Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Nhân Bản Cương Thường Là Gì?

 

Phải chăng mọi quốc gia đều thấy sự phi lý của tổ chức Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết những bất đồng hay chiến tranh giữa các quốc gia cho nên tất cả những quốc gia ký vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền diễn dịch theo quyền lợi của nhóm (đảng hay chính quyền) lãnh đạo quốc gia thay vì nhìn quyền con người ở dạng Con Người?

Khi những quốc gia tự nhận là dân chủ như Hoa Kỳ mà sẵn sàng ủng hộ một chế độ độc tài, miễn sau chế độ đó đem lại quyền lợi cho Hoa Kỳ thì cái gọi nhân quyền chỉ là hình thức, mang hình ảnh cây gậy hoặc củ cà rốt để sử dụng trong sinh hoạt của quốc tế giữa các quốc gia. Khi một quốc gia như Hoa Kỳ sẵn sàng lật đổ một chính quyền, một nhà lãnh đạo trong sự đạo diễn tài tình như là một cuộc cách mạng tự phát tại quốc gia đó -- nhằm mục đích thay thế lãnh đạo có lợi cho quyền lợi của Hoa Kỳ -- thì cái gọi là nhân quyền chỉ áp dụng cho công dân Hoa Kỳ chứ không áp dụng cho các dân tộc khác.

Nếu mục đích của Liên Hiệp Quốc là xây dựng một cộng đồng thế giới có thể sống chung hòa bình và phát triển thì nhân quyền là điểm khởi đầu. Nhưng nếu nhân quyền không dựa trên Nhân Bản thì làm sao xác định nhân quyền sẽ như thế nào? Như nhân quyền của độc tài, cộng sản hay là nhân quyền của tư bản?

Có lẽ cần phải nhìn vấn đề nhân quyền ở một dạng rộng lớn mà không phải chỉ là quyền mà là những căn bản (cương thường) của Con Người trong ứng xử giữa cá nhân với tập thể và tập thể với cá nhân trong thời đại của thế kỷ 21 này.

Vậy thì Nhân Bản là gì và những Cương Thường đó là gì?

A. Nhân Bản

Các yếu tố căn bản của con người là gì? Bất kể chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo... thì phải chăng mỗi con người đều có những yếu tố tinh thần và vật chất (thể chất) để thành hình cuộc sống (sinh mệnh).

1. Đời sống

Vậy nếu con người sống một mình (chưa thành lập hay gia nhập xã hội) thì ít nhất hắn phải có gia đình (cha mẹ, anh em). Sự hiện hữu của một cá nhân sẽ là (a) dưới trung bình về thể chất hay tinh thần. (b) trung bình. (c) trên mức trung bình.

Thời nhân loại còn sơ khai thì ở trường hợp a sẽ bị đào thải nhanh chóng vì thiếu sự săn sóc, bảo vệ. Ở trường hợp c là có thể tồn tại và phát triển nhờ khả năng sẵn có về thể chất, tinh thần.

Câu hỏi đặt ra là cá nhân ở trường hợp c sẽ làm gì với khả năng vượt trội cá nhân ở trường hợp a và b? Nếu ích kỷ cá nhân ở trường hợp c sẽ sống với khả năng sẵn có, bỏ mặc những cá nhân ở trường hợp a và b, hay sẽ cưu mang, che chở đồng loại?

Khi ý thức rằng sự kết hợp thành bộ lạc, bộ tộc, làng xã... thì sự bảo đảm về đời sống sẽ gia tăng và sử dụng khả năng (tinh thần, vật chất) để đóng góp sự thành hình xã hội. Đó là bản chất con người.

2. Tinh thần

Mọi người đều có trí óc nhưng không phải ai cũng suy nghĩ hiểu biết như nhau. Khác biệt tinh thần rất quan trọng khi con người biết quan sát và từ đó tìm tòi, phát minh đưa đến sự phát triển văn minh nhân loại.

3. Thể chất

Con người sinh ra có thể chất giống nhau (bệnh tật sẽ nói riêng). Nhưng cơ thể có người yếu, mạnh. Thời tiết, khí hậu, dinh dưỡng ... khiến con người phát triển khác nhau. Nhưng ngũ quan, nội tạng của mỗi người đều như nhau. Không ai có nhiều tim, óc, gan, phổi và tuổi thọ con người không quá 100 năm. Một ngày chỉ 24 giờ và con người cần ngủ 8 tiếng/ngày và cần thực phẩm để sống. Đó là điều kiện căn bản của loài người.

B. Cương Thường

Đó là kỷ cương, nề nếp, trật tự mà con người cần có để xây dựng đời sống ổn định và phát triển (chưa có quan niệm bảo thủ hay tiến bộ) và được đa số ý thức là những quy luật chung để kết hợp mọi người với nhau.

Cương thường sẽ không thành hình nếu mỗi cá nhân không có tu dưỡng để ý thức những gì nên làm và không nên làm. Tu dưỡng đến từ sự tự kỷ, tự giác, tự quan sát để thành hình giáo dục nền tảng xây dựng đời sống con người.

Con người học hỏi và phát triển qua nhiều giai đoạn cho đến khi có ngôn ngữ, chữ viết, lý luận và dẫn đến triết học. Triết học Đông-Tây dẫn đến quan niệm dân chủ và nhân bản, nhân quyền nhưng loài người đã phân chia thành chủng tộc, khác biệt ngôn ngữ, văn hóa...ngăn cản sự chia sẻ kiến thức trong cộng đồng thế giới.

Như vậy Nhân Bản Cương Thường được nhìn như một nền tảng chung của thế giới loài người để xây dựng hòa bình và thịnh vượng trong một thế giới mà dân số tiếp tục gia tăng trong khi tài nguyên có giới hạn.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2023 (Việt lịch 4902)

Nguồn: https://nganlau.com/2024/01/01/nhan-ban-cuong-thuong-la-gi/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...