Bản vị học thuyết được trình bày trong 2 tài liệu Chìa Khóa Thắng Nghĩa (ghi nhận là của Lý Đông A) và Bản Vị Học Thuyết (do Thái Tung viết, 1972). Tuy đại cương thì giống nhau nhưng chi tiết có khác. Có thể coi như Thái Tung là người có công giải thích Bản Vị Học Thuyết nhưng cũng chưa rõ ràng lắm. Chúng ta hãy đi qua 2 tài liệu này để so sánh.
Bản vị học thuyết (Thái Tung)
Bản vị học thuyết là nền tảng cho Cơ năng Hiến Pháp và Tổ Đảng. Tìm hiểu và vận dụng học thuyết này đòi hỏi căn bản tu dưỡng để áp dụng và cải tiến đời sống, sinh hoạt.
Bản vị học thuyết là gì?
A. Định nghĩa
1. Bản vị nghĩa đen là chỗ đứng gốc. Nghĩa bóng là sự kết hợp thành một cái (pháp), có nhiều hình tướng (nhỏ hơn) kết hợp mà thành, khi kết thành nhóm thì phải có cột trụ (trung tâm) và tuy có vị trí khác nhau (đối lập) mà vẫn kết thành một cái đồng nhất (thể). Đó gọi là bản vị (hay pháp thể hợp tướng). Định nghĩa này áp dụng cho tất cả các bản vị, đặc biệt là cho con người và xã hội.
[Bản vị hay đơn vị căn bản hay vị trí (chỗ đứng) căn bản trong một tập hợp. Bản vị áp dụng cho cả vật chất lẫn tinh thần. Bản vị có thể là đơn vị nhỏ (thí dụ atom hay gọi là nguyên tử) nhất bất khả phân, chúng có thể kết hợp lại thành một bản vị lớn hơn (thí dụ molecule hay gọi là phân tử, được hình thành từ sự kết hợp 2 hoặc nhiều nguyên tử). Khi đó chúng tạo nên một trung tâm (trụ cốt, lõi). Nếu nói là có hình tướng khác nhau (đối lập) mà vẫn kết thành một cái đồng nhất thì không hợp lý cho lắm. Thí dụ như hình tròn và hình vuông đối lập nhau nhưng không thể là đồng nhất được. Nếu nói là pháp thể hợp tướng thì pháp (vật chất, hardware) và thể (tinh thần, software) hợp thành máy tính computer (tướng). Pháp thể có thể hiểu hai vật thể hợp lại để tạo ra một tế bào mới. Thí dụ trứng của người đàn bà phối hợp với tinh trùng người đàn ông để tạo ra một tế bào gọi là thụ thai. Trứng và tinh trùng là một bản vị riêng biệt phối hợp nhau để tạo ra tế bào mới. Từ tế bào đó tiếp tục tạo ra những tế bào khác để hình thành hình hài một đứa bé với những bộ phận tim, phổi, óc, chân, tay v.v…. Những bộ phận trong thân thể con người là một bản vị riêng biệt và nhiều bản vị đó hợp lại thành một bản vị mới gọi là hình hài của một Con Người.]
2. Bản vị học thuyết nhằm mục đích giải thích sự kết cấu và vận động của con người và xã hội.
B. Sự hình thành và kết cấu một bản vị
1. Mọi sự vật trong trời đất đều do sức tác động của vật có trước mà phát sinh các thành phần khác biệt của sự vật tạo nên sức suy động. Sức suy động tác dụng vào các sự vật vận động theo 2 hướng: hướng tâm và ly tâm. Khi hướng tâm thì kết hợp các sự vật. Khi ly tâm thì kết hợp các sự vật thành một thể mới theo công thức tự kỷ-động tha-ỷ tha.
