Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Đường Vào Duy Dân: Đáy Tầng

Đáy tầng là gì? Là những con người sống trong xã hội đó. Là những con người rất là bình thường, có học hoặc không có học. Là những con người làm việc từng giờ, từng phút để lo cho cuộc sống bản thân và gia đình. Là những con người hoàn toàn không hề có được cái quyền tham gia vào những quyết định của bộ máy cầm quyền mà những quyết định đó dính dáng đến cuộc sống của chính mình.

Ở nước Việt của ta hiện giờ, đáy tầng là những người dân thấp cổ bé miệng. Nếu dân số Việt là 96 triệu người thì 90 triệu người thuộc về đáy tầng (thành phần bị trị) và 6 triệu người thuộc về thượng tầng (thành phần thống trị hay thành phần giàu nhờ vào cơ chế). Đây chỉ là ước đoán để chứng minh con số đáy tầng luôn luôn là con số rất lớn. Theo nhận định của cụ Lý Đông A  thì đáy tầng chiếm 98% dân số ở thời điểm hơn 75 năm trước.

Thành phần đáy tầng là thành phần chủ lực để tạo ra sức mạnh của một cơ chế Duy Dân. Nhưng để có một cơ chế Duy Dân xuất hiện thì thành phần đáy tầng phải trực tiếp tham gia vào tiến trình điều hành đất nước qua những hội đoàn xã hội dân sự như hội phụ nữ, nông dân, công nhân, luật sự v.v…. Thành phần đáy tầng phải nhìn vấn đề chính trị là “thiết kế và chấp hành nhân sinh” chứ không phải chính trị theo nghĩa bình thường là tranh giành quyền lãnh đạo đất nước. Thành phần chủ lực phải luôn luôn có cơ hội, điều kiện và phương tiện để thực hiện nghĩa vụ của một quốc dân đối với tiền đồ dân tộc trong việc “thiết kế và chấp hành nhân sinh”.  Khi đã thực hiện nghĩa vụ thì quyền lợi cần phải nói đến bởi nghĩa vụ và quyền lợi luôn luôn đi song song với nhau. Quyền lợi và nghĩa vụ phải hiểu theo nghĩa rộng lớn chứ không phải hiểu theo nghĩa hẹp.

Dĩ nhiên sẽ có người lý luận, đặc biệt là thành phần thống trị, cho rằng người dân trình độ dân trí còn thấp cho nên không thể trưng cầu dân ý, không thể để cho người dân trực tiếp tham gia vào tiến trình làm luật. Đây chỉ là sự biện luận để thành phần thống trị tiếp tục cầm quyền, tiếp tục đưa ra những bộ luật để ngăn cản đáy tầng thực hiện chuyện “thiết kế và chấp hành nhân sinh” cho chính bản thân, gia đình, làng xóm của chính mình. 

Hãy nhìn về lịch sử của nhân loại để thấy từ ngày có sự xuất hiện của con người trên trái đất này, thành phần đáy tầng đã nhìn ra được vấn đề phải kết hợp lại với nhau để sống còn. Từ ý nghĩ đó, những con người thời nguyên thủy đã ngồi lại kết hợp thành bộ tộc, bộ lạc để bảo vệ lẫn nhau chống lại những nguy hiểm từ thiên nhiên đến những người không quan tâm đến việc “thiết kế và chấp hành nhân sinh” mà chỉ nghĩ đến chuyện cướp giựt tài sản, thức ăn của người khác.

Vào thời điểm đó, trình độ của người nguyên thủy ra sao? Tiếng nói, chữ viết của họ vẫn chưa có nhưng họ thấy được vấn đề bởi đó là cuộc sống thực tế, ảnh hưởng đến sinh mệnh sống của họ và từ đó họ hợp quần để thành lập những bộ tộc, bộ lạc, làng xóm, và quốc gia như hiện nay. Tất cả sự hình thành đó mục đích phục vụ đời sống của chính mình, gia đình, làng xóm mà chưa có một cơ chế cầm quyền xuất hiện như thời điểm của hôm nay. Đó chính là việc chính trị theo nghĩa rộng lớn mà cụ Lý Đông A nhận định “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh”.  Nhân sinh là ăn, ngủ, chỗ ở, y tế, giáo dục, môi trường sống chung quanh, tự do giao tế, tự do hội họp, tự do thành lập hội đoàn, tự do phát biểu ý kiến, tự do trút phế người không tài giỏi ra khỏi cơ chế chính quyền, tự do tham dự vào cơ chế chính quyền để thực hiện trực tiếp thiết kế và chấp hành nhân sinh.

