Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Đường Sống Việt Trước Ngưỡng Cửa Thế Kỷ 21: Văn Hóa

Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều phải chính mình chọn lấy đường sống cho chính mình. Nhìn về sự phát triển của Nhật, Đại Hàn, Mỹ và các nước ở Âu Châu, chính mỗi dân tộc sống trên quốc gia đó tự chọn cho mình một đường sống riêng phù hợp với thực tế và hoàn cảnh, cũng như văn hóa của dân tộc. Dân chủ ở các quốc gia tiến bộ tuy có nhiều điểm chung nhưng mỗi quốc gia có những đặt điểm riêng của nó. Nền dân chủ của Mỹ khác với nền dân chủ của Nhật, Đại Hàn, và các nước Âu Châu. Cho nên không thể nào đem một hệ thống dân chủ, triết học, hiến pháp của bất cứ quốc nào áp dụng vào chính quốc gia của mình.

Nhìn về đất nước Việt và dân tộc Việt, hơn bao giờ hết, đường sống Việt đang ở trong tình trạng rất là nguy hiểm mà nếu dân tộc Việt không nhìn ra được vấn đề thì một sớm một chiều, cả dân tộc bị đồng hóa bởi thôn tính của Tàu bằng sự tiếp tay của đảng cộng sản việt nam (csvn, cố ý không viết chữ hoa). Cả dân tộc đang điêu linh. Hàng triệu người phải sống lưu vong hoặc rời bỏ đất nước mình để làm nhân công ở một quốc gia khác. Bao nhiêu người Việt sống bất hợp pháp ở Miên, Mã, Thái, Lào? Tại sao phải chọn thái độ sống bất hợp pháp ở các quốc gia Đông Nam Á thay vì sống trên lãnh thổ Việt? Ở trong nước thì từ giáo dục, chính trị, kinh tế, khoa học chỉ là những cái mã bề ngoài mà không có nội dung bên trong. Với hơn 40 năm áp dụng chủ nghĩa cộng sản vào miền Nam và gần 70 năm vào miền Bắc, toàn bộ dân tộc đã bị ngu dân hóa.

Với con số hơn 24 ngàn tiến sĩ tại Việt Nam mà con ốc vít của Samsung vẫn không làm được. Với con số hơn 24 ngàn tiến sĩ và cả trăm ngàn thạc sĩ thì bao nhiêu là thật, bao nhiêu là giả? Ngay cả là bằng thật thì trình độ tiến sĩ, ở trong nước hay ở hải ngoại (bằng cấp từ các nước Á Châu) vẫn là vấn đề đáng quan tâm dưới một cơ chế không ai kiểm soát được những ngành nghề mà đáng lẽ ra phải đặt dưới sự kiểm soát của một cơ quan độc lập, nằm ngoài chính quyền. Chưa kể những bằng tiến sĩ nghe rất là lạ tai mà những ai đã từng sống ở hải ngoại hoàn toàn không hề biết ngành nghề đó có bằng tiến sĩ chẳng hạn như tiến sĩ ngành thể thao quần vợt, tiến sĩ chống tham nhũng (đề nghị của quan chức nào đó tại VN trong việc chống tham nhũng).

Trên lãnh vực đạo đức, người dân đã được hấp thụ tư tưởng để đảng lo. Thành ra những vụ đánh người ngoài đường phố, trong trường học thật dã man, người dân đứng chung quanh nhìn mà không hề tỏ một hành động của một con người can thiệp vào vụ đánh người tàn nhẫn. Bảo là người dân vô cảm thì không hẳn đúng lắm. Nói đúng ra với nền giáo dục nhồi sọ, mọi thứ đều có đảng lo cho nên người dân trở nên thụ động không biết phản ứng như thế nào trước một tình huống mà ở một quốc gia bình thường, người ngoài sẽ tham dự ngăn cản cuộc đánh đập dã man xảy ra ở nơi công cộng.

Xã hội Việt Nam trở thành một xã hội vì tiền. Người ta sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì chỉ vì muốn làm giàu hoặc tạo ra đồng tiền để sống sung sướng hơn. Từ quan đến dân đều mang quan niệm đó -- thành ra chuyện bán đất, bán đảo, bán rừng cho Tàu là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Chuyện cho chất độc vào thức ăn để tạo bảo quản lâu hơn; chuyện cho công ty Tàu xả chất độc vào biển, sông, không khí và được sự bảo kê của đảng cầm quyền không cho người dân biểu tình chống lại; chuyện làm ngơ cho thương buôn đưa hàng hóa học vào biên giới Việt đã nằm ngoài sự kiểm soát của đảng cầm quyền. Dân tộc Việt đang đứng trước một thảm họa diệt vong và đa số người dân không nhận (hoặc cố tình im lặng) ra được hiểm họa này.

Có người lý luận rằng Việt đã bị Tàu đô hộ 1000 năm mà vẫn không đồng hóa được dân tộc Việt thì dù Việt đang có nguy cơ bị đô hộ (hoặc đang bị đô hộ), rồi sẽ đứng lên như cha ông đã từng đứng lên. Điều này có thể đúng nhưng cần phải phải tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao Tàu không đồng hóa được Việt trong khoảng 1000 năm đô hộ và liệu xem dân tộc Việt hôm nay có đủ cái nguyên nhân để không bị đô hộ (hoặc đồng hóa) hay không.

