Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Duy Nhân Cương Thường: Tổng Quan

Trong bản tuyên bố độc lập của Hoa Kỳ, mở đầu với những chữ sau đây “We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness” (Chúng ta giữ những chân lý này là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người đều được bình đẳng, rằng họ được Đấng Tạo Hóa ban cho họ với các Quyền nhất định, trong số đó là cuộc sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc).

Tuyên bố độc lập thôi vẫn chưa đủ, những người muốn tách ra khỏi Anh Quốc vào lúc đó, ngồi lại với nhau để bàn thảo một cơ cấu chính quyền ra sao. Ban đầu thành lập một chính quyền lỏng lẽo nhưng thấy không có kết quả, để cuối cùng tất cả ngồi lại để thành lập một cơ cấu chính quyền mạnh hơn, cuối cùng thì sự ra đời của bản Hiến Pháp Hoa Kỳ vào năm 1787 (1). Tuy nhiên, bản Hiến Pháp năm 1787 vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho nên bản Hiến Pháp được điều chỉnh thêm với những quyền căn bản của Con Người được ghi rõ trong bản Hiến Pháp vào năm 1791 (2). Những quyền căn bản này được tiếp tục bổ túc và điều chỉnh ở những thời gian sau đó.

Tuy rằng bản tuyên bố độc lập cho rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng và tu chỉnh hiến pháp điều 15 (được thông qua vào năm 1870) (3) cho rằng mọi người có quyền đi bầu nhưng thực tế thì hoàn toàn khác so với thời điểm lịch sử trên. Người Mỹ đen vẫn bị kỳ thị và không có quyền đi bầu và mãi đến khi Voting Right Act được ra đời năm 1965 thì lúc đó tất cả người Mỹ đen có thể đi bầu.(4)

Vậy thì Hiến Pháp này và các bản Hiến Pháp khác chỉ để phục vụ một dân tộc (hay chủng tộc), dựa trên nền tảng văn hóa của dân tộc đó. Cho nên có vấn đề là tại sao, khi nói về nhân quyền, các nước độc tài thường cho rằng nhân quyền Á Châu khác nhân quyền Mỹ Châu, Âu Châu, hay bất cứ quốc gia nào. Thành ra không thể nào cho rằng họ vi phạm nhân quyền bởi có sự khác biệt quan điểm về nhân quyền.

Nếu một Hiến Pháp có thể khẳng định những căn bản cần thiết của Con Người trong cuộc sống thì vấn đề không còn sự khác biệt giữa quốc gia này với quốc gia khác trên lãnh vực Con Người gồm cả nhân quyền, kinh tế, môi trường, bình đẳng v.v…. Vậy thì cái căn bản cần thiết đó của Con Người là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần nhìn rõ là trên thế giới có nhiều dân tộc (quốc gia). Trong cùng một quốc gia có nhiều chủng tộc. Nói một cách khác -- các dân tộc, chủng tộc này tuy có khác nhau nhưng tất cả đều là Con Người. Và đã là Con Người thì có nhu cầu giống nhau. Nhu cầu đó là gì?

1.  Nhu cầu nhu yếu

Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), tinh thần (tôn giáo), giáo dục, an ninh, y tế, phát triển giống nòi (gia đình), hợp tác xã hội (tương quan giữa cá nhân với xã hội và ngược lại) để làm cho cuộc sống của Con Người thăng tiến hơn.

2.  Nhu cầu sinh mệnh

Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sống. Sự phát triển của lịch sử xã hội loài người là do chính Con Người tự làm chủ lấy chính mình và cùng những cá nhân khác trong xã hội để quyết định cho hướng tiến của xã hội.  Nếu để ai đó làm chủ cuộc sống của chính mình thì cuối cùng mình không phải là mình mà là một nô lệ cho ai đó hay sẽ bị một dân tộc khác thôn tính. Hòa bình và hạnh phúc cũng là mục đích trong cuộc sống mà con người theo đuổi. Hòa bình mà không có thức ăn, thuốc men (y tế), việc làm … thì không có hạnh phúc. Hạnh phúc mà vẫn bị đe dọa bởi chiến tranh vì tranh chấp tài nguyên thiên nhiên (dầu khí, biển, đất, đảo …) thì vẫn chưa có hạnh phúc, chưa có hòa bình.

