Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Kinh Tế: Bình Sản hay Nhân Bản (P3)

 

Phần II

[Đa số độc giả cho rằng tìm hiểu Duy Dân (hay Lý Đông A) khó hiểu vì bản thân không trải qua tu dưỡng như Lý Đông A (hay có tất năng như ông) và cũng không hiểu là Lý Đông A viết cho người lãnh đạo cách mạng chứ không phải cho dân thường đọc. Những yếu tố về tu dưỡng Lý Đông A đưa ra có vẻ huyền bí, khó hiểu nhưng giá trị của Thắng Nhân để thực hiện Thắng Nghĩa là điều không thể phủ nhận. Một triết gia khác cũng đưa ra sự tu dưỡng nội tâm của cá nhân sẽ như thế nào: đó là Krishnamurti. Nhưng Krishnamurti đi từ con người đến nhân loại, không qua giai đoạn quốc gia và chỉ nhấn mạnh về giáo dục và ý nghĩa cuộc sống. Một nhân vật đương thời viết về con người Việt và nước Việt qua Nhân Luận, Lê Hữu Khóa xác định con người Việt, lịch sử Việt và thế giới. Cả 3 người đều nói về chữ "Nhân". Muốn tìm hiểu Kinh Tế Bình Sản có phù hợp với con người Việt và xã hội Việt hay không thi ít nhất chúng ta cũng phải biết qua Krishnamurti, Lê Hữu Khóa đã nói những gì về con người (Nhân) và đời sống (kinh tế).]

Con người sinh ra bình đẳng (all men are equal)? Phải chăng đó là nhân quyền? Ai xác nhận sự bình đẳng sẽ như thế nào?

Bình đẳng bởi vì con người sinh ra có thể chất giống nhau. Nhưng đôi khi cơ thể tật nguyền, khuyết tật cũng như tinh thần đôi khi không được bình thường chưa kể đến bệnh tật di truyền. Vì lòng nhân đạo, xã hội phải cưu mang những con người như vậy. Một khi được sinh ra thì con người là một thành phần của xã hội cho dù là nam, nữ hay bán nam-bán nữ (đổi giống) hay đồng tình luyến ái vì tất cả đều có nhu cầu ăn, ở, làm việc, đi lại, giao tiếp ....

Rắc rối phát sinh khi con người dựa vào tôn giáo để nhận định về những thành phần khác thường. Giáo quyền xung đột với vương quyền khi con người chấp nhận một vị vua với toàn quyền sinh sát người dân tạo nên xã hội đang được cai trị. Khi vương quyền nhường bước cho chính quyền do dân bầu nhưng nhân quyền chưa được xác định nên các nước dân chủ Âu Châu vẫn còn duy trì chế độ thuộc địa và nô lệ. Khi giai cấp ưu tú nắm chính quyền đặt quyền lợi giai cấp trên quốc gia thì tham nhũng xuất hiện. Sự bóc lột dẫn đến cách mạng vô sản Nga 1917 buộc các nước dân chủ phải thay đổi nhưng giai cấp tư bản thành hình, biến dạng trong bóng tối và chính quyền dân chủ cai trị qua tâm lý học hơn là triết học. Kết quả là kinh tế thị trường xuất hiện hướng dẫn người dân chạy theo sản phẩm theo luật Cung-Cầu.

Thiên nhiên cũng góp phần gây hỗn loạn đời sống con người qua thiên tai, hình thể địa lý. Đất nước thuận lợi giúp người địa phương có đời sống thoải mái hơn những kẻ sinh sống nơi địa lý bất lợi. Mất mùa, đói kém sinh trộm cướp, chiến tranh, di dân....

Trong khi chính quyền được thành lập để đại diện người dân, điều hành sinh hoạt quốc gia trong và ngoài nước nhưng có khi lại đi ngược quyền lợi dân để trở thành tham nhũng hay gây hấn với lân bang. Vậy nếu con người sinh ra bình đẳng thì người dân và viên chức chính quyền khác nhau ra sao (dưới chế độ dân chủ)?

Tuy cùng được giáo dục như nhau nhưng người có khả năng "chính trị" sẽ tham dự chính quyền nhưng có thể nào trở thành đặc quyền để vận dụng cơ hội, hoàn cảnh gây lợi ích bản thân hơn là tập thể.

