Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Làm Sao Hiểu Được Lý Đông A? (P1)

 

Chúng ta nghe nói nhiều về Lý Đông A (LĐA) và tư tưởng của ông nhưng khi đọc các tài liệu của LĐA nhiều người vẫn không nắm được ông ta nói gì và nói như vậy nhưng làm (hành động) thì như thế nào, khởi sự từ đâu?

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa có bản nhạc “làm sao giết được người trong mộng” và sau 1975 bản nhạc “đêm qua mơ gặp bác Hồ”, hai bài này ghép với nhau để nói lên ước mơ không trọn vẹn của người dân.

Bây giờ, chúng ta là những người muốn đóng góp cho xã hội, xây dựng một xã hội “lý tưởng” như là tìm người yêu trong giấc mộng. Nhưng nếu “người yêu” là bác Hồ thì làm sao giết người trong mộng? Nhưng nếu “người yêu” trong giấc mộng là LĐA thì làm sao hiểu được người trong mộng?

Vậy những người tìm hiểu LĐA là những người quan tâm về đất nước, dân tộc cũng là con đường LĐA đã đi. Vậy tại sao 2 tư tưởng không gặp nhau?  Cho dù tư tưởng LĐA được Phạm Khắc Hàm viết lại dưới “Triết Lý Tổng Thể” cũng chỉ soi sáng phần tổng thể, cái ý ngoài “lý”. Nhưng có thể nào Phạm Khắc Hàm đã đạt đến “vô ngã” mà quên chỉ đường nào đến “vô ngã”. Phải chăng chỉ có vô ngã mới hiểu LĐA?

Để hiểu LĐA không phải đi tìm lãnh tụ, tổ chức, chủ nghĩa…bên ngoài mà là bên trong: bản thân của bạn.

LĐA đã viết những tác phẩm của ông trong một thời gian rất ngắn. Đọc và viết trong thời tao loạn và dưới áp lực của cộng sản quốc tế và cộng sản Việt Nam (Việt Minh), thực dân Pháp và sự phân hóa trong hàng ngũ các đảng phái quốc gia, LĐA chỉ có thể làm được như vậy và không có thì giờ để giải thích hay huấn luyện những truyền nhân.

Chữ nghĩa của LĐA dùng có thể độc đáo hay lỗi thời nhưng ông đã nhắc “đắc ý vong ngôn” (được ý quên lời). Nhưng ai cấm bạn bóp méo ý của LĐA?

Chúng ta không phải là thiên tài như LĐA nói nuôi “Tâm sinh thiên tài”: nuôi Tâm như thế nào?

Chúng ta lại phải đi tìm Tâm. Mà Tâm thì như: “Tâm viên, mã ý” theo nhà Phật diễn tả tâm như khỉ, vượn luôn di động và ý cũng như ngựa luôn luôn chạy. Vậy Tâm phải Định, phải tĩnh lặng… mà nhà Phật gọi là Thiền. Nhưng nhà Phật chỉ vào con đường xuất thế, ly gia…

Ngay cả trong tài liệu Tu Dưỡng Thắng Nhân, LĐA cũng nói rất sơ sài nhưng chúng ta có thể hiểu mỗi cá nhân cần chuẩn bị khi bước vào con đường Duy Dân… cũng như trong tập Sinh Mệnh Tâm lý nói về sinh mệnh cơ cấu và sinh mệnh hệ thống của con người…

Đặc điểm chung (mẫu số) là bỏ cái “ngã” (cái tôi), bỏ hết: giống như một nhà tu, LĐA người không bận gia đình, không tham vọng, không tài sản. Nhưng KHÔNG vướng bận những điều trần tục có thể nào giúp giải quyết những vấn đề thế gian tục lụy? Tỷ lệ “cách mạng toàn diện, triệt để, xuyên suốt” tăng đồng thuận theo tỷ lệ “Tu Dưỡng Thắng Nhân”. Nếu các bạn thấy bất cứ lãnh tụ nào thiếu sót trong phần Tu Dưỡng Thắng Nhân thì các bạn có thể tin rằng nhân vật đó chưa thực hiện “cách mạng toàn diện, triệt để, xuyên suốt” cho bản thân vì từ tâm lý phát sinh hành động và nếu còn những riêng, tư vị ngã thì như vậy không thể nào đóng góp “cách mạng toàn diện, triệt để, xuyên suốt” cho xã hội. Có nhiều người dị ứng với từ ngữ cách mạng chỉ vì các nhà chính trị gọi là cách mạng khởi đi từ Công Xã Ba-Lê của Pháp đến cách mạng Nga, cách mạng Trung Hoa… Cu-Ba, VN…chỉ là “thùng rỗng kêu to”. Nó chẳng có sách vở, lý luận, nguyên tắc, cương thường… vì các nhà cách mạng, chính trị gia đó không hề có tu dưỡng bản thân. Chính bản thân họ còn không biết tương lai về đâu ngoài chuyện nắm chính quyền và tiêu diệt, đàn áp kẻ chống đối. Những cuộc chính biến đó là đảo chánh chứ không thể gọi là cách mạng vì nó chỉ thay đổi hời hợt bên ngoài. Khi “giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị” (LĐA, Sinh Mệnh Tâm Lý) thì có nhà chính trị hay chế độ chính trị khởi đi từ giáo dục đâu?

