Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Trình Độ và Bằng Cấp

 

Trong tiến trình tu dưỡng bản thân thì cần phải thay đổi suy tư lẫn lộn của đa số người Việt giữa trình độ và bằng cấp.

Số đông người Việt cho rằng người có bằng cấp tức là người có trình độ. Điều này chỉ đúng ở khía cạnh nghề nghiệp mà bằng cấp người đó đã học ở trường sở. Ngay cả cùng một nghề nghiệp với cùng bằng cấp, nói về trình độ nghề nghiệp của hai cá nhân thì hoàn toàn khác nhau do nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài mà cá nhân đó đã từng trải nghiệm. Cho nên trình độ và bằng cấp là hai cái hoàn toàn khác nhau, một trời một vực.

Bằng cấp

Bằng cấp tức là một mảnh bằng được trường trao tặng và cái mảnh bằng đó có thể là nghề nghiệp sống hoặc hoàn toàn không dính dáng gì đến nghề nghiệp của cá nhân đó.

Thí dụ có người học ra bằng bác sĩ y khoa nhưng chọn nghề nghiệp buôn bán, dạy học, hoặc một nghề nghiệp hoàn toàn không dính dáng gì đến ngành y khoa mà người này đã từng học. Đây chỉ là thí dụ điển hình chứ thực tế, đa số khi đã chọn học ngành nào đó thì sẽ hành nghề qua ngành đã học.

Những người có hiểu biết xem bằng cấp chẳng có giá trị là bao nhiêu trong việc đánh giá về một con người. Tuy nhiên, những người có bằng cấp cao, đặc biệt là tiến sĩ, bác sĩ thì họ coi cái bằng cấp của họ to lắm và xem thường người khác.

Có một vị tiến sĩ Việt, hỏi một người trẻ hơn, thuộc thế hệ đàn em hoặc con cháu, về chương trình huấn luyện những người đấu tranh trong nước. Người trẻ đó cho rằng chương trình đó chỉ đạt phần ngọn mà không đạt phần gốc. Thế là ông tiến sĩ nọ, vì tự ái,  nói một câu nghe rất kinh hồn “anh nói thật với em, về mặt trình độ thì em thua anh xa. Đó là sự thật”.

Câu nói đó của ông tiến sĩ nọ là câu nói lầm lẫn giữa cái bằng tiến sĩ và trình độ. Những người xem cái bằng cấp là quan trọng như ông tiến sĩ trên, hiểu sai là khi mình có bằng cấp tiến sĩ không có nghĩa là mình biết tất cả mọi vấn đề. Chưa kể cái bằng cấp tiến sĩ của thời kỳ trước 1975 đối với thế hệ hiện tại của thế kỷ 21 nó chẳng là gì cả. Đơn giản là nếu ai muốn học bằng tiến sĩ thì có thể học được. Người thông minh học thời gian ngắn hơn. Người không thông minh thì học dài hơn. Nói chung đây là sự lựa chọn của mỗi cá nhân là tôi tiếp tục học lên chương trình cao học để từ đó tiến đến bằng tiến sĩ. Nó chỉ nói lên sự thành công, ý chí kiên nhẫn của cá nhân để đạt cái bằng tiến sĩ, bằng cấp cao nhất trong học vấn. Nhưng cái bằng cấp cao đó nó hoàn toàn chẳng nói lên được trình độ và con người của người có bằng cấp tiến sĩ đó.

Thực tế thì có nhiều người ra trường từ những trường đại học nổi tiếng như Harvard, Yale trong nhiều ngành nghề nhưng kết quả là chỉ một số nhỏ thành công lớn trên ngành nghề đã học dù rằng họ ra trường cùng một ngành nghề, cùng một trường nổi tiếng. Tại sao thế? Câu trả lời chính là ở trình độ.

Trình độ

Trình độ được nhìn ở hai góc nhìn khác nhau. Trình độ tổng quát và trình độ nghề nghiệp. Cả hai cái này cần phải phân biệt rõ ràng bởi không thì sẽ dễ bị nhập nhằng mà ông tiến sĩ ở thực tế bên trên đã được nói đến.

Trình độ tổng quát là sự hiểu biết qua kinh nghiệm của cuộc sống, qua sự suy tư ở tận bên trong của tri thức để chính cá nhân đó nhận định vấn đề trên những hiểu biết của bản thân. Tùy theo kinh nghiệm của thực tế cuộc sống, tùy theo tri thức của cá nhân đó ra sao để có thể đưa ra nhận định với những chứng minh đầy thuyết phục hoặc những chứng minh hoàn toàn sai trái bởi kinh nghiệm chưa đủ hoặc bởi tri thức chưa có chiều sâu hầu nhìn vấn đề ở góc cạnh tổng thể.

