Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Tư Tưởng Là Gì?

 

Khi nghe ai nói đến tư tưởng thì chúng ta sợ hãi bởi cứ nghĩ tư tưởng là cái gì cao siêu lắm. Thực tế tư tưởng chỉ là những cái đời sống hàng ngày trong lối ứng xử của con người. Phải hiểu lối ứng xử của con người từ xưa cho đến nay thì mới giải quyết được những vấn nạn mà chúng ta đang đối diện.

Sẽ có người lý luận: chuyện Con Người thì các triết gia trên thế giới đã nói rồi. Đúng vậy. Cái khác biệt chính là cái nhìn của triết gia hoàn toàn khác với cái nhìn của người bình thường. Triết gia đôi khi nhìn vấn đề ở dạng học thuật mà quên cái học thuật đó áp dụng được vào trong thực tế hay không. Nói về Con Người là nói về tương tác, giao tế giữa cá nhân này với cá nhân khác hoặc với tập thể. Tương tác này không dựa vào khoa học mà dựa ở nội tâm, kinh nghiệm bản thân, ảnh hưởng của môi trường sống tạo ra sự tương tác đó và không hề có tính khoa học trong lối ứng xử giữa con người với con người. Đó là lý do tại sao, đến giờ phút này, thế giới vẫn còn hình ảnh người bóc lột người, cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua cho dù ở bất cứ chế độ nào.

Lịch sử chứng minh từ thời ăn lông ở lổ đến hôm nay, khi cá nhân chấp nhận đặt quyền lợi cá nhân dưới quyền lợi của tập thể thì xã hội mới thái bình (hiểu theo nghĩa dân chúng an cư, lạc nghiệp) cho dù ở chế độ mẫu hệ, bộ tộc, phong kiến, độc tài v.v… Ai chẳng muốn ăn ngon, mặc đẹp nhưng nếu cái ăn ngon, mặc đẹp đó là cướp giựt từ người khác cho bản thân thì cá nhân đó đã đặt quyền lợi của bản thân trên quyền lợi của tập thể (người khác trong xã hội). Hình ảnh các công ty đem sản xuất đến quốc gia khác để tạo lợi nhuận và làm ảnh hưởng môi trường sống ở quốc gia sở tại tức là công ty đặt quyền lợi của người chủ hay người đầu tư lên trên quyền lợi của tập thể để ảnh hưởng môi trường không phải chỉ ở quốc gia sở tại mà ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Phải hiểu khả năng của mỗi người để biết dùng người, đặt họ vào đúng vị trí của guồng máy xã hội thì bộ máy của xã hội mới vận hành đúng và hữu hiệu. Đặt sai vị trí sẽ tạo ra khủng hoảng và giết hại nhiều người. Hình ảnh Trump trong bốn năm lãnh đạo đất nước cho thấy người dân đã chọn không đúng người vào vị trí lãnh đạo để cuối cùng hơn nửa triệu người chết vì bệnh dịch và cuộc đảo chính không thành công xảy ra ngày 6 tháng 1 năm 2021. Nếu cuộc đảo chính ngày 6 tháng 1 thành công thì nền “dân chủ” của Mỹ trở thành “độc tài dưới nhãn hiệu dân chủ” chỉ bởi vì một số người đặt quyền lợi của cá nhân, của đảng phái lên trên quyền lợi của tập thể.

Sự vận hành của bộ máy xã hội giống như một bức tranh puzzle mà mỗi cá nhân là một mảnh nhỏ puzzle, cần phải nhận diện để ráp đúng vào bức tranh tổng thể puzzle đó. Nếu nhận diện sai thì bức tranh sẽ không bao giờ được hoàn thành. Ngay cả một tổ chức nhỏ như hội từ thiện, đảng chính trị, đảng cách mạng, tổ chức xã hội dân sự cũng phải nhận diện đúng người để đặt đúng vào vị trí thì tổ chức mới lớn mạnh, phát triển. Đặt sai vị trí thì tổ chức sẽ teo dần cho đến khi không còn người để thay thế thì tự động bị đào thải. Hoặc có người thay thế nhưng sẽ không bao giờ phát triển bởi người thay thế có thể không đặt đúng vị trí với khả năng của họ.

Nhận diện người để lên tiếng khi ai đó treo đầu heo bán thịt chó; hành xử độc tài nhưng miệng luôn nói dân chủ; dùng người khác làm bình phong trong các chức vụ của tổ chức nhằm đáp ứng với yêu cầu của sở thuế -- trong khi chính bản thân quyết định mọi chuyện về mặt tài chính mà người thủ quỹ chỉ là bù nhìn, không hề biết chi tiêu cho cái gì, ra sao ngoài những con số do người “lãnh đạo” đưa ra. Phải nhận diện được những hạng người này để loại họ ra khỏi tổ chức bởi nếu không thì sẽ là một mối nguy của chính tổ chức khi mà chính bản thân của những hạng người này hoàn toàn không có sự tu dưỡng trên lãnh vực Con Người với Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân Sinh, Nhân Hành, Nhân Cách. Hoặc chính bản thân dứt khoát không tiếp tục làm bù nhìn cho những hạng người thiếu chữ Nhân ở trong tâm.

Nhận diện, quan sát để phát hiện ra sự yếu kém của chính bản thân, của tổ chức để từ đó tìm người huấn luyện hầu vượt lên được yếu kém; đào tạo chính bản thân hoặc người trong tổ chức thành những Con Người sống không phải chỉ cho mình mà cho mọi người; trách nhiệm không những chỉ cho người trong gia đình mà trách nhiệm gồm cả cho tập thể, xã hội.

Phải biết nhìn trước, ngó sau để rút kinh nghiệm qua bài học quá khứ lẫn hiện tại để vạch ra con đường đi của tương lai hầu tránh vết đổ vỡ của những người đi trước. Tất cả những đổ vỡ đều đến từ Con Người chỉ bởi sự băng hoại của Con Người theo thời gian, nếu không tạo ra tính kỷ luật cho chính bản thân và hệ thống sinh hoạt của xã hội để tránh sự băng hoại bớt đi nếu có xảy ra.

Tất cả những điều nói bên trên chính là thể hiện tư tưởng trong việc làm, lời nói, và hành động. Không quan sát, không tạo kỷ luật ở bản thân, không hiểu nguyên lý ứng xử của Con Người thì tất cả những gì gọi là lý thuyết chỉ là ngọn chứ không phải là gốc. Nắm ngọn mà tưởng là gốc thì rất nguy hiểm bởi không một lý thuyết nào có thể tồn tại nếu không có gốc làm chuẩn. Cái gốc đó phải bắt đầu từ Con Người chứ không phải từ lý thuyết. Từ sự quan sát để đưa ra những nguyên lý trong đời sống thực của người. Đây mới chính là tư tưởng hiểu theo nghĩa thường tình trong đời sống của Con Người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/02/01/tu-tuong-la-gi/

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nuôi Tâm Sinh Thiên Tài (P1)

“Nuôi Tâm sinh thiên tài.... Nuôi Óc sinh nhân tài.... Nuôi Thân sinh nô tài....” (Lý Đông A) Bởi vì hồn ma "Tùng Lâm" về ám...