Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Kinh Tế: Bình Sản hay Nhân Bản (P2)

 

Công bằng Nhân bản

Vì thế có người đề nghị kinh tế "Nhân bản". Lý do là căn bản của Duy Dân là vì Dân. Và Duy Dân xây dựng bởi những con người có tu dưỡng, có nhân đạo, nhân cách, nhân bản thì nền kinh tế trong hệ thống Duy Dân phải là nền kinh tế Nhân Bản. Nhưng thế nào là kinh tế Nhân Bản?

Khi Lý Đông A xác định con người phải có tu dưỡng để trở thành thắng nhân có nhân đạo, nhân bản, nhân cách vì "giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị", mà "chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh" cũng như công thức "toại kỳ sở nhu- tận kỳ sở năng- chính kỳ sở mệnh" để thực hiện cuộc cách mạng dẫn đến kinh tế bình sản (Nhân Bản) tất phải có liên quan đến nhau.

Nếu hiểu chữ "bình" của "bình sản" là bình đẳng, công bằng cũng như "Nhân Bản" như là căn bản, bản chất của một con người có tu dưỡng để tìm hiểu "nó" là gì, làm thế nào để thực hiện qua cuộc cách mạng toàn diện, triệt để khi chuyển hóa từ cái cũ sang cái mới trong một hoàn cảnh phức tạp của xã hội đương thời.  Như vậy thì dù là dựa trên "công bằng về tài sản" hay "nhân bản" thì chắc chắn là vì dân, vì mọi người chứ không thiên về giai cấp giàu hay nghèo, hay người khôn kẻ ngu.

Rút kinh nghiệm của bản tuyên ngôn Độc Lập (the declaration of independence) khi nói tới "mọi người sinh ra bằng nhau" (all men are created equal) đã phạm lỗi (1) dùng chữ các ông (men) mà không nhắc tới các bà (women’s) thay vì con người (human) nên phạm lỗi kỳ thị phái tính. (2) khi nói tới bằng nhau (equal) chỉ là thể chất (physics) mà không nói tới tinh thần (mentality) cho nên sự theo đuổi trong đời sống, tự do và hạnh phúc đem lại tất cả sự hỗn loạn của nhân loại. Cũng như hiến pháp đưa ra tự do ngôn luận, kể cả nói láo, đe dọa (threat) hay chửi bới, mạ lỵ để dẫn tới tòa án phán xét có phạm tội hay không (defamation).

Cuộc cách mạng Pháp và Mỹ xảy ra khi nạn buôn nô lệ vẫn còn xảy ra, chế độ thuộc địa vẫn còn, phụ nữ chưa được bình đẳng như nam giới, con người vẫn còn chịu ảnh hưởng của tôn giáo. Ai cấm sự kỳ thị chủng tộc trong lòng mỗi người?

Mâu thuẫn xảy ra khi giáo quyền phân biệt với chính quyền nhưng chính quyền vẫn phải dựa vào tôn giáo: khi viên chức chính quyền nhậm chức phải tuyên thệ trên thánh kinh và làm việc qua niềm tin Thượng Đế (in the God we trust). Một khi có tự do tôn giáo thì các kinh điển của tôn giáo ABC sẽ như nhau (công bằng, sự thật, bác ái, vị tha) hay A tốt hơn B vì XYZ? Khi các nhà lãnh đạo tôn giáo rao giảng lý thuyết (kinh) nhưng không theo đúng ý nghĩa thì có bị truy tố ra tòa hay không? Các vị lãnh đạo tôn giáo sống no đủ trong khi tín đồ nghèo đói thì tại kinh tế hay nhân quyền? Khi tôn giáo kỳ thị hay chống chính quyền (dựa trên tự do ngôn luận) thì xử như thế nào? Ông Tòa có phán quyết dựa trên lời kinh hay không?

Khi lãnh đạo tôn giáo vi phạm nhân quyền thì ai sẽ xử? Cùng một tôn giáo, lãnh đạo A nói X, lãnh đạo B nói X'. Đối nghịch, mâu thuẫn gây xung đột. Ai sẽ xử? Toà án hay chính quyền?

Tôn giáo xen vào chính quyền; chính quyền và kinh tế là hỗ tương nguyên nhân. Giáo dục xã hội do con người, chính quyền hay tôn giáo?