[Nếu nói thế giới là trái đất chúng ta đang sống chịu ảnh hưởng của quy luật Âm-Dương thì sinh-khắc-chế-hóa sẽ tác dụng đến vạn vật và tạo nên các vật thể mới. Vũ trụ thành hình do sức ly tâm và hướng tâm (của trái đất và mặt trời, mặt trăng) cho nên vạn vật trong thiên nhiên cũng chịu quy luật này. Khi các bản vị có hình thể giống nhau và vận động (tác dụng hướng tâm) thì chúng tạo nên một trung tâm. Khi chúng kết hợp bằng sức ly tâm thì sẽ tạo thành một bản vị mới (lớn hơn bản vị cũ), cơ năng mới và từ đó tạo trung tâm bản vị mới]
2. Như thế mỗi lần kết hợp bởi sự vận động của các thành phần kết cấu qua thời gian và không gian tạo ra sức đun đẩy và hấp dẫn (kết hợp và vận động) hay là sức lõi. Quá trình này nối tiếp không ngừng và toàn thể sự vận động kết hợp đều được đồng hành phát triển (hướng thượng).
[Trong vũ trụ, thiên nhiên thì thời gian và không gian khác biệt là 2 yếu tố tạo sự thay đổi về sức hút và đẩy của các bản vị (hành tinh trong vũ trụ) tùy theo sức lõi mạnh hay yếu để tạo thành yếu tố mới. Quá trình vận động để hình thành đó có sinh có diệt nhưng cái đã diệt thì không còn hiện hữu, cái mới sinh thì phải khác hơn, tốt hơn cái đã có (vì thích hợp với điều kiện Thời-Không ) làm nên sự hướng thượng].
3. Những thành phần kết cấu nên một bản vị gọi là cơ năng. Cơ năng như thế là gì? Là tác dụng đun đẩy, hấp dẫn lẫn nhau để kết hợp nên một bản vị. Khi nói "cơ năng và bản vị là hỗ tương nguyên nhân" thì đó là tương sinh (có cái này là phải có cái kia). Nếu bản vị là "thể" thì cơ năng là "dụng". Sức hoạt động ly tâm và hướng tâm xác định nhiệm vụ của một bản vị. Một khi đã "động tha" thì sẽ có "ỷ tha" là tác động hai chiều (hỗ tương) tạo ra cái mới để xử dụng cái mới. Trong khi đó "vận động và kết hợp là hỗ tương nguyên nhân" thì vận động ly tâm của 2 bản vị sẽ kết hợp tạo thành bản vị mới. Và vận động hướng tâm sẽ xác định vai trò của bản vị mới và duy trì sự hiện hữu của bản vị.
Quá trình hoạt động của cơ năng và bản vị có sự tiến lên, hướng thượng (Tung). Trong khi các bản vị đã có kết hợp thành trung tâm (hợp). Sự thay đổi của Thời gian-Không gian đòi hỏi bản vị phải thích ứng, khi cơ năng vận động để thích ứng thì trung tâm bản vị cũng thay đổi. Chất lượng và số lượng bản vị có thể thay đổi nhưng trung tâm bản vị luôn luôn hiện hữu như một sự cân bằng của xã hội chúng tạo thành qua tự kỷ-động tha-ỷ tha. Quan niệm Tung Hợp trong kiến thiết của Duy Dân vô cùng chặt chẽ trong mọi hoạt động của con người với xã hội và cũng từ đó phát sinh ý niệm đan quyền để kiểm soát sự hoạt động chính xác, đích thực và phù hợp với sinh mệnh con người và sinh mệnh xã hội.
Những thành phần tạo ra bản vị gọi là cơ năng hoàn chỉnh. Cơ năng hoàn chỉnh được hiểu là cơ năng trong bản vị mới đó, tự nó đứng riêng thì là bản vị của chính nó được cấu tạo bởi nhiều cơ năng khác. Thí dụ con người là một bản vị được cấu tạo bởi những cơ năng (tim, óc, gan, phổi v.v…) trong cơ thể và những cơ năng trong cơ thể là một bản vị của chính nó được cấu tạo bởi những cơ năng khác để tạo ra trái tim, bộ phổi, thận v.v… Xã hội là một bản vị được kết hợp từ những cơ năng hoàn chỉnh tức là những con người sống trong xã hội đó. Với chính bản thân họ thì họ là một bản vị riêng biệt. Nhưng với xã hội thì họ là một cơ năng trong bộ máy xã hội để đóng góp công sức vào tiến trình hình thành một bản vị xã hội tốt đẹp hơn.