Có thể nói rằng, lý do Tàu không đồng hóa được Việt sau hơn 1000 năm độ hộ chỉ bởi vì Con Người Việt ở cái thời điểm đó mang tính chất Việt nhiều hơn con người Việt của hôm nay. Tính chất Việt đó là gì? Nó được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ “bầu ơi thương bí lấy cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Một con ngựa đau cả đàn không ăn cỏ. Nghèo cho sạch rách cho thơm. Cái nết đánh chết cái đẹp. Một câu nhịn chín câu lành. Một người làm xấu cả bọn mang nhơ. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Một tấm lòng vàng trong manh áo rách. Chết vinh hơn sống nhục. Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư …”.  Dĩ nhiên không hẳn tất cả ca dao tục ngữ Việt còn phù hợp với thế kỷ 21 này, chẳng hạn như “trai năm thê bảy thiếp, gái vỏn vẹn một chồng” đã không còn phù hợp với thế giới của hôm nay.

Chính nhờ bản chất Việt (hay văn hóa Việt) mà phát sinh ra những câu nói bất hữu lưu truyền mãi mãi về sau như:

“Ta thà làm quỹ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng).

"Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta" (Triệu Thị Trinh hay còn gọi là bà Triệu).

“Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã” (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).

“Ðại trượng phu sinh ra ở đời để phò nguy cứu khổ lưu tiếng lại nghìn năm, chớ đâu để làm tôi tớ cho người” (Lê Lợi).

“… Ðánh cho nó chích luân bất phản. Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Quang Trung Nguyễn Huệ). Đánh cho nó ngựa xe tan tác. Đánh cho nó manh giáp chẳng còn. Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ.

 Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?” (Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn – Hịch Tướng Sĩ).

Chính cái bản chất Việt, cái văn hóa Việt vẫn tồn tại trong dòng sống của Việt tộc trong hơn 1000 năm Bắc thuộc để người Việt luôn luôn vươn lên, sẵn sàng hy sinh để giành lại quyền tự chủ cho chính dân tộc của mình. Cái văn hóa Việt đó đã được thay thế bằng văn hóa xã hội chủ nghĩa mà giả dối được tuyên dương, sự thật được gọi là phản động. Cái văn hóa Việt đã được thay thế bằng sự ngoại vọng, luôn luôn cho rằng các tư tưởng bên ngoài hay hơn của người Việt để rồi từ tư tưởng đến những ngày lễ lộc được nhập vào đất Việt. Các thái thú thời đại của Việt tộc lại là người gốc Việt nên người Việt không nhìn rõ sự đô hộ kiểu mới của phương Bắc. Mà đã là thái thú, cho dù ở thời điểm hôm nay hay ngày xưa, đều có một mục đích chung là ru ngủ người dân để hút máu người dân từng giờ, từng phút. Cách ru ngủ hay nhất là đem những ngày lễ ăn chơi vào trong quần chúng, để tuổi trẻ không còn nghĩ đến văn hóa Việt mà hòa vào văn hóa Tây, Hàn, Nhật, Hán nhằm mục đích hưởng thụ thay vì nhìn lại chính bản thân mình đã bị nô lệ.

Văn hóa Việt đã hoàn toàn bị thiêu đốt để còn lại cái văn hóa xã hội chủ nghĩa biến con người Việt thành những con vật chỉ biết sống vì vật chất mà không cần biết đạo đức bởi mọi thứ đã có đảng lo. Đây là mối quan tâm rất lớn. Khi mà văn hóa mất thì sự diệt vong của một dân tộc để đồng hóa vào một dân tộc khác rất là dễ dàng. Đề nghị sửa đổi tiếng Việt của ông Bùi Hiền tại Việt Nam là dấu hiệu để thực hiện tiến trình biến đất nước Việt thành một tỉnh thành của Trung Quốc. Khi tiếng Việt là phát thanh từ gốc Hán, chữ viết không còn là Việt nữa thì tất cả những sách vở của người xưa để lại hoàn toàn không có giá trị đối với thế hệ đã học từ ngữ Việt mới mang gốc Hán. Sự tiếp nối của lịch sử hoàn toàn chấm dứt thì lúc đó, dân tộc Việt không còn là Việt mà là Hán.

Vậy thì đường sống Việt của thế kỷ 21 là phải phục hồi lại văn hóa Việt, bản chất Việt. Phục hồi văn hóa Việt không thể xảy ra dưới chế độ hiện tại. Vậy thì mỗi cá nhân phải tự chính mình tìm văn hóa Việt của xa xưa để học hỏi, loại bỏ văn hóa ngu dân, văn hóa giả dối. Phải cùng nhau đứng lên thực hiện bất tuân dân sự không cho con đến trường học hỏi những điều giả dối, học hỏi tiếng Việt mới với mục đích diệt toàn bộ văn hóa Việt. Những vị đã lớn tuổi về hưu, có khả năng dạy các bé học hãy cùng nhau thực hiện nghĩa vụ dạy dỗ các bé tại nhà, tại xóm, tại làng của chính mình. Người dân phải can đảm để bảo vệ an ninh cho những ai dạy học đi ra ngoài cơ chế của đảng cầm quyền vì đây là cách duy nhất để người dân giành lại quyền tự chủ, quyền lợi giáo dục cho con cái của chính mình. Đã đến lúc cần phải hành động và hy sinh. Bởi nếu không thì cả dân tộc sẽ bị Hán hóa trong một tương lai rất gần.

Dĩ nhiên văn hóa chỉ đóng một phần trong tiến trình chống lại sự đồng hóa của phương Bắc. Con người và văn hóa là hai yếu tố quan trọng để cha ông ta trong quá khứ đã đứng lên giành lại quyền tự chủ cho chính mình và dân tộc mình. Con Người đó ra sao sẽ được trình bài ở một bài viết khác.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Dallas, TX

Tháng 8 năm 2017 (Việt lịch 4897)

Nguồn: https://nganlau.com/2018/09/01/duong-song-viet-truoc-nguong-cua-the-ky-21-van-hoa/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

  Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, ...