Vì cuộc sống trên trái đất là thế giới của nhị nguyên (Âm-Dương) cho nên chúng ta phải đối xử mọi vấn đề trong cuộc sống trên sự cân bằng hai mặt của đồng tiền (hay của một phương trình toán học). Theo Lý Đông A thì đó là các nguyên tắc về "đối lập thống nhất" và "hỗ tương nguyên nhân". Về con người (tinh thần) thì Lý Đông A dùng xã hội biện chứng pháp nhưng về thiên nhiên (vật chất) thì dựa vào sự chuyển hóa của Ngũ hành (sinh-khắc-chế-hóa). Nếu chính trị và kinh tế là hai mặt (Âm-Dương) của xã hội loài người thì: văn hóa, giáo dục, giao thông, truyền thông, tài chính giúp sự chuyển hóa thành hình. Nếu muốn thực hiện một cuộc cách mạng thì đâu là gốc? Phải chăng là "tinh thần gốc"? Vậy nó là gì?

Để thiết lập cái mới thì chúng ta phải hiểu cái cũ sai lầm như thế nào và cái mới sẽ thực hiện như thế nào để gọi là cải tiến. Như vậy chúng ta phải tìm xem nền kinh tế thị trường (tư bản) và kinh tế chỉ huy (cộng sản) đã gây ra những hậu quả ra sao. Từ con người đi đến kết thành xã hội trải qua nhu cầu kinh tế để tồn tại trước thiên nhiên (Lý Đông A: con người, tự nhiên, xã hội). Qua sinh hoạt xã hội, con người phát triển với tôn giáo, văn hóa, chính trị, kinh tế. Cá nhân phải độc lập với các nhãn hiệu, các khuynh hướng Tả, Hữu hay các khuynh hướng tôn giáo (khuynh hướng chính trị, tôn giáo được tầng lớp ưu tú đặt ra để giải thích các vấn đề xã hội).

Kinh tế khởi đi từ trao đổi hàng hóa theo nhu cầu. Sở hữu vật chất đưa đến lòng tham chiếm đoạt tài nguyên gây ra xung đột xã hội và chiến tranh giữa các quốc gia. Con người có nhu cầu sống: ăn, cư trú, làm việc, gia đình. Chính quyền có nhiệm vụ an dân qua chính sách kinh tế. Nhưng khi có quyền lực thì con người đổi khác cũng vì tham vọng được che giấu dưới hình thức "yêu nước". Do đó người dân không phải chỉ chọn người đại diện chính quyền mà còn phải kiểm soát sự lạm quyền.

Chỉ khi nào giới hạn "quyền" thì mới hạn chế "lợi". Vậy đòi hỏi nhân quyền sẽ dẫn đến đòi hỏi công bằng về kinh tế? Vì nhân quyền không đem lại bảo đảm kinh tế trong đời sống. Công bằng kinh tế để mọi người kiếm đủ sống nhưng sẽ không ngăn cản con người làm giàu như khi một ca (nghệ) sĩ có giọng (bài) hát hay thì mọi người sẽ mua nhiều cho dù các nghệ sĩ khác vẫn có quyền bình đẳng sáng tác và bán hàng. Cũng như một cầu thủ chơi bóng hay (có tài nghệ) thì sẽ được trả nhiều tiền để trình diễn. Họa sĩ, thợ máy, thủ công nghệ đều như vậy.

Tài nguyên thiên nhiên có giới hạn trong khi con người (dân số) thì có thể tăng vô hạn (nếu không kiểm soát). Như vậy một nền kinh tế Nhân Bản phải đạt được các điều kiện:

1. Giáo dục con người (toại kỳ sở nhu) ý nghĩa cuộc sống.

2. Giáo dưỡng chế độ (chính quyền) về nhân quyền.

3. Kinh tế phân phối tài nguyên, vật chất bình đẳng, công bằng (tận kỳ sở năng).

Như vậy dựa trên giá trị của mỗi cá nhân qua giáo dục theo nhân quyền quy định thì quyền lợi kinh tế (làm và hưởng) sẽ tùy theo tài năng và kết quả đóng góp. Cho dù con người sinh ra bất bình đẳng thì dựa trên nhân bản, nhân quyền, nhân đạo họ vẫn có thể sống với xã hội.

Do đó chúng ta sẽ hiểu con người cá nhân và con người xã hội như thế nào qua chữ "Nhân"?

Trần Công Lân

Tháng 7 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2023/12/01/kinh-te-binh-san-hay-nhan-ban-p2/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...