Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2022

Bàn Về Các Tài Liệu Duy Dân Của Cụ Lý Đông A

Những ai quan tâm về Con Người, Xã Hội -- khi bắt gặp được tài liệu Duy Dân do cụ Lý Đông A viết thì sẽ thấy được cái sâu sắc trong tư tưởng Duy Dân của một người Việt rất trẻ, có tài năng để đưa ra thuyết Duy Dân -- dựa vào lịch sử của Con Người để hình thành thuyết phục vụ đời sống của người.

Đọc và hiểu Duy Dân lại là một vấn đề khác sẽ được bàn thảo trong một bài viết khác. Trong phạm vi của chủ đề này, người viết xin được đóng góp ý kiến để những ai đọc tài liệu Duy Dân của cụ Lý trên trang mạng thangnghia.org cần phải lưu tâm đến những vấn đề sẽ được đặt ra trong bài viết này.

Tinh Thần Trách Nhiệm

Có thật các tài liệu trong chương mục Tuyển Tập Lý Đông A thực sự do chính tay Lý Đông A viết và có bản gốc để chứng minh điều đó? Theo ý của một người Duy Dân thuộc chi bộ 002, thì 70% tài liệu Duy Dân đều là sự ghi chép lại, 30% tài liệu tạm gọi là tài liệu gốc gồm “các Bài Thơ (Đạo Trường Ngâm). Các Bài văn ngắn gọn và dễ nhớ được thu tập trong Tập Huyết Hoa do Nhà Xuất Bản Gió Đáy in ở Sài Gòn., Thêm hai bản Tuyên Ngôn "Ngày Thành Lập Tổng Đảng Bộ" và "Duy Dân Học Xã". gốc do chính tay cụ Lý viết”. Dựa vào lời nhận định trên, đa số các bài trên trang mạng thangnghia.org chỉ là ghi chép lại chứ không phải là tài liệu gốc. Điều này sẽ được dẫn chứng ở phần hình thức để thấy rõ nhận định bên trên hoàn toàn đúng.

Theo điện thư của ông Đoàn Viết Hoạt, người chủ xướng trang mạng thangnghia.org thì cái 30% cho là tài liệu gốc, do chính cụ Lý viết thì ông Hoạt không đồng ý bởi không có tài liệu gốc để so sánh và lượng giá. Nhận định của ông Hoạt đưa ra hai suy luận (1) các tài liệu 100% là bản gốc bởi không có tài liệu gốc so sánh thì người ta có thể cho là bản gốc 100% (2) 100% hoặc ít hơn, hoặc nhiều hơn con số đưa ra là bản ghi chép lại.

Một tài liệu gốc, cho dù là được viết tay, đánh máy và đưa vào dạng bài điện tử, phải có bản gốc từ chính tác giả viết ra. Nếu có bản gốc của tác giả thì cho dù ghi chép lại từ nhiều người khác nhau, bản ghi chép đó hoàn toàn giống nhau chứ không thể khác nhau. Thí dụ bản Hiến Pháp của Mỹ dù là bản điện tử hay bản in đều giống nhau và có bản gốc tàng trữ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nếu quan niệm tài liệu gốc là thế -- thì theo lời nhận định của ông Hoạt, bởi vì không có tài liệu gốc để so sánh và lượng giá, cho nên 100% tài liệu Duy Dân trên thangnghia.org là tài liệu ghi lại theo nhận định của người viết bài này. Tài liệu của cụ Lý vì không có bản gốc viết tay của cụ Lý, lại thêm các bản ghi chép cho cùng một vấn đề không hề giống nhau 100%, cho nên lập luận tất cả những tài liệu trên thangnghia.org chỉ là ghi chép lại lời của cụ Lý thì cũng khá hợp lý.

Nếu là tài liệu ghi lại thì tại sao người ghi không chịu trách nhiệm mà ở dưới bài đều đề tên của Lý Đông A? Ai có đủ tư cách để nhận định người ghi lại là đúng hoàn toàn để có thể dán cái nhãn Lý Đông A vào cuối tài liệu? Chúng ta đang nói đến tính chính danh. Nếu là người ghi lại những gì Lý Đông A nói thì không thể nào tự ý đề tên cuối bài là của Lý Đông A, ngoại trừ có sự đồng ý và chữ ký của Lý Đông A bên dưới. Dĩ nhiên phải có bản gốc để người đọc có thể so sánh hai bản cùng giống nhau. Còn khi mà bản gốc không có, chỉ được ghi lại qua sự hiểu biết của mình thì người ghi lại phải chịu trách nhiệm. Tiếc rằng tất cả những tài liệu Duy Dân trên trang mạng thangnghia.org đều đề tên là Lý Đông A, dù rằng có những tài liệu, phần đầu ghi rõ là được ghi lại, được dựa vào nhiều tài liệu khác để viết thành một tài liệu rõ ràng hơn, đầy đủ hơn nhưng rồi bên dưới lại đóng mộc tên Lý Đông A.

Có thể đó là cách làm việc của những người thuộc thế hệ trước. Tuy nhiên ở thời điểm của thế kỷ 21, khi mà bản quyền được xem là quan trọng, bản gốc được đánh giá là do chính tác giả viết ra chứ không phải do người khác ghi lại thì không thể nào tiếp tục cái tinh thần thiếu trách nhiệm trên. Vấn đề đặt ra là những tài liệu đã có, do những người đi trước ghi lại, không rõ là ai vậy thì giải quyết ra sao? Nếu không rõ là ai thì đơn giản là đề tên người ghi lại không được biết rõ. Đó là tinh thần trách nhiệm và tôn trọng bản quyền. Cũng không thể nào đề chung chung là ghi lại do HHTN (Học Hội Thắng Nghĩa) hay ĐNHX (Đồng Nhân Học Xã) bởi hai tổ chức trên được hình thành từ những con người bằng xương bằng thịt thì khi ghi lại, cá nhân bằng xương thịt đó phải chịu trách nhiệm chứ không đánh đồng cá nhân với tên của một tổ chức để chạy trốn trách nhiệm trước bài ghi lại của mình.

Hình Thức

Nếu thực hiện được điều bên trên thì người đọc sẽ hiểu được tại sao những tài liệu của cụ Lý Đông A, nếu xét về hình thức trình bài thì không giống nhau bởi do nhiều người ghi lại và trình bày theo sự hiểu biết của mình.

Lấy vài thí dụ điển hình để nói lên cái hình thức không giống nhau -- đó là trong các tài liệu Duy Dân, có tài liệu như Duy Nhân Cương Thường, cứ mỗi một đoạn thì được đánh số từ 1 cho đến con số cuối cùng của các chủ đề nào đó, cho dù các chủ đề đó được chia ra A,B,C hoặc I, II, III nhưng con số thì cứ tiếp tục mà không bắt đầu từ số 1 cho sự mở đầu của mỗi chủ đề A, B, C ….

Có người lý luận đây là cách viết của Lý Đông A. Lý luận này thiếu luận cứ bởi (1) không có bản gốc để chứng minh đây là cách viết của Lý Đông A (2) và nếu đúng đây là cách viết của Lý Đông A thì tại sao ở những tài liệu khác lại không viết theo cách như thế? Một người có sự hiểu biết như Lý Đông A thì không thể nào viết và sắp xếp cách viết hoàn toàn không thống nhất. Cho nên cách giải thích duy nhất là những tài liệu Duy Dân chỉ là ghi lại từ nhiều người. Thí dụ tài liệu Chìa Khóa Thắng Nghĩa trên trang mạng thangnghia.org, lời giới thiệu là được ghi lại từ 7 tập “chìa khóa thắng nghĩa” của nhiều tài liệu để so sánh, đối chiếu và viết lại thành Chìa Khóa Thắng Nghĩa (bản thứ 8) cho hoàn chỉnh hơn. Vậy thì với tài liệu Duy Dân của Chìa Khóa Thắng Nghĩa có tất cả 8 bản do 8 người (hay nhóm) viết cho một chủ đề như thế. Điều này càng chứng minh là các tài liệu Duy Dân đã không còn bản gốc để xác định đó là của cụ Lý hay do ai đó thêm vào, diễn đạt theo ý của mình rồi đóng mộc chữ Lý Đông A ở cuối bài (đây là mạo danh).

Một thí dụ khác trong tài liệu Duy Nhân Cương Thường bản năm 2016 (trên thangnghia.org) trang 16 ghi Tam Nhân là Giáo Dục: Lễ, Chính Trị: Nhạc, Hòa Bình: Thiện. Nhưng bản trên thangnghia.org của năm 2020, trang 18, ghi Tam Nhân ngoài những chữ ở năm 2016 nay lại thêm Nhân Bản, Nhân Tính, Nhân Chủ và Nhân Đạo, Nhân Sinh, Nhân Cách. Sáu cái Nhân này để trong mặc đơn. Vậy thì bản gốc (nếu có) đã bị thêm, bị sửa đổi do ai đó muốn làm chuyện này, do người ghi lại chứ không phải là của Lý Đông A viết. Chưa kể một chủ đề Tam Nhân nhưng bản năm 2016 thiếu chữ nay bản năm 2020 có thêm chữ để nói Tam Nhân. Còn nội dung hoàn toàn không giải thích được cái tam nhân là gì trong bản năm 2016 lẫn năm 2020. Có thể trong tương lai tài liệu Duy Nhân Cương Thường hoặc những tài liệu đang có sẽ được sửa đổi tiếp với nội dung thêm hoặc bớt; và vẫn để tên Lý Đông A bên dưới bởi người ghi lại không muốn chịu trách nhiệm sản phẩm ghi lại của chính mình.

Qua dẫn chứng bên trên thì chúng ta cần phải nhìn nhận là các tài liệu Duy Dân đều được ghi lại chứ không phải của cụ Lý viết. Chỉ khi nào có cái nhìn như thế thì chúng ta sẽ không còn thắc mắc là nếu cụ Lý tài giỏi nhưng việc nhỏ nhất là không thống nhất được hình thức trình bày thì ai tin những nội dung. Tức là điều nhỏ (hình thức) không đồng nhất thì làm sao lại nói đến điều lớn (nội dung) quan trọng hơn.

Nội Dung

Khi giải quyết được tinh thần trách nhiệm, và hình thức không hợp nhất thì chúng ta hiểu (đưa đến kết luận) tất cả tài liệu Duy Dân của hôm nay trên thangnghia.org là do sự ghi lại của những người Duy Dân thuộc thế hệ trước. Họ cố gắng lưu truyền lại những tài liệu mà những người đó thấy rằng có giá trị ở tương lai -- mặc dù, có thể vào thời điểm đó, họ vẫn chưa hiểu rõ được cái Duy Dân mà cụ Lý nói đến ra sao, như thế nào trước những tiên đoán của cụ Lý cho tình hình thế giới cũng như hình thức Nhân Chủ Dân Chủ là gì mà cụ Lý nói đến.

Những tài liệu đó đã được lưu tải cách đây gần 80 năm và được ghi lại nhiều lần. Sự ghi lại đó sẽ tạo ra bản gốc (nếu thực sự ghi lại từ bản gốc) sẽ bị thay đổi. Có nghĩa là nếu thiếu một chữ, hoặc thêm một chữ thì ý nghĩa của vấn đề sai lệch nhau rất xa. Cho nên tất cả những nội dung trong Duy Dân cần phải đọc cẩn thận, bằng tri thức của người đọc, bằng kinh nghiệm của cuộc sống, của bản thân để nắm rõ cái nào thích hợp, cái nào không còn thích hợp. Để hiểu rõ tại sao ở tài liệu này gọi là Giám Sát Viện nhưng ở tài liệu khác gọi là Kê Sát Viện dù rằng trách nhiệm của hai cơ quan này giống nhau. Để sẵn sàng thách thức trong diễn giải nội dung hoặc đặt những câu hỏi và đưa ra câu trả lời, nếu có, cho câu hỏi mình đặt ra. Đơn giản là có một số vấn đề, cụ Lý viết rất là cô đọng và người ghi lại đôi khi lại cô đọng hơn -- cho nên đọc để hiểu rõ nội dung của câu đó là gì thì phải hiểu lý, ngoài lý như đề nghị của cụ Lý khi nhắc đến câu nói của Lản Ông “Đọc sách tìm nghĩa không khó, hiểu được lý mới khó, mà hiểu ngoài lý càng khó hơn nữa”.

Những ai quan tâm về Con Người, Xã Hội khi đọc tài liệu Duy Dân, dù không phải tài liệu gốc mà chỉ là tài liệu ghi lại, sẽ thấy được cái hay của Duy Dân là để phục vụ cuộc sống của Con Người trong xã hội, giải quyết được những khó khăn mà nền dân chủ trên thế giới đang đối diện. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu Duy Dân dựa vào lịch sử của Con Người để dựng lên thuyết -- nhằm mục đích phục vụ Con Người thì tại sao, đến giờ phút này, chẳng có mấy người hiểu và nắm những nguyên lý đó áp dụng vào thực tế cuộc sống?  Phải chăng Duy Dân thực tế hay chỉ là mơ tưởng của những triết gia?

Duy Dân rất thực tế bởi dựa vào cuộc sống của Con Người ở quá khứ để dẫn chứng cho hiện tại và tiên đoán tương lai. Duy Dân dựa vào những nguyên lý sinh hoạt của loài người để lập thuyết nhằm mục đích phục vụ con người với quan niệm “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh”. Lý do Duy Dân vẫn chưa được nhiều người biết đến chỉ bởi vì những người theo đuổi Duy Dân chưa làm chuyện diễn giải Duy Dân vào thực tế đời sống của Con Người hiện tại, xã hội hiện tại mà chỉ nhai đi, nhai lại chữ nghĩa của Duy Dân. Có người Duy Dân thuộc làu chữ nghĩa Duy Dân nhưng hoàn toàn không biết áp dụng vào chính bản thân của mình cho vấn đề Tu Dưỡng Bản Thân để thắng ở chính Con Người của mình. Có người Duy Dân đem bằng cấp ra để nhận định “trình độ” của cá nhân đối diện khi cá nhân đó thách thức cách làm việc và sự giải quyết vấn đề không ở gốc mà ở ngọn. Có người quan niệm là mình đã tiếp cận, học hỏi tài liệu Duy Dân 10 năm thì phải hiểu và giỏi hơn người mới vào học hỏi Duy Dân. Đó chính là thất bại của Duy Dân đã không triển khai vào thực tế ở chính người theo đuổi tư tưởng Duy Dân -- thì làm sao triển khai vào thực tế của cuộc sống trong xã hội cho nhiều người hiểu rõ Duy Dân ra sao.

Những tài liệu được ghi lại của cụ Lý trên trang mạng thangnghia.org càng đọc càng thấy khó hiểu và đôi khi trái ngược nhau bởi người ghi lại theo sự hiểu biết của mình. Nếu vẫn tiếp tục để những tài liệu này ở dạng hôm nay thì 80 năm trước hoặc 80 năm sau nữa, những tài liệu này được nằm trong viện bảo tàng hoặc bị quên lãng chỉ bởi vì không ai chịu triển khai -- cho thế hệ hiện tại hoặc tương lai thấy được giá trị thực tế của nó. Từ một tài liệu có giá trị trở thành vô dụng khi nó vẫn tiếp tục nằm ở dạng từ ngữ của 80 năm trước; hoặc được nhai lại từng câu, từng chữ chứ hoàn toàn không diễn giải vượt lên trên từng câu, từng chữ để đáp ứng tình hình thế giới, nhân loại của thời đại.

Duy Dân là thuyết mở, thực tế -- chứ không phải đóng khung, không thực tế. Vì là thuyết mở cho nên phải tiếp tục diễn giải cho đúng thực tế của thời đại nhưng mục đích chính vẫn là để phục vụ Con Người (chấp hành nhân sinh). Cách áp dụng Duy Dân và diễn giải Duy Dân phải dựa vào thực tế cuộc sống của cá nhân, của thời đại. Cho nên cái quan trọng của những ai nhìn ra được thực tế của Duy Dân cần phải làm công việc diễn giải -- để thế hệ hiện tại, hoặc thế hệ tương lai có thể nhìn vấn đề gần gũi với mình -- từ đó mới thấu hiểu được Duy Dân là gì nhằm học hỏi và toi luyện bản thân hầu có một con người Duy Dân trước khi có một xã hội Duy Dân, và sau cùng hình thành một chính quyền Duy Dân. Đây chính là thách thức cho những ai thấu hiểu và quan tâm về triết học Duy Dân của Lý Đông A, để bắt đầu công việc diễn giải những tài liệu quan trọng chứ không phải tất cả những tài liệu nằm trên thangnghia.org.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Nguồn: https://nganlau.com/2020/01/15/ban-ve-cac-tai-lieu-duy-dan-cua-cu-ly-dong-a/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

  Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, ...