Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Cương Thường Giữa Cõi Nhân Sinh (P2)

Tôn trọng mọi người

Tôn trọng mọi người và không phân biệt vùng miền, chủng tộc, sắc tộc, màu da, tín ngưỡng. Con người dù ở nơi đâu cũng đều có người xấu, người tốt. Xấu tốt là ở chính cá nhân đó chứ không ảnh hưởng đến vùng miền hay những tiêu chuẩn khác do con người đặt ra. Người ta thường hay viện dẫn sự xấu từ môi trường chung quanh nhưng nói đúng ra đây chỉ là phụ mà cái chính là do nhận thức bên trong của mỗi người để tự mình chọn nếp sống xấu-tốt chứ ngoại cảnh sẽ không ảnh hưởng đến xấu-tốt nếu cá nhân đó làm chủ được tâm thức của chính mình.

Tôn trọng phải được hiểu đừng bao giờ đánh giá con người ở bằng cấp, địa vị xã hội, hay tuổi tác. Bằng cấp, địa vị xã hội, tuổi tác chỉ là bề ngoài chứ không nói lên được Con Người của cá nhân đó. Có những người có bằng cấp cao, địa vị giàu có nhưng lối ứng xử của họ khiến những người có quan hệ gần gũi hổ thẹn khi nhắc đến chỉ bởi vì họ thiếu sự tự trọng, nhân phẩm, nhân cách. Có những người tuổi cao nhưng đầu óc vẫn như một đứa trẻ, không phân biệt được sự thật và ảo tưởng. Ngược lại có những người tuổi nhỏ nhưng sự nhận thức trưởng thành (tự làm chủ được tâm-sinh-lý của chính mình) trước tuổi để quan tâm đến con người, xã hội, môi sinh từ lúc tuổi vị thành niên và tiếp tục theo đuổi lý tưởng đó cho đến lúc nằm xuống.

Tôn trọng người khác bằng cách thực hiện quyền tự do ngôn luận trong một tinh thần có trách nhiệm. Không bôi nhọ bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào bằng bất cứ phương pháp nào. Chuyện dùng từ ngữ thô nhã để nói về bản chất của một cá nhân, cho dù đó là đúng, không nên làm bởi dù sao đó cũng là một con người có những tham-sân-si như mọi người. Chuyện dùng hình ảnh phiếm họa để diễn đạt bản chất của một con người là chuyện không nên làm bởi hình ảnh đó không có thật. Ngoại trừ bạn làm nghề chọc cười (comedian) thiên hạ thì bạn có thể sử dụng hình ảnh phiếm, hí họa để nói lên bản chất thật của ai đó. Ngoài ra bạn là người bình thường, không phải trong nghề chọc cười thì đừng bao giờ dùng những tranh hí họa đó để áp dụng cho bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào. Nhiều người viện dẫn lý do tự do ngôn luận để tung những tin giả dối về cá nhân nào đó, một tổ chức nào đó mà đài Fox, một vài luật sư nói về cuộc gian lận bầu cử năm 2020 để triệt hạ uy tín của vài công ty. Đây không phải là tự do ngôn luận mà lạm dụng quyền tự do ngôn luận.

Tôn trọng người khác không có nghĩa là bạn im lặng trước sự làm sai trái của một cá nhân, một công ty khi mà họ là những con người của công chúng, có ảnh hưởng đến nhiều người. Người Việt có một tật xấu là hay bao che cái xấu của ai đó mà họ xem là “lãnh tụ” hay những người mà họ ngưỡng mộ. Từ sự bao che đó, những người gian dối tiếp tục hiện diện trong cộng đồng để phá hoại cộng đồng qua khẩu hiệu “xây dựng cộng đồng”. Một cá nhân xấu thì sẽ không bao giờ có một ý tưởng tốt để xây dựng cộng đồng và nếu có thì cũng chỉ là lợi dụng để xây dựng uy tín cá nhân. Và mỗi cá nhân sống trong cộng đồng phải lên tiếng cái xấu đó nếu cá nhân xấu đó tiếp tục lợi dụng cộng đồng để thực hiện ý đồ cá nhân của họ. Xây dựng cộng đồng thì việc đầu tiên là phải loại bỏ những cá nhân xấu đang nằm trong cộng đồng và muốn tạo ảnh hưởng trong cộng đồng.

Tôn trọng người khác tức là bạn chấp nhận có ý kiến khác biệt trong bất cứ giải pháp nào để giải quyết bất cứ vấn đề nào. Tùy theo kinh nghiệm bản thân, tâm và tri thức bên trong của mỗi người, cách giải quyết hay nhận diện vấn đề ở mức độ khác nhau. Mức độ khác nhau đó không cho bạn cái quyền đem kinh nghiệm cuộc sống quá khứ, bằng cấp của mình để cho rằng mình giỏi hơn người khác bởi thực tế kinh nghiệm của bản thân, bằng cấp hoàn toàn không dính dáng đến nhận thức hiện tại bởi hoàn cảnh, thời gian hoàn toàn khác và cái kinh nghiệm đó không còn có giá trị với hoàn cảnh và thời gian mới.

Tôn trọng người khác tức là bạn biết lắng nghe những lời phê bình của người khác về chính mình. Nếu lời phê bình đó đúng thì phải tự mình sửa đổi cái sai trái đó. Nếu sự phê bình sai thì cần phải lên tiếng giải thích cho người phê bình hiểu rõ người phê bình đã nhìn vấn đề không đúng bản chất của sự thật, hoặc có thể im lặng bởi đôi lúc người phê bình không biết luật của phê bình. Đừng ngụy biện cho những sai trái của mình bởi đó là không thành thật với chính bản thân mình.

Tôn trọng người khác tức là khi ai đó đặt câu hỏi với bạn, bạn trả lời thẳng câu hỏi đó chứ không phải trả lời nhưng lại không phải là trả lời để chạy trốn câu hỏi đã đặt ra với chính bạn. Điều này chúng ta thấy rất rõ ở những người làm chính trị tại Mỹ, họ không bao giờ trả lời thẳng câu hỏi đặt ra với chính họ nếu câu hỏi đó không đem lại quyền lợi của bản thân.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/09/07/cuong-thuong-giua-coi-nhan-sinh-p2/

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...