Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Nhân Chủ - Dân Chủ - Dân Quyền

 

Ghi Chú NL: Bài viết ở phần cuối đã nhấn mạnh từ ngữ Nhân Chủ. Con người từ thời ăn lông ở lổ, mỗi người đã tự làm chủ lấy chính mình. Chính sự làm chủ đó, mỗi con người hợp lại để tạo ra từng nhóm, từng bộ tộc, bộ lạc, quốc gia để chọn người ra làm đại diện cho tập thể hầu thực hiện chuyện “thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Người được tập thể chọn ra cùng với tập thể đó thực hiện mục tiêu “thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Thời đại hiện nay, khái nhiệm Nhân Chủ chưa được triển khai rộng rãi mà người ta chỉ nắm phần ngọn của Dân Chủ, Dân Quyền mà không nắm phần gốc là Nhân Chủ. Khi mỗi cá nhân tự làm chủ lấy chính sinh mệnh của mình thì sẽ biết thực hiện Dân Chủ và Dân Quyền như thế nào để đáp ứng được mục tiêu “thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết từ người trong nước đặt vấn đề Nhân Chủ là cái gốc, là nền tảng của Dân Chủ và Dân Quyền.

Chúng ta sẽ tìm hiểu các khái niệm để hiểu "quyền" và "làm chủ" khác nhau thế nào. Nói về khái niệm "làm chủ", thì nói đến "Nhân Chủ" sẽ chính xác hơn là "Dân Chủ". Chúng ta cần hiểu rõ và minh định lại, đây là quá trình cực kỳ khó khăn vì khái niệm vốn đã ăn sâu vào nhận thức con người và sự nhập nhằng trong khái niệm không rõ ràng làm cho sự vận hành ở phía nhà nước và người dân không được thực thi một cách hoàn chỉnh. Và khi nhà nước độc tài, lại càng xảy ra vấn đề.

Nhân Chủ (Humanocracy): Con người có các quyền cơ bản quy định dựa trên các đặc tính của con người, tồn tại và phát triển thông qua quá trình hòa hợp với đời sống tự nhiên và các mối ràng buộc xã hội. Con người làm chủ vận mạng chính mình, quyền đặc định thuộc về con người phải được đưa lên hàng đầu trong hệ thống vận hành xã hội. Đây là đặc định chung cho thế giới loài người.

Quyền công dân: Công dân trong một quốc gia, bởi vì có sự khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và lãnh thổ nên mỗi quốc gia phải có hệ thống pháp luật để duy trì trật tự xã hội và phát triển đất nước. Hệ thống pháp luật này được viết ra dựa trên tôn chỉ bảo vệ tối đa quyền con người ở trên. Trong quá trình bầu ra cơ cấu nhà nước, công dân có quyền bầu cử chính danh. Trong hiến pháp, sẽ có các quy định về việc nhà nước hoạt động như thế nào, hiến pháp phải bảo vệ tối đa quyền con người như đã nói ở trên, nếu nhà nước không thực thi được như hiến pháp đề ra, thì công dân có quyền phế truất và bầu lại cơ cấu nhà nước mới, và điều này phải được ghi rõ vào hiến pháp. Ở đây hoàn toàn chưa nói đến thể chế chính trị đang vận hành là gì. Nếu thể chế là đa đảng, tam quyền phân lập thì công dân có quyền tham gia vào việc định ra hiến pháp, luật pháp, kiểm định sự độc lập hệ thống tư pháp. Tất cả các quá trình này, phải thông qua ý kiến công dân, đây là quyền công dân và chúng ta nên gọi nó chính xác là "Dân Quyền". Chưa kể, trong tương lai, chắc chắn sẽ có thể chế chính trị ưu việt hơn cả các mô hình chính trị như bây giờ, thì việc hiểu rõ các khái niệm là điều con người nên nắm bắt để bảo vệ cho chính bản thân mình. Sau khi bộ máy nhà nước được thành lập với hệ thống hiến pháp, luật pháp và tư pháp độc lập hoàn chỉnh thì cơ cấu bắt đầu vận hành, kể từ lúc này, tất cả mọi công dân trong đất nước và bao gồm cả công dân đơn lẻ hay tổ chức đang làm việc trong chính phủ phải tuân theo hiến pháp và pháp luật này. Sự tuân theo trật tự này là PHÁP QUYỀN. Và cơ quan tư pháp là cơ quan có chức năng phán xét và xử lý những công dân hay tổ chức vi phạm luật pháp bất kể đó là ai một cách công bằng và minh bạch.

