Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Tìm Hiểu Duy Dân Lý Đông A

Tại sao Duy Dân?

Sau một thời đại của Duy Tâm, Duy Vật ... rồi đến Duy Văn (Duy Văn sử quan, Hoàng Văn Chí) xem ra mọi người VN đều sợ... chữ DUY. Vậy Duy Dân có gì lạ?

Lý Đông A (LĐA) là một thanh niên trẻ, xuất hiện trong một thời gian ngắn 1920-1945 nhưng thời gian góp mặt của ông không quan trọng bằng những tài liệu viết về Duy Dân ông để lại. 

Qua 22 Tài liệu về Duy Dân (xem www.thangnghia.org) cho thấy ông có một tầm nhìn rất xa với óc tổ chức và lý luận vượt thời đại và con người. LĐA không xác định tài liệu theo thứ tự 1,2,3....  Đã là tư tưởng thì nếu bạn cảm nhận về kinh tế, chính trị, triết học... thì bạn cứ theo con đường hợp với khả năng của bạn. 

LĐA đã nhìn thấy sự vươn lên của chủ nghĩa cộng sản (Duy vật) và tư bản (Duy sinh?) và nhận xét cục diện thế giới, VN cho hàng trăm năm sau: thời đại 2000s.

Khi Krishnamurti (triết gia Ấn Độ) đi khắp thế giới để giải quyết vấn nạn của con người từ cá nhân đến thế giới bằng cách xoá bỏ tôn giáo, văn hóa, quốc gia... trong khi LĐA cũng đi từ con người để giải quyết vấn đề thế giới qua Duy Dân và Duy Dân đi qua con người, quốc gia, dân tộc và thế giới. Thật kỳ lạ khi cả hai triết gia không hề biết nhau cùng nói một điều tương tự: “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị"(LĐA) và "hiểu biết cuộc sống là hiểu biết chính chúng ta đấy là cả hai bắt đầu và chấm dứt giáo dục" (Krishnamurti. Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, Hoài Khanh dịch). 

LĐA đã nhìn con người (tự kỷ), nhìn về bản thân để đóng góp cho xã hội (động tha) và đóng góp đó, tốt hay xấu, sẽ quay trở lại tác động lên con người (ỷ tha).

Nhiều xã hội, dân tộc, quốc gia phát triển theo nhiều hướng khác nhau và đưa đến xung đột (thí dụ: quan niệm về nhân quyền, tự do, dân chủ ... tại Liên Hiệp Quốc).

Có mô hình nào dẫn dắt các dân tộc, quốc gia đi song song để cùng nhau tụ lại một điểm hòa bình thế giới? 

Triết học là lý luận của con người, để giúp con người trong cuộc sống. Triết học mà làm con người chìm đắm trong tư tưởng hoang đường hay đưa con người tới hủy diệt là  triết học chết. 

Theo Phạm khắc Hàm thì triết lý  LĐA là nguyên lý Tổng Thể và Hướng Thượng hay là chủ nghĩa Duy Dân. Tổng thể vì trong muôn ngàn người mà mỗi người vẫn có nét độc đáo riêng biệt (chứ không phải như cộng sản là đều giống nhau y khuôn) và trong mỗi người vẫn có mang nét độc đáo của tập thể (dân tộc, quốc gia) theo tinh thần của Hoa Nghiêm: "một vì tất cả, tất cả vì một". Hướng thượng vì phải giúp con người vươn lên, tiến bộ chứ không thể đi vào tình trạng: dân tăng tuổi thọ mà sinh suất giảm như Mỹ, Nhật, Anh. 

Duy Dân không mơ hồ, không lảm nhảm dài dòng như các chủ nghĩa triết học khác. Duy Dân rất ngắn gọn, tuy gồm 22 tài liệu nhưng chỉ có một số là chủ yếu. Nhận thức được tài liệu nào là chính yếu cũng là một vấn đề đối với người muốn tìm hiểu tư tưởng LĐA. 