3.  Nhu cầu tự do

Để thực hiện nhu cầu 1 và 2 thì Con Người cần có những quyền tự do căn bản mà ngay từ khởi thủy của loài người, Con Người đã có. Những quyền tự do của Con Người gồm có tự do đi lại, tự do trao đổi thông tin (báo chí), tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do biểu tình (phát biểu ý kiến), tự do lựa chọn trong hôn nhân (gia đình) nhưng không đi ngược lại tự nhiên của Con Người, tự do tham dự vào tiến trình xây dựng xã hội (hoặc tham gia chính trị để thiết kế và chấp hành dân sinh), tự do kinh doanh nếu sự kinh doanh đó không đi ngược lại lợi ích của xã hội. Tất cả các quyền tự do này càng ngày càng được phát triển ra thêm mà quyền tự do báo chí là một thí dụ điển hình. Quyền này hoàn toàn không có trong thời nguyên thủy của loài người khi loài người hợp thành bộ lạc. Những quyền này được công nhận với xã hội hiện đại của thế kỷ 21 bởi quyền này đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát sự lạm dụng quyền lực của các bộ máy nhà nước trên quốc gia sở tại.

Ngoài những quyền tự do trên, Con Người cần có cái quyền được bình đẳng trước pháp luật, quyền vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, quyền được tòa án lắng nghe khi quyền Con Người của mình bị vi phạm, quyền ứng cử và bầu cử trong cơ cấu chính quyền, quyền kiểm soát và phê bình nhà nước (hay đảng phái), quyền tư hữu và những quyền công dân cho chính người dân quy định trong xã hội. Không có những quyền này thì Con Người sẽ không thực hiện được nhu cầu 1 và 2

4.  Nhu cầu cải tạo thiên nhiên

Thiên nhiên luôn luôn là thực thể cùng tồn tại với Con Người. Con Người đã biết cải tạo thiên nhiên để làm thăng tiến cuộc sống của Con Người. Tuy nhiên, nếu Con Người không biết bảo quản thiên nhiên, xài phí phạm thiên nhiên để rồi hủy hoại thiên nhiên thì Con Người sẽ không còn chỗ nào để sống. Khi thiên nhiên bị hủy diệt thì đồng nghĩa Con Người sẽ bị hủy diệt. Cho nên nhu cầu cải tạo thiên nhiên cũng như bảo vệ thiên nhiên là nhu cầu của Con Người. Bảo vệ thiên nhiên không thể thực hiện qua chiến tranh (giành đất, biển, đảo…để bảo vệ). Thiên nhiên và hòa bình là hai yếu tố buộc các dân tộc, quốc gia, xã hội phải hợp tác với nhau để cùng nhau giải quyết hầu có một giải pháp tốt đẹp cho Con Người lẫn thiên nhiên. Nhưng nếu các dân tộc, sắc tộc, xã hội… không có cùng một căn bản tự hiểu biết, tự học hỏi, tự kiểm soát thì xung đột cá nhân sẽ dẫn tới xung đột xã hội, sắc tộc, quốc gia… 

Bốn nhu cầu bên trên là của Con Người (hoặc có thêm những nhu cầu khác chứ không thể có ít hơn) và cũng là điểm mà chúng ta có thể gọi là nhu cầu của nhân loại (Con Người).  Một hiến pháp của một quốc gia hay của bất cứ quốc gia nào,  điều tiên quyết phải có -- là công nhận những nhu cầu này của Con Người. Có nghĩa là mọi người, mọi giống dân, mọi dân tộc sống trên quả địa cầu này đều có những nhu cầu giống nhau -- ít nhất trên căn bản bốn điều đã nói bên trên. Những nhu cầu này sẽ gia tăng tùy theo mức độ phát triển của xã hội.

Đây chính là toàn bộ tiến trình của lịch sử loài người nhằm mục đích làm thăng hoa sức sống của Con Người. Trên những căn bản này, chúng ta có thể tạm gọi đây là Duy Nhân Cương Thường. Duy Nhân Cương Thường tức là những “điều cốt yếu nhất là phải công nhận loài người sống theo nguyên thức và cách thức loài người đã” (5).  Đây là những nhu yếu mà bất cứ dân tộc nào, bất cứ xã hội nào trên thế giới này đều phải trải nghiệm qua từng thời kỳ của lịch sử nhân loại. Thế giới luôn luôn xảy ra chiến tranh chính bởi vì thế giới chưa nhìn ra được cái Duy Nhân Cương Thường để làm căn bản của nhân loại; để làm căn bản cho cách ứng xử giữa những người trong nước và ứng xử với những người ngoài nước; để làm căn bản cho đối nội cũng như đối ngoại; để làm căn bản cho những tương giao quốc tế hầu tránh những xung đột về văn hóa, sắc tộc.  

