Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Duy Nhân Cương Thường: Nhu cầu nhu yếu (P3)

Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), an ninh, tinh thần (tôn giáo), giáo dục, y tế, hợp tác xã hội (tương quan giữa cá nhân với xã hội và ngược lại) để làm cho cuộc sống của Con Người thăng tiến hơn trong chiều hướng hướng thượng.

Nhu cầu giáo dục

Con Người khác con vật ở sự giáo dục. Giáo dục được hiểu ở một nghĩa rộng gồm cả gia đình giáo dục, xã hội giáo dục, và trường học giáo dục. Sự học hỏi của Con Người bắt đầu từ khi lọt lòng mẹ và tiếp tục học hỏi cho đến khi nằm xuống lòng đất thì mới chấm dứt sự học hỏi.

Con Người sinh ra đều có những khả năng riêng biệt cho chính mỗi người. Những khả năng riêng biệt này ở nhiều trình độ khác nhau và số đông thì những khả năng này chỉ được phát triển khi có cơ hội được giáo dục nhằm mục đích phát hiện, bồi dưỡng khả năng đã có sẵn trong mỗi người. Đây là điều rất quan trọng bởi nếu sự giáo dục sai, không phát hiện đúng khả năng của cá nhân để cá nhân làm một công việc không phù hợp với khả năng của chính mình tức là hệ thống giáo dục đã giết hại đi những thiên tính (khả năng) mà mỗi cá nhân đã có trong chính bản thân mình.

Gia đình giáo dục là trách nhiệm của cha mẹ. Tuy nhiên không hẳn cha mẹ nào cũng có trình độ giáo dục cho nên cần phải có một nơi để các cha mẹ học hỏi sự giáo dục con cái mình từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trẻ trưởng thành. Cần phải có một tổ chức sinh hoạt trong việc chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm gia đình giáo dục của các bậc cha mẹ với các cha mẹ khác. Chỉ khi nào cha mẹ hiểu được cái gì gọi là cương thường của con người (nhân loại) thì lúc đó sự ảnh hưởng của giáo dục gia đình mới có thể giúp đỡ đứa bé lớn lên hiểu rõ trách nhiệm của chính mình trong vị trí của cá nhân đối với gia đình, họ hàng, làng xóm, xã hội và quốc gia.

Cũng cùng thời gian đó, một hệ thống giáo dục từ nhà trường cần phải giúp đỡ các trẻ từ lớp mẫu giáo cho đến hết đại học. Cần phải có chính sách giáo dục miễn phí từ lớp mẫu giáo cho đến hết bậc đại học. Với kỷ nguyên mới, với những kỷ thuật mới của thế giới, một cá nhân trong xã hội phải học xong chương trình đại học và bộ máy nhà nước phải chú tâm vào việc giúp đỡ tất cả thành viên trong xã hội từ 5 tuổi đến 22 tuổi (hoặc người lớn chưa có bằng đại học) hoàn thành chương trình học miễn phí. Đây chẳng phải là điều mới, trái lại, một số nước ở Âu Châu (Na Uy, Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Phần Lan) đã thực hiện chuyện này(1). Giáo dục là đào tạo Con Người có khả năng sáng tạo -- mà khả năng đó chỉ có dưới một nền giáo dục tự do để cá nhân đem sáng tạo áp dụng vào thực tế xã hội, giúp đỡ xã hội. Vậy thì giáo dục không phải là những giáo điều do chính nhà cầm quyền đưa ra như hệ thống giáo dục của VN hiện giờ.  Nền giáo dục để mỗi cá nhân thấy được bổn phận, trách nhiệm của chính mình trong tương quan giữa cá nhân với xã hội và xã hội với cá nhân. Nền giáo dục đó không phải là mục đích để làm giàu cho cá nhân sau này mà là để phục vụ gia đình, làng xóm, xã hội và quốc gia. Giáo dục nhà trường không thể nào đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường(*).

