Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Đường Sống Việt: Dân Chủ

1. DÂN CHỦ TRỰC TIẾP 

“Một nền dân chủ chính đáng phải có ý nghĩa chân thành của nó ở ngay chính chữ Dân Chủ, là dân tự nắm lấy, tự chủ trương lên, không thể do một đảng phái nào làm sai lạc, lợi dụng. Các cơ quan do dân bầu ra phải là chính dân tự chọn, tự cử lên, không thể do người nào trong đảng phái hay bất cứ tổ chức nào xâm nhập đầu cơ lũng đoạn. Đến pháp luật thì phải tự dân sáng chế ra, mà lại có quyền công nhận hay bãi bỏ. Đó là quyền phủ quyết. Nền dân chủ như thế là thẳng tự tay dân chúng nắm giữ lấy gọi là Dân Chủ Trực Tiếp”. 

Cái khó khăn của nền dân chủ trực tiếp là mỗi người dân phải tham dự, cho dù bạn không biết những chi tiết chuyên môn- nhưng sẽ có người chuyên môn giúp bạn. Bạn không thể vì bất cứ lý do gì từ chối hay tìm cách ủy quyền qua "bỏ phiếu, chọn đại diện". Vì mỗi lần qua "đại diện" là tiềm năng dân chủ giảm đi. Một khi giao phó trách nhiệm quyết định về sinh hoạt chung (chính trị, kinh tế...) con người trở nên ỷ lại và khi người đại diện (dân biểu, thượng nghị sĩ) đi ngược lại nguyện vọng của người dân thì luật lệ, thủ tục nào để sửa đổi? Để tránh rắc rối, đôi khi con người lại tạo nên những rắc rối trầm trọng hơn. 

Đời sống con người có 24 giờ/ngày. Con người sẽ Tu Dưỡng Thắng Nhân như thế nào để làm việc (8 giờ/ngày), ngủ (8 giờ/ngày) và còn 8 giờ cho sinh hoạt khác. Sự kiện các nước tư bản (Mỹ, Anh, Nhật…) đi vào tình trạng lão hóa (aging) vì dân số suy thoái: người già sống lâu, người trẻ lo làm việc quá sức (12-16 giờ/ngày) hay lo hưởng thụ và việc lập gia đình, nuôi con trở thành gánh nặng: Sinh xuất giảm.

Trong khi tại Pháp, Tổng Thống Macron bãi bỏ thuế cho giới nhà giàu thì công đoàn biểu tình đình công đòi tăng lương vì không đủ sống. Tổng Tống Macron sẵn sàng đối thoại với công nhân nhưng câu hỏi "các bạn muốn thay đổi như thế nào?" cho thấy tầng lớp ưu tú nắm quyền cai trị đã không tìm ra đường lối thích ứng với tình thế khi sự bất bình đẳng về kinh tế giữa giàu-nghèo quá xa. Khi tầng lớp trí thức đã bế tắc thì giới lao động, đáy tầng làm sao có khả năng giải quyết toàn bộ những vấn đề của xã hội, quốc gia? 

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm giảm gánh nặng của mỗi công nhân trong tiến trình sản xuất và giúp con người có thì giờ nhàn rỗi để thưởng thức cuộc sống. Thay vì nhìn vào sự cân bằng trong đời sống con người, xã hội và thiên nhiên … con người quay ra hưởng thụ. Sự bất bình đẳng trong một xã hội, giữa các quốc gia -- gây ra chiến tranh, di dân. Khi những người từ các xã hội, quốc gia nhược tiểu tràn sang các xã hội, quốc gia khác thì không thể thực hiện dân chủ trực tiếp được.

Dân chủ trực tiếp đòi hỏi giáo dục.

Giáo dục đòi hỏi triết học.

Triết học nào giải quyết những vấn nạn của con người và nhân loại?

Phải chăng Duy Dân là con đường duy nhất để giải quyết những vấn nạn của loài người. 

2. DÂN CHỦ TOÀN DÂN 

“Một nền dân chủ dựng dõi nên là cốt để toàn dân được hưởng. Nó phải thấm suốt đến tận mọi người dân, mà nó phải tự sức toàn dân nắm lấy, chi phối lấy.

