Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Cơ Chế Đan Quyền (P1)

 

Hiện nay chúng ta đang thấy sự suy thoái dân chủ của cơ chế Tam Quyền Phân Lập. Con người lập ra hiến pháp quy định cơ chế công quyền. Tuy có ý thức sửa đổi, bổ túc qua các tu chính án (amendment) nhưng theo thời đại, con người suy thoái. Hoặc là dân hay giới ưu tú (elite) lãnh đạo thay nhau củng cố nền dân chủ. Nhưng khi cả hai (dân, lãnh đạo) suy thoái thì cơ chế tam quyền phân lập trở thành tam quyền phân tán. Điển hình là sự chi phối của tôn giáo vào hệ thống tòa án. Một khi Tối Cao Pháp Viện (TCPV) dựa vào thành kiến tôn giáo để quyết định án lệ, rồi cũng chính TCPV phá án lệ của tiền nhân nhưng lại trả về các tiểu bang quyết định. Đây là hành động vô trách nhiệm của Tòa Liên Bang phán quyết để duy trì "hợp chủng quốc" thì lại trả về tiểu bang để mỗi tiểu bang có quyết định trái ngược nhau thì căn bản nhân quyền của hợp chủng quốc bị phá vỡ. Nhưng vì đặc quyền tại chức suốt đời (lifetime) nên dân không thể thay đổi cơ chế lẫn nhân sự.

Về mặt lập pháp, cơ chế lưỡng đảng tưởng chừng bền vững nhưng khi sắc dân thay đổi, các nhóm thiểu số dần dần trở thành đa số đe dọa sự chọn lựa ứng cử viên thì thành phần đa số (đang trở thành thiểu số) tìm cách duy trì thế lực chính trị bằng mọi thủ đoạn. Các khuynh hướng chính trị (kỳ thị, quá khích, cô lập) đã từng xuất hiện trước thế chiến II nay tái xuất để khủng bố các nhóm đối lập. Từ hạ tầng cơ sở, sự phân chia bản đồ bầu cử để chèn ép các nhóm thiểu số lan rộng dẫn đến xung đột, hỗn loạn, bất lực trong các cơ chế soạn luật từ tiểu bang đến liên bang. Các thế lực tôn giáo, kinh tế, ngoại bang âm thầm can thiệp vào các tiến trình bầu cử, soạn luật địa phương trên toàn quốc. Một mặt họ kêu gọi dân lo hưởng thụ, làm giàu, lơ là các sinh hoạt chính trị. Mặt khác lớp lãnh đạo lo củng cố địa vị, quyền lợi bản thân và phe đảng bằng cách o bế các nhà tài phiệt, tạo khó khăn cho dân nghèo có cơ hội bỏ phiếu thì nền dân chủ tất phải suy thoái. Khi người dân chạy theo kẻ mỵ dân, thiếu đạo đức, trách nhiệm thì sẽ nhắm mắt chọn kẻ mạnh, hứa hẹn đem lại tương lai tốt đẹp thì đó là con đường dẫn đến độc tài.

Ung thối từ cấp quận, hạt, tiểu bang lên tới cấp liên bang; cũng như từ các nhà lập pháp đến hành pháp; và cuối cùng là tòa án. Khi nhân tài không có thì sự tranh thắng để cầm quyền trở thành đảng tranh với tất cả thủ đoạn đen tối, dơ bẩn, thiếu đạo đức. Người dân không còn quan tâm đến quyền lợi quốc gia mà sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng cử viên hứa hẹn đúng nhu cầu cá nhân, phe nhóm. Ngay cả tầng lớp lãnh đạo tôn giáo cũng quên vai trò đạo đức để ủng hộ ứng viên mất tư cách miễn là giáo điều được đề cao.

Sự tranh luận về chính kiến không còn nữa khi nói láo trở một sự thật khác (alternative truth) và ngụy danh như là "tự do ngôn luận". Cũng như thủ thuật tung tin giả, chụp mũ, vu cáo bất kể bằng chứng tới mức độ cuồng tín, quá khích, đe dọa bạo động bất chấp hình phạt vì hệ thống tòa án bị ngộp bởi các vụ kiện, kháng cáo, điều tra kéo dài. Đó là chưa kể sự phá hoại của kẻ thù từ các quốc gia độc tài. Tất cả phát sinh từ hiến pháp thiết lập cơ cấu chính quyền không cân bằng. Tuy nói là do dân, vì dân, bởi dân nhưng đã giới hạn dân quyền qua bầu cử. Sau khi dân bỏ lá phiếu vào thùng phiếu là hết quyền. Tu chính án đầu tiên 1791 xác nhận quyền "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tụ họp và tín ngưỡng" nhưng chưa phải là Nhân quyền vì chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại. Và sự bạc đãi, đàn áp, bất công với người di dân, dân thiểu số vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc xác nhận 1948 nhưng hàng rào đã có từ mỗi quốc gia và Liên Hiệp Quốc không có lực để ép các nước tôn trọng nhân quyền. Khi quyền làm người bị bóp méo thì dân là tập hợp của người sẽ xây dựng xã hội, quốc gia như thế nào? (học thuyết bản vị).