Khi đứa trẻ trường thành để hòa nhập vào xã hội thì xã hội giáo dục là hình thức của sự bồi dưỡng những gì đã được dạy dỗ từ gia đình và trường học. Xã hội giáo dục là bước học hỏi để đưa những gì đã học ở trường, ở nhà vào thực tế của đời sống xã hội. Xã hội giáo dục xảy ra ở các công sở, công ty, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức chuyện ngành v.v…. Khi cá nhân đã được đào tạo trên căn bản của Duy Nhân Cương Thường thì khi vào cuộc sống xã hội -- sẽ biến xã hội là một xã hội nhân bản hơn, quan tâm về Con Người nhiều hơn; sẽ tạo ra một cuộc sống thái bình trong xã hội mình đang sống và có thể lan tỏa ra ở những quốc gia khác trong cách đối xử với nhau dựa vào Duy Nhân Cương Thường để hành động.

Nhu cầu giáo dục quan trọng không thua gì nhu cầu ăn-mặc bởi như cụ Lý đã nói “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị” mà “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Để có thể biết cách thiết kế cũng như chấp hành nhân sinh, Con Người cần phải được giáo dục dựa trên căn bản Duy Nhân Cương Thường.

Nhu cầu y tế

Nhu cầu y tế của hôm nay quan trọng hơn bao giờ hết bởi Con Người của hôm nay đang đối diện với một xã hội tân tiến nhưng đồng thời cũng đối diện với những cơn bệnh do sự tân tiến của xã hội tạo ra. Những phương tiện vật chất của thế kỷ hôm nay được sản xuất không ít thì nhiều đều có hóa chất và những hóa chất này đã làm sản sinh ra những căn bệnh mà mấy trăm năm trước không có. Chính vì thế nhu cầu y tế được xếp vào nhu yếu.

Tất cả mọi người đều phải được lo lắng về sức khỏe khi bệnh hoạn mà không cần biết là cá nhân đó có tiền hay không có tiền. Cơ quan nhà nước phải trợ giúp tài chính cho những công ty sáng chế ra những thuốc mới để giúp cho người bệnh tốt hơn. Các công ty nhận tiền của nhà nước hay không nhận tiền của nhà nước, khi sáng chế ra một loại thuốc nào đó, mục đích là để phục vụ xã hội chứ không phải để làm giàu. Tất cả các công ty, các cơ quan có tầm ảnh hưởng đến ngành y tế đều phải được sự giúp đỡ của nhà nước, đồng thời phải chịu sự giám sát giá cả của nhà nước để thành phần dân chúng sống trong xã hội có khả năng trả tiền những loại thuốc cần thiết cho bản thân.

Làm giàu trên sức khỏe của con người là một hình thức làm giàu không có lương tâm bởi người xưa vẫn thường nói “lương y như từ mẫu”. Câu nói này không còn phù hợp với thời đại của hôm nay; trái lại, phần đông những công ty, những cá nhân làm trong ngành y khoa đều là để làm giàu thay vì là để giúp xã hội. Ngành y khoa của Việt Nam hiện giờ còn khủng khiếp hơn nữa bởi nhân viên làm việc tại các bệnh viện VN xem bệnh nhân như là một con vật chứ không đối xử như một Con Người đối với Con Người.

Bất cứ nhà lãnh đạo nào mà không lo được y tế cho tất cả những người sinh sống trong xã hội, trong quốc gia đó tức là sự lãnh đạo đã vi phạm Duy Nhân Cương Thường.

Tuy rằng y tế là nhu yếu nhưng không phải ai cũng có thể tự chữa bệnh cho mình, cho nên tất cả mọi người đều phải mua bảo hiểm y tế cho chính những cá nhân trong gia đình của mình với giá cả tùy theo khả năng tài chính của mỗi cá nhân. Bảo hiểm y tế thuộc dạng nào (đóng thuế, hay bỏ tiền ra mua) là do quyết định của những người chuyên môn trên lãnh vực tài chính để đưa ra một giải pháp khả thi nhằm bảo đảm mọi người có bảo hiểm y tế -- để khi cần thì không phải bán hết cả tài sản dành dụm suốt cả cuộc đời đi làm như tình trạng y tế của Mỹ hiện giờ.

