà cầm quyền ém nhẹm. Trong sự cạnh tranh giữa các cơ quan truyền thông, ai nói sai sự thật sẽ bị lật tẩy từ một cơ quan truyền thông khác và nếu người dân có đủ trình độ hiểu biết, sẽ tẩy chay cơ quan truyền thông nói sai sự thật.

Cần phải nhìn rõ vấn đề trong sự so sánh về con số trong giới truyền thông. Các nước độc tài, đặc biệt là nhà cầm quyền Việt Nam, họ cho rằng họ có quyền tự do truyền thông bởi họ có 849 báo và tạp chí; 67 đài phát thanh và truyền hình; 195 báo điện tử. Với hơn một ngàn cơ quan truyền thông mà chỉ nói theo một luận điệu của đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) csvn muốn thì đó không phải là quyền tự do truyền thông. Đó chính là độc tài truyền thông để tuyên truyền chủ trương của đãng cầm quyền; mục đích của báo chí, truyền thanh, truyền hình là để phục vụ bộ máy cầm quyền. 

Ngược lại nếu một quốc gia chỉ có một tờ báo duy nhất, hoặc một đài truyền hình duy nhất nhưng nếu tờ báo đó, đài truyền hình đó có toàn quyền muốn đi bất cứ bản tin nào để nói lên sự thật của xã hội, của cơ chế cầm quyền, của bất cứ vấn đề nào trong xã hội mà không sợ phải đi tù thì cho dù chỉ là một tờ báo duy nhất, đất nước đó vẫn có quyền tự do truyền thông.

Con số bao nhiêu báo đài sẽ không nói lên được đất nước đó có quyền tự do truyền thông hay không. Phải nhìn vào bản chất của các cơ quan truyền thông là họ phục vụ ai, họ thực hiện nhiệm vụ truyền thông hay nhiệm vụ tuyên truyền. Nếu họ phục vụ đảng cầm quyền, đặt tuyên truyền là chủ trương chính -- thì rõ ràng họ đã bán đi cái quyền tự do truyền thông của chính họ và đất nước đó không có quyền tự do truyền thông, đi ngược lại Nhân Bản Cương Thường.

Tại Hoa Kỳ giới truyền thông đã bị các nhà tư bản mua cho nên thông tin của các đài truyền thông lớn của Hoa Kỳ cần phải xét lại mục tiêu, chủ đích đưa tin của họ là gì.

Hình ảnh những người làm truyền thông của đài Fox, không tin vào những lời nói, lý luận, dẫn chứng của người ủng hộ Trump trên vấn đề bầu cử có gian lận. Tuy nhiên, vì không muốn làm thính giả bỏ đài Fox (quyền lợi kinh tế), họ tiếp tục tung tin giả cho rằng bầu cử có gian lận bằng cách mời những cá nhân có cùng quan điểm để tiếp tục tuyên truyền là bầu cử có gian lận. Họ tiếp tục tuyên truyền tin tức không có thật mà chính bản thân họ không tin nhưng vẫn tuyên truyền với thính giả của họ.

Khi bị công ty Dominion thưa kiện trong việc bôi nhọ danh tính của công ty trong mùa bầu cử 2020 (công ty này bán máy cho các cơ quan điều hành bầu cử) thì luật sư đài Fox dùng quyền tự do ngôn luận, báo chí, truyền thông để biện luận cho sự việc thông tin sai trái này. Đây là một vụ án rất quan trọng đối với một cơ quan truyền thông bởi nếu đài Fox thắng kiện thì cơ quan truyền thông đã không còn có giá trị trên lãnh vực thông tin vì họ sẵn sàng đưa tin giả mà không chịu trách nhiệm trước những thông tin giả đó.

Cuộc thưa kiện giữa công ty Dominion và Fox đã được giải quyết không phải bằng tòa án mà bằng sự thương lượng. Đài Fox phải bồi thường công ty Dominion giá 787 triệu. Đây là giá trả bằng tiền cho sự nói dối sai sự thật nhằm bôi nhọ uy tín của một công ty hay cá nhân nào đó. Giá trả của sự nói dối của công ty Fox không ngừng ở đó mà sẽ làm cho người dân mất tin tưởng vào hệ thống bầu cử bởi từ sự nói dối tạo ra sự nghi ngờ của một số người dân về hệ thống bầu cử. Chưa kể những cá nhân nói dối qua hệ thống truyền thông, những người chủ trương nói dối của công ty đã không hề chịu trách nhiệm trước việc làm của họ.

Hình ảnh Tucker Carlson, người làm chương trình ở đài Fox, dùng những đoạn thu hình trong ngày bạo loạn ở tại Quốc Hội 6 tháng 1 năm 2021 để cho rằng ngày đó không hề có bạo loạn thì chính Tucker Carlson đã xem thường sự kiện bạo loạn đó. Dùng một vài hình ảnh ôn hòa trong ngày đó tại Quốc Hội để nhận định ngày đó không bạo loạn là một sự nhận định thiếu sự thật, một sự nhận định điều hướng dư luận giống như các nhà cầm quyền độc tài.

Với một Việt Nam tương lai, sự dàn xếp giữa hai công ty về sự tuyên truyền sai với sự thật vẫn chưa đủ mà cần phải bị trừng phạt bởi chính quyền -- thu lại giấy phép làm truyền thông để làm bài học cho các công ty truyền thông là phải có đạo đức trong nghề nghiệp, phải luôn luôn tôn trọng sự thật cho dù sự thật đó làm nhiều người đau lòng. Những cá nhân làm truyền thông mà điều hướng dư luận như việc làm của Tucker Carlson ở đài Fox sẽ phải bị luật pháp trừng phạt vì người làm chương trình đã không đủ khả năng nhìn vấn đề ở dạng tổng thể -- mà muốn nhìn vấn đề ở một góc cạnh nhỏ, tuy thật nhưng không nói lên được sự thật nghiêm trọng của ngày bạo loạn 6 tháng 1 năm 2021, một góc cạnh lớn ảnh hưởng đến nền dân chủ. Không thể nào dùng hình ảnh ôn hòa trong ngày đó ở một góc của căn nhà Quốc Hội để rồi cho rằng bạo loạn không hề xảy ra thì là một sự tuyên truyền trắng trợn, chối bỏ sự thật của ngày bạo loạn, chối bỏ sự nguy hiểm của sự kiện ngày đó với nền dân chủ và hệ thống bầu cử hình thành trên 200 năm qua.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/04/01/nhan-ban-cuong-thuong-tu-do-hoi-hop-bieu-tinh-va-truyen-thong/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...