Nếu chia dân ra thành từng giai cấp, mà lấy một giai cấp nào riêng biệt nắm giữ chính quyền, đặt định ra pháp luật, thiết định lề lối tổ chức, đấy là độc tài, không phải dân chủ chân chính.

Nếu đặt định ra xã hội giàu nghèo, giành quyền lợi nhiều hơn cho người giàu, để ảnh hưởng của tiền bạc xâm nhập vào chính quyền, thì dù hình thức dân chủ nào, thứ dân chủ ấy chỉ là bị mua chuộc, lũng đoạn, không phải ở toàn dân.

Hoặc lại còn thứ dân chủ nào xây dựng nên do một thế lực đàn áp, bắt buộc dân chúng phải theo, phải hợp vào nền dân chủ ấy, nếu có ý của toàn dân cũng là giả hiệu”.

Cho nên Dân Chủ của Toàn Dân không có giai cấp chuyên chính, không có kim tiền lũng đoạn, không có thế lực uy hiếp. 

Trong một quốc gia, nền dân chủ dựng nên trên căn bản một Hiến Pháp. Sự bất đồng khi xã hội bao gồm nhiều thành phần khác biệt (giáo dục, tôn giáo, giàu nghèo...) và mỗi cá nhân phát triển theo chiều hướng khác nhau (Sinh Mệnh Tâm Lý và Tu Dưỡng Thắng Nhân) qua những chu kỳ không thống nhất. Trong khi Hiến Pháp là những luật lệ tổng quát, khúc mắc, thiếu chính xác và khó thay đổi. Con người thay đổi nhanh hơn luật pháp (Hiến Pháp).Vậy có giải pháp nào giúp Hiến Pháp, luật pháp thích ứng với sự thay đổi kiến thức của con người? Bạn nghĩ gì về một "Cơ Năng Hiến Pháp"? 

3. DÂN CHỦ THỰC TẠI 

“Muốn trở nên dân chủ có thực, có hẳn trên đất đai mình đang sống, thì quyền người dân, chính người dân phải được nắm giữ trong tay. Cái gì bảo chướng thực tế nhất cho sự sống còn, đó là nền tảng kinh tế. Cho nên phải có một tổ chức kinh tế làm sao cho được bình đẳng (Kinh Tế Bình Sản). Mỗi người dân tự mình đã có một sản lượng ngang nhau mới khỏi bị lũng đoạn. Thêm nữa, trên sự tổ chức nên xã hội, sự hợp tác Nam và Nữ cũng là cần thiết. Sự chênh lệch giữa Nam và Nữ, sự ưu đãi riêng biệt phái nào phải gạt bỏ đi. Phải có sự hợp tác giữa Nam và Nữ, thì nền Dân chủ mới có thực tế ý nghĩa được”. 

Con người có khả năng suy nghĩ và hành động: Thiện hay Ác. Nếu Tu Dưỡng Thắng Nhân và Sinh Mệnh Tâm Lý là con đường của một cá thể theo đuổi thì làm sao giữ cho hắn khỏi đi lạn quạng, quẹo trái hay phải tùy theo hứng?

Một trong những cám dỗ để lôi cuốn con người vào ngả rẽ "tham vọng" là vật chất, của cải, tiền bạc, tài sản .... Cho dù Duy Nhân Cương Thường là rào cản, làm sao ngăn chận cá nhân vượt rào, chiếm đoạt tài sản và trở lại tiếp tục con đường Tu Dưỡng Thắng Nhân?

Như vậy sự xuất hiện của Bình Sản Kinh Tế là một hàng rào thứ hai để con người suy nghĩ kỹ hơn trước khi vi phạm luật pháp, Hiến Pháp.

Xã hội là nơi con người kết hợp với nhau, cụ thể là gia đình: sự phối hợp Nam- Nữ. Nếu không có Trinh-Bình-Hòa thì liên hệ Nam- Nữ thiếu tính khách quan, bình đẳng mà thường chỉ là sự chiếm đoạt, chinh phục, đôi khi là ép buộc, lừa gạt, mua chuộc...

