Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Tính-Tâm-Thân-Mệnh

Phần I

Trong tài liệu "Sinh mệnh tâm lý", tác giả (Lý Đông A) có để cập đến căn bản của hành vi (hành động) là Tính-Tâm-Thân-Mệnh. Nhưng không có sự giải thích. Vậy Tính-Tâm-Thân-Mệnh sẽ được hiểu như thế nào?

Tính: Tính (hay Tánh) là lối hành xử của mỗi người (tính ác, tính nóng giận, tính hay hờn dỗi...). Tính phát xuất từ bản chất tâm lý (thu thập, suy nghĩ và phản ứng) của mỗi con người. Con người sinh ra có thân xác và đầu óc giống nhau nhưng bên trong tâm lý, suy nghĩ khác nhau kết thành Tính và Tình; và do Tâm điều khiển, che giấu hay bộc lộ, cởi mở hay khô cứng.

Tâm: Theo Duy Thức (Phật học) phân tích Tâm là thức thứ 8 (a lại da thức) tàng trữ các dữ kiện (data) do thức thứ 7 chuyển đến. Thức thứ 7 là Mạt na thức còn gọi là chuyển thức làm trung gian ghi nhận và phân phối dữ kiện thu nhập do 6 thức đầu. Sáu thức gồm thức thứ 6 làm tổng quản thu nhập mọi dữ kiện do 5 thức: tai, mắt, mũi, miệng, thân đem lại. Vì Tâm coi là phần mềm (software) lưu giữ tin tức như kho tàng (database) trong bộ óc (hard drive) trong thân thể con người.

Thân: Thân xác (vật lý) con người có mục đích nuôi dưỡng bộ óc và chuyển các tín hiệu từ thế giới bên ngoài (xung quanh) về Tâm. Thân thể suy yếu hay mạnh khỏe có ảnh hưởng đến sinh hoạt của óc và Tâm. Khi sinh ra thì Thân và bộ óc hiện hữu nhưng Tâm của đứa trẻ chưa đủ các hoạt động để ghi nhớ, học hỏi và chỉ phát triển theo thời gian khi đứa trẻ lớn và bắt đầu quan sát, bắt chước rồi ghi nhận vào tâm, tính và tình cũng theo đó mà phát triển.

Mệnh: Khi nói đến Tính Mệnh là muốn nói Tính (suy nghĩ đến hành động) ảnh hưởng đến mệnh (mạng sống). Mệnh đứng riêng có nghĩa là Mệnh lý. Theo tử vi (xem Tử Vi Có Khoa Học Không. Đằng Sơn) thì khi mỗi người sinh ra đã được an mệnh trong lá số tử vi gồm 12 cung: Mệnh, Phụ Mẫu, Phúc Đức, Điền Trạch, Quan Lộc, Nô Bộc, Thiên Di, Tật Ách, Phu Thê, Tài Lộc, Tử Tức, Phúc Đức, Huynh Đệ. Đó là định mệnh đã an bài phải trải qua mới biết. Trong đó yếu tố "Thân" (sinh lý) là bản thân cá nhân đương sự tùy theo ngày giờ tháng năm sinh sẽ cư ngụ tại: Mệnh (Thân-Mệnh đồng cung); Quan (Thân cư Quan lộc); Tài (Thân cư Tài lộc); Phúc (Thân cư Phúc đức), Phu Thê (Thân cư Phu/Thê). Thân Mệnh đồng cung có nghĩa cả đời người trước sau như một: sướng là cả đời sướng, khổ là cả đời khổ. Khi Thân cư ngụ tại các cung khác (Quan, Tài, Phúc..) thì có nghĩa là nửa đời trước (trẻ cho đến khi trưởng thành) sẽ chịu ảnh hưởng cung cư ngụ và nửa đời (trưởng thành cho đến già) sau sẽ thuộc ảnh hưởng của cung Mệnh. Yếu tố "Thân" là thuộc chủ quyền của đương sự có cố gắng phấn đấu (có đức) hay buông thả; có kỷ luật, trật tự hay hoang đàng. Nhưng Mệnh thì không thay đổi vì ngoài khả năng của đương sự. Không phải ai sinh ra cũng biết Mệnh của mình sẽ như thế nào cho đến khi lớn lên, vào đời sinh hoạt thử thách thì cuối cùng mới hiểu lý và sự.

Mối nghi tình thông thường của mọi người, từ trí thức thì chê là mê tín, cho đến bình dân thì muốn biết kết quả tức thì mà không chịu quan sát vì mất thời gian nhiều năm mới xác định được kết quả. Cũng như chuyện bạn lái xe ẩu thì tai nạn xảy ra là tại số mạng? Hay do bạn tạo ra (nếu cẩn thận thì có thể tránh được)? Hay chuyện ăn uống cẩu thả thì mang bệnh. Đó là do bạn hay do số mạng? Chỉ khi nào bạn cố gắng hết mức (tận nhân lực) mà việc vẫn xảy đến thì mới biết số mệnh (tri thiên mệnh). Nhưng vì quá trình "chuyển thức" (của Mạt Na thức) đi qua 4 yếu tố: Ngã Si, Ngã Ái, Ngã Kiến, Ngã Mạn nên con người luôn luôn tìm cách phản bác, tránh né mà không quyết tâm tìm hiểu về nguồn gốc của các hành vi: Tính-Tâm-Thân-Mệnh.

Phần II

Phần kế tiếp về Tính-Tâm-Thân-Mệnh, tác giả (Lý Đông A) có đưa ra cái nhìn về "Sinh Mệnh chủ thể", "Sinh Mệnh cơ cấu", và "Sinh Mệnh hệ thống" liên quan đến cơ năng của "xã hội sinh mệnh" gọi là các tầng:

a. "Đức tầng": gồm lý tưởng tầng, nhân cách tầng và sinh mệnh tầng.