Nhưng để hiểu Duy Dân lại là một vấn đề khác. Và thực hiện lại càng xa vời hơn nữa vì  nền tảng Duy Dân cho thấy được xây dựng trên con người qua: "Tu dưỡng thắng nhân"(TDTN)  và "Sinh mệnh tâm lý"(SMTL). Một cách ngắn gọn TDTN đòi hỏi con người tự rèn luyện học hỏi để có một thể xác và tinh thần thích hợp cho một cuộc "cách mạng toàn diện, triệt để và xuyên suốt". SMTL để thấy mình đứng ở đâu trong xã hội, sẽ đóng vai trò gì tích cực nhất cho xã hội. Nếu cá nhân không làm chủ được "Tính-Tâm-Thân-Mệnh" của mình thì nói gì đến Nhân Chủ và Dân Chủ. Nếu cá nhân không giữ được: "Trình-Bình-Hòa" thì hội nhập xã hội nào cũng chỉ gây rối loạn. 

Những công thức (lý tắc, quy luật ...) của Duy Dân như: "toại kỳ sở nhu”: đáp ứng vừa đủ nhu cầu để sống; “tận kỳ sở năng”: làm việc với tất cả khả năng sẵn có;  “chính kỳ sở mệnh”: biết thân phận mình với việc làm chính đáng nhất  cho thấy Duy Dân đòi hỏi con người phải tự biết mình, hiểu mình, tự giác... để đặt khả năng và vị trí của mình trong xã hội và đóng góp cho xã hội (động tha) một cách thích hợp nhất. Thay vì như xã hội Mỹ, ai cũng có giấc mơ (Dream) mà không biết thân phận, khả năng của chính mình hay  nhân danh người đóng thuế để đòi hỏi quyền lợi mà đôi khi đòi hỏi đó đi quá trớn (nhiều hơn con số thuế thu hay tổn hại đến xã hội, quốc gia). 

Con người sống với xã hội (hay tập thể) tất có xung đột quyền lợi (cá nhân với cá nhân, tập thể với tập thể) nhưng yếu tố thiên nhiên sẽ là quyết định. Con người dù cá nhân hay tập thể đều dựa vào thiên nhiên để sống. Nếu không bảo vệ môi sinh và thiên nhiên hủy hoại thì tập thể hay cá nhân, tư bản hay cộng sản đều chết theo. Đó là tại sao LĐA đưa ra tiền đề nền tảng "Tự nhiên (thiên nhiên), tư tưởng (con người) và xã hội (dân tộc, quốc gia) thống nhất" như là căn bản Nghĩa. 

Con người có khả năng học hỏi, tiến hóa nhưng làm sao bảo đảm hướng đi của con người không đi vào ngõ cụt: hủy diệt nền văn minh nhân loại như các nền văn minh Ai Cập cổ, Maya (Mexico).... Do đó LĐA đã đưa ra căn bản học: Khoa học-Đạo học (triết học) - Sử học. Đó là một cái kiềng ba chân để kiểm soát và cân bằng (check-balance). Khoa học nếu không có đạo đức, triết học hướng dẫn thì nhân loại sẽ rơi vào khủng khoảng như: clone, genetic modifier ...; và nếu không dựa vào sử học (không cạo sửa kiểu CSVN, TC) để ghi lại những sai lầm của con người trong quá khứ, thì khoa học như "clone" sẽ tạo những con người/vật giống y như nhau nhưng phần hồn thì không biết sẽ ra sao. Cũng như khoa học về "genetic modifier" có thể thay đổi từng phần của DNA con người để "chữa bệnh" nhưng vẫn không có câu trả lời là phản ứng cơ thể và tinh thần của con người "bị cạo sửa" sẽ có tương lai ra sao. Đây chính là vấn nạn lớn nhất của nước Mỹ, là quốc gia hàng đầu về phát minh. Nhưng các phát minh về khoa học, y khoa tiến nhanh hơn luật pháp (đạo đức, triết học). Thiếu triết học, khoa học sẽ trở thành con quái vật Leviathan của Thomas Hobbs và tạo nhiều vấn nạn hơn vượt ngoài tầm kiểm soát của con người và xã hội. 