Vậy thì minh định lại, nếu nói "Dân Chủ" thì không còn chính xác nữa. Khái niệm "Dân Chủ" rất bó hẹp, thường bị hiểu sai và làm sai, xảy ra ở cả hai phía nhà nước và công dân. Sẽ có các vấn đề xảy ra, về thực tế, không có nhà nước nào lại không muốn có quyền lực, sự mong muốn sở hữu quyền lực đó là mong muốn "làm chủ" công dân. Trái lại, công dân cũng mong muốn như vậy, vậy nên, cả nhà nước và công dân đều muốn làm chủ mà không hiểu được "quyền" và "làm chủ" khác nhau thế nào thì dễ xảy ra hỗn loạn xã hội. Nhà nước chỉ là THÀNH PHẦN ĐẠI DIỆN CHO CÔNG DÂN, và công dân sử dụng QUYỀN của mình để kiến thiết nên cơ cấu nhà nước và hệ thống pháp luật. Vậy thì, khái niệm"dân chủ" không chính xác nữa. "Dân Chủ" ở đây chỉ có thể nói về quyền sở hữu tài sản của công dân. Công dân làm chủ tài sản của mình bao gồm tài sản vật chất và trí tuệ. Có quyền sở hữu đất đai thực thụ chứ không phải là "quyền sử dụng đất". Đây là quyền làm chủ cơ bản của công dân. Chúng ta phải minh định, Nhân Chủ - Dân Chủ - Dân Quyền khác nhau như vậy.

Một xã hội văn minh là con người được làm chủ vận mạng của chính mình, sống trong một quốc gia, con người có quyền cùng nhau đề ra một cơ cấu nhà nước cùng với hệ thống pháp luật hoàn thiện để đảm bảo tối đa quyền con người của mình, đồng thời xã hội đó phải có một trật tự thực thi pháp luật chứ không phải hỗn độn. Nếu nhà nước đó không phải hoàn thành được chức trách của mình như đã ghi trong Hiến Pháp thì công dân có quyền bầu ra một cơ cấu nhà nước khác để đảm bảo quyền con người và quyền công dân được bảo vệ. Và quan trọng là con người phải được hoàn toàn tư hữu tài sản vật chất và phi vật chất thuộc về mình. Nếu tất cả những điều này được đảm bảo thực thi thì quốc gia sẽ phát triển, bình đẳng và văn minh. Người viết vẫn luôn đấu tranh cho Nhân Chủ chứ không đấu tranh cho Dân Chủ vì các lý do trên. Nhân Chủ đã bao hàm cả Dân Chủ và Dân Quyền. Nhân Chủ là khái niệm đưa con người lên vị trí cao nhất, con người là chủ thể cao nhất trong thế giới tự nhiên, có trí tuệ và sự nhận thức, làm chủ vận mạng của mình, đem sự nhận thức của mình hòa hợp với thế giới tự nhiên và phát triển xã hội.

Trong thời kỳ mà sự tàn phá con người về thể xác và tinh thần ở đỉnh điểm, thì Nhân Chủ là khái niệm mà con người cần biết và hiểu rõ, phải hiểu rằng, sinh mạng con người là cao quý nhất, và chủ thể này phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Những thế lực đang âm thầm đưa con người vào chỗ hủy diệt là đang làm trái lại với quy luật tự nhiên và sự vận hành của vũ trụ. Cái gì trái với tự nhiên sẽ dẫn đến diệt vong!

HUỲNH THỊ TỐ NGA

Nguồn: FB của cô Huỳnh Thị Tố Nga

Nguồn: https://nganlau.com/2024/03/07/nhan-chu-dan-chu-dan-quyen/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...