Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Kinh Tế: Bình Sản hay Nhân Bản (P4)

 

Kinh tế

Con người sống trong xã hội là để được có các nhu cầu sống còn. Đó là điều kiện "ĐỦ".

Trong ý nghĩa đơn giản thì kinh tế là đời sống: kiếm ăn, chỗ ở. Vì muốn bảo đảm cuộc sống, con người dự trữ thức ăn phòng khi khó khăn. Khi có dư thì sự trao đổi (mậu dịch) xảy ra. Lúc đầu là trao đổi hiện vật. Khi đặt giá trị qua đồng tiền thì có thương mại, buôn bán, đầu tư, chợ đen. Khởi đầu mọi người đều như nhau nhưng khả năng và tài năng khác nhau nên sẽ có kẻ hơn người kém. Người kém có được hệ thống an sinh xã hội giúp đỡ để có điều kiện căn bản sống (do chính quyền quyết định). Nhưng đối với kẻ thặng dư thì họ sẽ làm gì với nguồn lợi đó?

Phải chăng "nhàn cư vi, bất thiện"?

Khi thặng dư tài sản (tiền, đất, sở hữu) khác biệt quá nhiều sẽ sinh tranh chấp, trộm cướp, đầu tư chợ đen, bóc lột, chiến tranh. Vậy chính quyền sẽ can thiệp như thế nào? Thời xưa là do giáo dục không có hay không đều. Ngày nay có giáo dục nhưng vẫn không giải quyết được tranh chấp kinh tế. Vậy nguyên do là từ cá nhân, giáo dục hay chính quyền?

Chính quyền do dân bầu (dân chủ) hay tổ chức chính trị (đảng độc tài) nắm quyền qua tranh chấp. Cả hai cơ chế chính quyền đều thất bại trong việc thi hành các chính sách xây dựng xã hội khi thiểu số nắm các tài nguyên trong khi đa số dân vẫn chật vật kiếm sống.

Từ cá nhân kiếm ăn sinh ra các hoạt động kinh tế trong xã hội. Chính quyền đại diện xã hội để điều hành tất phải có trách nhiệm về kinh tế. Vậy thì sự giáo dục từ cá nhân đến tập thể chính quyền sẽ như thế nào?

Giới lãnh đạo có thực sự muốn giải quyết các vấn nạn xã hội (quốc gia, quốc tế) hay chỉ muốn quyền lực (vì quyền lực thì vô tận nhưng tài lực thì mỗi cá nhân đều có giới hạn cho dù là tỷ phú). Nếu sai lầm từ đường lối cai trị cho đến cơ cấu chính quyền thì phải chăng chúng ta cần có một cuộc cách mạng? Nhưng ít nhất chúng ta phải biết sai lầm phát xuất từ đâu và tiến trình cách mạng sẽ như thế nào để xây dựng xã hội với cấu trúc chính quyền (hiến pháp). Đó là điều Lý Đông A đã làm. Phần còn lại là chúng ta có hiểu và có thể thực hiện những gì Lý Đông A đã đề nghị.

Cuộc sống xã hội của con người có liên quan đến nhiều mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo…. Vậy khi con người nắm chính quyền sẽ đối phó ra sao? Nhiều người nghĩ rằng cầm quyền (chính trị) sẽ giải quyết được mọi việc. Nhưng cầm quyền không đủ. Để giải quyết vấn đề thì phải biết nguồn gốc của vấn đề. Mọi chuyện phát xuất từ con người. Con người cần có giáo dục. Vậy giáo dục như thế nào vì hiện nay hệ thống giáo dục chỉ đào tạo khoa bảng, chuyên môn trong khi các vấn đề của loài người đều có nối kết tương quan chặt chẽ. Đó là chưa kể tham vọng được che giấu dưới nhiều hình thức.

Nếu ghi nhận giáo dục là gốc con người thì giáo dục như thế nào và trong giáo dục thì nhân quyền sẽ có tương quan như thế nào với kinh tế?

Để giải quyết vấn đề kinh tế chúng ta cần trở lại điều kiện căn bản của loài người: Nhân quyền. Giả sử mọi người sinh ra đều có nhân quyền như nhau thì từ nhân quyền (quyền sống, nhân đạo, nhân bản) thì sự thi hành các sinh hoạt kinh tế sẽ như thế nào?

Vì con người sống theo từng quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo khác nhau nên sự thảo luận có nhiều trở ngại. Hãy khởi đi trong phạm vi một quốc gia: người dân đồng ý về nhân quyền nhưng có đồng ý về chính sách kinh tế hay không?

Khi bạn sống đủ (khả năng) thì bạn sẽ làm gì?

Khi tài sản thặng dư (tất năng) thì bạn sẽ làm gì?

Cái "làm gì" của bạn có liên quan đến cán cân tinh thần và vật chất của bản thể con người bạn cũng như chính trị và kinh tế của xã hội.