Trình độ tổng quát không được dạy ở trường sở nào và cũng chẳng có ai cấp cho cái bằng như ở các trường ốc chuyên đào tạo học sinh dựa trên cái đã có; và học sinh chỉ cần học trên những sách vở, trên những lời giảng của thầy cô giáo và đạt điểm thi để được lên lớp hoặc được cấp cái bằng A, B, C, D gì đó.

Ngay cả trình độ tổng quát không có nghĩa là người lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm thì là họ có trình độ cao hơn những người nhỏ tuổi. Cái kinh nghiệm của người lớn tuổi, cái tri thức của người lớn tuổi đôi khi đã không còn hợp thời với những người nhỏ tuổi hôm nay. Thành ra chuyện đi so sánh trình độ để đánh giá ai cao ai thấp thì là chuyện chỉ có những người tự ái -- từ đó dẫn đến tự cao mới làm chuyện đó.

Trình độ nghề nghiệp thì cũng có hai loại tùy theo nghề nghiệp đòi hỏi huấn luyện ở trường hay không cần huấn luyện ở trường. Có những nghề nghiệp đòi hỏi bằng cấp từ trường sở hoặc do kinh nghiệm nghề nghiệp. Thí dụ ngành phi công, người lái máy bay phải qua chương trình huấn luyện từ các trường ốc để có thể lái một chiếc máy bay mà mọi người ngồi trên máy bay đó cảm thấy an toàn.

Có những nghề nghiệp không cần huấn luyện ở trường ốc mà do cha truyền con nối, hoặc do sự ham muốn của cá nhân để tự cá nhân đó học hỏi từ những người khác bởi không có trường ốc để học. Thí dụ những người làm ruộng, làm rẫy. Cha làm ruộng và hy vọng con sẽ tiếp tục mảnh ruộng mà cha để lại sau khi qua đời. Hoặc có những người muốn vào nghề làm ruộng, tự động mua đất và học hỏi từ người khác trên lãnh vực trồng trọt. Thực tế thì có nhiều nghề làm bằng chân tay không cần phải học ở trường sở nào và những ngành nghề này quan trọng trong xã hội nếu thiếu vắng những người làm ngành này. Thí dụ nghề hốt rác, chạy bàn, làm ruộng, làm vườn, quét dọn nhà cửa hoặc văn phòng.

Trình độ dù thuộc loại nào (chuyên nghiệp hay tổng quát) đều dựa vào kinh nghiệm của bản thân cộng với những suy tư từ tri thức bên trong -- để từ đó tạo ra sự khác biệt của những cá nhân, cho dù có cùng một nghề nghiệp nhưng tay nghề lại khác nhau.

Có những người ra trường thực hiện nghề nghiệp theo đúng sự học hỏi từ sách vở. Có những người ra trường thực hiện nghề nghiệp dựa vào sách vở đã dạy nhưng đồng thời biết sáng tạo qua kinh nghiệm, qua những nghiệm luận; và tiếp tục học hỏi để tạo cho tay nghề của mình khác biệt với tay nghề của người khác. Điều này được chứng minh tại sao trong các ngành nghề, có người giỏi, người dỡ (hiểu theo nghĩa chỉ thực hiện theo điều đã học thay vì dùng sự sáng tạo, tiếp tục học hỏi).

Kết luận

Trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng cần phải làm một nghề để sống, để nuôi thân. Không phải ai cũng có cơ hội đến trường để học một nghề nào đó. Cho dù học được một nghề nào đó ở trường sở, cái bằng cấp chỉ là giấy chứng nhận đã học xong chương trình học; nó hoàn toàn không nói lên được trình độ của cá nhân đó ra sao trên lãnh vực nghề nghiệp lẫn cuộc sống.

Trong giao tế -- đừng so sánh trình độ của mình với người khác ra sao bởi đó là một việc làm mang nặng cảm tính, chủ quan chứ không khách quan. Chúng ta có thể đánh giá trình độ của một cá nhân qua lối ứng xử của cá nhân đó chứ chúng ta không thể nào so sánh trình độ (nghề nghiệp hay tổng quát) của chính mình với cá nhân đó bởi đây là việc làm không công bằng và không thực tế.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2022 (Việt lịch 4901)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/09/24/tu-duong-thang-nhan-trinh-do-va-bang-cap/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...