Con người sinh ra vốn "vô kỷ" (không thiện, không ác). Nhưng thế giới loài người là "duyên khởi": có Trời-Đất (âm- dương). Con người lớn lên trong xã hội vốn đã có cả Xấu-Tốt. Sự chọn lựa là từ con người. Người xưa đã đặt ra Kinh Dịch để con người sử dụng nhưng không phải ai cũng sử dụng được. Kinh Dịch là một phần trong TDTN của LĐA. 

Con người tồn tại và phát triển được hay không là nhờ ở xã hội nuôi dưỡng hắn. Xã hội tốt thì con người vươn lên; xã hội thối nát thì con người chìm đắm trong đau khổ, thù hận và có thể đi đến chiến tranh hủy diệt loài người. 

TDTN để trở thành người tốt nhưng sẽ đóng góp như thế nào cho xã hội?

Theo LĐA thì con người bất luận chủng tộc, sắc tộc… sống cần có những nguyên tắc về Nhân Bản (nhân đạo), Nhân Tính (nhân sinh), Nhân Chủ (nhân cách) để hiểu biết vai trò của mình trong tương quan với xã hội. Nếu mọi xã hội (dân tộc, quốc gia) cùng theo một tiêu chuẩn về cương thường thì hòa bình và trật tự thế giới mới ổn định. 

Theo LĐA thì không phải chỉ con người mới cần giáo dục mà chế độ cũng cần Giáo Dưỡng chế độ. Vì sự tiến hóa của loài người thì cơ chế do con người đặt ra cũng phải thay đổi theo con người chứ không phải bất di bất dịch như những công ước xã hội (social contract) và hiến pháp (Constitution). LĐA đã có mô hình của một Cơ Năng Hiếp Pháp. 

Vì mỗi hoạt động của con người có công việc và giá trị theo từng cấp độ mà LĐA goi là bản vị & cơ năng và những bản vị & cơ năng đó kết thành trung tâm tương tự như phần mềm của máy vi tính có tính mở (open source: Linux) để có thể tiếp nhận bất cứ hình thức tương đồng nào trên tầm mức dân tộc, quốc gia (có nhiều dân tộc sống chung) hay nhân loại. 

Cho dù con người tiến bộ đến đâu chăng nữa thì mỗi cá nhân cũng chỉ có 24 giờ/ngày và trái tim đập có hạn kỳ, một dạ dày với dung tích 2 lít. Vậy thì sự tranh dành miếng ăn ngon, sở hữu tài nguyên thiên nhiên để làm giàu có ích lợi gì ngoài gây chiến tranh, phí phạm tài nguyên và hủy hoại thiên nhiên. Và để ngăn ngừa sự quá độ của con người, LĐA đã nói đến "Bình Sản Kinh tế" vì sự khai thác thiên nhiên quá độ sẽ hủy hoại môi sinh như chúng ta thấy hiện nay. Và sự vô lý khi có những nhà tỷ phú sống với những căn nhà hàng trăm triệu, du thuyền, máy bay riêng... và trong cùng một nước vẫn còn người có việc làm nhưng không thể tìm được chỗ ở, thế giới vẫn còn nạn đói, thiếu nước trong khi ai cũng nói sinh ra bình đẳng(?).  Sự bình đẳng về tài sản là cần thiết vì con người sinh ra bình đẳng thì tại sao sống bất bình đẳng để rồi chết như nhau? Bình đẳng vì chẳng có gì đem theo được khi chết. 

Vì thế cần có Duy Dân, tập thể con người: DÂN quyết định hướng tiến của nhân loại. Dân có hòa hợp thì loài người tiến bộ. Dân xung đột, trong một quốc gia hay giữa các quốc gia, thì sự tìm kiếm hạnh phúc của con người còn xa vời. 

