Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Nền Tảng Duy Dân: Tu Dưỡng

 

Những ai đã từng làm kỹ sư kiến trúc khi vẽ một sơ đồ căn nhà đều đặt câu hỏi với chính mình là với căn nhà như thế phải đặt cái nền nào cho thích hợp để căn nhà không bị sụp đổ? Đối với họ, dù một nhà vẽ mẫu đẹp như thế nào đi nữa không thể nào đặt trên một nền móng giả tạo hay một nền móng chỉ là cát thì căn nhà đó sẽ sập ở một tương lai rất gần hoặc trong lúc xây cất sẽ bị sập. Chính vì thế mà những kỹ sư kiến trúc, sau khi vẻ căn nhà cho khách hàng, họ luôn luôn nhắc nhở khách hàng là phải tìm kỹ sư về nền tảng (structure) để xây dựng cái nền nhà và cột trụ nhà như thế nào mà vẫn bền vững ở tương lai.

Nếu ví Lý Đông A là một kiến trúc sư vẽ ra một triết lý Duy Dân thì câu hỏi đặt ra là thuyết Duy Dân dựa vào nền tảng nào?

Đây là câu hỏi không phải dễ trả lời và ngay cả những người tìm hiểu Duy Dân hoặc viết sách về Duy Dân chưa chắc có câu trả lời đúng. Mà nếu không xác định được nền tảng đó thì tất cả những gì bàn về Duy Dân, từ Duy Nhân Cương Thường đến Bản Vị Học Thuyết, từ Nền Triết Học Chính Thống đến Cơ Năng Hiến Pháp hoặc tất cả những tài liệu nói về Duy Dân chỉ là những đường vẽ của một kiến trúc sư hay còn gọi là những lý thuyết suông, không thực tế. Nó cũng giống như một môn võ nổi tiếng nhưng lại truyền giao cho một môn đệ hoàn toàn không có nội công thì môn võ nổi tiếng đó mục đích để diễn sơn đông mãi võ mà thôi. Và nếu môn đệ có nội công nhưng cái tâm không có thì người thầy giỏi sẽ không bao giờ truyền thụ môn võ đó vì sợ học trò của mình phản, làm bậy và hại đến xã hội ở tương lai.

Nền tảng của Duy Dân chính là sự tu dưỡng ở bản thân. Lý Đông A cũng đã nói sự tu dưỡng này trong tài liệu Thiết Giáo. Ngay cả tài liệu Sinh Mệnh Tâm Lý cũng nói về sự tu dưỡng để hiểu chính tâm sinh lý của bản thân và người khác. Sự tu dưỡng này được hình thành ngay từ bản thân ở một lứa tuổi nào đó đưa đẩy cá nhân đó suy tư nhiều về Con Người và Xã Hội. Khi ở một lứa tuổi chưa trưởng thành, tức là dưới 18 tuổi, nhưng cá nhân đó có những quan tâm về Con Người và Xã Hội, và cá nhân đó tiếp tục theo đuổi quan tâm đó cho đến cuối cuộc đời để sống một cuộc sống gọi là sống biết, sống thực, và sống đúng. Nói nôm na là sống tử tế, sống đơn giản, sống để đóng góp cho xã hội và làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Hình ảnh cô Greta Thunberg và Joshua Wong là thí dụ điển hình cho thấy hai cá nhân này đã có sự quan tâm đến môi trường và xã hội từ lúc nhỏ dưới 15 tuổi.

Sống biết, sống thực, sống đúng và sống Duy Dân là một đề tài khác, đã được triển khai qua loạt bài Tu Dưỡng Thắng Nhân Diễn Giải. Trở về với nội dung của bài viết này thì sự tu dưỡng quan trọng là ở trong chính tâm thức của cá nhân đó. Sự tu dưỡng được rèn luyện qua những kinh nghiệm thực tế của cuộc sống, những va chạm của đời sống để chính mỗi con người có sự tu dưỡng sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện ở chính mình hầu đạt được “ngộ” ở trong cái trình độ tu dưỡng của bản thân.