Con người sinh ra và lớn lên, ý thức có một Tâm hồn mắc kẹt trong một Thân thể. Đó là Sinh Mệnh Tâm Lý.

Hiểu Sinh Mệnh Tâm lý mới hiểu thế nào là “chính kỳ sở mệnh”.

Hiểu Sinh Mệnh Tâm lý mới hiểu tại sao trong cuộc sống con người (lãnh tụ hay thường dân)  đã có những lúc chao đảo, yếu đuối, thăng trầm… và mỗi cá nhân cần chuẩn bị như thế nào để vượt qua trong cuộc sống không phải vì dục vọng mà bằng sự hiểu biết, giáo dục mới thay đổi tận gốc rễ của vấn đề.

Vì LĐA đã không đi vào chi tiết chúng ta nên phải mượn “tư tưởng” của Krishnamurti để hiểu rõ hơn làm sao “tu dưỡng Thắng Nhân”, thế nào là cách mạng bản thân, cách mạng xã hội, giáo dục, tự do, hòa bình, chuyển hóa tâm thức …

Nếu chúng ta không thành thật, tử tế, lương thiện với chính bản thân ta thì ta sẽ thành thật với ai? Chúng ta đã thấy trò hề của nước Mỹ khi tuyên thệ (ra tòa, nhậm chức) đặt tay lên Kinh Thánh (Bible) để chứng tỏ nói thật. Và cho dù tam quyền phân lập, thượng tôn pháp luật (rules of law), tự do báo chí… nhưng gian dối, tội ác và chiến tranh vẫn tiếp diễn. Làm sao xác định chân lý (sự thật, God) trong tâm mỗi người? 

Hiểu LĐA không phải thuộc từng chữ mà là hiểu ý và hiểu lý ngoài ý. Tư tưởng của LĐA thành hình theo thời gian “động” theo biến chuyển của con người, xã hội chứ không đứng tại một thời điểm “tĩnh” của 1940 hay 1990. Hiểu LĐA không phải là phát sinh từ một nhân vật (lãnh tụ, người truyền đạo) mà là cùng nhau học – hành (tri hành đồng tiến). Những dự án LĐA đưa ra là mô hình để dựa vào mà khai triển theo thời đại chứ không do quyết đoán của một vài cá nhân. Nếu dân không thuận thì không còn là “Duy Dân” nữa mà chỉ còn là “Duy” đảng mà thôi, cho dù là đảng cách mạng, đảng “Duy Dân”…

Vì Duy Dân nên mọi tầng lớp dân chúng đều có thể tham dự được không phân biệt trình độ. Giúp người dân ý thức và tham dự xây dựng xã hội là trách nhiệm của những người Duy Dân. LĐA thường nhắc tới nguyên tắc “tung-hợp” (ngang – dọc). Nếu bạn hiểu Duy Dân mà quên tung-hợp (tung: bản thân; hợp: quần chúng, tập thể, xã hội) thì có lẽ phải xét lại cái gọi là “Duy Dân” của bạn.

Vì là Duy Dân nên mọi người dân (mỗi người dân) là một viên gạch xây dựng căn nhà Duy Dân. Nhưng mỗi viên gạch phải vuông vắn (tu dưỡng thắng nhân) thì mới sát cánh với nhau thành tường, nhà, thành phố, xã hội …chứ nếu mỗi viên gạch méo mó thì bức tường sẽ đổ. Đừng lo Duy Dân không có chỗ cho bạn chỉ sợ bạn không biết hay không chấp nhận “chính kỳ” để “sở mệnh” mà thôi.

Chúc bạn thành công trên đường học tập Duy Dân.

Làm Sao Hiểu Được Lý Đông A? (P2)

TCL

8-11-17

VA

Nguồn: https://nganlau.com/2018/03/15/lam-sao-hieu-duoc-ly-dong-a-p1/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Sinh Mệnh (Tự chủ) P1

  Để giải quyết nhu cầu nhu yếu, Con Người phải tự làm chủ lấy mình, tự mình quyết định cho cuộc sống của chính mình và xã hội mình đang sốn...