Con người phải hiểu mình qua tu dưỡng, giáo dục để Sống Biết, Sống Đúng và Sống Thực. 

Chỉ có Thắng Nhân mới thực hiện Thắng Nghĩa. Và Thắng Nhân không phải là một tiến trình học lấy bằng cấp, đó là một trình giáo dục tiến hóa với thời đại (biến dịch) qua Thân-Tâm và hệ thống tư tưởng Duy Dân là mở, và chuyển theo thời đại. Quy luật "tung hợp” và "thống nhất" của LĐA luôn luôn bao trùm thời-không gian. 

Để hiểu tư tưởng LĐA nên nhớ lời của Hải Thương Lãn ông mà LĐA có nhắc trong "Chìa Khóa Thắng Nghĩa": "Đọc sách tìm nghĩa không khó, hiểu được lý mới khó, hiểu ngoài lý càng khó hơn nữa". 

Có người hỏi: Tại sao LĐA không nói đến tôn giáo hay y tế ? Tôn giáo chỉ cần thiết vào giai đoạn con người mới kết tụ gọi là "nhân loại thành lập". Nếu có Tu dưỡng bản thân thì bạn đã tự chủ về bản thân. Chỉ có những người yếu đuối về vật chất, tinh thần mới đi tìm sự giúp đỡ bên ngoài.  Tôn giáo nào cũng chỉ nói "ta là người chỉ đường, chính ngươi (bạn) phải đi". 

Tôn giáo do con người tạo ra để giúp đỡ người. Và cũng vì vậy những nhà độc tài chính trị đã lợi dụng tôn giáo để thao túng quyền lực. Đối với y tế cũng thế, nếu con người sống đúng (tu dưỡng) thì sẽ tránh rất nhiều bệnh tật vô lý vì sự quá độ. Y tế tuy cần thiết cho xã hội nhưng không vì thế mà nuôi dưỡng các công ty bảo hiểm sức khỏe, bào chế thuốc ... thi nhau bóc lột người nghèo. 

Hiểu tư tưởng LĐA không đòi hỏi phải biết từ A đến Z. Hãy "chính kỳ sở mệnh": biết phần của bạn đóng góp cho xã hội để đi xây dựng từ con người đến nhân loại. Duy Dân không cổ võ cho chủ nghĩa quốc gia cực đoan như nhiều người lầm về chữ DUY. Duy Dân vì qua từng dân tộc, quốc gia có giải quyết được vấn đề cục bộ của mình thì mới vươn lên với khu vực (như European Union) và thế giới. Vì chỉ có dân chủ thực sự, dân chủ từ đáy tầng, từ lực lượng gốc, ý thức quyền chính trị để thường trực tham dự sinh hoạt chung chứ không thể giao phó cho tầng lớp ưu tú thao túng sân khấu chính trị quốc gia hay quốc tế. Nếu hòa bình không đến trong một dân tộc, một quốc gia thì làm sao có hòa bình cho một thế giới với nhiều quốc gia, dân tộc.

Bạn có thể là Thắng Nhân không? 

TCL

1-2019 (Việt Lịch 4898) 

(1)    The first and last freedom. Krishnamurti

(2)    Chìa khóa thắng nghĩa. LĐA

(3)    Triết học LĐA. Phạm Khắc Hàm

(4)    Bồ Tát Đạo. Minh Đức Thanh Lương

(5)    Tu dưỡng thắng nhân. LĐA

(6)    Sinh mệnh tâm lý. LĐA

(7)    Leviathan. Thomas Hobbs

(8)    Cơ năng hiến pháp. LĐA

(9)    Duy nhân cương thường. LĐA

(10)    Bình sản kinh tế. LĐA

(11)    Chủ nghĩa duy dân. LĐA

Nguồn: https://nganlau.com/2019/03/24/tim-hieu-duy-dan-ly-dong-a/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...