Người học võ cần tập luyện nội công thì người học Duy Dân cần tập luyện tu dưỡng. Tu dưỡng càng cao thì sự giác ngộ có chiều sâu để thấm thấu được những nguyên lý Duy Dân và thấy nguyên lý đó hiện thực trong đời sống của Con Người và xã hội một cách rất tự nhiên. Thiếu sự tu dưỡng bạn sẽ không thấy được cái thực tế của Duy Dân. Thiếu sự tu dưỡng bạn sẽ không hiểu được cái gốc của Duy Dân mà chỉ hiểu phần ngọn. Thiếu sự tu dưỡng bạn sẽ không diễn giải Duy Dân vào thực tế. Thiếu sự tu dưỡng thì dù bạn mất thời gian 10, 20, 30 hoặc 40 năm chưa chắc bạn hiểu được Duy Dân ở một góc nhìn thực tế của người có tu dưỡng cao. Thiếu tu dưỡng bạn chỉ nhai lại lý thuyết Duy Dân và không sống hay áp dụng Duy Dân vào chính bản thân mình.

Điều này giải thích tại sao có người viết sách Duy Dân nhưng lại ủng hộ ông Trump mà trên cái nhìn Duy Dân, Trump là người không có tư cách, nhân cách, nhân phẩm để làm công việc lãnh đạo quốc gia. Điều này giải thích tại sao những người từng tìm hiểu Duy Dân nhưng lại xem bằng cấp, chức vụ quan trọng hơn cái tu dưỡng và luôn luôn khoe chức vị của mình dù rằng mình chẳng còn làm trong ngành nghề đó. Điều này giải thích tại sao những người từng sinh hoạt Duy Dân sẵn sàng nói láo để bị bắt quả tang của sự nói láo. Điều này giải thích tại sao trong sinh hoạt Duy Dân thiếu tinh thần dân chủ và khi ai đó đặt vấn đề thì người ta tìm đồng minh để chứng minh là có dân chủ trong sinh hoạt. Điều này giải thích tại sao trong sinh hoạt Duy Dân với một tổ chức bất vụ lợi, người lãnh đạo xem những người khác là bù nhìn, tay sai và mọi chuyện do một cá nhân quyết định gồm cả mặt tài chính. Điều này giải thích tại sao người tìm hiểu Duy Dân cho rằng hình ảnh đan quyền trong Duy Dân là hình ảnh của sự phân quyền liên bang và tiểu bang của Mỹ (thực tế đây là phân quyền mà chính Lý Đông A cũng đã xác định).

Tu dưỡng là nền tảng của Duy Dân. Thiếu tu dưỡng thì tất cả những gì gọi là Duy Dân chỉ là ngọn. Thiếu tu dưỡng người ta có thể dùng Duy Dân để ăn trên nằm trước hoặc làm sơn đông mãi võ, treo đầu heo bán thịt chó. Tu dưỡng là tiến trình hình thành từ thuở nhỏ ngay ở chính bản thân của mình và tiến trình này không bao giờ chấm dứt cho đến khi rời khỏi cõi đời này. Tu dưỡng sẽ trở nên khó hơn khi tuổi đời của cá nhân trên 40 nếu khoảng thời gian trước đó hoàn toàn không có tu dưỡng và do sinh mệnh hệ thống đã hình thành thì sự thay đổi càng khó hơn.

Tu dưỡng không phải ai cũng có thể tự tu dưỡng để đạt đến “ngộ”. Cũng như những ngành nghề trong xã hội, cùng một ngành nghề nhưng tay nghề lại khác nhau vì yếu tố tất năng và khả năng. Tu dưỡng cũng không nằm ngoài luật tự nhiên đó. Tức là tu dưỡng cũng có nhiều trình độ khác nhau. “Ngộ” cũng có nhiều trình độ khác nhau. Một điều khẳng định rằng nếu bạn có sự tu dưỡng thì bạn sẽ không xài bạc giả, không ủng hộ ông Trump khi mà sự nói dối của ông Trump đã trở thành truyền thống thì không có lý do gì để tin một cá nhân nói dối như thế. Nếu bạn không tin Hồ Chí Minh thì chẳng lẽ bạn lại tin Trump, một cá nhân gọi là thầy của Hồ Chí Minh? Chưa kể bạn lại viết sách về Duy Dân thì rõ ràng, bạn lợi dụng Duy Dân để treo đầu heo bán thịt chó. Bạn đã làm xấu Duy Dân vì bạn không có tu dưỡng.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 1 năm 2021 (Việt lịch 4900)

https://nganlau.com/2021/03/01/nen-tang-duy-dan-tu-duong/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...