Bạn sẽ giải trí ABC và thời giờ tiêu vào giải trí sẽ không còn thời giờ cho biến chuyển chính trị, kinh tế của xã hội bên ngoài. Khi bạn có tài sản thặng dư sẽ gây chú ý của kẻ không có, và lòng tham nổi dậy sẽ gây tội ác. Nếu bạn đi du lịch thì khách sạn, nhà hàng sẽ có khách và ông chủ sẽ mướn người làm công; ai sẽ là kẻ làm công suốt đời để phục vụ khách du lịch như bạn? Bạn có quan tâm đến quyền lợi của người lao động như vậy không? Hay đó là của nhân quyền quy định, chính quyền thi hành?

Kinh tế là con dao hai lưỡi. Các công ty, kỹ nghệ gia nói là tạo việc làm, đem lại thịnh vượng cho quốc gia qua tổng sản lượng (GDP) nhưng mặt khác họ cũng có thể cấu kết với nước ngoài để làm giàu mà không (hay chưa) gây thiệt hại cho quốc gia. Nhưng trong lịch sử đã cho thấy trường hợp các nhà tài phiệt cấu kết với bên ngoài để lật đổ chính quyền trong nước. Do đó chúng ta thấy vì quyền lợi kinh tế thì nhân quyền sẽ bị bán rẻ.

Microsoft and Google may have to surrender people's data to Saudi Arabia after signing huge deals there (msn.com)

Giáo dục

Giáo dục là yếu tố dẫn con người đi vào đời sống xã hội. Con người có hành động, suy nghĩ sai lầm hay xã hội rối loạn là do giáo dục sai lầm.

Nếu “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị” và “chính trị là điều hành và thiết kế nhân sinh (kinh tế)” thì mọi người đều có chung hiểu biết về giáo dục có đưa đến một chính quyền như nhau hay không (cho dù ông / đảng A hay bà / đảng B cầm quyền)?

Không.

Bởi vì khả năng và tất năng mỗi người khác nhau (không bình đẳng). Trong khi thiên nhiên đưa đến ngẫu nhiên và tất nhiên khác nhau cho mỗi người. Vì có những điều kiện dẫn đến khác biệt giữa các cá nhân nên sự tương giao, hỗ tương trong xã hội cần thiết để tìm hiểu và giải quyết khác biệt đưa đến thống nhất, tránh xung đột.

Khi những người có khả năng, tất năng (elite) để điều hành chính quyền, kinh tế thì người dân thường làm sao có thể kiểm soát sự lạm quyền, cho dù có tu dưỡng nhưng điều đó không bảo đảm sẽ đem đến kết quả mong đợi. Phải chăng vì thế Lý Đông A đưa ra “Đan quyền” và “Cơ năng hiến pháp”?

Trên căn bản “toại kỳ, tận kỳ, chính kỳ” thì mọi người đều làm việc đúng với điều kiện cá nhân sẵn có để đem lại đời sống xã hội. Vậy xã hội hay chính quyền sẽ đáp ứng nhu cầu của cá nhân như thế nào khi có người đóng góp nhiều, ít tùy theo khả năng, tất năng của họ?

Giáo dục nếu chỉ là sự quan sát thì quá đơn giản nhưng mỗi người có tham vọng "giáo dục" khác nhau. Đó là "ý nghĩa cuộc sống". Nếu bạn muốn được giáo dục để làm giàu thì bạn sẽ đi về hướng đó. Nếu bạn nghĩ rằng đời sống là tình thương thì bạn sẽ đi tìm nó. Nếu bạn đi tìm hạnh phúc lứa đôi thì bạn sẽ theo đuổi nó. Thu thập kiến thức chỉ là bề ngoài, bên trong bản thân bạn có ý thức tự kỷ, tự giác để biết đủ vì lòng tham sẽ đưa đến tranh chấp vô tận.

Câu hỏi kế tiếp sẽ là: cũng là một vấn đề, tại sao tâm bạn khởi ABC mà tâm tôi khởi XYZ? Do đó giáo dục dẫn đến triết học. Nhưng triết học phải có lối thoát, triết gia phải đi qua, sống thực, vượt lên những gì tìm kiếm chứ không phải mắc kẹt trong triết thuyết, nói nhảm suốt đời với tâm lý học và đạo đức học. Không mấy ai đạt được trình độ để vượt khỏi vấn đề khi tìm hiểu nó  vì một khi “biết thì không nói mà nói thì không biết “. Người biết khi được hỏi thì câu trả lời là "ta không nói một lời gì".

Giáo dục đúng nghĩa là cả hai (người hướng dẫn và kẻ được hướng dẫn) là bạn đồng hành cùng chia sẻ sự kiện, vấn đề để tìm hiểu. Không có sự áp đặt vì là người đi trước, có kinh nghiệm hay bằng cấp mà bắt kẻ khác phải chấp nhận ý kiến của mình.

Trở ngại của một cuộc cách mạng giáo dục là làm sao đủ người hướng dẫn và người hướng dẫn từ đâu tới nếu không phải là tự tu dưỡng, đào tạo.

Từ một xã hội đang sinh hoạt (kinh tế) với tất cả hỗn loạn, tranh chấp thì làm sao xây dựng một hệ thống giáo dục "đổi mới" không còn tiếp tục nuôi dưỡng xã hội qua sinh hoạt (kinh tế) kiểu cũ? Làm sao chuyển tiếp về giáo dục và kinh tế cho một xã hội giao thời?

 

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/12/07/kinh-te-binh-san-hay-nhan-ban-p4/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...