Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

Tu Dưỡng Thắng Nhân: Im Lặng

 

Im lặng là một sự cần thiết trong cuộc sống của bản thân. Sự im lặng đôi khi được người khác hiểu lầm đó là hành động thiếu lịch sự. Thí dụ ai đó đặt câu hỏi với tác giả và tác giả im lặng không trả lời thì người đặt câu hỏi lẫn người bên ngoài nghĩ rằng đó là hành động thiếu tế nhị (hay xem thường) của tác giả.

Thực tế nếu nhìn vấn đề ở khía cạnh tích cực thì sự im lặng này không phải là thiếu lịch sự mà là sự tự trọng của tác giả cho chính mình và cho người đặt câu hỏi. Hãy cùng nhau tìm hiểu rõ tại sao đây là sự tự trọng cần thiết cho mọi người.

Khi cá nhân nói một điều gì đó trước công chúng thì có ba trường hợp xảy ra.

Trường hợp thứ nhất là người nghe có cùng một kinh nghiệm, một quan tâm, một ý nghĩ với người nói. Ở trường hợp này thì người nghe ít khi đặt câu hỏi. Và nếu người nghe đặt câu hỏi thì phương cách câu hỏi ở một vị thế mà người nói sẽ tiếp tục trao đổi để làm sáng tỏ vấn đề. Đây là trường hợp cùng nhau học hỏi, cho nên người nói cảm nhận được sự quan tâm của người nghe và không giữ thái độ im lặng, trái lại sẵn sàng trao đổi thêm để làm sáng tỏ vấn đề cho cả hai học hỏi.

Trường hợp thứ hai là người nghe đặt câu hỏi mà người nói thấy rằng cần phải giữ sự im lặng bởi qua câu hỏi, người nói cảm nhận được sự hiểu biết của người đặt câu hỏi ở vị trí nào, cho nên không thể nào tiếp tục trao đổi với người đặt câu hỏi. Ở trường hợp thứ 2 thì có hai cách để nhìn vấn đề. (1) Người nghe đặt câu hỏi và người nói thấy rằng câu hỏi đó nằm ngoài sự hiểu biết của mình – mà nếu nằm ngoài sự hiểu biết của mình thì tốt nhất là im lặng bởi ca dao tục ngữ có câu “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Hoặc nếu người nói tế nhị một tí sẽ lên tiếng là câu hỏi đó nằm ngoài khả năng hiểu biết của mình để chấm dứt cuộc thảo luận. Cũng có thể người đặt câu hỏi với mục đích phá đám chứ không phải là để tìm hiểu, trao đổi. Cho nên người nói chọn thái độ im lặng để tạo sự tự trọng cho chính mình và người khác. (2) Người nghe đặt câu hỏi mà người nói thấy được kinh nghiệm của người nghe chưa đủ để hiểu vấn đề của người nói đặt ra. Giống như một người không quan tâm về tư tưởng, con người, hay xã hội mà đặt câu hỏi về những vấn đề này với người nói -- thì người nói dù có giải thích bao nhiêu lần, người hỏi sẽ không bao giờ hiểu được bởi không có sự quan tâm về những vấn đề trên, hoặc sự quan tâm quá ít để hiểu rõ vấn đề ở dạng tổng thể. Cho nên thái độ im lặng là thái độ cần thiết.

Trường hợp thứ ba là người đặt câu hỏi đã có câu trả lời cho chính câu hỏi đó. Mà nếu người đặt câu hỏi đã có câu trả lời thì sự trao đổi cũng sẽ chẳng đi đến đâu, cho nên thái độ im lặng ở trường hợp này là cần thiết để sự tự trọng được xảy ra cho cả hai người (người nói và người hỏi). Hoặc người nói đưa ra vấn đề A nhưng người đặt câu hỏi nhắm vào vấn đề B. Vậy thì thái độ im lặng ở trường hợp này rất cần thiết.

Im lặng là việc làm không phải dễ, đặc biệt là trên mạng xã hội, với nhiều ý kiến, nhiều kinh nghiệm cuộc sống khác biệt nhau để tạo ra cuộc tranh cãi vô bổ cho những đề tài không cần phí phạm thời gian để tranh cãi -- bởi người tranh cãi hoàn toàn không có kinh nghiệm, hiểu biết cho những đề tài mà họ tham gia tranh cãi. Phải biết khi nào chọn thái độ im lặng và khi nào cần phải lên tiếng cho dù tiếng nói đó đi ngược lại số đông của quần chúng.

Thí dụ Trump được chọn là vị tổng thống thứ 45 của Mỹ nhưng sự chọn lựa đó cho thấy số đông cử tri đoàn đã lựa chọn sai người để dưới thời đại của Trump, nền dân chủ của Hoa Kỳ xuống dốc cuối cùng tạo ra sự kiện đảo chính hụt xảy ra tại căn nhà Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021. Thái độ của những người Việt chống Trump, con số này xem ra ít hơn số người Việt (trong và ngoài nước VN) ủng hộ Trump cho thấy số đông chưa chắc đã là đúng.

Muốn đạt được kỹ năng im lặng thì tâm cần phải lắng đọng để lắng nghe từng câu nói của cá nhân, quan sát lời nói của cá nhân đó có thực sự đi đôi với việc làm hay không -- khi có điều kiện trực tiếp làm việc với cá nhân đó. Nếu cá nhân đó nói và làm là hai việc khác nhau thì cần giữ thái độ im lặng trong trao đổi với cá nhân đó -- bởi đơn giản cá nhân đó xài bạc giả (nói và làm hoàn toàn khác nhau). Tâm cần lắng đọng để đọc từng câu, từng chữ của người cho ý kiến trên mạng xã hội để phán xét cá nhân đó thuộc hạng người nào -- hầu chọn thái độ im lặng, không cho ý kiến, không lên tiếng nhằm mục đích tôn trọng ở chính bản thân mình và tôn trọng cá nhân đó. Tâm cần lắng đọng để nhìn được trọng tâm của vấn đề mà người viết đưa lên mạng xã hội để phân biệt giả-thật, ngụy biện-lý luận hầu có thái độ ứng xử cho phù hợp bằng thái độ im lặng hoặc lên tiếng. Và khi lên tiếng cũng phải biết khi nào cần im lặng. Bạn không thể nào tiếp tục tranh cãi với người không hề biết tranh cãi. Chuyện này xảy ra trên mạng xã hội rất nhiều bởi ai cũng nghĩ mình biết tranh cãi.

Chúng ta đang sống ở thời đại mạng xã hội. Nếu vì lý do nào đó mà bạn chọn tham gia mạng xã hội thì càng cố gắng tu dưỡng ở bản thân để biết khi nào cần im lặng. Đây là cách ứng xử tốt nhất để ít nhất mình tự tôn trọng lấy mình và kế đến là tôn trọng người khác chính kiến với mình.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 12 năm 2021 (Việt lịch 4900)

Nguồn: https://nganlau.com/2022/03/24/tu-duong-thang-nhan-im-lang/

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bình Đẳng

Ghi Chú NL : Bình đẳng là một chủ đề phải được nhìn với nhiều góc cạnh khác nhau, với cái nhìn tổng thể thì mới thấy được thế nào gọi là bìn...