Nói một cách bình dân mà cô Phạm Đoan Trang sử dụng đó là “chính trị bình dân”.  Thành phần đáy tầng có thể tham gia vào tiến trình xây dựng một bộ luật để phục vụ cho cái toàn thể chứ không phải phục vụ cho một thành phần nào đó trong xã hội. Và nếu có một bộ luật nào đó chỉ để phục vụ một thành phần nào đó trong xã hội thì bộ luật đó phải được sự đồng ý của đa số thành phần đáy tầng và bộ luật đó không đi ngược lại tinh thần Duy Nhân Cương Thường.  Cái tiến trình này đã xảy ra thời nguyên thủy mà dân trí thời đó so với hôm nay vẫn rất thấp, thế nhưng họ làm được thì không có lý do nào để nói là dân trí hôm nay thấp, không thể thực hiện trưng cầu dân ý; không thể đưa ra luật biểu tình; hay chỉ bởi vì đáy tầng không có chuyên môn nên không có quyền lên tiếng về việc dạy con trẻ học như ông Hồ Ngọc Đại tuyên bố là chỉ có thầy cô giáo có quyền dạy trẻ còn bố mẹ không nên tham dự bởi không có kiến thức. Tất cả những lý luận này chỉ là biện luận cho thành phần thống trị tiếp tục xem thường người dân và muốn người dân tiếp tục ngoan ngoãn phục vụ họ.

Những con người thời nguyên thủy ngoài chuyện hợp quần với nhau thành lập bộ tộc, bộ lạc; họ còn chia sẻ cách tạo ra những dụng cụ thô sơ để thực hiện chuyện săn bắn, hái lượm phục vụ đời sống nhu yếu của mình.  Khi đất nước bị lâm nguy do sự xâm lấn lãnh thổ của giặc phương Bắc, chính thành phần đáy tầng này là chủ lực để thực hiện chuyện đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi Việt, giành lại độc lập cho Việt tộc.

Sức mạnh của đáy tầng đã rõ. Cho nên bất cứ nhà cầm quyền nào, bất cứ cá nhân nào bảo rằng dân trí thấp không nên xen vào chuyện chính trị, giáo dục bởi không có chuyên môn thì đây là một sự phỉ báng, xem thường thành phần đáy tầng.

Để hiểu rõ Duy Dân thì điều đầu tiên cần phải biết đáy tầng là ai và tại sao đó là thành phần quan trọng trong xã hội thời xa xưa lẫn hôm nay.  Thực tế thì trên thế giới này, thành phần đáy tầng đã không còn có dịp để thực hiện “thiết kế và chấp hành nhân sinh” trong sinh hoạt của mình và đất nước ngoài chuyện họ chỉ đi bỏ phiếu (ngoại trừ một nước có nền dân chủ trực tiếp như Thụy Sĩ).  Các chính trị gia, trên lý thuyết là đại diện cho mọi người nhưng khi biểu quyết một dự luật nào đó thì họ dựa vào đảng tính mà hệ thống chính trị của Mỹ là thí dụ điển hình.  Đây là một chế độ dân chủ đảng tranh mà cụ Lý đã có nhắc đến hơn 75 năm trước.

Việt tộc đang đứng trước một thử thách rất lớn: đạo đức con người đã mất hoàn toàn, tinh thần ngoại vọng vẫn tiếp tục xảy ra dù ở trong nước hay ở ngoài nước. Ngoại vọng được hiểu ở một nghĩa rộng lớn. Có nghĩa là cái gì của nước ngoài làm tốt, hoặc tuy không hoàn thiện những vẫn tốt hơn cái mình có thì mình nên đem vào áp dụng cho một đất nước Việt ở tương lai. Đây là một cái nhìn hoàn toàn sai, chỉ dựa vào cái của người mà không nhìn lại lịch sử văn hóa Việt, triết lý Việt có gì nhằm phối hợp với cái hay của thế giới, đồng thời loại bỏ cái dỡ của thế giới để Việt tộc có một nền Nhân Chủ Dân Chủ, một đất nước của Duy Dân.

Thành phần đáy tầng là thành phần chủ lực của một đất nước Việt ở tương lai, trong một xã hội mà mỗi con người là một Duy Dân. Thế nào là một con người Duy Dân? Chủ đề Đường Vào Duy Dân sẽ tiếp tục mổ xẻ từng vấn đề để mọi người thấy mỗi cá nhân Việt có khả năng là một con người Duy Dân ở nhiều cấp độ khác nhau và những cấp độ đó sẽ đóng góp vào tiến trình xây dựng lại Việt tộc hậu cộng sản, một đất nước Duy Dân, một đất nước mà người dân trực tiếp tham dự vào chính trị (thiết kế và chấp hành nhân sinh).

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2018 (Việt Lịch 4897)

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/10/15/duong-vao-duy-dan-day-tang/

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...