Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Nhu Yếu (P2)

Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), an ninh, tinh thần (tôn giáo), giáo dục, y tế, hợp tác xã hội (tương quan giữa cá nhân với xã hội và ngược lại) để làm cho cuộc sống của Con Người thăng tiến hơn trong chiều hướng hướng thượng.

Nhu cầu phát triển nòi giống

Khi đã có đủ ăn, đủ mặc, chỗ ở để khỏi bị lạnh thì Con Người có một nhu cầu khác là phát triển giống nòi. Từ một cá nhân hợp tác với những cá nhân khác để giải quyết cái ăn, cái mặc, chỗ ở thì nhu cầu kế đến là một cá nhân Nữ hợp tác với một cá nhân Nam để giữ nòi giống không bị diệt chủng. Đây cũng chính là sự tự tính (thiên tính) nhằm mục đích phát triển nòi giống. Gia đình được hình thành bởi do nhu cầu phát triển giống nòi.

Trong tiến trình phát triển nòi giống này, cái Trinh (*) trong cuộc sống gia đình được cụ Lý Đông A nhắc đến. Trinh ở đây phải hiểu là một vợ, một chồng. Trinh ở đây là chuyện phát triển nòi giống không phải bạ đâu phát triển đó mà là sự phối hợp duy nhất giữa một người Nam với một người Nữ để sinh con đẻ cái; chỉ làm chuyện phát triển giống nòi với người vợ, người chồng của mình thôi chứ không phải làm chuyện này với tất cả mọi người.  Trinh ở đây được hiểu là có cùng huyết thống thì không thể làm chuyện phát triển giống nòi như anh lấy em, cha lấy con, mẹ lấy con, hoặc họ hàng có quan hệ huyết thống lấy với nhau.

Con Người khác loài thú là ở chỗ Trinh này. Loài thú thì đực-cái cứ mặc sức làm chuyện truyền giống mà không cần biết sự quan hệ máu mũ ra sao, hoặc làm chuyện truyền giống với bất cứ con vật đồng loại khác phái bởi loài thú không có tri thức để hiểu chuyện truyền giống này cần phải có tính Trinh.

Sự phức tạp của xã hội hiện đại đã làm cho Con Người không đặt nặng nhu yếu phát triển giống nòi để cuối cùng tạo ra sự lão hóa mà các xã hội tân tiến như Nhật, Âu Châu đang gặp phải. Lực lượng lao động tại Nhật không có đủ người để cung cấp cho nhu cầu việc làm của các cơ sở thương mại. Theo số thống kê của năm 2015, số người trên 65 tuổi ở Nhật là 33.42 triệu (26.7% tổng số dân) và số người dưới 14 tuổi là 15.86 triệu (12.7% tổng số dân) (1).  Cho nên nhu cầu này cần có sự tác động của người lãnh đạo trong việc giới hạn giờ lao động để mỗi Con Người ở tuổi trưởng thành có thời gian dành cho chính bản thân và gia đình -- hầu tạo điều kiện phát triển giống nòi không bị lão hóa như ở các nước tân tiến hiện nay. Cần phải có chính sách cho vấn đề phát triển giống nòi để dân số không đi quá đà và đồng thời cân bằng lực lượng lao động với lực lượng không còn sức lao động để tránh tình trạng lão hóa như các nước tân tiến đang đối diện.

Nhu cầu an ninh

Con Người luôn luôn mong muốn bình an cho chính mình và gia đình mình. An ninh là một nhu cầu cần thiết. Nhu cầu an ninh để bảo đảm tính mạng, tài sản không bị cướp giựt. Con Người thời nguyên thủy đã tự động ngồi lại với nhau để bảo vệ lẫn nhau trên lãnh vực an ninh cho bản thân lẫn những vật chất đã tạo ra trong cuộc sống. Sự hình thành những bộ lạc hoặc xã hội ở phương diện rộng lớn là tạo được sự an ninh cho mỗi thành phần sống trong xã hội đó.