Lý tưởng tầng: là những người sống có lý tưởng phục vụ xã hội, dân tộc.

Nhân cách tầng: là những người sống có nhân cách, trật tự.

Sinh mệnh tầng: là những người sống theo "số mệnh" thả lỏng, buông trôi theo cuộc đời.

b. Nghiệp tầng: gồm "sáng ý nghiệp", "quyết đoán nghiệp", và "thực hành nghiệp"

Sáng ý nghiệp": người có khả năng sáng tạo, phát minh.

Quyết đoán nghiệp": người có khả năng quyết định, chỉ huy.

Thực hành nghiệp": người có khả năng thi hành, thực hiện công việc giao phó

c. Tri tầng: gồm "tiên tri tiên giác", "hậu tri hậu giác", "bất tri bất giác"

Tiên tri tiên giác": là biết trước sự việc hoặc là dự đoán và chuẩn bị qua học tập; hay do trực giác, tự ý thức được sự việc xảy ra thì sẽ phải đối phó như thế nào.

Hậu tri hậu giác: là sau khi việc xảy ra mới biết, hay tỉnh ngộ sau khi việc đã xảy ra mới hiểu tương quan giữa Lý và Sự.

Bất tri bất giác: là hết thuốc chữa cho dù việc đã xảy ra cũng không hiểu, không tỉnh ra để nhìn thấy tương quan vì sao sự việc xảy ra như vậy.

Đức và Nghiệp chỉ là yếu tố yểm trợ (support) cho Phần I về Tính, Tâm, Thân, Mệnh trong tài liệu "Sinh Mệnh Tâm lý" mà chỉ có những ai đã từng tìm hiểu về Phật học, Đông phương học mới có lời giải thích hợp (tuy rằng vẫn có thể sai) nhưng ngoài kiến thức kể trên thì chưa thấy có lời giải thích nào khác.

Phần III

Tính người là do cái ngã (cái tôi) thiết lập nên còn gọi là cá tính. Nếu ai dựa vào cá tính (hay tính người) để từ đó suy luận triết học là đi ngược đường vì triết học là môn học tổng quát và nền tảng về sự hiện hữu, nguyên do, kiến thức, giá trị, trí óc và ngôn ngữ. Và ở đây là Lý Đông A áp dụng cho con người.

Vậy thì triết học bao gồm Tính chứ Tính không bao gồm triết học. Dựa vào Tính (người) để giải thích triết học là tẩu hỏa nhập ma.

Nếu nói "Tính con người" là Tiền đề triết học thì Phản đề là cái gì? Là "Tình con người" hay "Tính con thú"? Rồi Tổng hợp để sẽ là gì? "Tính và Tình con người" hay "Tính của sinh vật"?

Lý Đông A là thiên tài. Để học hỏi di sản của thiên tài để lại thì phải học từ từ, tìm hiểu cẩn thận, nguyên do gì Lý Đông A viết như vậy. Bao nhiêu phần trăm là của Lý Đông A và bao nhiêu phần trăm là do người sau ghi lại "viết thêm". Lý do gì Lý Đông A đã viết những tài liệu như vậy. Đâu là nguồn gốc và ý nghĩa của những từ ngữ Lý Đông A xuất hiện trong các tài liệu. Nếu đã không hiểu từng chữ, từng đoạn văn, từng nguyên tắc để hiểu nghĩa, hiểu lý và hiểu ngoài lý nữa thì làm sao có hy vọng phát triển Duy Dân trong thời đại 2000s? Như đã nói trong các tài liệu diễn giải về Duy Dân trước đây là Lý Đông A đưa ra Duy Dân trên căn bản con người có "Nhân đạo, Nhân sinh, Nhân cách" để xây dựng xã hội Duy Dân qua Duy Dân Cơ năng, Cơ năng & Bản vị. Cái khó là có bao nhiêu người đạt được "Nhân sinh, Nhân đạo, Nhân cách" trước khi biết đến Duy Dân? Đọc Duy Dân mà không có căn bản về con người là đã lỡ thời.

Khai triển Lý Đông A không phải xào nấu các ngôn ngữ kỳ quặc của Lý Đông A để dọa người đọc hay để "múa" như Sơn Đông mãi võ; hoặc viết loạn cào cào về các triết học đã chết vì đã thực nghiệm và thất bại.

Tính-Tâm-Thân-Mệnh luôn luôn có sự liên hệ lẫn nhau. Không thể nào giải thích Tính với Mệnh mà bỏ quên cái Tâm với Thân thì sự giải thích xem ra không hoàn chỉnh. Tính là từ Tâm mới có Tính, vì thế mới gọi là "Tâm Tính". Tâm cư ngụ nơi Thân. Thân chịu theo số Mệnh. Thân là cái Ta biết, Mệnh là cái ta chưa biết; ngay cả các bậc Thánh đặt ra Dịch, Độn Giáp, Thái Ất, Tử Vi cũng chỉ biết phần nào về Mệnh. Vậy khi nói đến "tính mạng" (hay tính mệnh, số mệnh) thì phải hiểu đó là số mệnh (cái ta chưa biết) chứ "tính" (tánh) không thể cho là "con số" như trong toán học Tây phương.  Lấy lý lẽ Tây phương để giải thích khoa học Đông phương thì...bó tay.

Mong người viết và bạn đọc cẩn thận.

Trần Công Lân

Tháng 1 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/04/15/tinh-tam-than-menh/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...