Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Kiến Thiết Dưới Góc Nhìn Của Lý Đông A (P4)

Đấu Tranh Của Kiến Thiết

Cách mạng bằng phương thức huyết chiến, ấy là tuyệt đối phá hoại; tuyệt đối phá hoại là nhằm vào sự tiêu diệt tuyệt đối địch nhân. Đừng tưởng lầm rằng tuyệt đối phá hoại là phá hoại vô định, phá hoại cùng tận. Nếu tất cả cây cỏ và nhân dân là địch nhân, cách mạng sẽ chỉ còn kiến thiết bằng gạch ngói điêu tàn. Cũng đừng lầm tưởng rằng, sau cuộc tuyệt đối phá hoại là liễu sự, như thế cách mạng sẽ chỉ là phong kiến thống trị. Cách mạng là cứu dân, cách mạng là xây dựng bằng dân, cho dân một đời mới. Cũng vì thế, sau cuộc tuyệt đối phá hoại, còn tương đối phá hoại, sau cuộc huyết chiến còn cuộc đấu tranh. Đi cùng với tuyệt đối địch nhân còn có tương đối địch nhân. 

Thời cơ tuyệt đối phá hoại là lúc mà ta phải buông tha tương đối địch nhân cho thành bè bạn; nhưng mà các tương đối địch nhân ấy phải làm sao cho tiêu diệt. Phá hoại tự trong bản thân, cũng như kiến thiết có luật đối hợp, trong phá hoại có kiến thiết, trong kiến thiết là phá hoại tất nhiên. Chúng ta phải được mà dự định cho công cuộc kiến thiết ta và phá hoại ta toàn diện, triệt để và hướng thượng, nghĩa là thuần túy chân thật và tuyệt đối kiến thiết Duy Dân. Trong thời cơ quyết định các tương đối địch nhân và tuyệt đối địch nhân ấy, các đồng chí hãy xem trong cương lĩnh địch nhân và đối trị lệnh” (LĐA)

Trong kiến thiết cần phải có đấu tranh để phá hoại những cái cần phá hoại trước khi áp dụng chương trình kiến thiết vào thực tế.  Cần phải nắm rõ phá hoại không phải là phá hoại tận cùng bởi phá hoại tận cùng thì lấy gì để xây dựng kiến thiết? Rút kinh nghiệm của đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) csvn sau khi thống nhất đất nước, họ đã phá hoại triệt toàn bộ kinh tế, văn hóa, giáo dục của miền Nam để rồi họ phải chập chững xây dựng lại những cái đã có từ đó. Đến giờ phút này, hơn 40 năm thống nhất đất nước, họ vẫn chưa xây dựng một nền kinh tế, giáo dục, văn hóa so với miền Nam trước đây.

Cần phải nhìn rõ ai là địch nhân của dân tộc. Tuyệt đối địch nhân luôn luôn là thành phần thuộc quốc gia khác mà tuyệt đối địch nhân của VN hiện giờ và cả tương lai là Trung Cộng.  Chắc chắn họ luôn luôn mong muốn sự kiến thiết của chúng ta thất bại. Còn tương đối địch nhân chính là đãng csvn hiện giờ. Cần phải phân biệt giữa đãng csvn và người cs. Bất cứ ai đã từng trong đãng csvn, sau khi cơ chế thay đổi, những người đó có quyền tham dự vào công việc kiến thiết nếu họ loại bỏ tư tưởng cộng sản độc tài đảng trị; nếu họ chấp nhận làm việc trong một tinh thần trách nhiệm dưới một cơ chế lấy Duy Dân làm chủ đạo thì những người này sẽ là lực lượng cần thiết trong công việc kiến thiết đất nước.

Đừng bao giờ theo bước chân của đãng csvn đã tiêu diệt tất cả thành phần trí thức của miền Nam để rồi VN thiếu đi chất xám trong công việc xây dựng đất nước. Công việc xây dựng đất nước là công việc của toàn dân, của mọi thành phần dân tộc chứ không phải thuộc một đảng phái nào, một tổ chức nào. Xây dựng đất nước không phải một ngày, một buổi mà là một thời gian có thể 20 năm, 30 năm hoặc lâu hơn thế. Cho nên phải biết sử dụng tất cả mọi thành phần trong xã hội để cùng nhau xây dựng lại đất nước trước sự xuống cấp về đạo đức, giáo dục, văn hóa, kinh tế, và quân sự.

Kiến thiết đất nước là để xây dựng lại cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn chứ không phải là một cuộc trả thù với những người đã từng đưa đất nước đến thảm cảnh hôm nay. Tương đối địch nhân sẽ trở thành những người bạn trong công việc kiến thiết dưới một cơ chế dân chủ, có trách nhiệm, với thuyết Duy Dân là chủ đạo trong tiến trình kiến thiết.