Nhu cầu an ninh này đi kèm theo là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội, trách nhiệm của xã hội đối với mỗi cá nhân sống trong xã hội đó. Cả hai bên phải tương tác, tuy có đối lập về quyền lợi nhưng trong cái đối lập này sẽ tạo ra một sự thống nhất để cả hai bên cùng có lợi. Khi cá nhân có sự an ninh thì cá nhân sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình trong xã hội để tạo một xã hội an ninh, không bị xáo trộn. Cá nhân tác động vào xã hội và ngược lại xã hội tác động vào cá nhân để thực hiện nhu cầu an ninh thành thực tiễn trong cuộc sống của mỗi người, trong cuộc sống của xã hội. Không thể nào có một xã hội an ninh khi mà chính cá nhân trong xã hội đó không có sự an ninh. Từ sự mất an ninh của cá nhân sẽ dẫn đến sự mất an ninh của xã hội mà tình trạng VN là một thí dụ điển hình. Sự mất an ninh này được hiểu ở một nghĩa rộng lớn. Tình trạng tham nhũng, hối lộ, và sự đàn áp quyền tự do của con người đã tạo xã hội VN mất an ninh và từ đó -- tham vọng của Tàu cộng càng ngày càng hiện rõ hơn trên lãnh thổ VN mà nhà cầm quyền VN không giải quyết được bởi xã hội hoàn toàn không có an ninh. Nhà cầm quyền VN bỏ công sức để đàn áp người dân thay vì cùng người dân bảo vệ an ninh, lãnh thổ của dân tộc. Khi chính người dân không có sự an ninh cho bản thân thì sự an ninh cho dân tộc cũng chẳng tốt hơn bởi quan hệ giữa cá nhân và xã hội là quan hệ hữu tương. Khi những con người sống trong xã hội đó không có quyền tham dự vào việc bảo vệ an ninh cho chính mình, khi người lãnh đạo trong xã hội tiếp tục đàn áp tinh thần lẫn thể xác của người dân thì làm sao có chuyện người dân thực hiện an ninh cho xã hội và dân tộc khi giặc ngoại xâm âm thầm thôn tính đất nước bằng hình thức kinh tế, hiệp ước an ninh -- bảo vệ lãnh thổ mà Trung Cộng đang cùng đãng csvn tiến hành từng bước một.

Vậy thì bất cứ quốc gia nào, bất cứ dân tộc nào, bất cứ nhà lãnh đạo nào làm ảnh hưởng đến nền an ninh của một quốc gia, của một dân tộc, hoặc của một cá nhân trong xã hội đó tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường (**). An ninh không những về mặt thể xác mà cả tinh thần, kinh tế, lãnh thổ, tài nguyên, môi sinh.

Nhu cầu tinh thần

Trong cuộc sống của mỗi người ngoài nhu cầu ăn-mặc còn một nhu cầu khác thuộc về mặt tinh thần, mặt tâm linh. Khi nói đến tâm linh là nói đến tôn giáo, tín ngưỡng. Tôn giáo, tín ngưỡng phải tách rời ra khỏi hệ thống cầm quyền. Có nghĩa là chính quyền hoàn toàn không tham dự vào các đoàn thể tôn giáo, các sinh hoạt trên lãnh vực tâm linh. Nhiệm vụ của chính quyền là để điều hợp các sinh hoạt của xã hội cho nhịp nhàng chứ không phải điều hòa tâm linh của mỗi cá nhân trong xã hội. Chuyện tâm linh là một lãnh vực hoàn toàn khác mà chính quyền không nên tham dự vào. Chính quyền nào xâm nhập vào tôn giáo để đưa ra chính sách kiểm soát tâm linh tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường. Chính quyền nào ngăn cản sự sinh hoạt của tín ngưỡng, của tôn giáo tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Tôn giáo phải phục vụ Con Người cho nên bất cứ tín ngưỡng nào kêu gọi sự giết hại người khác, hoặc làm thiệt hại về mặt tài chính, tinh thần của những cá nhân khác tức là đã đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường. Bất cứ cá nhân nào dựa vào tín ngưỡng của mình để xem những tín ngưỡng khác là “kẻ thù” thì đã đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường. Bất cứ cá nhân nào dựa vào tôn giáo để lạm dụng tiền bạc, tình dục với các tín đồ tức là đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Nhu Yếu (P3)

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2017

Dallas, TX

(*) Chữ Trinh được nhắc đến trong nhiều tài liệu của cụ Lý Đông A. Trong Duy Nhân Cương Thường nói “hôn nhân quý nhất Trinh: chồng với vợ, vợ với chồng” {D. Bản Chương (II)(a)(10)}. Trong Chu Chi Lục 7 ở phần Tiểu Gia cũng có nói đến “dân luân được trinh (trai trinh với vợ, gái trinh với chồng). Trong Quyển Mở, chương 2 (E)(4) Bộ Mẹng Hôn Nhân cũng có nhắc đến “chữ Trinh phải được bảo đảm”.

(**) https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf

1.  http://www.stat.go.jp/english/data/handbook/c0117.htm

Nguồn: https://nganlau.com/2017/10/15/duy-dan-cuong-thuong-nhu-cau-nhu-yeu-p2/

 

 

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

  Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, ...