Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Kiến Thiết Dưới Góc Nhìn Của Lý Đông A (P3)

Phương Châm Của Kiến Thiết

Chủ nghĩa Duy Dân vì nhu yếu thực sự của thời đại mà sản sinh. Tất cả những chủ trương của Duy Dân tức là thực tiễn kiến thiết nên nền văn minh, nó bảo chướng cho quốc gia củng cố mãi, nòi giống sống còn mãi, hạnh phúc tồn tại mãi, tiến hóa kinh thường mãi.

Cái phương châm duy nhất trong kiến thiết của chúng ta là chủ nghĩa Duy Dân, Thái Bình tiêu chuẩn của Duy Dân; đó là những quy định thực tiễn chủ nghĩa, thành lập cuộc Duy Dân dân chủ trên kiến trúc nhân chủ, là nền tảng của Thái Bình được thực hiện cho toàn dân” (LĐA)

Nếu cụ Lý cho rằng Chủ Nghĩa Duy Dân ra đời bởi đó là nhu cầu của thực tế thời đại đã sản sinh ra Chủ Nghĩa Duy Dân thì hôm nay, với thực tế của đất nước VN thì phương châm kiến thiết một VN tương lai phải dựa vào chủ nghĩa Duy Dân để xây dựng một nền dân chủ đúng nghĩa, phù hợp với cuộc sống của Con Người.

Nền dân chủ của thế giới đang khủng hoảng (xem bài Khủng Hoảng Dân Chủ https://nganlau.com/2017/09/15/khung-hoang-dan-chu/). Đây là thực tế bởi nền dân chủ của thế giới, tuy so với các nước độc tài rất là tiến bộ nhưng nền chủ đó đã trở thành nền dân chủ của đảng tranh chứ không phải là nền dân chủ thực sự để phục vụ đời sống của Con Người. Một cơ chế tam quyền phân biệt để tránh cơ hội đưa đến độc tài -- nhưng chính cơ chế này lại tạo ra đảng tranh và để rồi cuộc sống thực tế của Con Người đã trở thành trò chơi chính trị của đảng tranh, nhằm mục đích mua lá phiếu của người dân để thực hiện chính sách của đảng hơn là thực hiện chính sách có lợi cho xã hội.

Chúng ta không thể nào xây dựng VN dựa vào nền dân chủ của thế giới hiện giờ bởi chúng ta không thể nào loại bỏ một kiến trúc cs để rồi nhận lấy một kiến trúc dân chủ khác, tuy khá hơn cs nhưng vẫn không phải là một kiến trúc hoàn hảo để phục vụ đời sống của Con Người. Vậy thì, như đã nói ở phần 2, chúng ta bắt buộc phải dựa vào chủ nghĩa Duy Dân để làm phương châm trong công việc kiến thiết đất nước sau này. Chúng ta bắt buộc phải dựa vào chủ nghĩa Duy Dân để làm phương châm trong công cuộc kiến thiết đất nước bởi chủ nghĩa Duy Dân luôn luôn dựa vào thực tế của xã hội, Con Người, văn hóa, lịch sử để có thể thực hiện kiến thiết trong một tinh thần Duy Dân (lấy con người làm chủ thể trong tất cả các công cuộc kiến thiết và lấy con người để đánh giá kiến thiết thích hợp với cuộc sống xã hội hiện tại hay không, mục đính đánh giá lại phương cách kiến thiết và điều chỉnh phương cách đó cho phù hợp với thực tế, phù hợp với Con Người trong xã hội hiện tại).

Triển Khai Của Kiến Thiết

Sự cải tạo lại thiên nhiên bằng thác thực quốc sách và tán dục kỹ thuật là bản lĩnh bao gồm rất sáng suốt những tác dụng phá hoại và kiến thiết ở trong, nó giúp ích cho ta tiến thêm một tầng lên chinh phục thiên nhiên và dè dặt cho ta rất lớn những cuộc phá hoại lấy xã hội làm mục đích thuần túy. Ta phải tránh bớt cho loài người những khổ nạn đè xéo lẫn nhau. Ta phải lợi dụng cái kinh nghiệm loài người sống bằng cải tạo tự nhiên mà ứng dụng vào kiến thiết của cách mạng gọi là Kiến Chế. Nhưng mà trung tâm của kiến thiết vẫn phải lấy xã hội quốc dân làm đối tượng. Cải tạo cho xã hội vẫn phải lấy xã hội làm xuất phát và căn cứ của Duy Dân cơ năng và quốc dân đoàn, giúp cho quốc dân từ nay sống có tổ chức, có quy luật, có đoàn thể, và có nhỡn quang siêu việt trong kiến trúc Dân Chủ và Nhân Chủ. Chỉ có Nhân Chủ nâng cao được và giải phóng được loài người trên hai nền tảng kia mà triển khai ra các bộ môn kiến thiết, chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự, xã hội, sinh hoạt, nhân chủng... Tất cả đều lấy các căn bản quốc sách làm y quy, thực hành trên các bộ sậu, các giai tầng, các tiết thứ có kế hoạch, ở một quy mô kiến thiết, trên đủ các yêu cầu quốc phòng, nhân sinh và nhân cách. 