Mỗi cá nhân sống trong xã hội có nhu cầu y tế và phải được xã hội tìm cách giải quyết nhu cầu đó. Tuy nhiên, mỗi cá nhân sống trong xã hội cần phải có tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình, nghĩa là không làm những chuyện có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình để bắt toàn xã hội gánh cái hành động vô trách nhiệm đó. Thí dụ: một cá nhân không có ý thức trách nhiệm đã dùng loại chất kích thích tố vào người để rồi phải bất tỉnh, đưa vào nhà thương cứu cấp. Đây là hành động vô trách nhiệm của cá nhân để làm thiệt hại đến ngành y tế, đến toàn xã hội. Cần phải có biện pháp để tránh những cá nhân không có tinh thần trách nhiệm với bản thân mình làm hại đến hệ thống y tế hiện có dành cho mọi người.

Cần phải giáo dục các cá nhân sống trong xã hội hiểu được tinh thần hiến tặng thân thể nếu chẳng may mình phải qua đời thì có thể cung cấp những bộ phận trong cơ thể cho những người bệnh cần thay thế những bộ phận trong con người. Đây chính là lối sống và ứng xử rất có trách nhiệm, nhân bản với xã hội -- cho dù mình nằm xuống, vẫn có thể đóng góp phần cuối cùng của thân thể cho người khác trước khi thân thể mình được thiêu táng hay chôn cất. Cần phải nhấn mạnh đây là sự hiến tặng, giúp đỡ và người hiến tặng, giúp đỡ hoàn toàn không nhận một phần thưởng tài chính nào. Đây là điểm chính để tránh tình trạng mua bán bộ phận thân thể của con người. Bất cứ sự mua bán bộ phận của con người tức là đã đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường.

Nhu Cầu Hợp Tác Xã Hội

Phần cuối cùng của nhu yếu là nhu cầu hợp tác xã hội. Đây là nhu cầu cần thiết của những cá nhân sống trong xã hội đó. Tương quan giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội là tương quan cần thiết để tạo cho cá nhân được thăng tiến trong cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Tương quan này sẽ tạo ra những tổ chức xã hội dân sự tự giúp đỡ những thành phần trong xã hội (có những điểm tương đồng giống nhau) hầu giúp chính cá nhân và chính tổ chức xã hội lớn mạnh để tạo ra một xã hội nhân bản hơn, kiện toàn hơn, an ninh hơn.

Các tổ chức xã hội dân sự ngoài việc giúp đỡ các thành phần cần sự giúp đỡ, các tổ chức xã hội dân sự đóng góp một công sức rất lớn vào việc xây dựng một cơ chế quản trị chính trị không đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường. Với nhiều tổ chức xã hội dân sự với những nghề nghiệp khác nhau, kinh nghiệm khác nhau sẽ nâng đỡ lẫn nhau trong hệ thống sinh hoạt của toàn xã hội trên toàn quốc nhằm mục đích tạo sự thống nhất, đồng nhất.

Sự sinh hoạt các tổ chức xã hội dân sự tạo căn bản cho sự học hỏi trong xã hội giáo dục. Chính cách làm việc của các tổ chức xã hội dân sự với ý thức trách nhiệm cao, với tinh thần phục vụ xã hội, với mục đích để nâng đỡ thành viên và các thành phần khác trong xã hội cùng nhau thăng tiến sẽ tạo ra một xã hội nhân bản, nhân tính, và nhân chủ.

Nhu cầu nhu yếu của Con Người được trình bày trong ba bài viết và nhu yếu tính này có thể thay đổi theo thời gian bởi ở mỗi thời điểm của lịch sử, nhu yếu của Con Người luôn luôn thay đổi. Trong tinh thần của Duy Dân, chúng ta phải biết thay đổi theo nhu cầu của thực tế chứ không thể cứng nhắc trong những nhu yếu của Con Người.

Kỳ tới chúng ta sẽ tìm hiểu về điểm thứ hai của Duy Nhân Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 9 năm 2017

Dallas, TX

(*) https://thangnghiadotorg.files.wordpress.com/2016/11/duynhancuongthuong-version-layouted-apr2016-1.pdf

1.  https://europe.graduateshotline.com/free-education.html

Nguồn: https://nganlau.com/2017/11/01/duy-nhan-cuong-thuong-nhu-cau-nhu-yeu-p3/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...