Như vậy chúng ta thấy nền dân chủ Tây phương xây dựng trên một nền tảng từ trên xuống. Giai cấp ưu tú của xã hội sáng tạo "dân chủ" như trường hợp cách mạng Pháp 1789. Khi nền quân chủ thối nát, dân nghèo bất mãn kết hợp với giới trí thức nổi loạn lật đổ vương quyền nhưng cơ chế dân chủ chưa thành hình và xung đột xảy ra giữa các nhóm (đảng) tham dự cách mạng. Cuối cùng Nã Phá Luân đưa Pháp trở lại chế độ quân chủ. Đa số các cuộc cách mạng chỉ là lật đổ chế độ mà không chuẩn bị cái gì sẽ thay thế. Nếu thành công như cách mạng Mỹ 1775 thì sau đó nền dân chủ thành lập từng bước như một cuộc thí nghiệm với tinh thần thực nghiệm dựa trên Tâm Lý học hơn là Triết Học. Khi phân biệt giáo quyền với chính quyền, các nhà sáng lập nước Mỹ nghĩ rằng sẽ tránh được xung đột như đã xảy ra tại Âu Châu giữa Giáo hoàng và vua các nước. Tuy nhiên chính quyền vẫn phải dựa vào giáo hội về mặt đạo đức và xã hội. Khi chọn khẩu hiệu "tin vào thượng đế" hay tuyên thệ nhậm chức trên thánh kinh là yếu điểm của nền dân chủ Mỹ.

Phân quyền tưởng chừng canh chừng được nhau đã trở thành con quái vật bất khả xâm phạm khi tầng lớp lãnh đạo (đảng chính trị) từ từ đổi màu như loài tắc kè (chameleon) theo thời cuộc. Lớp người có đạo đức bị thay thế bởi kẻ mỵ dân chủ và lưỡng đảng thay vì đối lập thống nhất đã trở thành đảng tranh. Cùng với sự xuất hiện của mạng xã hội đưa con người vào mê trận của tin giả, trong khi giới truyền thống mất tiếng nói vì bị các nhà tài phiệt mua và khống chế. Sự tranh giành quyền lợi của các tập đoàn tư bản cấu kết với chính trị gia bất tài mà tham vọng đã tạo sự chia rẽ trong quần chúng để thủ lợi. Sự bổ nhiệm các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đã bị lũng đoạn khi các Thượng Nghị Sĩ không tôn trọng tiền lệ để chọn nhân tài. Cán cân công lý đã nghiêng ngả. Đã đến lúc phải tìm một cơ chế mới cho sinh hoạt dân chủ.

Khi tam quyền phân lập trở thành ba vua nắm quyền 3 mặt bất kể lẽ phải khi dựa vào tôn giáo để diễn dịch Hiến Pháp theo ý riêng. Trong lúc đó giới truyền thông (báo chí, truyền thanh, truyền hình) bị tràn ngập với tin giả từ mạng xã hội và mắc kẹt về tài chính (qua quảng cáo của các công ty, kỹ nghệ) dẫn đến sự lệ thuộc vào các tập đoàn tư bản khiến tự do báo chí trở thành công cụ của giới tư bản đè bẹp tiếng nói từ người dân. Sự tranh luận, thảo luận, lý luận để tìm sự thật không còn nữa khi chính giới lãnh đạo chính trị các cấp dựa vào tin giả để biện minh, lấp liếm sự thật. Phê bình là ranh giới của cương thường (trật tự) để bảo vệ sinh hoạt dân chủ vì hỗn loạn thì nền dân chủ sẽ bị tiêu diệt. Tâm lý học đã được sử dụng tối đa để lôi kéo người dân chú ý mặt kinh tế trong khi sinh hoạt chính trị được giới lãnh đạo hứa hẹn thỏa mãn bất kỳ nhu cầu nào quan trọng với cử tri để lấy phiếu mà không hề có giải pháp cho quốc gia. Sự chia rẽ càng sâu đậm thì quyền lực của giai cấp lãnh đạo càng mạnh. Đó là lý do chúng ta cần Đan Quyền.

Đan Quyền là hệ thống xen kẽ giữa giữa lớp lãnh đạo và đáy tầng (quốc dân, công dân). Phác họa sơ đồ về Đan Quyền khá phức tạp, cho đến nay chưa có sơ đồ nào khả dĩ diễn tả sự liên hệ trong Đan Quyền. Sự trình bày qua bài viết còn khó khăn hơn tuy nhiên vẫn phải cố gắng.

Hệ thống Đan Quyền thể hiện qua Cơ Năng Hiến Pháp, có thể thay đổi 10, 30 năm và được tu chỉnh với nhiều thành phần tham dự, kiểm soát lẫn nhau, không có tuyệt đối ưu thế hay tại vị suốt đời. Các bộ phận, viện có lãnh đạo do Quốc Trưởng chọn và Trung Tâm Hội Nghị (TTHN) phê chuẩn. Các viện, bộ làm việc cho cả phía Quốc Trưởng (lãnh đạo) lẫn Trung Tâm Hội Nghị (dân). Phần hành chính độc lập (cung cấp dịch vụ) với cả Quốc Trưởng lẫn Trung Tâm Hội Nghị.

Cơ Chế Đan Quyền (P2)

Trần Công Lân

Tháng 5 năm 2024 (Việt lịch 4903)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ

    Sơ Lược Về Nền Tảng Nhân Chủ Ghi chú NL : Trong quá khứ, thế hệ đi trước nói nhiều về tư tưởng Duy Dân nhưng vẫn lập đi, lập lại lý th...