Nếu đan quyền là hình thức sinh hoạt chính trị để người dân kiểm soát chính quyền theo từng cấp bậc, mức độ thì tại sao trong lãnh vực kinh tế "đan quyền" có thể nào phân phối phần thưởng kinh tế theo năng lực đóng góp cho xã hội (tận kỳ sở năng).

Xét về Nhân Bản thì căn bản đời sống của một cá nhân là ABC.... Như vậy cá nhân đó tham dự xã hội nhưng nếu khả năng (tinh thần, vật chất) dưới mức sống tối thiểu (poverty level) thì nhà nước phải giúp đỡ.

Xét về Nhân Quyền thì mọi người có quyền ABC nhưng nếu một cá nhân không thực hiện quyền đóng góp (làm việc) cho xã hội mà chỉ đòi hỏi quyền hưởng thụ như những người khác có đóng góp (thuế) thì chính quyền sẽ đối xử ra sao?

Sự công bằng trong việc phân phối tài nguyên, lợi tức thuộc lãnh vực kinh tế phải chăng sẽ dựa trên khả năng, tài năng đóng góp qua việc làm cho xã hội? Mỗi cá nhân có quyền mưu cầu hạnh phúc theo ý muốn riêng tư nhưng một khi cá nhân sai lầm, thất bại thì kêu cứu, đổ thừa, đòi hỏi chính quyền phải giúp đỡ? Vậy thế nào là công bằng (trên mặt kinh tế)?

Thất bại của kinh tế thị trường (tư bản) là khi cơ cấu chính trị dân chủ do dân bầu lên cấu kết với thành phần ưu tú trong xã hội để phân phối "quyền" và "lợi" đi theo một đường lối khác tuy bên ngoài vẫn kêu gọi công bằng xã hội, bình đẳng, nhân quyền....

Công bằng xã hội không thể có khi các đại diện dân cử sau khi cầm quyền chạy theo các nhóm vận động của các thế lực tư bản và cử tri bất lực để ngăn chặn sự cấu kết của tầng lớp ưu tú. Tất cả hiến pháp của các nước cộng hòa muốn xây dựng sinh hoạt dân chủ đều ghi nhận nhân quyền, bình đẳng, an sinh xã hội, mưu cầu hạnh phúc nhưng có ai nghĩ rằng nếu từ căn bản nhân quyền con người đi tìm hạnh phúc qua sự làm giàu và gây nên sự bất bình đẳng trong xã hội, xâm phạm an sinh xã hội thì chính quyền sẽ giải quyết ra sao?

Công lý của tòa án có thể nào thực hiện khi phán quyết của ông Tòa đi ngược ý dân. Luật lệ thế nào để gọi là công bằng khi sát nhân có cơ hội thứ hai (2nd chance) làm lại cuộc đời trong khi nạn nhân không có?

Vậy thì công lý, công bằng trong kinh tế sẽ như thế nào giữa người dân (nhìn trong hạn hẹp của một làng, xóm, cộng đồng, quốc gia) và người trong chính quyền (nhìn trên tầm vóc quốc tế, nhân loại)?

Nhân quyền

Con người sinh ra phải có "Nhân quyền". Đó là điều kiện "CẦN".

Nếu Hiến Pháp mở đầu bằng sự ghi nhận Nhân quyền, Dân quyền tức là khi cá nhân bỏ đời sống đơn độc để gia nhập xã hội (quốc gia) thì quyền tự do ngôn luận sẽ xác định như thế nào? Nói láo có phải là tự do ngôn luận không?

Tự do tôn giáo là sự chọn lựa của cá nhân nhưng có thể nào vì niềm tin tôn giáo mà cá nhân vi phạm nhân quyền của người khác?

Khi cá nhân tương giao với nhau (chính trị hay kinh tế) mà không tin nhau để rồi phải lôi Thượng Đế (God) ra chứng giám thì có gì sai lầm? Nhưng dù có Thượng Đế chứng giám mà con người vẫn còn gian lận thì giải quyết ra sao? Thượng Đế rởm (giả, không hữu hiệu) hay cá nhân qua mặt Thượng Đế? Vậy thì tại con người bày vẽ chứ Thượng Đế không làm chuyện chứng giám, dù là tình yêu, buôn bán, hay chữa bệnh.