C. Trung tâm bản vị
Tác dụng hướng tâm của các bản vị (1) tạo nên trung tâm bản vị (hàng ngang = hợp) trong khi tác dụng ly tâm của các bản vị tạo nên bản vị lớn hơn (hàng dọc =tung). Hoạt động kế tiếp là trung tâm bản vị (1) trở thành sức lõi của các bản vị (1) tạo nên nó (tự kỷ) và động tha (ly tâm) tạo nên bản vị (2) mới. Và bản vị (2) mới lại dùng vận động hướng tâm để thành lập trung tâm bản vị (2) mới. Cứ thế tiếp diễn theo quá trình Thời-Không.
Ứng dụng
A . Nhu cầu phát sinh tổ chức mới dựa trên Nhân tính và chịu ảnh hưởng chi phối của 4 tiền đề và 5 đầu mối bản thể (xem Chìa Khóa Thắng Nghĩa) thúc đẩy sự tiến hóa của con người và xã hội. Những sinh khắc chế hóa của các vận động trên giúp con người và xã hội phát triển. Tuy nhiên con người phải có tu dưỡng để tự kỷ thì tiến trình Tự kỷ-động tha-ỷ tha mới đi đến xây dựng hướng thượng, nếu không là hủy hoại, để giải quyết các nhu cầu của xã hội và thế giới (nhân loại) thì mới có sự hòa đồng mà Duy Nhân Cương Thường đặt ra.
Tại sao căn cứ vào tiêu chuẩn nào để tổ chức theo bản vị học thuyết? Vì con người (bản vị) có nhu cầu kết hợp thành xã hội (nhiều bản vị) tự tính tất nhiên cần phải có trung tâm (chính quyền, hiến pháp) để điều hành các cơ cấu xã hội. Nguyên tắc của bản vị dẫn tới trung tâm bản vị Nhân loại.
B. Nhân loại bản vị
Nguyên lý căn bản của triết học Thắng Nghĩa là "xã hội với tự nhiên đối lập thống nhất". Quá trình vận động và kết hợp của con người (nhân tính) trong xã hội (tự tính) dẫn tới nhân loại bản vị. Xã hội có 4 nhân tính: nhu yếu tính, sắc tính, tự vệ tính và xã hội tính. Nhu cầu đối lập thống nhất phải tự lo cho sự tồn tại của bản thân (tự kỷ) và xã hội (động tha- ỷ tha) đối với thiên nhiên theo thời gian và không gian.
Trung tâm bản vị của nhân loại bản vị là Dân Tộc bản vị và Quốc Gia (bản vị?).
[Triết học Thắng Nghĩa hướng dẫn con người đi từ tu dưỡng để có Tự kỷ-Động tha-Ỷ tha. Từ đó con người thành lập xã hội tự tính trên căn bản của bản vị cơ năng để tiến tới Nhân loại bản vị. Do đó nhu cầu để có một Duy Nhân cương thường là tất yếu. Duy Nhân cương thường đòi hỏi thực hiện Duy Dân cơ năng để thành lập Cơ Năng hiến pháp. Có cơ năng hiến pháp thì mới thực hiện được bình sản kinh tế trên căn bản "Toại kỳ sở nhu-Tận kỳ sở năng-Chính kỳ sở mệnh" . "Toại kỳ sở nhu" chính là để đáp ứng mục tiêu Bình Sản kinh tế trong khi "Tận kỳ sở năng" là thực hiện cơ năng bản vị để đạt tới "Chính kỳ sở mệnh" là Sinh Mệnh Tâm Lý. Sự thành lập nhân loại bản vị sẽ tùy thuộc sự thành hình và hoạt động của dân tộc bản vị và quốc gia bản vị. Nếu dân tộc bản vị là "Dụng" của các thành phần trong xã hội thì quốc gia là "Thể" của khối dân tộc.]