Vậy nếu tương quan Nam-Nữ trong một xã hội để kết thành đơn vị (bản vị) của quốc gia đã chớm ung thối thì xã hội và quốc gia đó có thể xây dựng và phát triển những gì? Rồi sẽ đi về đâu? 

4. DÂN CHỦ NHÂN CHỦ 

“Một đời sống của con người sở dĩ đáng sống và sống xứng đáng là giải quyết được ba vấn đề:

- Cơ Hội xảy đến biết đối phó, biết lợi dụng và biết trước mà đón, để nó khỏi lầm lỡ, hỏng việc, sai biệt chương trình đời sống.

- Nghĩa Vụ mọi người dân phải gánh vác đối với xã hội phải sao cho được thấu hiểu, được nhìn nhận một cách thanh thản; nó không thể thành sự ép uổng mà nó cũng không thành một sự buông thả phó mặc.

- Quyền Lợi được hưởng, đáng hưởng, phải hưởng sẽ không vì riêng ai. 

Nền dân chủ phải có bảo chướng, phải trên sự giải quyết cho con người trên ba điểm cần thiết: cơ hội, nghĩa vụ, quyền lợi. Mà phải giải quyết ngang nhau cùng một lúc, như chỉ giải quyết có một vấn đề vậy. Thế có nghĩa là cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi ấy phải thống nhất.

Có như thế thì nền Dân Chủ ấy mới thực hẳn là dân chủ, một nền dân chủ kết nên do những người dân có đầy đủ quyền năng đối với đời sống mình, đó gọi là Dân Chủ Nhân Chủ.

Nền dân chủ ấy còn phải Nhân Chủ ở chỗ thiết lập loài người ở một bản vị riêng biệt, không chịu sự chi phối của thiên nhiên. Tự loài người có thể tự hiểu lấy đời sống phải sống như thế nào. Cần gì? Làm gì? và Nghĩ gì? Tự mình mình hiểu và nắm giữ, vận dụng hoàn toàn đời sống đó.

Chính trị đặt định nên, chính là để đưa dẫn con đường sống ấy cho phải đường, cho đáng vẻ làm người, giữ được vững vàng lẽ sống, còn, nối, tiến, hoá. Chính trị như thế gọi là Thiết Giáo”. 

Con người sinh ra có thể bình đẳng về thể chất nhưng rõ ràng bất bình đẳng về tinh thần (không nói về các trường hợp khuyết tật, di truyền về thể chất hay tâm lý).

Nếu con người sinh ra với cơ thể giống nhau thì về tâm hồn con người có thể là: thiện, ác hay vô k(không thiện, không ác).

Thế nhưng khi lớn lên, con người biến đổi. Một phần do ảnh hưởng xã hội, một phần do bản thân quyết định.

Nghĩa vụ và quyền lợi có thể đặt định từ xã hội, quốc gia nhưng cơ hội tạo sự khác biệt giữa các cá nhân. Cơ hội có thể do con người tự tạo nhưng cũng có thể do bên ngoài xã hội đưa tới.

Vậy con người sẽ có hay không tu dưỡng để có thể "tự tạo" hay biết thời cơ mà "nắm" lấy cơ hội?

Trong mọi xã hội, quốc gia, bất kể văn hóa, chính trị, tôn giáo...chúng ta thấy trong mọi xã hội đều có những thành phần ỷ lại, lợi dụng, ăn bám xã hội (không nói tới những thành phần bệnh tâm thần, khuyết tật). Để xây dựng một xã hội lành mạnh thì những thành phần kể trên không đóng góp gì cho nền dân chủ của một xã hội, quốc gia thì như vậy cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi sẽ không ích lợi gì khi tính Nhân Chủ đã không thể hiện từ mỗi con người.

Khi 95% con người trong một quốc gia phải đối phó với 5% không đóng góp mà còn phá hoại tiến trình xây dựng dân chủ thì phương thức giáo dục nào sẽ cần đến mà không phải là nhà tù hay hình phạt?

Trần Công Lân

Tháng 2 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Ghi chú: Những chữ trong mặc kép trích từ tài liệu Đường Sống Việt của Lý Đông A

https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2018/03/duongsongviet-versionlayoutednov2016.pdf

Nguồn: https://nganlau.com/2019/05/24/duong-song-viet-dan-chu/

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...