Nếu Thượng Đế nói con người phải yêu thương nhau nhưng qua tương giao (dưới danh nghĩa Thượng Đế) thì con người bóc lột nhau vì quyền lợi, kỳ thị; dựa khôn ngoan, thông minh hơn kẻ khác chứ không dựa trên tình thương?

Như vậy bắt đầu từ nhân quyền (khi chưa có quyền lợi) thì mọi người đồng ý như nhau. Nhưng khi đi vào kinh tế (quyền lợi) thì không tin nhau và lôi Thượng Đế ra làm chứng nhân (in the God we trust) nhưng lừa gạt, bất bình đẳng, vi phạm nhân quyền vẫn còn. Sai lầm từ hiến pháp, kinh tế hay từ con người?

Con người làm ra hiến pháp, kinh tế nhưng nhân quyền là quyền căn bản của cá nhân khi sinh ra đã không được ghi nhận cho tới khi thành lập xã hội, quốc gia. Vậy thì tại sao khi các quốc gia (Liên Hiệp Quốc) thảo luận về nhân quyền lại có sự khác biệt? Phải chăng vì giáo dục mỗi nơi chịu ảnh hưởng văn hóa, tôn giáo khác biệt?

Phải chăng Nhân quyền không biên giới, vượt lên mọi chủng tộc, sắc tộc, giới tính (nam, nữ, đồng tính...), tôn giáo và như vậy nhân quyền của người dân trên trái đất như nhau?

Một khi nhân quyền được xác định cho mọi người, mọi sắc dân, dân tộc trên thế giới thì bước kế tiếp là con người sẽ sử dụng nhân quyền như thế nào? Có thể nào vì nhân quyền mà A tiêu diệt B? Hay B tấn công, cướp đoạt tài sản của A vì quyền sống (lấy vợ, nuôi con)? Hay vì tôi thông minh, khôn ngoan hơn nên tôi cần chiếm đoạt quặng mỏ XYZ để khai thác, xây dựng và phát triển nền văn minh nhân loại? Một nền văn minh "xương cao cùng với núi" (Hãy nhìn lại, Trịnh Công Sơn)?

Do đó "Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống" (Krishnamurti) cần được xác nhận để mọi người biết sống để làm gì? Sống có nhân quyền chưa đủ vì sống còn là hoạt động kinh tế. Chúng ta đã thấy kinh tế thị trường cho phép con người làm giàu như thế nào và khi giàu thì con người đổi khác. Chúng ta có thể chấp nhận nhân quyền đều có nơi người khôn, kẻ ngu nhưng không thể chấp nhận nhân quyền giúp cách biệt giàu-nghèo vì kinh tế là hòa bình, sản xuất, xây dựng chứ không phải gây chiến tranh: vì nhân quyền tôi tiêu diệt kẻ thù? (stand your ground). Tại sao người nam có thể tự vệ chống kẻ tấn công mình mà người nữ làm thì bị bắt tội?

Một khi nhân quyền được đặt ra (theo tiêu chuẩn quốc tế: UN 1948) nhưng thực hiện ra sao là tùy mỗi người, mỗi quốc gia. Vậy thì nhân quyền người dân nước A đi qua nước B có được công nhận hay không? Quyền tự do ngôn luận sẽ được áp dụng ra sao? Người nước ngoài có thể buôn bán qua sự bóc lột, lường gạt dân bản xứ (hay ngược lại) thì luật pháp nào sẽ xử? Một quốc gia lớn, mạnh có thể nào uy hiếp nước nhỏ để bảo vệ công dân của họ vi phạm nhân quyền tại nước khác?

Những bộ lạc người da đỏ (Native America) hay dân thiểu số Amazon có nhân quyền hay không? Hay vì không phải là quốc gia nên không có nhân quyền?

Nếu người thổ dân không quan tâm đến nhân quyền (cho đến khi bị thiệt hại kinh tế: không biết khai thác rừng, mỏ) thì nhân quyền của họ còn được công nhận hay sẽ bị các công ty phối hợp với nhà nước làm luật để khai thác "công bằng kinh tế" (nó không biết làm, tôi sẽ làm rồi chia phần cho nó?) mà không vi phạm nhân quyền vì thổ dân không quan tâm (lên tiếng) cho dù nhân quyền vẫn có?

Kinh Tế: Bình Sản hay Nhân Bản (P4)

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/12/07/kinh-te-binh-san-hay-nhan-ban-p3/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...