Nói thế để thấy rằng khi một quốc gia vì nhu cầu phát triển kinh tế, đưa một công ty vào một quốc gia khác và làm ảnh hưởng môi sinh của quốc gia sở tại (vì không muốn ảnh hưởng môi trường trên quốc gia mình) thì chính quốc gia (công ty) muốn phát triển kinh tế đó đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường (nhu cầu 4) mà vụ Formosa là thí dụ điển hình. Các công ty Trung Quốc, Đài Loan hoặc các công ty Tây Phương làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người Việt, hay của bất cứ quốc gia nào tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Trên lãnh vực nhân quyền, khi bất cứ nhà cầm quyền nào đàn áp, bắt bớ người dân chỉ bởi vì người dân thực hiện quyền Con Người căn bản của mình (nhu cầu 3) để kiểm soát sự lạm quyền của người cầm quyền thì chính quốc gia đó đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường và không thể nào biện luận nhân quyền Việt khác nhân quyền Úc, Nhật, Ấn, Mỹ v.v…

Khi mà tất cả mọi người trên toàn thế giới thấy được nhu cầu 1 (nhu yếu) là của mọi Con Người sống trên trái đất này -- thì bất cứ quốc gia nào đem quân xâm chiếm quốc gia khác để chiếm đoạt tài nguyên, lãnh hải -- tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường vì làm thiệt hại đến tài sản, sinh mạng của một quốc gia khác, một dân tộc khác. Chuyện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa; chuyện Nga ủng hộ phiến quân và đưa quân vào Crimea để lấy đất tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Trên lãnh vực giao thương, một quốc gia A xuất cảng sản phẩm mà quốc gia B cũng sản xuất -- để cuối cùng tiêu diệt tìm năng sản xuất của quốc gia B thì quốc gia A đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường; làm quốc gia B mất khả năng tự vệ trên sản phẩm mình có thể tạo ra, dùng sức mạnh sản xuất sản phẩm ở số lượng nhiều để đàn áp sản phẩm của quốc gia khác. Nói đúng ra là một quốc gia có khả năng sản xuất sản phẩm ở số lượng lớn, không tiêu thụ hết mà phải đem ra bán tháo, bán đổ qua hiệp ước thương mại với giá thật rẻ nhằm mục đích thu lợi nhuận cho quốc gia mình (hay công ty mình) và tiêu diệt sức sản xuất của quốc gia bạn thì hành động này đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Khi mà các quốc gia hành xử đối với dân tộc mình cũng như với dân tộc khác trên thế giới trên căn bản Duy Nhân Cương Thường thì sẽ chấm dứt chuyện cá lớn nuốt cá bé trong lãnh vực kinh tế, ngoại giao, thương mại. Với Duy Nhân Cương Thường, mọi người, mọi dân tộc trên thế giới này đối xử với nhau với tư cách là một Con Người đối với một Con Người chứ không phải chủng tộc này đối với chủng tộc khác mà sự khác biệt về văn hóa có thể tạo ra sự xung khắc. Chỉ với Duy Nhân Cương Thường thì sự xung khắc không còn nữa khi mà mọi người nhìn ra được nhu cầu của Con Người để cùng nhau nâng đỡ lẫn nhau, tạo ra một Xã Hội lớn trên trái đất này, hài hòa nhau để mà sống, để làm thăng tiến cuộc sống của mọi Con Người trên trái đất này trong một tinh thần tương kính, không ỷ thế mạnh để ăn hiếp nước yếu.

Đây chính là Duy Nhân Cương Thường mà cụ Lý Đông A nói đến. Đây chính là những cái căn bản của Cương Thường Nhân Loại mà một Việt Nam tương lai phải dựa vào đó để tạo ra một Hiến Pháp (hay Cơ Năng Hiến Pháp) không phải chỉ để phục vụ dân tộc Việt mà là Hiến Pháp phục vụ Con Người (nhân loại).

Lịch sử của nhân loại luôn luôn hướng về chiều hướng nhân bản. Cho nên Duy Nhân Cương Thường không phải là điều không tưởng mà là hướng tới của thời đại ở một tương lai sắp đến. Chỉ trên cái Duy Nhân Cương Thường này, chiến tranh mới có thể chấm dứt mà được giải quyết bằng thương thuyết để bảo vệ Con Người của các phe phái trong chiến tranh.

Bài viết này dựa vào tài liệu Duy Nhân Cương Thường của cụ Lý Đông A và được diễn tả theo sự hiểu biết của người viết. Và trong thời gian tới, người viết sẽ mổ xẻ chi tiết cho từng nhu yếu để thấy rõ tại sao Duy Nhân Cương Thường là rất quan trọng trong cuộc sống của Con Người trong lịch sử của loài người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 8 năm 2017

Dallas, TX

(1)              http://www.history.com/topics/constitution

(2)              http://www.americanusconstitution.com/billofrights.html

(3)             https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_amendments_to_the_United_States_Constitution

(4)              http://www.ontheissues.org/AskMe/15th_amendment.htm

(5)              

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2017/09/15/duy-nhan-cuong-thuong-tong-quan/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...