Ở các quy mô đó, bằng sự ma luyện thực tiễn mà nên nền văn minh tối cao cả của loài người” (LĐA)

Kiến thiết phải được triển khai bằng quốc sách để cải tạo tự nhiên phục vụ Con Người, phục vụ xã hội người sống trong đó. Dĩ nhiên phải hiểu kiến thiết luôn luôn đi đôi với phá hoại. Nghĩa là có lúc chúng ta phải phá cái cũ hoàn toàn để xây dựng cái mới chứ không thể nào dựa vào cái cũ. Tuy nhiên, bất cứ sự phá hoại nào cũng cần phải cân nhắc xem dự phá hoại đó cần thiết như thế nào và sự ảnh hưởng của phá hoại đó ra sao đối với đời sống của quốc dân trong xã hội.

Kiến thiết phải dựa trên nền tảng, đối tượng là Con Người sống trong xã hội đó. Bất cứ sự cải tạo xã hội phải lấy xã hội, lấy Con Người sống trong xã hội đó làm điểm xuất phát; dựa vào Duy Nhân Cương Thương (xin xem bài viết triển khai về Duy Nhân Cương Thường dưới cái nhìn của cụ Lý) để tạo mọi điều kiện, cơ hội cho những Con Người sống trong xã hội tham gia vào công cuộc kiến thiết với những sinh hoạt đoàn thể dưới dạng xã hội dân sự hầu có thể đem tài năng đóng góp công sức trong công việc kiến thiết xã hội trên mọi lãnh vực. Đây chính là sinh hoạt trong kiến trúc Dân Chủ và Nhân Chủ để từ đó có thể kiến tạo chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự, xã hội, lịch sử cho phù hợp với đời sống của Con Người.

Không một nhà nước nào có thể thực hiện kiến thiết mà không có sự đóng góp công sức của tất cả những thành phần sống trong xã hội đó. Trách nhiệm của nhà nước là đều hướng xã hội để triển khai kiến thiết đi vào thực tế và điều chỉnh nếu sự kiến thiết không phù hợp với thực tế. Nhà nước không thể nào áp đặt sự kiến thiết trên những Con Người sống trong xã hội mà nhiệm vụ duy nhất của nhà nước là phối hợp, điều hành công việc kiến thiết của đất nước cho đồng nhịp gồm cả quốc phòng, nhân sinh và nhân cách.

Nguyên Tắc Của Kiến Thiết

Quốc gia là của nhân dân, quốc gia thành lập bằng nhân dân. Nguyên tắc kiến thiết của chúng ta chính là nguyên tắc Duy Dân của quốc gia hoạt động, của quốc dân kiến thiết, do ở nhân dân kiến thiết cũng như hạnh phúc thuộc về nhân dân, quốc gia đứng vào địa vị trí tuệ chỉ huy, mà các tầng quốc dân cứ tiết thứ kế hoạch, tiết thứ hành động mà lên được quốc gia của quốc dân. Đảng chỉ là phụ đạo và giám sát: Đảng quốc dân hóa” (LĐA)

Phải hiểu rõ sự hình thành Quốc Gia từ đâu mà có. Quốc gia không bao giờ hình thành nếu không có những cá nhân sống trong xã hội đó ngồi lại với nhau, trên một căn bản đồng thuận về văn hóa, đời sống để hình thành một bộ lạc, hay một quốc gia. Vậy thì nguyên tắc của kiến thiết là nguyên tắc của Duy Dân. Nghĩa là người dân sẽ trực tiếp thực hiện kiến thiết, đưa ra những kế hoạch và thực hiện kế hoạch đã đưa ra cho phù hợp với thực tế.  Chính phủ (quốc gia) chỉ đứng vào vị trí trí tuệ chỉ huy, có nghĩa là đưa ra những kế hoạch, chủ trương từ những thành phần chuyên nghiệp và đưa cho quốc dân quyết định, thực hiện công việc mà quốc dân (các nhà chuyên môn) trong xã hội đề bạt và hành động theo sự đề bạt đó. Chính phủ hay đảng chỉ là phụ đạo, giám sát và đều hướng các hoạt động của quốc dân để không bị chồng chéo lên nhau, để tránh sự tốn hao tài lực, nhân lực cho cùng một vấn đề mà đã có địa phương khác thực hiện.

Biện Chứng Của Kiến Thiết

Để mà dẫn đạo cho sự nghiệp lớn lao và khó nhọc nên thành công, chúng ta phải hiểu thấu được biện chứng vận động của kiến thiết. Cũng như phá hoại thời gian, cái thời cơ chuẩn bị quá độ và quyết định của kiến thiết không thể vượt bực được. Để mà nắm giữ được và vận dụng được cái biện chứng đó, sự phân chia công việc theo tính chất diễn tiến thực tế của thời đại theo yêu cầu và phương châm của Duy Dân là tất yếu mà khôn ngoan. Sự phân chia giai đoạn kia không phải là máy móc và khía khớp, nó phải bằng sự phối hợp rất tinh vi mà thuế hóa, rất khoa học chỉ đạo, rất tự động mà rất nhân vi mà làm. 

Nó không phải là quân chính, huấn chính hay hiến chính của Tam Dân chủ nghĩa. Nó không phải là quá độ Cộng Sản chủ nghĩa, với Cộng Sản chủ nghĩa của Nga Sô. Gọi là chuẩn bị, gọi là quá độ và gọi là quyết định là theo tình trạng vận động của nội tại với ngoại tại sẽ phát sinh nên những yêu cầu gì? Đối phó với những yêu cầu đó là bằng những thi hành tiết thứ, những trình tự gì để đạt tới những hiệu suất dự tưởng gì? Nó là khách quan mà không chủ quan. Nó chỉ là giả trạng trình tự thống nhất của thời không vận động đương biến, nói cho đúng ra. Cho nên chuẩn bị thời cơ của kiến thiết ở ngay trong quyết định thời cơ của cách mạng mà thành cái trục chuyển dời. Quyết định thời cơ của kiến thiết ở ngay chấm dứt quá độ thời cơ mà thành cái trục biện chứng. Nắm giữ được hai cái trục đó là nắm giữ được thành công tất nhiên của kiến thiết và muôn đời vận mệnh Duy Dân, tức nhiên thực tế có bả ác hẳn hoi” (LĐA) 

Tất cả công việc kiến thiết nào cũng đều cần có sự chuẩn bị, thực hiện thí điểm, và sau đó đi đến quyết định áp dụng cho toàn quốc.  Cần phải quan tâm đến chuyện phân chia công việc cho từng thời điểm nhưng không quá máy móc mà phải dựa vào thực tế để đưa ra những kế hoạch phù hợp, khả thi, hiệu quả cho xã hội để cùng nhau đẩy mạnh công việc kiến thiết. Bất cứ công việc kiến thiết nào cần phải nhìn vào sức lực nội tại của chính dân tộc và sức lực ngoại tại từ bên ngoài để áp dụng kế hoạch vào công việc kiến thiết.  Phải biết phối hợp giữa hai thế lực nội tại và ngoại tại để đạt được nhu cầu và mục đích của kiến thiết. Đừng dựa vào thế lực ngoại tại để rồi lại đưa đất nước vào sự lệ thuộc của những quốc gia giúp chúng ta trong kiến thiết nhưng bị lệ thuộc ở tương lai.

Công việc kiến thiết phải được suy tư ngay từ lúc này, dựa vào thực tế băng hoại từ kinh tế, giáo dục, văn hóa để đưa ra những dự án có thể khả thi trên từng lãnh vực để khi thời cơ lịch sử đến, ít nhất chúng ta đã có những chương trình kiến thiết sẵn có, hầu đem vào thực tiễn.  Những ai quan tâm đến công việc kiến thiết trên từng lãnh vực, những ai có khả năng trên lãnh vực nghề nghiệp của mình cần phải để tâm vào việc chuẩn bị, đưa ra những kế hoạch phù hợp với thực tế để khi cơ chế này sụp đổ, chúng ta có thể áp dụng ngay và nếu cần điều chỉnh thì không cần phải mất thời gian.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2018

Dallas, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/05/01/kien-thiet-duoi-goc-nhin-cua-ly-dong-a-p3/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...