Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Làm Sao Hiểu Được Lý Đông A? (P2)

Duy Dân được biết đến qua Lý Đông A (LĐA) trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập. Nhiều người đọc những tài liệu ông viết đều cho ông là thiên tài nhưng không mấy ai hiểu rõ những gì ông đã viết.

Trong những tài liệu ông viết nhắc đến cuộc cách mạng toàn diện, triệt để… nhưng không ai biết sẽ thực hiện ra sao. Không may ông mất sớm (hay bỏ đi) và chẳng có người tiếp nối. Trong khi đó cộng sản Việt Nam (CSVN) với sự giúp sức của Đệ Tam quốc tế xâm nhập cuộc kháng chiến giành độc lập của người dân VN và biến thành “cách mạng mùa Thu”. Gọi là “cách mạng” nhưng thực chất chỉ là giành độc quyền cai trị của đảng cướp mượn lý luận của Karl-Marx lẫn mô hình “xã hội chủ nghĩa” để nô lệ hóa dân tộc. CSVN đã đưa dân tộc vào cuộc chiến liên tục để thực cái gọi là lý tưởng “cách mạng xã hội chủ nghĩa” nhưng thực sự chẳng có gì thay đổi ngoài việc đưa miền Bắc VN trở về thời đồ Đá (Stone Age).

Trong khi đó miền Nam VN với những cuộc đảo chánh liên tục, gọi là “cách mạng” cũng chẳng có gì thay đổi ngoài thay các ông tướng tham nhũng bằng những ông tham nhũng khác. Từ đó người VN không có mấy thiện cảm với “cách mạng”.

Có lẽ những cuộc “cách mạng” từ Pháp, Mỹ có thể giúp người VN hiểu thêm về đời sống xã hội và sự đấu tranh của con người. Nhưng rồi sau hơn 40 năm sống với nền dân chủ Mỹ, nước Mỹ và thế giới tiếp tục phát triển kinh tế, thịnh vượng thì chiến tranh, hỗn loạn, nghèo đói, bệnh tật… vẫn tiếp diễn. Có điều gì sai lầm, làm sao thay đổi? Phải chăng loài người vẫn còn cần một cuộc cách mạng thực sự, toàn diện, triệt để và xuyên suốt như LĐA đã nói?

Loại bỏ những từ ngữ đặc dị trong những tài liệu ông viết, hiểu LĐA không phải dễ. Viết trong một thời gian rất ngắn LĐA đã phác họa một triết học, một cấu trúc nền tảng, một sơ đồ thiết kế với cơ năng, bản vị, nguyên tắc, lý luận… từ giáo dục, kinh tế, chính trị, hiến pháp, xã hội, văn hóa…từ khoa học kỹ thuật Tây Phương tới khoa học huyền bí  Đông Phương.  

Không mấy ai có thể hiểu LĐA viết gì chứ đừng mơ tưởng sẽ làm gì. Nhưng mọi người ai cũng muốn hiểu và biết là những gì LĐA phác họa là thực sự cho con người, loài người; và ai cũng muốn có sự bảo đảm là tinh thần của LĐA sẽ được thực hiện mà không bị bóp méo, pha trộn cho mưu đồ riêng tư của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Cái gì khác biệt giữa cách mạng của LĐA đề cập và cái gọi là “cách mạng” mà chúng ta biết trong quá khứ?

Để hiểu cách mạng của LĐA, chúng ta cần hiểu triết học, xã hội học, lịch sử, kinh tế, giáo dục, quân sự (chiến tranh), văn hóa (chủng tộc, khảo cổ), sinh vật, luật pháp, khoa học – kỹ thuật… và ngay cả Dịch Lý, Phong Thủy (Dương Trạch). LĐA có nhắc tới  Kỳ Môn Độn Giáp, Địa Lý (Âm Trạch) nhưng có lẽ không con mấy ai am tường những sở học này.

“Cách mạng” không phải là những cái mũ (nón) chụp lên đầu nhân dân và như thế cuộc “cách mạng” gọi là thành công. CS đã thành công trong việc lường gạt người dân từ Nga, Tàu, VN… về  một thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa với những lý luận gian lận, mờ ám kèm theo thủ đoạn, bạo lực và kết quả là một “Thiên đường mù” của “Đêm giữa ban ngày”.

Vậy cuộc “cách mạng” thực sự mà LĐA mô tả sẽ như thế nào?

Duy Dân không đòi hỏi lập đảng cướp chính quyền như CS. Duy Dân không cổ võ nắm chính quyền như điều kiện tiên quyết để thực hiện Duy Dân. Duy Dân là giáo dục dân trí theo một triết học, phương thức, lý luận với nguyên tắc trong mọi mặt đời sống của con người để xây dựng hòa bình, hạnh phúc không phải cho một dân tộc hay một quốc gia mà toàn thể nhân loại. Khi những người hoạt động ngoài chính quyền và trong chính quyền đều có cái nhìn chung về một nền tảng cương thường về nhiệm vụ của người dân, của chính phủ, những phương thức hành động, công bằng xã hội, luật pháp, kinh tế…thì sẽ tránh được rất nhiều xung đột, hiểu lầm hay những khuynh đảo đưa đến cảnh xóa đi làm lại, sửa sai, sai sửa rồi lại sửa sai như đã xảy ra cho cả chế độ cộng sản (độc đảng) sản lẫn tư bản (lưỡng đảng hay đa đảng). 

Không phải ai cũng có thể hiểu như LĐA nhưng mọi người đều có thể tham dự vì đó là Duy Dân. Dân có tham dự mới là Duy Dân. Muốn dân tham dự thì phải giúp người dân hiểu rõ vấn đề. Không phải dùng bạo lực, đe dọa, lường gạt hay kiểm soát miếng ăn như cộng sản đã áp dụng. Cũng không phải kích động những quyền lợi kinh tế, tiêu thụ, hưởng thụ…như chế độ kinh tế thị trường (tư bản) và che dấu những nhiệm vụ đích thực của người dân.  Vậy những ai gọi là người Duy Dân (học tập tư tưởng LĐA) có nhiệm vụ giải thích cho quần chúng và những ai hoạt động phục vụ công chúng (trong chính quyền và ngoài chính quyền) tham dự và xây dựng tư tưởng Duy Dân. Làm như thế nào còn tùy thuộc khả năng diễn giải của những người “cán bộ” Duy Dân.

Dựa vào đâu?

Vào Sinh Mệnh Tâm Lý.

Tu Dưỡng Thắng Nhân (TDTN) như LĐA nói thì ai cũng có thể làm. Nhưng làm thực hay giả thì ai biết?

Đó là nhiệm vụ của Sinh Mệnh Tâm Lý (SMTL).

SMTL như  là một thẻ căn cước thiên nhiên mà tạo hóa gán đặt cho mỗi con người từ khi sinh ra. SMTL chi phối suy nghĩ (tư tưởng) và hành động của mỗi người. Con người sinh ra giống nhau và trên mặt luật pháp coi như bình đẳng nhưng thực tế hoàn cảnh thiên nhiên, xã hội, gia đình, huyết thống…. số mệnh (Đông phương: tử vi, nghiệp) đã khiến mỗi người có những hành động, sự nghiệp khác nhau trong cuộc sống.

Vậy nếu mỗi người qua TDTN để sống thực, nói thực thì SMTL sẽ xác định khả năng và vai trò của cá nhân trong xã hội. Giáo dục là quan sát, tự hiểu mình. Hiểu Sinh lý, Tâm lý, Mệnh lý là hiểu mình và hiểu người. Người khác (kể cả lãnh đạo tôn giáo, chính trị) nói và làm không đồng nhất thì bạn có thể biết đó là hạng người như thế nào. Khi con người vượt qua nỗi sợ hãi, dục vọng, tín ngưỡng, tình yêu, sự chết, thời gian, chiến tranh, hòa bình…thì sự chuyển hóa cá nhân sẽ xảy ra và khi con người thay đổi thì xã hội thay đổi và do đó cuộc cách mạng xã hội thực sự xảy ra.

Giúp con người vượt qua những trở ngại đó là trách nhiệm của những ai học tập tư tưởng Duy Dân.   

TCL

11-10-17

VA

Nguồn: https://nganlau.com/2018/03/15/lam-sao-hieu-duoc-ly-dong-a-p2/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...