Đừng lầm lẫn giữa sự kiến thiết và phá hoại. Có những kiến thiết mà chúng ta cần phá hoại triệt để thì mới có thể thực hiện dự án kiến thiết. Thí dụ điển hình là chúng ta sẽ không thể nào kiến thiết đất nước dưới chế cộng sản hôm nay cho nên cơ chế này phải tuyệt đối phá hoại hoàn toàn, triệt để trước khi chúng ta áp dụng những dự án kiến thiết vào thực tế. Còn đối với con người tin vào chủ nghĩa cộng sản, đối với những con người đã góp phần tạo ra thảm cảnh của đất nước hiện nay, nếu họ chịu phá hoại cái suy nghĩ cũ của chính họ để chấp nhận một tư cách làm việc mới, theo đúng luật pháp, theo đúng khả năng thì họ sẽ cùng mọi người tham dự vào kiến thiết. Họ vừa phá hoại với chính mình (loại bỏ tư tưởng độc tài, lối làm việc vô trách nhiệm) và vừa kiến thiết với chính mình (tư tưởng mới, lối làm việc trách nhiệm) và từ đó cùng các thành phần khác trong dân tộc cùng nhau phá những cái cần phá và xây dựng những cái tốt hơn, lành mạnh hơn, thực tế hơn và đồng thời để phục vụ cho mọi Con Người sống trên đất nước Việt của chúng ta. Trong kiến thiết luôn luôn có đấu tranh để phá và xây dựng. Cả hai phải song song tiến hành và đó là lý do tại sao cụ Lý đặt quan niệm kiến thiết ngay trong thời kỳ cách mạng chưa thành công.  Nói đơn giản là chế độ csvn đang ở vào thời kỳ thoái hóa. Dân tộc đã nhìn ra bản chất thật của chế độ csvn là một đảng mafia Việt, tàn bạo hơn mafia của Ý. Vấn đề là thời gian, khi nào dân tộc thực sự thức tỉnh thì lúc đó chế độ csvn cũng sẽ chấm dứt trước sự thức tỉnh của dân tộc. Thời gian đó là bao lâu chúng ta không biết được nhưng chúng ta không thể nào chờ đợi đãng csvn sụp rồi lúc đó mới nghĩ đến chuyện kiến thiết. Trái lại chúng ta phải suy tư đến chuyện kiến thiết ngay từ thời điểm này. Đây là thời điểm không sớm nhưng cũng không muộn để chuẩn bị cho công việc kiến thiết hậu cộng sản xảy ra tốt đẹp nếu chúng ta có sự chuẩn bị trước khi sự sụp đổ xảy ra.

Đạo Đức Của Kiến Thiết

Quốc dân là mục đích của kiến thiết. Kiến thiết là mục đích của phá hoại. Chủ nghĩa, tổ đảng và cách mạng hy sinh thuần túy vì mục đích đó. Mục đích đó hoàn toàn đạo đức. Phải chăng sự thực đạo đức đó mới đạt trọn được mục đích đạo đức. Chúng ta hãy cùng nhau, mau có được tinh thần tiêu chuẩn dân tộc của đạo đức kiến thiết: nâu, lam, tre, sậy mà nhất tề làm và làm nữa, đổ mồ hôi và máu nữa. Sự lý hành đạo đức không phải bằng không ngôn, chỉ có bằng thực tiễn, mà thực tiễn quý nhất là tiên phong và vô danh, quý nhất là sự tự thắng được mình, ấy là thắng được địch nhân. Biện chứng tính là thắng hết vậy” (LĐA)

Tại sao chúng ta phải kiến thiết? Tại vì chúng ta muốn cuộc sống của quốc dân, những người Việt mang dòng máu Hoa, Miên, Lào; dân tộc thiểu số và gồm cả dân tộc Việt có một cuộc sống mang đúng nghĩa là sống thực, sống như một Con Người trong một xã hội nhân bản, nhân tính, và nhân chủ.

Đây chính là đạo đức của kiến thiết. Nghĩa là kiến thiết để phải phục vụ người dân. Bất cứ công việc kiến thiết nào không phải phục vụ cho người dân mà phục vụ cho quyền lợi của một tổ chức, một đảng phái thì sự kiến thiết đó thiếu đạo đức, không phải là kiến thiết trái lại là ngụy kiến thiết.  Cho nên kiến thiết là việc làm không phải vì để có danh tiếng mà là việc làm tự nguyện, tiên phong làm việc hết mình, không cần ai biết đến và sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi của xã hội. Đây chính là tinh thần và đạo đức của kiến thiết. Nhưng để làm chuyện này, chính cá nhân của mỗi người cần phải tự thắng chính mình. Phải tự biết mình, đánh giá được chính mình và lắng nghe đánh giá của người khác để tự chính mình soi gương với chính mình, hầu sửa sai những cái cần sửa sai và trang bị cho chính mình một hành trang mới, phù hợp hiện tại trước khi đóng góp công sức vào công việc kiến thiết.

Mong các bạn có tấm lòng cho đất nước, những ai quan tâm đến chuyện kiến thiết, hãy cùng nhau bắt tay vào việc thảo luận một phương án cho phù hợp với thực tế, với văn hóa, với trình độ của dân tộc Việt hôm nay nếu cơ chế cộng sản sụp đổ trong 5, 10 năm tới. Đã đến lúc phải cần thảo luận về vấn đề này trong thời điểm này thì hy vọng chúng ta mới có sự đồng thuận. Hãy bắt đầu từ những tổ chức nhỏ, với những đề án nhỏ rồi như vết dầu loang -- sẽ đưa đến những dự án lớn, hợp tác với nhiều người để tạo ra những dự án mang tính quốc gia.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2018

Houston, TX

Nguồn: https://nganlau.com/2018/05/15/kien-thiet-duoi-goc-nhin-cua-ly-dong-a-p4/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

  Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, ...