C. Dân tộc bản vị
Nếu một cá nhân là một bản vị với cơ năng (hoạt động) của nó thì dân tộc là một bản vị lớn hơn do sự vận động và kết hợp của các cá nhân (cùng hay khác chủng tộc, sắc tộc) qua thời gian và không gian. Dân tộc bản vị có đặc tính về chủng tộc, ngôn ngữ, địa lý, văn hóa, chính trị... mọi sự khác biệt giữa các đặc tính trên phải được giải quyết (sinh-khắc-chế-hóa) thì dân tộc mới tồn tại và nhân loại mới hoà hài.
Mỗi dân tộc là một bản vị với cơ năng hoạt động phải hoàn thành chức năng để tiến lên một bản vị lớn hơn là cộng đồng khu vực (theo thời-không) tạo thành trung tâm bản vị mới. Từ đó tiến tới Nhân loại bản vị. Nhưng mỗi dân tộc có thể có nhiều sắc tộc tạo thành những cộng đồng nhỏ và đó là thử thách của dân tộc bản vị phải vượt qua trước khi tiến đến cộng đồng khu vực và nhân loại bản vị.
[Trường hợp nước Mỹ là dân tộc bản vị bao gồm nhiều cộng đồng sắc tộc. Vì không đặt căn bản trên 4 nền tảng và 5 đầu mối bản thể nên sự thành lập bản vị trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó cương thường của xã hội dựa trên tôn giáo, một khi tôn giáo rối loạn vì đạo đức suy đồi (lạm dụng tình dục) thì luật pháp không thể giải quyết được hết mà chỉ làm vấn đề thêm rắc rối hơn. Tu dưỡng không có thì không có tự kỷ. Và động tha, ỷ tha chỉ là hành động theo tham-sân-si trong khi các bản vị chỉ có hướng tâm (cá nhân chủ nghĩa) về quyền lợi vật chất và ly tâm là chủ yếu bóc lột, xâm chiếm tài nguyên. Các trung tâm bản vị chỉ là các trung tâm quyền lực khai thác con người, xã hội trên mặt chính trị, tôn giáo vì quyền lợi kinh tế hơn là nhân loại hòa hài. Sự phát triển khoa học rất nhanh nhưng sự nắm giữ nguyên tắc triết học (nhân cách, nhân tính, nhân bản) không có. Giáo dục trở thành phương tiện biến con người thành công cụ sản xuất và hưởng thụ. Phong trào dân túy (populism) cho thấy con người mất tự chủ, tự giác và không thể phân biệt được tin tức thực hay hư (misinformation). Không có dân tộc bản vị thì không có nhân loại bản vị. Đó cũng là lý do Liên Hiệp Quốc được coi như trung tâm bản vị của nhân loại đã không thực hiện được sứ mạng giao phó. Mọi hoạt động của dân tộc phải đối lập thống nhất thì quốc gia mới sinh hoạt hữu hiệu để tiến lên bản vị lớn hơn: cộng đồng khu vực, nhân loại bản vị].
D. Quốc gia
Quốc gia là bản vị của dân tộc do nhiều sắc tộc kết hợp thành Dân Tộc Bản Vị. Nếu không tạo được sự đối lập thống nhất trong một quốc gia thì quốc gia khó mà kết hợp với các quốc gia khác trong cộng đồng khu vực. Sức lõi của quốc gia là chính phủ do toàn dân đóng góp trong tinh thần dân chủ (tự giác của các bản vị dân tộc) qua đối lập thống nhất.
Trần Công Lân
Tháng 3 năm 2021 (Việt lịch 4900)
Nguồn: https://nganlau.com/2021/10/01/ban-vi-hoc-thuyet-hay-ban-vi-co-nang-p1/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét