Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

Chính Trị và Khoa Học

 

Chính trị là một môn học nghệ thuật (art) vì sự trừu tượng, uyển chuyển của các sự kiện, vấn đề đối phó xoay quanh con người.

Khoa học (science) là môn học đòi hỏi sự chính xác vì phát sinh từ toán học, quan sát, thử nghiệm, chứng minh.

Nhưng cả hai có chung một nguồn gốc: Triết học. Triết học là môn học tìm hiểu sự suy nghĩ của con người tới mức độ khôn ngoan nhất. Từ triết học con người suy nghĩ và phát sinh toán học dẫn đến khoa học. Cũng như tôn giáo phát sinh từ sự suy nghĩ khôn ngoan nhất của người sáng lập và dùng hình ảnh của đấng tối cao để răn dạy con người. Tôn giáo thiếu triết học chỉ là những kẻ cuồng tín.

Khi loài người tiến lên từ bộ lạc đến sự thành lập quốc gia thì ý thức chính trị thành hình. Và khi khoa học chưa giải thích được những hiện tượng thiên nhiên thì con người dựa vào tôn giáo đưa đến thần quyền. Sự xung đột giữa Vương quyền (chính quyền) và Giáo quyền trong việc cai trị đất nước và còn xảy ra đến nay.

Tất cả là niềm tin giữa con người và con người. Tin qua tôn giáo hay tin qua chính quyền do người dân chọn lựa. Nhưng khi con người hủ hóa, biến chất thì cho dù là giáo quyền hay chính quyền thì biết dựa vào đâu mà sửa trị?

Vậy thì triết học có giải quyết được bế tắc này không?

Con người là sinh vật biết suy tư, lý luận. Nhưng tiếc thay không phải ai sinh ra cũng có năng khiếu, trình độ như nhau.

Cho dù các nhà lãnh đạo tôn giáo muốn dạy tín đồ những điều tốt lành cũng như các nhà lãnh đạo chính trị muốn thực hiện quốc dân giáo dưỡng nhưng người dân đáy tầng chỉ muốn tứ khoái trước mắt thì làm sao mà giáo dục để nâng cao dân trí?

Vậy khi chính trị gia nói đến khoa học trong những vấn đề của con người, nhân loại thì mục đích là gì?

Khoa học thường là tiến nhanh hơn mọi ngành học khác mở đường cho kinh tế, thương mại, y tế, kỹ nghệ, nông nghiệp.... Mà các chính trị gia thì muốn dân giàu, nước mạnh nhưng  không có lý thuyết, chủ thuyết nào dẫn đường?

Do đó các nhà chính trị thường đem thành quả khoa học ra để vẽ lên một thiên đường như cộng sản đưa ra thiên đường "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" làm bánh vẽ. Cũng không khác gì nền kinh tế tư bản đưa ra thị trường chứng khoán, kích thích người dân tiêu thụ như là niềm vui hạnh phúc của con người.

Chúng ta đã thấy chủ nghĩa cộng sản đã lộ mặt thật và tư bản cũng chẳng hơn gì khi đang khai thác tài nguyên thiên nhiên đến khô cạn và bắt đầu đi tìm trái đất mới?

Con người tạo ra tất cả: triết học, tôn giáo, khoa học.... Vậy khi con người sử dụng những sản phẩm do mình (loài người) tạo nên một cách lộn xộn thì xã hội cũng xáo trộn theo.

Nếu người lãnh đạo (hay có trách nhiệm dẫn dắt) mà thiếu sự suy nghĩ khôn ngoan của triết học thì thường dựa vào tôn giáo hay khoa học. Dẫn chứng những thành quả khoa học hay niềm tin nơi tôn giáo từ các nhà chính trị cho thấy họ đã không nhìn người dân như con người để đối thoại bình đẳng, trực tiếp qua lý luận dẫn chứng cụ thể. Sự vay mượn thành quả khoa học hay tôn giáo có thể là với ý định tốt nhưng dễ sai lạc vì trình độ con người tiếp thụ khác nhau. 

Cả hai con đường đều nguy hiểm cho nhân loại.

Cho dù người phát minh ra một sáng kiến khoa học có ý xây dựng, cải tiến xã hội nhưng trong xã hội vẫn có những kẻ xấu lạm dụng sáng kiến để gây rối xã hội và thủ lợi (thí dụ như tin tặc-hacker-trên mạng). Cũng vậy trên mặt tôn giáo, mục đích của tôn giáo là răn dạy con người sống trong hòa bình, yêu thương nhưng vẫn có kẻ lợi dụng để hại người. Nhưng cũng tại con người mù quáng, ỷ lại nên mới bị gạt bởi những lời dụ dỗ (thí dụ: các vị lãnh đạo tôn giáo chống phá thai nhưng lại làm ngơ trước sự sách nhiễu tình dục trẻ em).

Người làm chính trị phải đối phó đủ mọi vấn đề, mọi mặt. Vậy nếu căn bản, bản chất của người làm chính trị không đủ tu dưỡng để quyết định với những rối loạn của xã hội thì làm sao trị nước, an dân?

Để thuyết phục những người cộng sự viên trong cùng cơ năng, bản vị hay ngành nghề chuyên môn rồi lan ra đến mọi giới trong xã hội thì người làm chính trị phải có một triết lý, không phải triết lý cái dù, cái đình mà là một triết lý áp dụng cho nhân loại. Triết lý phải phục vụ con người, vượt lên trên khoa học, tôn giáo thì mới tránh được những cạm bẫy của khoa học, tôn giáo.

Kết luận

Làm chính trị thì chẳng nên lôi tôn giáo, khoa học ra khen để lôi kéo quần chúng vì đó chỉ là con dao hai lưỡi. Mà chơi dao thì có ngày đứt tay.

Trần Công Lân

Tháng 11 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Nguồn: https://nganlau.com/2021/02/01/chinh-tri-va-khoa-hoc/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Bản Cương Thường: Nhu Cầu Vật Chất

  Nhu yếu là những đòi hỏi về vật chất (ăn, mặc, cư trú), phát triển giống nòi (gia đình), tinh thần (tôn giáo, bạn bè, văn hóa), giáo dục, ...